Dạy học theo hợp đồng
1. Dạy học theo hợp đồng là gì ?[sửa]
Dạy học theo hợp đồng là cách tổ chức học tập, trong đó mỗi HS (hoặc mỗi nhóm nhỏ) làm việc với một gói các nhiệm vụ khác nhau (nhiệm vụ bắt buộc và tự chọn) trong một khoảng thời gian nhất định. Trong học theo hợp đồng, học sinh được quyền chủ động xác định thời gian và thứ tự thực hiện các bài tập, nhiệm vụ học tập dựa trên năng lực và nhịp độ học tập của mình.
2. Cách tiến hành dạy học theo hợp đồng[sửa]
2.1. Giai đoạn chuẩn bị:[sửa]
Bước 1. Xem xét các yếu tố cần thiết để học theo hợp đồng đạt hiệu quả
- Lựa chọn nội dung học tập phù hợp: Học theo hợp đồng được xem là một cách thay thế cho việc giảng bài cho toàn thể lớp học, đồng thời cho phép giáo viên đáp ứng được yêu cầu dạy học phân hóa trên cơ sở có thể phát huy sự khác biệt của mỗi học sinh để tạo ra cơ hội học tập cho cả lớp. Vì vậy, không phải bài học nào cũng có thể tổ chức cho HS học theo hợp đồng có hiệu quả. Tùy theo môn học, dạng bài học, GV cần cân nhắc xác định những nội dung học tập sao cho việc áp dụng dạy học theo hợp đồng có hiệu quả hơn so với việc sử dụng phương pháp dạy học khác.
- Xác định thời gian: Để đảm bảo đúng phương pháp học theo hợp đồng, học sinh phải được tự quyết định thứ tự các nhiệm vụ cần thực hiện để hoàn thành bài học. Vì vậy giáo viên cần phải tính đến thời gian cho học sinh đọc kỹ những nội dung được ghi trên hợp đồng của các em trước khi các em ký nhận. Tùy độ dài ngắn hay độ phức tạp của nội dung được học theo hợp đồng mà giáo viên quyết định thời hạn thực hiện hợp đồng. Việc xác định thời hạn của hợp đồng nên được tính theo số tiết ở trên lớp. Làm như vậy giáo viên có thể giúp học sinh quản lý thời gian tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có thể có nhiệm vụ/bài tập ghi trong hợp đồng học sinh có thể được thực hiện ở nhà.
- Tài liệu: Học theo hợp đồng chỉ khả thi khi các học sinh có thể đọc, hiểu và thực hiện các nhiêm vụ một cách tương đối độc lập. Các tài liệu cần được chuẩn bị đầy đủ. Trước hết, học theo hợp đồng chủ yếu dựa trên những sách bài tập sẵn có: hợp đồng sẽ chỉ đơn giản chỉ ra số trang và số các bài tập nhất định. Bước tiếp theo bao gồm những nhiệm vụ được viết trên những tấm thẻ hoặc những phiếu làm bài riêng. Ngay cả khi có những phần tham khảo trong sách bài tập, rõ ràng là bước thứ hai này cho phép học sinh độc lập hơn. Giáo viên có thể bổ sung những nhiệm vụ mới hoặc sửa đổi những bài tập cũ.
Bước 2. Thiết kế các dạng bài tập và nhiệm vụ học theo hợp đồng
- Các dạng bài tập: Một hợp đồng luôn phải đảm bảo tính đa dạng của các bài tập. Không phải học sinh nào cũng có cách học tập và các nhu cầu giống nhau. Sự đa dạng bài tập sẽ đảm bảo rằng trong mỗi hợp đồng, tất cả các phương pháp học tập của mỗi học sinh đều được đề cập. Mặt khác, học sinh cũng cần được làm quen với những bài tập không đề cập trực tiếp đến quan điểm riêng của mình. Điều này mở rộng tầm nhìn của các em và cách thức các em nhìn nhận vấn đề.
- Các nhiệm vụ: Có thể phân chia thành nhiều loại nhiệm vụ học theo hợp đồng nhằm đáp ứng các mục tiêu giáo dục. Ví dụ:
+ Nhiệm vụ bắt buộc và tự chọn: cho phép học sinh được học theo nhịp độ học tập khác nhau.
+ Nhiệm vụ mang tính học tập và nhiệm vụ có tính giải trí: Nhiệm vụ học tập đề cập đến những chủ đề nhất định. Nhiệm vụ mang tính giải trí tạo cơ hội để luyện tập sự nhanh, nhạy, sáng tạo, cạnh tranh vui vẻ như: Trò chơi ngôn ngữ, toán vui, …
+ Nhiệm vụ cá nhân và nhiệm vụ hợp tác: thể hiện một sự kết hợp khéo léo giữa nhiệm vụ cá nhân với các bạn cùng lớp hay cùng nhóm.
+ Nhiệm vụ độc lập và nhiệm vụ được hướng dẫn: Không phải nhiệm vụ nào cũng đòi hỏi học sinh tự lực giải bài tập, phát hiện ra kiến thức mới. Trong những trường hợp gặp khó khăn, học sinh có thể tìm được sự trợ giúp từ giáo viên thông qua các phiếu “trợ giúp” ở các mức độ khác nhau và học sinh có thể tham khảo chúng để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong hợp đồng.
Bước 3. Thiết kế văn bản hợp đồng: Văn bản hợp đồng bao gồm nội dung mô tả nhiệm vụ cần thực hiện, phần hướng dẫn thực hiện, phần tự đánh giá những hoạt động học sinh đã hoàn thành và kết quả.
2.2. Giai đoạn 2. Tổ chức cho HS học theo hợp đồng[sửa]
Bước 1. Giới thiệu tên chủ đề/ bài học và thông báo ngắn gọn các nội dung, phương pháp học tập được ghi trong hợp đồng. Giới thiệu và thống nhất các nguyên tắc học theo hợp đồng với học sinh cả lớp. Phát hợp đồng cho cá nhân hoặc nhóm học sinh.
Bước 2. Học sinh đọc và đăng ký, thời gian và thứ tự thực hiện các bài tập, nhiệm vụ học tập ghi trong hợp đồng và ký cam kết với giáo viên.
Bước 3. Học sinh làm việc cá nhân hoặc theo nhóm để thực các bài tập, nhiệm vụ trong hợp đồng. Đối với một số loại bài tập nhất định có thể yêu cầu các em làm việc theo nhóm cùng trình độ hoặc khác trình độ để các em có thể giúp nhau tìm và sửa các lỗi mắc phải. Khuyến khích các em phát triển các kỹ năng xã hội như học sinh có thể sử dụng các tín hiệu khi cần trợ giúp mà không làm ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khác. Ví dụ: Khi một học sinh hoặc nhóm nhỏ, đặt “cờ đỏ” lên bàn có nghĩa là các em cần sự trợ giúp,…. Nhận được tín hiệu này, không chỉ giáo viên mà học sinh khác hay nhóm khác có thể tới hỗ trợ.
Trong học theo howpk đồng, giáo viên cần chủ động thể đặt kế hoạch làm việc với cá nhân hoặc nhóm học sinh nào đó để chữa lỗi hay hướng dẫn trực tiếp. Đồng thời giáo viên cần quan sát tổng thể không khí làm việc của lớp để phát hiện xem nội dung/bài tập nào nhiều học sinh gặp khó khăn, cần cải thiện hoặc giải đáp chung,…
2.3. Một số điểm cần lưu ý[sửa]
Tổ chức: Trong phương pháp học theo hợp đồng, không cần thiết phải sắp xếp lại lớp học. Giáo viên hoàn toàn có thể tổ chức hình thức này trong lớp học nhỏ với không gian hạn chế, ít điều kiện di chuyển.
Tuy nhiên, phương pháp học theo hợp đồng sẽ trở nên thoải mái và chuyên sâu hơn nếu tổ chức sắp xếp trong lớp học được điều chỉnh. Bàn học có thể được kê lại để thu hút học sinh làm việc tập trung hơn trong nhóm, các góc/khu vực đặt các tài liệu, đồ dùng học tập, … sẽ tạo ra thách thức đối với học sinh có thể được kết hợp trong phương pháp học theo hợp đồng.
Thời hạn hợp đồng: Có loại ngắn hạn trong 1 tiết, 2 tiết hoặc có thể kéo dại 1 - 2 tuần tùy theo bài tập và nhiệm vụ của môn học.
3. Ưu điểm và hạn chế[sửa]
Ưu điểm
- Cho phép phân hoá nhịp độ và trình độ của học sinh
- Tăng cường tính độc lập của học sinh
- Tạo điều kiện cho học sinh được thày cô giáo hướng dẫn cá nhân
- Tăng cường học tập hợp tác
- Hoạt động phong phú hơn
- Lựa chọn đa dạng hơn
- Tránh chờ đợi
- Tạo điều kiện cho trẻ được giao và thực hiện trách nhiệm
Hạn chế
- Các nhiệm vụ, tài liệu học tập phải được chuẩn bị trước
- Các tài liệu học tập phải được đa dạng hoá cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng học sinh
- Cả thày và trò đều cần một khoảng thời gian nhất định để làm quen với phương pháp dạy và học mới.
4. Ví dụ minh họa[sửa]
GIÁO ÁN BÀI 33. LUYỆN TẬP VỀ CLO VÀ HỢP CHẤT CỦA CLO (2 tiết)
- đang viết
Nguồn, tài liệu tham khảo[sửa]
- Tài liệu tập huấn kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong trường trung học phổ thông môn hóa học; Vụ Giáo dục trung học, 2014