Diệt trừ kiến theo cách tự nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Trong số 12.000 loài kiến trên trái đất thì chỉ có một vài loài thích xâm nhập vào nhà tìm kiếm món ngon để ăn.[1] Đối với các loài kiến mà bạn cần đối phó, có một số cách rất dễ dàng, tự nhiên và hiệu quả để diệt trừ hoặc xua đuổi chúng ra khỏi nhà. Bạn có thể vô hiệu hóa kiến trinh sát bằng cách làm sạch bếp và cất giữ thức ăn trong hộp hoặc lọ đậy kín, ngăn chặn đường vào nhà của kiến bằng cách bịt các khe hở, tạo rào cản như vỏ quế và dùng bả trừ kiến như xi-rô trộn a-xít boric. Nếu tất cả các biện pháp trên đều thất bại, bạn cũng có thể nhờ dịch vụ diệt trừ dịch hại xử lý vấn đề.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Ngăn chặn kiến trinh sát[sửa]

  1. Để ý lũ kiến trinh sát. Những con kiến đầu tiên xuất hiện trong bếp là một dấu hiệu cảnh báo. Kiến trinh sát là những con kiến đi lang thang đơn lẻ hoặc theo nhóm với số lượng ít. Chúng khảo sát căn bếp của bạn để tìm thức ăn và nguồn cung cấp. Nếu những con kiến này quay về tổ và báo tin cho đồng bọn thì sắp tới sẽ có thêm nhiều kiến kéo tới nhà bạn.[1] Bạn đừng chần chừ:
    • Dọn rửa bếp sạch sẽ
    • Đậy kỹ thức ăn và loại bỏ mọi nguồn thức ăn dính, ngọt, dầu mỡ và thịt để chúng không thể tiếp cận.
  2. Rửa bát đĩa ngay sau khi dùng. Rửa hết bát đĩa khi dùng xong hoặc cho vào máy rửa bát và đóng chặt lại. Dùng giấm lau sạch kệ đựng bát, mặt bàn làm bếp và các kệ bếp.
    • Giấm không những là chất làm sạch và sát trùng mà còn là chất xua đuổi kiến.
    • Loại bỏ mọi thứ rác và đậy kỹ thùng rác trong bếp.
    • Rửa sạch mọi vật đựng trước khi cất.[2]
  3. Quét và hút bụi khu vực bếp hàng ngày. Thức ăn rơi vãi trên sàn hoặc lọt vào các kẽ và khe hở sẽ là lời mời gọi lũ kiến. Các mẩu vụn thức ăn dính vào thảm trong nhà bếp cũng sẽ thu hút kiến đến thăm.
    • Nếu hay quên quét và hút bụi khu vực bếp, có lẽ bạn cần tạo thói quen làm việc này vào một giờ nhất định trong ngày như sau bữa sáng hoặc bữa tối.
  4. Rửa sạch mọi vật đựng. Đặc biệt, kiểm tra các lọ mứt, chai đựng nước sốt, lọ hoa quả ngâm, chai rượu hoa quả, hũ mật và xi-rô. Đặt hũ mật và bất cứ món ngọt nào kiến ưa thích vào bát nước.[3]
  5. Để thức ăn trong hộp hoặc lọ đậy kín. Dùng vật đựng có thể đậy chặt như lọ chống kiến để đựng thức ăn. Thực hiện như vậy từ 3-7 ngày. Lũ kiến sẽ bỏ đi khi không có gì để ăn. Điều này có hiệu quả vì kiến sẽ đi theo dấu hóa chất do lũ kiến đi trước đã tìm được thức ăn để lại.[2]
    • Có thể bạn cũng cần đậy chặt các sản phẩm có mùi thơm như bột cọ rửa, chất khử mùi và những thứ tương tự để khỏi thu hút lũ kiến ngay từ đầu. Cảnh giác khi thấy kiến tụ tập xung quanh những thứ không ăn được.[3]

Ngăn chặn đường tiếp cận của kiến[sửa]

  1. Xác định đường vào của kiến. Khi lau bếp mà phát hiện ra kiến trinh sát “đi tuần”, bạn cũng cần phải tiến hành “trinh sát”. Bạn biết những con kiến đó vào nhà bằng đường nào không? Hãy theo dấu con kiến đầu tiên để biết đường chúng ra vào nhà.
    • Đường vào thông thường của kiến gồm các khe hở trên đồ gỗ, vết nứt trên xi măng, các lỗ thoát, lưới chắn cửa, khe nứt dưới sàn và những chỗ tương tự.[4]
  2. Bịt các lỗ hổng dẫn kiến vào nhà bằng keo silicon. Bạn cũng có thể dùng vữa, keo hoặc bột trét. Các biện pháp tạm thời ngăn chặn đường xâm nhập của kiến gồm có sáp petroleum jelly hoặc đất sét dính.
    • Nếu dùng chất dính tạm thời (như đất sét dính), bạn chỉ nên dùng cho đến khi mua được chất liệu bền hơn, vì chất dính tạm thời lâu dần sẽ xuống cấp và khe hở lại xuất hiện.[5]
  3. Trang bị chai xịt côn trùng hoặc nước xà phòng. Nước xà phòng vừa giết được kiến vừa phá dấu hóa chất chúng để lại. Như vậy, bạn sẽ ngăn chặn được lũ kiến kéo tới thêm theo đường đi mà đồng bọn chúng để lại.[1] Phương pháp dễ mà rẻ này đơn giản chỉ có:
    • Cho một thìa cà phê nước rửa bát vào bình xịt, sau đó đổ nước đầy bình. Thêm tinh dầu bạc hà, vỏ cam chanh hoặc tinh dầu vỏ cam để tăng hiệu quả.[1]
    • Xịt vào lũ kiến bằng dung dịch trong bình xịt.

Ngăn cản và xua đuổi kiến[sửa]

  1. Xây dựng tuyến phòng thủ. Ngay trong bếp nhà bạn cũng có các sản phẩm có thể làm rào cản tự nhiên để ngăn chặn kiến, chỉ cần bạn sử dụng đúng cách. Rào cản ngăn kiến chỉ cần rộng chưa đến 1 cm nhưng sẽ là một ranh giới vững chắc.[1] Sử dụng rào cản ngăn kiến ở những nơi như ngưỡng cửa, sàn nhà và xung quanh đường vào nhà của kiến. Một số vật liệu để bạn làm rào cản ngăn kiến là:[6]
    • Bột than
    • Vạch phấn
    • Nghệ
    • Quế
    • Tinh dầu cam chanh
    • Tiêu đen, ớt caynne hoặc ớt đỏ
    • Vaseline (có hiệu quả khi dùng cho cửa ra vào và cửa sổ)
    • Phấn trẻ em
    • Bột cọ rửa
    • Giấm trắng và nước
    • Đất khô (như đất diatomite hoặc aerogel silica)[3]
  2. Rắc các hương liệu xua đuổi kiến. Kiến ghét nhiều mùi, trong đó có bạc hà cay, long não và tỏi.[7] Những hương liệu này có thể dùng dưới dạng tươi hoặc tinh dầu để xua đuổi kiến trong nhà. Thận trọng khi dùng long não vì đó là chất độc đối với người và động vật.
    • Điều tuyệt vời ở liệu pháp này là bạn có thể lựa chọn mùi hương để làm thơm nhà cửa.
    • Rắc lá bạc hà nghiền nhỏ vào các phòng có kiến và trồng bạc hà ở các lối kiến xâm nhập vào nhà. Lá khô của cây bạc hà cay cũng có hiệu quả.[8]
    • Chà xát một nhánh tỏi sống lên đường đi và các lối vào của kiến.
    • Rảy tinh dầu oải hương vào các khu vực đang khổ sở vì kiến và trồng oải hương gần các lối vào của kiến.
    • Rảy tinh dầu đinh hương vào những vùng có kiến hoặc nghiền đinh hương và rắc thành đường ngăn chặn kiến.[9]
  3. Dùng lá nguyệt quế để ngăn kiến vào các món hấp dẫn đối với chúng. Kiến đặc biệt thích đường, ớt paprika và bột. Bỏ lá nguyệt quế vào hộp đường, lọ bột hoặc hũ ớt.[10][11]
    • Lâu ngày, hiệu quả đuổi kiến của những lá cây này sẽ giảm. Mỗi tháng thay lá mới một lần để có kết quả tốt nhất.
  4. Rắc đường ăn kiêng Splenda lên đường đi của kiến. Chất này không gây nguy hại cho trẻ nhỏ, do đó rất thích hợp sử dụng ở những nơi có nhiều trẻ em, chẳng hạn như trường học. Splenda cũng an toàn cho động vật nên cũng là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn có nuôi thú cưng. Bạn có thể rắc Splenda lên mọi đường đi của kiến khi bạn trông thấy.
    • Kiến sẽ chết ngay sau khi ăn phải Splenda. Đảm bảo bổ sung thêm Splenda nếu cần.[9]
  5. Dùng bã cà phê. Rải bã cà phê lên tổ kiến và dọc theo móng xung quanh nhà. Nguyên liệu an toàn này sẽ làm kiến thợ nhầm lẫn vì mùi cà phê làm mất mùi đường đi của chúng. Khi đó kiến non mới nở sẽ không có thức ăn và chết đói.
    • Bạn phải bền bỉ và kiên nhẫn khi dùng bã cà phê. Có thể phải mất một mùa mới bắt đầu thấy kết quả.
    • Quan trọng là cần rắc lại bã cà phê ít nhất mỗi năm một lần. Bã cà phê mới được rắc thường xuyên sẽ đem lại hiệu quả mạnh và nhanh hơn.
  6. Dùng nước rửa bát và muối nở. Trộn một ít nước rửa bát và muối nở, đổ thêm nước đến nửa xô, khuấy đều. Tưới một đường mỏng vòng quanh khu vực kiến đang tiến vào.[9]
    • Đây là giải pháp rất tốt để xử lý lũ kiến đang hành quân vào các bệ cửa sổ.

Sử dụng bả trừ kiến[sửa]

  1. Tự làm bả trừ kiến bằng a-xít boric và xi-rô phong. Bạn có thể mua bả trừ kiến, nhưng các loại mồi bán sẵn thường chứa các hóa chất không thích hợp với cách trừ kiến tự nhiên trong nhà. Tự làm bả trừ kiến rất dễ. Một loại bả đặc biệt hiệu quả được làm từ a-xít boric. A-xít boric và muối sodium borate được tìm thấy tự nhiên trong các khoáng chất như sassolite.[12]
    • Khi kiến bò vào a-xít boric, chúng sẽ nuốt vào và chết. A-xít boric là chất độc, không được nuốt hoặc để dính vào mắt, mũi, miệng. Dùng găng tay khi xử lý.[13]
    • Một loại bả a-xít boric là hỗn hợp xi-rô phong và a-xít boric. Rót một thìa xi-rô lên đĩa, sau đó rắc a-xít boric lên.[3]
    • Dùng que, tăm hoặc tăm bông để trộn đều a-xít boric với xi-rô.
    • Đặt bả a-xít boric ở những nơi kiến thường lui tới. Không để trẻ em và thú cưng chạm vào. Phương pháp này có thể mất một tuần mới có hiệu quả.[1]
  2. Dùng thức ăn để chống kiến. Có nhiều loại thức ăn mà kiến không ăn được. Cách này thường có hiệu quả, mặc dù bạn sẽ phải dọn dẹp xác kiến. Bạn có thể rải các thức ăn này nơi kiến thường xuất hiện:
    • Bột bắp. Phương pháp này đặc biệt thích hợp nếu nhà có trẻ em hoặc thú cưng, vì bột bắp không độc.
    • Bột Cream of Wheat. Rắc bột sống lên nơi có kiến. Bột sẽ nở lên trong dạ dày kiến và chúng sẽ chết.
    • Bã cà phê. Kiến nhạy cảm với cà phê. Bạn hãy để bã cà phê vào nơi kiến thường đến và đem về tổ để ăn. Phương pháp này cần vài tuần mới thấy hiệu quả.[9]
  3. Đối phó với kiến thợ mộc bằng phương pháp tự nhiên nhất có thể. Cuộc xâm lăng của kiến thợ mộc là khá nghiêm trọng. Chúng có thể làm hư hại hoặc phá hỏng cấu trúc nhà. Những đống cánh kiến gãy và những con kiến to hơn kích thước trung bình là dấu hiệu của kiến thợ mộc. Bạn cũng có thể nhìn thấy phân kiến (trông giống mạt cưa). Đôi khi bạn còn nghe thấy chúng kêu cọt kẹt trong tường. Một số cách để đối phó với kiến thợ mộc là:[1]
    • Đánh bả kiến. Kiến thích đường, do đó bạn có thể dùng đường để chống lại chúng. Dùng a-xít boric mô tả bên trên.
    • Dùng máy hút bụi hút tổ kiến ra khỏi tường, nếu có thể.
    • Gọi dịch vụ diệt trừ côn trùng. Nhân viên chuyên nghiệp có thể khoan các lỗ trong tường và thổi đất diatomite, aerogel silica hoặc a-xít boric vào trong để loại trừ kiến.

Sử dụng dịch vụ diệt trừ dịch hại chuyên nghiệp[sửa]

  1. Xác định các dịch vụ diệt trừ dịch hại bằng phương pháp tự nhiên. Một số dịch vụ chuyên sử dụng các phương pháp kiểm soát dịch hại tự nhiên. Bạn có thể tìm kiếm trên mạng với các từ khóa “kiểm soát dịch hại và côn trùng bằng phương pháp hữu cơ” hoặc “diệt trừ dịch hại và côn trùng với phương pháp tự nhiên."
    • Các dịch vụ này thường không được quản lý chặt chẽ. Một số nơi mang danh “hữu cơ” hoặc “tự nhiên” nhưng thực chất lại không phải.
    • Gọi cho nhà cung cấp dịch vụ và hỏi trực tiếp, chẳng hạn như, “Anh có thể cho tôi biết các phương pháp của anh hoàn toàn tự nhiên như thế nào không?”
  2. Gọi dịch vụ chuyên nghiệp để đối phó với kiến lửa. Kiến lửa hiếm khi vào nhà, nhưng nếu có, bạn cần nhanh chóng gọi trợ giúp. Chúng rất hiếu chiến, vết đốt của chúng rất đau và đôi khi kích thích phản ứng dị ứng.
    • Nếu phải phun thuốc diệt kiến, bạn nên yêu cầu dùng loại bả có chất điều hòa sinh trưởng côn trùng như abamectin.[1]
  3. Làm theo lời khuyên của nhà cung cấp dịch vụ. Họ là những chuyên gia được đào tạo để không chỉ diệt trừ mà còn ngăn ngừa dịch hại. Nếu thấy khó khăn trong việc thực hiện các phương pháp đề cập ở trên, bạn hãy hỏi nhà cung cấp dịch vụ diệt trừ dịch hại để có lời khuyên.
    • Ví dụ, bạn có thể nhìn từ trên xuống dưới nhưng vẫn không thể phát hiện đường vào của kiến. Chuyên gia diệt trừ dịch hại sẽ giúp bạn.
  4. Tấn công trực diện tổ kiến. Dù bạn không chuyên nghiệp, nhưng dùng kỹ thuật chuyên nghiệp có thể đạt được kết quả chuyên nghiệp. Đột kích tổ kiến vào một ngày mát trời. Sau đó đổ vài lít nước sôi vào cửa tổ kiến.
    • Nếu muốn công hiệu hơn, bạn có thể cho thêm giấm, xà phòng diệt khuẩn, tinh dầu vỏ cam chanh, thuốc trừ sâu pyrethrum hoặc amoniac.[1]
    • Lặp lại quá trình này mỗi ngày cho đến khi lũ kiến đầu hàng và rút lui. Có thể bạn cần mất nhiều ngày để có kết quả.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Dung dịch tẩy rửa gia dụng hiệu Green có thể giết kiến ngay tại chỗ.
  • Rảy giấm không pha loãng lên lũ kiến và đường đi của chúng.
  • Bạn cũng có thể trộn a-xít boric với xi-rô hoặc mật ong và phết lên những tấm bìa khoảng 20 -25 cm vuông. Kiến sẽ ăn hỗn hợp rồi đem về tổ để chia nhau, và chúng sẽ chết hết. Phương pháp này thường có kết quả trong hai hoặc ba ngày.
  • Những loại kiến thường tìm thấy trong nhà bao gồm kiến Argentina, kiến pharaoh, kiến ăn trộm - còn gọi là kiến mỡ, kiến vỉa hè, và kiến hôi.[1]
  • Xịt nước ô-xy già (H2O2) vào kiến và chúng sẽ chết tức khắc. Ô-xy già không độc với người và không có mùi khó chịu.

Cảnh báo[sửa]

  • A-xít boric bị cấm ở một số quốc gia.
  • Kiến thợ mộc là loài phá hoại các cấu trúc gỗ trong nhà bạn. Nếu thấy xuất hiện kiến thợ mộc, bạn cần gọi dịch vụ chuyên nghiệp ngay lập tức.
  • A-xít boric có khả năng gây hại cho con người. Mặc dù nhiều gram a-xít boric mới đủ liều lượng gây độc, bạn vẫn cần thận trọng khi xử lý và sử dụng hóa chất này.[15] Rửa sạch tay sau khi sử dụng để tránh gây hại cho trẻ em và thú cưng.
  • Pyrethrin là chất nguy hiểm có thể gây tử vong đối với mèo. Không sử dụng chất này nếu nhà có nuôi mèo.
  • Camphor là chất độc không chỉ với kiến mà còn với người và các loài động vật khác. Không dùng chất này ở những nơi có trẻ em và vật nuôi thường ở hoặc có khả năng nuốt phải.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • A-xít boric
  • Nước rửa bát
  • Các sản phẩm gia dụng (giấm, xi-rô, quế, v.v…)
  • Trợ giúp chuyên nghiệp từ những người am hiểu về các phương pháp diệt trừ dịch hại tự nhiên.
  • Bình xịt (tùy chọn)

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này