Chương trình môn Toán/Giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình
1. Giải thích thuật ngữ[sửa]
a) Một số thuật ngữ chuyên môn[sửa]
- Tạo lập: là tạo nên, lập nên. Ví dụ: Học sinh tạo lập được lục giác đều thông qua việc lắp ghép các tam giác đều.
- Hình học trực quan: Quá trình nhận thức hình học của trẻ em phải đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ hình ảnh trực quan đến những kiến thức hình học đã được trừu tượng hoá, hình thức hoá. Ví dụ: Trong giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 6, học sinh được làm quen với việc học hình học thông qua hình ảnh trực quan hoặc các dụng cụ trực quan (vật thật), không có yếu tố suy luận; học sinh lớp 7, lớp 8, lớp 9 cũng được học hình học không gian với cách tiếp cận này. Vì thế, hình học được giảng dạy trong giai đoạn đầu của tiến trình nhận thức hình học của học sinh được gọi là hình học trực quan. Khi dạy học hình học trực quan, giáo viên không nhất thiết yêu cầu học sinh suy luận, tránh gây áp lực không tốt lên học sinh, nhưng cũng có thể đề cập đến những kiến thức hình học đã được hình thức hoá nếu điều kiện nhận thức của học sinh cho phép.
b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt[sửa]
Chương trình môn Toán sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của người học, được nêu trong bảng tổng hợp dưới đây. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể.
Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng tổng hợp hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.
Mức độ | Một số động từ mô tả mức độ | Ví dụ minh hoạ |
---|---|---|
Biết
(Nhận biết và nhớ lại các thông tin đã được tiếp nhận trước đó) |
Đọc;
Đếm; Viết; Làm quen; Nhận dạng; Nhận biết. |
-
Đếm,
đọc,
viết
được
các
số
trong
phạm
vi
10.
- Làm quen với dãy số tự nhiên và đặc điểm. - Nhận dạng được hình tứ giác thông qua việc sử dụng bộ đồ dùng học tập cá nhân hoặc vật thật. - Nhận biết được số đối của một số nguyên. |
Hiểu
(Hiểu được ý nghĩa của thông tin, diễn đạt được thông tin theo ý hiểu của cá nhân) |
Mô
tả;
Giải thích; Thể hiện; Sắp xếp. |
-
Đọc
và
mô
tả
được
các
số
liệu
ở
dạng
bảng.
- Giải thích được định lí về dấu của tam thức bậc hai từ việc quan sát đồ thị của hàm bậc hai. - Thể hiện được các số đo đại lượng bằng cách dùng số thập phân. - Sắp xếp được số liệu vào biểu đồ cột. |
Vận
dụng
(Vận dụng thông tin đã biết vào một tình huống, điều kiện mới hoặc để giải quyết vấn đề) |
Tính;
Vẽ; Thực hiện; Sử dụng; Vận dụng; So sánh; Phân biệt; Lí giải; Chứng minh; Giải quyết. |
-
Tính
được
độ
dài
đường
gấp
khúc
khi
biết
độ
dài
các
cạnh.
- Vẽ được đường cao của hình tam giác. - Thực hiện được phép cộng hai số nguyên - Sử dụng được thuật ngữ tập hợp, phần tử thuộc (không thuộc) một tập hợp. - Vận dụng được kiến thức về phương trình mặt cầu để giải một số bài toán liên quan đến thực tiễn. - So sánh được hai phân số cho trước. - Phân biệt được góc nhị diện và góc giữa hai mặt phẳng. - Lí giải được cách chuyển dữ liệu từ dạng biểu diễn này sang dạng biểu diễn khác. - Chứng minh được tính đúng đắn của một mệnh đề toán học bằng phương pháp quy nạp toán học. - Giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đơn giản liên quan đến hình phẳng và hình khối đã học. |
2. Thời lượng thực hiện chương trình[sửa]
a) Thời lượng thực hiện chương trình ở các lớp[sửa]
Lớp | Lớp 1 | Lớp 2 | Lớp 3 | Lớp 4 | Lớp 5 | Lớp 6 | Lớp 7 | Lớp 8 | Lớp 9 | Lớp 10 | Lớp 11 | Lớp 12 |
Số tiết | 105 | 175 | 175 | 175 | 175 | 140 | 140 | 140 | 140 | 105 | 105 | 105 |
Riêng ở cấp trung học phổ thông, mỗi lớp có thêm 35 tiết/năm học cho các chuyên đề học tập lựa chọn.
b) Thời lượng dành cho các nội dung giáo dục[sửa]
Ước lượng thời gian (tính theo %) cho các mạch nội dung ở từng lớp (không tính chuyên đề học tập) như sau:
Mạch
kiến
thức
Cấp học/Lớp |
Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích | Hình học và Đo lường | Thống kê và Xác suất | Hoạt động thực hành và trải nghiệm | |
---|---|---|---|---|---|
Tiểu học | 1 | 80% | 15% | 0% | 5% |
2 | 75% | 17% | 3% | 5% | |
3 | 70% | 22% | 3% | 5% | |
4 | 75% | 16% | 4% | 5% | |
5 | 50% | 40% | 5% | 5% | |
Toàn cấp | 69% | 23% | 3% | 5% | |
Trung học cơ sở | 6 | 49% | 30% | 14% | 7% |
7 | 43% | 36% | 14% | 7% | |
8 | 43% | 36% | 14% | 7% | |
9 | 43% | 36% | 14% | 7% | |
Toàn cấp | 43% | 36% | 14% | 7% | |
Trung học phổ thông | 10 | 44% | 35% | 14% | 7% |
11 | 44% | 35% | 14% | 7% | |
12 | 44% | 35% | 14% | 7% | |
Toàn cấp | 44% | 35% | 14% | 7% | |
Toàn bộ chương trình | 44% | 35% | 14% | 7% |
3. Thiết bị dạy học[sửa]
a) Thiết bị dạy học môn Toán chứa đựng, mô tả những tri thức có khả năng hỗ trợ giáo viên và hỗ trợ học sinh hướng vào đối tượng toán học cụ thể (khái niệm, quan hệ, tính chất toán học,...) nhằm phát hiện, tìm tòi, khắc sâu kiến thức,... trong quá trình học tập môn Toán.
b) Việc sử dụng thiết bị dạy học môn Toán cần bảo đảm một số yêu cầu sau:
- Các thiết bị dạy học phải phục vụ cho mục tiêu dạy học môn Toán, phù hợp với nội dung học và các đối tượng học sinh, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và tránh làm tăng thêm nội dung dạy học, công việc của giáo viên và gây tốn kém không cần thiết.
- Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, tránh hình thức hoặc lạm dụng gây phản tác dụng, làm giảm hiệu quả của quá trình dạy học; tạo điều kiện để học sinh thực sự được thực hành, thao tác trên các thiết bị dạy học, qua đó giúp học sinh chủ động, tích cực khám phá, phát hiện kiến thức và góp phần phát triển “năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán”.
- Khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học, đồng thời coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thống. Khi có điều kiện, giáo viên hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm thông tin, tư liệu trên Internet hoặc chương trình truyền hình có uy tín về giáo dục để mở rộng vốn hiểu biết và năng lực tự học.
- Tăng cường thiết bị dạy học tự làm: Ngoài các thiết bị dạy học tối thiểu được quy định trong danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cần huy động sáng kiến, sự sáng tạo của học sinh, giáo viên và phụ huynh trong việc khai thác, thiết kế và sử dụng các thiết bị dạy học tự làm.
- Phối hợp sử dụng linh hoạt các loại hình thiết bị dạy học: Mỗi loại hình thiết bị đều có ưu điểm và hạn chế nhất định, do đó tùy thuộc nội dung bài học, phương pháp dạy học mà có thể kết hợp sử dụng các loại hình thiết bị dạy học và phối hợp một cách hợp lí, khoa học và sinh động.
c) Căn cứ mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình môn Toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm đủ về số lượng và chủng loại. Cụ thể:
- Cấp tiểu học:
+ Số và Phép tính: Gồm các bộ thiết bị dạy học về Số tự nhiên và các phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) với số tự nhiên; Phân số và các phép tính (cộng, trừ, nhân, chia) với phân số; Số thập phân và Các phép tính về số thập phân; Tỉ số phần trăm.
+ Hình học và Đo lường: Gồm các bộ thiết bị dạy học về nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng và hình khối; thực hành đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình (tương ứng với chương trình môn Toán mỗi lớp); thực hành cân, đo, đong, đếm, xem thời gian, mua bán.
+ Một số yếu tố thống kê và xác suất: Gồm các bộ thiết bị dạy học về Đọc, mô tả, biểu diễn số liệu vào các bảng, biểu đồ thống kê; làm quen với khả năng xảy ra của một sự kiện.
- Cấp trung học cơ sở:
+ Số và đại số: Gồm các bộ thiết bị dạy học về Số nguyên và Các phép tính với số nguyên; Tỉ số phần trăm; Hàm số và đồ thị.
+ Hình học và Đo lường: Bộ thiết bị dạy học về nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm của một số hình phẳng và hình khối; về thực hành đo, vẽ, tạo hình gắn với các hình phẳng và hình khối đã học.
+ Một số yếu tố Thống kê và Xác suất: Bộ thiết bị dạy học về Thống kê và Xác suất.
- Cấp trung học phổ thông:
+ Đại số và Một số yếu tố giải tích: Bộ thiết bị dạy và học về Hàm số và đồ thị.
+ Hình học và Đo lường: Bộ thiết dạy học về Nhận biết, mô tả hình dạng và đặc điểm hình chóp, hình lăng trụ, hình nón, hình cầu, hình trụ, các đường cônic.
+ Thống kê và Xác suất: Bộ thiết bị dạy học về Thống kê và Xác suất.