Giao tiếp tốt hơn với bạn gái

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mối quan hệ của bạn có thể bắt đầu một cách khá mạnh mẽ, nhưng theo thời gian, bạn cần phải nỗ lực để duy trì nó. Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể thực hiện để cải thiện mối quan hệ với bạn gái là cải thiện kỹ năng giao tiếp. Học cách để giao tiếp tốt hơn với người yêu sẽ giúp cả hai cởi mở và gần gũi với nhau hơn, bất kể mối quan hệ của bạn đang trong giai đoạn nào.

Các bước[sửa]

Trở thành người biết lắng nghe[sửa]

  1. Nêu câu hỏi. Nêu câu hỏi là một trong những cách tốt nhất để cải thiện giao tiếp với người bạn yêu. Mỗi ngày, hai bạn nên hỏi thăm nhau về công việc, cảm giác của nhau, và "cập nhật" tin tức hằng ngày về cuộc sống của đối phương. Bạn cũng nên nêu lên câu hỏi để làm rõ lời nói của đối phương, hoặc đào sâu thêm và khiến người ấy trở nên cởi mở hơn.[1]
    • Sử dụng câu hỏi thăm dò. Bạn nên bắt đầu với chủ đề to tát, tổng quát, và sau đó tiến đến chi tiết cụ thể hơn.
    • Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi thăm bạn gái của bạn về một ngày của cô ấy, sau đó, hỏi về sự kiện không vui hoặc khoảnh khắc vui vẻ tại công ty.
    • Một khi cô ấy trò chuyện một cách chi tiết về một ngày của mình, bạn có thể cố gắng áp dụng điều cô ấy nói vào cuộc đối thoại khác mà bạn có. Ví dụ, bạn có thể hỏi rằng "Chuyện đó đã từng xảy ra đúng không?" hoặc "Chà, anh không tin nổi chuyện đó xảy ra sau khi _____ đã nói cho em biết câu chuyện khác vào tuần trước".
    • Hỏi thăm cảm giác của cô ấy trước sự kiện mà cô ấy trình bày. Hãy cho cô ấy biết rằng bạn quan tâm, và cung cấp sự hỗ trợ cho cô ấy.
  2. Diễn giải lời nói của đối phương để xem xét lại. Vấn đề to lớn trong quá trình giao tiếp với người yêu là cảm giác không được lắng nghe hoặc thấu hiểu của một trong hai người. Diễn giải lại lời nói của cô ấy bằng từ ngữ của chính bạn sẽ chứng tỏ rằng bạn đang lắng nghe và xử lý mọi điều cô ấy đang nói. Đồng thời, đây cũng là biện pháp hiệu quả để giúp bạn chú tâm vào cuộc trò chuyện khi bạn nhận thấy bản thân đang suy nghĩ vẩn vơ, và bạn đang gặp khó khăn trong việc tập trung vào cuộc đối thoại.[2]
    • Sử dụng giọng điệu đàm thoại tự nhiên. Nếu người bạn yêu hiểu lời diễn giải của bạn như lời mỉa mai, cuộc trò chuyện sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ.
    • Cố gắng hạn chế diễn giải lại lời nói của đối phương. Khi bạn thực hiện điều này quá thường xuyên, nó sẽ gây xao nhãng hoặc khó chịu.
    • Trình bày lại lời nói của cô ấy bằng từ ngữ của bạn. Hành động này sẽ cho thấy rằng bạn đang xử lý mọi điều cô ấy nói, chứ không chỉ đơn giản là lặp lại đúng từng từ.
    • Bạn có thể sử dụng cụm từ chuyển tiếp để bắt đầu diễn giải. Ví dụ, bạn nên cố gắng nói theo kiểu "Vậy ra điều em đang nói là …" hoặc "Anh nghĩ rằng anh hiểu ý của em. Em đang nói là ________. Có phải không?"
  3. Quan sát dấu hiệu phi ngôn ngữ. Ngôn ngữ cơ thể cũng quan trọng như lời nói. Động tác của cả hai trong suốt cuộc trò chuyện có thể vô tình gửi đi tín hiệu, hoặc phản ánh tâm trạng trong tiềm thức của bạn. Bạn không nên quá ám ảnh với việc đọc ngôn ngữ cơ thể của đối phương, nhưng nếu mọi chuyện có vẻ bất ổn, bạn nên hỏi bạn gái của bạn xem liệu cô ấy có đang buồn bực và cho cô ấy biết rằng bạn nhận thấy điều này qua ngôn ngữ cơ thể của cô ấy.[2]
    • Nếu cô ấy khoanh tay, có lẽ cô ấy đang có cảm giác phòng thủ, xa cách, hoặc tách biệt khỏi bạn về mặt cảm xúc.
    • Tránh nhìn vào mắt cũng có thể là dấu hiệu cho thấy đối phương đang thiếu hào hứng với câu chuyện của bạn, cảm thấy xấu hổ về điều đã nói ra hoặc đã thực hiện, bị xao nhãng hoặc không cởi mở.
    • Xoay mình sang hướng khác trong cuộc đối thoại cũng có thể chứng tỏ rằng người bạn yêu đang không hứng thú, thất vọng, hoặc tách biệt về mặt cảm xúc.
    • Giọng điệu hung hăng, lớn tiếng có nghĩa là cuộc trò chuyện đang leo thang hoặc chuẩn bị trở nên căng thẳng, và cảm xúc đang dâng cao. Người yêu của bạn cũng sẽ có cảm giác như bạn không lắng nghe hoặc không hiểu cô ấy.
    • Một vài ngôn ngữ cơ thể diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên, vì vậy, đừng "buộc tội" bạn gái của bạn vì đã kín đáo trở nên xa cách hoặc bực bội. Bạn nên ân cần hỏi thăm người ấy thông qua câu nói như "Anh thấy cử chỉ của em cho thấy rằng em đang buồn bực, nhưng lời nói của em lại hoàn toàn trái ngược. Em đang suy nghĩ gì thế?".

Trò chuyện với bạn gái[sửa]

  1. Cởi mở và trung thực. Trở nên trung thực có nghĩa là không nói dối hoặc gây hiểu nhầm cho đối phương. Nhưng trung thực đòi hỏi bạn phải đặt bản thân vào tình thế dễ bị tổn thương theo một mức độ nào đó, và nhiều người gặp khó khăn với điều này. Nếu cởi mở và thành thật không phải là bản tính tự nhiên của bạn, cả hai bạn cần phải cố gắng nỗ lực vì lợi ích của mối quan hệ.[2]
    • Giao tiếp một cách cởi mở, chân thành là nền tảng của mối quan hệ mạnh mẽ. Nếu hai bạn không thể thực hiện điều này, hai bạn sẽ dễ dàng gặp rắc rối trong tương lai.
    • Nói thật với cô ấy. Không nên giấu diếm cảm giác của mình, vì cô ấy sẽ bực tức khi phát hiện ra sự thật.
    • Nếu bạn đang gặp khó khăn với việc trở nên cởi mở, bạn nên cho người ấy biết về vấn đề và cố gắng giải thích lý do. Khi cô ấy biết bạn đang gặp khó khăn, cô ấy sẽ cố gắng giúp đỡ bạn nhiều hơn, và có thể sẽ học cách nêu câu hỏi gợi ý hoặc yêu cầu làm rõ thêm thông tin.
  2. Xem xét lại trước khi nói. Nhiều người quá vội vàng trong việc nêu lên suy nghĩ/cảm giác của mình đến nỗi họ quên ngừng lại và nhìn lại điều họ muốn nói. Tình trạng này hoàn toàn đúng cho quá trình bộc lộ suy nghĩ một cách tổng quát, cũng như hồi đáp trước lời nói của người bạn yêu.[3]
    • Suy nghĩ kỹ càng về điều bạn muốn nói trước khi nói.
    • Cẩn thận với cảm giác của mình khi trò chuyện với bạn gái.
    • Nói càng rõ ràng và càng thẳng thắn càng tốt.
    • Nếu bạn đang đáp lại cô ấy, bạn nên cho phép cô ấy hoàn tất câu nói của mình. Sau đó, dành một vài giây để xử lý nó và suy nghĩ về cách tốt nhất để hồi đáp một cách rõ ràng.
  3. Giao tiếp với sự tôn trọng. Bân nên cố gắng bày tỏ lòng tôn trọng càng nhiều càng tốt mỗi khi trò chuyện với người yêu. Đối với nhiều người, tôn trọng là yêu cầu rõ ràng của họ, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải chú ý đến từ ngữ, giọng điệu, ẩn ý trong cuộc đối thoại, và ngôn ngữ cơ thể của bạn để có thể truyền tải sự tôn trọng với nhau.[4]
    • Chịu trách nhiệm trước lời nói và hành động của chính mình trong suốt cuộc đối thoại, ngay cả khi nó đang có xu hướng trở thành cuộc tranh cãi.
    • Cả hai bạn cần phải trình bày mọi suy nghĩ và cảm giác của mình, nhưng kèm theo sự tôn trọng.
    • Thừa nhận cảm xúc của cô ấy. Bạn nên cố gắng thấu hiểu lý do vì sao bạn gái của bạn lại có cảm giác như vậy, và phải tôn trọng chúng.[5]
    • Truyền tải lòng tôn trọng thông qua dáng điệu. Không nên thõng vai, lảng tránh giao tiếp bằng mắt, hoặc làm việc khác khi đang lắng nghe cô ấy nói. Hãy đối mặt và chú ý hoàn toàn vào cô ấy.
    • Thể hiện sự kính trọng trong mọi lời hồi đáp. Không ngắt lời cô ấy, và không bao giờ được nói rằng cô ấy đã sai vì đã có cảm giác như vậy.
    • Nếu giữa hai bạn có sự hiểu nhầm, đừng tức giận hoặc buồn bã. Thay vào đó, bạn nên bình tĩnh nêu lên câu hỏi và cố gắng khuyến khích cô ấy làm rõ điều cô ấy muốn nói.
  4. Tập trung sử dụng câu nói bắt đầu với chủ từ "Tôi" (chính bạn). Khi cảm xúc dâng cao, đặc biệt trong trong suốt cuộc tranh cãi hoặc sau khi bạn đã bị tổn thương theo một cách nào đó, sẽ dễ để bạn quay về với loại câu trần thuật (như "Em là kẻ dối trá và em đã gây tổn thương cho cảm giác của anh"). Nhưng các nhà tâm lý học đã đồng ý rằng câu nói với chủ từ "Tôi" sẽ đem lại hiệu quả và ít gây căng thẳng hơn. Nó sẽ giúp bạn trình bày cảm giác bị tổn thương của mình như là cảm nhận riêng của bạn, thay vì là lời buộc tội hoặc lời xác thực về người bạn yêu.[6] Câu nói với chủ từ "Tôi" tốt sẽ bao gồm yếu tố sau[7]:
    • Câu nói về cảm xúc ("Anh cảm thấy _____")
    • Lời mô tả công bằng và không thiên về cảm xúc của hành vi hình thành cảm giác hiện tại của bạn ("Anh cảm thấy _____ khi em ______")
    • Lời giải thích lý do vì sao hành vi hoặc tình trạng trước mắt lại khiến bạn có cảm giác đó ("Anh cảm thấy ____ khi em _____, bởi vì nó _________")
  5. Không nên vội vàng. Nếu cả hai chỉ mới hẹn hò, hoặc nếu bạn chưa quen với việc chia sẻ cảm xúc của mình, bạn nên từ tốn. Hai bạn vẫn phải cố gắng cải thiện giao tiếp với nhau mỗi ngày, nhưng cả hai nên thẳng thắn trò chuyện về sự thoải mái của nhau trong việc chia sẻ suy nghĩ/cảm xúc cá nhân, và khoảng thời gian mà cả hai cần để có thể đạt đến thời điểm đó.[8]
    • Đừng vội vã xây dựng cuộc trò chuyện sâu sắc, rắc rối, hoặc khó khăn. Hãy để nó đến một cách tự nhiên khi cả hai đã sẵn sàng để bàn về chúng.
    • Không thúc giục người ấy, và cũng không nên cho phép người ấy hối thúc bạn.
    • Theo sát yếu tố mà cả hai cảm thấy thoải mái, và bạn cần phải biết rõ rằng bất kỳ một nỗ lực nào trong việc cải thiện giao tiếp sẽ giúp củng cố mối quan hệ của bạn.
  6. Sử dụng câu nói bộc lộ bản thân. Đây là loại câu nói rất hữu ích trong mối quan hệ tình cảm, đặc biệt nếu bạn chưa quen với việc chia sẻ cảm giác hoặc trò chuyện về vấn đề cá nhân. Chúng sẽ giúp bạn từng bước thể hiện chính mình nhưng đồng thời cũng duy trì sự thẳng thắn với người bạn yêu, và có thể cô ấy cũng sẽ bắt đầu nói về bản thân mình.[8] Bạn nên cố gắng phát triển câu nói gợi ý sau để bắt đầu:
    • Anh là người _____.
    • Điều mà anh ước gì mọi người đều biết ở anh là _______.
    • Khi anh cố gắng bày tỏ cảm giác riêng của mình, _____________.

Cùng nhau cải thiện kỹ năng giao tiếp[sửa]

  1. Thử qua phong cách giao tiếp khác. Có khá nhiều cách giao tiếp, và không có bất kỳ một biện pháp nào được xem là đúng hoặc sai. Tuy nhiên, một vài phương pháp sẽ hiệu quả hơn một số khác, và có thể bạn phải tiến hành thử nghiệm để tìm kiếm phong cách trò chuyện phù hợp nhất với cả hai bạn.[9]
    • Hãy nhớ biểu cảm. Bạn nên cho đối phương biết cảm giác của bạn, và hỏi thăm cảm xúc của cô ấy.
    • Sử dụng phương pháp giao tiếp thiên về nhiệm vụ - hoặc sự thật. Nhiều người cảm thấy thoải mái trong việc nói về sự thật hơn là về cảm xúc của mình, ví dụ như "Anh có cảm giác rằng anh không kiếm được nhiều tiền với công việc của mình" thay vì nói rằng "Anh đang buồn và lo lắng về tình hình tài chính của bản thân".
    • Trở nên quyết đoán. Giao tiếp một cách quyết đoán bao gồm trò chuyện rõ ràng và thẳng thắng về cảm giác, ý kiến, và nhu cầu của bản thân mà không xâm phạm đến quyền lợi của đối phương.
    • Tránh xa cuộc trò chuyện tiêu cực. Phong cách giao tiếp này sẽ khiến bạn không thể khẳng định bản thân hoặc bộc lộ suy nghĩ/cảm xúc/nhu cầu của mình, và sẽ hủy hoại mối quan hệ của bạn.[10]
    • Giảm thiểu cảm xúc trước khi trò chuyện về điều quan trọng. Bạn nên dành một vài phút để bình tĩnh lại trước khi thảo luận bất kỳ vấn đề đáng kể nào để cảm xúc của bạn không chi phối cuộc trò chuyện, nhưng bạn cũng nên bảo đảm rằng bạn hiểu rõ cảm giác của chính mình cũng như của người ấy.[11]
  2. Trò chuyện xã giao. Nói chuyện xã giao vô cùng hiệu quả trong bất kỳ một mối quan hệ nào, và nó giúp xây dựng mức độ giao tiếp mỗi ngày trong mối quan hệ của bạn. Bạn có thể hồi tưởng hoặc cười vang về trải nghiệm cả hai đã từng có với nhau, nói về hoạt động trong ngày của bạn, hỏi thăm về kế hoạch cuối tuần của đối phương, hoặc chỉ đơn giản và chia sẻ quan sát mà bạn nhận thấy nó khá thú vị hoặc hài hước.[1]
    • Trò chuyện xã giao về cuộc sống hằng ngày sẽ giúp bạn và cô ấy gần gũi hơn và hiểu rõ hơn về nhau.
    • Yêu cầu cô ấy giải thích và cung cấp thêm chi tiết.
    • Bạn nên nhớ nêu câu hỏi truyền tải sự quan tâm chân thành đến lời nói của cô ấy mà không có vẻ như bạn đang nghi ngờ hoặc không tin tưởng.
  3. Dành thời gian để giao tiếp. Nhiều người sở hữu cuộc sống bận rộn hoặc thời gian biểu khác nhau nhận thấy rằng quá trình giao tiếp trong mối quan hệ của họ ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục điều này nếu cả hai dành thời gian để trò chuyện một cách cởi mở, trung thực, tương tự như cách bạn dành thời gian cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc đi đến chỗ làm mỗi ngày.[9]
    • Nếu thiết lập thời gian biểu khắt khe sẽ giúp cả hai sắp xếp cuộc sống hằng ngày, bạn nên thực hiện tương tự đối với khoảng thời gian riêng tư. Hãy dành một vài giờ cho nhau ít nhất là một lần mỗi tuần để duy trì cuộc trò chuyện lành mạnh, cởi mở.
    • Cố gắng hạn chế sự gián đoạn khi đang nói chuyện với bạn gái. Tắt TV hoặc radio, và chuyển sang chế độ im lặng/cất điện thoại đi để bạn không bị phân tâm.
    • Bạn có thể trò chuyện với nhau trong khi thực hiện hoạt động hằng ngày, như khi đang lái xe hoặc làm việc nhà.
    • Nhận thức rõ khi người bạn yêu trông như đang gặp rắc rối hoặc có vẻ muốn bàn bạc về vấn đề nào đó. Bạn nên hỏi xem liệu mọi chuyện có ổn hay không, hoặc liệu cô ấy có muốn chia sẻ điều gì với bạn.
    • Bạn nên nhớ bảo đảm rằng cuộc đối thoại của bạn sẽ truyền tải sự cam kết, niềm tin, và sự thân mật từ phía cả hai.[12]
  4. Cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. Có lẽ bạn sẽ nhận thấy cuộc trò chuyện không đến một cách dễ dàng trong mối quan hệ của bạn, hoặc quá trình giao tiếp đang trở nên căng thẳng bởi sự kiện trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn bình thường, và nó không có nghĩa là mối quan hệ của bạn sẽ không có kết quả - nó chỉ đơn giản có nghĩa là bạn cần phải cố gắng nhiều hơn. Đây cũng chính là lúc một chuyên gia có thể giúp ích được cho bạn.[13]
    • Nhà trị liệu dành cho cặp đôi được cấp phép sẽ giúp bạn và người bạn yêu tìm cách để cởi mở và dễ trò truyện với nhau hơn.
    • Bạn cũng cần phải cố gắng trở nên trung thực hơn, quan tâm hơn đến cuộc sống của người khác, và dành thời gian cho nhau nhiều hơn.
    • Bạn có thể tìm kiếm nhà trị liệu trong khu vực thông qua danh bạ điện thoại, sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến, hoặc bằng cách tham khảo trang web Danh bạ Bác sĩ.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Dành thời gian cho nhau, bất kể chuyện gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn.
  • Khi ở cùng nhau, cả hai nên nhớ trò truyện với nhau. Bạn có thể bắt đầu bằng mẩu đối thoại nhỏ, nó đóng vai trò rất quan trọng, và sau đó là tiến đến bàn luận về chủ đề to tát, quan trọng hơn trong cuộc sống.

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên hy vọng rằng người bạn yêu cũng cảm thấy thoải mái như bạn khi bạn trò chuyện về cảm xúc và suy nghĩ của mình. Mỗi người mỗi khác, và mỗi mối quan hệ cũng không giống nhau, vì vậy, bạn nên cảm thông và yêu cầu cô ấy tôn trọng cảm giác của bạn.
  • Nếu bạn nhận thấy cô ấy đang trở nên khó chịu, có thể cô ấy cần có một chút không gian riêng. Không nên thúc giục cô ấy, và hãy nhớ tôn trọng ranh giới của cô ấy.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]