Hiệu chỉnh màn hình máy tính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để hiển thị hình ảnh theo ý muốn, bạn cần hiệu chỉnh màn hình. Nếu bạn là nhân viên thiết kế web, nhiếp ảnh gia hay chuyên viên đồ họa thì điều này cực kỳ quan trọng. Bạn không muốn mất hàng giờ để chỉnh màu sắc rồi đến khi xem trên màn hình của người khác hay in ra giấy lại thành một mớ hỗn độn. Để không mất thời gian vô ích, bạn cần hiệu chỉnh màn hình để hiển thị hình ảnh và màu sắc chính xác.

Các bước[sửa]

Thiết lập[sửa]

  1. Điều chỉnh độ sáng và độ trong của màn hình. Đảm bảo màn hình không bị ánh sáng phản xạ, lóa, chói hay nguồn sáng trực tiếp chiếu vào. Không cần phải ở trong căn phòng tối om nhưng phòng không nên quá sáng vì ánh sáng sẽ tác động đến mức độ hiển thị của màn hình. Nếu màn hình bị bẩn, hãy lau sạch trước khi tiếp tục.
    • Nếu bạn thường xuyên chỉnh sửa ảnh hoặc thực hiện các công việc cần độ nhạy màu khác, điều quan trọng là giữ cho mức độ ánh sáng không đổi trong suốt một ngày hay giữa các phiên làm việc.
  2. Kiểm tra độ phân giải màn hình. Nếu sử dụng màn hình LCD, kiểm tra hướng dẫn sử dụng hoặc vỏ máy để biết độ phân giải "thực" hoặc xem danh sách dưới đây. Với toàn bộ các loại màn hình, hãy chọn độ phân giải cao nhất để đọc văn bản hay xem ảnh nhỏ được thoải mái.
  3. Điều chỉnh số màu hiển thị. Thiết lập màn hình sang tùy chọn "millions of colors" (triệu màu) hoặc "nuts and bolts" (những chi tiết quan trọng) nếu khả dụng, độ sâu của màu đặt ở mức cao. Độ sâu của màu là số bit quyết định màu sắc trong mỗi điểm ảnh (Đỏ, xanh lá và xanh dương).[2] Định nghĩa về số màu và độ sâu của màu có thể khiến bạn rối trí nhưng thật ra 24-bit và "millions of colors" có giá trị tương đương trên các màn hình hiển thị hiện đại. 16-bit hoặc "thousands" (nghìn màu) cho chất lượng hiển thị thấp hơn nhiều nhưng sử dụng ít bộ nhớ của card màn hình hơn; trong khi cách tính 8-bit kiểu cũ và "256 màu" hiển thị hình ảnh chất lượng cực thấp trên các màn hình hiện đại. Màn hình 30-bit trở lên được cải thiện nhiều nhưng phần lớn người dùng không nhận ra.[3]
    • Độ sâu màu tối đa bị hạn chế bởi màn hình, card đồ họa và hệ điều hành. Bạn cần xem thông số kỹ thuật để cải thiện.
    • Trên Windows, nhấp chuột phải vào màn hình nền và chọn Graphic Properties (Thông tin Đồ họa) hoặc Screen Resolution (Độ phân giải Màn hình). Trên Windows 7, bạn cần truy cập Adapter (Bộ tiếp hợp) → List All Modes (Danh sách các chế độ).[4]
    • Trên Mac, mở System Preferences (Tùy chỉnh Hệ thống), chọn Displays (Hiển thị). Trên nhiều máy Mac đời mới, phần thiết lập không có các tùy chọn mà thường mặc định đặt độ sâu màu là 24-bit.
  4. In ảnh để so sánh (tùy chọn). Bạn có thể bỏ qua bước này nếu không dùng máy tính để chỉnh sửa ảnh rồi in ra giấy. Đây là bước không quan trọng nếu bạn không sử dụng máy in chất lượng cao và giấy ảnh bóng.
    • Tốt nhất là ghép tất cả ảnh vào một trang: ảnh đen trắng, ảnh chụp dưới nguồn sáng tự nhiên, ảnh thiếu sáng, tĩnh vật và tông màu da trong nhiều điều kiện khác nhau.
    • Để mực khô tránh xa ánh sáng mặt trời thì thiết lập màu mới chính xác.
  5. Tiếp tục sau khi màn hình đã ổn định. Nếu đã thực hiện các bước trên, hãy để màn hình nghỉ 30 phút trước khi tiếp tục hiệu chỉnh, đặc biệt là với màn hình CRT.[5] Như vậy mới đảm bảo rằng máy tính đã trở về nhiệt độ hoạt động tiêu chuẩn và không ảnh hưởng đến màu sắc hiển thị trên màn hình.
    • Nếu không dùng máy tính, hãy đặt thời gian đưa máy vào chế độ Sleep dài hơn để màn hình không tắt trong quá trình đợi.

Hiệu chỉnh[sửa]

  1. Khám phá các tùy chọn hiểu chỉnh miễn phí. Xem phần dưới bước này để tìm hiểu các tính năng tích hợp sẵn trong máy hoặc sử dụng công cụ trực tuyến như Photo Friday hoặc displaycalibration.com. Sau khi chọn được công cụ, bạn có thể làm theo hướng dẫn trên màn hình, và/hoặc áp dụng hướng dẫn từng bước dưới đây.
    • Trên máy tính Windows, nhấp chuột vào nút Start (Khởi động) > Control Panel (Bảng điều khiển). Tìm "Calibrate display" (Hiệu chỉnh màn hình) trong thanh tìm kiếm của control panel và nhấp chuột vào "Calibrate display color" (Hiệu chỉnh màu sắc màn hình). Bạn cần nhập mật khẩu quản trị viên để tiếp tục thao tác.[6]
    • Trên Mac, mở System Preferences > Displays (Hiển thị) → tab Color (Màu sắc) → Calibrate... (Hiệu chỉnh...). Nếu không thấy tùy chọn này, hãy tìm "Calibrate" trong thanh tìm kiếm của System Preferences.
  2. Cân nhắc việc mua phần mềm hiệu chỉnh. Mặc dù điều này không thật sự cần thiết với nhiều người dùng nhưng đối với chuyên viên thiết kế đồ họa hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì họ sẽ cần một phần mềm hiệu chỉnh ở mức độ chuyên nghiệp. Nên tìm phần mềm có thiết bị đo màu, chỉnh được gamma và nhiệt độ màu.[5]
    • Một số phiên bản của Photoshop có kèm theo phần mềm hiệu chỉnh "Adobe Gamma", nhưng đây là phần mềm cũ và chỉ sử dụng được cho màn hình CRT và các hệ điều hành cũ.
  3. Điều chỉnh độ sáng và độ tương phản. Các tùy chọn này có thể là các nút vật lý trên màn hình hoặc thiết lập trong phần hướng dẫn hiệu chỉnh. Thông thường, phần hướng dẫn hiệu chỉnh sẽ hiển thị 2 hoặc 3 thang màu xám để giúp bạn điều chỉnh. Làm theo hướng dẫn trên màn hình. Để thu được kết quả tốt nhất, hình ảnh màn hình phải hiển thị tối thiểu 4 màu: đen, xám đậm, xám nhạt và trắng.
    • Nheo mắt và lùi ra xa màn hình để điều chỉnh chính xác hơn.
    • Nhiều máy tính xách tay không cho phép bạn điều chỉnh độ tương phản.
  4. Thiết lập gamma. Khi máy tính làm sáng điểm ảnh, tức là máy tăng điện áp màn hình. Tuy nhiên, mỗi quan hệ giữa điện áp và độ sáng khá phức tạp, bạn phải điều chỉnh theo "chuẩn gamma", tên chuẩn này được đặt theo một thuật ngữ toán học có liên quan. Một số cài đặt hiệu chỉnh cho phép bạn điều chỉnh thanh trượt đến khi phù hợp với nhu cầu, nhưng thông thường chỉ sử dụng 2 thiết lập:[5]
    • Gamma 2.2 là tiêu chuẩn thông dụng nhất cho màn hình. Chuẩn này cho phép bạn xem hình ảnh và video ở phạm vi sáng dự kiến, hiển thị các thiết kế trên web giống với những người dùng internet khác.
    • Gamma 1.8 hiển thị hình ảnh giống với bản in hơn. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy phần bóng khi chỉnh sửa hành ảnh chi tiết.
    • Lưu ý, các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh thường tự điều chỉnh giá trị gamma.[2]
  5. Thiết lập cân bằng trắng. Hay còn gọi là nhiệt độ màu, đây là yếu tố quyết định tông màu tổng thể của màn hình. Chuẩn phổ biến nhất cho màn hình máy tính là D65 (hay 6500) hơi ngả xanh. Đây là chuẩn quen thuộc với người dùng máy tính hoặc TV. Một số chuyên viên đồ họa thường xuyên phải in ấn sẽ thích sử dụng chuẩn D50 (hay 5000), tông màu trung tính hoặc hơi ngả vàng để mô phỏng bản in và nguồn sáng tự nhiên tốt hơn.[5]
    • Một số màn hình có thể điều chỉnh trực tiếp trên nút bấm trên vật lý. Hãy thử dùng nút bấm nếu không tìm thấy thiết lập điều chỉnh cân bằng trắng hay nhiệt độ màu trong phần hướng dẫn hiệu chỉnh. Chọn "warm" (màu ấm) nếu không hiển thị con số chính xác.[7]
  6. Lên lịch lần hiệu chỉnh tiếp theo. Hãy hiệu chỉnh màn hình 2-4 tuần một lần để mức độ hiển thị luôn đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Các chuyên gia thường hiệu chỉnh màn hình trước khi thực hiện dự án quan trọng.

Lời khuyên[sửa]

  • Một số màn hình hiển thị độ sáng không đều. Bạn hãy kéo ảnh quanh màn hình và quan sát xem ảnh có sáng hơn hay tối hơn ở vị trí nào đó không.[2] Không có cách nào khắc phục vấn đề này ngoài việc thay màn hình mới. Nếu bạn chỉ quan sát một phần màn hình trong quá trình hiệu chỉnh, hãy cẩn thận để không làm lệch kết quả.
  • Một số màn hình tích hợp sẵn nút tự động hiệu chỉnh, mặc dù bạn muốn tự kiểm tra kiểm tra kết quả hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn cài đặt nhiều hơn một chương trình hiệu chỉnh trên máy tính, chỉ được chạy một chương trình mỗi lần hiệu chỉnh nếu không sẽ xảy ra xung đột.
  • Mỗi hãng máy in lại in ra màu sắc khác nhau, giấy in cũng vậy. Bạn có thể hiệu chỉnh máy in nhưng cần phải có phần mềm chuyên dụng.
  • Nếu dùng Windows Vista, bạn sẽ mất thông tin ICC (Tổ hợp Màu quốc tế) và/ICM(Trình quản lý Màu sắc Ảnh) trong quá trình đăng xuất hoặc khi kích hoạt User Account Control (Kiểm soát Tài khoản Người dùng).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]