Cuộc đời hoạt động của khoa học gia tại trường Đại học
Khoa học gia sinh hoạt, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài Đại học. Ở ngoài Đại học, họ phục vụ các xí nghiệp hay trung tâm khảo cứu chuyên biệt của chính phủ. Ở trong Đại học, họ khảo cứu nơi các phòng thí nghiệm và giảng dạy: vậy họ là một khảo cứu gia kiêm nhiệm thêm vai trò của một nhà giáo. Chính vì vậy có sự hoà lẫn của hai nhiệm vụ đó, nên cuộc đời của khoa học gia nơi Đại học có một sắc thái đặc biệt trong cộng đồng khảo cứu.
Cuộc đời của họ có 5 giai đoạn rõ rệt: Sinh viên Cử nhân, Sinh viên hậu cử nhân, Giảng sư, Giáo sư và Trưởng ban khoa học.
Mỗi giai đoạn là cả một thời gian thử thách cam go, có tính chất đào thải liên tục. Nó kéo dài hay thu ngắn tùy theo từng người và tuỳ nơi hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Mục lục
Giai đoạn TRỨNG NƯỚC[sửa]
Một khoa học gia trung bình bắt đầu giai đoạn cử nhân ở lứa tuổi đôi mươi, một giai đoạn sơ khởi, trứng nước kéo dài 4 năm. Sinh viên học và đọc suốt thời kỳ đó. May mắn lắm họ mới được chỉ dẫn về khảo cứu. Họ học lý thuyết và thực hành tại trường và tại các cơ xưởng. Học đọc đủ các loại tài liệu từ thứ phổ thông và đại học đến thứ chuyên khoa khảo cứu. Mức độ đọc sách gia tăng từ năm đầu đến năm cuối, tỷ lệ nghịch với số lượng bài học từ chương. Mỗi sinh viên khoa học muốn đi xa phải thông thạo ít nhất hai ngoại ngữ khoa học, vì khoa học không có biên cương. Nhưng thu thập kiến thức chỉ là phần phụ. Tự đào luyện mình thành con người mới là điều chính. Sau năm dự bị, Sinh viên bắt đầu tập suy nghĩ, tập đắn đo, tập ngờ vực, tập ưu tư trong mọi vấn đề chuyên môn cũng như ở ngoài đời. Họ tập bình tĩnh trước mọi khích động nhất thời. Họ tập can đảm trước mọi khó nguy. Trong sinh hoạt tập thể, sinh viên tập tổ chức, giao thiệp, tập ăn nói hoạt bát trước công chúng, tập thảo luận xây dựng, tập diễn tả tư tưởng bằng bút mực. Có như vậy mới đầy đủ khả năng để đi xa trên con đường khảo cứu về sau. Giai đoạn Cử nhân chỉ là một lớp sơn lót trên một mảnh ván khô mới bào nhẵn. Bao nhiêu sơn đề rút hết vào bên trong, cho nên sau 4 năm, sinh viên nhìn nhau mà không thấy màu sắc nơi nhau. Đôi khi họ đâm ra lo sợ, vì thấy mình chẳng biết gì. Cái đó cũng là một điều tốt, vì nó khởi đầu cho một đức tính cần thiết trong tâm hồn của khoa học gia: ĐỨC KHIÊM NHƯỢNG.
Giai đoạn ẤU THƠ[sửa]
Sau khi đã đỗ Cử nhân xong, sinh viên bước vào giai đoạn ấu thơ của cuộc đời khảo cứu, một giai đoạn thử thách ghê gớm nhất. Giai đoạn HẬU CỬ NHÂN này có hoạt động chính là khảo cứu. Chương trình làm việc tuỳ thuộc mỗi cá nhân, mỗi phòng thí nghiệm, nhưng mục đích tối hậu vẫn là hoàn thành một luận án tiến sĩ xuất bản những kết quả khảo cứu giới hạn tìm thấy bên lề của việc chính. Sinh viên khảo cứu nếm đủ thứ cực hình về thể xác lẫn tâm hồn suốt thời kỳ đó. Trước nhất là không nghĩ đến việc kiếm tiền được, vì hơi kẽm thường làm hư con người. Sau nữa, không mấy ai dám nghĩ đến tình gia đình, vì tình yêu làm yếu người trong lúc gian nan. Một chiếc áo choàng trắng, một khuôn mặt đăm chiêu, một cặp mắt xa xăm, một mái tóc rối… đó là hình ảnh quen thuộc nhất của một khảo cứu tập sự. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu lo lắng, dằng co, bao nhiêu trì chí và nhẫn nại… tất cả đều dốc vào công việc tìm tòi một vài chân lý bé nhỏ. Những người thẳng trớn làm việc một mạch thì dễ tới đích. Những ai bỏ lững công việc dăm ba tháng thì chẳng bao giờ tiếp tục được nữa. Sự đào thải vì đó có tỷ lệ rất cao. Kinh nghiệm cho thấy cứ 10 sinh viên đỗ Cử nhân thì có 1 qua được giai đoạn khảo cứu, còn bao nhiêu thì lạc lõng và ngã gục trong sa mạc mênh mông này. Kẻ thành công không phải bao giờ cũng là người thông minh tốt chúng, mà thường là người bền chí, dày công.
Giai đoạn khảo cứu đối với khoa học gia muốn phục vụ Đại học còn là khoảng thời gian tập tành giảng huấn. Thoạt đầu, sinh viên được đề cử phụ giảng vài nhóm nhỏ, kèm một bài toán chỉ bảo một thí nghiệm giản dị… Về sau, tuỳ khả năng, họ được giao phó giảng dạy đôi giờ lý thuyết thuộc chuyên môn của họ. Tất nhiên GS điều khiển họ khảo cứu phải chịu trách nhiệm về giá trị của những bài giảng này. Như thế, Sinh viên đã bước vào một lĩnh vực mới: lĩnh vực sư phạm ở bậc Đại học. Tội nghiệp cho họ: khi sắp choàng trên vai chiếc áo tiến sĩ, họ đã phải chăm nom đàn em nheo nhóc rồi. Họ mang hình ảnh của người anh hay người chị cả trong gia đình đông con và bẩn chật.
Giai đoạn VÀO ĐỜI[sửa]
Luận án tiến sĩ khoa học trình xong, một hạt bụi góp vào sa mạc của kiến thức, sinh viên thực sự vào đời, cuộc đời của khảo cứu gia khoa học. Tuy vậy, không phải khảo cứu gia nào cũng có duyên số với Đại học. Trước nhất, có khảo cứu gia, vì hoàn cảnh riêng, rút ra xí nghiệp, nơi họ có lương bổng hậu. Một số khác tự biết khả năng sư phạm của mình, bèn đầu quên vào các học viện khảo cứu rất chuyên môn. Được bổ nhiệm giảng sư, một số ít người tỏ khả năng và tâm đức đặc biệt của mình trong thời gian khảo cứu, và nhất là tập tành giảng huấn. Đó là một vinh dự lớn, kèm theo một sự hy sinh tương xứng. Thực vậy, làm nhà giáo ở Đại học, khoa học gia không có đời sống vật chất sung mãn và nhàn hạ được. Họ có quyền chi dụng những ngân quĩ lớn lao cho công tác khảo cứu, nhưng không mấy khi may nổi một bộ lễ phục. Nhiều Giảng sư đã phải rời Đại học giữa chừng xuân, vì không chịu nổi sự thanh bần trường kỳ như vậy.
Còn những người ở lại thì sao? Đối với họ, sự say mê công việc là trên tất cả. Ba mươi tuổi, nửa đời người và một trách nhiệm ngày càng nặng nhọc. Công việc chính của họ giờ đây là nhà nông gieo mạ, cấy lúa: soạn bài giảng, lo hội thảo, dìu dắt sinh viên khảo cứu và săn sóc sinh viên mới nhập trường. Giảng sư không những khảo cứu độc lập, mà còn tìm cách tham gia vào công cuộc khảo cứu rộng lớn hơn, chúng đòi hỏi từng nhóm người đông đảo. Đó là lối khảo cứu tập thể. Ích lợi của nó đối với giảng sư là tập dần đời sống lãnh đạo của giáo sư đại học về sau. Thời gian này cũng là thời gian tập phác hoạ những kế hoạch ngắn hạn trong lãnh vực tổ chức khảo cứu hay giáo dục chuyên môn. Phần khảo cứu của cá nhân tăng gia về phẩm cũng như về lượng, nhờ kinh nghiệm sẵn có từ trước. Cuộc đời khảo cứu gia, lúc này là lúc sáng tạo phong phú nhất.
Giai đoạn VẠCH LỐI ĐI MỚI[sửa]
5 năm, 10 năm hay 15 năm trôi qua trong cuộc đời giảng sư… Nếu có sự cạnh tranh ráo riết, nếu không có khảo cứu lỗi lạc, tư tưởng độc đáo, hoạt động rộng lớn, thì giảng sư khó thành giáo sư. Tỷ lệ thành đạt ở đây không phỏng đoán nổi, thường là 1/10 hay 1/20. Giáo sư đại học không phải là một người khảo cứu kinh nghiệm hay một nhà giáo lành nghề. Đó là một người biết vạch ra một con đường mới cho đàn em.
Bài giảng giờ đây biến thành những diễn thuyết giá trị, chứa đựng một hệ thống tư tưởng qui mô, nêu rõ một triết lý rõ về vũ trụ và nhân sinh. Chúng có rõ mục đích tổng hợp những điều đã biết và vạch ra cho đại chúng một phòng thí nghiệm chuyên biệt, giáo sư tiếp tục hội thảo với đồng nghiệp, với môn đệ trong trường phái của mình và ngay cả với sinh viên các cấp. Những đàn em đó, hơn bao giờ hết, cần nơi giáo sư một niềm tin ở tương lai, một hy vọng không bao giờ tắt trong những lúc khó khăn, và một tấm gương sáng để hãnh diện với đồng bạn. Thời gian của cuộc đời giáo sư giờ đây dành cho các hội nghị quốc nội và quốc tế mà giáo sư góp phần tổ chức để đẩy mạnh phong trào quần chúng hỗ trợ cho khoa học nói chung và cho bộ môn mình nói riêng. Nhà khoa học ở cuối thể kỷ XX không thể sống ẩn dật trong phòng thí nghiệm mãi được.
Trên phương diện khảo cứu giáo sư vẫn phải tiếp tục làm gương tiên phong. Không có giáo sư khoa học nào có quyền chểnh mảng sứ mạng cao quí đó. Thế nhưng đề tài khảo cứu giờ đây là những vấn đề nan giải hay đòi hỏi nhiều năng lực nhất. Thành thử, tuy kinh nghiệm có thừa, tuy óc sáng tạo rất phong phú, nhưng đường khảo cứu của Giáo sư đôi khi hao hao giống đường biểu diễn của Sinh viên khảo cứu. Sự giống nhau đó che đậy hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau. Sinh viên khảo cứu mất nhiều năng lực vì dò dẫm trong một địa hạt dễ, nhưng với kinh nghiệm thiếu thốn. Giáo sư cũng mất nhiều năng lực vì phải giải đáp những vấn đề khó hơn. Hình 5 biểu diễn rõ ràng lối đi của mỗi người. Trong giai đoạn phấn đấu của cuộc đời đó, khoa học gia mới nhận ra rằng thực mình chẳng biết điều gì, hay có biết đi nữa, thì cũng bằng hạt cát trong sa mạc. Thế mà oái ăm thay, người đời lại tặng cho họ một cái tên rất kêu là NHÀ BÁC HỌC.
Giai đoạn ĐIỀU HỢP CAO CẤP[sửa]
Một ngành khoa học có nhiều giáo sư phụ trách có bộ môn riêng rẽ. Ví dụ như ngành sinh học có các bộ môn như thực vật học, động vật học, sinh lý học, sinh hoá học… Giáo sư nào lỗi lạc nhất các ngành sẽ được bầu ra làm trưởng của ngành, gọi là TRƯỞNG BAN, tức là vị lãnh tụ của ngành khoa học trong một giai đoạn nào đó, trong một đại học nhất định. Ở tuổi 50 mà được tín nhiệm như vậy, thực là một vinh dự to tát. Thêm một trách nhiệm mới, và con đường cứ thế dài mãi ra. Trưởng ban không chỉ lo bộ môn của mình say mê. Trưởng ban phải lo cho ngành, từ chi tiết đến đại cương, từ kế hoạch dài hạn đến sinh hoạt hàng ngày. Bổn phận của vị đó là sao cho bộ máy khảo cứu chạy điều hoà, trong nước cũng như với các cơ quan liên hệ ngoài nước. Thời gian trong ngày thường dành cho các cuộc hội họp liên tục với các cộng sự viên, các buổi tiệc để gặp gỡ các nhà tai mắt, và các cuộc du thuyết khắp nơi. Không mấy khi được cái sung sướng của ngày xưa ngồi yên để khảo cứu, để đọc tài liệu mình ưa thích hoặc để soạn một bài giảng đắc ý. Trái lại, có thì giờ rỗi thì vùi đầu vào những bộ môn mới lạ: lịch sử, kinh tế, luật pháp, kỹ nghệ, thương mãi, hầu tìm những liên hệ của ngành với các cơ quan lập pháp hay hành pháp, với các xí nghiệp hay trung tâm kinh doanh. Mục đích chung là để bênh vực các kế hoạch khảo cứu và tìm chỗ ứng dụng của chúng trong đời sống quốc gia. Ngoài ra phải thân thích với báo chí, với các nhà xuất bản, với các cơ quan thông tin để quảng bá ý kiến, được phê bình và được hỗ trợ tinh thần.
Hậu quả của bấy nhiêu hoạt động giao tế là xa dần phòng thí nghiệm của mình, một cuộc giã biệt ray rứt nhứt và cũng là thử thách cuối cùng về lòng yêu khoa học. Có nhiều người vì quá yêu bộ môn khảo cứu còn đang dang dở đã từ chối nhiệm vụ trưởng ban. Phải can đảm lắm mới chấp nhận trách nhiệm đó, với bao nhiêu khắc khoải trong lòng…
May lắm, đến tuổi về hưu, khoa học gia tìm được người san sẻ phận sự Trưởng ban để về với chuyên môn cũ. Rủi ro, họ sẽ bị giao phó thêm trách nhiệm lớn hơn, như hàn lâm viện, uỷ viên trong hiệp hội quốc tế… Giả sử như được về phòng thí nghiệm cũ, mái tranh xưa sẽ đón khảo cứu gia lão thành như thế nào? Với mối tình nồng nhiệt nhất, phần thưởng cuối cùng của nhà khoa học. Thời gian giờ đây giới hạn thật, vì chiến sĩ còn đủ giờ giấc hồi tưởng lại cuộc đời phấn đấu oanh liệt của mình và nhìn đàn con vươn lên như cây rừng từ dưới đáy biển sương. Vai trò cố vấn thích hợp với lứa tuổi xế chiều này nhất, nhưng vị thầy cũ giờ đây lại thích thú khi cắp sách trở lại Đại học để theo dõi và học thêm những kiến thức mới của học trò mình. Còn gì quí hơn khi người chiến sĩ già biết rõ được sở trường và sở đoản của mình trên đường tìm đến chân lý?
Bùn trước Sen sau[sửa]
Khoa học gia Việt Nam mấy ai đã có diễm phúc sống một cuộc đời lý tưởng như vậy trong Đại học? Suốt cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và no ấm cho xứ sở, cũng như dành uy tín cho khoa học trong lòng nhân dân, họ tự hy sinh thân xác gần hết. Qua những xáo trộn liên tiếp, một số tan tác như cành mai trước gió. Hoặc vì bị lôi cuốn vào phong bam, bão táp, hoặc ngã lòng trước hoàn cảnh khó khăn, hoặc thoái hoá và cám dỗ vật chất, hoặc bị tiêu mòn ngay trong thời kỳ trứng nước. Nhưng lạc quan nhất là hễ có người này ngã, thì có kẻ khác tiến lên. Nhờ vậy ánh đuốc khoa học vẫn sẵn sàng hy sinh thêm nữa. Họ quan niệm giản dị rằng nơi Đại học phôi thai của Việt Nam, còn cần nhiều người làm bùn để nuôi lửa sen thơm ngát của ngày mai tươi sáng.
GS. Trần Kim Thạch (Bài viết trên Tập san Bách khoa Thời đại ngày 01/04/1969)