Chương trình môn Lịch sử/Quan điểm xây dựng chương trình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chương trình môn Lịch sử quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, định hướng chung về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông nêu tại Chương trình tổng thể, đặc biệt là quan điểm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, đồng thời nhấn mạnh một số quan điểm sau:

1. Khoa học, hiện đại[sửa]

Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh tiếp cận lịch sử trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại của khoa học lịch sử và khoa học giáo dục. Cụ thể:

a) Chương trình quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam;

b) Chương trình coi trọng những nguyên tắc nền tảng của khoa học lịch sử, đảm bảo tôn trọng sự thật lịch sử, tính đa diện, phong phú của lịch sử; khách quan, toàn diện trong trình bày và diễn giải lịch sử;

c) Chương trình hướng tới việc hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khám phá lịch sử theo những nguyên tắc của khoa học lịch sử, thông qua đó giúp học sinh phát triển tư duy lịch sử và tư duy phản biện;

d) Chương trình góp phần xây dựng khả năng phân tích, đánh giá các nhân vật, sự kiện, quá trình lịch sử một cách khoa học, giúp học sinh nhận thức được những quy luật, bài học lịch sử và vận dụng vào thực tiễn.

2. Hệ thống, cơ bản[sửa]

Trục phát triển chính của Chương trình môn Lịch sử là hệ thống các chủ đề và chuyên đề học tập về những vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nhằm nâng cao và mở rộng kiến thức thông sử mà học sinh đã được học ở cấp trung học cơ sở. Cụ thể:

a) Các chủ đề và chuyên đề lịch sử của chương trình mang tính hệ thống, cơ bản, xuất phát từ yêu cầu phát triển năng lực và giáo dục lịch sử đối với từng lớp học;

b) Các hợp phần kiến thức của chương trình bảo đảm tính logic (trong mối liên hệ lịch đại và đồng đại, sự tương tác giữa lịch sử Việt Nam với lịch sử khu vực và lịch sử thế giới...);

c) Chương trình bảo đảm cho học sinh tiếp cận những tri thức lịch sử cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng; phát triển cho học sinh năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội của thế giới, khu vực và Việt Nam.

3. Thực hành, thực tiễn[sửa]

Chương trình môn Lịch sử coi trọng nội dung thực hành lịch sử, kết nối lịch sử với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể:

a) Chương trình coi thực hành là một nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực, hiệu quả để phát triển năng lực học sinh;

b) Chương trình tăng cường thời lượng thực hành; đa dạng hoá các loại hình thực hành thông qua các hình thức tổ chức giáo dục như hoạt động nhóm, cá nhân tự học; học ở trên lớp, bảo tàng, thực địa; học qua dự án, di sản;...;

c) Chương trình bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và của các địa phương. Thông qua hệ thống chủ đề và chuyên đề học tập, các hình thức tổ chức giáo dục, chương trình tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt để có thể điều chỉnh phù hợp với các địa phương và các nhóm đối tượng học sinh, đồng thời bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trong cả nước, tương thích với trình độ khu vực và thế giới.

4. Dân tộc, nhân văn[sửa]

Chương trình môn Lịch sử giúp học sinh nhận thức đúng về những giá trị truyền thống của dân tộc, hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam và những giá trị phổ quát của công dân toàn cầu. Cụ thể:

a) Chương trình giúp học sinh có nhận thức đúng về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, vị thế của quốc gia - dân tộc trong khu vực và trên thế giới trong các thời kì lịch sử, hướng tới xây dựng lòng tự hào dân tộc chân chính, nhận thức được thế mạnh và cả những hạn chế trong di tồn lịch sử của dân tộc;

b) Chương trình giúp học sinh hình thành, phát triển các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, chống các định kiến, kì thị về xã hội, văn hoá, sắc tộc, tôn giáo; hướng tới các giá trị khoan dung, nhân ái, tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng giữa các dân tộc, các cộng đồng người, các giới và nhóm xã hội; hướng tới hoà bình, hoà giải, hoà hợp và hợp tác;

c) Chương trình giúp học sinh có thái độ đúng đắn, tích cực đối với các vấn đề bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững và đấu tranh vì thế giới hoà bình, xã hội tiến bộ, minh bạch, công bằng, văn minh.

5. Mở, liên thông[sửa]

Chương trình môn Lịch sử có tính mở, tính liên thông. Cụ thể:

a) Cấu trúc kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử tạo cơ hội cho học sinh kết nối, liên thông với kiến thức, kĩ năng các môn học khác như Địa lí, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh,...;

b) Chương trình dành quyền chủ động cho địa phương và nhà trường phát triển kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, dành không gian sáng tạo cho giáo viên nhằm thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”; chú trọng phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục lịch sử;

c) Chương trình bảo đảm nguyên tắc tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, giữa các lớp học trong từng cấp học và liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây