Kālidāsa

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Kālidāsa (Devanāgarī: कालिदास "bầy tôi của Kali") là tác giả tiếng Phạn lừng danh, là nhà thơ, nhà viết kịch vĩ đại nhất của Ấn Độ. Tuy không biết chính xác khoảng thời gian Kālidāsa sống, nhưng có lẽ vào thời triều đại Gupta, trong khoảng thế kỷ 4, 5 hoặc 6. Ông là người nổi danh của dòng thơ cổ ngữ Sanskrit 3 thế kỷ sau sư Mã Minh-Asvaghosha (tổ thứ 12 của Thiền tông Ấn Độ tác giả Cuộc đời Đức Phật kiệt tác bằng thơ của văn học phương Đông).

Cuộc đời[sửa]

Tương truyền ông mồ côi từ năm 6 tuổi, may gặp một người chăn bò đem về nuôi dưỡng, tuy ít học nhưng nhờ khôi ngô tuấn tú nên lọt vào mắt xanh nàng công chúa Bénarés xinh đẹp. Bị vợ khinh chê, ông ngày đêm cầu nguyện và được nữ thần Kali nuôi nấng và khai ngộ, từ đấy ông sáng tạo ra những lời thơ trác tuyệt (tên Kālidāsa có nghĩa là kẻ bầy tôi của nữ thần Kali). Cuối đời, ông bị một nữ thi sĩ ghen tức tài năng trong hội thi Thơ, giết chết(?).

Sinh thời ông sống ở vùng Ujjain, cảnh núi non làm nền cho thơ văn kịch của ông, chính nơi đây ông và 8 nhà thơ được mệnh danh là Cửu châu tức 9 viên ngọc quý của văn học Ấn Độ dưới triều đại Gupta được Hoàng đế Chandragupta II (380-414) vương hiệu Vikramaditya bảo trợ.

Tác phẩm[sửa]

Các vở kịch và thơ của Kālidāsa được dựa trên những câu chuyện thần thoại triết học Hindu. Vị trí của Kālidāsa trong tiếng Phạn có thể so sánh với vị trí của Shakespeare trong tiếng Anh.[1].

Nổi tiếng nhất trong những tác phẩm của ông chính là vở kịch thơ Shakuntala được nhân dân Ấn Độ xem là kỳ công thứ nhất trong văn học Ấn Độ. Và là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất lịch sử văn học của nhân loại.

Tóm tắt vở kịch thơ Sơkuntơla

Kịch Shakuntala vừa là thơ, vừa là văn xuôi, có 7 hồi và phần dạo đầu.

  • Màn dạo đầu: Người đạo diễn đọc kinh cầu nguyện Đấng người Isva (Thượng đế) phù hộ cho con người. Tiếp đó người đạo diễn và nữ diễn viên giới thiệu với khán giả tên vở kịch Shakuntala và tác giả của nó. Người đạo diễn khuyên các diễn viên phải nỗ lực cho tốt để liên tục chiếm cảm tình của khán giả từ đầu đến cuối.
  • Hồi 1: Tả lại cảnh Đusơnta, một vị vua tuấn tú trẻ trung, nhân đem quân lính và ngựa xe vào rừng săn bắn, đuổi theo một con hươu mà lạc vào vườn tu của đạo sĩ Kanoa đang lúc đạo sĩ đi vắng. Bất ngờ Đusơnta gặp được nàng Shakuntala, con nuôi của đạo sĩ. Sắc đẹp lộng lẫy của nàng khiến nhà vua mê say, yêu nàng và muốn cưới nàng làm vợ.
  • Hồi 2: Vua Đusơnta với anh hề Mađavia (vừa là bạn thân nhà vua) bàn cách ở lại vườn tu để Đusơnta có điều kiện tình tự với nàng Shakuntala. Lúc này bỗng có lệnh Đức Thái Hậu gọi Đusơnta về triều làm lễ cầu phúc. Thật khó bề phân giải. Một bên là lệnh của mẹ, một bên là lệnh của thần tình yêu đang giằng co trong lòng Đusơnta; cuối cùng Đusơnta quyết định ở lại vườn tu và phái Mađavia đóng vai hoàng đế thay mình trở về làm lễ cầu phúc cho trọn nghĩa.
  • Hồi 3: Phút đầu gặp Đusơnta, Shakuntala đem lòng yêu thầm trộm nhớ khiến nàng phải ốm tương tư. Các bạn gái cùng sống trong vườn tu bày cách cho nàng lấy móng tay đề thơ trên lá sen để thổ lộ tâm tình với nhà vua. Các bạn gái đã khéo bố trí cho Đusơnta và Shakuntala ân ái với nhau và hai người đã kết hôn theo tục Ganđacva. Đang say mê trong hạnh phúc thì tiếng của thiên thần trên không báo cho nhà vua biết phải mau mau trở về triều để dẹp loạn ma quỷ.
  • Hồi 4: trước khi trở về kinh đô, Đusơnta thề thốt đủ điều và trao cho Shakuntala chiếc nhẫn có khắc tên mình làm tin và hứa sẽ cho quần thần đến rước nàng vào cung điện làm hoàng hậu. Tháng ngày mong mỏi đợi chờ nhưng chẳng thấy tin tức vua Đusơnta đâu cả. Nàng nhớ nhung sầu muộn, biếng ăn, biếng ngủ, xao lãng mọi công việc hàng ngày. Một hôm có đạo sĩ Daruva ghé vào vườn tu xin nghỉ trọ. Shakuntala đang lúc buồn ngẩn ngơ không nói năng chào hỏi đạo sĩ khiến đạo sĩ nổi giận quở phạt Shakuntala bằng cách đọc câu thần chú nguyền rủa người yêu của nàng phải mất trí nhớ và quên hẳn nàng đi.
  • Hồi 5: Shakuntala vào hoàng cung. Nhà vua không nhớ nên không nhận ra sơn nữ khi xưa. Khi các bạn gái nhắc tới cái nhẫn, thì mới biết đã đánh rơi ở sông Hằng. Nhà vua nổi giận, nhưng vì tục lệ nên Shakuntala phải ở lại. Nàng sống trong cô đơn tuyệt vọng, cầu xin thiên thần cho mình về với Đất mẹ. Một đám mây kéo tới cuốn nàng đi.
  • Hồi 6: Một ngư dân khi mổ bụng cá, thấy chiếc nhẫn trong bụng con cá và đem nộp cho nhà vua. Nhìn thấy chiếc nhẫn của mình, Dusyanta sực nhớ tới chuyện xưa, nhớ tới sơn nữ Shakuntala.
  • Hồi 7: Dẹp loạn ma quỷ thắng lợi, Dusyanta được gặp Kasyapa và Aditi, nhận thưởng công trạng. Dusyanta gặp lại nàng Shakuntala vợ mình cùng đứa con tuấn tú có khả năng thuần được mãnh thú. Họ trở về hoàng thành trong lễ đón tưng bừng của dân chúng. Hoàng tử Bharata (nghĩa: được trìu mến) lên thay vua cha trị vì thiên hạ.

Trong kịch Shakuntala, Kālidāsa thêm tình tiết tặng nhẫn, lời nguyền của đạo sĩ Daruva, tình tiết rơi nhẫn ở sông Hằng, Shakuntala trở về với Đất mẹ. Một ngư dân mổ bụng cá thấy chiếc nhẫn, đem nộp nhà vua, tình tiết dẹp loạn và nhận thưởng cũng là tình tiết Kālidāsa thêm vào trong kịch, ở trong truyền thuyết không có chi tiết này. Trong truyền thuyết chỉ là một lệnh do thiên thần gửi tới nhà vua. Nhà vua tỉnh ngộ, đoàn tụ cùng vợ con. Kịch thơ Shakuntala của Kālidāsa mang tinh thần Hindu giáo, kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tính sử thi của anh hùng ca và tính trữ tình, thấm đượm tính nhân bản, với khát khao tình yêu trong sáng và chung thủy.

Ngoài Shakuntala, ông còn để lại những vần thơ trữ tình tuyệt đẹp trong tập thơ Meghadùta-Mây đưa tin (Cloud Messenger) và tập Rahahuyansa-Bốn Mùa Hiển Hiện (The expositions of the seasons). Và vở kịch Kumarasambhava-Khai sinh Thần Chiến tranh.

Đánh giá[sửa]

Mười lăm thế kỉ qua ông vẫn chiếm địa vị độc tôn "chúa thơ" trong nền văn học Ấn Độ. Ông biết vận dụng và phát triển cao độ tính hình ảnh và tính uyển chuyển của thơ ca Sanskrit và văn học dân gian Ấn Độ đến mức độ chưa từng thấy để ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên và đất nước. Ông đã hấp thụ được những truyền thống văn hóa lâu đời và rực rỡ của nền văn minh Ấn Độ. Bản chất là một người yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, đặc biệt là lòng thương yêu con người sâu sắc, Kālidāsa đã tiếp tục phát triển chủ đề tình yêu trong một xã hội mà chế độ đẳng cấp khắc nghiệt đang ngự trị, và có lẽ cũng chính vì thế Kālidāsa đã trở thành một trong những nhà thơ, nhà viết kịch lớn của thời đại. Ông được nhà vua Ấn Độ Chandragupta II mời vào cung và được coi là một trong chín viên ngọc quý của hoàng cung. Kālidāsa có nhiều sáng tác về thơ ca, về kịch, trong đó nổi tiếng nhất là tập thơ trữ tình Mây đưa tin và vở kịch thơ Sơkuntơla viết bằng tiếng Sanskrit, vở kịch thơ này đã đi vào tâm tư tình cảm của người dân Ấn Độ, đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác, những hoạt động văn hóa của họ (ngâm vịnh, diễn kịch, đóng phim, hội họa, âm nhạc...).

Tham khảo[sửa]

  1. R A Malagi (2005), “Toward a Terrestrial Divine Comedy: A study of The Winter's Tale and Shakuntalam, trong Poonam Trivedi; Dennis Bartholomeusz, India's Shakespeare: translation, interpretation, and performance, University of Delaware Press, tr. 123, ISBN 9780874138818, http://books.google.com/books?id=n5lKp1XE2OQC&pg=PA123&dq=kalidasa+shakespeare#PPA124,M1 

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây