Giúp đỡ bạn đời mắc chứng trầm cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trầm cảm là chứng bệnh tinh thần cần có liệu pháp điều trị cũng tương tự như mọi vấn đề sức khỏe khác. Nếu bạn đời của bạn đang phải chịu đựng chứng trầm cảm, thì có nhiều điều mà bạn có thể làm để giúp đỡ họ. Việc giúp bạn đời chấp nhận điều trị, ủng hộ người chồng/vợ trong suốt quá trình điều trị, và chăm sóc tốt bản thân là tất cả điều quan trọng mà bạn có thể làm để giúp họ hồi phục sau trầm cảm. Hãy tiếp tục đọc để biết thêm về cách giúp đỡ người bạn đời mắc chứng trầm cảm.

Các bước[sửa]

Sắp xếp Điều trị cho Bạn đời[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng trầm cảm ở người bạn đời. Có thể bạn nghi ngờ rằng chồng/vợ đang bị trầm cảm qua cách mà họ hành động. Nếu bạn không chắc chắn, thì có một vài dấu hiệu phổ biến của trầm cảm có thể giúp bạn xác định được điều bất ổn. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh trầm cảm gồm có:[1]
    • Cảm giác buồn phiền dai dẳng
    • Mất hứng thú với sở thích, bạn bè và/hoặc chuyện chăn gối
    • Mệt mỏi quá mức hoặc chậm chạp khi suy nghĩ, khi trò chuyện, hoặc khi di chuyển.
    • Thèm ăn hơn hoặc biếng ăn
    • Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
    • Khó tập trung và đưa ra quyết định
    • Dễ nổi nóng
    • Cảm giác vô vọng và/hoặc bi quan
    • Giảm cân hoặc tăng cân
    • Suy nghĩ tự tử
    • Đau nhức hoặc vấn đề tiêu hóa
    • Cảm thấy tội lỗi, không có giá trị, và/hoặc vô dụng[2]
  2. Động viên bạn đời hoặc người yêu tìm kiếm sự giúp đỡ nếu họ vẫn chưa làm thế. Tình trạng trầm cảm của chồng/vợ có thể làm họ quá suy nhược đến mức họ không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Cũng có thể là họ thấy ngượng ngùng về tình trạng sức khỏe. Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn đời của mình mắc chứng trầm cảm, thì hãy động viên họ trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa.
    • Sắp xếp để bạn đời có thể trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ chuyên khoa có thể sẽ tư vấn chồng/vợ của bạn đến gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần.
    • Bạn cũng có thể hỏi xem bạn đời hoặc người yêu có muốn bạn đi cùng để ủng hộ tinh thần không.[3]
    • Nếu không biết bắt đầu từ đâu, thì bạn có thể cân nhắc đặt một cuộc hẹn với bác sĩ chăm sóc sức khỏe chính của chồng/vợ để nhận được một vài lời giới thiệu.
  3. Tự rèn luyện bản thân. Việc hiểu được bệnh trầm cảm, ảnh hưởng và cách điều trị bệnh này sẽ giúp bạn hiểu hơn về người bạn đời và giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt. Đặt ra câu hỏi, đọc sách và truy cập trang web uy tín về sự chẩn đoán và điều trị chứng trầm cảm. Có nhiều tổ chức cung cấp nguồn thông tin dành cho ngườiđang mắc bệnh trầm cảm.[4] Tìm hiểu những trang web này để tìm thông tin hữu ích khi bạn hỗ trợ bạn đời.

Ủng hộ Bạn đời[sửa]

  1. Động viên chồng/vợ chia sẻ với bạn. Việc thẳng thắn, cởi mở trò chuyện về trầm cảm như một loại bệnh với một số hậu quả thực tế thường giúp người mắc chứng trầm cảm thấy nhẹ nhõm, bởi vì nó chứng minh rằng cho họ biết rằng có ai đó luôn quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ. Người bạn đời cần phải nhờ đến chuyên gia, và cũng sẽ tốt cho họ khi trò chuyện với bạn về điều mà họ cảm nhận.
    • Hãy nói lời động viên, cổ vũ với người bạn đời mỗi ngày để họ biết là bạn quan tâm họ. Thử nói như thế này, “Em yêu anh và em ở đây vì anh”, trước khi bạn đi làm. Hoặc ghi nhận thành tích trong ngày của họ bằng cách nói “Em rất tự hào vì anh và thành tích anh đạt được hôm nay”.
    • Hãy để cho bạn đời biết rằng bạn có mặt ở đấy là vì họ bằng cách nói thế này, “Em biết là hiện tại anh đã trải qua khoảng thời gian khó khăn, và em chỉ muốn anh biết là em ở đây vì anh bất cứ khi nào anh cần ai đó trò chuyện. Thậm chí nếu em không có mặt ở nhà và anh muốn tâm sự với em, thì hãy gọi cho em và em sẽ ở đấy vì anh”.
  2. Lắng nghe khi bạn đời muốn tâm sự. Việc chứng minh rằng bạn đang lắng nghe chồng/vợ và hiểu được quan điểm của họ là một điều quan trọng khác để ủng hộ họ suốt quá trình phục hồi. Để cho người bạn đời chia sẻ cảm xúc với bạn và chắc chắn là bạn tạo điều kiện để họ hoàn toàn bày tỏ bản thân.
    • Không tạo áp lực để chồng/vợ chia sẻ. Chỉ cần để họ biết rằng bạn luôn sẵn lòng lắng nghe khi họ sẵn sàng và cho họ thời gian để chia sẻ.
    • Chăm chú lắng nghe bạn đời. Gật đầu và phản ứng thích hợp để chồng/vợ biết là bạn đang lắng nghe họ.
    • Đôi khi thử lặp lại điều người bạn đời vừa nói trong suốt cuộc trò chuyện để họ biết là bạn đang tập trung.
    • Tránh ở thế phòng thủ, che giấu tình trạng, tránh cố gắng kiểm soát cuộc trò chuyện, hoặc tránh ngắt lời họ. Hãy kiên nhẫn thậm chí đôi khi bạn cảm thấy khó khăn.
    • Tiếp tục giúp người bạn đời cảm thấy có người chịu lắng nghe họ bằng cách nói một vài điều như là, “Em hiểu,” “Nói tiếp đi anh,” và “Đúng rồi”.[5]
  3. Tham gia đóng góp vào quá trình hồi phục của bạn đời hoặc người yêu. Dù có thể bạn không hiểu được nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, thì điều quan trọng là bạn ủng hộ, hỗ trợ họ trong suốt quá trình điều trị. Bạn có thể nghĩ ra một vài điều mà bạn có thể làm để giúp đỡ bạn đời, nhưng nếu bạn còn do dự, thì bạn cũng nên hỏi ý kiến họ. Một vài cách có thể giúp đỡ chồng/vợ gồm có:
    • Nhận một số công việc thường nhật của bạn đời. Điều này có nghĩa là bạn tiếp tục thực hiện một vài nhiệm vụ mà trước đây chồng/vợ hoặc người yêu đã từng chịu trách nhiệm, chẳng hạn như thanh toán hóa đơn, nói chuyện với những ai đến gõ cửa trước nhà, xử lý tranh chấp với hàng xóm, v.v. Hãy hỏi người bạn đời xem liệu bạn có thể giúp gì cho họ nếu bạn không chắc họ cần gì. Nhớ rằng bạn sẽ không thể mãi mãi tiếp quản mọi trách nhiệm thuộc về chồng/vợ, tốt nhất là chỉ tới khi họ hồi phục. Bạn cũng có thể tranh thủ sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè.
    • Chắc chắn rằng chồng/vợ đang quan tâm đến nhu cầu cơ thể của bản thân họ. Đảm bảo là người bạn đời đang ăn uống ngon miệng, tập thể dục thể thao đều đặn, ngủ ngon giấc, và uống thuốc theo chỉ định.
    • Tham dự một số buổi tư vấn nếu có thể hoặc nếu bạn muốn (nhưng không nên ép buộc bạn đời hoặc người yêu đồng ý để bạn ngồi ở đó với họ).[6]
  4. Cung cấp cho bạn đời hoặc người yêu mọi thứ mà họ mong đợi và chấp nhận. Niềm hy vọng có thể xuất hiện ở nhiều dạng, gồm có niềm tin vào Chúa, tình yêu dành cho con cái và mọi tiêu chuẩn có ý nghĩa đối với họ. Tìm hiểu điều gì ảnh hưởng người vợ/chồng nhiều nhất và nhắc nhở họ về những điều này trong suốt giai đoạn mà họ cảm thấy bản thân không thể chịu đựng thêm nữa. Nói với họ rằng những điều tồi tệ rồi sẽ qua thôi thậm chí nếu điều đó không thể xảy ra ngay lập tức, rằng bạn sẽ luôn bên họ để vượt qua mọi chuyện, và họ rất quan trọng trong cuộc đời bạn.
    • Chắc chắn rằng chồng/vợ hiểu được bạn yêu họ nhiều ra sao và bạn sẽ hỗ trợ họ vượt qua thời gian khó khăn bằng mọi giá. Nói với họ rằng bạn biết rằng họ không có lỗi.
    • Đảm bảo là họ biết được bạn sẽ thấu hiểu, thông cảm trường hợp họ không thể hoàn thành môt số nghĩa vụ nội trợ nào đó. Những điều mà bạn cho là nhiệm vụ bình thường mỗi ngày như cho chó ăn, lau nhà hoặc thanh toán hóa đơn lại trở nên quá áp lực đối với họ.
    • Việc luôn nói đến căn bệnh khiến bạn đời hoặc người yêu có suy nghĩ rằng đây là một căn bệnh và điều này làm cho họ xem mọi thứ tệ hại, không thể làm được, không thể sửa chữa, v.v. Thừa nhận cảm xúc của vợ/chồng và hứa hẹn cùng nhau tìm ra giải pháp.[7]
  5. Động viên bạn đời hoặc người yêu làm những việc mà họ đã từng yêu thích và cố gắng thử làm điều mới mẻ giúp ích cho quá trình phục hồi của họ. Mời họ đi xem phim hoặc đi dạo cùng với bạn. Nếu họ từ chối vài lần đầu, thì hãy kiên nhẫn và tiếp tục đưa ra lời mời. Chỉ là không nên ép họ quá mức, bởi vì chồng/vợ không có khả năng theo đuổi quá nhiều hoạt động cùng một lúc.
    • Hãy nhớ khen ngợi bạn đời hoặc người yêu bất cứ khi nào họ đang làm một điều gì đó mà có ích cho bản thân họ và giúp họ cảm thấy khá hơn. Một câu nói đơn giản như thế này "Cảm ơn anh vì đã cắt bãi cỏ. Giờ trông nó thật đẹp. Em thật sự rất cảm kích việc này" có ý nghĩa thật nhiều với một người mắc chứng trầm cảm.[8]
  6. Lên kế hoạch cho nhiều hoạt động vui vẻ. Bạn đời có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi chỉ dành thời gian ở nhà với bạn và gia đình, nhưng bạn cũng nên lên kế hoạch thực hiện một số hoạt động vui vẻ cho cả gia đình và cùng nhau tận hưởng. Đây là một ý hay cho mọi thành viên trong gia đình để họ có nhiều thứ mong chờ cùng nhau. Các hoạt động sẽ có ích không chỉ cho bạn đời hoặc người yêu, mà còn cho bản thân bạn và bọn trẻ, bởi vì một thay đổi trong môi trường sống sẽ tạo cho bạn một khoảng thời gian nghỉ ngơi cùng nhau.[8]
    • Nếu gia đình bạn chưa có con, hãy cân nhắc việc mời một số bạn thân đến chơi. Chỉ cần đảm bảo là bạn mời những người bạn mà chồng/vợ thực sự cảm thấy thoải mái khi họ ở xung quanh.
  7. Nhận biết dấu hiệu tự tử. Người mắc chứng trầm cảm thực tế đôi khi tự tử khi cảm giác tuyệt vọng và vô dụng trở nên quá sức chịu đựng. Nếu bạn đời tâm sự về vấn đề tự tử, thì bạn hãy nghiêm túc xử lý. Không nên cho rằng họ sẽ không hành động theo suy nghĩ đó, nhất là khi có bằng chứng rằng họ đã có kế hoạch. Hãy chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo dưới đây:
    • Đe dọa hoặc nói về việc tự tử
    • Nói những câu ám chỉ rằng họ không quan tâm bất cứ điều gì hoặc sẽ không xuất hiện quanh bạn nữa
    • Từ bỏ mọi thứ mà họ có; lập di chúc hoặc sắp xếp tang lễ
    • Mua súng hoặc vũ khí khác
    • Đột nhiên vui vẻ không lý do hoặc trầm tĩnh lại sau môt giai đoạn trầm cảm
    • Nếu bạn quan sát thấy bất cứ hành động nào kể trên thì hãy gọi giúp đỡ ngay lập tức! Gọi cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe, phòng khám sức khỏe tâm thần hoặc số điện thoại của Cơ quan Ngăn chặn Tự tử Quốc Gia (National Suicide Prevention Lifeline) là 800-273-8255 tại Mỹ để nhận được lời khuyên về giải pháp tức thời.[8] Ở Việt Nam, bạn có thể gọi số 1900599930 để liên lạc với Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP).
  8. Chăm sóc bản thân. Bạn thường dễ dàng quên đi nhu cầu của riêng mình khi bạn đời đang đau khổ, nhưng nếu bạn không thể hoạt động khỏe mạnh, thì bạn sẽ không thể giúp đỡ họ. Thực tế thì cảm giác trầm cảm có thể ảnh hưởng tới tâm trạng của toàn thể các thành viên trong gia đình. Đó là lý do vì sao bạn nên chắc chắn chăm sóc bản thân thật tốt trong khi bạn đang giúp bạn đời đối phó với chứng trầm cảm.
    • Ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ, tiếp tục tập thể dục thể thao, và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè để nhận được sự hỗ trợ về phương diện tình cảm.
    • Dành chút thời gian ở một mình để tạm lánh khỏi việc này.
    • Cân nhắc nhận liệu pháp điều trị hoặc gia nhập hội những người ủng hộ nhau bởi vì điều này có thể giúp họ xử lý chứng trầm cảm của chồng/vợ tốt hơn.[9]
    • Giảm căng thẳng trong công việc và một số trường hợp khác. Có quá nhiều nguồn gây căng thẳng sẽ khiến bạn kiệt sức.
    • Bạn cũng sẽ cần phải đối mặt với tác động của chứng trầm cảm ở bạn đời hoặc người yêu đối với bọn trẻ; tìm lời khuyên từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ.

Lời khuyên[sửa]

  • Cố gắng duy trì tâm trạng tích cực. Bạn sẽ dễ bị tác động bởi suy nghĩ tiêu cực về người bạn yêu quý, nhưng biết rằng trầm cảm là một bệnh hoàn toàn có thể chữa lành được.
  • Hành vi trầm cảm của bạn đời không phải là dấu hiệu cho thấy đó chính là con người thật của họ. Kỹ năng xã hội bị khiếm khuyết sẽ khiến họ trở nên lãnh đạm, rụt rè, buồn rầu, hoặc thậm chí tức giận. Nếu bạn đời bộc phát cơn giận, thì đó chính là cơn giận chính bản thân họ và cảm giác trong họ; họ không hề giận dữ với bạn, mà bạn chỉ đúng lúc có mặt ở đấy.
  • Chuẩn bị cho tình huống bị từ chối. Vì sự trầm cảm thường vô hiệu hóa khả năng phán đoán, lời khuyên mà bạn đưa ra có thể được chấp nhận và cũng có thể bị từ chối. Bạn nên cố gắng hết sức để không tức giận hoặc xem vấn đề như đang chĩa vào mình. Một điều nên làm khác là không nên đưa ra lời khuyên; lời khuyên có thể mang ý tốt nhưng nó luôn xuất phát từ người được cho là có địa vị cao và nếu bạn không thực sự hiểu được điều mà họ đang trải qua, thì khó lòng mà đưa ra dự đoán về điều gì là tốt nhất cho họ "theo như kinh nghiệm của bạn". Tập trung vào sự thật, lời khuyên sức khỏe, và một số điều mà bạn đời sẽ phản ứng với chúng.
  • Hãy kiên nhẫn và ghi nhận tiến độ mà họ đạt được, dù mất bao lâu thời gian đi nữa.
  • Nếu bạn đời không có tâm trạng cho chuyện chăn gối, thì không nên cảm thấy bị xúc phạm. Sự mất hứng thú là kết quả của bệnh trầm cảm và không có liên quan gì đến bạn. Sinh lực suy giảm chính là triệu chứng tiêu biểu của bệnh trầm cảm, tác dụng phụ phổ biến của thuốc chống trầm cảm. Điều này không có nghĩa là chồng/vợ không yêu bạn hoặc không bị bạn thu hút.
  • Đến bệnh viện địa phương hoặc phòng khám sức khỏe tâm thần để nhận được hỗ trợ và hướng dẫn. Nếu công ty có chương trình trợ giúp nhân viên, thì hãy sử dụng nó; họ có thể cung cấp hỗ trợ tuyệt vời giúp bạn tương tác với bạn đời hoặc người yêu, cũng như đối mặt với thách thức mà bệnh trầm cảm đã gây ra cho bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên cố tự mình sửa chữa mọi thứ, bởi vì một mình bạn thì không thể làm được. Bạn nên nhờ đến các thành viên trong gia đình và bạn bè giúp đỡ. Làm hết sức mình và ghi nhận mọi nỗ lực bạn đã thực hiện.
  • Dù được hỗ trợ trên mọi con đường tiến tới hồi phục, không nên nuông chiều theo sự cố gắng của bạn đời hoặc người yêu phải dùng đến yếu tố bạo hành, lạm dụng như một cách để họ tự cảm thấy bản thân tốt hơn. Dù điều này có thể hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, nó sẽ không giúp ích được gì về lâu về dài và cuối cùng sẽ trở nên tai hại hơn.
  • Nếu có thể, thì trong trường hợp khẩn cấp, bạn nên cố gắng gọi cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc số điện thoại phòng chống tự tử trước khi báo cho cảnh sát. Đã có một vài trường hợp mà sự can thiệp của cảnh sát lại khiến cho người bị khủng hoảng tinh thần cuối cùng làm tổn thương người khác hoặc dẫn đến cái chết. Nếu có thể, hãy liên hệ với ai đó mà bạn chắc rằng họ có kinh nghiệm và đã qua đào tạo để xử lý các trường hợp đặc biệt về sức khỏe tinh thần hoặc khủng hoảng tâm thần.[10][11][12]


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây