Dễ chịu hơn khi bị cảm cúm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thỉnh thoảng bị nhiễm virus cúm là điều thường xảy ra. Thông thường bệnh cảm cúm xuất hiện và tự khỏi trong ba hoặc bốn ngày, nhưng một số triệu chứng có thể vẫn còn dai dẳng hơn một chút. Các triệu chứng của bệnh cảm cúm có thể bao gồm chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau họng, ho, đau mình, đau đầu, hắt xì hơi và sốt nhẹ. Bệnh cảm cúm gây khó chịu và có lẽ bạn muốn được dễ chịu hơn ngay lập tức.[1]

Các bước[sửa]

Làm Dịu các Triệu chứng[sửa]

  1. Uống trà. Trà nóng có thể xoa dịu cổ họng, giúp dịch nhầy dễ long ra và hơi nước có thể giảm sưng viêm. Trà hoa cúc là một loại trà thảo mộc thông dụng trị cảm cúm và sẵn có với nhiều loại có tác dụng tốt. Trà xanh và trà đen chứa các hóa chất thực vật có thể giúp chống chọi với bệnh cảm cúm; trà xanh còn giúp bù nước cho cơ thể.
    • Thêm mật ong vào trà. Mật ong bao bọc cổ họng và giúp ngăn chặn cơn ho.
    • Nếu bị mất ngủ vì ho, bạn có thể thêm một thìa cà phê mật ong và khoảng 25 ml rượu whiskey hoặc bourbon vào trà cho dễ ngủ. Chỉ uống một trong hai loại rượu này vì quá nhiều alcohol có thể khiến bệnh cảm cúm thêm nặng.[2]
  2. Tắm nước nóng dưới vòi sen hoặc ngâm trong bồn tắm. Điều này sẽ giúp bạn thư giãn. Hơi nước giúp long dịch nhầy, làm dịu tình trạng sưng viêm trong các xoang và giảm nghẹt mũi. Bạn nên đóng cửa phòng tắm để hơi nước tích tụ lại và hít thở trong khoảng 10-15 phút.[3]
    • Bạn cũng có thể thêm vào bồn tắm các loại tinh dầu như khuynh diệp hoặc bạc hà cay để tăng tính hiệu quả chống nghẹt mũi của hơi nước.
  3. Xông hơi nước trực tiếp. Bạn không cần tắm vòi sen mới có thể tận dụng được hiệu quả của hơi nước. Đun sôi một nồi nước, giảm lửa và hơ mặt trên làn hơi ở khoảng cách an toàn. Chậm rãi hít thở qua mũi và miệng, cẩn thận kẻo bỏng vì chạm vào nồi hoặc ghé quá sát vào hơi nước nóng.
    • Bạn cũng có thể thêm vào nồi nước vài giọt tinh dầu như khuynh diệp hoặc bạc hà cay để tăng công dụng của liệu pháp hơi nước.
    • Nếu chưa thể đun nước, bạn hãy nhúng khăn vào nước ấm và đắp lên mặt cho đến khi mát.
  4. Dùng thuốc xịt hay thuốc nhỏ mũi. Thuốc xịt hoặc nhỏ mũi có thể mua ở hiệu thuốc và thường rất có hiệu quả giúp giảm khô mũi và nghẹt mũi. Thêm vào đó, các loại thuốc này cũng an toàn và không gây kích ứng các mô mũi – thậm chí có thể dùng cho trẻ em. Đảm bảo dùng theo hướng dẫn trên vỏ hộp thuốc.
    • Thử xì mũi sau vài phút dùng thuốc xịt hoặc nhỏ mũi. Sau khi dùng thuốc, bạn sẽ thấy dịch nhầy dễ xì ra hơn và mũi sẽ thông thoáng được một lúc.
    • Đối với trẻ sơ sinh, bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối vào một lỗ mũi. Dùng dụng cụ hút mũi để hút dịch nhầy ra bằng cách cho vào lỗ mũi trẻ, sâu khoảng 0,5 – 1.2 cm. [4]
    • Bạn có thể tự làm dung dịch muối bằng cách pha 240 ml nước ấm với một nhúm muối ăn và muối nở. Để cho an toàn, bạn nên đun sôi nước và để cho nguội trước khi cho vào mũi. Bơm dung dịch này vào một lỗ mũi trong khi bịt lỗ mũi còn lại. Bạn có thể lặp lại 2-3 lần trước khi thực hiện với lỗ mũi bên kia.[5]
  5. Thử dùng bình rửa mũi. Bình rửa mũi được sử dụng để rửa trôi dịch nhầy và giúp thông mũi. Bộ rửa mũi sẵn có ở các hiệu thuốc hoặc các cửa hàng thực phẩn dinh dưỡng. Bình rửa mũi thực sự giúp bạn dễ thở hơn khi bị cảm cúm.
    • Pha 1/2 thìa cà phê muối ăn với một cốc nước ấm. Đun sôi nước trước và để nguội nhằm tiêu diệt vi khuẩn và mầm bệnh nếu có. Rót nước và dung dịch muối vào bình.
    • Bạn cần đứng trước bồn rửa hoặc nơi thoát nước. Nghiêng đầu qua một bên và đặt vòi bình vào lỗ mũi bên trên. Rót dung dịch muối vào lỗ mũi cho đến khi chảy ra lỗ mũi bên kia. Lặp lại với lỗ mũi còn lại.
  6. Thoa dầu vaporub. Các loại dầu thoa sử dụng nhiều cho trẻ em vì hơi dầu giúp xoa dịu, giảm ho và thông mũi. Thoa dầu lên ngực và lưng. Bạn cũng có thể xoa dầu hoặc kem menthol dưới mũi nếu da bị rát do xì mũi nhiều lần.
    • Không nên bôi kem hoặc dầu xoa trực tiếp dưới mũi của trẻ em vì có thể gây kích ứng hoặc khó thở do hơi dầu bốc ra.
  7. Đắp nóng hoặc lạnh lên các xoang. Dùng gạc nóng hoặc lạnh đắp lên nơi bị nghẹt. Bạn có thể tự làm gạc nóng bằng cách nhúng ướt khăn và cho vào lò vi sóng khoảng 55 giây. Với gạc lạnh, bạn có thể dùng túi rau củ đông lạnh và quấn khăn bên ngoài.
  8. Uống vitamin C. Vitamin C có thể rút ngắn thời gian cảm cúm. Bạn có thể uống đến 2.000 mg mỗi ngày. Luôn tham khảo bác sĩ trước khi uống một loại thực phẩm bổ sung hoặc vitamin mới.
    • Nếu uống quá nhiều vitamin C, bạn có thể bị tiêu chảy. Không uống nhiều hơn liều lượng khuyến cáo.[6]
  9. Thử dùng cúc tím Echinacea. Bạn có thể uống trà hoặc viên con nhộng cúc tím Echinacea, cả hai loại đều có bán tại các cửa hàng thực phẩm. Cũng như vitamin C, loại thảo dược này có thể làm giảm các triệu chứng cảm cúm. Trừ khi có vấn đề về hệ miễn dịch hoặc đang dùng thuốc, bạn hãy thử dùng loại thảo mộc này. Hoặc bạn có thể tham khảo bác sĩ trước khi dùng.
  10. Uống kẽm. Kẽm đặc biệt công hiệu nếu được uống ngay khi có triệu chứng cảm. Kẽm đã được chứng minh là có thể hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh cảm cúm. Nếu thấy buồn nôn khi uống kẽm, bạn hãy uống kèm với bữa ăn.[7]
    • Không dùng kẽm dạng gel hoặc các loại kẽm khác dùng trong mũi. Nó có thể gây tổn thương và làm mất khứu giác.
    • Dùng kẽm liều cao có thể gây buồn nôn và nôn.
  11. Dùng viên ngậm. Các viên ngậm thông cổ, trị ho có nhiều hương vị - từ mật ong, cherry cho đến menthol. Một số loại có chứa chất gây tê như menthol có thể giúp bạn dễ chịu khi bị đau họng. Viên ngậm tan dần trong miệng, làm dịu cổ họng và giảm ho.
  12. Dùng máy tạo ẩm. Máy tạo ẩm phun hơi mát tăng thêm độ ẩm cho không khí, cũng giống như hơi nước, độ ẩm giúp làm loãng đờm. Máy tạo ẩm giúp giảm ho và nghẹt mũi khiến bạn dễ ngủ hơn. Sử dụng máy tạo ẩm theo hướng dẫn và làm vệ sinh đúng cách để chống vi khuẩn và nấm mốc.
  13. Súc miệng. Súc miệng với nước muối ấm có thể giảm sưng viêm và làm dịu cổ họng bỏng rát. Nước muối cũng làm long dịch nhầy và giúp bạn dễ chịu hơn. Nếu tự pha nước muối, bạn cần đảm bảo để nguội trước khi dùng.
    • Có thể pha nước muối bằng cách hòa tan một thìa cà phê muối với 240 ml nước ấm.
    • Nếu bị rát họng, bạn có thể thử súc miệng với nước trà.
    • Bạn cũng có thể thử dùng dung dịch súc miệng đặc hơn bằng cách pha 50 ml mật ong và 100 ml nước có ngâm lá xô thơm và ớt cayenne rồi đun sôi trong 10 phút.
  14. Ăn súp. Nước thịt ấm có thể giúp giảm các triệu chứng cảm cúm. Hơi nước có thể làm thông xoang và xoa dịu cổ họng. Ngoài ra, súp cũng giúp giữ nước cho cơ thể. Điều thú vị là súp gà thực sự có thể giúp giảm sưng viêm ở một số trường hợp, và giúp bạn đẩy lùi bệnh cảm cúm.[4]

Uống Thuốc[sửa]

  1. Không dùng thuốc kháng sinh trừ khi thật cần thiết. Nếu bị cảm, bạn không cần dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh dùng để trị bệnh nhiễm vi khuẩn chứ không trị bệnh nhiễm viurs như cảm cúm. Hơn nữa, kháng sinh có thể có các tác dụng phụ, và việc dùng kháng sinh khi không cần thiết có thể góp phần tạo ra vi khuẩn kháng thuốc.
  2. Uống thuốc giảm đau không kê toa. Acetaminophen, naproxen, và ibuprofen có thể giúp giảm đau họng, đau đầu, đau mình và sốt. Các dược chất này có trong các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có bán ở các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. Đảm bảo dùng theo hướng dẫn trên hộp thuốc khi uống thuốc giảm đau.
    • Một số loại NSAID có một số tác dụng phụ và gây ra các vấn đề về dạ dày hoặc làm hại gan. Bạn đừng bao giờ uống NSAID lâu ngày hoặc uống liều cao hơn khuyến cáo. Nếu đã uống NSAID quá 4 lần một ngày hoặc uống quá 2 đến 3 ngày, bạn cần liên lạc với bác sĩ.[1]
    • NSAID không dùng cho trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Luôn kiểm tra liều lượng thuốc giảm đau khi dùng cho trẻ sơ sinh lớn hơn và trẻ em. Một số công thức thuốc rất đậm đặc.[8]
    • Không nên cho trẻ em dưới 12 tuổi uống aspirin vì nguy cơ mắc hội chứng Reye.
  3. Uống thuốc trị ho. Ho giúp tống dịch nhầy ra khỏi phổi và họng. Tuy nhiên nếu cơn ho khiến bạn đau rát hoặc không ngủ được, bạn có thể cân nhắc dùng thuốc ho tạm thời. Luôn đọc nhãn thuốc và dùng theo hướng dẫn trước khi dùng thuốc ho khi bị cảm cúm.
    • Không nên cho trẻ em dưới 6 tuổi uống thuốc ho.
  4. Dùng thuốc thông mũi. Nghẹt mũi thật không dễ chịu gì, và thậm chí còn gây đau tai. Thuốc và xịt thông mũi có thể giúp giảm áp suất và tình trạng sưng trong các xoang. Các loại thuốc này có bán không cần toa bác sĩ ở các hiệu thuốc hoặc cửa hàng thực phẩm.
    • Thuốc thông mũi nên dùng hạn chế trong vòng ba ngày. Nếu không, các triệu chứng có thể trở nên nặng hơn.
  5. Dùng thuốc xịt họng. Thuốc xịt họng có lẽ cũng sẵn có ở các hiệu thuốc, có thể giúp làm tê cổ họng nếu bị đau. Loại thuốc này có tác dụng tạm thời và làm dịu các triệu chứng. Tuy nhiên nó có vị khá nồng, và một số người cũng không thích cảm giác tê do loại thuốc xịt này gây ra.

Ngăn ngừa Biến chứng[sửa]

  1. Xì mũi đúng cách. Để xì mũi, bạn cần bịt một bên lỗ mũi và xì lỗ mũi bên kia vào khăn giấy. Xì nhẹ nhàng. Khi bị cảm cúm, bạn cần xì mũi thường xuyên để tống dịch nhầy ra khỏi cơ thể.
    • Không xì mũi quá mạnh vì dịch nhầy có thể bị đẩy vào ống tai hoặc vào sâu trong các xoang.[9]
  2. Nghỉ ngơi thoải mái. Bạn không nên đi làm hoặc đi học khi bị cảm cúm để tránh lây truyền bệnh. Bạn cũng có thể tận dụng cơ hội để nằm trên giường và tập trung vào việc làm sao cho khỏe hơn. Mặc bộ đồ ngủ vào và thư giãn. Cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi để hồi phục, và bạn cần giải tỏa căng thẳng để giúp cơ thể có đủ năng lượng chữa bệnh.
  3. Đi ngủ. Nếu mỗi ngày ngủ ít hơn năm hoặc sáu tiếng, bạn có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cao gấp bốn lần.[10] Cơ thể thực sự cần thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục nhờ giấc ngủ, đặc biệt là khi đang chống chọi với bệnh cảm cúm. Vì thế, hãy chuẩn bị gối êm, chăn ấm, nhắm mắt lại và thả mình vào những giấc mơ.
    • Đắp nhiều lớp chăn khi ngủ nếu thân nhiệt của bạn dao động để có thể bỏ bớt hoặc đắp thêm chăn khi thấy nóng hoặc lạnh.
    • Bạn có thể cần thêm gối để kê cao đầu giúp giảm ho và tránh chảy dịch mũi sau.
    • Đặt hộp khăn giấy và sọt rác hoặc túi đựng rác cạnh giường. Như thế bạn có thể xì mũi và vứt bỏ khăn giấy khi cần.
  4. Tránh sự kích thích không cần thiết. Máy tính và các trò chơi game có thể rất kích thích nhờ ánh sáng, âm thanh và nhiều thông tin mà bạn cần xử lý. Những thiết bị này làm bạn tỉnh táo và khó dỗ giấc ngủ. Dùng thiết bị điện tử và thậm chí cả đọc sách có thể góp phần làm căng mắt hoặc đau đầu – điều mà bạn chẳng muốn chút nào khi đã sẵn mệt mỏi vì ốm.
  5. Uống nhiều chất lỏng. Cơ thể bạn sản sinh ra nhiều dịch nhầy khi bị cảm cúm. Dịch nhầy đòi hỏi nhiều chất lỏng. Chất lỏng được nạp thêm vào cơ thể sẽ làm loãng dịch nhầy, do đó bạn có thể tống ra dễ dàng hơn.
    • Giới hạn lượng caffeine nạp vào khi bị cảm vì caffeine thực sự có thể khiến cơ thể khô kiệt.
  6. Tránh các loại hoa quả họ cam quýt. Chất a-xít trong các loại nước quả như nước cam có thể khiến bạn ho nhiều hơn. Nó có thể kích ứng cổ họng vốn đã nhạy cảm. Bạn nên tìm cách khác để bù nước và uống thêm vitamin C.[9]
  7. Điều chỉnh nhiệt độ phòng. Bạn cần căn phòng ấm áp nhưng không nóng. Khi bạn nóng hoặc lạnh, cơ thể bạn sẽ tiêu hao năng lượng để cố gắng làm ấm lên hoặc mát đi. Vì vậy khi bị cảm, bạn không nên để quá lạnh hoặc quá nóng. Cơ thể bạn cần tập trung chống chọi với virus chứ không phải để điều hòa thân nhiệt.
  8. Xoa dịu làn da bị nứt nẻ. Da trên mũi có thể bị kích ứng khi bạn bị cảm. Đó là do bạn xì mũi nhiều. Một chút dầu khoáng petroleum jelly bôi vào dưới mũi hoặc khăn giấy có chất dưỡng ẩm có thể giúp ích.[11]
  9. Tránh đi máy bay. Khi bị cảm, tốt nhất là bạn không đi máy bay. Việc thay đổi áp suất có thể làm tổn hại màng nhĩ khi bạn bị nghẹt mũi. Dùng thuốc thông mũi và thuốc xịt dung dịch muối nếu buộc phải đi máy bay. Nhai kẹo cao su cũng giúp ích khi ngồi trên máy bay.
  10. Tránh stress. Stress tăng rủi ro nhiễm cảm cúm và khiến bệnh lâu khỏi hơn. Hormone gây stress làm hệ miễn dịch suy yếu và không thể đẩy lùi căn bệnh. Hãy tránh xa các tình huống gây căng thẳng, tập thiền và hít thở sâu.
  11. Không uống rượu. Tuy một chút rượu có thể giúp bạn dễ ngủ, nhưng quá nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước. Nó còn có thể làm nặng thêm các triệu chứng và gây nghẹt mũi. Alcohol không tốt cho hệ miễn dịch và có thể tương tác với các loại thuốc không kê toa.[12]
  12. Không hút thuốc. Khói thuốc lá không tốt cho hệ hô hấp. Nó sẽ khiến tình trạng nghẹt mũi và ho nặng hơn và kéo dài hơn. Hút thuốc còn gây tổn hại cho phổi, và do đó khó lành bệnh hơn.
  13. Ăn thực phẩm bổ dưỡng. Dù đang ốm, bạn vẫn cần năng lượng và dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe lại. Hãy ăn với thực đơn ít béo, nhiều chất xơ với hoa quả và rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein. Dùng các thức ăn giàu vitamin C, thức ăn có thể mở thông các xoang và làm tan dịch nhầy như ớt, mù tạt và cải ngựa.[2]
  14. Tập thể dục. Chắc bạn đã biết là tập thể dục giúp cơ thể khỏe khoắn, nhưng hơn thế nữa nó còn giúp bạn mau lành bệnh. Nếu bị cảm, việc tập thể dục có lẽ là tốt. Tuy nhiên, khi bị sốt cao, cảm thấy rất đau hoặc yếu mệt thì bạn nên nghỉ ngơi.[6]
    • Giảm cường độ hoặc ngừng chương trình tập luyện nếu nó khiến bệnh cảm cúm nặng thêm.
  15. Ngăn ngừa tái nhiễm và lây lan virus. Hãy ở nhà chống chọi với cảm cúm và tránh ở gần người khác. Đảm bảo che miệng khi ho hoặc hắt xì, cố gắng dùng mặt trong khuỷu tay che miệng thay cho bàn tay. Bạn cũng cần rửa tay nhiều lần hoặc dùng nước rửa tay.
  16. Cứ để cho bệnh cảm diễn ra theo tự nhiên. Các triệu chứng của căn bệnh là cách để cơ thể loại trừ virus. Chẳng hạn như các cơn sốt giúp tiêu diệt virus và cho phép các protein chống virus trong máu lưu thông tốt hơn. Vì thế, việc không dùng thuốc hoặc các phương pháp giảm các cơn sốt vừa phải trong vài ngày có thể giúp bạn mau khỏi hơn.[5]

Lời khuyên[sửa]

  • Đôi khi bạn bị sốt khi bị cảm cúm. Thử đắp khăn lạnh hoặc ấm lên trán khi sốt. Nếu cơn sốt kéo dài, hãy uống aspirin hoặc ibuprofen để hạ nhiệt và giảm đau.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn bị sốt cao dai dẳng (trên 38,3 độ C), ho kéo dài hơn 3 tuần, có bệnh mạn tính hoặc có vẻ không đỡ, hãy đến bác sĩ.
  • Tiếp tục theo hướng dẫn của bác sĩ nếu các triệu chứng không khỏi sau 7 đến 10 ngày.
  • Biết rằng một số cách điều trị cảm cúm có thể gây tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Các liệu pháp đó cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, do đó bạn luôn phải tham khảo bác sĩ trước khi uống thực phẩm bổ sung, thảo dược hoặc thuốc.
  • Nếu thấy khó thở, bạn cần được cấp cứu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây