Dinh dưỡng cân bằng giúp giảm trầm cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Các nhà nghiên cứu cho rằng chế độ ăn uống có vai trò nhất định đối với bệnh trầm cảm tuy nhiên cũng cảnh báo không nên hy vọng chữa căn bệnh này chỉ bằng chế độ ăn uống.

Mệt mỏi bơ phờ, mất ngủ, chán chường và thiếu tập trung - đó là một số triệu chứng của căn bệnh trầm cảm, trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm làm cho người ta cảm thấy không muốn sống. Theo điều tra của Cơ quan Y tế Liên bang Đức, ở Đức có khoảng 3 triệu người ở độ tuổi từ 18 đến 65 bị trầm cảm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020 bệnh trầm cảm sẽ là bệnh xã hội xếp hàng thứ hai trên thế giới.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh: làm việc quá sức, căng thẳng, đau buồn, các bệnh về thể chất, yếu tố di truyền. Cũng có khi không tìm ra nguyên nhân. Điều chắc chắn là mọi trường hợp trầm cảm đều có nguyên nhân từ rối loạn trao đổi chất trong bộ não. Ngày càng có nhiều chỉ dấu cho thấy sự thiếu hụt những chất dinh dưỡng nhất định có thể làm cho trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là điều mà các nhà nghiên cứu hiện muốn tập trung tìm hiểu. Trong dinh dưỡng có các amino acid, các loại vitamin và khoáng chất. Từ các chất đó, cơ thể tạo ra những chất truyền dẫn thần kinh như Serotonin, Norepinephrine, Dopamine - những chất này tạo ra tâm trạng hài hoà, cân bằng, tạo niềm vui, sảng khoái, dễ ngủ và tăng khả năng tập trung.

Để nghiên cứu về sự liên hệ giữa dinh dưỡng và trầm cảm, một chương trình có sự tham gia thí nghiệm của một nghìn người và được EU tài trợ đã được tiến hành với mục tiêu tìm ra một chiến lược dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh trầm cảm, theo bà Elisabeth Kohls, điều phối viên dự án đồng thời là nhà tâm lý học tại Bệnh viện Tâm thần và Tâm lý trị liệu thuộc Đại học Leipzig. Dự án được tiến hành tại chín quốc gia châu Âu trong thời gian năm năm.

Các nhà nghiên cứu tìm lời giải cho các câu hỏi như xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm chế biến công nghiệp và Fast Food có gây béo phì, đồng thời lại giảm cung cấp chất dinh dưỡng - hệ quả làm ảnh hưởng tới tinh thần. Ngay từ năm 1999 đã có nghiên cứu ở Tây Ban Nha với 10.000 người tham gia thí nghiệm cho thấy có những chỉ dấu về việc với chế độ ăn uống kiểu Địa Trung Hải với nhiều chất acid béo Omega-3 có thể giảm nguy cơ bị trầm cảm tới 30%.

Tuy nhiên cũng theo bà Kohls, cho đến nay người ta chưa chứng minh được chế độ ăn uống có vai trò đến đâu. Trong số các nghiên cứu tiến hành ở Leipzig có nghiên cứu về tác động của sự thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng đối với nguy cơ bị trầm cảm.

Harald Murck, giảng viên Khoa Tâm thần và Tâm lý trị liệu, Đại học Marburg, nói, "Lối sống quá căng thẳng cộng với chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng có thể làm tăng hormon gây stress như Cortisol, Aldosterone và Adrenaline làm cho một số khoáng chất nhất định bị đào thải quá nhiều khỏi cơ thể". Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch cũng như bệnh trầm cảm.

Ngược lại, một số quan sát còn cho thấy, việc tăng chất magnesium có thể giúp cải thiện các triệu chứng trầm cảm. Hiện đang tiến hành nghiên cứu lâm sàng với giả dược (placebo) để đối chứng. Theo ông Murck, một số chất bổ sung khác (supplement) có thể hỗ trợ tăng hiệu quả của các chất chống trầm cảm, “trong đó có acid Folic, một số acid béo - Omega-3 và kẽm." Tuy nhiên việc dùng những chất này luôn cần có sự theo giõi của bác sỹ.

Michael Spitzbart, một bác sỹ ở Bad Aibling (München), từ lâu chuyên điều trị bệnh nhân trầm cảm bằng cách tăng cường cung cấp một số chất dinh dưỡng thay vì dùng thuốc chống trầm cảm. Ông cho hay, "khoảng 85% người bệnh cảm nhận được tác dụng tích cực của cách điều trị này". Spitzbart tiết lộ trong 18 năm qua ông đã điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân bằng những chất dinh dưỡng đậm đặc.

Khi thử máu, ông kiểm tra 34 thông số về trao đổi chất. Vị bác sỹ này phỏng đoán: "Bệnh nhân trầm cảm thường bị khiếm khuyết về trao đổi chất đối với protein. Các amino acid hoạt động tích cực trong bộ não như Tryptophan, Tyrosine, Phenylalanine và thì theo chế độ ăn uống hiện nay thường bị thiếu hụt trong khi đó chúng bị tiêu hao nhiều hơn do làm việc căng thẳng".

Tuy nhiên phương pháp điều trị có tên là liệu pháp của ông lại không có chứng minh về mặt khoa học do đó quỹ bảo hiểm y tế không chịu thanh toán. Các chuyên gia nghiên cứu về trầm cảm cũng rất nghi ngờ về tác dụng của phương pháp điều trị này. "Từ những kết quả thử máu để chứng minh sự rối loạn trao đổi chất hết sức phức tạp trong bộ não là điều cho đến nay không thể viện dẫn," Ulrich Hegerl, giám đốc Bệnh viện đa khoa về Tâm thần học và liệu pháp tâm lý thuộc Đại học Leipzig, nhận xét. "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thiếu vitamin không có vai trò gì đáng kể đối với bệnh trầm cảm."

Hegerl cho rằng, thật là sai lầm nếu nghĩ rằng có thể điều trị căn bệnh trầm kha này, một loại bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng, chỉ bằng các chất dinh dưỡng. "Hiện tại chưa có giải pháp để thay thế phác đồ điều trị bệnh trầm cảm là dùng thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu."

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Tạp chí Tia sáng, Xuân Hoài
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này