Dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau phá sản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau phá sản, nghĩa là 1.400 tỉ đồng vốn vay của Ngân hàng Thế giới bị lãng phí, trở thành món nợ oan uổng cho thế hệ cháu con. Chuyện ấy ai cũng biết, chỉ có điều là những người có trách nhiệm "tránh" nói ra. Cuối năm 2000, Chính phủ quyết định cho các tỉnh trên vùng bán đảo này chuyển đổi 450.000 hecta đất trồng lúa sang đất nuôi tôm, đó là nguyện vọng của nhân dân, cũng có nghĩa là đưa vùng đất này trở về điểm xuất phát, trả lại hệ sinh thái tự nhiên của hai mùa mặn ngọt. Thế nhưng, dự án ngọt hoá bán đảo Cà Mau, ngoài sự lãng phí 1.400 tỉ đồng như đã nói, còn để lại một hậu quả khôn lường.

Vùng đất này vốn nổi tiếng nhiều sông ngòi kênh rạch. Từ thuở khai thiên lập địa đã có một quy luật thuỷ triều không giống bất cứ nơi đâu: mỗi ngày có hai con nước ròng nước lớn, mỗi tháng có hai con nước kém nước rong. Đỉnh điểm của nước rong là ngày 15 và 30, đỉnh điểm của nước kém là ngày 10 và ngày 25 hàng tháng tính theo âm lịch. Con nước lớn trong con nước rong thì tràn bờ lai láng; con nước ròng trong con nước kém thì những dòng sông cạn kiệt, phơi đáy, tha hồ mà bắt cá tôm. Khi nước ròng thì tất cả các dòng sông cùng đổ ào ra biển, khi nước lớn thì tất cả các cửa sông đón nước biển trở vào. Chính quy luật này đã làm cho tất cả những dòng sông mỗi ngày được thay nước sạch.

Thế nhưng, chương trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau đã để lại hệ thống cống ở tất cả các con sông dọc theo quản lộ Phụng Hiệp và quốc lộ 63, cái thì đóng, cái thì mở tuỳ tiện làm cho dòng nước không còn lưu thông như quy luật ngàn đời của nó. Bao nhiêu chất thảy xuống sông đều bị ứ đọng, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, nhiều vùng nuôi tôm liên tục bị phá sản, con sông Cà Mau nằm giữa lòng thành phố trở thành dòng nước đen, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Hỏi trách nhiệm ấy thuộc về ai thì các nhà chức trách trả lời rằng chi cục thuỷ lợi tỉnh và các phòng nông nghiệp huyện quản lý để điều tiết nước. Nhưng mỗi huyện, mỗi tỉnh có cách điều tiết khác nhau, nên cuối cùng đã làm cho tất cả các dòng sông ngừng chảy!

Nguồn[sửa]

  • Đắc Danh, "Chảy đi sông ơi", Tạp chí Khám phá