Giá của tri thức

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
J.Stiglitz

“Tri thức, bao gồm cả tri thức về phát triển là hàng hóa công cộng toàn cầu” (J.Stiglitz), nhưng các quốc gia giàu có đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để ngăn cản sự truyền bá tri thức cho sự phát triển chung cứu thế giới...

Nếu tri thức sớm được công nhận là hàng hoá công cộng toàn chữ sẽ đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế tri thức toàn cầu hoá.

Chúng ta từ lâu đã quen với châm ngôn "Tri thức là sức mạnh", nhưng vẫn chưa thế quen với "Giá của tri thức" mặc dù đều hiểu rằng tri thức nói chung có giá trị rất lớn. Nói giá của tri thức là ý muốn nói đến giá trị trao đổi của tri thức để tiện việc mua, bán tri thức trên thị trường.

Bởi vì ngày nay tri thức đã trở thành nguồn lực chủ yếu, hàng đầu của sản xuất, nếu không tính được giá của tri thức một cách khoa học, rõ ràng thì thị trường không thoát được rối ren to. Năm nào cũng có một, hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel về kinh tế, nhưng cho đến đầu thế kỷ 21 này vẫn chưa có thiên tài kinh tế nào tính được rành mạch giá của tri thức. Giới kinh tế học, kể cả các bậc hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, ngẩn ngơ cả ra, và "Hội thảo bao phen đều tắc tị, mô hình đủ kiểu vẫn mơ hồ”.

Trước khi trở lại bế tắc trên đây xin có vài nhận xét về loại hàng hoá tri thức kỳ lạ này. Thông thường người ta đều hiểu tri thức là hiểu biết của con người về sự vật, hiện tượng của tự nhiên hoặc xã hội. Nhờ có tri thức nên con người biết lao động, khác hẳn với tất cả các động vật khác. Mỗi sản phẩm của lao động sản xuất đều là kết quả vật hoá của tri thức.

Có ba nguồn để tiếp nhận tri thức. Một là tiếp thu các tri thức của tổ tiên truyền lại, từ sách vở, từ các nguồn truyền bá tri thức các nơi khác v.v... Hai là từ các thực nghiệm khoa học có được các dữ liệu, thông tin rồi đùng tư duy nhận thức xử lý chúng để đạt được các tri thức mới. Ba là suy luận lý thuyết từ các tri thức đã có để đạt được các tri thức sáng tạo. Ngày nay nhờ mạng Intemet, mạng viễn thông toàn cầu, những tri thức mới được tiếp nhận vô cùng phong phú và nhanh chóng với khối lượng cực lớn so với trước đây và ngày càng tăng.

Có hai loại tri thức là tri thức hiện đại và tri thức ẩn. Tri thức hiện đại là loại tri thức có thể mô tả bằng văn bản, bằng hình vẽ, âm thanh, nghĩa là có thể truyền bá nhanh chóng trong điều kiện ngày nay. Tri thức ẩn thường phong phú và đa dạng nhưng nó không mô tả được bằng văn bản, hình vẽ, âm thanh mà chỉ có thể diễn tả trực tiếp bằng hành động và thao tác của chính người sở hữu nó, ví dụ như các nghệ nhân, các thợ có tay nghề cao v.v. . . Như vậy tri thức ẩn tồn tại ở trong bộ não của chủ nhân, không thể truyền đi xa được, chỉ có thể truyền cho người đến học bằng kiểu bắt chước hoặc "cầm tay chỉ việc”.

Từ ngày máy tính điện tử (còn gọi là máy điện toán, ở Pháp gọi là bộ não điện tử) ra đời khoảng giữa thế kỷ 20, nhân loại giao ngay cho nó một số chức năng trí tuệ như: biết nhớ lâu, biết tính toán, biết thực hiện theo lệnh….

Nhờ đó, nhất là từ sau khi có mạng Intemet, tri thức được sản sinh ra rất nhanh, rất nhiều và ngày càng siêu việt, đồng thời các tri thức mới sáng tạo ra được lan truyền rất nhanh chóng. Cũng từ đó nhân loại có bước tiến nhảy vọt trong sản xuất: Hiệu quả tăng hàng chục thậm chí hàng trăm lần so với trước, chất lượng cao không thể chê được mà lại rất rẻ. Nhân loại đã tiến vào loại hình kinh tế mới, gọi là kinh tế tri thức, một loại hình kinh tế chưa từng có vì nó là loại hình kinh tế không khan hiếm. Chỉ một nước Trung Quốc có thể sản xuất quần áo, giầy dép, đồ chơi trẻ em đủ để cung cấp cho toàn cầu.

Thông thường nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, các nhà kinh tế học thường xem xét các nhân tố quan trọng nhất quyết định cho phát triển kinh tế, thể hiện trong tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc dân (GNP).

Trong thời kỳ kinh tế công nghiệp, tức là làn sóng thứ hai theo nhà tương lai học nổi tiếng người Mỹ Alvin Tofler, sự phát triển kinh tế dưới chủ nghĩa tư bản chỉ quyết định bởi hai nhân tố là vốn hay tư bản và lao động, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và luôn luôn là kinh tế khan hiếm.

Từ nửa cuối thế kỷ 20, loài người đã bắt đầu từ bỏ làn sóng thứ hai với kinh tế công nghiệp cổ điển và chủ nhân của nó, cũng theo ông Alvin Toner, để tiến vào làn sóng thứ ba với nền kinh tế mới, kinh tế tri thức.

Trong nền kinh tế mới này, những nhân tố quyết định phát triển lại gồm: nhân tố tri thức; nhân tố vốn (tư bản), nhân tố lao động; và nhân tố vốn con người. Trong bốn nhân tố này thì tri thức có vai trò hàng đầu bao gồm cả thông tin, tri thức khoa học và công nghệ, nhất là tri thức về công nghệ cao, tri thức về quá trình sản xuất, tri thức về xã hội và vốn xã hội, về tổ chức và vốn tổ chức. Nhân tố vốn hay tư bản trước đây đứng hàng thứ nhất, bây giờ chỉ đứng thứ hai, bao gồm tiền và tài sản dùng để mua trang thiết bị, vật tư, công nghệ, lao động và các nhu cầu khác cho sản xuất. Trong nhân tố này cũng cần các tri thức về quản lý tư bản sao cho việc sử dụng có hiệu quả.

Nhân tố thứ ba là lao động bao gồm chất lượng và số lượng lao động, số lượng thường giảm mạnh để chuyển sang dịch vụ nhưng chất lượng lao động thì đòi hỏi ngày càng cao, cụ thể là tay nghề và trình độ nghề nghiệp phải được rèn luyện ngày càng siêu. Muốn vậy thì lao động phải thường xuyên được tiếp nhận tri thức tay nghề và nghề nghiệp.

Nhân tố thứ tư là vốn con người. Vốn con người thường được tính bằng số người có tuổi từ 15 tuổi đến 65 tuổi đem nhân với số năm mà mỗi người được học ở nhà trường. Vốn con người có ý nghĩa quan trọng cho việc bổ sung lao động mới đạt trình độ ngày càng cao, tay nghề ngày càng thuần thục, tiếp thu được nhanh các tri thức mới đem sử dụng trong sản xuất.

Như vậy mức độ tăng trưởng của kinh tế một quốc gia trong một năm sẽ là tổng đóng góp của tăng trưởng bốn nhân tố nói trên cũng trong năm đó. Thế nhưng mức gia tăng trong một năm tính được thành tiền chỉ là 2 nhân tố tư bản và lao động, còn mức gia tăng của tri thức và vốn con người trong năm thì chỉ mô tả được mà không tính được thành tiền một cách khoa học, rõ ràng, nếu có tính ra thì chỉ là áp đặt, không logic.

Vì khó khăn trên đây, người ta cho rằng muốn tính được giá của tri thức một cách khoa học thì phải nghiên cứu sâu sắc những tính chất đặc thù của loại sản phẩm này. Trước hết người ta phải làm rõ những tính chất điển hình về mặt kinh tế xã hội của hàng hoá bình thường. Trong thị trường, hàng hoá bình thường bao giờ cũng có ba đặc tính. Đó là: Tính đối kháng, tính loại trừ, tính chất giá biên tế cao hơn giá bình thường.

Ví dụ xét một ngôi nhà, nếu có hai người cùng muốn mua ngôi nhà đó thì cuối cùng chỉ một người mua được mà thôi, nghĩa là giữa hai khách hàng luôn có sự đối kháng nhau tranh mua. Khi một người đã mua được thì người đó có quyền sở hữu bao gồm quyền sử dụng ngôi nhà đó. Một người khác sẽ bị loại trừ việc sử dụng ngôi nhà đó. Để làm thêm vài chiếc ô tô sau khi dây chuyền đã hoàn thành trọn vẹn số ô tô phải lắp ráp trong một ca thì tất nhiên mấy chiếc ô tô làm thêm này đòi hỏi chi phí cao hơn, do đó giá cũng cao hơn. Giá của những sản phẩm làm thêm này gọi là giá biên tế. Và chúng ta thấy ngay rằng đối với hàng hoá thông thường giá biên tế cao hơn là hợp lý.

Ngược hẳn 180 độ so với sản phẩm thông thường, các sản phẩm tri thức hoàn toàn không có ba tính chất đặc thù nói trên, nghĩa là hàng hoá tri thức không có tính đối kháng, tính loại trừ và giá biên tế rất thấp. Có thể coi như bằng không. Để làm sáng tỏ ta hãy xét một phần mềm máy tính, đó là một sản phẩm tri thức điển hình.

Giả dụ công ty phần mềm tổ chức nghiên cứu và sản xuất một phần mềm máy tính đang có nhu cầu lớn. Tập hợp nhiều chuyên gia giỏi được trả lương cao, một thời gian sau thì hoàn thành, đem thử nghiệm nhiều lần để hoàn chỉnh và đưa vào sản xuất đợt đầu hơn 1 triệu bộ phần mềm này và đưa vào thị trường. Tất cả mọi chi phí mà công ty bỏ ra khoảng 10 triệu USD, giá bán một bộ phần mềm này dự kiến là 200 USD. Chỉ vài tháng sau các bộ phần mềm được tiêu thụ hết, công ty thu về khoảng 200 triệu USD với vốn bỏ ra là 10 triệu USD, nghĩa là lãi khoảng 20 lần vốn. Ở đây không có đối kháng vì ai cũng mua được một bộ phần mềm như nhau, cũng không có loại trừ vì ai cũng được sử đụng một bộ phần mềm như nhau, giá biên tế thì coi như bằng không vì đem bộ phần mềm này đi nhân bản thì có ngay bộ mới với chi phí rất nhỏ hầu như không đáng gì.

Bên cạnh sự khác biệt hẳn với hàng hoá thông thường trên đây còn nổi bật lên câu hỏi vì sao công ty lãi to như thế Câu trả lời vẫn là vì chưa tính được chính xác giá của tri thức, ở đây có thể là tiền trả công cho các chuyên gia giỏi này tuy cao nhưng chưa đủ và cũng có thể là giá bán bộ phần mềm này là giá đặc quyền.

Vì những đặc điểm trên đây nên nhà kinh tế học nổi tiếng đã nhận giải Nobel J.Stiglitz đưa ra quan điểm cho rằng: "Tri thức, bao gồm cả tri thức về phát triển là hàng hoá công cộng toàn cầu (global public goods)" (Tư duy mới về phát triển cho thế kỷ 21, NXB chính trị Quốc gia, H.2000, tr.83). Hàng hoá công cộng toàn cầu có nghĩa là Liên Hiệp Quốc (hoặc Ngân hàng thế giới WB) phải được chuyển nhượng các tri thức sáng tạo hoặc đầu tư để sản xuất ra chúng, sau đó cung cấp miễn phí cho toàn cầu sử dụng. Như vậy vừa đảm bảo được quyền lợi của người sáng tạo vừa truyền bá được nhanh.

Tất nhiên các thành viên LHQ mà trước hết là các nước giàu phải góp vốn để các tổ chức này có thể thực hiện được. Hiện nay, rất đáng tiếc, những nước giàu vẫn chưa chịu xét sản phẩm tri thức là hàng hoá công cộng toàn cầu mà vẫn dùng gọng kìm của quyền sở hữu trí tuệ để xiết các nước nghèo. Chính J.Stiglitz, vốn là Trưởng kinh tế gia của Ngân hàng thế giới, cũng rất lo ngại rằng áp lực quá đáng của quyền sở hữu sở hữu trí tuệ sẽ ngăn cản sự truyền bá tri thức cho sự phát triển chung của thế giới.

Cơ chế và quan hệ sản xuất cũ rõ ràng là không phù hợp với trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất mới dựa chủ yếu trên tri thức. Mâu thuẫn này chỉ có thể giải được bằng cơ chế và quan hệ sản xuất hoàn toàn mới. Hy vọng rằng tri thức sẽ sớm được công nhận là hàng hoá công cộng toàn cầu đáp ứng những yêu cầu của một nền kinh tế tri thức toàn cầu hoá.

Nguồn[sửa]

  • Theo Báo Bưu điện