Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á - Thái bình dương

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hoàn cảnh ra đời[sửa]

Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu á - Thái bình dương (Asian-Pacific Economic Cooporation Forum- APEC) được thành lập năm 1989 trong bối cảnh sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa trên tất cả các lĩnh vực khiến các quốc gia trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến nhu cầu mở rộng hợp tác về kinh tế.

Vào những năm 1980, trong tình hình vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan (GATT) có nguy cơ không đạt được kết quả như mong đợi, trên thế giới xuất hiện quá trình khu vực hóa với sự hình thành các khối mậu dịch khu vực lớn như Liên minh Châu Âu (EU), Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)... Tại khu vực Châu á, chủ yếu là Đông á, xuất hiện những nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao tới 9-10%/năm.

Mặc dù vậy, chưa có hình thức hợp tác kinh tế thương mại có hiệu quả trong khu vực Châu á- Thái bình dương để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Từ giữa những năm 1980, để duy trì tính năng động của khu vực trong tình hình cạnh tranh quyết liệt về kinh tế trên thế giới, một số nước Châu á-Thái bình dương đã đi đến nhận thức chung là cần phối hợp và liên kết chặt chẽ hơn nhằm tạo lập môi trường thương mại và đầu tư thông thoáng, thực hiện chủ trương thiết lập khu vực mở.

Sự điều chỉnh chiến lược của các quốc gia lớn vào cuối những năm 1980 sau thời kỳ chiến tranh lạnh đặc biệt là sự hội tụ về lợi ích kinh tế cũng như chính trị đã dẫn đến việc hình thành một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực. Trong khi đó, Hiệp hội các quốc gia Đông nam á (ASEAN) cũng muốn tăng cường vai trò của mình trong khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi vẫn duy trì những cơ chế hợp tác về chính trị.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu á - Thái bình dương (APEC) đã được thành lập vào tháng 11/1989 tại Australia theo đề xuất của nước chủ nhà.

Quá trình phát triển của APEC[sửa]

APEC do 12 thành viên thuộc khu vực Châu á-Thái bình dương sáng lập tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và kinh tế tổ chức tại Canbera (Australia) vào tháng 11/1989. Những thánh viên này bao gồm Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Niu Dilân, Canada, Thái Lan, Philippin, Xingapo, Brunây, Inđônêxia và Malaixia.

Tháng 11/1991 APEC kết nạp thêm Trung Quốc, vùng lãnh thổ Hồng Công và Đài Loan.

Tháng 11/1993 kết nạp Papua Niu Ghinê và Mêxicô.

Tháng 11/1994 kết nạp Chilê và tạm dừng xét kết nạp thành viên trong 3 năm.

Tháng 11/1998, APEC kết nạp Việt Nam, Nga, Pêru đồng thời quyết định tạm ngừng kết nạp thành viên mới trong 10 năm.

21 nền kinh tế thành viên của APEC hiện nay bao gồm: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Niu Dilân, Canada, Thái Lan, Philippin, Xingapo, Brunây, Inđônêxia và Malaixia, Trung Quốc, lãnh thổ Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan,Papua Niu Ghinê, Mêxicô, Việt Nam, Nga, Pêru.

APEC chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới và đóng góp khoảng 57% GDP và 46% thương mại toàn cầu.

Hoạt động của APEC xoay quanh ba vấn đề chính là (1)tự do hóa thương mại và đầu tư; (2)tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; (3)hợp tác kinh tế kỹ thuật với các CAP và IAP của từng thành viên.

Nói cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do như EU, NAFTA hay AFTA mà là một diễn đàn kinh tế mở nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước trong các khu vực khác.

Điều kiện kết nạp thành viên[sửa]

Các điều kiện tiền đề để xem xét kết nạp một nền kinh tế làm thành viên của APEC bao gồm:

- Nằm trong khu vực Châu á-Thái bình dương;

- Có quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với các nền kinh tế trong khu vực;

- Quyết tâm theo đuổi chính sách kinh tế mở;

- Quyết tâm thực hiện các chính sách do APEC đề ra;

- Nền kinh tế phải hoàn thiện chương trình hành động tập thể (CAP) và Chương trình Hành động Quốc gia (IAP) theo quy định của APEC.

Ngoài quy chế thành viên chính thức, APEC còn có quy chế quan sát viên dành cho ba tổ chức khu vực là ASEAN, PECC và Diễn đàn Nam Thái bình dương (SPF) nhưng không có quy chế quan sát viên cho một nước hay vùng lãnh thổ riêng biệt. Các nước không phải thành viên của APEC có thể được tham gia với tư cách khách mời tại các Nhóm Công tác của APEC.

Mục tiêu[sửa]

Tuyên bố Xê-un năm 1991 của APEC đề ra bốn mục tiêu phát triển trong APEC là:

1.Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng kinh tế thế giới.

2.Phát huy những tác đông tích cực của sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng tăng của kinh tế khu vực và thế giới bằng cách đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ.

3.Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa phương vì lợi ích của Châu á-Thái bình dương và các nền kinh tế khác.

4.Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và không có hại đối với các nền kinh tế khác.

Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: Thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại Châu á-Thái bình dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020.

Mục tiêu của APEC tập trung vào ba trụ cột: 1.Tạo ra những thuận lợi cho tiến trình tự do thương mại và đầu tư.

2.Giúp thức đẩy thương mại thông qua việc cải tiến các luật lệ thương mại, phá bỏ dần các rào cản thương mại.

3. Hợp tác trong các vấn đề kinh tế và kỹ thuật. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, các hoạt động hợp tác trong APEC được điều chỉnh linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với bối cảnh tình hình và đáp ứng lợi ích của tất cả các nền kinh tế thành viên.

Nguyên tắc hoạt động[sửa]

- Nguyên tắc cùng có lợi: Do tính đa dạng của các nền kinh tế trong APEC về chính trị, văn hóa và kinh tế nên quá trình hợp tác phải bảo đảm cho tất cả các nền kinh tế thành viên, bất kể sự chênh lệch về mức độ phát triển, đều có lợi.

- Nguyên tắc đồng thuận: Tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên.

- Nguyên tắc tự nguyện: Tất cả các cam kết của các thành viên APEC đều dựa trên cơ sở tự nguyện. Cùng với nguyên tắc đồng thuận, đây là nguyên tắc khiến cho APEC trở nên khác với WTO. Tất cả các chương trình tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại của APEC không diễn ra trên đàm phán mà do các thành viên tự nguyện đưa ra.

- Phù hợp với nguyên tắc của WTO/GATT: APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một khu vực tự do thương mại như NAFTA, AFTA...

Cơ cấu tổ chức của APEC[sửa]

1. Hội nghị Cấp cao APEC gồm các nhà lãnh đạo cao nhất của các thành viên được tổ chức mỗi năm một lần và luân phiên nhau nhằm đưa ra những quyết định về phương hướng, chiến lược, nội dung hoạt động chủ yếu của APEC.

2. Hội nghị BỘ trưởng APEC: Gồm các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế thành viên (mỗi năm một lần và thường diễn ra trước Hội nghị Cấp cao) nhằm xem xét kế hoạch hành động trình lên Hội nghị Cấp cao.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế do chủ tịch APEC năm đó chủ trì. Cương vị Chủ tịch APEC được chuyển luân phiên hàng năm giữa các thành viên.

Các Hội nghị khác có tính chuyên ngành như giáo dục, năng lượng, môi trường và phát triển bền vững, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác khoa học công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, viễn thông và thông tin, giao thông vận tải, phụ nữ ... sẽ được triệu tập khi cần thiết.

3. Hội nghị các Quan chức cao cấp - SOM: Thường bao gồm các thứ trưởng, vụ trưởng (trưởng SOM của các nền kinh tế). Hàng năm thường có ba cuộc họp chính thức và hai cuộc họp không chính thức. Các cuộc họp này nhằm thảo luận khả năng hợp tác trong APEC và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị Cấp cao.

Ngoài ra, theo quyết định của các nhà lãnh đạo APEC, SOM còn được phép tiến hành xem xét, điều phối ngân sách và các chương trình công tác của các diễn đàn khác nhau trong APEC.

4. Ban Thư ký APEC: Được thành lập tháng 2/1993 có trụ sở tại Xingapo. Ban Thư ký (BTK) có chức năng hỗ trợ và phối hợp các hoạt động của APEC như cung cấp hậu cần, kỹ thuật và điều hành các vấn đề tài chính. Đứng đầu BTK là một Giám đốc Điều hành do thành viên giữ cương vị Chủ tịch APEC cử ra với thời hạn một năm. Nhân viên BTK sẽ do các thành viên APEC chọn cử hoặc tuyển chọn tại địa phương.

APEC có ngân sách riêng khoảng 2-3 triệu USD do các thành viên đóng góp để BTK và các Ủy ban của APEC hoạt động.

5. Các Ủy ban chuyên môn bao gồn Ủy ban Quản trị và Ngân sách (BMC), Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI), Ủy ban Kinh tế (EC), Ủy ban SOM về hợp tác Kinh tế kỹ thuật (ESC).

6. Các nhóm công tác: Hiện APEC có 11 nhóm công tác hoặc chuyên gia phụ trách các lĩnh vực chuyên môn bao gồm (1) Nhóm công tác về năng lượng (EWG), (2) Nhóm công tác về du lich (TWG), (3) Nhóm công tác về nghề cá (FWG), (4)Nhóm công tác về giao thông vận tải (TPT), (5)Nhóm công tác về xúc tiến thương mại (TP), (6)Nhóm công tác về thông tin và viễn thông (TEL), (7)Nhóm chuyên gia về hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATC), (8)Nhóm công tác về khoa học công nghệ công nghiệp (IST), (9)Nhóm công tác về bảo tồn tài nguyên biển (MRC), (10)Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRD), và (11)Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ (PLGSME).

7. Hội đồng Tư vấn doanh nhân (ABAC) được các bộ trưởng nhất trí thành lập vào tháng 11/1995 tại Osaka (Nhật Bản). Mỗi thành viên được cử ba đại diện tham gia. ABAC có nhiệm vụ làm công tác tư vấn cho việc thực hiện Chương trình Hành động Osaka đồng thời cung cấp thông tin có liên quan đến kinh doanh hoặc triển vọng của kinh doanh trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính và đầu tư, SME, HRD. Hàng năm, ABAC đều tổ chức các cuộc họp và đưa ra những khuyến nghị để đệ trình lên hội nghị cấp cao.

BTQH (tại CHLB Đức) Tháng 11/2006