Chống cảm lạnh hoặc cảm cúm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cơn cảm lạnh hay cảm cúm có thể khiến bạn khổ sở nhưng thường không nghiêm trọng đến mức phải tiếp nhận chăm sóc y tế. Cả cảm lạnh và cảm cúm đều là bệnh nhiễm vi rút nhưng cảm cúm thường diễn biến nhanh cảm lạnh và sốt cao hơn. Hai căn bệnh này có triệu chứng giống nhau, bao gồm chảy mũi, nhảy mũi và đau họng, nên cùng một phép điều trị có thể hiệu quả cho cả cảm lạnh và cảm cúm. [1]

Các bước[sửa]

Hỗ trợ Cơ thể trong Quá trình Chống bệnh[sửa]

  1. Nghỉ ngơi nhiều. Người lớn khỏe mạnh cần ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, bạn sẽ cần nghỉ ngơi nhiều hơn.[2][3]
    • Nghỉ ngơi ngay khi cảm thấy mệt mỏi. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn nhiều khi ngủ dậy.
    • Giấc ngủ giúp cơ thể đưa nhiều năng lượng hơn đến hệ miễn dịch, từ đó giúp chống lại bệnh tật nhanh hơn.
  2. Bổ sung đủ nước. Cơ thể mất nước khi bị sốt hoặc khi tiết dịch nhầy. Vì vậy, bạn phải uống đủ nước để bù lại lượng nước mất đi. [2][3]
    • Những loại nước tốt cho người bệnh bao gồm nước lọc, nước hoa quả, nước thịt trong hoặc nước chanh ấm. Nước hoa quả, nước thịt và nước chanh sẽ giúp bù lại chất điện giải.
    • Không uống đồ uống chứa cồn hoặc cà phê vì chúng gây mất nước.
    • Cách tốt nhất để tránh mất nước là uống đủ nước để không bị khát. Nước tiểu đục hoặc đậm màu là dấu hiệu cho thấy bạn cần uống thêm nước.
  3. Ăn nước súp gà. Món ăn truyền thống này rất có ích vì có đặc tính kháng viêm và giúp giảm nghẹt mũi.[2]
    • Nguồn dinh dưỡng dồi dào cũng sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật.
    • Muối trong nước dùng sẽ giúp tăng chất điện giải.
  4. Giữ ấm. Khi bị sốt, ngay cả khi sốt nhẹ, bạn có thể sẽ cảm thấy lạnh. Nguyên nhân là do nhiệt độ cơ thể cao hơn so với nhiệt độ xung quanh.
    • Đắp thêm chăn hoặc dùng chai nước nóng. Tuy nhiên, không nên đắp quá nhiều chăn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, vì như vậy sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bệnh nặng hơn.
    • Giữ ấm sẽ giúp giảm cơn run rẩy và tạo điều kiện cho cơ thể chuyển thêm năng lượng đến hệ miễn dịch.
  5. Giữ ẩm trong không khí. Dùng máy tạo sương hoặc máy tạo độ ẩm để giúp bạn dễ thở hơn.[2]
    • Bật máy tạo độ ẩm vào buổi tối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn vì bạn sẽ ít bị nghẹt mũi và ít ho hơn.
    • Nếu không có máy tạo độ ẩm, bạn có thể tự tạo độ ẩm trong không khí băng cách đặt một nồi nước trên bộ tản nhiệt hoặc đặt khăn ướt trên máy sấy quần áo. Nước sẽ bốc hơi từ từ vào không khí.

Điều trị Triệu chứng[sửa]

  1. Giảm nghẹt mũi bằng thuốc nhỏ mũi Saline. Loại thuốc nhỏ mũi này chỉ là nước muối nên sẽ an toàn cho cả trẻ nhỏ.[2]
    • Dùng ống nhỏ để nhỏ vài giọt thuốc vào lỗ mũi. Cách này sẽ giúp giảm dịch nhầy và làm khô chất dịch.
    • Thuốc nhỏ mũi Saline có bán ở dạng thuốc không kê đơn hoặc bạn có thể tự làm ở nhà.
  2. Súc miệng bằng nước muối ấm. Cách này giúp giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng.[2]
    • Hòa tan nửa thìa cà phê muối vào một cốc nước và dùng để súc miệng.
    • Nhổ nước muối ra sau khi súc.
    • Vì nước muối an toàn nên bạn có thể sử dụng thường xuyên nếu muốn.
  3. Giảm nghẹt mũi bằng thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mũi không kê đơn. Những loại thuốc này chỉ nên dùng trong vài ngày. Dùng quá nhiều có thể gây viêm mô trong mũi và khiến triệu chứng bệnh nặng thêm. [4]
    • Đặt ống nhỏ vào lỗ mũi và nhỏ hoặc xịt vài giọt thuốc vào. Bạn sẽ cảm thấy bớt nghẹt mũi gần như tức thì.
    • Không dùng thuốc xịt hoặc nhỏ mũi cho trẻ nhỏ.
  4. Điều trị sốt hoặc đau bằng thuốc giảm đau không kê đơn. Những loại thuốc này giúp giảm sốt, giảm đau đầu, đau cổ họng hoặc đau khớp.[4]
    • Các thuốc giảm đau thông thường bao gồm Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen hoặc Aspirin.
    • Tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn cho trẻ uống thuốc. Nhiều loại thuốc không kê đơn không được cho trẻ nhỏ uống.
    • Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên không được uống Aspirin. Uống Aspirin có thể gây chứng bệnh nghiêm trọng gọi là hội chứng Reye.
  5. Hóa lỏng đờm hoặc dịch nhầy bằng thuốc long đờm. Thuốc cho bệnh nhân ho và cảm lạnh có thể bao gồm thuốc long đờm Guaifenesin. Loại thuốc này giúp hóa lỏng đờm hoặc dịch nhầy trong phổi.[5]
    • Uống nhiều nước cũng sẽ giúp hóa lỏng đờm.
  6. Ức chế cơn ho khan bằng sirô ho. Sirô ho chỉ giúp giảm ho, không giúp chữa cảm lạnh hoặc cảm cúm triệt để. Nếu cơn ho khiến bạn tỉnh giấc, sirô ho với thành phần Dextromethorphan sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn. [4]
    • Ho là phản ứng của cơ thể đang đào thải mầm bệnh và tác nhân gây kích thích. Ức chế cơn ho đồng nghĩa với việc bạn đang ngăn phản ứng này xảy ra. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết có nên sử dụng sirô ho hay không.
    • Không cho trẻ dưới 4 tuổi uống sirô ho. Đối với trẻ trên 4 tuổi, hãy làm theo hướng dẫn trên chai sản phẩm. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi không có hướng dẫn cụ thể cho từng độ tuổi.
    • Một số loại sirô ho có chứa Acetaminophen hoặc các chất hạ sốt/giảm đau. Vì vậy, bạn không được uống các thuốc này với thuốc chứa Acetaminophen cùng lúc để tránh gây quá liều.
  7. Uống thuốc kháng vi rút. Nếu cảm thấy mệt mỏi nghiêm trọng do cảm cúm, bạn có thể được bác sĩ kê đơn thuốc kháng vi rút.[6]
    • Thuốc kháng vi rút thông thường là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza).
    • Những thuốc này không thực sự rút ngắn thời gian bệnh được lâu. Thông thường, các thuốc này chỉ rút ngắn thời gian bệnh được khoảng 1-2 ngày.
    • Tác dụng phụ có thể nghiêm trọng hơn cả cảm cúm. Oseltamivir có thể gây mê sảng và hội chứng ngược đãi bản thân ở trẻ vị thành niên (nhưng rất hiếm). Người gặp vấn đề về hô hấp không được sử dụng Zanamivir vì có thể gây nôn mửa.
    • Một số chủng vi rút cúm có thể kháng thuốc.
    • Đối với người mắc một số bệnh như hen suyễn, uống thuốc kháng vi rút để chữa cảm cúm có thể có lợi hơn.
  8. Đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Người trưởng thành có các triệu chứng sau hoặc triệu chứng trở nặng hoặc không khỏi sau 5-7 ngày nên đi khám bác sĩ:[7]
    • Sốt cao hơn 39 độ C
    • Sốt đi kèm toát mồ hôi và ớn lạnh
    • Ho có đờm, đờm có màu hoặc có máu
    • Sưng tuyến
    • Đau xoang nặng
    • Khó thở
    • Đau ngực hoặc cứng cổ
    • Không thể uống nước hoặc nôn mửa thường xuyên
    • Các bệnh mãn tính như hen suyễn, ung thư và tiểu đường trở nặng hơn
    • Người lớn tuổi
  9. Đưa con bạn đến bác sĩ nếu cần thiết. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu và dễ gặp biến chứng hơn. Đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu trẻ:[7]
    • Sốt trên 38 độ C đối với trẻ trên 4 tháng tuổi.
    • Sốt 40 độ C
    • Dấu hiệu mất nước như bơ phờ, buồn ngủ, tiểu ít hơn 3 lần mỗi ngày, không uống đủ nước, mắt và miệng khô
    • Sốt trên 24 tiếng đối với trẻ dưới 2 tuổi
    • Sốt trên 3 ngày đối với trẻ trên 2 tuổi
    • Nôn mửa
    • Đau bụng
    • Cực kỳ buồn ngủ
    • Nhức đầu như búa bổ
    • Cứng cổ
    • Khó thở
    • Khóc suốt. Đặc biệt là ở những trẻ quá nhỏ và không thể diễn đạt cảm giác đau, khó chịu.
    • Đau tai
    • Ho không dứt

Phòng ngừa Cảm lạnh hoặc Cảm cúm[sửa]

  1. Tiêm vắc-xin cúm hàng năm. Cách này giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại các chủng khuẩn mà bác sĩ cho rằng sẽ phổ biến trong năm tới.[8]
    • Vắc-xin không giúp tránh hoàn toàn nhưng sẽ giúp giảm tần suất mắc bệnh.
    • Bạn có thể tiêm vắc-xin hoặc dùng vắc-xin dạng thuốc xịt mũi.
  2. Rửa tay thường xuyên. Cách này giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm các vi rút thường lây khi bắt tay, chạm vào tay vịn,...
    • Dung dịch rửa tay chứa cồn cũng rất hiệu quả.
  3. Tránh xa đám đông để giảm nguy cơ tiếp xúc với bệnh. Nếu bạn ở nơi có không gian nhỏ, hẹp với nhiều người, nguy cơ có ít nhất một người trong đám đông mang bệnh sẽ cao hơn. Nơi đông người và không gian hẹp bao gồm: [9]
    • Trường học
    • Văn phòng
    • Phương tiện giao thông công cộng
    • Phòng hòa nhạc
  4. Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn lành mạnh. Chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp tăng năng lượng để hệ miễn dịch có thể chống lại bệnh tật. [10]
    • Bổ sung đủ vitamin bằng cách ăn nhiều loại rau quả. Nguồn vitamin dồi dào bao gồm táo, cam, chuối, nho, bông cải xanh, lê, đậu, rau bina (cải bó xôi), bông cải trắng, bí đỏ và măng tây.
    • Bổ sung đủ chất xơ từ nguồn bánh mì ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc như cám gạo, yến mạch và lúa mì nguyên cám.
    • Bổ sung nguồn protein cho cơ thể từ thịt nạc, thịt gia cầm, đậu, cá và trứng. Tránh tiêu thụ các loại thịt nhiều mỡ béo.
    • Tránh tiêu thụ thực phẩm chế biến/đóng gói sẵn. Những thực phẩm này có hàm lượng đường, muối và chất béo cao. Chúng cung cấp calo cho cơ thể nhưng không chứa những chất dinh dưỡng mà bạn cần.
  5. Kiểm soát căng thẳng. Căng thẳng có thể làm giảm khả năng miễn dịch và khiến bạn dễ bị nhiễm vi rút hơn. Có thể giảm căng thẳng bằng cách:[11]
    • Tập thể dục. Cố gắng tập thể dục ít nhất 5 lần mỗi tuần. Tập thể dục sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone endorphin và giúp thư giãn.
    • Ngủ đủ giấc. Hầu hết người trưởng thành cần ngủ 8 tiếng mỗi đêm. Một số người cần ngủ đến 9-10 tiếng.
    • Thiền
    • Tập Yoga
    • Mát-xa
    • Thiết lập mối quan hệ xã hội gần gũi. Trò chuyện sẽ giúp bạn bớt cảm thấy cô đơn hơn.
  6. Thử dùng nguyên liệu tự nhiên. Hiệu quả của những nguyên liệu tự nhiên vẫn còn gây tranh cãi. Một số nghiên cứu cho rằng chúng thực sự giúp ích, trong khi đó một số khác lại không đồng tình. Mặc dù vậy, vẫn có một số nguyên liệu tự nhiên thường được sử dụng:[12]
    • Bổ sung vitamin C khi mới bắt đầu có triệu chứng có thể giúp rút ngắn thời gian bệnh.
    • Hoa cúc có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hoa cúc có sẵn ở nhiều dạng, bao gồm viên nén, chất lỏng và trà. Nên trao đổi với bác sĩ nếu muốn dùng hoa cúc khi đang uống thuốc kê đơn.
    • Kẽm có thể giúp ích nếu uống ngay khi triệu chứng mới xuất hiện. Tuy nhiên, không dùng kẽm dạng xịt mũi vì có thể gây tổn hại khứu giác.
  7. Hạn chế hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc. Hút thuốc lá làm suy yếu khả năng chống lại bệnh tật, bao gồm cảm cúm và cảm lạnh thông thường. Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc sẽ giúp giữ cho cơ thể được khỏe mạnh.[13]

Cảnh báo[sửa]

  • Không tự ý uống thuốc, thực phẩm chức năng, thảo dược mà không tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang mang thai, có vấn đề về sức khỏe hoặc đang uống các thuốc khác. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn cho trẻ sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược.
  • Luôn đọc và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Thuốc không kê đơn cũng có thể phản ứng với nhau. Do đó, không nên uống nhiều hơn một thuốc cùng lúc. Ngoài ra, uống nhiều loại thuốc có cùng thành phần cùng một lúc có thể dẫn đến quá liều.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây