Chọn nuôi một chú cún

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Những chú chó luôn là loài thú cưng tuyệt vời để bầu bạn và đem đến niềm vui cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo chọn đúng loại chó phù hợp với gia đình và phong cách sống của bạn. Các giống chó khác nhau có các đặc điểm, cá tính và nhu cầu vận động khác nhau. Bạn nên tính đến tất cả những yếu tố đó khi chọn một chú cún làm thành viên mới của gia đình.

Các bước[sửa]

Xác định liệu bạn có nên nuôi chó không[sửa]

  1. Đảm bảo bạn được nuôi chó trong nhà.[1] Nếu đang ở nhà thuê, bạn cần kiểm tra lại hợp đồng thuê nhà để đảm bảo là bạn được phép nuôi chó. Chắc hẳn bạn không muốn đi đến nước một là phải dọn đi, hai là phải tìm chủ mới cho chú cún của mình vì bất đồng trong việc thuê nhà. Đừng cố “lén” nuôi chó – chó thì không giấu được, mà có khi bạn còn gặp rắc rối to với chủ nhà. Nhớ rằng có thể bạn phải trả thêm tiền đặt cọc cho thú cưng và phí làm vệ sinh khi đem chó về nuôi ở khu vực cho thuê.
  2. Nghiên cứu về quy định hạn chế giống chó. Nếu bạn ở Mỹ, một số nơi như các thành phố, các hạt hoặc bang cấm một số giống chó đặc biệt, và bạn phải biết các giống chó nào được nuôi hoặc không được nuôi trong vùng.[2] Tìm đọc “pháp lệnh về giống vật nuôi” hoặc “quy định về giống chó nguy hiểm” trong khu vực của bạn để biết có luật hạn chế giống chó bạn đem về nhà không.[3] Ví dụ như thành phố Fitzgerald thuộc bang Georgia cho phép tiếp tục nuôi chó pit bull sẵn có trong thành phố, nhưng cấm đem chó ptit bull mới vào trong vùng.[4] Bạn cũng nên liên hệ với công ty bảo hiểm để biết liệu bạn có phải mua bảo hiểm bổ sung do đem giống chó đặc biệt về nhà không. Các giống chó phổ biến nằm trong “danh sách đen” bao gồm:[5]
    • Pit Bull Terrier (chó Pit Bull Mỹ)
    • Staffordshire Terrier (Chó sục Bun Staffordshire)
    • Rottweiler (chó Rott Đức)
    • German Shepherd (chó Bẹc-giê Đức)
    • Presa Canario
    • Chow Chow (chó gấu)
    • Doberman Pinscher
    • Akita
    • Wolf-hybrid (chó lai sói)
    • Mastiff (chó ngao Anh)
    • Cane Corso (chó ngao Ý)
    • Great Dane
    • Alaskan Malamute (chó Alaska)
    • Siberian Husky (chó Husky Sibir)
  3. Cân nhắc về người ở cùng nhà. Suy nghĩ về người và thú cưng khác đang sống cùng nhà với bạn. Nếu bạn có người thân hoặc bạn cùng phòng bị dị ứng với chó, không thích chó, hoặc đơn giản chỉ là không muốn có chó trong nhà thì vấn đề đó cần được giải quyết. Tương tự, có lẽ bạn không thể cho chú chó một ngôi nhà tốt nếu bạn đang nuôi các con thú cưng khác không thích hợp với chó. Không đưa chó vào ngôi nhà khiến nó có cảm giác sợ hãi hoặc thù địch.
  4. Suy nghĩ về thời gian và năng lượng mà bạn có thể dành cho chú chó của mình. Nếu bạn làm việc cả ngày và phải di chuyển quãng đường dài giữa nhà ở và nơi làm việc, có lẽ bạn không có đủ thời gian để dành cho một chú chó. Nếu loài chó không nhận được sự quan tâm đầy đủ của con người, chúng có thể trở nên phá phách hoặc rất buồn rầu. Quan tâm không chỉ là yêu thương và âu yếm là đủ.
    • Bạn có khả năng cho chó vận động đủ để chúng khỏe mạnh và hạnh phúc cả về thể chất và tinh thần không?
    • Bạn có sẵn sàng dậy sớm để cho chó ra ngoài “giải quyết” không?
    • Công việc và lối sống của bạn có phải di chuyển nhiều khiến bạn phải xa cách chú chó của bạn không?
    • Nếu có, bạn có khả năng trả phí trông giữ chó không? Bạn có bạn bè hoặc người quen sẵn sàng giúp bạn chăm sóc chó khi bạn phải đi xa không?
  5. Đảm bảo là bạn có đủ tiền nuôi một chú chó. Tùy vào giống chó, chú chó của bạn có thể sống từ 5 đến 15 năm.[6] Bạn sẽ phải tốn tiền chăm sóc thú cưng của mình suốt đời nó, do đó bạn cần đảm bảo có đủ khả năng trước khi đem chó về nhà.
    • Hiệp hội Phòng chống Ngược đãi Động vật (ASPCA) ước tính trong năm đầu tiên khi nhận nuôi một chú chó con, chủ của giống chó nhỏ sẽ tốn khoảng 1.314 USD, giống chó cỡ trung bình tốn khoảng 1.580 USD, giống chó to tốn khoảng 1.843 USD.[7] Chi phí này bao gồm chăm sóc sức khỏe một lần ban đầu ở phòng khám thú y như tiêm phòng, thiến/triệt sản và mua sắm các vật dụng như cũi chó, lồng di chuyển và dây xích, v.v…
    • Sau một năm thì chi phí sẽ giảm xuống. Bạn sẽ chỉ còn phải trả tiền khám định kỳ, thức ăn, đồ chơi và phí giấy phép. Mỗi năm chủ của chó nhỏ sẽ phải chi 580 USD, chó cỡ trung bình 695 USD và chó to khoảng 875 USD.

Chọn giống chó[sửa]

  1. Xác định kích cỡ chó mà bạn muốn nuôi. Khi đã tìm hiểu sơ bộ và xác định là bạn có thể mua một chú chó, bạn cần xác định kích cỡ chó phù hợp nhất. Nếu sống trong một không gian nhỏ, có lẽ bạn sẽ không muốn nuôi một chú chó thật to. Trong một vài trường hợp, ngay cả những căn hộ cho phép nuôi chó cũng giới hạn về kich cỡ chó. Bạn hãy nghĩ xem mình muốn gì – một chú cún nhỏ nằm cuộn tròn trong lòng, hay một con chó to để dọa kẻ xâm nhập?
  2. Tìm hiểu nhu cầu tập luyện của từng giống chó. Chó đã được gây giống với vô vàn mục đích khác nhau hàng nhiều thế kỷ nay, do đó nhu cầu tập luyện của chúng cũng rất khác nhau. Nhìn chung, nhóm chó chăn gia súc (collie, chó chăn cừu), chó lao động (chó Bẹc–giê Đức), và chó săn (Labrador, pointer) cần nhiều giờ luyện tập và không gian rộng.[8] Ngay cả giống chó nhỏ nhất như Maltese và Chihuahua cũng cần phải tập luyện hàng ngày. Dĩ nhiên là cũng có các giống chó không có nhu cầu tập luyện cao, kể cả các giống chó to như chó ngao Neopolitan và chó nhỏ như phốc sóc (Pomeranian).[9]
    • Nếu có lối sống hoạt động, có lẽ bạn muốn chọn giống chó ưa vận động để cùng bạn chạy bộ hoặc đi bộ đường dài.
    • Nếu thích nằm cuộn tròn trên đi-văng xem ti vi hơn, bạn hãy chọn giống chó đáp ứng được lối sống thư thái của mình.
  3. Cân nhắc cá tính của các giống chó. Cá tính của một chú chó có thể chịu tác động lớn bởi giống chó. Một số giống chó như Weimaraner có kích cỡ quá to và mức năng lượng quá cao nên không thích hợp chơi với trẻ nhỏ - chúng có thể chơi đùa rất mạnh bạo.[10] Một số giống chó khác như Akita có tính khí nóng nảy, có thể cắn những đứa trẻ nghịch ngợm và không biết cách tương tác với chó.[11] Bạn cần nghiên cứu cá tính của tất cả giống chó đang cân nhắc để biết liệu chúng có thích hợp với gia đình bạn không.[12] Nếu ở Mỹ, bạn có thể đăng ký câu lạc bộ American Kennel hoặc câu lạc bộ các giống chó khác để tìm hiểu về đặc tính của từng giống chó.[13]
  4. Xem xét nhu cầu chăm sóc sức khỏe của các giống chó.[14] Mỗi giống chó có các vấn đề sức khỏe khác nhau. Ví dụ, chó pug có mặt phẳng và mắt lồi, do đó chúng thường bị thương ở mắt, bị đau và kích ứng mãn tính.[15] Kích thước khổng lồ và ngực sâu của chó Great Dane thường khiến chúng bị đầy hơi và xoắn dạ dày gây đau đớn và cần phải cấp cứu. Chúng cũng thường bị bệnh loạn sản hông và xương khuỷu.[16] Bạn phải xác định liệu bạn có thể chấp nhận những rủi ro về sức khỏe của chú chó bạn muốn nuôi không.
    • Chó “lai” có sự đa dạng về gien hơn, do đó chúng thường khỏe mạnh hơn chó thuần chủng.[17] Nếu không muốn đối mặt với rủi ro cao trong các vấn đề về gien, bạn nên tránh nuôi các giống chó thuần chủng.
  5. Suy nghĩ xem bạn có khả năng chăm sóc chó đến đâu. Các giống chó lông dài như Collie có thể rất đẹp, nhưng chúng đòi hỏi phải được chải lông thường xuyên để khỏi bị rối và thắt nút. Lông chó bị rối không chỉ xấu xí mà còn có thể bị bết dính và gây đau đớn, kích ứng, thậm chí chảy máu và nhiễm trùng.[18] Giống chó lông ngắn chỉ thỉnh thoảng mới cần chải lông và có thể là lựa chọn tốt cho chủ nuôi không có thời gian chải lông cho chó.
    • Bạn cũng cần cân nhắc xem liệu bạn có sẵn sàng dọn dẹp khi chó lông dài rụng lông không.
    • Chó poodle được coi là giống chó không rụng lông. Tuy nhiên chúng cần dịch vụ chải lông thường xuyên để khỏi bị bết dính.
    • Một số giống chó khác cũng cần dịch vụ chải lông chuyên nghiệp để dưỡng lông đúng cách.
  6. Quyết định nuôi chó thuần chủng hay chó “lai”. Một chú chó thuần chủng sẽ giúp bạn dễ dàng đoán được tính khí của nó vì loài chó thường giống cha mẹ chúng. Nếu mua chó từ người gây giống, bạn cũng sẽ có được phả hệ và tiền sử bệnh của chó, một yếu tố giúp bạn đoán trước các vấn đề sức khỏe của chú chó của mình. Nhưng nếu không đặc biệt yêu thích một giống chó nào, bạn hãy cân nhắc nhận nuôi một chú chó. Hầu hết chó ở nơi cứu trợ động vật là chó không thuần chủng, hoặc chó “lai”. Nhận nuôi một chú chó ở nơi cứu trợ nghĩa là bạn đang giúp đỡ cộng đồng vì đã đón nhận một chú chó lang thang hoặc “vô thừa nhận”.
    • Nhân viên ở nơi cứu trợ/tổ chức nhân đạo cũng có thể cho bạn biết về cá tính và hành vi của từng chú chó mà họ chăm sóc. Cho dù chú chó mà bạn muốn nhận nuôi không có tính chất đặc thù của giống chó, bạn cũng có thể biết được tính cách của nó.
  7. Chọn chó có độ tuổi thích hợp. Một yếu tố cuối cùng cần cân nhắc trước khi chọn một chú chó là liệu bạn thích mua về một chú chó con, chó trưởng thành hay chó đã già. Chó ở mỗi độ tuổi có những lợi ích và bất lợi khác nhau.
    • Chó con trông đáng yêu, có thể lớn lên cùng với trẻ nhỏ, dễ ghi lại trong ký ức và hình thành tình bạn bền lâu. Tuy nhiên chúng cũng đòi hỏi nhiều công sức lúc ban đầu và phải được huấn luyện cẩn thận để đảm bảo có thể nuôi trong nhà một cách an toàn khi chúng lớn lên. Bạn cũng sẽ phải đối phó với các sự cố và mức năng lượng cao của chúng, cũng giống như chăm em bé vậy.
    • Chó trưởng thành có thể khó bỏ được các thói quen xấu, nhưng chúng có thể đã được huấn luyện sẵn! Chúng cũng điềm đạm hơn chó con và không phải giám sát nhiều.
    • Chó già có thể gặp các vấn đề sức khỏe, nhưng nó sẽ là người bạn trìu mến tuyệt vời cho người già và những người có lối sống ít vận động. Chó già thường ít được nhận nuôi nhất, do đó việc đem đến cho chú chó già một mái nhà là cử chỉ cao đẹp dành cho loài vật đang cần giúp đỡ.

Đến gặp và lựa chọn chó[sửa]

  1. Đến gặp những chú chó tiềm năng. Sau khi tìm hiểu, bạn sẽ muốn gặp chú chó mà bạn đang cân nhắc nhận nuôi. Sắp xếp một buổi hẹn với người gây giống hoặc nơi cứu trợ để đến xem những con chó mà bạn có thể lựa chọn. Cố gắng đánh giá tính nết của từng chú chó bằng cách chơi với chúng, dắt chúng đi dạo và bế chúng trên tay. Để biết nhiều hơn về tính nết của chó, bạn cần ở bên nó càng nhiều càng tốt. Đừng nhận nuôi con chó nào mà bạn cảm thấy không hợp. Hãy kiên nhẫn và tiếp tục tìm kiếm – bạn sẽ tìm được một chú chó hợp ý bạn!
  2. Biết tiêu chuẩn khi nhận nuôi chó. Ở hầu hết các bang ở Mỹ, chó con phải được ít nhất 8 tuần tuổi mới được bán hoặc cho nhận nuôi, tuy rằng một số bang cho phép nhận nuôi chó con khi được 7 tuần tuổi.[19] Nếu người gây giống chó hoặc nơi cứu trợ cho bạn nhận nuôi chó con dưới 7 hoặc 8 tuần tuổi, có lẽ đó không phải là nguồn cung cấp thú cưng đáng tin cậy và bạn nên tránh. Nếu nhận nuôi chó từ nơi cứu trợ, bạn cần đảm bảo rằng nhân viên ở đó phải đánh giá tính nết của chú chó khi trao cho người nhận nuôi.
  3. Hỏi về hành vi của từng chú chó. Người gây giống và nhân viên nơi cứu trợ thường dành nhiều thời gian chăm sóc cho những con vật ở đó. Họ có thể cho bạn biết về cá tính và hành vi của từng chú chó. Hỏi xem chú chó đó có thân thiện hoặc chịu chấp nhận những chú chó nhỏ hơn, mèo hoặc các con vật khác không. Kếp hợp thông tin từ người chăm sóc với sự quan sát của bạn: nó chơi hòa đồng cùng những chú chó khác hay có thái độ hung hăng?
  4. Đưa ra những đánh giá ban đầu đối với tất cả những chú chó có thể nhận nuôi. Có thể bạn rất muốn đến tương tác ngay với lũ chó. Tuy nhiên bạn nên quan sát chúng từ xa và để ý xem những con nào nổi bật. Lần sau, bạn hãy đến thăm những chú chó mà lần trước bạn thấy có vẻ hợp ý mình.
    • Đặt tay lên chuồng và xem chó phản ứng ra sao. Nó phải nhiệt tình tiến đến và hít tay bạn.
    • Từ từ đưa bàn tay tới lui. Nếu con chó đó không dõi theo bàn tay của bạn, có lẽ nó không giao tiếp tốt lắm.
    • Tránh những con chó sủa khi thấy mặt bạn, nhảy lên hoặc lao đến hòng tấn công bạn.
  5. Giới thiệu chú chó với mọi thành viên trong gia đình. Nếu có những người khác sống cùng nhà – thậm chí một người thân thiết thường đến chơi – bạn cần đảm bảo rằng chú chó của mình phải phản ứng tốt với mọi người mà nó có thể tiếp xúc. Khi đến thăm chó, bạn nên đi cùng các thành viên khác trong nhà và xem mọi người phản ứng thế nào với nó. Liệu có ai đó không thích cá tính của chú chó hay sợ nó? Mọi thành viên trong nhà phải hứng thú với viễn cảnh sống chung cùng chú chó.
  6. Chú ý kỹ để kiểm tra hành vi của chú chó đối với trẻ con.[20] Điều này không chỉ đặc biệt quan trọng nếu trong nhà có trẻ nhỏ, mà đó còn là điều thiết yếu cần cân nhắc nếu bạn đang dự định có em bé. Nhớ rằng một chú chó có thể sống với bạn đến 15 năm hoặc hơn – đừng mặc nhiên cho rằng mọi con chó đều biết điều chỉnh khi trong nhà xuất hiện một đứa trẻ. Nếu chưa có con, bạn có thể nhờ bạn bè đưa con của họ đi cùng khi bạn đến thăm chó.
    • Lưu ý rằng chủ nuôi chó có trách nhiệm dạy cho trẻ nhỏ cách tương tác an toàn với chó. Việc của bạn là ngăn lũ trẻ kéo đuôi hoặc kéo tai chó, hay tiến đến quá sát mõm chó.
    • Tuy nhiên, bạn cũng cần để ý nếu chú chó bị quá tải vì tiếng ồn và chuyển động nhanh của trẻ con. Ngay cả khi không bị choáng ngợp, bản năng của chó có thể cũng bị kích thích một cách không mong muốn. Ví dụ, loài chó chăn gia súc gia súc đôi khi đớp vào chân trẻ con đang chạy, và nếu không làm trẻ bị thương thì cũng khiến trẻ sợ hãi.[21]
  7. Hỏi về chó bố mẹ của chú chó bạn muốn nuôi. Nếu bạn mua chó từ người gây giống, có lẽ họ cũng đang nuôi chó bố mẹ của nó và có thể cho bạn gặp chúng. Hầu hết những người gây giống sẽ hiểu và đáp ứng yêu cầu này. Việc tương tác với chó bố mẹ sẽ giúp bạn đoán biết hành vi của chú chó mà bạn định nuôi khi lớn lên, vì loài chó thường thừa hưởng các đặc tính từ cha mẹ chúng.[22]
  8. Đặt vấn đề nuôi thử một thời gian. Nếu bạn chưa chắc chắn một chú chó nào đó có thích hợp với mình không, bạn có thể đề nghị được nuôi thử. Nếu bạn nhận nuôi chó từ nơi cứu trợ động vật thì sẽ dễ được đáp ứng hơn là mua chó của người gây giống. Nơi cứu trợ động vật sẽ cho phép bạn nhận nuôi một chú chó, thậm chí nhiều chú chó trong thời gian dài. Nhờ đó bạn sẽ có thời gian làm quen với thú cưng tiềm năng của bạn và biết nó có thích hợp với ngôi nhà, gia đình và lối sống của bạn không.[23]
    • Bạn cũng nên chọn nơi cứu trợ có chính sách cho trả lại con vật có lý do, phòng khi bạn không thể nuôi được nó.
    • Bạn đừng trông đợi được hoàn lại phí nhận nuôi khi trả lại chú chó, nhưng nơi cứu trợ sẽ không từ chối bạn sớm trả lại con vật. Việc từ chối nhận những con chó trả lại cho thấy họ không quan tâm đúng mức đến những con vật của họ.

Cảnh báo[sửa]

  • Việc dạy loài vật đi vệ sinh là khá vất vả. Bạn đừng bỏ cuộc!
  • Tránh những người gây giống “sân sau”; những con vật của họ thường không khỏe mạnh và không được chăm sóc.
  • Không bao giờ mua chó một cách ngẫu hứng. Nuôi chó là một trách nhiệm lớn, lâu dài và phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
  • Đảm bảo biết chó con đã được tiêm phòng hay chưa.
  • Cẩn thận khi mua chó qua mạng. Nhớ phải gặp chó và người bán trước khi mua.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Cũi chó
  • Đĩa đựng thức ăn và nước uống
  • Thức ăn và nước uống
  • Đồ chơi
  • Thiến/Triệt sản (tùy chọn)
  • Các giống chó nhỏ đôi khi cần quần áo (áo len, giày, v.v…)
  • Các giống chó lớn hơn có thể cần đai an toàn trên xe hơi để giữ an toàn cho chó và người lái xe.
  • Vòng cổ đúng kích cỡ
  • Dây xích và đai đúng kích cỡ
  • Phần thưởng

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.nolo.com/legal-encyclopedia/smart-landlord-policies-pet-friendly-29763.html
  2. https://www.aspca.org/fight-cruelty/dog-fighting/breed-specific-legislation
  3. http://www.dogsbite.org/legislating-dangerous-dogs-state-by-state.php
  4. http://www.dogsbite.org/legislating-dangerous-dogs-georgia.php
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/canine-corner/201405/14-dog-breeds-blacklisted-insurance-companies
  6. http://www.petcarerx.com/article/lifespan-of-a-dog-a-dog-years-chart-by-breed/1223
  7. https://www.aspca.org/adopt/pet-care-costs
  8. http://dogtime.com/dog-breeds/characteristics/need-for-exercise
  9. http://dogtime.com/dog-breeds/characteristic_lists/dont-need-tons-of-exercise
  10. http://www.dogreference.com/15-worst-dog-breeds-to-get-along-with-kids/
  11. http://www.dogreference.com/15-worst-dog-breeds-to-get-along-with-kids/3/
  12. http://dogtime.com/dog-breeds
  13. http://www.akc.org/dog-breeds/
  14. http://www.dogbreedhealth.com/list-of-dog-breeds/
  15. http://www.dogbreedhealth.com/pug/
  16. http://www.dogbreedhealth.com/great-dane/
  17. http://www.petmd.com/blogs/dailyvet/2009/August/19-4571
  18. http://www.dogdayafternoonspa.com/groomingservices/aboutmatting.html
  19. https://www.animallaw.info/topic/table-state-laws-concerning-minimum-age-sale-puppies
  20. http://www.humanesociety.org/animals/dogs/tips/choosing_dog.html?referrer=https://www.google.com/
  21. http://www.forpaws.org/articles/children2.htm
  22. https://www.psychologytoday.com/blog/canine-corner/201304/does-genetics-determine-dogs-personality
  23. http://www.cesarsway.com/dog-rescue/adoption-tips/Before-you-adopt