Hoàng thành Thăng Long - Phát hiện khảo cổ học
Hoàng thành Thăng Long - Phát hiện khảo cổ học có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, được mọi người Việt Nam trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế quan tâm. Nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Hoàng thành Thăng Long - Phát hiện khảo cổ học của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Lời giới thiệu[sửa]
Phát lộ di tích Hoàng Thành năm 2003 đã gây nên một chấn động lớn trong dư luận xã hội và nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều báo chí coi phát hiện khảo cổ này là một trong những sự kiện văn hóa trọng đại năm 2003. Một số di vật được trưng bày tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội và sau đó chuyển vào trưng bày tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh được khách tham quan trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Trong Thư chúc Tết năm Giáp Thân 2004, chủ tịch nước Trần Đức Lương có đoạn viết: “... tiến hành khảo cổ ở khu vực Ba Đình Hà Nội làm xuất lộ nhiều di tích lịch sử - văn hóa vô giá về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Những thành tựu đó đang tiếp tục khích lệ, cổ vũ lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của nhân dân ta...” Thông cáo của Bộ Chính trị số 126-TB/TW ngày 5-11-2003, đánh giá “kết quả khai quật giúp chúng ta thêm hiểu rõ và tự hào về lịch sử dân tộc, về thủ đô Hà Nội” và cho phép chúng ta tiếp tục mở rộng diện tích khai quật, sớm có kết luận về giá trị khu di tích. Hội trường Ba Đình (mới) theo đề nghị của Chính phủ được chuyển đến địa điểm mới, còn Nhà Quốc hội sẽ được xem xét và quyết định sau khi có báo cáo về kết quả khai quật khảo cổ học.
Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và theo sự chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã thành lập hội đồng tư vấn khoa học để tập hợp chuyên gia các ngành liên quan tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích Hoàng Thành đã phát lộ và lập phương án bảo quản, bảo tồn lâu dài.
Như vậy là trong công cuộc khai quật khảo cổ học đang tiếp tục và việc nghiên cứu cũng đang triển khai. Trong lúc chờ đợi những kết luận và đề xuất chính thức của hội đồng tư vấn khoa học và các cơ quan chức năng, theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho xuất bản một cuốn sách nhỏ về Hoàng Thành Thăng Long, phát hiện khảo cổ học nhằm cung cấp tư liệu và nhận thức bước đầu của một số nhà khoa học. Cuốn sách tập hợp một số bài nghiên cứu của các chuyên gia, một số bài viết nói lên cảm nhận của một số nhà cách mạng lão thành, nhà quản lý, nhà khoa học, văn hóa và bạn đọc, khách tham quan trong nước và ngoài nước.
Công trình khoa học này đã nhận được sự quan tâm tìm nguồn tài trợ của ông Nguyễn Xuân Thảo, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư và đã được ông Phùng Văn Hệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và du lịch Bình Minh nhận tài trợ chi phí biên tập và xuất bản. Chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới nhà tài trợ.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được phần nào sự mong đợi của các nhà khoa học, văn hóa và các bạn đọc trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam hải ngoại muốn tìm hiểu một di sản văn hóa vô giá của dân tộc trên đất Thăng Long - Hà Nội đang chuẩn bị hướng tới kỷ niệm nghìn năm (1010 - 2010).
Xem thêm[sửa]
- Phát lộ Di tích Hoàng thành Thăng Long trong lòng đất Ba Đình – Hà Nội
- Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học
- Những vết tích của Hoàng thành Thăng Long trên mặt và dưới lòng đất
- Nhận định ban đầu về một số phế tích kiến trúc
- Tìm hiểu vài loại gạch cổ khai quật ở Ba Đình
- Một số di vật điêu khắc đá thời Lý Trần
- Về những dấu vết kiến trúc ở hố B16
- Những vết tích kiến trúc đáng lưu ý tại hố D2 và D7
- Những giá trị lịch sử của các hố D4 – D5 – D6
- Đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long
- Di cốt người cổ
Tác giả[sửa]
- GS Phan Huy Lê, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam