Tìm phương pháp điều trị trầm cảm phù hợp nhất

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bất cứ ai đang phải chịu đựng chứng trầm cảm đều hiểu được sự khó khăn mỗi ngày trôi qua. Bạn chẳng muốn ra khỏi giường, đi làm hay thậm chí là liên lạc với bạn bè. Có thể bạn đã được chẩn đoán lâm sàng hoặc là bạn hiểu rằng mình không chỉ cảm thấy buồn đơn thuần. May mắn thay, có rất nhiều phương pháp điều trị chứng trầm cảm, bao gồm các biện pháp trị liệu khác nhau, sử dụng thuốc hoặc thay đổi lối sống giúp bạn thấy yêu thương bản thân trở lại.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Khám phá Lựa chọn[sửa]

  1. Đến gặp bác sĩ. Trước khi tiến hành điều trị trầm cảm, bạn cần kiểm tra sức khỏe toàn diện. Để tìm được phương pháp điều trị phù hợp nhất với chứng bệnh trầm cảm, bạn cần tìm ra nguyên nhân của bệnh, chẳng hạn vấn đề sức khỏe như đột quỵ, tác dụng phụ của thuốc hoặc sử dụng chất gây nghiện (rượu hoặc các loại thuốc khác).[1] Điều này giúp bạn xác định được bước tiếp theo trong quá trình điều trị.
    • Đảm bảo cung cấp đầy đủ các triệu chứng trầm cảm (mất ngủ, ăn không ngon, tâm trạng chán nản, v.v) với bác sĩ.
    • Hỏi bác sĩ xem nguyên nhân trầm cảm có phải do tình trạng sức khỏe hay không. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu bác sĩ nghĩ nguyên nhân là do tình trạng sức khỏe thì bạn cần phải điều trị căn bệnh đó trước khi điều trị chứng trầm cảm. Sau khi điều trị bệnh bạn sẽ nhận ra chứng trầm cảm cũng suy giảm. Nếu không, bạn có thể tìm hiểu biện pháp điều trị không dùng thuốc như trị liệu.
    • Hỏi bác sĩ xem các loại thuốc bạn đang dùng có gây ra trầm cảm. Nếu câu trả lời là có, bạn có thể hỏi loại thuốc thay thế để không làm ảnh hưởng tới các triệu chứng trầm cảm.
    • Nếu bạn lạm dụng chất gây nghiện, chẳng hạn như ma túy hoặc rượu thì chứng trầm cảm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãy trao đổi với bác sĩ về chương trình điều trị phục hồi hoặc trị liệu.
  2. Khám phá phương pháp trị liệu. Bạn cần hiểu rằng trị liệu sẽ giúp bạn quyết định đây có phải là phương pháp điều trị thích hợp cho bạn hay không. Trị liệu trò chuyện, trị liệu tâm lý được tiến hành 1 giờ mỗi tuần (nhưng có thể điều chỉnh thời lượng nếu cần). Có nhiều chuyên gia trị liệu tốt nghiệp bằng Thạc sĩ (MA, MFT, MSW, LCSW), số khác lại có bằng Tiến sĩ (PhD or PsyD). Khi chọn chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý, bạn cần chú ý đến phương pháp trị liệu mà họ sử dụng (chẳng hạn như phương pháp Trị liệu Nhận thức - Hành vi (CBT), được giải thích cụ thể ở bước 2), độ tuổi bệnh nhân họ điều trị (nhiều người chỉ chữa cho trẻ em, số khác điều trị cho mọi lứa tuổi), và chuyên môn điều trị của họ (bạn sẽ muốn tìm người chuyên điều trị chứng rối loạn trầm cảm).
    • Bạn có thể tham khảo thông tin về các chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý từ trên mạng.[2] Hoặc liên hệ trực tiếp với bệnh viện để yêu cầu chữa trị.
    • Suy nghĩ về khả năng chi trả của bản thân và lợi ích của từng loại bảo hiểm. Một số loại bảo hiểm có chính sách chi trả song song (bạn trả một khoản nhỏ, còn lại bảo hiểm sẽ trả hết), một số khác lại yêu cầu bạn trả phần trăm lệ phí cao hơn. Tốt hơn hết, bạn nên trao đổi trực tiếp với người địa diện phía công ty bảo hiểm y tế về các lựa chọn trị liệu của họ.
    • Nếu bạn không có bảo hiểm y tế, bạn có thể tham khảo các dịch vụ xã hội hỗ trợ cá nhân không mua bảo hiểm. Hoặc bạn có thể tìm kiếm dịch vụ khám chữa bệnh chi phí thấp, quy mô rộng tại địa phương.
  3. Cân nhắc việc dùng thuốc. Một vài cá nhân chọn phương pháp điều trị đầu tiên là sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm khả năng tái phát trầm cảm.[3] Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng bệnh trầm cảm tốt nhất nên được điều trị bằng cách kết hợp giữa thuốc và các liệu pháp điều trị.[4]
    • Với phương pháp dùng thuốc, người bệnh phần lớn nhận thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác từ bác sĩ riêng hoặc bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên, các bác sĩ này không được đào tạo chuyên sâu về điều trị chứng trầm cảm.[5] Hãy đến khám bác sĩ tâm lý, những người được đào tạo bài bản về các vấn đề sức khỏe tinh thần.
    • Bạn có thể tham khảo thông tin về các bác sĩ tâm lý trên mạng hoặc liên hệ trực tiếp với bệnh viện.
  4. Xác định nguồn lực tự lực. Tự lực là cách tự điều trị bệnh trầm cảm mà không sử dụng các phương pháp trị liệu hay thuốc men. Lựa chọn này đặc biệt hữu ích với những người có mức độ trầm cảm nhẹ.
    • Phương pháp tự lực bao gồm: viết nhật ký, sáng tạo nghệ thuật, sử dụng kỹ năng thư giãn, bổ sung kiến thức về trầm cảm. Hỏi bác sĩ các tựa sách tự lực chính xác, thực tế, dễ hiểu hoặc các tờ rơi giúp bạn tìm hiểu thêm về chứng trầm cảm.[6] Hãy thử đọc cuốn "Vượt qua Trầm cảm" (Overcoming Depression) hoặc "Sổ tay Vui vẻ" (The Feeling Good Handbook), đây là những cuốn sách được bác sĩ tâm lý "khuyên đọc" với người mắc chứng trầm cảm nhẹ.[7]
    • Một vài loại thuốc thảo dược và vitamin như St. John’s Wort cũng có khả năng làm giảm trầm cảm.[8] Chúng là lựa chọn thích hợp nếu bạn không muốn dùng thuốc theo toa hay chịu các tác dụng phụ tiêu cực của thuốc (chẳng hạn như tăng suy nghĩ muốn tự sát) hay muốn một phương pháp chi phí hiệu quả hơn.[8] Tuy nhiên, St. John's Wort không được dùng song song với các thuốc chống trầm cảm khác hoặc SSRI (chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) vì chúng có thể gây ra phản ứng phụ nguy hiểm, chẳng hạn như hội chứng serotonin.[9] Bạn cần thảo luận phương pháp điều trị với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để giải quyết các tương tác tiêu cực với toa thuốc được kê hoặc các tác dụng phụ không mong muốn.[9]
    • Các loại thuốc bổ sung như 5-HTP ít có tác dụng giảm trầm cảm mà còn có tác dụng phụ.[9] Hãy thận trọng và luôn thảo luận với bác sĩ riêng hoặc bác sĩ tâm lý trước khi dùng thuốc.

Tiếp nhận Điều trị Tâm lý[sửa]

  1. Cân nhắc phương pháp trị liệu nhận thức - hành vi (CBT) là lựa chọn hàng đầu. CBT là một phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả.[10] Phương pháp này giúp khám phá nguyên nhân của những cảm giác hiện tại. Tập trung chủ yếu vào nhận thức (những gì bạn nghĩ) và hành vi (cách bạn hành động). Những suy nghĩ và hành động này sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận của bạn. Nếu bạn tiếp nhận phương pháp điều trị này, bạn nên gặp chuyên gia và họ sẽ giúp bạn xác định thói quen suy nghĩ hoặc tình huống khiến bạn cảm thấy chán nản. Một khi tìm ra nguyên nhân trầm cảm, bạn có thể tiến hành điều trị để cải thiện trạng thái tinh thần.
    • CBT còn tập trung vào thay đổi cách nghĩ và cách hành xử. Điều này bao gồm việc học cách suy nghĩ hợp lý về những thứ khiến bạn không vui.[11]
    • CBT có thể giúp bạn học cách suy nghĩ tích cực. Suy nghĩ tiêu cực về nhiều khía cạnh trong cuộc sống có thể tạo ra thói quen gây tổn hại và dẫn tới trầm cảm. Suy nghĩ tích cực giúp bạn thay đổi những triệu chứng trên.
  2. Thử phương pháp trị liệu hành vi cụ thể. Mặc dù CBT cũng bao gồm yếu tố hành vi, nhưng phương pháp này sẽ tập trung chặt chẽ vào hành vi. Mục tiêu của phương pháp trị liệu hành vi là khích lệ bạn ra ngoài và làm điều bạn thích. Các triệu chứng thông thường của trầm cảm là né tránh và dè dặt và chúng càng làm tình trạng của bạn tệ hơn. Thông qua phương pháp trị liệu hành vi, bạn được khuyến khích tham gia các hoạt động đem lại niềm vui và sự thỏa mãn.[12]
    • Bạn có thể quay lại với các hoạt động yêu thích trong quá khứ hoặc thử những điều bạn luôn mong được trải nghiệm. Chỉ cần bạn ra ngoài và tạo ra những trải nghiệm vui vẻ cho bản thân để chống lại trầm cảm.
  3. Tiếp nhận trị liệu tương tác cá nhân. Trị liệu qua mối quan hệ cá nhân (IPT) cũng là một phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả.[13] Phương pháp này tập trung vào các môi quan hệ trong cuộc sống. Bạn có cảm thấy khó khăn khi tương tác hoặc kết nối với mọi người? Nếu có thì đây chính là phương pháp phù hợp với bạn. Liệu pháp này tập trung nuôi dưỡng các kỹ năng cần có để đối phó với vấn đề trong quan hệ cá nhân.
    • Trong phương pháp này, bạn sẽ khám phá mối quan hệ hiện tại và vấn đề của bảnt hân. Những vấn đề này có tác động nghiêm trọng tới chứng trầm cảm, có thể chúng chính là yếu tố hình thành cảm giác của bạn.
    • IPT còn giúp bạn nhận ra đặc điểm trong các mối quan hệ, đặc biệt là những mối quan hệ khiến chứng trầm cảm nặng hơn. Sau khi nhận ra điều này, bạn có thể tiến hành cải thiện mối quan hệ đó.
    • Chuyên gia trị liệu sẽ dạy bạn cách đối phó hiệu quả với nỗi buồn và đưa ra cách thức giúp bạn hòa hợp với mọi người.
  4. Rèn luyện liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT). Đây là liệu pháp làm giảm nguy cơ tái phát trầm cảm ở người bệnh.[14] Phương pháp này giúp bạn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc. Phương pháp này thường được thực hiện theo nhóm và liên quan đến thiền chánh niệm. Trong khi thiền, bạn được dạy phải tập trung vào hiện tại thay vì lo lắng về quá khứ hoặc tương lai.
    • Mục tiêu là dừng suy nghĩ bâng quơ và lo lắng của bản thân, trong khi cố gắng ngăn chặn suy nghĩ và cảm giác tiêu cực.

Cân nhắc Các loại thuốc[sửa]

  1. Tới gặp chuyên gia tâm lý để làm đánh giá. Trước khi điều trị bằng thuốc, bạn phải gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, người sẽ đánh giá tình trạng của bạn và quyết định loại thuốc phù hợp. Trong quá trình đánh giá, bạn sẽ được yêu cầu chia sẻ thông tin liên quan tới:
    • Tiền sử bệnh án của gia đình
    • Triệu chứng của bản thân
    • Đã từng tiếp nhận điều trị chưa
    • Có đang mang thai không
  2. Phải kiên nhẫn trong quá trình xác định loại thuốc phù hợp. Có rất nhiều loại thuốc hiệu quả nhưng tình trạng của mỗi người lại khác nhau.[15] Có thể thuốc chưa có phản ứng ngay lần đầu, bạn cần phải kiên trì. Rất nhiều người mắc chứng trầm cảm phải thử nhiều loại thuốc và liều lượng khác nhau. Thuốc phải được kê đơn theo thỏa thuận giữa bạn và bác sĩ. Không được tự ý uống thuốc không được kê đơn. Điều này vô cùng nguy hiểm.
    • Nhớ rằng, các loại thuốc chống trầm cảm phải mất hàng tuần mới phát huy tác dụng. Nếu có thắc mặc gì, bạn nên bày tỏ quan ngại với bác sĩ.
    • Có nhiều cách hạn chế tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, vậy nên hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức.
  3. Cân nhắc việc kết hợp phương pháp trị liệu và uống thuuốc. Kết hợp trị liệu tâm lý và uống thuốc trầm cảm là cách điều trị hiệu quả nhất.[4] Thuốc sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn nhưng chỉ là tạm thời, chúng thường không thay đổi tình trạng hiện tại, mức độ căng thẳng, môi trường, tính cách, v.v. Đây là lý do bác sĩ và chuyên gia tâm lý thường khuyến cáo dùng thuốc song song với tiến hành trị liệu.
  4. Tìm hiểu tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Bạn phải nhận thức được tác dụng phụ được ghi nhận của các loại thuốc. Mỗi loại có tác dụng phụ khác nhau. Nếu bạn uống thuốc và thấy các triệu chứng sau, hãy báo ngay với bác sĩ. Một vài tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống trầm cảm:[16]
    • Buồn nôn
    • Nhức đầu
    • Lo âu
    • Chóng mặt
    • Thay đổi cân nặng
    • Đổ mồ hôi
    • Khô miệng
    • Gặp khó khăn liên quan đến tình dục (VD: khó cảm thấy kích thích).
  5. Bạn cần hiểu rằng thời gian dùng thuốc hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của bản thân. Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng trầm cảm và phản ứng của bạn với thuốc. Mặc dù nhiều người chỉ cần điều trị ngắn hạn (khoảng 6 tháng), số khác lại mất rất nhiều thời gian để thuốc phát huy tác dụng.[17][18]
    • Coi trầm cảm như những căn bệnh khác. Những người mắc bệnh tiểu đường cần tiêm insulin. Bệnh trầm cảm cũng vậy, có điều ít có triệu chứng về mặt thể chất.
    • Nếu bạn cảm thấy muốn ngừng dùng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ. Do tính chất của các loại thuốc, bạn cần phải ngừng dùng thuốc từ từ. Vì bạn sẽ thấy cực kỳ khó chịu nếu ngừng thuốc đột ngột.[19]

Thay đổi Lối sống để Chống Trầm cảm[sửa]

  1. Tập luyện thường xuyên. Tập luyện được chứng minh giúp giảm nhẹ triệu chứng trầm cảm.[20] Đồng thời, nó đem lại lợi ích cực lớn cho sức khỏe tổng thể của bạn. Vận động liên tục có thể cải thiện tâm trạng, gia tăng năng lượng, khiến bạn quên đi lo âu trong cuộc sống, giúp dễ ngủ và thậm chí thay đổi các chất trong não bộ. Tập luyện làm tăng nồng độ endorphin, serotonin và kiểm soát hoóc-môn căng thẳng, tất cả đều liên quan đến trầm cảm.[20]
    • Cố gắng tập luyện một chút mỗi ngày. Nếu bạn thấy chán nản, hãy đi dạo để thanh lọc tâm trí. Chỉ cần đi vòng quanh bục cũng giúp cơ thể sản sinh serotonin, chất hóa học khiến bạn cảm thấy vui vẻ.
    • Luyện các bài tập thư giãn như yoga và giãn cơ. Yoga tốt cho cả tâm trí và cơ thể.
  2. Ăn thực đơn tốt cho sức khỏe. Khi chọn thực đơn giàu dinh dưỡng là bạn đã phát huy cảm giác hạnh phúc (suy nghĩ về khái niệm “bạn là những gì bạn ăn”). Cố gắng ăn theo thực đơn cân bằng bao gồm nhiều nhóm thực phẩm như sau:[21]:
    • Hoa quả
    • Rau xanh
    • Protein có lợi cho sức khỏe
    • Ngũ cốc nguyên hạt
    • Các loại dầu ăn có lợi cung cấp axít béo omega như dầu ôliu và dầu hạt lanh
  3. Tham gia nhóm hỗ trợ. Đôi khi trò chuyện với người khác cũng tạo nên thay đổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng các nhóm hỗ trợ đồng đẳng có thể giúp giảm triệu chứng trầm cảm.[22] Trong một nhóm hỗ trợ, bạn có thể tương tác với người biết và hiểu được những điều bạn đang chịu đựng. Bạn có thể kết nối với người khác và học hỏi từ họ.
    • Nếu bạn thích gặp gỡ trực tiếp với mọi người, hãy thử kiểm tra trung tâm cộng đồng địa phương hoặc các bệnh viện. Bạn có thể trò chuyện với bác sĩ, chuyên gia tâm lý về các nhóm hỗ trợ ở nơi bạn sống.
    • Với sức mạnh của internet, bạn có thể tìm được rất nhiều nhóm hỗ trợ trên mạng.
  4. Kiên trì và lạc quan. Đây là một quá trình học hỏi nhưng bạn có thể làm được. Ban đầu nó có vẻ hơi quá sức nhưng khi bạn đã tiến hành bước đầu tiên, bạn sẽ thấy cuộc sống được cải thiện đáng kể. Suy nghĩ tích cực giúp bạn giảm bớt triệu chứng trầm cảm.[23]
    • Các phương pháp điều trị như CBT có thể giúp bạn hiểu được chính xác cách thức thay đổi suy nghĩ.
    • Chuyên gia trị liệu có thể giúp bạn lên kế hoạch trị liệu, giúp bạn xác định quá trình giảm trầm cảm.

Tìm hiểu Các hình thức Trầm cảm Khác nhau[sửa]

  1. Trao đổi với chuyên gia trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý về rối loạn trầm cảm của bạn. Giáo dục, hay còn gọi là giáo dục tâm lý về hình thức trầm cảm của bản thân có thể giúp bạn tìm được phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng hiện tại. Hình thức trầm cảm lâm sàng phổ biến nhất là trầm cảm nặng. Khi mắc chứng này, bạn cảm thấy buồn bã, vô vọng, lo âu hoặc mệt mỏi. [24] Có thể bạn còn có suy nghĩ muốn tự sát, bất lực, chán ăn, sụt cân, mất tập trung và nỗi đau thể chất.[24]
    • Tất cả phương pháp điều trị được liệt kê ở 3 bước trên đều được thiết kế để đối phó với chứng trầm cảm lâm sàng.
  2. Tìm hiểu về Rối loạn Trầm cảm Dai dẳng. Rối loạn Trầm cảm Dai dẳng (còn được biết đến với tên Dysthymia) là chứng trầm cảm ít nghiêm trọng hơn trầm cảm lâm sàng nhưng lại kéo dài dai dẳng và có nhiều triệu chứng tương tự.[25][26][27] Tuy nhiên, chứng trầm cảm này ít được chú ý và hay ít tác động đến cuộc sống hàng ngày, đó là lý do nó thường không được chẩn đoán.[25] Các phương pháp điều trị thông thường:
    • Trị liệu nhận thức - hành vi.[28]
    • Trị liệu hành vi.[29]
    • Trị liệu tương tác cá nhân.[30]
    • Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm.[31]
  3. Tìm hiểu phương pháp điều trị cụ thể cho trầm cảm lưỡng cực. Trầm cảm lưỡng cực là khía cạnh trầm cảm của rối loạn theo sau hoặc trước giai đoạn hưng cảm (khi con người cực kỳ vui vẻ và tràn đầy năng lượng).[32]
    • Người mắc chứng trầm cảm lưỡng cực thường được điều trị bằng các loại thuốc ổn định tâm trạng và thuốc chống trầm cảm.[33]
    • Các phương pháp trị liệu CBT, hành vi và tương tác cá nhân cũng được dùng để điều trị trầm cảm lưỡng cực.[34]
  4. Tìm hiểu về trầm cảm theo tình huống. Trầm cảm theo tình huống hay còn gọi là Trầm cảm có điều chỉnh có thể phát triển khi bạn trải qua sự thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như biến động lớn hoặc mất đi người thân.[35] Hình thức trầm cảm này sẽ suy giảm theo thời gian[36], nhưng để vượt qua nó bạn cũng cần thực hiện:[37]
    • Trị liệu nhận thức - hành vi
    • Trị liệu nhận thức dựa trên chánh niệm
  5. Tìm hiểu về trầm cảm sau sinh. Sau khi sinh con các bà mẹ có thể bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Các triệu chứng trầm cảm sau sinh là cảm giác cô đơn, buồn bã, bất lực, cáu gắt, lo âu, sợ làm đau hoặc mất con và mệt mỏi.[38]
    • Chứng trầm cảm này cũng tự suy giảm theo thời gian, tuy nhiên bạn có thể tiếp nhận trị liệu nhận thức - hành vi, trị liệu tương tác cá nhân, trị liệu nhận thức dựa trên tránh niệm để phòng ngừa và chống lại trầm cảm sau sinh.[39][40]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu nhận thấy bản thân có suy nghĩ tự sát, hãy tìm gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, hoặc nhập viện ngay lập tức.
  • Nếu bạn phải chịu tác dụng phụ của thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.ordrepsy.qc.ca/pdf/2010_09_Integrating_SandP_Dossier_01_Gagnon_En.pdf
  2. http://locator.apa.org/
  3. http://homes.mpimf-heidelberg.mpg.de/~mhelmsta/pdf/2001%20Manji.pdf
  4. 4,0 4,1 http://archpsyc.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=482031
  5. http://shawnhersevoortmd.com/uploads/antidepressant_mistakes_in_primary_care.pdf
  6. http://www.iapt.nhs.uk/silo/files/good-practice-guidance-on-the-use-of-selfhelp-materials-within-iapt-services.pdf
  7. http://www.bostonglobe.com/ideas/2013/12/22/when-doctors-prescribe-books-heal-mind/H2mbhLnTJ3Gy96BS8TUgiL/story.html?s_campaign=sm_tw
  8. 8,0 8,1 http://espace.library.uq.edu.au/view/UQ:300449
  9. 9,0 9,1 9,2 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3415362/
  10. http://publications.cpa-apc.org/browse/documents/600
  11. http://www.nami.org/Content/NavigationMenu/Inform_Yourself/About_Mental_Illness/About_Treatments_and_Supports/Cognitive_Behavioral_Therapy1.htm
  12. http://www.healthline.com/health/behavioral-therapy
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3646065/
  14. https://www.radboudcentrumvoormindfulness.nl/media/Artikelen/Piet2011.pdf
  15. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/wps.20038/full
  16. http://annals.org/article.aspx?articleid=1033198
  17. http://www.mentalhealth.umn.edu/medication/pdfs/antidep_bro.pdf
  18. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/mental-health-medications/mental-health-medications.shtml
  19. http://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/going-off-antidepressants
  20. 20,0 20,1 http://www.webmd.com/depression/guide/exercise-depression
  21. http://www.helpguide.org/life/healthy_eating_diet.htm
  22. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3052992/
  23. http://www.biomedcentral.com/1471-2458/13/119/
  24. 24,0 24,1 http://www2.nami.org/content/navigationmenu/intranet/homefront/criteria_major_d_episode.pdf
  25. 25,0 25,1 http://www.psychiatrictimes.com/special-reports/persistent-depressive-disorder-dysthymia-and-chronic-depression
  26. http://www.dsm5.org/Documents/changes%20from%20dsm-iv-tr%20to%20dsm-5.pdf
  27. http://eo2.commpartners.com/users/counseling/downloads/130724_Slides.pdf
  28. https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000918.htm
  29. https://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml
  30. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1414693/
  31. http://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(14)62222-4/abstract
  32. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bipolar-disorder/basics/definition/con-20027544
  33. http://www.researchgate.net/profile/John_Geddes/publication/8374157_Antidepressants_for_bipolar_depression_A_systematic_review_of_randomized_controlled_trials/links/0deec515c0f5a7e33c000000.pdf
  34. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bipolar-disorder/basics/treatment/con-20027544
  35. http://bjp.rcpsych.org/content/201/2/90.full
  36. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adjustment-disorders/basics/complications/con-20031704
  37. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/adjustment-disorders/basics/treatment/con-20031704
  38. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-depression/basics/symptoms/con-20029130
  39. https://wiki.acs.nmu.edu/hl367w11/images/f/f2/Postpartum_Depression_in_Women_Recieving_Public_Assistance.pdf
  40. http://www.researchgate.net/profile/Eirini_Karyotaki/publication/269723202_The_effects_of_psychological_treatment_of_maternal_depression_on_children_and_parental_functioning_a_meta-analysis/links/550169e50cf2aee14b59805a.pdf
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này