Chương trình tổng thể/Điều kiện thực hiện

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

1. Tổ chức và quản lý nhà trường[sửa]

a) Nhà trường có sứ mệnh phát triển nhân cách cho mỗi học sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thường xuyên thay đổi; là trung tâm văn hoá giáo dục của địa phương; được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

b) Cơ cấu tổ chức bộ máy của nhà trường theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (sau đây gọi chung là Điều lệ trường phổ thông).

c) Lớp học, số học sinh, điểm trường (nếu có) theo quy định của Điều lệ trường phổ thông.

d) Quản lý dạy học và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông; quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và quản lý tài sản (tài chính, đất đai, cơ sở vật chất, tài sản phi vật thể) theo quy định.

2. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên[sửa]

a) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được đánh giá hằng năm từ loại đạt yêu cầu trở lên theo quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học; được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận chính trị, quản lý giáo dục và chương trình mới theo quy định.

b) Số lượng và cơ cấu giáo viên (kể cả giáo viên thỉnh giảng, nếu có) bảo đảm để dạy các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới; 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn; xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, giáo viên trung học; giáo viên được đảm bảo các quyền theo quy định của Điều lệ trường phổ thông và của pháp luật; giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn về dạy học theo chương trình mới.

c) Nhân viên có trình độ chuyên môn đảm bảo quy định, được bồi dưỡng, tập huấn về các vấn đề của chương trình mới có liên quan đến nhiệm vụ của mỗi vị trí trong nhà trường.

3. Đánh giá kết quả giáo dục[sửa]

Phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục phải phản ánh mức độ đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình; hỗ trợ phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cho việc điều chỉnh hoạt động dạy, hướng dẫn hoạt động học nhằm nâng cao dần năng lực của học sinh.

Việc đánh giá kết quả giáo dục để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm độ tin cậy, trung thực, phản ánh đúng năng lực của học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đồng thời bảo đảm phù hợp với quyền tự chủ của cơ sở giáo dục, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

4. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục[sửa]

a) Diện tích khuôn viên và các yêu cầu về xanh, sạch, đẹp, thoáng mát bảo đảm quy định; có cổng, biển tên trường, tường hoặc hàng rào bao quanh theo quy định; có sân chơi, bãi tập, chỗ thực hành ngoài trời theo quy định.

b) Số lượng, quy cách, chất lượng và thiết bị của phòng học bảo đảm theo quy định tối thiểu của Điều lệ trường phổ thông; kích thước, vật liệu, kết cấu, kiểu dáng, màu sắc của bàn ghế học sinh bảo đảm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế; kích thước, màu sắc, cách treo bảng trong lớp học bảo đảm quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế.

c) Khối phục vụ học tập, khối hành chính quản trị và phòng học bộ môn (đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định.

d) Thư viện đạt tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có các tủ sách lớp học, hoạt động của thư viện có tác dụng phát triển văn hoá đọc, khuyến khích và đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu, dạy học của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; bổ sung sách, báo và tài liệu tham khảo hằng năm đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới.

đ) Thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ giảng dạy, học tập và việc sử dụng thiết bị dạy học trong các giờ lên lớp và tự làm một số đồ dùng dạy học của giáo viên bảo đảm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; kiểm kê, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung đồ dùng và thiết bị dạy học hằng năm đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới.

5. Xã hội hoá giáo dục[sửa]

a) Quán triệt quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của toàn dân. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình; thực hiện nghiêm túc các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cơ sở giáo dục phổ thông. Nhà trường chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với các cá nhân, tổ chức đoàn thể ở địa phương để huy động đa dạng các nguồn lực tham gia các hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.

b) Phối hợp tốt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Gia đình, cha mẹ học sinh được hướng dẫn phối hợp và tham gia giáo dục con em theo yêu cầu của lớp học, cấp học; Ban đại diện cha mẹ học sinh có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động.

c) Phối hợp tốt giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhà trường chủ động tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động Đoàn - Đội - Hội, hoạt động xã hội, tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó thực hiện giáo dục học sinh trong thực tiễn đời sống.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây