Giáo dục người lớn - Vấn đề quan trọng của thời đại
1. Xác định khái niệm “Giáo dục người lớn”[sửa]
Giáo dục người lớn (Adult Education) là một thuật ngữ chỉ toàn bộ những quá trình giáo dục có tổ chức, bất kể nội dung, trình độ và phương pháp gì, chính quy hay không chính quy, kéo dài hay thay thế giáo dục ban đầu ở trường phổ thông và đại học hoặc trong thực tập nghề mà nhờ đó, những ai được coi là người lớn, sẽ phát triển được khả năng của họ, làm giàu thêm tri thức, nâng cao chất lượng chuyên môn hay tay nghề, hoặc họ sẽ phát triển theo phương hướng mới đem lại những thay đổi về thái độ và hành vi trong sự phát triển của cá nhân và sự tham gia của cá nhân vào sự phát triển kinh tế - xã hội[1].
Học viên người lớn (Adult Student hay Adult learner) là những người học lớn tuổi, không bao gồm sinh viên đại học. Họ tiến hành việc học tập có hệ thống sau khi đã hoàn thành được vòng đầu của giáo dục liên tục, nghĩa là đã học qua hệ giáo dục ban đầu. Những người lớn tuổi theo học hệ tập trung thường đã trải qua giai đoạn làm việc tập trung trước khi trở lại học tập. Phần đông người học lớn tuổi theo học các hệ tại chức theo chế độ vừa học, vừa làm.
Những người đã được đào tạo nghề (không kể ở bậc đại học), tiếp tục theo các chương trình đào tạo nghề khi đi vào cuộc sống cũng được coi là học viên người lớn, nhưng ở nước ngoài, người ta dùng thuật ngữ Adult Trainee (Adulte en Situation de Formation professionelle).
2. Sự quan tâm của thế giới hiện đại đối với giáo dục người lớn[2][sửa]
Năm 1949, tại Elsinor (Đan Mạch), Hội nghị thế giới về giáo dục người lớn được triệu tập. Tại Hội nghị, người ta bàn đến xu thế giáo dục người lớn và đặt ra những vấn đề cần phải được quan tâm.
Hội nghị nêu lên khẩu hiệu “Vì sự công bằng xã hội” về giáo dục với người lớn và nói đến tầm quan trọng của việc tạo cơ hội giáo dục lần thứ hai cho những người thất học do chiến tranh. Nội dung giáo dục hướng đến việc bảo vệ hoà bình, lòng khoan dung, tinh thần dân chủ…
Năm 1960, Hội nghị thế giới về giáo dục người lớn lần thứ hai họp tại Montreal (Canada), điểm lại tình hình từ Hội nghị lần thứ nhất và nêu khẩu hiệu “Giáo dục người lớn trong thế giới đang đổi thay”, nhấn mạnh vai trò của giáo dục người lớn trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ. Giáo dục chính quy trong nhà trường không còn chiếm địa vị độc tôn, mà phải chia sẻ trách nhiệm cho giáo dục không chính quy trong việc tạo cơ hội giáo dục cho những người đang cần cập nhật kiến thức trước sự “bùng nổ thông tin”. Hội nghị khẳng định giáo dục người lớn là một bộ phận trong hệ thống giáo dục của các quốc gia.
Năm 1972, Hội nghị thế giới về giáo dục người lớn lần thứ ba được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản). Hội nghị này đánh dấu một cột mốc phát triển mới của giáo dục người lớn. Vấn đề học tập suốt đời là bối cảnh của giáo dục con người trước những tiến bộ vũ bão của khoa học và công nghệ hiện đại và sự manh nha của nền kinh tế tri thức, trong khi mà giáo dục ở Châu Âu nói riêng và ở trên thế giới nói chung đã tỏ ra không đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Năm 1985, Hội nghị thế giới về giáo dục người lớn lần thứ tư được tổ chức ở Paris (Pháp). Hội nghị khẳng định rằng, giáo dục người lớn phải tham gia giải quyết hàng loạt vấn đề như dân số, môi trường, huấn luyện nghề, xoá mù chữ chức năng ở các nước phát triển, phân hoá giàu - nghèo, bảo vệ di sản văn hoá v.v... Giáo dục người lớn phải đặc biệt chú ý đến những đối tượng thiệt thòi, yếu thế nhất trong xã hội, hoặc “bị bỏ quên” như phụ nữ nghèo khổ, trẻ em gái, thanh niên thất nghiệp, người nghèo ở nông thôn, người già cả.
Năm 1997, Hội nghị thế giới về giáo dục người lớn lần thứ năm được tiến hành ở Hamburg(Đức). Khẩu hiệu lớn của Hội nghị là: “Giáo dục người lớn - chìa khoá bước vào thế kỷ XXI”. Giáo dục người lớn được coi như một giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế và xã hội trước những xu thế đang tăng lên như xã hội thông tin, xã hội học tập, toàn cầu hoá v.v… Hội nghị tuyên bố: “Giáo dục người lớn và giáo dục trẻ em tuy mức độ phát triển khác nhau tuỳ theo mỗi nước, song đều là những bộ phận cần thiết của một quan niệm mới về giáo dục, về học tập suốt đời - Giáo dục người lớn là bộ phận không thể thiếu được của bất kỳ hệ thống giáo dục nào”.
Năm 2000, Diễn đàn giáo dục thế giới được tổ chức tại Dakar (Senegal). Tại đây, một tuyên ngôn quan trọng được đưa ra: Giáo dục cho mọi người. Các đại biểu tham dự Diễn đàn này đã thông qua “Khuôn khổ hành động Dakar”, chính phủ các nước cam kết bảo đảm duy trì các mục đích về giáo dục cho mọi người, trong đó người lớn cũng phải được đáp ứng những nhu cầu học tập cơ bản của mình.
Năm 2003, Tại Bangkok (Thái Lan), một Hội nghị quốc tế bàn về giáo dục được tổ chức. Tại Hội nghị này, các đại biểu nhắc lại nội dung giáo dục người lớn đã được đề cập trong Hội nghị thế giới về giáo dục người lớn lần thứ năm. Một lần nữa, Hội nghị nhấn mạnh vai trò của giáo dục người lớn đối với việc thực hiện dân chủ ở mỗi quốc gia cũng như đối với việc xây dựng một nền văn hoá hoà bình thế giới.
Trong vòng 20 năm trở lại đây còn có những hội nghị cấp cao toàn thế giới bàn về giáo dục như Hội nghị cấp cao ở Jomtion (Thái Lan - 1990) và Hội nghị cấp cao ở New Delhi (Ấn Độ-2003). Những Hội nghị này đều nói đến quyền học tập của con người, nhấn mạnh việc học tập sẽ mang đến cho người học những lợi ích và cơ hội phát triển tiềm năng, làm cho con người được sống với những phẩm giá của mình[3]./.
GS.TS.Phạm Tất Dong
Nguồn: http://unescovietnam.vn
Chú thích[sửa]
- ↑ Xem “Thuật ngữ giáo dục người lớn” - UNESCO, Tài liệu tham khảo nội bộ, 1988, bản dịch Tiếng Việt 1993, trang 21.
- ↑ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển chương trình giáo dục không chính quy (Viện chiến lược và chương trình giáo dục); Tài liệu tham khảo, Hà Nội, 2007.
- ↑ Third High - Level Group Meeting on Education for All (New Delhi, India, Nov, 2003; Report UNESCO 2003)