Học tiếng Anh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiếng Anh là một ngôn ngữ rất tuyệt vời, bất kể mục đích học tiếng Anh của bạn là để ứng dụng vào công việc, đi du lịch hay vì các mục tiêu cá nhân khác. Việc học bất kì một ngôn ngữ nào cũng đòi hỏi phải siêng năng, có quyết tâm cao, không ngại mắc lỗi, và tiếng Anh cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết cách học tiếng Anh.

Các bước[sửa]

Cải thiện Kỹ năng Nói[sửa]

  1. Luyện nói mỗi ngày một ít. Hiển nhiên cách tốt nhất để học một ngoại ngữ mới là phải nói, bạn cứ mạnh dạn nói cho dù mình chỉ biết vỏn vẹn năm từ hay đã thực sự thông thạo. Tập nói tiếng Anh với người xung quanh là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để cải thiện kỹ năng nói.
    • Đừng chờ đến khi "cảm thấy tự nhiên" mới dám giao tiếp bằng tiếng Anh. Vì có thể còn rất lâu bạn mới đạt tới trình độ đó, nên hãy tự đẩy mình ra khỏi khu vực an toàn và bắt đầu nói ngay ngày hôm nay. Bạn sẽ phải ngạc nhiên về tốc độ tiến bộ của mình.
    • Tìm một người bản xứ mà có thể sẵn lòng trò chuyện với bạn. Bạn có thể đề xuất việc trao đổi ngôn ngữ như sau: họ sẽ dành 30 phút nói chuyện với bạn bằng tiếng Anh, và đổi lại bạn sẽ giúp họ học tiếng Việt trong 30 phút tiếp theo.
    • Nếu bạn đang sống ở một nước có sử dụng tiếng Anh thì hãy luyện tập giao tiếp với những người xung quanh bằng tiếng Anh, từ việc "chào hỏi" người bán hàng cho tới hỏi đường một người xa lạ.
  2. Luyện phát âm. Cho dù bạn đã nắm tiếng Anh tương đối vững, giỏi ngữ pháp và giàu tự vựng, nhưng người bản địa có thể sẽ khó hiểu những gì bạn nói nếu phát âm không chuẩn.
    • Phát âm chính xác và rõ ràng là điều cốt yếu nếu bạn muốn nâng cao trình độ tiếng Anh. Hãy lắng nghe kỹ cách phát âm một số từ và âm tiết của người bản xứ và cố gắng bắt chước theo họ.
    • Đặc biệt chú ý tới bất kì âm tiết nào mà bạn không quen phát âm hay không tồn tại trong tiếng mẹ đẻ. Ví dụ, một số người gặp khó khăn khi phát âm âm "r" vì nó không có trong tiếng mẹ đẻ của họ, trong khi đó một số người khác lại gặp khó khăn với các nhóm phụ âm, chẳng hạn như nhóm "th".
    • Hãy nhớ rằng một số từ tiếng Anh có cách phát âm khác nhau tùy vào mỗi khu vực trên thế giới. Ví dụ, tiếng Anh của người Mỹ rất khác với tiếng Anh của người Anh. Do đó nếu bạn định đi du lịch hay tới định cư ở một nước nói tiếng Anh thì nên tìm hiểu về vấn đề này khi học cách phát âm một số từ.
  3. Mở rộng vốn từ vựng và sử dụng nhóm từ thành ngữ. Bạn càng thuộc nhiều từ vựng và các nhóm từ thành ngữ thì bạn càng nói dễ dàng hơn.
    • Như đã nói, tập nói với người bản xứ sẽ giúp bạn thu nhặt được các từ và thành ngữ một cách tự nhiên nhất, cho dù đọc sách báo, xem truyền hình hay nghe tin tức bằng tiếng Anh cũng rất có ích.
    • Khi đã học được một từ hay thành ngữ mới thì bạn nên tìm cách sử dụng nó trong câu, đây là cách tốt nhất để ghi nhớ.
    • Còn một cách khác để dễ học thuộc các từ mới là ghi tên tiếng Anh của các vật dụng trong nhà vào miếng giấy nhỏ và dán xung quanh phòng. Mỗi lần bạn cầm tới chiếc ấm nước hay soi gương thì các từ tiếng Anh đó sẽ xuất hiện trước mắt bạn.
    • Bạn nên ghi vào vở các thành ngữ quen thuộc mà người bản xứ thường xuyên dùng. Có một số ví dụ như "it's raining cats and dogs" (trời mưa lớn/xối xả), "to be on cloud nine" (rất hạnh phúc) hay cụm từ "piece of cake" (dùng khi nói điều gì đó rất dễ làm). Áp dụng các nhóm từ này vào hội thoại hằng ngày sẽ cải thiện rõ ràng trình độ tiếng Anh của bạn.
  4. Đăng ký vào lớp học tiếng Anh hay tham gia nhóm thảo luận. Một cách khác để tăng thời gian đàm thoại tiếng Anh trong sinh hoạt hằng ngày là đăng ký lớp học, tham gia thảo luận nhóm.
    • Học trong lớp là cách tuyệt vời nhất để chú trọng đến khả năng nói tiếng Anh một cách chuẩn mực hơn. Giáo viên sẽ dạy cho bạn nói đúng ngữ pháp, bao gồm cấu trúc câu, chia động từ, ngoài ra họ có phương pháp rõ ràng để giúp học viên tiếp thu ngôn ngữ.
    • Tham gia nhóm thảo luận là cách học ít hình thức hơn nhưng tạo không khí thư giãn, chủ yếu tập trung vào kỹ năng giao tiếp và xây dựng quan hệ với bạn học, không chú trọng lắm đến tính “chính xác” của ngôn ngữ. Luyện nói khi thảo luận nhóm có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi nói chuyện với người đối diện.
    • Cả hai môi trường học trên đều có những điểm mạnh và điểm yếu, vì vậy hãy áp dụng cả hai phương pháp nếu có thể.
  5. Mang theo từ điển. Luôn mang theo mình một cuốn từ điển (từ điển bằng sách hay phần mềm điện thoại) có thể rất hữu ích cho việc học.
    • Có từ điển có nghĩa bạn sẽ không bao giờ bị bí một từ nào đó, có thể giúp bạn bớt ngại ngùng khi đang nói chuyện với một người bản địa, hay vô tình quên một từ nào đó giữa chừng. Bạn chỉ cần dành ra vài giây là tra được nó!
    • Ngoài việc tránh bị mất mặt, việc tra từ điển rồi lập tức dùng từ đó vào trong câu sẽ khiến bạn nhớ từ mới tốt hơn.
    • Bên cạnh đó, từ điển cũng rất có ích khi bạn cần xem xét kỹ một từ nào vào những lúc rảnh rỗi một mình, như khi đang ngồi trên xe buýt, chờ băng qua đường, hay đơn giản là lúc nhâm nhi cốc cà phê. Bạn có thể học thêm từ 20 tới 30 từ một ngày bằng phương pháp này.
    • Lúc mới học, bạn nên dùng loại từ điển giải nghĩa sang tiếng Việt. Nhưng khi trình độ tiếng Anh đã cao hơn bạn nên chuyển sang sử dụng từ điển Anh-Anh, là loại từ điển giải nghĩa từ tiếng Anh bằng tiếng Anh.

Nâng cao Kỹ năng Viết, Đọc và Nghe[sửa]

  1. Nghe các kênh phát thanh hay podcast bằng tiếng Anh. Một trong những cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng nghe hiểu là tải các bản podcast hay ứng dụng nghe radio bằng tiếng Anh lên máy nghe nhạc MP3 hay điện thoại di động.
    • Sau đó bạn phải cố gắng tập nghe các đoạn podcast hay chương trình phát thanh ít nhất 30 phút mỗi ngày. Hãy nghe lúc tập thể thao, trên đường đi làm hay lúc ngồi trước máy tính làm việc.
    • Hãy cố hiểu những gì đang nghe, đừng để tiếng Anh chảy qua tai một cách vô ích. Cho dù bạn thấy tốc độ nói quá nhanh nhưng hãy cố nghe ra những từ hay cụm từ chính để nắm được ý chung của cả đoạn hội thoại.
    • Nếu có thể bạn nên ghi chú bất kì từ hay cụm từ nào mình không hiểu để sau đó dùng từ điển tra. Tiếp theo bạn hãy nghe lại để hiểu nghĩa của các từ mới trong ngữ cảnh nói.
  2. Xem phim và các chương trình truyền hình tiếng Anh. Đây vừa là cách nâng cao kỹ năng nghe hiểu, vừa là cách giải trí bằng tiếng Anh.
    • Hãy chọn phim hay chương trình mà bạn thích xem. Đây là cách để bạn bớt cảm thấy nặng nhọc khi học. Nếu có thể, bạn nên chọn phim hay chương trình truyền hình mình đã quen thuộc, chẳng hạn như phim hoạt hình hay các bộ phim nổi tiếng. Vì khi đã biết trước cốt truyện thì bạn có thể dễ hiểu những gì họ nói hơn.
    • Tuy nhiên, bạn nên tránh xem các bộ phim hay chương trình đã được lồng phụ đề tiếng Việt. Phim có phụ đề sẽ làm bạn phân tâm và không thể tập trung nghe tiếng Anh, mà đây là phần cốt lõi của bài tập.
  3. Đọc sách, báo và tạp chí tiếng Anh. Kỹ năng đọc là phần không thể thiếu khi học một ngôn ngữ mới, vì vậy đừng quên luyện tập nó!
    • Tìm loại sách mà bạn thích đọc. Đó có thể là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bằng tiếng Anh, thời báo New York hay tạp chí thời trang, sau đó bạn hãy cố gắng đọc hiểu từ đầu đến cuối. Tuy nhiên nếu bạn thấy nội dung của nó dở thì rất khó để tiếp tục kiên nhẫn đọc.
    • Hãy nỗ lực để thực sự hiểu những gì đang đọc, đừng chỉ đọc lướt qua. Gạch chân hay đánh dấu các từ và cụm từ không hiểu để tra nghĩa của chúng trong từ điển.
    • Bạn có thể đọc lớn nếu đang ở một mình. Cách này vừa giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc hiểu, vừa cải thiện khả năng phát âm.
  4. Viết nhật ký bằng tiếng Anh. Ngoài kỹ năng đọc và nghe, bạn cũng nên dành thời gian tập viết tiếng Anh.
    • Đây là một trong các kỹ năng khó nhất khi học một ngoại ngữ, tuy nhiên nó rất quan trọng. Tập viết tiếng Anh sẽ giúp bạn thành thạo hơn về cấu trúc câu, ngữ pháp và chính tả.
    • Mỗi ngày kiên trì viết vài câu tiếng Anh vào nhật ký. Bạn không nhất thiết phải viết những chuyện rất riêng tư, mà có thể viết về thời tiết, những món đã ăn trong ngày hay các kế hoạch của ngày hôm đó.
    • Nếu được bạn nên để một người bản xứ đọc những câu bạn viết để tìm ra lỗi sai. Điều này sẽ tránh cho bạn liên tục mắc những sai sót mà không hay biết.
  5. Tìm một người bạn bản xứ để tập viết tiếng Anh. Một khi kỹ năng viết đã tốt hơn, bạn nên tìm một người bản xứ để trao đổi thư từ bằng tiếng Anh với họ.
    • Có một người bạn nói tiếng Anh bản xứ để vừa luyện viết tiếng Anh vừa có cảm giác thích thú khi chờ đợi nhận thư hay email của họ.
    • Người bạn này có thể là người đang học tiếng Anh như bạn, hoặc cũng có thể là người bản xứ nhưng họ đang muốn luyện tập kỹ năng viết tiếng Việt.
    • Nếu có thể tập viết với ai đó đến từ một nước nói tiếng Anh (như Mỹ, Anh, Canada, Ireland, Úc, New Zealand hay Nam Phi), bạn cũng học được thêm về văn hóa và cuộc sống ở đất nước của họ.

Quyết tâm Học Ngôn ngữ Mới[sửa]

  1. Giữ động lực. Điều quan trọng khi học một ngôn ngữ mới là phải duy trì động lực để luôn hướng tới mục tiêu thành thạo ngôn ngữ đó.
    • Cam kết với mục tiêu rèn luyện bằng cách nhắc nhở rằng mình rất cần nó. Hãy nghĩ tới tất cả những trải nghiệm tuyệt vời và các cơ hội sẽ đến với bạn khi đã thành thạo tiếng Anh.
    • Bạn có thể giao tiếp với những người nói tiếng Anh đến từ mọi nơi trên thế giới, xây dựng các mối quan hệ mới hấp dẫn hơn. Bạn có thể hòa nhập vào văn hóa của các nước nói tiếng Anh, và có thêm cơ hội nghề nghiệp khi nắm vững ngôn ngữ mới đó.
  2. Luyện tập hằng ngày. Nếu bạn muốn nhanh chóng thành thạo tiếng Anh thì phải luyện tập mỗi ngày.
    • Cơ bản của việc học ngoại ngữ là phải ôn tập, vì vậy bạn sẽ quên sạch những gì đã học trước đó và phải làm lại từ đầu nếu lãng phí thời gian chờ đợi tới buổi học tiếp theo. Hãy xen kẽ thời gian ôn tập vào giữa thời gian học kiến thức mới.
    • Tuy nhiên, bạn không nên học quá nhiều để tránh bị chán nản. Hãy làm việc học thú vị hơn bằng cách thay đổi nội dung học mỗi ngày. Ví dụ, hãy đan xen một ngày tập đọc với một ngày tập nghe, một ngày tập viết và một ngày học ngữ pháp v.v…
    • Nhưng bạn đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội tập nói tiếng Anh vì đây là điều quan trọng bậc nhất để đạt mục tiêu sử dụng tiếng Anh lưu loát.
  3. Tập nghĩ bằng tiếng Anh. Có một cách để chuyển từ trạng thái rất giỏi tiếng Anh sang trạng thái lưu loát là tập cho bộ não biết cách suy nghĩ bằng tiếng Anh.
    • Việc liên tục phải dùng bộ não chuyển đổi qua lại giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh tốn nhiều thời gian và công sức. Mỗi ngôn ngữ đều có sắc thái và nét riêng, do đó không thể dịch chính xác từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia trong một số trường hợp.
    • Nếu có thể nghĩ bằng tiếng Anh, khả năng viết và nói của bạn sẽ trôi chảy hơn nhiều. Bạn có thể tưởng tượng đó như một công tắc, khi cần nói tiếng Anh thì bạn mở phần não nói tiếng Anh lên và tắt phần não nói tiếng Việt!
  4. Kết bạn với người bản xứ. Bài kiểm tra hay nhất về mức độ thành thạo ngôn ngữ thứ hai là đặt bạn vào trong một căn phòng toàn người bản xứ nói tiếng Anh, để xem bạn có thể theo vấn đề và đóng góp như thế nào vào buổi thảo luận.
    • Cách tốt nhất để đạt được mức độ thành thạo như vậy là phải kết bạn với những người bản xứ nói tiếng Anh, cùng đi với họ trong các dịp xã giao như đi uống cà phê, đi sàn nhảy.
    • Khi đi chơi với họ, bạn sẽ bị buộc phải nói tiếng Anh mỗi khi muốn nói chuyện, nhưng hoàn toàn không như đang làm việc hay đang học vì không khí rất vui nhộn.
  5. Đừng sợ nói sai. Khó khăn lớn nhất làm cản trở việc tiếp thu một ngôn ngữ mới chính là sợ sai.
    • Nỗi sợ này thật vô lý vì nó chỉ làm cản bước bạn không thể đạt được mục tiêu của mình.
    • Đừng sợ mắc sai sót hay xấu hổ! Dĩ nhiên chẳng ai nói lưu loát một ngoại ngữ khi mới bắt đầu học, vì vậy cứ diễn đạt quan điểm của mình dù rất khó khăn.
    • Hãy nhớ rằng ai cũng mắc lỗi sai trong quá trình học ngoại ngữ, và đó là dấu ấn trên con đường chinh phục một ngôn ngữ mới. Chắc chắn bạn sẽ có những lúc phải ngượng ngùng hay mắc cỡ khi vô tình nói điều gì đó thô tục hay nói sai, nhưng đó chính là một phần của thú vui khi học.
    • Hãy nhớ bạn không nhắm tới mục tiêu hoàn hảo khi học nói tiếng Anh, mà quan trọng là sự tiến bộ. Mắc sai sót là một phần trong quá trình học và chúng sẽ giúp bạn giỏi hơn sau này, vì vậy hãy trân trọng những lỗi sai đó!

Lời khuyên[sửa]

  • Học thuộc lòng bảng mẫu tự ngữ âm. Các mẫu tự này giúp bạn phát âm chính xác, và bạn cần phải nói đúng ngữ điệu nếu muốn kết bạn với người bản xứ nói tiếng Anh. Đây là vấn đề quan trọng đối với những người nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
  • Viết chính tả là cách tuyệt vời để luyện nghe và kỹ năng đánh vần. Hãy nhờ một người bạn đọc vài đoạn văn trong sách hay báo và ghi lại những gì mình nghe được, sau đó so sánh với đoạn văn gốc trong sách.
  • Tìm một người bản địa không chỉ nói mà còn dạy được tiếng Anh. Hãy học ngữ pháp và từ vựng bằng phương pháp sử dụng hình ảnh, âm thanh hay bằng cách luyện nói. Bạn nên luân phiên áp dụng các phương pháp học để tránh nhàm chán.
  • Học tất cả các thì và cách của động từ trong tiếng Anh. Bạn chỉ cần lên mạng tìm là sẽ thấy ngay, ngoài ra bạn cũng cần học về sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ. Nếu bạn chia động từ sai khi nói, câu văn nghe rất cẩu thả vì người bản địa hầu như không mắc lỗi đó. Ngược lại nếu chia động từ đúng bạn sẽ gây ấn tượng tốt với người nghe là người bản xứ.
  • Nếu bạn dự định tới Mỹ thì nên theo học một chương trình dự bị, các chương trình này thường được cung cấp miễn phí để giúp bạn học nghề, và hãy cố gắng kết bạn với những người nói tiếng Anh. Người Mỹ thích thái độ "tự tin, quyết đoán", người Anh thích người có tay nghề và khiêm tốn.
  • Đọc báo tiếng Anh hay báo song ngữ.
  • Nếu bạn không chắc cụm từ mình viết có đúng hay không, hãy cố viết ra theo cách mình cho là đúng, sau đó nhập cụm từ đó vào Google (hay một công cụ tìm kiếm khác) và bạn sẽ thấy ngay cách chính xác để thành văn cho cụm từ đang tìm.
  • Cài chương trình kiểm tra lỗi chính tả vào trình duyệt/điện thoại di động/bất cứ thứ gì để giúp bạn phát hiện các lỗi sai khi viết, nếu bạn không tìm được chương trình này thì hãy nhấp nút chuột phải để chương trình kiểm tra chính tả cho bạn kết quả đúng.
  • Một số từ có cách đánh vần dễ gây nhầm lẫn (ví dụ, 'write' và 'right'), vì vậy nếu bạn sợ viết sai thì hãy viết xong hoàn chỉnh cả đoạn theo cách cảm thấy đúng nhất, rồi sao chép đoạn văn đó vào một chương trình biên dịch, kiểm tra lại bản dịch xem có đúng ý hay không, xác định chỗ sai và sửa là xong.
  • Nếu không chắc về nghĩa của một cụm từ nào đó, bạn chỉ cần tìm trên Google và có thể sẽ thấy cách giải nghĩa cho cụm từ đó, áp dụng phương pháp này để tìm nghĩa cho các cách nói tắt hay tiếng lóng.

Cảnh báo[sửa]

  • Diễn viên trong nhiều bộ phim hài kịch xưa của Anh có giọng nói nặng (đôi khi khó nghe) và dùng tiếng địa phương.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]