Chăm sóc vẹt đuôi dài

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Vẹt đuôi dài là những người bạn sinh động, lôi cuốn với bộ lông sặc sỡ và tiếng kêu vui tai. Loài vẹt đuôi dài phổ biến nhất là melopsittacus undulatus (yến phụng), là một loài vẹt nhỏ, đuôi dài, ăn hạt. Tuy là loài chim dễ chăm sóc, vẹt đuôi dài cũng cần môi trường sạch sẽ, thức ăn thích hợp, sự tương tác và kích thích tinh thần.

Các bước[sửa]

Chọn Loài Vẹt đuôi dài[sửa]

  1. Xác định xem bạn muốn nuôi loại yến phụng cổ điển hay chọn một trong số hàng trăm loài vẹt đuôi dài khác nhau. Cân nhắc các loài vẹt má vàng, vẹt cổ hồng, vẹt đuôi đen hoặc bất cứ loài nào sẵn có nơi bạn ở. Loài yến phụng có nguồn gốc từ Úc, vì vậy đó có lẽ là lựa chọn kinh tế nhất cho người Úc khi muốn nuôi một chú vẹt đuôi dài. Các loài vẹt đuôi dài khác xuất xứ từ Nam Mỹ, châu Phi và nhiều nơi ở châu Á cũng có thể nuôi được như thú cưng với môi trường và thiết bị thích hợp.(như đồ chơi)
  2. Chọn người bán vẹt có uy tín. Cũng giống như chọn bất cứ loại thú cưng nào khác, bạn cần đảm bảo mua vẹt từ người bán có uy tín. Kiểm tra trên mạng để xem thêm các phản hồi. Đề nghị được xem các con chim khác của người bán vẹt để kiểm tra xem chúng có được ở trong môi trường không khí trong lành, không gian rộng rãi, có vẻ thoải mái và được chăm sóc tốt không.
    • Đảm bảo lũ chim không đậu chen chúc trên cành cây, và thức ăn của chúng phải sạch, chất lượng tốt, bao gồm cả hoa quả tươi và rau. Bạn cũng cầm xem có mai mực hoặc khối chất khoáng ở trong lồng không. Những thứ này rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của chim.
  3. Tìm một con vẹt mắt sáng và lanh lợi. Đảm bảo phần gốc mỏ chim (phần mắt kính bên trên mỏ) không có vảy cứng, và lỗ huyệt phải sạch. Huyệt tức là chỗ để lũ chim tống chất thải ra, và huyệt bẩn là dấu hiệu cho thấy chim có vấn đề về đường tiêu hóa.[1] Không chọn những con chim trông lờ đờ và không rời khỏi đáy lồng.
    • Đảm bảo rằng lũ chim trông có vẻ thoải mái, có sức sống và sức khỏe tốt nhất. Có thể bạn cũng cần đến xem lũ chim vào các giờ khác nhau trong ngày, vì vẹt đuôi dài đôi khi chợp mắt và trông buồn ngủ vào ban ngày.
  4. Cân nhắc nuôi một đôi vẹt. Vẹt đuôi dài là loài vật có tính xã hội và thích sống có đôi hoặc sống trong nhóm. Nếu chỉ nuôi một con, bạn cần phải dành thời gian mỗi ngày chơi với chim để thỏa mãn tính thích bầu bạn của nó.[2]
    • Nếu quyết định nuôi nhiều chim, bạn chú ý chỉ nuôi vẹt đuôi dài chứ không nuôi chung bất kỳ loại chim nào khác trong cùng một lồng.
  5. Đưa vẹt mới mua đến bác sĩ thú y. Dù vẹt của bạn trông có vẻ khỏe mạnh, nhưng chúng sẽ không có những triệu chứng cho đến khi bệnh đã nặng, do đó bạn nên đưa chim đến bác sĩ thú y để kiểm tra ngay sau khi mua về. Bác sĩ sẽ kiểm tra psittacosis, một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể lây truyền cho người. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bên trong và bên ngoài để tìm các loại ký sinh trùng, nấm men, nấm macrorhabdus và một số loại vi khuẩn khác.

Chuẩn bị Lồng Chim[sửa]

  1. Mua một chiếc lồng có kích cỡ thích hợp. Kích thước của lồng phải đạt ít nhất là 45cm x 60cm x 60cm, nhưng nếu có thể, bạn cứ mua chiếc lồng lớn nhất. Ưu tiên số đo chiều ngang vì vẹt đuôi dài thường bay ngang hơn là bay lên xuống.[2]
  2. Chọn lồng bằng thép không gỉ hoặc không mạ kẽm. Lồng chim phải được làm bằng thép không gỉ. Không may là nhiều kim loại khác như kẽm, đồng thau hoặc chì có thể gây ngộ độc cho vẹt đuôi dài, và bạn không bao giờ nên dùng lồng chim bị han gỉ hoặc bong sơn. Bạn cũng đừng bao giờ mua lồng chim tròn, vì nó không đủ không gian cho chim bay, và bàn chân nhỏ của vẹt đuôi dài dễ bị thương do các song sắt chụm lại ở phần gần nóc lồng.[3][2]
  3. Chọn lồng có song ngang. Vẹt đuôi dài thích leo trèo, vì vậy bạn nên chọn lồng có song ngang để chúng có thể bám vào và nhảy lên. Khoảng cách giữa các song phải dưới 1,2 cm, nếu không chim có thể đút đầu vào và có nguy cơ bị kẹt lại giữa các song.[2]
  4. Lót đáy lồng để giữ vệ sinh. Bạn có thể lót đáy lồng bằng khăn giấy hoặc giấy in, cả hai loại này đều tốt hơn giấy báo. Khi giấy bẩn hoặc dính phân chim, bạn vứt bỏ và thay giấy mới.[2]
  5. Gắn bát đựng thức ăn và bình nước. Chim cần bát đựng thức ăn và bình nước. Bạn có thể gắn hai món này vào các song trong lồng, nâng cao lên khỏi đáy lồng để khỏi đổ và không bị ô nhiễm vì dính phân chim.[2]
    • Nếu nhốt chung nhiều vẹt đuôi dài trong một lồng, bạn nên cung cấp cho mỗi con một bát đựng thức ăn để con chim trội hơn không thể tranh giành và không cho các con khác ăn.[3]
  6. Trang bị cành cây cho lồng chim. Tốt nhất là dùng cành gỗ của cây ăn quả tự nhiên. Lý tưởng nhất là các cành có đường kính đủ rộng để ngón chân của chim không bị quấn xung quanh và chồng lên nhau, khoảng 1cm là vừa. Cành của cây ăn quả như táo, mận, lê, hoặc cherry là an toàn cho chim để chúng có thể mổ vào, và còn có thể đáp ứng cho thói quen mài móng chân của chim.[2]
    • Hầu hết các cành cây gắn kèm trong các lồng chim thường thiết kế không thích hợp cho chim. Đường kính của các cành cây này quá nhỏ khiến chim không bám được thoải mái và không mài bớt móng được.[2]
  7. Cung cấp đồ chơi cho chim. Vẹt đuôi dài có tính hiếu động, tò mò và cần nhiều thứ kích thích tinh thần. Bỏ vào lồng chim một số đồ chơi để chúng có thứ để nghịch. Đồ chơi mà vẹt đuôi dài đặc biệt thích là gương, chuông hoặc thang để trèo lên trèo xuống.[2]
    • Đồ chơi cần thiết để giữ cho chim khỏe mạnh và vui vẻ. Nếu buồn chán chim có thể kêu rít.
  8. Đặt lồng chim trong phòng nào mà bạn thường ở để thỏa mãn tính thích bầu bạn của vẹt. Vẹt đuôi dài cảm thấy an toàn khi có một nơi để rút lui về, do đó đặt lồng sát vào tường là một ý tốt (để chim không có cảm giác bị phơi ra mọi phía). Tránh đặt lồng chim cạnh cửa sổ hay cửa ra vào vì có thể bị ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào hoặc luồng gió thổi vào vì chim rất nhạy cảm với nhiệt độ.[3]
    • Không bao giờ để lồng chim trong bếp.[3] Hơi bốc lên từ dầu ăn – và thậm chí từ lớp phủ của một số loại chảo rán - gây độc cho vẹt đuôi dài và có thể làm chúng bệnh nặng.[4]
  9. Làm sạch toàn bộ lồng chim. Chỉ thay giấy dưới đáy lồng là vẫn chưa đủ. Bạn nên rửa các thanh chấn song của lồng chim bằng xà phòng và nước thường xuyên, nhất là khi bạn gắn thức ăn vào đó.

Chăm sóc Vẹt Hàng Ngày[sửa]

  1. Cho chim ăn với thực đơn chủ yếu là thức ăn viên. Mặc dù các loại hạt là món ăn rất phổ biến của vẹt đuôi dài trong tự nhiên, nhưng loại thức ăn này cũng là nguồn nhiễm vi khuẩn và có thể gây hại cho sức khỏe và giảm tuổi thọ của chim. Vi khuẩn có thể tích tụ lại và dần dần sẽ khiến chim bị bệnh. Bạn nên cân nhắc chuyển chế độ ăn của chim với 60-70% lượng thức ăn viên. Chim thích nghi với các mức độ khác nhau với thức ăn viên, và thoạt đầu có thể quyết liệt từ chối. Tuy nhiên, khoảng 90% vẹt đuôi dài sẽ thích nghi được trong vòng 2 tuần khi bạn làm theo cách sau:
    • Chỉ cho vẹt ăn hạt trong vòng 1 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và 1 tiếng ban đêm.
    • Thời gian còn lại cho vẹt ăn thức ăn viên.
    • Nói chung, 10% số vẹt không chuyển đổi được chế độ ăn trong vòng 2 tuần sẽ chuyển đổi sau một thời gian ngắn quay lại với chế độ ăn hạt.
  2. Cho vẹt ăn bổ sung hỗn hợp các loại hạt, hoa quả tươi và rau. Ngoài các loại hạt, cho vẹt ăn nhiều loại hoa quả tươi và rau như cải xoăn, củ cải đường, đậu, cà rốt, rau mùi tây, khoai lang nấu chín, táo cắt lát, cam, quýt và các loại quả họ cam quýt. Nếu cho vẹt ăn nhiều loại thức ăn thì bạn đừng bao giờ cho vẹt ăn hai ngày liên tiếp cùng một món. Việc này là để tránh vẹt tiêu thụ quá nhiều một chất nào đó qua một loại thức ăn.[4]
    • Thử gắn các miếng táo hoặc cà rốt vào các thanh chấn song của lồng để cho chim mổ. Đối với các loại hoa quả và rau lớn hơn, bạn có thể băm nhỏ và bỏ vào bát đựng thức ăn của chim.
    • Hầu hết các loại rau và hoa quả tươi đều an toàn cho vẹt đuôi dài, NGOẠI TRỪ quả bơ, cà tím, hạt táo, cây đại hoàng, lá cà chua, lá khoai tây. Bạn cũng không bao giờ nên cho vẹt ăn các thức ăn có caffeine, chocolate hoặc alcohol.[4]
  3. Thay bát thức ăn và nước uống mỗi ngày. Để cho vẹt quen với bạn và với môi trường xung quanh, bạn không nên làm gì khác ngoài việc chăm sóc thức ăn nước uống và dọn vệ sinh lồng chim trước khi huấn luyện cho chim đậu lên ngón tay.
  4. Thết đãi vẹt. Nhánh hạt kê là món khoái khẩu của vẹt, nhưng bạn không nên cho ăn quá nhiều (chỉ cho ăn khoảng 1,3cm mỗi ngày), vì nó gây béo như các loại thức ăn nhanh. Tránh các thức ăn ngọt hoặc quá nhiều yến mạch, cả hai thức đó đều gây béo.
    • Nhánh hạt kê cũng là một trong những cách hiệu quả nhất để huấn luyện cho vẹt đuôi dài đậu lên ngón tay bạn.
  5. Giao tiếp với vẹt. Vẹt đuôi dài cần bầu bạn, vì vậy bạn nên sẵn sàng mỗi ngày dành ít nhất 90 phút để trò chuyện hoặc giao tiếp với chim – tuy không cần liên tục. Bạn cũng có thể huấn luyện vẹt đuôi dài với dụng cụ clicker, đó là một cách thú vị để kích thích tinh thần của chim và khuyến khích chim gắn bó với bạn.
    • Nếu không được quan tâm đầy đủ, vẹt đuôi dài sẽ mất hứng thú với việc tương tác với người. Một đôi vẹt thường gắn bó với nhau (bất kể giới tính) và không quan tâm đến người, nhưng bạn có thể trở thành một thành viên trong đàn vẹt nhờ tương tác với chúng.
    • Một cách để tương tác với vẹt là hát cùng chim, tắm cho chim và nếu nó làm rơi một món đồ chơi, bạn nhặt lên cho nó. Có thể là nó đang cố gắng chơi trò chơi với bạn.
    • Đôi khi vẹt đuôi dài cũng cảm thấy cô đơn. Một cách để làm chim vui lên là trò chuyện với nó.
    • Để huấn luyện cho vẹt leo lên ngón tay bạn, bạn cho nó ăn chút gì đó và nói “Bước lên”. Bạn cứ liên tục nói như thế, vẹt sẽ bắt chước nói theo, và sẽ “bước lên” ngón tay bạn mỗi khi nó nói, và cũng thường nói như vậy mỗi khi leo lên bậc thang.
  6. Thỉnh thoảng cho vẹt ra khỏi lồng. Mặc dù chim có thể bay trong lồng, nhưng nếu mỗi ngày cho vẹt ra ngoài một lần để bay thoải mái hơn cũng là ý tốt. Tất nhiên bạn phải đề phòng những thứ gây tổn hại cho chim, đóng cửa sổ và cửa ra vào, tắt nến và các thứ tương tự. Huấn luyện bằng clicker là một phương pháp tốt để vẹt nghe hiệu lệnh khi đến giờ quay trở về lồng.
    • Có nhiều thứ bạn có thể không nhận ra ngay là nguy hiểm cho vẹt đuôi dài. Trước khi cho vẹt ra ngoài lồng, bạn nhớ không chỉ đóng cửa sổ mà còn phải cất đi hết các vật sáng có khả năng gây nguy hiểm như dao ở trong bếp, tắt quạt, không cho vẹt ở gần sàn chơi xung quanh trẻ em và các thú cưng khác, v.v… Môi trường càng an toàn cho chim thì càng tốt.
  7. Tạo điều kiện cho chim có giấc ngủ tốt. Vẹt đuôi dài ngủ khoảng 10 tiếng một ngày, phần lớn là ban đêm, nhưng chúng có thể thỉnh thoảng chợp mắt vào ban ngày. Khi chú vẹt của bạn đang ngủ, bạn cố gắng đừng làm ồn, tuy nhiên tiếng nhạc hoặc tiếng ti vi vặn nhỏ cũng không sao.
    • Vào ban đêm, vẹt thích sự an toàn khi được che đậy, do đó bạn hãy phủ một chiếc khăn hoặc áo gối lên lồng chim.
  8. Giữ nhiệt độ thích hợp. Vẹt đuôi dài nhạy cảm với sự thay đổi lớn của nhiệt độ. Chúng sinh trưởng tốt ở nhiệt độ trung bình trong nhà, nhưng bạn nên chú ý cho lồng chim có một chỗ khuất để chúng có thể rút lui vào và cố gắng không để nhiệt độ vượt quá 27°C. Không đặt lồng nơi có ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào.
  9. Tận tâm với vẹt. Chăm sóc vẹt đuôi dài đòi hỏi nhiều công sức, nhưng bạn sẽ thấy chúng là người bạn trìu mến và thú vị. Hầu hết chúng đều biết nói, và chúng học được nhiều hay ít thì thực sự phụ thuộc vào bạn. Bạn phải sẵn sàng chăm sóc, dạy dỗ chúng, dành cho chúng sự quan tâm và vui chơi, nếu không thì có lẽ bạn nên tìm thú tiêu khiển khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu hay đi vắng, bạn nên đảm bảo vẹt phải có bạn, nếu không nó sẽ cảm thấy cô đơn, và như thế là không công bằng cho loài vật có tính xã hội này. Trong tự nhiên chúng sống theo đàn với nhiều thành viên. Bạn có thể vặn nhạc khi vắng nhà, thậm chí có thể cài đặt thời gian. Nhạc nhẹ giúp vẹt bình tĩnh khi chuyển đến nơi ở mới.
  • Chỉ cho hạt vào bát thức ăn vừa đủ để phủ đáy bát. Như vậy bạn có thể kiểm soát lượng thức ăn cho vẹt mà không bị bỏ phí. Việc này còn có lợi là không khiến vẹt sục mỏ sâu xuống thức ăn và đảo lộn xộn.
  • Khi đem một chú vẹt mới về, bạn cần đem vẹt đến bác sĩ thú y khám sức khỏe ban đầu và khám định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và lấy kết quả sức khỏe ban đầu để đối chiếu. Tách riêng chim mới để đề phòng lây bệnh cho chim đang nuôi cho đến khi bạn biết chắc là chim mới khỏe mạnh.
  • Không bao giờ cho chim nhìn ra ngoài cửa sổ. Nó có thể bay đâm vào kính và bị thương.
  • Có nhiều loại "thức ăn viên" dành cho vẹt đuôi dài và có hương vị khác nhau. Bạn có thể thử cho vẹt ăn nhiều loại để biết vẹt của bạn thích loại nào. Một số loại trông giống thức ăn cho thỏ, số khác là viên tròn và có hình dạng giống hạt, một số có dạng bột, số khác giống vụn bánh. Kích cỡ các loại thức ăn cũng khác nhau. Bạn có thể nghiền các viên thức ăn lớn ra nhiều cỡ nhỏ hơn cho đến dạng bột để xem chim thích ăn cỡ nào.
  • Bạn có thể chăng rèm bằng dây thừng ở cửa sổ và/hoặc hàng rào quây, hay gắn các đồ vật để cho chim trèo lên và chơi bên ngoài lồng. Bạn cũng rất nên mua bộ đồ chơi vận động cho vẹt để chúng chơi khi bạn bận việc – nhưng đừng bao giờ quên trông chừng chúng.
  • Cắt tỉa cánh của vẹt để chúng khỏi bay khi đủ lông cánh. Cẩn thận với lông măng, lông có lớp bọc ở ngoài và có máu bên trong. Cắt móng cho vẹt khi chúng mọc dài và sắc. Mỏ chim cũng có thể giũa bằng giũa móng tay. Hỏi bác sĩ thú y chuyên trị cho chim để biết thêm chi tiết.
  • Không bật nhạc quá lớn gần vẹt đuôi dài hoặc có cử động đột ngột.
  • Không bao giờ cho vẹt ra ngoài trời.
  • Không bao giờ mua một chú vẹt về rồi đi xa và nhờ người khác chăm sóc. Vẹt sẽ nghĩ người chăm sóc đó là chủ mới của nó.
  • Không bao giờ cho vẹt ra ngoài trời trừ khi bỏ trong lồng.
  • Không bao giờ chọc vào vẹt.

Cảnh báo[sửa]

  • Nhựa của cây thường xanh gây độc cho chim nhiệt đới, vì thế nếu nhà bạn có vòng lá giáng sinh hoặc cây giáng sinh, bạn phải cho chim ở trong phòng khác, tránh xa ngay cả mùi của cây thường xanh. Chim có thể bị thu hút bởi các đồ trang trí lung linh trên cây, do đó bạn nên cẩn thận.
  • Loài chim thường có bản năng giấu bệnh để không tỏ ra yếu ớt trước động vật săn mồi, do đó bạn cần rất cảnh giác trước các hành vi kỳ lạ hoặc lờ đờ của vẹt. Đến khi xuất hiện các triệu chứng thì thông thường chim đã bị bệnh và có lẽ đã qua một thời gian. Bạn nên đem chim đến bác sĩ thú y. Chim có tốc độ trao đổi chất cao, và tình trạng của chúng có thể xấu đi nhanh chóng nếu không được chăm sóc đúng mức. Phát hiện và điều trị bệnh sớm là điều cần thiết.
  • Luôn luôn xác định cành cây định dùng không gây độc cho vẹt trước khi gắn cho chim đậu. Nhiều loại cây có độc!
  • Không bao giờ cho vẹt ăn chocolate, quả bơ, cà phê hay muối. Những thứ này gây ngộ độc cho chúng.
  • Nếu cho vẹt tắm, bạn chú ý dùng khăn lau khô cho chúng sau khi tắm. Nguyên tắc là không tắm cho chim sau 7 giờ tối để chúng có thể khô hẳn trước khi ngủ.
  • Đề phòng cẩn thận, đừng để chim thoát ra ngoài. Điều này có nghĩa là bạn cần tỉa cánh chim, nhắc nhở người nhà, lắp kính cửa sổ và phải thật cẩn trọng. Nếu vẹt đuôi dài sổng ra ngoài, hầu như nó sẽ chết vì bị phơi ra ngoài trời và bị lẫn lộn.
  • Không bao giờ mở cửa sổ khi vẹt đang ở ngoài lồng vì nó có thể bay ra.
  • Đừng lo lắng nếu một nàng vẹt của bạn vào ổ nằm, có lẽ nó đang đẻ trứng. Đừng làm phiền nó, vì nó có thể làm vỡ trứng.
  • Loài chim nhiệt đới thường hay ở dưới các tán cây trong rừng, vì vậy bạn nên chú ý cho vẹt một nơi có bóng mát nếu trời quá nóng. Tránh đặt lồng ở nơi có ánh nắng mặt trời trong những ngày nóng.
  • Không bao giờ để vẹt xung quanh chó hoặc mèo dù trông chúng có vẻ hiền lành. Chó mèo thường hay vồ giết chim. Đó là bản năng tự nhiên của chúng.
  • Các loại hạt thường được tích trữ trong hầm đựng thức ăn cho vật nuôi, nơi chuột thường đến ăn và thải phân ở đó. Mặc dù đã được rửa, vi khuẩn vẫn tồn tại và không thể diệt trừ được bằng cách đông lạnh hoặc bỏ vào lò vi sóng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Nước
  • Đồ chơi
  • Thức ăn
  • Mai mực
  • Khối khoáng chất
  • Lồng chim
  • Nhánh hạt kê (cần thiết để huấn luyện cho chim bay lên ngón tay bạn hoặc đậu trên đó)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://pets.thenest.com/mean-budgie-vent-dirty-10970.html
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 2,8 Wolter, Annette. The Complete Book of Parakeet Care. N.p.: Barron's, 1994. Print.
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 http://www.parakeetcare.org/parakeet-cages.php#.VOkkHlPF8Yc
  4. 4,0 4,1 4,2 Coles, B. H. Essentials of Avian Medicine and Surgery. Oxford, UK: Blackwell Pub., 2007. Print.

Liên kết đến đây