Con người đã sống ở Tây Tạng cách đây ít nhất 7.400 năm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bằng chứng về khảo cổ học và gene mới đây chỉ ra rằng con người đã sinh sống ở Tây Tạng từ thời tiền nông nghiệp.

Con người xuất hiện ở cao nguyên Tây Tạng sớm hơn gần 4.000 năm so với suy nghĩ trước đây

Những nhóm thợ săn quả cảm có thể đã sống quanh năm ở cao nguyên Tây Tạng giá lạnh, khắc nghiệt và thiếu ô xy cách nay ít nhất 7.400 năm – tức là sớm hơn gần 4.000 năm so với suy nghĩ trước đây của các nhà khoa học.

Kết luận nói trên được đưa ra bởi nhóm nhà khảo cổ học, những người đã khảo sát lại những dấu chân và dấu tay cổ xưa tại một địa điểm trên cao nguyên Tây Tạng, có thể giúp làm sáng tỏ lý do và cách thức con người di cư đến đây. Kết luận này cũng phù hợp với những nghiên cứu về gene vốn cho thấy người Tây Tạng bắt đầu có những điều chỉnh về mặt sinh lý học để thích nghi với những mức giảm nồng độ ô xi khí quyển vào cùng khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, bằng chứng đưa ra còn quá ít ỏi để khẳng định việc con người đã sống quanh năm trên cao nguyên Tây Tạng từ sớm như vậy.

Ở độ cao trung bình 4.500 m so với mặt biển, nồng độ ô xi trong không khí của Tây Tạng chỉ bằng khoảng một nửa so với cao độ 0. Mark Aldenderfer, nhà khảo cổ học tại trường ĐH California, Merced, đồng tác giả của nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng Một năm nay trên tạp chí Science, cho rằng, “đây là phép thử cốt tử đối với khả năng sống sót và thích nghi của con người trong môi trường vô cùng khắc nghiệt”.

Các nhà khoa học vẫn nghĩ, con người bắt đầu sinh sống trên cao nguyên Tây Tạng quanh năm, cả vào mùa hè và mùa đông buốt giá, chỉ khoảng từ 3.600 năm trước, khi đã xuất hiện giống lúa mạch chịu được sương giá cũng như nhiệt độ thấp và những người sống bằng nghề trồng trọt di cư ồ ạt lên vùng cao. Đây là thông tin từ công bố của Fahu Chen và Guanghui Dong (ĐH Lan Châu, Trung Quốc) trên Science năm 2014.

Một trong những dấu tay mà các nhà nghiên cứu lấy được tại Chusan, được xác định có độ tuổi từ 7.400 đến 12.700 năm trước.

Nhưng Aldenderfer và các đồng nghiệp của ông cho rằng những nhóm người sống bằng nghề săn bắt đã sống trên cao nguyên Tây Tạng từ lâu trước khi nghề trồng trọt chiếm lĩnh. Bằng chứng của nhóm nghiên cứu xuất phát từ khu vực khảo cổ Chusang, phía tây bắc Lhasa, ở độ cao hơn 4.000 m so với mặt biển. Aldenderfer giải thích, những phiến đá - từng có thời là bùn nhão, nằm gần một suối nước nóng ở đó - đã in dấu chân và dấu tay của ít nhất sáu người, trong đó có cả trẻ em. Những công cụ bằng đá thời tiền sử cũng được tìm thấy ở gần đó và phấn hoa vùi trong các dấu chân dấu tay đã gợi dẫn đến những đồng cỏ xanh tốt, nơi sinh sống của nhiều loài thú hoang – nguồn thức ăn cho bất cứ người di cư nào.

Với việc sử dụng ba phương pháp xác định niên đại, nhóm nghiên cứu do Aldenderfer và Michael Meyer, nhà địa chất học tại ĐH Innsbruck, Áo, dẫn dắt, đã phát hiện các trầm tích quanh đó có niên đại từ 7.400 đến 12.700 năm. (Một nghiên cứu trước đó xác định tuổi của các trầm tích này là 20.000 năm nhưng nó sử dụng một kỹ thuật có xu hướng ước tính niên đại cao lên, theo Meyer).

Aldenderfer cho biết, chắc chắn con người đã đến Chusang không chỉ vào mùa hè. Chusang tứ bề xa cách những vùng đất thấp có thể cư trú được. Để đến đây và quay về từ một điểm hạ trại ở vùng đất thấp hơn phải mất ít nhất một tháng vượt qua những đỉnh núi thường là không thể vượt qua được; một hành trình khác hợp lý hơn thì cũng kéo dài đến hơn hai tháng cả đi lẫn về, nghiên cứu thực địa của nhóm cho thấy. Những hành trình này xa hơn nhiều so với hành trình thông thường của những nhóm người du cư, Aldenderfer nói, chứng tỏ những người để lại dấu chân dấu tay đã sống ở đây quanh năm.

Những thích nghi kiểu gien[sửa]

Kết quả của nghiên cứu nói trên cũng phù hợp với những nghiên cứu về gene. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã hoàn thành việc giải trình tự hệ gene của người Tây Tạng, cho thấy vốn gene của người Tây Tạng hiện đại đã được định hình cách nay khoảng 15.000 đến 9.000 năm. Dựa trên bằng chứng này, Shuhua Xu, nhà di truyền học quần thể tại Viện Các ngành khoa học sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc, tác giả chính của nghiên cứu về gien nói trên, cho rằng, hàng ngàn người có thể đã di cư đến cao nguyên Tây Tạng trong quãng thời gian này.

Những nghiên cứu khác cũng cho thấy, từ khoảng 12.800 đến 8.000 năm trước, người Tây Tạng bắt đầu có những biến đổi về gene giúp họ thích nghi với nồng độ ô xy trong máu thấp. Xu nói: “Để có sự biến đổi cần thiết này, con người phải định cư, và quan trọng hơn, phải sinh con đẻ cái trên cao nguyên Tây Tạng”.

Khoảng 8.000 đến 7.000 năm trước, cao nguyên Tây Tạng cũng từng trải qua một thời kỳ khí hậu ấm áp và ẩm ướt, Guanghui Dong, nhà khảo cổ học tại ĐH Lan Châu, chỉ ra trong một nghiên cứu năm 2014 về đề tài những người sống bằng nghề trồng trọt đã tỏa ra khắp cao nguyên này kể từ đó như thế nào. Có khả năng khí hậu ấm áp và ẩm ướt đã làm cho cao nguyên trở nên trù phú, thu hút con người chuyển đến sống ở những vùng đất cao. Trong khi đó, sự gia tăng cạnh tranh các nguồn tài nguyên ở những vùng đất thấp cũng có thể đã góp phần đẩy những nhóm người sống bằng nghề săn bắt chuyển đến sống ở những vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt.

“Thật thú vị được thấy cuối cùng Chusang cũng có vài ước tính về niên đại thuyết phục,” Jeffrey Brantingham, nhà nhân học chuyên nghiên cứu về các cư dân cao nguyên tại trường ĐH California, Los Angeles, nói. Nhưng theo ông, nghiên cứu mới vẫn chưa chứng minh được việc con người sống quanh năm ở cao nguyên Tây Tạng. Những dấu vết của lỗ chôn cọc lều hay những suy luận về việc con người sống ở đây vào giữa mùa đông từ xương động vật còn lại, mới là bằng chứng trực tiếp hơn, ông nói.

“Nếu con người sống ổn định trên cao nguyên này từ sớm như vậy thì có thể chỉ là sự tồn tại bên lề của một nhóm người nhỏ,” Guanghui Dong bổ sung. “Một lượng lớn cư dân thì không thể sống sót trên cao nguyên này cả năm trời nếu không có trồng trọt”, ông nói.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này