Diệt trừ rệp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rệp đã từng là hiểm họa cho ngành y tế công cộng thế giới. Tuy phạm vi tác động có giảm trong những năm giữa thế kỷ 20, nạn rệp đang quay trở lại một cách đáng kinh ngạc với quy mô toàn cầu, do chúng đã phát triển khả năng đề kháng với thuốc diệt côn trùng thông thường. Rệp là một trong những “kẻ du hành” đi khắp thế giới và dễ dàng lây lan qua hành lý, quần áo, vải trải giường và đồ đạc. Để loại trừ rệp, bạn cần hành động ngay khi có những dấu hiệu lây nhiễm, dùng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện vệ sinh và diệt trừ bằng hóa chất. Rệp có thể sống rất dai, do đó bạn phải thật kiên trì nếu muốn loại bỏ hoàn toàn.

Các bước[sửa]

Nhận biết các dấu hiệu nhiễm rệp[sửa]

  1. Nhận biết các dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của rệp. Bạn sẽ nhận ra dấu hiệu của rệp bằng hiện tượng mẩn đỏ trên da tương tự như muỗi đốt. Thông thường rệp cắn vào ban đêm, tuy nhiên bạn cũng có thể bị cắn vào ban ngày trong trường hợp rệp đã lây lan nghiêm trọng. Không giống nốt muỗi đốt, vết cắn của rệp sưng và lan rộng. Những vết rệp cắn cũng có thể xuất hiện theo từng hàng và gây cảm giác rát, không như muỗi đốt. Nốt muỗi đốt thường tròn và gọn.
  2. Quan sát các dấu hiệu khác của rệp. Những thứ bạn cần tìm là chính lũ rệp và những vẩy màu nâu nhạt khi nhộng (rệp non) thay lông. Những vết sẫm màu là phân rệp khô (máu) thường tìm thấy dọc theo những đường khâu trên nệm hoặc bất cứ nơi nào có rệp trú ngụ. Chúng cũng có mùi quả mâm xôi thối rữa hoặc mùi máu khô.
  3. Rệp còn được gọi là rệp giường, tuy nhiên bạn đừng bị lừa bởi cái tên đó. Rệp có thể tìm thấy ở mọi nơi có con người ở và môi trường gần đó. Rệp có thể sống ở dưới bàn học sinh ở trường, ghế ở nhà hàng, trên máy tính ở thư viện, trên giường bệnh viện, trong rèm cửa hoặc trên tường ở các cửa hàng. Thảm cũng là nơi trú ngụ của rệp. Nhiều khi một cây chổi dựa vào tường có rệp cũng có thể dẫn rệp vào nhà. Lũ rệp rất giỏi bám vào vải vóc. Những trạm giao thông công cộng như sân bay và trạm xe buýt cũng là những nơi lan truyền chủ yếu của rệp.
    • Chúng cũng có thể bám vào cây treo rèm cửa, máy điều hòa không khí, quạt máy, thậm chí trong các thiết bị điện tử.
  4. Đừng mặc nhiên cho rằng rệp chỉ có ở những xóm nhà nghèo mất vệ sinh. Nhiều khu nhà giàu có cũng phải đối phó với nạn rệp. Những chuyến đi công tác qua sân bay và đến công ty cũng khiến rệp lây lan.

Phát hiện rệp[sửa]

  1. Tháo giường ra và dựng lên. Nhiều khi vải bọc đệm lò xo cũng phải tháo ra để có thể xịt thuốc diệt côn trùng và xử lý bằng các phương pháp khác. Kiểm tra các khe nứt và kẽ hở trên khung giường, đặc biệt là khung giường bằng gỗ (rệp thường ưa gỗ và vải hơn kim loại hoặc nhựa).
    • Xử lý nệm và đệm lò xo của giường là không dễ, có thể bạn cần phải tháo hết các bộ phận bị nhiễm rệp.
    • Có một cách khác bạn có thể chọn là dùng bao chống rệp bọc nệm bị nhiễm rệp để bao vây và bỏ đói lũ rệp. Như vậy bạn sẽ khỏi phải mua nệm mới hoặc đệm lò xo mới, đồng thời sau này cũng sẽ dễ xử lý hơn. (Quá trình bỏ đói rệp CÓ THỂ mất đến 400 ngày, do đó bạn cần bảo đảm bao chống rệp được bọc kín ít nhất trong khoảng thời gian đó).[1]
    • Rệp cũng có thể ẩn nấp trong các món đồ cất dưới giường.
  2. Dọn sạch tủ đầu giường và các tủ nhiều ngăn. Kiểm tra bên trong và bên ngoài, lật ngược lên để xem bên dưới. Lũ rệp thường nấp trong các kẽ hở, các góc và các hốc.
  3. Kiểm tra ghế và xô-pha bọc nệm. Chú ý kỹ các đường khâu, chùm tua, diềm vải và kẽ hở bên dưới đệm. Ghế xô-pha có thể là ổ rệp nếu được dùng làm nơi ngủ.
  4. Kiểm tra các nơi khác. Những nơi này có thể là bên dưới hoặc rìa thảm trải sàn (nhất là vị trí bên dưới giường và đồ gỗ), khe nứt dọc theo cạnh các đồ gỗ và các đường tiếp giáp giữa trần và tường nhà. Rệp thường tụ tập ở một số nơi, nhưng trứng rệp thì có thể rải rác khắp nơi.
  5. Sử dụng đèn pin. Đôi khi chuyên gia trừ rệp bơm chất xịt rửa gốc pyrethrum vào các kẽ hở để tìm ra nơi rệp có thể ấn náu.

Xử lý và kiểm soát rệp[sửa]

  1. Tuân thủ phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Phương pháp này bao gồm nhiều bước kết hợp như các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện vệ sinh và phun hóa chất vào những nơi quan trọng.
  2. Cho vào túi và giặt sấy các vật dụng nhiễm rệp (với nhiệt độ ít nhất 50ºC). Các món đồ nhỏ hơn không giặt sấy được có thể xử lý bằng nhiệt. Ví dụ những vật dụng cá nhân có thể gói trong bao ni-lông và phơi ngoài nắng nóng ít nhất vài ngày (nhiệt độ ít nhất phải là 50ºC, có thể đo được bằng nhiệt kế). Rệp cũng không chịu nổi nhiệt độ lạnh dưới không độ, tuy nhiên thời gian duy trì độ lạnh ít nhất phải 2 tuần. Việc tăng hoặc giảm nhiệt độ của máy điều nhiệt trong nhà hoàn toàn không thể diệt trừ được rệp.
    • Giặt đồ vải trong nước nóng và sấy khô với nhiệt độ cao. Gom mọi thứ vải vóc, túi vải và túi da, quần áo, thú nhồi bông, v.v…, bỏ vào máy và giặt bằng nước nóng – kể cả túi đựng quần áo. Sấy khô quần áo ở nhiệt độ nóng. Hơi nước cũng có thể tiêu diệt rệp. Nhiều thành phố lớn có dịch vụ giặt sấy chống rệp, dịch vụ này có lợi là giúp đóng gói và cất giữ vật dụng đã được làm sạch để khỏi bị tái nhiễm rệp trong thời gian xử lý rệp ở nhà.
    • Nếu có món đồ không giặt được hoặc không thể vứt đi (chẳng hạn như chiếc ví da đắt tiền), bạn có thể dùng thuốc xịt trừ rệp không độc (như đất diatomit), sau đó bỏ vào túi ni lông đóng kín lại và để nguyên trong vài tháng.
    • Giặt khô để khử mùi nếu cần thiết.
  3. Xịt hơi nước trừ rệp. Bạn có thể đến cửa hàng gia dụng mua một thiết bị xịt hơi nước đơn giản, hoặc có thể biến ấm điện thành máy xịt hơi nước bằng cách gắn thêm một ống đàn hồi. Hơi nước sẽ tiêu diệt cả rận và trứng rận. Xịt hơi nước thật kỹ vào các góc và các đường nối.
  4. Hút bụi trong nhà. Bước này sẽ loại bỏ được rận và trứng rận khỏi nệm, thảm, tường và các bề mặt khác. Đặc biệt chú ý các đường nối, tua, diềm vải và rìa thảm lót sàn. Bỏ rác trong máy hút bụi vào bao đựng rác, buộc kín và vứt bỏ. Làm vệ sinh thảm bằng hơi nước cũng giúp diệt rệp và trứng còn sót lại.
    • Máy hút bụi có bộ lọc HEPA đặc biệt có hiệu quả.
  5. Bịt các khe hở bằng bột trét tường và dán lại giấy dán tường bị bong để loại trừ những nơi ẩn nấp của rệp. Loại bỏ ổ nằm của thú hoang và tổ chim nếu có thể.
  6. Cân nhắc dùng thuốc diệt côn trùng. Các loại thuốc diệt côn trùng tồn lưu (thường là pyrethroids) được dùng như một biện pháp xử lý các kẽ nứt và khe hở mà rệp có thể ẩn nấp. Bước này sẽ hiệu quả hơn nếu bụi đất tích tụ đã được loại bỏ trước bằng máy hút bụi. Nhiều bình xịt côn trùng có thể khiến cho rệp bò tản mát khắp nơi và trở nên khó diệt trừ hơn. Thuốc dạng bột có thể dùng để xử lý các lỗ hổng trong tường.
    • Xịt lại nếu rệp vẫn còn sau hai tuần kể từ lần xử lý đầu tiên. Rất khó để tìm mọi nơi ẩn nấp và trứng rệp.
    • Cảnh giác với các "chương trình" (thường đòi hỏi thực hiện không chỉ một lần) ở các cửa hàng ở địa phương vì có thể gây lộn xộn và độc hại không cần thiết. Nhiều “chương trình” như vậy chỉ khiến bạn tốn tiền mà không đem lại hiệu quả đáng kể. Bạn hãy tìm các lựa chọn khác.
  7. Liệt kê các dịch vụ và các công ty kiểm soát dịch hại chuyên nghiệp. Các công ty có kinh nghiệm biết tìm rệp ở đâu và có phương tiện để thực hiện công việc của họ. Điều quan trọng là chủ nhà và khách hàng cần phải hỗ trợ cho việc trừ rệp. Bạn cần dọn dẹp những đồ đạc lỉnh kỉnh và cho phép nhân viên công ty khảo sát và tiến hành xử lý.
  8. Loại bỏ những vật dụng nhiễm rệp. Trong một số trường hợp, nệm và đệm lò xo cần phải bỏ đi. Rệp có thể lây lan khắp tòa nhà, do đó bạn nên kiểm tra các phòng và căn hộ liền kề. Chú ý vì lợi ích của mọi người: cắt hoặc phá hủy các vật dụng để không ai có thể đem về nhà và làm lây lan thêm.
  9. Rắc silica gel. Nghiền một ít silica gel và rắc trong phòng ngủ. Rắc một ít lên nệm, xung quanh giường và dọc theo tường. Silica gel mịn sẽ dính vào rệp và không thể giũ ra được, từ đó rệp sẽ bị khô nước và chết.[2] Cẩn thận tránh hít phải.
    • Đất diatomit cũng có hiệu quả tương tự silica gel, có thể dùng để rắc xung quanh các đường khâu và dọc theo cách rãnh của đệm lò xo. Loại đất hóa thạch nhỏ và sắc cắt vào thân rệp và làm chúng chảy máu.
    • Nếu có nuôi mèo, bạn cần thay hộp cát vệ sinh của mèo (silica gel) năm ngày một lần để trứng rệp mới nở cũng bị mất nước. Lặp lại trong 5 tuần.
  10. Dùng tinh dầu tea-tree hay ti-tree để làm vệ sinh. Loại tinh dầu này có thể trừ được rệp trong nhà.
    • Làm vệ sinh kỹ mọi nơi trong nhà.
    • Giặt toàn bộ vải trải giường và quần áo với vài giọt tinh dầu tea-tree cho vào nước giặt.
    • Hút bụi và giặt toàn bộ thảm.
    • Tách riêng tất cả vải trải giường và rảy tinh dầu tea-tree vào.
    • Xịt thuốc diệt trừ rệp trong và ngoài nhà. Cách pha thuốc trừ rệp: hòa 530 ml nước với 18 giọt tinh dầu tea-tree và xịt khắp nhà, thảm, giường và đồ gỗ.
    • Dùng cồn wintergreen để diệt rệp và trứng ngay lập tức. Đây là cách rất rẻ và dễ. Đổ cồn nguyên chất vào bình xịt và xịt trực tiếp vào rệp hoặc tổ của chúng. Cồn wintergreen làm rệp bị bỏng khi tiếp xúc. Bạn cũng có thể xịt đẫm nệm và đệm lò xo với cồn wintergreen.

Ngăn ngừa rệp vào nhà[sửa]

  1. Chống lại hành vi vứt rác bừa bãi. Rệp thích ẩn náu trong các bãi rác. Nếu những nơi này ở gần nhà bạn, lũ rệp sẽ tìm đường xâm nhập vào nhà. Hơn nữa hành vi vứt rác cũng gây mất mỹ quan và bốc mùi hôi thối trong cộng đồng.
  2. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong nhà. Giữ lại vỏ ni lông bọc nệm khi mới mua. Mua vỏ bọc nệm và đệm lò xo đặc biệt. Nhớ mua loại tốt, có khóa kéo chắc chắn và chất vải không dễ rách. Loại vải rẻ tiền không đủ dày để ngăn rệp xuyên vòi qua lớp vải bọc.
  3. Cẩn thận khi mua giường, vải trải giường và đồ gỗ đã qua sử dụng. Ít nhất thì những đồ đạc này cẩn phải được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đem vào nhà.
  4. Kiểm tra giường và ván đầu giường để tìm dấu hiệu của rệp. Luật của Mỹ hiện nay yêu cầu mọi khách sạn và phòng trọ phải có vỏ bọc chống rệp cho nệm và đệm lò xo.
  5. Đặt hành lý cách khỏi mặt sàn.
  6. Cẩn thận. Nhà kho, phương tiện cất giữ, xe tải và các toa tàu có thể nhiễm rệp, từ đó rệp có thể xâm nhập vào nhà bằng cách ẩn náu trong đồ đạc mới được cất giữ hoặc được chở đến từ những nơi đó. Kiến thức về phòng chống rệp có thể giúp bạn tránh bị nhiễm rệp, hoặc ít nhất cũng kịp thời nhờ dịch vụ chuyên nghiệp can thiệp sớm.

Lời khuyên[sửa]

  • Rệp thường trú ngụ trong các góc nệm. Kiểm tra thật kỹ những nơi đó.
  • Tùy vào ngưỡng chịu đựng của bạn đối với vết rệp cắn, có thể vài ngày đầu bạn không phát hiện ra mình đã bị rệp cắn, trong khi một số người biết ngay sau khi bị cắn vài giờ.
  • Rệp đang ẩn náu trông như đã chết, nhưng thực ra không phải như vậy. Chúng sẽ không cử động cho đến khi bạn dùng hơi nước xịt vào chúng. Bạn cần xịt cho đến khi chúng không còn cử động.
  • Bôi nước cây phỉ lên da để chữa ngứa do rệp cắn.
  • Hiếm khi nhìn thấy rệp dưới ánh sáng ban ngày. Chúng thường ra khỏi nơi ẩn nấp vào ban đêm.
  • Quá trình xử lý triệt để nhà ở, khách sạn hoặc căn hộ có thể mất từ vài tiếng đến vài ngày.
  • Đặt nệm và đệm lo xo lên khung giường cách khỏi mặt sàn, đặt chân giường vào các vật có chứa dầu để ngăn rệp bò lên bò xuống giường. Cất hết diềm vải bao quanh giường. Không để tấm trải giường và chăn chạm xuống sàn cho đến khi loại trừ hết rệp.
  • Rệp có thể bị chết đuối. Ngâm quần áo trong nước có thể diệt nhiều rệp, tuy nhiên lại khiến trứng nở nhanh hơn. Nhớ dùng máy sấy quần áo ở nhiệt độ cao và vứt hết vải bọc đồ gỗ. Bạn sẽ thấy những vết rệp cắn nhanh chóng giảm đáng kể.
  • Vải nhựa dày 3 mm sẽ tạo thành lớp chắn của vải trải giường hoặc các đồ đạc bị nhiễm rệp. Vì không thể đi xuyên qua lớp chắn, rệp sẽ bị đói đến chết.
  • Khi mua vải bọc chống rệp, bạn cần kiểm tra kỹ kích thước giường, vì nhiều loại nệm có kích thước đặc biệt không theo tiêu chuẩn.
  • Rệp có thể sống đến một năm mà không cần ăn gì. Nếu định chỉ dùng một vỏ bọc nệm, bạn sẽ phải để nguyên trên nệm khá lâu.
  • Kiểm tra các nếp gấp dọc theo các đường may ở rèm cửa. Đó là một trong những nơi yêu thích của rệp để ẩn nấp và sinh sản.

Cảnh báo[sửa]

  • Rệp có thể sống đến ba tháng hoặc lâu hơn mà không cần ăn (hút máu) tức là vẫn ở trong nơi ẩn nấp của chúng.
  • Khi bị rệp cắn nhiều lần, da có thể trở nên nhạy cảm với nước bọt của rệp, do đó những lần bị rệp cắn tiếp theo có thể dẫn đến phản ứng dị ứng, gây ngứa và viêm. Điều quan trọng là không được gãi những nốt ngứa, đỏ, vì có thể gây nhiễm trùng. Nếu nghĩ mình bị rệp cắn, bạn hãy đến bác sĩ để được kê toa kem kháng sinh hoặc kem sát trùng để ngăn ngừa nhiễm trùng, thuốc corticosteroid và thuốc kháng histamine để chữa dị ứng.
  • Rệp có thể di chuyển quãng đường rất dài và trú ngụ trong va li, quần áo, xe cộ, máy bay, tàu du lịch và các phương tiện giao thông khác.
  • Rất khó loại trừ toàn bộ rệp khỏi nhà ngay trong một hoặc hai lần đầu. Có thể bạn phải thực hiện công việc đến bốn hoặc năm lần mới diệt trừ hết rệp.
  • Không dùng hoặc mua loại thuốc diệt côn trùng gọi là “bom diệt rệp”. Loại thuốc này không thể xâm nhập vào nơi rệp ẩn nấp, hơn nữa còn phát tán nhiều hóa chất độc trong nhà và có nguy cơ gây cháy.
  • Tránh trở thành nguồn lây lan rệp. Không ngủ ở nơi nào khác ngoài giường của mình. Nếu phải đi lại, bạn hãy mua túi mới và đóng đồ bên ngoài nhà, có thể ở trong xe, dùng quần áo sạch và đã được kiểm tra kỹ lưỡng.
  • Nọc độc của rệp có thể tích tụ trong cơ thể người và nhiều năm sau sẽ xuất hiện phản ứng muộn ở những vùng bị rệp cắn nhiều lần.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]