Diệt trừ kiến

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hầu hết loài kiến đều có ích vì chúng giúp diệt trừ các loài dịch hại như ruồi hay rệp. Tuy nhiên điều đó cũng không thể an ủi bạn khi chúng bắt đầu xâm nhập vào các tủ bếp trong nhà. May mắn là có nhiều cách để diệt trừ kiến mà bạn có thể áp dụng như xịt kiến bằng nước chanh hoặc bạc hà cay. Nếu các biện pháp nhẹ không ăn thua, bạn có thể tuyên chiến với lũ kiến bằng bẫy trừ kiến và hóa chất diệt côn trùng.

Các bước[sửa]

Tiêu diệt kiến[sửa]

Đôi khi bạn cần phải tiêu diệt kiến khi chúng lan tràn và không có dấu hiệu chấm dứt. Tuy đây không phải là lựa chọn tối ưu, nhưng bạn cần phải nghĩ đến cách này khi thấy lũ kiến liên tục xuất hiện trong nhà.

  1. Đầu tiên bạn nên cân nhắc dùng các biện pháp ít gây hại nhất, sau đó mới đến các biện pháp mạnh hơn. Điều này chẳng những tốt cho sức khỏe của bạn mà còn thân thiện hơn với môi trường.
  2. Xóa đường đi của kiến. Bạn có thể đối phó với một hàng kiến đang hành quân một cách hiệu quả và nhanh chóng bằng cách giết lũ kiến trong hàng và ngăn chặn nhưng con kiến khác tiếp nối đường đi của chúng. Xác định điểm đầu tiên nơi đàn kiến vào nhà và nhanh chóng tạo rào chắn, chẳng hạn như dùng sáp Vaseline, dán băng keo để mặt dính ở trên hoặc rắc bột tan (talc) để ngăn chặn đàn kiến bên ngoài sử dụng lối vào này. Sau đó, bạn hãy thử một trong các biện pháp sau để xử lý hàng kiến:
    • Nhúng mút xốp vào nước xà phòng. Bạn chỉ cần quét miếng mút lên hàng kiến để gom lũ kiến và xả nước. Nếu cần thiết, lặp lại nhiều lần cho đến khi toàn bộ đàn kiến bị quét sạch.
    • Dùng nước tẩy rửa đa năng hoặc dung dịch thuốc tẩy xịt lên hàng kiến. Lau sạch bằng khăn giấy ướt. Xịt vào tổ kiến cũng có hiệu quả, tuy nhiên bạn cần phải chắc chắn tiêu diệt được toàn bộ tổ kiến, bằng không việc giết một phần tổ kiến sẽ chỉ khuyến khích một số loài kiến đi làm các tổ mới, như vậy là lợi bất cập hại.
  3. Tiêu diệt kiến trinh sát. Tổ kiến thường cử những con kiến riêng lẻ đi tìm các nguồn thức ăn. Nếu bạn trông thấy một con kiến đơn độc bò ngang dọc trên bàn nước thì đừng để nó sống sót quay về tổ. Nó sẽ báo cho cả đàn biết chỗ bạn làm đổ nước táo. Nếu kiến trinh sát về tổ và trở lại với một số đồng bọn, chúng sẽ đi hàng một theo con đường có mùi để lại. Trừ khi bạn định đánh bả kiến, bằng không hãy nhanh chóng giết chết lũ kiến.
  4. Diệt tận gốc lũ kiến đã “an cư’’ trong tủ thức ăn hoặc tủ bát đĩa. Bạn sẽ phải dùng loại bả độc thật hấp dẫn để dụ lũ kiến hối hả quay về nhà với món “chiến lợi phẩm’’ kiếm được khi chúng làm nhiệm vụ săn tìm thức ăn. Hỗn hợp bột a-xít boric hoặc hàn the với nước và đường là loại bả trừ kiến thông dụng nhất.[1] A-xít boric tác động lên kiến cả bên ngoài (khi ở dạng bột; tương tự như đất diatomite) và bên trong (khi kiến ăn vào).[2] Pha hỗn hợp gồm 1 cốc nước, 2 cốc đường và 2 thìa canh a-xít boric.[3]
    • Chờ kiến xuất hiện. Đừng dùng bả dụ lũ kiến mới vì có thể bạn thu hút các tổ kiến mới. Khi xuất hiện một hàng kiến, bạn hãy đặt bả sát vào đường kiến đi (không đặt lên hàng kiến, nếu không bạn sẽ cắt đứt đường trở về của chúng). Bạn cũng có thể đặt bả ở một chỗ an toàn trong tủ thức ăn, nơi lũ kiến thường tụ tập.
    • Nếu nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng, (xem phần cảnh báo bên dưới), bạn nên đặt bả trong lọ đựng mứt, nơi kiến có thể đến tìm "thức ăn". Vặn chặt nắp và dùng băng dính dán cố định. Chọc trên nắp hộp hai hoặc ba lỗ nhỏ đủ rộng đế kiến chui vào, sau đó bôi một ít mồi không độc bên ngoài để “quảng cáo’’ với lũ kiến về món ngon bên trong. Nếu sợ chiếc lọ bị lật và bả trừ kiến tràn ra ngoài, bạn có thể dùng bông gòn đặt hờ vào trong lọ, bên trên bả kiến.[4]
    • Bạn cũng có thể dùng bơ đậu phộng. Kiến có “háu ăn” hay không là tùy theo nhu cầu của tổ kiến (đôi khi là chất ngọt, có lúc lại là dầu mỡ), [5] vì vậy việc cung cấp cả hai chất này sẽ tăng khả năng chúng đến ăn bả. Khi kiến đã ăn no, bạn cần dọn sạch bả vì có thể chất độc trong đó đã hết tác dụng do đã để quá lâu nhưng vẫn thu hút kiến. Chắc là bạn không muốn thu hút cả tổ kiến bên cạnh đâu nhỉ?
  5. Cân nhắc dùng bả hàn the tự làm tại nhà. Dùng 1 thìa canh bơ đậu phộng, 2 thìa canh đường, 2 thìa cà phê hàn the, 1 thìa cà phê nước. Trộn đều. Phết một ít lên mảnh bìa nhỏ và đặt vào nơi kiến thường tụ tập. Quan sát chúng bu lại và đem mồi về tổ.
    • Nếu thấy kiến chết quá nhanh, thử chỉ dùng một 1 thìa rưỡi hàn the. Điều bạn cần là chúng đem bả về tổ và giết cả tổ kiến lẫn kiến chúa.
  6. Dùng máy hút bụi hút sạch kiến. Rắc một ít phấn rôm hoặc đất diatomite lên lũ kiến, sau đó kết liễu chúng bằng cách hút vào máy hút bụi và bỏ vào thùng rác. Bước thứ hai này là quan trọng vì bạn cần đảm bảo không để kiến xây nhà mới trong trong máy hút bụi.
  7. Pha hỗn hợp gồm cồn tẩy rửa, xà phòng rửa bát và nước. Lấy bình xịt - nhớ rửa thật sạch – và cho vào bình khoảng 1 thìa cà phê cồn tẩy rửa, 1 ½ thìa cà phê nước rửa bát. Sau đó rót nước vào cho đến khi cách miệng bình còn khoảng 2,5 cm và vặn chặt. Lắc bình cho đến khi thấy bong bóng bắt đầu xuất hiện và bạn đã sẵn sàng xịt! Vì có cồn trong dung dịch, lũ kiến sẽ bị quét sạch.
  8. Mua thuốc phun diệt côn trùng "Deep Reach". Phương pháp này có thể diệt trừ kiến trong khoảng 6-8 tháng nhưng có nhược điểm là bạn phải tránh xa nơi phun thuốc trong khoảng vài giờ đến vài ngày. Bạn nên đọc các nhận xét sản phẩm trên mạng và hỏi mua ở các cửa hàng bán sản phẩm bảo dưỡng nhà. Bạn cần phải biết diện tích không gian cần phun là bao nhiêu. Nếu bạn lo ngại về việc dùng hóa chất có khả năng gây độc hại trong nhà thì đây không phải là giải pháp tốt. Không nên dùng phương pháp này nếu nhà có trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn đang phát triển.

Tấn công tổ kiến[sửa]

Cách này ít được khuyến khích nhất – loài kiến đóng một vai trò quan trọng trong vườn nhà bạn và với hệ sinh thái nói chung – chúng tiêu diệt nhiều loài gây hại trong vườn. Việc loại bỏ hoàn toàn loài kiến có thể phá vỡ sự cân bằng vốn mong manh của môi trường, chưa kể còn làm xáo trộn ”lối sống hòa hợp” mà con người cần gìn giữ vì một cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu lũ kiến đi tìm thức ăn hoặc trú ngụ ở khu vực sân chơi hay trong nhà, bạn sẽ phải loại trừ chúng. Sau đây là một số gợi ý.

  1. Xác định vị trí tổ kiến. Khi tìm được nguồn, bạn hãy cẩn thận đào hoặc chọc xuống đất và đổ nhiều lít nước sôi vào tổ kiến. Phương pháp này có thể xử lý cả tổ kiến.
  2. Thử dùng dung dịch tự pha chế. Pha một phần dầu long não với 9 phần cồn ethyl (loại cồn có thêm hóa chất để người ta không muốn uống), hoặc rượu biến chất có chứa cồn độc không uống được. Rót vào tổ kiến.[1]
  3. Giết kiến chúa. Cách tốt nhất để loại trừ kiến là phá hủy nguồn sinh ra chúng: kiến chúa. Kiến chúa sản sinh ra số lượng kiến đông đảo, và việc giết kiến chúa sẽ kết liễu được chúng. Nếu có thể, bạn hãy tìm và giết kiến chúa bên trong tổ kiến. Nó khá nhút nhát và thường trốn bên dưới. Phương pháp này không được khuyến khích đối với loài kiến hung dữ và/hoặc hay đốt.

Giữ sạch nhà cửa[sửa]

Kiên trì làm nản lòng lũ kiến quay trở lại nhà bạn bằng cách không để nhà có thức ăn thu hút kiến. Dọn sạch thức ăn và các mẩu vụn hấp dẫn là một phần quan trọng để diệt trừ kiến trong nhà và ngăn chặn chúng vào nhà.

  1. Cất thức ăn trong hộp kín. Điều này còn có thêm cái lợi nữa là có thể giữ thức ăn tươi hơn. Ngoài ra, nếu có trứng côn trùng trong thức ăn thì lũ ấu trùng sẽ bị nhốt bên trong hộp khi nở ra, bạn sẽ dễ vứt bỏ và ngăn chặn chúng lan tràn trong tủ thức ăn. Điều này rất xứng đáng để bạn bỏ tiền mua hộp đựng thức ăn chất lượng cao.
  2. Lau sạch mọi bề mặt. Các mặt bàn, tủ cần được xịt và lau sạch thường xuyên bằng nước tẩy nhẹ hoặc dung dịch giấm.
  3. Tạo thói quen lau dọn nhà cửa. Thường xuyên quét nhà, lau sàn và hút bụi.
  4. Giữ sạch bồn rửa. Tránh để bát đĩa bẩn và nước đọng cho kiến uống, và không để thức ăn kẹt lại trong lỗ thoát nước. Dọn sạch các mẩu rác còn lại trong bồn rửa.
  5. Đặt bát đựng thức ăn của thú cưng vào một chiếc bát to hơn. Rót chút nước vào bát to để tạo thành “hào nước’’ xung quanh bát đựng thức ăn của thú cưng mà kiến không dễ dàng vượt qua được.

Ngăn chặn kiến vào nhà[sửa]

Cách tốt nhất để diệt trừ loại gây hại trong nhà là ngăn chặn ngay cả ý định của chúng nhắm tới nhà bạn. Vì vậy, chất xua đuổi là trọng tâm cần chú ý của mọi chủ nhà nếu nhà của họ dễ bị kiến xâm nhập.

  1. Lập tuyến phòng thủ cho ngôi nhà. Với kích thước nhỏ li ti, lũ kiến có thể tìm được hàng ngàn đường vào nơi ở của bạn. Một số lối đi của kiến có thể dễ xác định, nhưng số khác chỉ được phát hiện khi bạn thấy một hàng kiến hành quân qua đó.
  2. Dùng keo trét. Bít kín các cửa sổ, cửa ra vào và mọi vết nứt mà kiến bò qua bằng keo trét. Một lợi ích nữa của việc này là nhiệt độ trong nhà được kiểm soát tốt hơn, nhờ đó bạn có thể giảm bớt chi phí tiền điện. Hơn nữa, đây là phương pháp ít rủi ro nhất khi trong nhà có trẻ em và thú cưng.
  3. Rải chất xua đuổi kiến lên các lối vào đáng ngờ của chúng. Muối, phấn, phấn rôm em bé và bột tan có thể dùng để rắc dưới khe cửa, gần các cửa sổ và tường.
    • Lưu ý rằng có các lo ngại về khả năng gây ung thư tiềm tàng của bột tan.[6]
  4. Sử dụng các chất và các mùi mà kiến không thích. Giấm, dầu bạc hà cay, quế, tiêu đen, ớt cayenne, đinh hương và lá nguyệt quế là những thứ mà nhiều người cho rằng có hiệu quả đuổi kiến.[1] Tuy nhiên một số trong đó có thể gây hại cho thú cưng và gây kích ứng cho những đứa trẻ tò mò.
  5. Tạo vùng đệm bảo vệ xung quanh nhà. Kiến thường vào nhà qua các bụi rậm, cây cối hoặc các cành cây sà xuống. Để xử lý vấn đề này, bạn cần tạo ranh giới khô ráo, không có cây cối bằng cách loại bỏ các cành cây vươn ra và cắt tỉa cây cối chạm vào nhà, đồng thời rải sỏi hoặc đá xung quanh nhà.[7]

Lời khuyên[sửa]

  • Dọn dẹp nhà cửa, chẳng hạn như vứt bỏ đồ đạc cũ hoặc báo cũ trước khi bắt đầu diệt kiến. Kiến sẽ ẩn nấp ở bất cứ nơi đâu, và hẳn là bạn không muốn tưởng rằng đã diệt hết lũ kiến nhưng thực ra lại chưa!
  • Lau dọn sau khi ăn và sau khi cho thú cưng ăn. Đảm bảo vứt bỏ hết các lon nước ngọt rỗng và giữ cho phòng ở ngăn nắp.
  • Kiến thích rệp vừng và rệp vảy, đặc biệt là chất ngọt do các loài côn trùng này tiết ra. Diệt trừ rệp vừng và rệp vảy cho cây cối ngoài vườn trong các tháng mùa xuân và mùa hè (khi chúng sinh sôi) và kiến cũng sẽ bớt lảng vảng xung quanh để săn tìm thức ăn.
  • Nếu kiến vào thùng rác, bạn cần nhớ để thùng rác bên ngoài.
  • Nhiều nguồn trên mạng khuyên dùng bột ngô vàng (cornmeal) để diệt kiến; một số người truyền miệng rằng cách này có hiệu quả, nhưng số khác lại cho rằng nó chỉ có tác dụng làm xáo trộn đường đi và tổ kiến chứ không thực sự diệt trừ chúng.
  • Trong trường hợp cần xử lý nhanh và tạm thời, chai xịt diệt khuẩn đa năng như Lysol hay Windex có tác dụng gây độc và giết chết kiến chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, bạn phải sẵn sàng lau dọn khá lâu và nó có thể lan rộng. Cách này thường chỉ có hiệu quả giết những con kiến nhìn thấy được và ở những nơi dễ tiếp cận, không có tác dụng diệt cả tổ kiến với số lượng lớn.
  • Rắc yến mạch thô lên các ụ kiến nhỏ. Kiến sẽ ăn yến mạch, phù lên và chết.
  • Rắc bột trừ kiến vào các hốc tối và ẩm ướt, các gờ tường hoặc ngăn tủ quanh nhà. Lưu ý rằng bạn chỉ nên dùng bột trừ kiến ở những khu vực mà mọi người không tiếp xúc. (Đọc hướng dẫn trên bao bì sản phẩm nếu bạn không biết chắc).
  • Cẩn thận khi sử dụng các chất trừ kiến, vì chúng cũng có thể gây hại cho bạn. Cố gắng không hít vào và giữ thú cưng tránh xa khi xịt, rắc hoặc phun các hóa chất.
  • Không dùng các sản phẩm xua đuổi kiến gần khu vực đặt bả trừ kiến. Kiến sẽ không đến gần khu vực này và như vậy là bả trừ kiến mất tác dụng.
  • Dùng cây lăn bụi để lăn sạch đường đi của kiến một cách nhanh chóng và hiệu quả.
  • Hầu như bất cứ nước xịt tẩy rửa hóa chất nào cũng giết được kiến.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu người trưởng thành nuốt phải một thìa cà phê a-xít boric, hãy uống hai ly nước và tìm sự chăm sóc y tế.
  • Dùng găng tay và mặt nạ khi sử dụng các chất diệt trừ kiến. Trường hợp nhẹ nhất, chúng có thể gây kích ứng, và tệ nhất là gây ngộ độc. Bạn cũng nên đeo kính bảo hộ nếu dùng thuốc phun trừ kiến. Loại tốt nhất là loại đeo sát vào mặt (không phải loại chỉ có tác dụng ngăn ngừa các các vật nhỏ bắn ra như dăm bào khi cưa gỗ, tuy nhiên có còn hơn không).
  • A-xít boric có thể kém hiệu quả trong thời tiết ấm; bạn nên dùng cách này nhiều hơn vào mùa xuân.
  • Cất giữ các chất diệt trừ kiến ngoài tầm với của trẻ em và thú cưng. Nhiều loại có độc tính cao và cần phải cất cẩn thận trong tủ bát đĩa hoặc ở chỗ cao. Tuân theo chỉ dẫn trên bao bì.
  • Bạc hà trồng quanh nhà và vườn có thể xua đuổi kiến, nhưng bạc hà có tính xâm lấn, do đó bạn nên hỏi các trung tâm làm vườn trước khi trồng bạc hà trực tiếp xuống đất.
  • A-xít boric hoặc hàn the có thể có tác động tiêu cực khi tiếp xúc.[8] Các chất này có thể gây kích ứng mắt; vì vậy nếu bị dây vào mắt, bạn cần rửa sạch mắt và tìm chăm sóc y tế nếu các triệu chứng kéo dài hơn 30 phút.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]