Chương trình môn Tin học/Quan điểm xây dựng chương trình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chương trình môn Tin học cụ thể hoá các quan điểm của Chương trình tổng thể, chú trọng các yêu cầu sau đây:

1. Tính kế thừa và phát triển[sửa]

a) Kế thừa chương trình môn Tin học hiện hành[sửa]

Chương trình môn Tin học kế thừa và phát triển những ưu điểm cơ bản của chương trình hiện hành là tính hệ thống và tính khoa học, đồng thời tránh thiên về lí thuyết trong một số nội dung và sự trùng lặp giữa các cấp học, gây quá tải.

b) Khai thác chương trình môn Tin học phổ thông của các nước tiên tiến[sửa]

Trong bối cảnh nhiều nước coi trọng phát triển chương trình giáo dục tin học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình môn Tin học khai thác, chọn lọc vận dụng chương trình môn Tin học của các nước tiên tiến nhằm hội nhập, hướng tới trình độ quốc tế.

2. Tính khoa học, hiện đại và sư phạm[sửa]

Chương trình môn Tin học chọn lọc các nội dung cơ bản, phổ thông và hiện đại của ba mạch kiến thức DL, ICT, CS, đồng thời quan tâm đúng mức đến nội dung về đạo đức, pháp luật, văn hoá và ảnh hưởng của tin học đến xã hội, bảo đảm nguyên lí “vừa dạy chữ vừa dạy người” và coi trọng tính nhân văn trong thời đại có sự kết nối cao của thế giới thực và thế giới số.

Chương trình được thiết kế với các nguyên tắc sư phạm: bảo đảm tính vừa sức, phát triển mạch kiến thức vừa theo đường thẳng vừa đồng tâm, xây dựng hệ thống khái niệm cốt lõi. Chương trình chọn lọc nội dung và yêu cầu phù hợp lứa tuổi, xen kẽ những nội dung lí thuyết với thực hành, trừu tượng với trực quan. Các chủ đề lớn xuyên suốt các cấp học với yêu cầu cần đạt nâng cao dần. Các khái niệm cốt lõi được bắt đầu hình thành ở cấp tiểu học và được phát triển hoàn chỉnh dần ở các cấp học cao hơn.

3. Tính thiết thực[sửa]

a) Phục vụ định hướng nghề nghiệp[sửa]

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhiều ngành nghề và việc làm mới xuất hiện đòi hỏi kiến thức, kĩ năng tin học chuyên sâu, Chương trình môn Tin học thể hiện khả năng kết nối và lan toả sâu rộng của tin học đến tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống, xác lập cho các đối tượng học sinh khác nhau một phổ rộng các ngành nghề chuyên sâu và các ngành nghề ứng dụng tin học.

b) Thực hiện giáo dục STEM[sửa]

Định hướng giáo dục STEM đang được triển khai như một hướng đi quan trọng trong giáo dục và đào tạo tại nhiều nước trên thế giới. Với tư cách là công nghệ nền tảng, hội tụ đủ tất cả bốn yếu tố giáo dục STEM (Khoa học (S), Công nghệ (T), Kĩ thuật (E) và Toán học (M)), môn Tin học có vai trò trung tâm kết nối các môn học khác, đẩy mạnh giáo dục STEM, phát huy sáng tạo của học sinh nhằm tạo ra sản phẩm số có hàm lượng ICT cao. Chương trình môn Tin học khai thác ưu thế về tích hợp liên môn bằng cách yêu cầu học sinh làm ra sản phẩm số của cá nhân và của nhóm học tập để thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục hàn lâm và thực tiễn.

4. Tính mở[sửa]

a) Nội dung chương trình mở[sửa]

Chương trình môn Tin học có các chủ đề bắt buộc, đồng thời có các chủ đề lựachọn. Các chủ đề nội dung không phụ thuộc vào thiết bị phần cứng và phần mềm cụ thể, không phân biệt phần mềm và học liệu mở hay đóng, tạo thuận lợi cho việc vận dụng phù hợp với khả năng các địa phương và các đối tượng học sinh khác nhau. Do đặc thù riêng, Chương trình môn Tin học cần được cập nhật và điều chỉnh theo định kì ngắn hạn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm tính hiện đại và thời sự, đáp ứng sự phát triển rất nhanh của công nghệ kĩ thuật số, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

b) Hình thức giáo dục đa dạng[sửa]

Chương trình môn Tin học chọn lọc các chủ đề thiết thực và hấp dẫn, tạo điều kiện cho học sinh học tập và ứng dụng tin học không chỉ trong phạm vi môn Tin học mà cả trong các môn học khác, không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà ở cả các môi trường ngoài khuôn viên trường học (ở nhà, qua mạng máy tính, trong câu lạc bộ và trong thực tế).

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây