Hư cấu
Hư cấu hay Giả tưởng là phương thức xây dựng hình tượng điển hình qua việc sáng tạo ra những giá trị mới, những yếu tố mới, như sự kiện, cảnh vật, nhân vật trong một tác phẩm theo sự tưởng tượng của tác giả. Đây là một yếu tố không thể thiếu của sáng tác văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng không sao chép nguyên nó. Từ những chất liệu thực tế, nghệ sĩ tổ chức, nhào nặn, sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật sinh động, rõ nét và điển hình hơn, tuy thuộc chủ đề của tác phẩm.
Trong hư cấu, tác giả có thể sử dụng các biện pháp cường điệu, khoa trương, thậm chí tượng tượng, nhân cách hóa... Hư cấu có nhiều nhánh phụ như trinh thám, kỳ ảo, giả tưởng. Giá trị của hư cấu nằm ở tính tư tưởng, chủ đề tác phẩm và tài năng khái quát hiện thực của nhà văn.[1]
Lịch sử[sửa]
Trong giai đoạn đầu của nghệ thuật ngôn từ, hư cấu bộc lộ rõ rệt như một thứ giả tưởng không gì kiềm chế, nhưng nó lại chưa được ý thức ghi nhận. Văn học thời cổ đại và trung đại thường không phân giới giữa sự thật đời sống và sự thật nghệ thuật, do đó các sự kiện của truyền thuyết, sử thi, hạnh các thánh đều được coi như đã từng xảy ra. Những thể loại này hình thành nên cái gọi là hư cấu vô ý thức[2] và chỉ đến khi có sự ra đời của truyện cổ tích, hư cấu có ý thức mới thực sự xuất hiện.
Lần đầu tiên khái niệm hư cấu được các nhà tư tưởng cổ Hy Lạp triết luận trong những bình giảng về thơ ca, theo họ thi ca trước hết như là sự bắt chước, nhưng người sáng tác vẫn có quyền được hư cấu. Theo Platon, hư cấu đã có mặt ở thần thoại, theo Aristote nhà thơ nói về cái có thể chứ không nói về cái đã từng có. Sự hình thành hư cấu diễn ra chủ yếu ở dạng chủ động lý giải thần thoại (bi kịch cổ đại), và truyền thuyết lịch sử (ở các bài ca về công tích, các saga, anh hùng ca), đặc biệt thuận lợi cho việc củng cố hư cấu của cá nhân là các thể loại vừa cười cợt vừa nghiêm túc ở cuối thời cổ đại Hy Lạp.
Sự gia tăng tính tích cực của hư cấu trong văn học nghệ thuật của thời đại mới khởi điểm với Thần khúc của Dante, tiếp tục với sự biến cải hình tượng nghệ thuật và cốt truyện truyền thống trong những sáng tác của G. Boccaccio, W. Shapespeare, truyện của F. Rabelais và phát triển mạnh với khuynh hướng văn học tiền lãng mạn và lãng mạn chủ nghĩa.
Ở văn học của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19, khoảng cách giữa thực tại khởi nguyên và thế giới nghệ thuật được thu ngắn lại, hư cấu thường lùi lại trước sự tái hiện các sự việc và con người mà cá nhân tác giả biết rõ[3]. Nhấn mạnh con người, sự kiện có thực trong tác phẩm, các nhà văn tỏ ra ưa thích các dữ kiện hiện thực hơn là sự hư cấu. L. Tolstoi giai đoạn cuối hay F. M. Dostoevski đều đã từng hạ thấp, thậm chí muốn từ bỏ sự hư cấu.
Văn học thế kỷ 20 chứng kiến sự quay trở lại của hư cấu mơ một trong những thủ pháp nghệ thuật bộc lộ rõ ở những tác phẩm vận dụng ước lệ nghệ thuật ở mức độ cao, hoặc lối khát quát gây ấn tượng mạnh.
Các thể tài nhấn mạnh hư cấu[sửa]
Phạm vi hư cấu được nhấn mạnh trong nhiều tác phẩm theo thể tài văn học trinh thám, văn học phiêu lưu, giả tưởng, kỳ ảo. Theo đó nhà văn có thể nói về cái vốn có thực và ngược lại, cũng có thể nói về cái không thể có.