Duy trì một mối quan hệ xa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không ai cho rằng những mối quan hệ xa (hay “yêu xa”) là dễ dàng, nhưng việc yêu xa cũng không nhất thiết phải phá hỏng mối quan hệ của bạn. Chỉ cần bạn luôn vững tâm và giữ liên lạc đúng cách, những mối quan hệ xa còn có thể ổn định hơn cả những mối quan hệ có khoảng cách địa lý gần.[1] Những điều chỉnh nhỏ trong thái độ và phong cách sống có thể giúp bạn giữ được người mình yêu trong cuộc đời.

Các bước[sửa]

Gìn giữ Những điều Bình thường khi Bạn Có thể[sửa]

  1. Giữ liên lạc. Vì hai bạn không thể gặp nhau trực tiếp, việc xây dựng và duy trì kết nối tình cảm thường xuyên có thể là rất quan trọng. Những cuộc đối thoại không cần thiết phải quá dài hay quá chi tiết.[2] Việc liên lạc thường xuyên, ngay cả khi cuộc nói chuyện không dài, cũng thể hiện rằng bạn quan tâm đủ nhiều để dành thời gian và công sức cho mối quan hệ,[2] và cũng dễ dàng hơn để hai bạn cập nhật về cuộc sống của nhau.[3] Nếu bạn để khoảng cách thời gian lớn (nhiều ngày cùng lúc) trôi qua, những trải nghiệm hàng ngày của bạn sẽ trở nên mờ nhạt, và bạn lại phải bắt đầu từ con số không mỗi lần trò chuyện với đối phương.
    • Hãy lưu ý tới phương thức liên lạc mà đối phương ưa thích. Thử thật nhiều phương tiện khác nhau để xem loại nào là tốt nhất cho cả hai bạn.[2] Hai bạn có thể thử nhắn tin, gửi thư điện tử, hoặc sử dụng facetime để cập nhật từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống thường nhật của mình.
    • Hãy sắp xếp lịch của bạn. Nếu bạn nhận ra mình sẽ quá bận để trò chuyện, hãy cho đối phương biết trước và cố gắng liên lạc với nhau nhiều nhất có thể. Nếu bạn không quá bận rộn như nửa kia, hãy linh hoạt và tập trung làm điều gì đó bạn thích.
  2. Hãy nói về những điều thông thường và nhỏ bé. Đừng nghĩ rằng mọi chuyện đều phải là một cuộc đối thoại chi tiết về mối quan hệ, những hy vọng, hay giấc mơ. Thay vào đó, hãy quan tâm đến những câu chuyện nhỏ mà những cặp đôi chung sống sẽ lưu ý tới, ví dụ như đi mua đồ, làm việc nhà, hay trang trí lại nơi ở.[3] Điều này tạo cảm giác hai bạn đang xây dựng tổ ấm cùng nhau, thứ mà cả hai đều có thể hy vọng tới.
    • Trò chuyện về những phút tẻ nhạt hoặc bình thường trong ngày cũng có thể nuôi dưỡng mối liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau, và chúng chính là nền tảng của mọi mối quan hệ.[4]
  3. Hãy tới thăm nhau thường xuyên. Cố gắng sắp xếp thời gian để gặp mặt người kia với tần suất lớn nhất có thể hoặc càng nhiều càng tốt tùy vào khả năng tài chính mà bạn có. Hãy nên gặp nửa còn lại của mình ngay khi có cơ hội.[5][6] Hãy xây dựng lịch hẹn đều đặn, hoặc ít nhất lên kế hoạch cho lần tiếp theo ngay sau khi kết thúc một buổi hẹn. Giao tiếp mặt đối mặt cũng quan trọng không kém gì sự hài lòng, tận tâm, và lòng tin trong mối quan hệ.[2]
    • Hãy tạo ra thói quen trong những lần gặp mặt, ví dụ như ăn ở nhà hàng "ruột", tận hưởng đêm yên tĩnh bên nhau tại nhà, hoặc cùng thực hiện một hoạt động yêu thích.
    • Thu xếp phương tiện đi lại để chúng không ảnh hưởng tới thời gian hai bạn dành cho nhau. Hãy biết địa điểm nào ở sân bay hay ga tàu mà hai bạn cần gặp nhau. Học cách du lịch với một chiếc túi hoặc để sẵn những đồ đạc thiết yếu ở nhà đối phương để tiết kiệm thời gian tại sân bay.
    • Thi thoảng hãy gặp nhau ở bên ngoài. Cùng đi du lịch tới một địa danh nào đó mà hai bạn đều chưa từng đặt chân tới, hoặc chọn một điểm ở giữa khoảng cách nơi hai bạn sinh sống.
  4. Hãy tìm hiểu nhau. Như mọi mối quan hệ khác, bạn cần dành thời gian để nhận biết và thấu hiểu đối phương của mình. Khi nói chuyện, hãy lưu tâm tới những điều đối phương thích nhất (ví dụ như sở thích hay hoạt động hàng ngày), và nghiên cứu đôi chút về những thứ đó để hai bạn có nhiều điều trò chuyện với nhau hơn.
    • Biết được sở thích của người kia cũng sẽ có lợi khi bạn muốn trao đổi quà. Tặng quà lẫn nhau là một hình thức chia sẻ cảm xúc của bạn với người kia qua khoảng cách xa xôi.[2]
  5. Hãy nhớ rằng đối phương của bạn cũng là con người. Khoảng cách sẽ khiến bạn trở nên trìu mến hơn, nhưng cũng có thể khiến bạn lý tưởng hóa đối phương. Điều này có thể khiến cho mối quan hệ ổn định, song lý tưởng hóa quá đà (nghĩ rằng đối phương là hoàn hảo) sẽ khiến việc tái hợp với con người thật khó khăn hơn rất nhiều.[5]
    • Duy trì giao tiếp hàng ngày về cuộc sống thường nhật của bạn sẽ giúp nhân tính hóa đối phương và giúp bạn hiểu rõ những thay đổi mà đối phương đang trải qua.[2]
  6. Hỗ trợ lẫn nhau, kể cả từ khoảng cách xa xôi. Hãy ở bên đối phương khi người đó gặp rắc rối, bị tổn thương, hoặc vì bất cứ lý do gì. Bạn luôn cần tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ để đối phương biết rằng bạn quan tâm tới họ. Nếu đối phương phải một mình giải quyết những vấn đề quan trọng của họ, cuối cùng họ sẽ không còn cần tới bạn nữa.[5] Sự phụ thuộc lẫn nhau chính là việc tự nguyện hy sinh quyền lợi bản thân cho quyền lợi của đối phương hoặc hy sinh cho mối quan hệ của bạn.[7] Thay vào đó, hãy hỗ trợ người kia để cùng tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau, điều cốt yếu của một mối quan hệ xa.
    • Sự phụ thuộc lẫn nhau có thể được thấy trong hành động thường ngày như khi hai bạn thỏa hiệp về những quyết định và thói quen sống lâu dài, ví dụ như bỏ thuốc lá chẳng hạn.
  7. Tạo ra lòng tin. Lòng tin trong một mối quan hệ là yếu tố sống còn, bất kể khoảng cách xa xôi.[8] Hãy cố hết sức để chung thủy với người kia và gạt bỏ những cám dỗ. Nếu bạn đã làm sai điều gì, sự trung thực là vô cùng quan trọng và hãy nói sự thật với đối phương kể cả khi sự lừa dối có thể tốt hơn cho bạn.[8] Ví dụ, khi bạn ở trong tình huống dễ bị cám dỗ (như đi bar), nói dối về địa điểm của bạn sẽ có ích cho riêng bạn, nhưng nếu bạn thành thật thì nó sẽ có ích cho mối quan hệ của cả hai.
    • Việc thường xuyên dùng thư điện tử và các nguồn trực tuyến khác sẽ giúp nuôi dưỡng lòng tin trong những mối quan hệ tình cảm.[6][9]
  8. Hãy trung thành với người kia. Hãy thẳng thắn và thành thật bằng cách tự động đưa ra những thông tin cá nhân.[10] Hai bạn cần quan tâm tới nhau về mặt tinh thần, và tiếp tục mối quan hệ vì những giá trị cá nhân của hai người, không phải vì áp lực xã hội.[11] Giá trị cá nhân bao gồm niềm tin, ví dụ như “sự chung thủy là một phần nhân cách của tôi”. Áp lực xã hội bao gồm nhận thức về sự đồng tình hay không đồng tình của xã hội. Ví dụ, “Mẹ tôi sẽ khủng hoảng nếu tôi lừa dối bạn gái và cô ấy bỏ tôi.”
    • Để ý hành vi của đối phương khi họ cố gắng điều khiển để bạn làm những việc mà chỉ có lợi cho họ, như khi họ nói dối về việc khẩn cấp chỉ để bạn nghe điện thoại trong khi bạn đang có một buổi họp quan trọng. Nếu sự thiếu trung thực và hành vi lôi kéo bằng mánh khóe đã trở thành một phần trong tương tác giữa hai bạn, bạn cần phải nghĩ lại xem vì sao mối quan hệ của mình thiếu sự tin tưởng tới vậy.

Làm việc Cùng nhau và Kết nối[sửa]

  1. Cùng chia sẻ điều gì đó. Hãy tạo ra một thứ mà hai bạn đều có thể tiếp cận và chia sẻ, ví dụ như nhật ký trực tuyến (online blog) hay sổ kỷ niệm (scrapbook). Điều này sẽ giúp hai bạn có cách thức mới để liên lạc và cũng khiến hai bạn có cảm giác đang cùng nhau làm điều gì đó. [2] Bạn có thể tạo một blog về đồ ăn với những chuyến phiêu lưu ẩm thực, chụp hình tập thể dục trên Instagram, hoặc tạo một hashtag (chuỗi kí tự sau dấu thăng “#”) đặc biệt trên Twitter chỉ dành cho hai người.
    • Chia sẻ lịch trực tuyến của hai bạn nữa. Nếu bạn không gặp được người kia, bạn sẽ có cơ sở để tìm hiểu vì sao. Bạn cũng sẽ có chuyện để nói với người kia, ví dụ như “Đêm nhạc tối qua thế nào vậy?”
  2. Làm những việc giống nhau trong cùng một thời điểm. Điều này sẽ khiến khoảng cách giữa hai bạn thu hẹp lại và có cầu nối với nhau.[5] Bạn sẽ có cảm giác gần người kia hơn và cùng lúc hai bạn sẽ gắn kết với nhau. Nếu bạn không chắc mình nên làm gì, hãy thử những việc dưới đây:
    • Lên kế hoạch nấu cùng một món ăn trong cùng một ngày. Nếu cả hai bạn đều không thích nấu nướng, hãy lên kế hoạch ăn những món ăn hoặc đồ ăn vặt giống nhau.
    • Cùng đọc một cuốn sách hay một bài báo. Hai bạn còn có thể thay nhau lần lượt đọc to lên cho người kia nghe.
    • Cùng xem chương trình truyền hình hoặc phim truyện với nhau. Giữ cho cuộc gọi của bạn tiếp diễn và chia sẻ phản ứng cùng nhau.
    • Dùng điện thoại có máy quay để nói chuyện khi đang ăn hoặc xem phim cùng nhau.
    • Ngủ cùng nhau. Hai bạn có thể cùng trò chuyện qua điện thoại hoặc trò chuyện có hình ảnh (video chat) và cùng chìm vào giấc ngủ. Thi thoảng làm điều này sẽ khiến hai bạn thấy gần nhau hơn.
  3. Học cùng nhau. Chọn một kế hoạch mà hai bạn đều thích làm, như là tham gia lớp học tiếng trực tuyến hay học cách đan len. Làm bất kỳ điều gì mà cả hai bạn cùng có hứng thú. Điều này sẽ giúp bạn có cảm giác kỳ diệu về những ký ức được chia sẻ cùng nửa kia và giữa hai bạn sẽ có điều gì đó kéo hai người lại gần nhau hơn. Đây cũng là cách tốt để dành thời gian cho nhau và cũng giúp bạn có thứ để trò chuyện với người kia.
    • Tận dụng mạng Internet. Hai bạn có thể chơi trò chơi trực tuyến có nhiều người chơi, hoặc chơi thứ gì đó cổ điển hơn như cờ vua chẳng hạn. Dù cách nào đi nữa, hai bạn cũng đều có thể trò chuyện khi chơi, và tạo cảm giác hai người đang ở cùng nhau.
  4. Khiến cho người kia cảm thấy đặc biệt. Hãy cố làm những điều nho nhỏ để người kia biết rằng bạn quan tâm tới họ. Bạn có thể viết tay những bức thư tình và gửi chúng đi. Hoặc, gửi những món quà nhỏ, thẻ tặng quà, hoặc hoa mà không vì lý do gì cả.[2] Việc tìm cách để gửi bất kỳ thứ gì tới đối phương của bạn thật không thể dễ dàng hơn.
    • Đừng cảm thấy như thể bạn phải gửi thứ gì đó to tát. Những điều nhỏ bé nhưng thường xuyên cũng quan trọng không kém việc khiến người đó cảm thấy đặc biệt trong những dịp đặc biệt.
  5. Tìm kiếm những sở thích chung. Hãy thử những điều mới cùng nhau, kể cả khi thực tế là hai bạn đang làm điều đó ở hai nơi khác nhau. Bằng cách này, bạn sẽ không chỉ đơn thuần nói chuyện điện thoại, vì nếu bạn chỉ gọi điện không thôi thì mối quan hệ sẽ thực sự chông gai. Thay vào đó, hãy làm điều gì lãng mạn như ngắm sao khi đang gọi điện cho nhau. Làm cùng lúc với nhau và đặt đồng hồ thông báo vào cùng một giờ hàng ngày, rồi nghĩ về đối phương mỗi khi đồng hồ đổ chuông.
    • Nhắc nhở bản thân rằng đối phương cũng đang nghĩ về bạn khi cùng làm những việc này với bạn, kể cả khi hai bạn ở cách xa nhau. Điều này sẽ giúp củng cố mối liên kết giữa hai bạn.
  6. Tạo những mối quan hệ. Việc bạn cảm thấy mình có vị trí trong cuộc đời đối phương là rất quan trọng. Hãy thử gặp bạn bè của người kia, trên mạng hoặc ngoài đời.[4] Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cuộc sống của đối phương và giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn.
    • Nếu một trong hai bạn phải chuyển nơi sống để hai bạn có thể ở bên nhau, người đó sẽ đồng thời rời khỏi bạn bè của họ. Hãy bắt đầu ngay một mạng lưới mối quan hệ xã hội và nghề nghiệp cho người phải chuyển đi.

Đặt ra Kỳ vọng và Giới hạn[sửa]

  1. Hãy thảo luận về bản chất mối quan hệ của bạn. Hãy đặt những câu hỏi quan trọng ngay từ bây giờ để đảm bảo rằng hai bạn đều rõ ràng về bản chất mối quan hệ. Xác định mối quan hệ mà hai bạn đều muốn. Ví dụ như, hai bạn đang hẹn hò, đang qua lại với nhau, bạn trai – bạn gái, hay đính hôn? Bạn cũng nên định nghĩa sự độc quyền trong mối quan hệ (liệu bạn có đi xem mặt những người khác không). Giả sử, bạn có thể hỏi, “Anh/Em có sẵn sàng chuyển nhà không nếu mối quan hệ này nghiêm túc hơn?” hoặc “Anh/Em đang tìm kiếm điều gì từ mối quan hệ này?”
    • Dù đây có thể là những câu khó để hỏi và cũng dẫn tới những cuộc nói chuyện thử thách, việc định hình mối quan hệ sẽ giúp bạn không gặp phải những cơn “đau tim” và hiểu lầm về sau. Đây là bước quan trọng để xây dựng mối quan hệ mà cả hai bạn đều muốn.
  2. Hãy chia sẻ những nghi ngờ, điều không chắc chắn, và nỗi sợ hãi cùng nhau. Tìm hiểu những chủ đề đáng sợ và khó khăn song song với những điều tốt đẹp. Coi đây là cơ hội để khám phá cảm xúc của hai bạn một cách chân thực nhất. Nhận biết phút vui buồn của đối phương khi hai bạn ở xa nhau sẽ giúp bạn dễ chấp nhận và thoải mái hơn khi họ ở trong những phút tồi tệ lúc hai bạn gặp nhau.
    • Cũng dễ hiểu thôi nếu bạn chỉ muốn tập trung vào sự tích cực. Nhưng bạn cũng nên cho đối phương biết những phút tiêu cực của mình.[5] Cả hai bạn đều là con người, và con người không phải lúc nào cũng có thể vui được – điều này hoàn toàn ổn.
  3. Giữ thái độ tích cực. Tập trung vào những ưu điểm của khoảng cách địa lý, ví dụ như việc bạn có thể tìm kiếm những mối quan tâm, sở thích, hay mục tiêu nghề nghiệp. Hãy hiểu rằng khoảng cách sẽ buộc hai bạn phải sáng tạo hơn khi giao tiếp và thể hiện cảm xúc của mình. Hãy coi đây là một cơ hội để thử thách kỹ năng giao tiếp và cảm xúc của hai bạn.
    • Khi nào bạn còn coi mối quan hệ xa này là một trạng thái tạm thời, bạn vẫn sẽ ngẩng cao đầu và trao cho đối phương cảm giác an toàn và hạnh phúc.
  4. Hãy có những kỳ vọng hợp lý. Hãy nhớ, tất cả các mối quan hệ đều đòi hỏi sự cần mẫn và cống hiến cho người bạn yêu hoặc đối phương, cho dù là ở xa hay ở gần. Nếu bạn và đối phương sẵn sàng làm theo những bước này, hãy đón chờ những chướng ngại và ngã rẽ trên con đường. Nếu bạn học cách điều khiển chúng, những thử thách này sẽ còn góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp hơn trong thời gian dài về sau.
    • Ví dụ, bạn có thể gặp khó khăn khi tới những ngày quan trọng hoặc ngày nghỉ khiến bạn phải ở xa người kia. Nếu bạn biết mình không thể ở cùng người kia trong ngày kỷ niệm của hai người, hãy lên kế hoạch cho cách nào đó đặc biệt để hai bạn vẫn kết nối được với nhau.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn buộc phải đi máy bay hoặc sử dụng các phương tiện công cộng khác để thăm đối phương của mình, ngay lập tức đăng ký vào một chương trình tích thưởng thật tốt (điểm hãng máy bay hoặc hành khách thường xuyên). Những dặm này sẽ nhiều lên, và mức thưởng sẽ giúp bạn duy trì được việc đi lại theo thời gian, và còn có thể cho bạn một, hai cơ hội đi thăm người kia bất ngờ nữa.
  • Hãy thiết kế vật dùng để đếm ngược và gửi cho đối phương xem cho tới khi hai bạn lại gặp nhau. Ví dụ, hãy tạo ra quyển lịch hình ảnh, cùng với thứ gì đó bạn thêm vào mỗi tờ lịch ngày để miêu tả điều bạn yêu ở đối phương của mình.
  • Tâm sự với ai đó. Có một người bạn cùng phòng hoặc một thành viên trong gia đình ở bên sẽ giúp bạn không cảm thấy cô đơn.
  • Gửi ảnh của bạn tới đối phương, thường xuyên hết mức có thể. Chia sẻ những tấm hình chụp nhanh. Điều này sẽ làm cả hai bạn thấy vui vẻ.
  • Khi yêu xa, hai người rất dễ tranh cãi bởi bạn không thể lúc nào cũng nhận biết được giọng điệu của người kia thực tế ra sao qua những dòng tin nhắn. Cũng rất dễ để buột miệng nói ra những điều gây tổn thương khi hai bạn không đối mặt nhau, nhưng những từ ngữ đó vẫn có thể gây tổn thương ở mức tương tự. Hãy đặc biệt cẩn thận khi suy đoán câu từ của đối phương (bởi nó có thể không hẳn trùng khớp với ý của đối phương), cũng như những gì bạn nói khi tức giận.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Stafford, L., & Merolla, A. J. (2007). Idealization, reunions, and stability in long-distance dating relationships. Journal of Social and Personal Relationships,24(1), 37-54.
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 Aylor, B. A. (2003). Duy trì mối quan hệ xa. Duy trì mối quan hệ qua giao tiếp: Những biến thể trong mối quan hệ, hoàn cảnh, và văn hóa, 127-140.
  3. 3,0 3,1 Johnson, A. J., Haigh, M. M., Becker, J. A., Craig, E. A., & Wigley, S. (2008).Việc Sử dụng Chiến thuật Quản lý Mối quan hệ trong Thư điện tử của Sinh viên Đại học đối với Mối quan hệ xa và gần về địa lý. Tạp chí về Giao tiếp qua Trung gian Máy tính, 13(2), 381-404.
  4. 4,0 4,1 Sahlstein, E. M. (2006). Tạo dựng kế hoạch: Chiến thuật theo thông lệ để đàm phán về tính không chắc chắn–chắc chắn trong các mối quan hệ xa. Tạp chí Phương Tây về Giao tiếp, 70(2), 147-165.
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 Stafford, L., & Merolla, A. J. (2007). Lý tưởng hóa, sự sum họp, và tính bình ổn của mối quan hệ tình cảm xa. Tạp chí về Mối Quan hệ Xã hội và Cá nhân,24(1), 37-54.
  6. 6,0 6,1 Dainton, M., & Aylor, B. (2002). Kiểu mẫu của các kênh giao tiếp được dùng để duy trì mối quan hệ xa. Báo cáo về Nghiên cứu Giao tiếp,19(2), 118-129.
  7. Finkel, E. J., & Campbell, W. K. (2001). Sự tự chủ và điều tiết trong các mối quan hệ thân thiết: phân tích về sự phụ thuộc lẫn nhau. Tạp chí về tính cách và tâm lý xã hội, 81(2), 263.
  8. 8,0 8,1 Simpson, J. A. (2007). Nền tảng Tâm lý của sự tin tưởng. Định hướng hiện tại trong khoa học tâm lý, 16(5), 264-268.
  9. Johnson, A. J., Haigh, M. M., Becker, J. A., Craig, E. A., & Wigley, S. (2008). Việc Sử dụng Chiến thuật Quản lý Mối quan hệ trong Thư điện tử của Sinh viên Đại học đối với Mối quan hệ xa và gần về địa lý. Tạp chí về Giao tiếp qua Trung gian Máy tính, 13(2), 381-404.
  10. Petronio, S. (2013). Báo cáo trạng thái ngắn gọn về thuyết quản lý bí mật giao tiếp. Tạp chí về Giao tiếp trong Gia đình, 13(1), 6-14.
  11. Lydon, J., Pierce, T., & O'Regan, S. (1997). Đối mặt với cam kết đạo đức với những mối quan hệ xa. Tạp chí về Tính cách và Tâm lý Xã hội, 73(1), 104.

Liên kết đến đây