Giúp đỡ một người bạn mắc chứng trầm cảm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trầm cảm là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng khiến nhiều người khổ sở. Khi một người bạn đang vật lộn với chứng trầm cảm, bạn có thể không chắc mình nên làm gì để giúp đỡ. Có một số cách để bạn giúp đỡ một người bạn bị trầm cảm, từ động viên điều trị tới truyền thêm sức mạnh cho họ qua những lời nói tử tế. Hãy đọc tiếp để học cách giúp đỡ một người bạn bị trầm cảm.

Các bước[sửa]

Giúp Bạn của Bạn Điều trị Trầm cảm[sửa]

  1. Lưu tâm tới những triệu chứng trầm cảm ở bạn mình. Bạn có thể nghi ngờ rằng người bạn đó đang mắc chứng trầm cảm qua cách cư xử của anh ấy hoặc cô ấy. Nếu không chắc chắn, bạn có thể để ý những dấu hiệu trầm cảm phổ biến để nhận thấy điều bất ổn. Một số triệu chứng thường gặp của chứng trầm cảm bao gồm:[1]
    • Cảm giác buồn bã kéo dài
    • Mất hứng thú với các sở thích, bạn bè và/hoặc quan hệ tình dục
    • Mệt mỏi cực độ hoặc chậm chạp trong suy nghĩ, nói năng, hay di chuyển
    • Thèm ăn nhiều hơn hoặc ít muốn ăn hơn
    • Gặp khó khăn để ngủ hoặc ngủ quá nhiều
    • Gặp khó khăn để tập trung và đưa ra quyết định
    • Dễ cáu bẳn
    • Cảm giác tuyệt vọng và/hoặc bi quan
    • Sụt cân hoặc tăng cân
    • Có suy nghĩ muốn tự tử
    • Đau nhức hoặc có vấn đề tiêu hóa
    • Cảm giác tội lỗi, vô dụng, và/hoặc bất lực[2]
  2. Động viên người bạn đó trao đổi với bác sĩ. Ngay khi nghi ngờ rằng bạn mình đang mắc chứng trầm cảm, bạn nên động viên anh ấy hoặc cô ấy đi khám bác sĩ. Người bạn đó có thể chối bay rằng chẳng có vấn đề gì hết, hoặc xấu hổ không dám thừa nhận điều bất ổn. Vì một số triệu chứng của trầm cảm không có tính điển hình, nhiều người theo phi lâm sàng không liên hệ chúng tới chứng trầm cảm; sự lãnh đạm và tê liệt thường không được coi là triệu chứng trầm cảm. Lời động viên từ bạn bè sẽ là tất cả những gì mà người bạn đó cần để tìm kiếm sự trợ giúp.
    • Nói những điều như, “Tớ rất lo cho cậu và tớ nghĩ cậu nên trao đổi với bác sĩ về cảm giác gần đây của cậu.”
    • Động viên người bạn đó tiếp tục trò chuyện với chuyên gia tâm lý.[1]
  3. Hãy để người bạn đó biết rằng bạn sẵn sàng giúp đỡ. Có thể bạn của bạn sẽ đồng ý tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia, song cô ấy hoặc anh ấy sẽ quá trầm uất để duy trì quá trình lên lịch và tới những buổi gặp mặt. Bằng cách liên tục giúp đỡ họ, bạn có thể chắc chắn rằng người bạn của mình sẽ thực sự nhận được sự hỗ trợ mà anh ấy hoặc cô ấy cần.
    • Đề nghị lên lịch hẹn cho người bạn đó và thậm chí đi cùng anh ấy hoặc cô ấy tới gặp bác sĩ để hỗ trợ.
    • Đề nghị giúp đỡ người bạn đó lên danh sách câu hỏi cho bác sĩ trước buổi hẹn.[1]

Hỗ trợ Bạn Của bạn[sửa]

  1. Động viên người bạn đó hàng ngày. Chứng trầm cảm có thể khiến một người thấy bản thân mình vô dụng, song bạn có thể dùng những lời nói khích lệ để hỗ trợ bạn mình cho đến khi anh ấy hoặc cô ấy nhớ lại về giá trị bản thân. Hàng ngày động viên người bạn đó để thể hiện sự quan tâm của bạn, và thể hiện rằng người bạn đó quý giá đối với bạn cũng như đối với những người khác.
    • Chỉ ra những điểm mạnh và thành quả của người bạn đó để giúp anh ấy hay cô ấy mạnh mẽ hơn. Ví dụ, bạn có thể nói rằng, “Cậu quả là một nghệ sĩ thiên tài. Tớ rất ngưỡng mộ tài năng của cậu.” Hoặc, “Tớ nghĩ thật tuyệt khi cậu đã tự mình nuôi nấng ba đứa trẻ tuyệt diệu này. Không phải ai cũng có sức mạnh đó đâu.”[3]
    • Đem tới hy vọng cho người bạn đó bằng cách nhắc nhở anh ấy hay cô ấy rằng cảm giác hiện tại của họ chỉ mang tính tạm thời. Những người mắc chứng trầm cảm thường cảm thấy mọi thứ sẽ chẳng bao giờ tốt đẹp hơn, nhưng bạn có thể nhắc họ nhớ rằng sự thật không phải vậy. Hãy nói, “Bây giờ cậu có thể chưa tin tớ, nhưng cảm giác của cậu sẽ thay đổi.”[4]
    • Tránh nói những câu như, “chỉ là đầu óc cậu nghĩ ra thôi,” hay, “Tỉnh lại đi!” Đưa ra những nhận định đầy phán xét sẽ chỉ khiến người bạn đó cảm thấy tồi tệ hơn và chứng trầm cảm của họ sẽ càng nghiêm trọng.[5]
  2. Hãy để người bạn đó biết rằng bạn luôn ở bên cạnh họ. Chứng trầm cảm khiến người bệnh có cảm giác bị cô lập và thấy dường như không ai quan tâm tới họ. Cho dù bạn đã thể hiện sự quan tâm bằng cách làm mọi thứ để hỗ trợ người bạn đó, anh ấy hay cô ấy vẫn cần nghe từ bạn rằng bạn luôn ở bên họ để tin vào điều này. Hãy để bạn mình biết rằng bạn luôn sẵn sàng và họ nên liên lạc với bạn ngay lập tức khi cần.
    • Bạn có thể thể hiện thiện ý của mình qua những lời sau, “Tớ biết cậu đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, và tớ chỉ muốn cậu biết rằng tớ luôn ở bên cậu. Gọi điện hay nhắn tin cho tớ khi cần nhé.”
    • Cố gắng đừng nhụt chí khi người bạn đó không phản hồi lại sự tích cực của bạn theo cách mà bạn mong muốn hay kỳ vọng. Thờ ơ là phản ứng bình thường của những người mắc chứng trầm cảm, kể cả đối với những người quan tâm tới họ.
    • Nhớ rằng đôi khi cách tốt nhất để thể hiện sự giúp đỡ của bạn đơn thuần là ở bên cạnh người đó. Bạn có thể dành thời gian xem phim hoặc đọc sách cùng họ, không chút áp lực phải trò chuyện về chứng trầm cảm hay hy vọng rằng họ sẽ vui lên. Hãy chấp nhận con người họ trong thời điểm hiện tại.
    • Đặt giới hạn về thời điểm bạn có thể nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn từ họ. Dù muốn giúp đỡ bạn mình tới mức nào, hãy chắc chắn việc giúp đỡ đó không lấy đi toàn bộ cuộc sống của bạn. Đảm bảo rằng người bạn đó biết được sự quan tâm của bạn, nhưng nếu người đó rơi vào tình trạng khẩn cấp giữa đêm khuya, anh ấy hoặc cô ấy nên gọi tới những số điện thoại hỗ trợ ngăn chặn tự tử, tại Hoa Kỳ là Đường dây nóng Quốc gia Ngăn chặn Tự tử với số 1-800-273-8255 hoặc 911.[6]
  3. Lắng nghe khi người bạn đó muốn trò chuyện. Việc lắng nghe bạn mình và nỗ lực hiểu những điều mà người đó đang trải qua là một phần quan trọng của quá trình hỗ trợ phục hồi. Cho phép người bạn đó nói về cảm xúc của anh ấy hoặc cô ấy khi họ đã sẵn sàng.
    • Đừng gây áp lực buộc bạn mình phải chia sẻ. Chỉ cần để họ biết rằng bạn vui lòng lắng nghe khi họ sẵn sàng và dành thêm thời gian cho họ.
    • Hãy chú ý lắng nghe bạn mình. Gật đầu và phản ứng phù hợp để họ biết rằng bạn đang lắng nghe.
    • Đôi lúc trong cuộc hội thoại, hãy thử nhắc lại những điều mà người bạn đó đã nói để họ biết rằng bạn đang chú ý.
    • Tránh cư xử phòng thủ, cố gắng lấn át cuộc đối thoại, hoặc kết thúc lời của họ. Hãy kiên nhẫn cho dù đôi khi điều đó rất khó.
    • Tiếp tục khiến người bạn đó cảm thấy được lắng nghe bằng những lời như, “Mình hiểu rồi,” “Tiếp tục đi,” và “Phải.”[7]
  4. Nhận ra những dấu hiệu của ý định tự tử. Có những người mắc chứng trầm cảm tự sát khi không thể chịu đựng được cảm giác tuyệt vọng và bất lực quá nặng nề. Nếu bạn của bạn nói về việc tự tử, hãy nghiêm túc với điều đó. Đừng vội cho rằng họ sẽ không làm theo suy nghĩ của mình, đặc biệt khi đã có bằng chứng cho kế hoạch tự sát của họ. Hãy lưu ý tới những dấu hiệu cảnh báo dưới đây:
    • Đe dọa tự tử hoặc nói về việc tự tử
    • Những khẳng định ngụ ý rằng họ chẳng quan tâm tới thứ gì hoặc họ sẽ không ở đây thêm lúc nào nữa
    • Đem cho đồ đạc của họ; viết di chúc hoặc sắp xếp đám tang
    • Mua súng hoặc vũ khí khác
    • Trạng thái vui vẻ hoặc bình tĩnh một cách bất ngờ và không thể giải thích nổi sau một giai đoạn trầm cảm
    • Nếu bạn quan sát được bất kỳ hành vi nào như trên, hãy liên lạc để được hỗ trợ ngay lập tức! Gọi điện tới chuyên gia y tế, phòng khám sức khỏe tâm thần hoặc những số điện thoại hỗ trợ ngăn chặn tự tử, tại Hoa Kỳ là Đường dây nóng Quốc gia Ngăn chặn Tự tử với số 1-800-273-8255 để nhận được lời khuyên về bước tiếp theo.[8]

Vượt lên Chứng Trầm cảm cùng Bạn của Bạn[sửa]

  1. Lên kế hoạch vui đùa cùng nhau. Khi bạn của bạn đã bắt đầu cảm thấy tốt hơn, hãy hỗ trợ người đó tiếp tục vượt lên chứng trầm cảm bằng cách lên kế hoạch đi chơi. Lựa chọn những hoạt động mà cả hai bạn đều ưa thích và lên kế hoạch thực hiện chúng sẽ khiến người bạn này luôn luôn có điều gì đó để trông đợi. Lên kế hoạch tới rạp chiếu phim, đi bộ cuối tuần, hoặc uống cà phê cùng nhau.[8]
    • Đảm bảo rằng bạn không gây áp lực lên bạn mình để thực hiện những điều mà anh ấy hay cô ấy chưa sẵn sàng làm. Hãy kiên nhẫn và kiên trì.
  2. Cười với người bạn đó. Có lý do để tiếng cười được coi là liều thuốc tốt nhất. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy tiếng cười giúp xoa dịu triệu chứng trầm cảm và khiến người bị trầm cảm xích lại gần hơn với người khác. Hơn ai hết, bạn hẳn đã biết những điều khiến bạn mình cất tiếng cười, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đang sử dụng hiểu biết đó để cười với họ thường xuyên.[9]
    • Chắc chắn rằng bạn chỉ tỏ ra hài hước đúng hoàn cảnh. Nếu người bạn đó đang mở lòng với bạn hoặc đang khóc, bạn sẽ không muốn pha trò đâu.
    • Đừng nhụt chí hay cảm thấy ngớ ngẩn nếu người bạn đó không cười. Đôi khi rất khó để họ cảm thấy gì đó, kể cả những điều tốt đẹp, nhưng hy vọng mọi chuyện sẽ cải thiện theo thời gian.
  3. Lưu ý những triệu chứng trầm cảm tái phát. Bạn của bạn cảm thấy khá hơn không có nghĩa là anh ấy hay cô ấy đã hoàn toàn khỏi bệnh. Trầm cảm có tính giai đoạn, tức là chứng bệnh này sẽ quay lại thường xuyên. Những người bị trầm cảm thường mắc chứng bệnh này theo nhiều đợt trong đời. Nếu người bạn đó có vẻ trầm uất trở lại, hãy hỏi thăm họ xem điều gì đang xảy ra.
    • Hãy nói những điều như, “Tớ thấy gần đây cậu có vẻ rất mệt mỏi. Cậu thấy như thế này từ lúc nào vậy?”
    • Đề nghị hỗ trợ tương tự như trước và tiếp tục động viên người bạn này như bạn vẫn thường làm.[4]
  4. Quan tâm tới bản thân. Giúp đỡ một người bạn đang vật lộn với chứng trầm cảm là một việc khó khăn. Để đảm bảo rằng mình không bị khủng hoảng cảm xúc, bạn cũng phải quan tâm tới bản thân một cách chu đáo. Chắc chắn rằng bạn dành ra 30 phút mỗi ngày cho bản thân. Dùng khoảng thời gian đó để tập trung vào nhu cầu của mình, nuông chiều bản thân, hoặc làm điều mà bạn muốn. Chắc chắn rằng những điều bạn làm sẽ nuôi dưỡng nhu cầu thể chất, tinh thần, và/hoặc cảm xúc của bạn. Những điều mà bạn có thể thực hiện trong khoảng thời gian này bao gồm:[8]
    • tới lớp yoga
    • tắm bồn bong bóng
    • đọc sách
    • viết nhật ký về suy nghĩ và cảm xúc của bạn
    • thiền hoặc cầu nguyện
    • đi bộ hoặc đạp xe
    • dành thời gian với những người có thể hỗ trợ và động viên bạn giúp đỡ người bạn bị trầm cảm

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy hỏi họ về những gì xảy ra trong ngày. Đừng quên họ. Luôn luôn trò chuyện với họ về cuộc sống thường nhật, và họ sẽ có cơ hội để mở lòng với bạn.
  • Kiên nhẫn. Đừng lôi kéo thêm bạn bè khác trừ khi người bạn đó vui vẻ với việc có thêm những người khác tham gia. Hơn hết, hãy nhắc nhở bạn mình rằng bạn sẽ luôn ở bên cạnh người đó. Và khi bạn đã nói vậy, hãy thực sự làm vậy.
  • Hãy làm nhiều điều cho bạn mình. Giúp đỡ trong công việc, khiến họ quên đi tâm trạng trầm uất hoặc giúp họ vui lên trong chốc lát…ngăn ngừa và chặn lại những rắc rối thường ngày tạo ra thay đổi.
  • Căng thẳng, lo âu hay tâm trạng đặc biệt tồi tệ trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn tới chứng trầm cảm hoặc khiến chứng bệnh này trầm trọng hơn. Nếu bạn của bạn có xu hướng trạng thái nào như trên, họ phải quyết tâm vượt qua chúng bằng cách điều tiết căng thẳng, suy nghĩ tích cực và bất kỳ liệu pháp hay kỹ thuật nào có hiệu quả.
  • Nhớ rằng rối loạn tâm thần vẫn bị coi là một vết nhơ trong xã hội ngày nay. Vì vậy, trước khi bàn luận về tình trạng của người bạn bị trầm cảm với bên thứ ba, hãy hỏi ý kiến người bạn đó. Bạn muốn giúp đỡ họ, chứ không phải biến họ trở thành đối tượng bị đưa ra bàn tán.
  • Thuốc chống trầm cảm và các loại hình trị liệu khác như tư vấn có thể khiến người bệnh cảm thấy tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian. Các loại thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, và tham gia trị liệu có thể bới tung những vấn đề và cảm xúc đau khổ đã bị chôn vùi từ lâu. Hoàn toàn bình thường khi một người cảm thấy âu lo vì những điều này; chúng sẽ dần dần trở nên dễ dàng hơn. Đảm bảo rằng bạn của bạn biết rằng bạn sẽ ở cạnh họ khi họ cần hỗ trợ.
  • Khi lựa chọn nhà trị liệu, bác sĩ, hay bất kỳ chuyên gia nào, điều tối quan trọng là phải tìm được người có kinh nghiệm, hiểu biết về trầm cảm và các lựa chọn để điều trị, cũng như có tính cách khiến bạn của bạn thấy thoải mái khi ở cạnh. Sẽ có lợi nếu bạn hỏi những người này về phương pháp tiếp cận của họ, và không ngần ngại thay đổi nhà trị liệu hoặc bác sĩ nếu họ không đạt đủ tiêu chuẩn. Những người mắc chứng trầm cảm cần được giúp đỡ bởi những người có kiến thức, chuyên môn và đặc biệt là mong muốn được giúp đỡ thực sự, thay vì đối xử với người bệnh như một con số hoặc không thực sự lắng nghe người bệnh (điều này có thể đem lại những tác động gây tổn thương).
  • Đừng cố khiến họ thấy khá hơn bằng cách chỉ ra rằng cuộc sống của họ tuyệt vời hơn cuộc sống của người khác rất nhiều.
  • Hồi phục là quá trình khó khăn và mất nhiều thời gian. Nó sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm, thậm chí là vài ngày hay vài tuần, phụ thuộc vào sự nghiêm trọng của chứng trầm cảm và những yếu tố gây ra chứng bệnh này, nếu có. Người bệnh có thể trải qua "tái phát phút chốc" hoặc tạm thời trầm cảm trở lại trong quá trình hồi phục; điều này hoàn toàn bình thường, vì vậy hãy yên tâm khi nó xảy ra, và nhắc nhở bạn mình về quãng đường mà họ đã trải qua.
  • Nếu bạn của bạn được kê đơn thuốc chống trầm cảm, hãy chắc chắn họ đã biết rằng họ có thể yêu cầu cách thức trị liệu đồng thời khác, ví dụ như tư vấn, liệu pháp nhận thức – hành vi, hoặc liệu pháp hành vi biện chứng.
  • Khi biết được lý do bạn mình bị trầm cảm, cố gắng đừng thay đổi cách cư xử của bạn với người đó.
  • Nếu người bị trầm cảm thân thiết với bạn, hãy chắc chắn rằng bạn thường xuyên nhắc nhở họ về tầm quan trọng của họ đối với bạn và bạn quan tâm tới họ đến mức nào. Điều quan trọng không kém là nói với họ về những điều tích cực mà họ đã đem lại cho cuộc sống của bạn cũng như của người khác.

Cảnh báo[sửa]

  • Không bao giờ nói rằng vấn đề của họ thật ngu ngốc hoặc chẳng có gì đáng lo buồn hết. Họ sẽ ngừng chia sẻ với bạn.
  • Hội chứng tự ngược đãi bản thân là hiện tượng xảy ra trước ý định tự tử, vì vậy hãy quan sát người bạn đó thật kỹ càng và tiếp tục khích lệ cũng như trấn an nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tự ngược đãi bản thân không có nghĩa là một người sẽ có xu hướng tự tử, thông thường hiện tượng này chỉ thể hiện rằng một người đang có vấn đề nghiêm trọng với sự căng thẳng và/hoặc âu lo; mặc dù hiện tượng này có thể là lời kêu cứu, bạn không bao giờ nên cho rằng người đó có ý định tự sát.
  • Rất nhiều nỗ lực để tự tử xảy ra khi người bệnh có vẻ đã khá lên, thay vì lúc họ trầm uất cực độ. Khi ai đó đang ở dưới đáy, họ không có đủ năng lượng để làm gì hết; khi năng lượng của họ quay lại, đây là lúc họ có thể hành động.
  • Nếu có thể, trong cơn khủng hoảng, bạn hãy gọi điện cho chuyên gia y tế hoặc đường dây nóng ngăn chặn tự tử trước khi yêu cầu cảnh sát can thiệp. Đã có nhiều vụ việc mà sự can thiệp của cảnh sát đối với người đang trải qua khủng hoảng tâm thần dẫn tới những cơn chấn động hoặc thậm chí là cái chết. Khi có thể, hãy liên hệ với những người mà bạn chắc chắn là có chuyên môn và đã qua đào tạo để xử lý khủng hoảng sức khỏe tâm thần hoặc tinh thần.[10][11][12]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây