Chuẩn bị sinh mổ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mổ lấy thai (cesarean section) là phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài khi sinh. Thủ thuật này được tiến hành nếu người mẹ không thể sinh qua đường âm đạo, nếu quá trình sinh qua đường âm đạo gây nguy hiểm cho mẹ hoặc con, nếu mẹ đã từng sinh mổ ở lần sinh trước, hoặc chỉ đơn giản nếu người mẹ thích sinh mổ hơn sinh tự nhiên.[1] Một vài trường hợp mổ lấy thai được thực hiện theo yêu cầu. Nếu có kế hoạch sinh mổ hoặc chuẩn bị cho ca sinh mổ cần thiết, bạn nên biết về các chi tiết của thủ thuật, làm các xét nghiệm cần thiết và cùng bác sĩ lên kế hoạch ở bệnh viện.

Các bước[sửa]

Hiểu về thủ thuật mổ lấy thai[sửa]

  1. Hiểu về lý do của việc mổ lấy thai. Tùy vào tình trạng thai của bạn, bác sĩ có thể đề nghị bạn sinh mổ do vấn đề y khoa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Ca mổ lấy thai có thể được đề nghị tiến hành như một biện pháp đề phòng nếu:[2]
    • Bạn có các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao hoặc bệnh thận.
    • Bạn có các bệnh truyền nhiễm như HIV hoặc herpes sinh dục hoạt động.
    • Có rủi ro cho sức khỏe thai nhi do bệnh hoặc tật bẩm sinh. Nếu thai quá to và không an toàn khi sinh thường, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên sinh mổ.
    • Bạn bị thừa cân. Tình trạng béo phì có thể gây nên các yếu tố rủi ro khác đòi hỏi phải mổ lấy thai.
    • Thai nhi ở ngôi mông, tức là chân hoặc mông em bé sẽ ra trước và không thể xoay lại.
    • Bạn đã từng sinh mổ ở lần sinh trước.
  2. Biết về cách thức bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Bạn sẽ được giới thiệu về thủ thuật để chuẩn bị tinh thần. Nhìn chung, hầu hết các ca mổ lấy thai đều thực hiện theo các bước sau:[2][3]
    • Khi vào bệnh viện, nhân viên y tế sẽ rửa sạch vùng bụng và đưa ống vào bàng quang của bạn để thu nước tiểu. Bạn sẽ được truyền dịch và thuốc trước và trong khi phẫu thuật qua đường tĩnh mạch ở cánh tay.
    • Hầu hết các ca mổ lấy thai được gây tê cục bộ, nghĩa là chỉ gây tê phần dưới cơ thể. Điều này cũng đồng nghĩa là bạn sẽ tỉnh táo trong thời gian làm phẫu thuật và có cơ hội thấy em bé được lấy ra khỏi tử cung. Cách gây tê thông thường là gây tê tủy sống. Thuốc tê được tiêm vào khoang xung quanh tủy sống. Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu trong quá trình chuyển dạ, bạn sẽ được gây mê toàn thể và sẽ mê hoàn toàn trong lúc phẫu thuật.
    • Bác sĩ sẽ rạch một đường ngang trên thành bụng, gần xương mu. Nếu cần phải lấy thai nhanh trong trường hợp cấp cứu, bác sĩ sẽ rạch một đường dọc từ dưới rốn đến sát xương mu.
    • Sau đó bác sĩ sẽ rạch tử cung. Khoảng 95% ca mổ lấy thai được thực hiện với một vết rạch ngang ở phần dưới tử cung, vì cơ ở đáy tử cung mỏng hơn, nhờ đó ít chảy máu hơn trong khi phẫu thuật. Nếu thai nhi ở ngôi bất thường hoặc ở vị trí thấp trong tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện đường rạch dọc.
    • Em bé sau đó sẽ được lấy ra qua đường rạch trên tử cung. Bác sĩ sẽ hút sạch dịch ối trong miệng và mũi em bé, sau đó kẹp và cắt dây rốn. Bạn có thể cảm thấy bị giật mạnh khi bác sĩ lấy em bé ra khỏi tử cung.
    • Bác sĩ sẽ lấy nhau thai ra khỏi tử cung của bạn, kiểm tra để chắc chắn cơ quan sinh sản của bạn lành lặn và dùng chỉ khâu vết rạch. Sau đó bạn có thể gặp con và cho con bú trên bàn sinh.
  3. Nhớ rằng có những rủi ro liên quan đến mổ lấy thai. Một số sản phụ quyết định yêu cầu được sinh mổ. Tuy nhiên Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo các sản phụ và bác sĩ nên có kế hoạch sinh thường trừ khi phải mổ lấy thai vì lý do y khoa. Việc sinh mổ chỉ được tiến hành sau khi bạn đã thảo luận nghiêm túc với bác sĩ về ca phẫu thuật và hiểu về các rủi ro có thể xảy ra.[2][4]
    • Mổ lấy thai được coi là đại phẫu và bạn sẽ có khả năng mất máu nhiều hơn so với việc sinh thường. Thời gian hồi phục sau mổ lấy thai cũng lâu hơn, khoảng 2-3 ngày nằm viện. Mổ lấy thai cũng là đại phẫu vùng bụng và mất đến 6 tuần để hồi phục hoàn toàn. Nếu được mổ lấy thai, bạn sẽ dễ bị biến chứng hơn trong các lần mang thai sau. Bác sĩ có thể đề nghị bạn mổ lấy thai trong các lần sinh sau để ngăn ngừa vỡ tử cung, tình trạng tử cung bị bục theo vết sẹo cũ trong quá trình sinh thường. Tuy nhiên, tùy vào nơi mà bạn dự định sinh và lý do sinh mổ, một số trường hợp có thể sinh thường sau khi đã sinh mổ.
    • Cũng có các rủi ro liên quan đến quá trình phẫu thuật, vì bạn sẽ được gây tê cục bộ và có thể bị sốc phản vệ với thuốc tê. Bạn cũng có rủi ro cao phát triển cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân hoặc ở các cơ quan vùng chậu do ca phẫu thuật, và cũng có khả năng vết rạch bị nhiễm trùng.
    • Ca mổ lấy thai có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe cho em bé như cơn thở nhanh thoáng qua (transient Tachypnea), hiện tượng em bé thở nhanh bất thường trong vài ngày đầu sau khi sinh. Ngoài ra, ca mổ lấy thai nếu được tiến hành sớm (dưới 39 tuần), con của bạn sẽ tăng nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp. Cũng có rủi ro em bé bị thương khi phẫu thuật do bác sĩ vô tình cắt phạm vào da.
  4. Hiểu các lợi ích của việc mổ lấy thai. Việc mổ lấy thai theo kế hoạch cho phép bạn lên kế hoạch cho ca sinh, chủ động hơn khi ca sinh diễn ra, và ở một mức độ nào đó có thể tiên đoán được quá trình chuyển dạ và em bé lọt lòng. Không như mổ lấy thai cấp cứu, mổ lấy thai theo kế hoạch ít có khả năng biến chứng như nhiễm trùng, và nhiều sản phụ không trải qua phản ứng xấu nào với thuốc tê hoặc tổn thương bất ngờ ở các cơ quan vùng bụng. Ngoài ra, ca mổ lấy thai sẽ ngăn ngừa tổn thương vùng đáy chậu trong thời gian chuyển dạ vốn có thể dẫn đến các vấn đề về ruột.[5]
    • Nếu thai nhi quá to, thai nhi “khổng lồ”, hoặc bạn mang đa thai, bác sĩ có thể đề nghị mổ lấy thai như một lựa chọn an toàn nhất cho ca sinh của bạn. Mổ lấy thai sẽ giảm rủi ro nhiễm trùng cho em bé.

Lập kế hoạch sinh mổ với bác sĩ[sửa]

  1. Làm các xét nghiệm cần thiết. Bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm máu để chuẩn bị cho ca mổ lấy thai. Các xét nghiệm này sẽ cung cấp các thông tin quan trọng như nhóm máu và mức hemoglobin nếu phải truyền máu trong khi phẫu thuật.[6]
    • Bạn cũng nên báo cho bác sĩ biết về mọi loại thuốc bạn đang dùng, đề phòng trường hợp thuốc của bạn có thể khiến cuộc phẫu thuật phức tạp hơn.
    • Bác sĩ sẽ đề nghị bạn nói chuyện với bác sĩ gây mê để loại trừ mọi căn bệnh có thể tăng rủi ro biến chứng trong khi gây mê.
  2. Xếp lịch cho ca mổ. Bác sĩ sẽ đề nghị thời gian tốt nhất để sắp xếp ca mổ, dựa vào nhu cầu về sức khỏe của mẹ và con. Một số sản phụ xếp lịch mổ ở tuần thứ 39 dựa vào đề nghị của bác sĩ. Nếu bạn có thai kỳ khỏe mạnh, bác sĩ sẽ đề nghị ngày mổ sát với ngày dự sinh của bạn hơn.[7]
    • Khi đã chọn ngày mổ lấy thai, bạn cũng nên đưa ngày mổ lấy thai vào bản kế hoạch sinh của bạn và điền vào phiếu đăng ký trước ở bệnh viện.
  3. Biết về những việc xảy ra vào đêm hôm trước khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ nói về các thủ tục cho đêm hôm trước khi mổ lấy thai như, không được ăn, uống hoặc hút thuốc sau nửa đêm. Không ăn một mẩu thức ăn nhỏ nào, ngay cả kẹo, đồng thời không uống nước.[7]
    • Bạn nên cố gắng ngủ tốt đêm trước hôm làm phẫu thuật. Tắm trước khi đến bệnh viện, nhưng không cạo lông mu vì điều này làm tăng rủi ro nhiễm trùng. Nhân viên ở bệnh viện có thể cạo vùng bụng và lông mu của bạn nếu cần thiết.[3]
    • Nếu bạn bị thiếu sắt, bác sĩ có thể đề nghị bạn tăng lượng sắt nạp vào cơ thể qua thức ăn giàu sắt và thực phẩm bổ sung. Mổ lấy thai được coi là đại phẫu, bạn sẽ mất máu, và hàm lượng sắt cao sẽ giúp cơ thể hồi phục.[8]
  4. Quyết định ai sẽ ở trong phòng mổ trong thời gian phẫu thuật. Khi lập kế hoạch sinh mổ, bạn nên cho bạn đời hoặc người hỗ trợ biết điều gì xảy ra trước, sau và trong quá trình phẫu thuật. Bạn nên xác định rõ việc chồng hoặc người hỗ trợ bạn sẽ có mặt trong quá trình sinh cũng như ở bên cạnh bạn và em bé sau khi phẫu thuật.[8][9]
    • Nhiều bệnh viện cho phép người hỗ trợ ngồi cạnh bạn trong quá trình phẫu thuật và chụp ảnh ca sinh em bé. Bác sĩ có thể cho phép ít nhất một người hỗ trợ ở trong phòng sinh.

Hồi phục sau ca sinh mổ[sửa]

  1. Dự tính phải nằm bệnh viện ít nhất hai đến ba ngày. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, một máy bơm sẽ được sử dụng để giúp bạn điều chỉnh liều lượng thuốc giảm đau truyền qua tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ khuyến khích bạn ngồi dậy và đi lại sớm sau ca phẫu thuật, vì điều này có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục, đồng thời ngăn ngừa chứng táo bón và các cục máu đông.[3][9]
    • Các điều dưỡng cũng sẽ theo dõi vết mổ để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng, lượng chất lỏng bạn uống cũng như hoạt động của bàng quang và ruột. Bạn nên bắt đầu cho em bé bú càng sớm càng tốt ngay khi có thể, vì việc tiếp xúc da và bú sữa mẹ là những khoảnh khắc gắn kết tuyệt vời giữa mẹ và con.
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau và chăm sóc tại nhà. Trước khi rời bệnh viện, bác sĩ sẽ dặn dò về các thuốc giảm đau và các biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể cần đến, chẳng hạn như tiêm vắc-xin. Các mũi tiêm phòng sẽ được cập nhật để bảo vệ sức khỏe cho bạn và em bé.[9]
    • Nhớ rằng nếu bạn cho con bú, có thể bạn phải tránh uống một số loại thuốc hoặc hỏi bác sĩ về các loại thuốc an toàn cho cả mẹ và con.
    • Bác sĩ cũng sẽ giải thích về quá trình "co tử cung", khi đó tử cung của bạn sẽ co lại bằng kích cỡ trước khi mang thai, và hiện tượng sản dịch. Có thể xảy ra hiện tượng chảy nhiều máu đỏ tươi đến 6 tuần. Bạn sẽ cần dùng băng vệ sinh siêu thấm thường được bệnh viện cung cấp sau ca sinh, và không dùng tampon trong thời gian hồi phục.
  3. Chăm sóc bản thân và em bé trong thời gian hồi phục ở nhà. Quá trình phục hồi sau ca sinh mổ có thể mất đến hai tháng, do đó bạn đừng vội, và cũng nên giới hạn mức hoạt động thể chất. Không nâng nhấc bất cứ vật nào nặng hơn em bé, và tránh làm việc nhà.[10]
    • Dựa vào lượng sản dịch để điều chỉnh mức hoạt động, vì sản dịch sẽ ra nhiều hơn nếu bạn vận động quá nhiều. Dần dần sản dịch sẽ chuyển từ màu hồng nhạt hoặc đỏ sẫm sang màu vàng hoặc nhạt màu hơn. Không sử dụng tampon hoặc thụt rửa cho đến khi hết sản dịch. Không quan hệ tình dục cho đến khi bác sĩ khẳng định là an toàn.
    • Duy trì độ ẩm cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước, đồng thời áp dụng chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Điều này sẽ giúp cơ thể hồi phục, đồng thời ngăn ngừa đầy hơi và táo bón. Bạn nên đặt chỗ thay tã và đồ dùng cho em bé gần nơi bạn nằm để không phải dậy nhiều.
    • Cảnh giác với hiện tượng sốt cao hoặc đau bụng, vì đó cả hai hiện tượng đó là dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu có các triệu chứng này xuất hiện, bạn cần đến bác sĩ để khám.

Lời khuyên[sửa]

  • Cân nhắc thuê người chăm sóc hậu sản cho các bà mẹ sau khi sinh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]