Khiến chàng yêu bạn hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Những mối quan hệ đều cần có sự nỗ lực của cả hai bên, nhưng việc cải thiện nó không nhất định phải là một quá trình phức tạp. Chỉ cần biết cách giao tiếp hiệu quả hơn và thay đổi cách cư xử với nhau là mối tình của các bạn sẽ từ ngọt ngào trở thành tuyệt vời.

Các bước[sửa]

Cải thiện cách giao tiếp[sửa]

  1. Đừng coi sự hiện diện của anh ấy là đương nhiên. Nếu hai bạn đã yêu nhau lâu rồi, việc coi nhau như vậy là chuyện bình thường. Đây là một trong những thử thách lớn nhất trong một mối quan hệ, nhưng đừng để nó phá hủy tình yêu của bạn.[1]
    • Trong tuần, hãy thể hiện cho anh ấy biết những điều mà bạn yêu ở anh ấy. Ví dụ: đó là khả năng nhận ra bạn vừa có một ngày tồi tệ của anh ấy và anh ấy sẽ mang tới cho bạn một chiếc bánh pizza và một bộ phim. Có thể đó là tài năng chơi bóng chuyền của anh ấy. Dù bạn yêu anh ấy vì điều gì, hãy nghĩ về chúng. Thỉnh thoảng, nói cho anh ấy biết những điều tuyệt vời của anh ấy. Đó cũng là một ý tưởng rất hay.
    • Tuy nhiên, đừng làm quá và trở nên quá đeo bám. Liên tục kiểm tra mọi thứ anh ấy làm để xem ấy có “thật lòng” yêu bạn không sẽ khiến cả hai bị khó chịu và căng thẳng. Nếu anh ấy nói là anh ấy yêu bạn, và những hành động của anh ấy thể hiện điều đó (đôi khi, người ta có thể mắc sai lầm), hãy cứ tin anh ấy.
  2. Là người biết lắng nghe. Đôi khi, bạn rất dễ “mất tập trung” vào cuộc trò chuyện, nhất là khi bạn không thích anh ấy lắm, hoặc bạn bị phân tâm bởi những vấn đề của riêng mình. Học cách nhận ra mỗi lúc mình mất tập trung và tập cách “lắng nghe chủ động”. Người yêu bạn sẽ cảm thấy được tôn trọng và ghi nhận hơn, và có thể bạn cũng sẽ học được những điều mình chưa biết.[2][3]
    • Nhắc lại và làm rõ những điều mà bạn vừa nghe. Bước này có thể giúp bạn tránh được nhiều rắc rối, nhất là hai bạn đang nói một câu chuyện tình cảm. Thay vì ngồi phỏng đoán về những gì bạn vừa nghe, hãy nhắc lại những điều đó và hỏi rõ: “Thôi được, để em nói lại xem có đúng không nhé. Anh vừa nói là….. Đúng không?”. Sau đó, hãy để chàng giải thích nếu có gì đó bạn chưa hiểu đúng.
    • Động viên. Việc này sẽ thể hiện rằng bạn thật sự để tâm tới những điều anh ấy nói. Hỏi những câu như “Rồi chuyện gì đã xảy ra?”, hoặc là “Anh đã làm gì?”. Bạn có thể gật đầu và tỏ ra đồng thuận bằng những câu “À há” hoặc “Ừ”.
    • Tóm tắt lại câu chuyện. Khi bạn vừa được nghe một câu chuyện dài, hãy tóm tắt lại những điểm chính. Việc này sẽ thể hiện bạn rất chú ý lắng nghe, đồng thời cho anh ấy có cơ hội sửa lại hoặc phản hồi: “Vậy là anh đang lo rằng ngày mai sẽ là một ngày căng thẳng ở văn phòng, nên anh muốn tối mai em qua đón anh và chúng mình cùng đi chơi điện tử, phải không?”
    • Những kỹ năng trên không chỉ có tác dụng trong tình yêu. Chúng có thể cải thiện cách bạn giao tiếp với bất kỳ ai.
  3. Hỏi han. Không chỉ hỏi những câu như “Hôm nay anh đã làm gì?”, hay là “Anh muốn ăn gì?”. Hãy hỏi những câu hỏi thăm dò và ý nghĩa để làm câu chuyện thêm thú vị. Nó sẽ khuyến khích hai bên chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy: khi hỏi những câu hỏi thân mật hơn, tình cảm của hai bạn sẽ được cải thiện và bạn sẽ cảm thấy mình đang yêu.[4]
    • Ví dụ, khi bạn trai đang nói về vấn đề với một trong những môn học của anh ấy, hãy hỏi những câu hỏi thăm dò như: “Nếu lúc đó mà anh làm thế này… thì sao?”
  4. Tránh đổ lỗi. Những câu nói tập trung vào “anh” và có tính chất đào bới “nguyên nhân” sẽ gây ra nhiều vấn đề.[3] Những câu đó nghe như đổ lỗi, khiến người kia mất hứng và đáp lại bạn theo hướng phòng thủ.[5]
    • Ví dụ, bạn không nên hỏi những câu như thế này: “Tại sao anh lúc nào cũng quên đến đón em thế?”. Nghe như bạn đang rất tức giận hoặc đang kết tội anh ấy.
    • Thay vào đó, dùng những câu tập trung vào “em”. Bạn có thể hỏi những câu hỏi thiên về tính thông tin. Ví dụ: “Em cảm thấy buồn vì anh không đến đón em như đã hẹn. Anh đã gặp chuyện gì nên không tới được à?”. Câu này không có tính chất kết tội (miễn là bạn đừng nói mỉa anh ấy), nó sẽ cho anh ấy hiểu được cảm giác của bạn và có cơ hội được bày tỏ cảm giác của mình.
  5. Đừng thuyết giáo. Hãy nhường việc thuyết giáo người khác cho các linh mục. Con người thường có xu hướng thích khuyên bảo người khác, đặc biệt là trong một mối quan hệ. Đưa ra lời khuyên khi và chỉ khi được hỏi. Còn không, khuyên bảo có thể bị coi là hành động công kích, giáo điều hoặc là thiếu lòng tin vào khả năng của người kia.[3]
    • Đôi lúc, khi có người hỏi xin lời khuyên, điều mà họ thực sự cần lại là một người biết lắng nghe và thông cảm. Nếu bạn nghĩ rằng bạn trai của mình cũng vậy, hãy hỏi anh ấy: “Anh cần một người lắng nghe anh nói hay một người giải quyết chuyện này?”[6]
    • Tránh xa từ “Nên”. Không ai thích bị người khác bảo “Bạn nên làm thế này” hay “Bạn phải làm thế này”. Họ sẽ tự cảm thấy mình thật ngớ ngẩn hoặc bạn là một người kẻ cả. Thay vào đó, hãy hỏi những câu như “Thế còn ____ thì sao?” hoặc “Anh đã thử ____ chưa?”
  6. Bỏ qua chuyện đúng sai. Việc này thật sự rất khó. Nhiều lúc, chúng ta đều thích việc được công nhận là “đúng”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không có chuyện “đúng” hay “sai” một cách rõ ràng. Đừng bắt đầu một cuộc hội thoại với bạn trai của mình như bắt đầu một trận chiến.[7][8]
    • Như vậy không có nghĩa là bạn không có quyền thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình. Hãy nhớ rằng anh ấy “cũng” có quyền được thể hiện chúng. Cảm xúc thì không có “đúng” hay “sai”. Chúng chỉ đơn thuần là cảm xúc thôi. Điều mà hai bạn có thể kiểm soát được hcinhs là cách mình đáp lại những cảm xúc đó.[9]
    • Ví dụ, hãy tưởng tượng anh ấy đến bên cạnh và nói rằng bạn đã khiến anh ấy xấu hổ trước mặt bạn bè. Bạn có thể cảm thấy như thế thật không hay ho gì, nhưng hãy thừa nhận cảm xúc đó của anh ấy: “Em xin lỗi vì đã làm anh xấu hổ”. “Sau đó”, bạn có thể giải thích: “Em không biết là việc đó sẽ khiến anh cảm thấy thế. Em sẽ không bao giờ làm vậy nữa”.
    • Nếu bạn khiến anh ấy có cảm giác phải phòng vệ, anh ấy sẽ không nghe lí lẽ của bạn nữa. Nếu bạn thừa nhận cảm xúc của anh ấy trước, và giải thích cho anh ấy nghe vào thời điểm thích hợp, anh ấy sẽ cảm thấy được tôn trọng và sẽ dễ dàng chấp nhận việc bạn đã không có ý gì xấu.
    • Không cố gắng phân biệt “đúng – sai” không có nghĩa bạn là một người dễ dàng thỏa hiệp. Nếu bạn thật sự cảm thấy có điều gì đó quan trọng, hãy nói về nó. Chỉ cần nhớ là phải lắng nghe cả quan điểm của người kia nữa. Có thể thỏa hiệp sẽ là giải pháp tốt nhất.
  7. Nói về những bí mật thầm kín. Nếu hai bạn không chia sẻ những điều thân mật, và đôi khi là cả những suy nghĩ, nhu cầu và cảm giác thầm kín, mối quan hệ của hai bạn có thể sẽ phát sinh vấn đề.[7] Nhiều nghiên cứu cho thấy: những cặp đôi không cởi mở với nhau về cảm xúc và nhu cầu sẽ không cảm thấy an tâm và hạnh phúc bằng những cặp đôi biết chia sẻ điều đó.[10] Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy: những cặp đôi không giao tiếp cởi mở và thẳng thắn với nhau thưởng có cảm giác không yên tâm về mối quan hệ của họ.[11]
    • Đừng bao giờ cho rằng cảm xúc của bạn thân hoặc người yêu là “ngớ ngẩn” hoặc “trẻ con”. Điều đó sẽ giết chết lòng tin. Cả hai bạn đều cần phải cảm thấy an toàn khi chia sẻ với nhau cả những nỗi sợ hãi trong lòng.
    • Đừng che giấu những cảm xúc của mình để trông có vẻ “mạnh mẽ” hơn. Dồn nén hoặc che đậy cảm xúc sẽ dẫn tới sự oán giận và làm tổn thương mối quan hệ của bạn.[12]
    • Khi anh ấy chia sẻ với bạn, hãy thể hiện mình đang lắng nghe và thông cảm bằng cách nói những câu như: “Em rất trân trọng mong muốn được chia sẻ của anh” hoặc “Em nghe thấy anh nói là anh sợ bởi vì ____”. Những câu nói mang tính chất ghi nhận và cởi mở đó sẽ khiến anh ấy cảm thấy bạn là một người đáng tin cậy.[5]
  8. Tránh xa thái độ “xung hấn thụ động”. Các hành vi xung hấn thụ động thường trái ngược với cách giao tiếp thẳng thắn và cởi mở, và nó sẽ sớm giết chết một mối quan hệ. Nó thường bắt nguồn tự sự giận dữ hoặc tổn thương. Bạn có thể cảm thấy rất muốn “trừng phạt” anh ấy nếu anh ấy khiến bạn buồn, nhưng nói thẳng về chuyện đó thì sẽ lành mạnh hơn (và hiệu quả hơn). Có rất nhiều kiểu xung hấn thụ động trong một mối quan hệ, nhưng dưới đây là một số kiểu mà bạn nên để ý tới:[1][13]
    • “Quên” làm một việc gì đó. Một trong những hành vi xung hấn thụ động phổ biến trong một mối quan hệ là “quên” làm một việc gì đó mà mình không muốn làm. Bạn có thể “quên” mua vé xem phim vì bạn không muốn đi xem. Anh ấy có thể “quên” lễ kỷ niệm nếu bạn làm anh ấy buồn. Kiểu cư xử này sẽ khiến cả hai bên tổn thương.
    • Muốn một đằng, nói một nẻo. Mỉa mai là cách làm tổn thương người khác nhanh nhất. Đôi khi, mọi người dùng những câu nói xung hấn thụ động để gián tiếp thể hiện việc bị mất lòng hoặc không vui. Ví dụ, nếu bạn trai quên rằng hai người đã hẹn trước vào tối thứ Sáu, và anh ấy đã trót mua vé đi xem thể thao, một câu đáp trả xung hấn thụ động sẽ giống thế này: “Không, em giận làm gì? Em thấy thích khi anh quên mất những điều quan trọng đối với em. Anh cứ đi xem thể thao đi”. Thay vì bày tỏ cảm xúc của mình một cách thẳng thắn, kiểu ăn nói như vậy sẽ khiến anh ấy đề phòng và bối rối (nhiều người thật sự không thể hiểu được ẩn ý của những câu nói mỉa).
    • Chơi trò “chiến tranh lạnh”. Khi bạn buồn hoặc bị tổn thương, bạn có thể lờ đi hoặc giả vờ không nghe thấy những gì anh ấy nói. Kiểu cư xử này cũng gây ra nhiều thiệt hại vì nó sẽ khiến mọi nỗ lực bắt chuyện tiêu tan, và có thể sẽ khiến cả hai không cảm thấy muốn nói gì với nhau nữa. Nếu bạn cần thời gian để bình tĩnh lại – một điều rất tự nhiên và lành mạnh – thì hãy nói thẳng ra: “Em rất buồn và không muốn nói gì bây giờ. Hãy cho em khoảng một tiếng, rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau”.
  9. Để ý ngôn ngữ cơ thể của mình. Cách giao tiếp không dùng tới ngôn từ – cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể – sẽ thể hiện nhiều điều hơn những lời nói. Hãy để ý tới ngôn ngữ của mình. Nó có thể gửi đi những thông điệp khác với ý của bạn.[14]
    • Đừng khoanh tay và hãy thả lỏng chúng. Khoanh tay trước ngực khiến bạn có vẻ rất phòng thủ hoặc khép kín.
    • Giao tiếp bằng mắt. Việc bạn tránh giao tiếp bằng mắt sẽ cho người kia thấy bạn không hứng thú hoặc không lắng nghe những gì anh ấy đang nói. Hãy cố gắng giao tiếp bằng mắt ít nhất 50% thời gian nói chuyện, và 70% trong lúc đang lắng nghe.[15]
    • Tránh dùng động tác chỉ tay. Hành động này mang tính chất buộc tội hoặc đe dọa
    • Luôn quay người về phía người mà bạn đang trò chuyện. Quay đi hoặc nghiêng sang một bên cho thấy bạn không quan tâm tới câu chuyện.

Xây dựng tình yêu qua hành động[sửa]

  1. Để công nghệ qua một bên. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nhưng trớ trêu thay, việc này lại dễ dàng khiến bạn và bạn trai xa cách nhau hơn. Hai bạn sẽ không thể thực sự giao tiếp với nhau nếu cứ cắm mặt vào điện thoại và máy tính. Hãy dành một khoảng thời gian chỉ có riêng hai người: không điện thoại, không máy tính, không trò chơi điện tử.[16]
    • Bạn có thể đang cầm điện thoại mà thậm chí còn không nhận ra điều đó. Nếu đây là vấn đề của bạn, hãy để điện thoại ở một nơi khác, ví dụ như trong một cái hộp ở cạnh cửa ra vào, mỗi khi đến “giờ không dùng công nghệ” của hai bạn.
    • Nếu hai bạn không sống chung, ngoài việc nhắn tin, hãy gọi điện thoại hoặc dùng Skype. Trong giao tiếp, có những biểu hiện qua giọng nói, cử chỉ và nét mặt mà những tin nhắn không thể truyền tải được[17] Hãy cố gắng tán gẫu với nhau mỗi ngày một vài phút một cách thật thân mật. Việc này sẽ giúp hai bạn kết nối và khiến anh ấy muốn tiếp tục duy trì sự thân mật như ban đầu.
  2. Điều chỉnh lịch sinh hoạt. Bạn còn nhớ hồi mới hẹn hò, mỗi cuộc hẹn đều là một điều mới mẻ không? Bạn đã hào hứng gặp nhau tới mức không thể chờ nổi tới giờ hẹn. Nếu hai bạn đã đi vào “lối mòn” trong tình yêu, hãy cùng thay đổi cách sinh hoạt để khiến cả hai hứng thú với việc ở bên nhau hơn.[18]
    • Thử những thứ mới mẻ.Những thứ mới mẻ, dù là một nhà hàng mới hay một sở thích mới, cũng sẽ giúp hai bạn gắn kết hơn khi cùng trải nghiệm. Nó cũng sẽ làm giàu “vốn giải trí” của hai bạn.
    • Cải thiện những hoạt động hiện tại. Ví dụ, nếu hai bạn thích cùng xem phim, hãy xem bạn có thể làm gì để khiến nó thú vị hơn. Hãy để ý xem rạp chiếu phim còn chiếu bộ phim mà bạn yêu thích không. Bạn cũng có thể tham gia hoạt động xem phim ngoài trời vào mùa hè. Tham gia một bữa tối có chiếu kèm các bộ phim hoặc hát ka-ra-o-ke. Hãy nấu một bữa tối theo chủ đề của bộ phim tiếp theo mà bạn sắp xem (ví dụ như xem phim “Goodfellas” và ăn mỳ Ý).
  3. Hãy tìm ra những việc mà cả hai cùng thích làm. Những việc đó không nhất thiết phải là những việc lớn lao. Thậm chí chỉ là việc cùng làm bài tập ở quán cà-phê cũng được. Dành cho nhau những khoảng thời gian chất lượng sẽ giúp hai bạn gắn kết với nhau hơn.
  4. Cho bạn trai có khoảng thời gian của riêng anh ấy. Những mối quan hệ trở nên tuyệt vời nhất khi cả hai vẫn duy trì được những sở thích riêng và có thời gian riêng với bạn bè của mình.[18] Cả hai bạn cần phải có những khoảng thời gian không ở bên nhau. Không ai thích bị theo dõi hoặc bám đuôi suốt ngày.
    • Hành động này cho thấy bạn tin tưởng anh ấy. Nếu bạn để anh ấy biết rằng anh ấy đã có được lòng tin của bạn, anh ấy sẽ không dễ dàng để mất lòng tin đó. Nếu bạn không tin vào anh ấy, rất có thể anh ấy sẽ phản bội bạn do tức giận khi bạn như vậy.[19]
    • Dù hai bạn có yêu nhau đến đâu, không bao giờ hai bạn có thể đáp ứng được hết mọi nhu cầu của nhau. Dành thời gian cho bạn bè và những thú vui khác sẽ khiến hai bạn luôn vui vẻ, khỏe mạnh và cởi mở. Việc đó cũng khiến khoảng thời gian mà hai bạn dành cho nhau trở nên đặc biệt hơn.
  5. Cá tính hóa những món quà và những buổi đi chơi. Đặc biệt nếu như bạn trai của bạn thích được tặng quà hoặc nhận những sự bất ngờ, việc bạn làm riêng cho họ một thứ gì đó sẽ thể hiện rằng: bạn hiểu anh ấy hơn ai hết, và bạn rất quan tâm tới nhu cầu lẫn sở thích của anh ấy.
    • Bạn trai của bạn có thích thể thao không? Anh ấy có thích cảm giác hưng phấn không? Hãy cùng nhau đi xem một trận bóng đá, bóng rổ hoặc bóng bầu dục. Hoặc là đưa anh ấy tới một công viên giải trí để chơi tàu lượn suốt 3 giờ đồng hồ.
    • Bạn trai bạn có phải là người lãng mạn không? Bạn có hiểu cảm xúc của anh ấy không? Hãy tặng anh ấy những tập thơ của Nguyễn Phong Việt hoặc Lương Đình Khoa, nhớ ghi trên bìa sách một câu lãng mạn như: “Tình yêu trong từng câu chữ của tập thơ này đều là dành cho anh. Yêu anh bằng cả trái tim”.
    • Bạn trai của bạn có thích những hoạt động ngoài trời không? Cùng anh ấy đi dã ngoại và ngủ trong túi ngủ với nhau. Bạn cũng có thể cùng anh ấy đi xem thủy cung hoặc tham quan vườn quốc gia.
  6. Để lại những lời nhắn trong túi đồ ăn trưa hoặc túi áo sơ-mi của anh ấy. Nếu bạn trai bạn thích những câu nói động viên (bạn có thể đọc thêm về “Năm ngôn ngữ của tình yêu”), hãy để lại cho anh ấy những lời nhắn nhủ. Dù chúng đơn giản, hài hước, thậm chí là hơi kỳ quặc, chúng sẽ thể hiện được sự quan tâm của bạn.[14]
    • Ghi những lời nhắn khiến anh ấy cảm thấy dễ chịu nhất. Nếu anh ấy cảm thấy khó chịu với những câu nói vồn vã, hãy để lại những lời nhắn vui nhộn dễ thương. Nếu anh ấy thích cách thể hiện tình cảm thân mật, hãy nói với anh ấy rằng anh ấy có ý nghĩa đối với bạn như thế nào.
    • Con người thường rất nhanh quen với những điều vui vẻ trong cuộc sống. Hiện tượng này được gọi là “hưởng lạc đáp ứng”. Bạn không nên để lại quá nhiều lời nhắn đến mức chúng mất hết ý nghĩa. Kể cả những điều tốt cũng không nên có quá nhiều.[20]
  7. Có những cử chỉ tình cảm. Việc này đặc biệt quan trọng nếu anh ấy coi những cử chỉ “động chạm cơ thể” là cách thể hiện tình yêu. Đừng làm gì khiến anh ấy xấu hổ, nhưng hãy để anh ấy biết rằng anh ấy rất đáng yêu.
    • Xem bạn trai mình thích điều gì. Có thể anh ấy thích lúc bạn cắn nhẹ vào cổ anh ấy, hoặc cũng có thể ghét. Nắm được những gì anh ấy thích và khiến anh ấy hưng phấn hơn sẽ giúp bạn biết cách thể hiện tình cảm một cách phù hợp.
    • Mặc những bộ đồ “gợi cảm” khi ở bên anh ấy sẽ khiến tình yêu của hai bạn thêm thú vị. Tìm hiểu xem anh ấy thấy thế nào là nóng bỏng và thỉnh thoảng làm gì đó đặc biệt. Anh ấy sẽ rất sẵn lòng đáp lại tình cảm của bạn.
    • Nhớ rằng ngoài “chuyện yêu”, vẫn còn nhiều cử chỉ thân mật khác để thể hiện tình cảm của mình. Hãy thử nắm tay, ôm hôn và vuốt ve nữa. Có nhiều cách để thể hiện tình yêu với nhau là một điều tốt.
    • Đừng giận hờn nếu anh ấy không thích những cử chỉ tình cảm giống như bạn. Mỗi người một khác.[21]
  8. Thỉnh thoảng, hãy đi chơi với bạn bè của anh ấy. Việc hai bạn có những sở thích và bạn bè riêng rất quan trọng, nhưng mối quan hệ cũng sẽ được củng cố nếu hai bạn đi chơi cùng nhóm bạn của nhau.[22]
    • Một vấn đề thường xảy ra khi bạn có một mối tình mới là: bạn đi chơi với bạn trai nhiều hơn là với nhóm bạn của mình. Việc này sẽ khiến bạn bè của bạn cảm thấy bị bỏ rơi, đồng thời khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Hãy giới thiệu bạn trai mình với các bạn bằng cách thỉnh thoảng mời anh ấy đi chơi cùng mọi người. Đôi khi, bạn cũng nên đi chơi với nhóm bạn của anh ấy.
  9. Hẹn hò ở một nơi nào đó để thư giãn và trò chuyện. Ví dụ: hai bạn có thể thưởng thức một bữa tối yên tĩnh và để cho anh ấy biết anh ấy có ý nghĩa thế nào với bạn. Hãy để anh ấy chia sẻ quan điểm và cảm xúc của mình. Thực sự lắng nghe những gì anh ấy nói, nhưng hãy có đôi lời nhận xét để cuộc trò chuyện được trôi chảy. Hãy hỏi han vài điểm nếu cần thiết.
    • Tạo ra những cuộc hẹn hò mà anh ấy thích. Hãy nghĩ tới những hoạt động mà hai bạn có thể gần gũi nhau hơn như: chèo thuyền, leo núi, đi sở thú, đi du lịch bằng tàu hỏa, đi dã ngoại...
  10. Tận hưởng trọn vẹn một ngày bên nhau. Hãy xin nghỉ học/ nghỉ làm một ngày. Hãy cùng nhau làm gì đó bất ngờ như sáng tác bài hát và ghi âm lại. Hãy tận hưởng ngày tự do của hai bạn dù chỉ có một ngày, và sống như thể hai bạn chỉ còn lại một ngày để yêu.[6]
    • Cùng nhau tạo ra những kỷ niệm để sau này cùng ngồi ôn lại. Các nghiên cứu khoa học cho thấy: ôn lại những kỷ niệm vui vẻ sẽ giúp hai bạn gắn bó hơn.[23]

Hiểu bạn trai của mình hơn[sửa]

  1. Học cách cho và nhận trong tình yêu. Theo nhà tâm lý học Gary Chapman, con người có những “ngôn ngữ tình yêu” dùng để thể hiện tình cảm của mình và đón nhận cách thể hiện tình cảm của người khác. Hiểu được ngôn ngữ tình yêu của nhau sẽ giúp bạn biết cách thể hiện tình cảm của mình sao cho anh ấy cảm thấy dễ tiếp thu nhất. Nếu bạn và anh ấy có những ngôn ngữ tình yêu khác nhau và không hiểu được nhau, mối quan hệ sẽ khá căng thẳng. [24]
    • Theo nhà tâm lý học Chapman, năm loại ngôn ngữ tình yêu bao gồm: “Lời nói động viên”, “Sự quan tâm chăm sóc”, “Quà tặng”, “Thời gian gần gũi” và “Vuốt ve âu yếm”.[25]
      • “Lời nói động viên” bao gồm những lời khen, động viên, hoặc “bày tỏ” tình cảm của bạn.
      • “Sự quan tâm chăm sóc” bao gồm làm những công việc nhỏ nhặt thường nhật mà người kia có thể không thích làm.
      • “Quà tặng” là những món quà hoặc hiện vật để thể hiện tình yêu, ví dụ như hoa.
      • “Thời gian gần gũi” là khoảng thời gian bạn dành cho người yêu mà không có thứ gì làm gián đoạn hoặc xao nhãng.
      • “Vuốt ve âu yếm” là những cử chỉ động chạm, bao gồm ôm hôn hoặc ân ái.
    • Cách để nắm bắt được những ngôn ngữ đó là chia sẻ với nhau. Như vậy, nếu bạn trai bạn thích “Vuốt ve âu yếm” hơn “Quà tặng”, bạn sẽ biết cách thể hiện tình yêu của mình với anh ấy theo đúng cách anh ấy có thể tiếp nhận được. Tương tự, nếu bạn trai của bạn biết “Quà tặng” là ngôn ngữ tình yêu của bạn, anh ấy sẽ không còn bối rối mỗi khi thấy bạn không coi việc anh ấy đi đổ rác là một biểu hiện của tình yêu.
    • Bạn hãy ghi nhớ những điều này để luôn bắt được đúng những tín hiệu của tình yêu mà bình thường bạn không nhận ra.
  2. Cân bằng giữa sự gần gũi, gắn bó và đam mê. Đây chính là ba yếu tố trong lý thuyết tình yêu của Robert Sternberg. Dù các nhà tâm lý học có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng nhìn chung, “tình yêu” lãng mạn là thứ khiến bạn có cảm giác gần gũi và gắn bó với một đối tượng cụ thể. Đam mê, hoặc ham muốn là thứ thuộc về dục vọng, bạn có thể cảm thấy điều đó với một người hoặc hơn. Trong các mối quan hệ, ham muốn là một cảm giác mang tính chất xúi giục: khi bạn nhìn thấy một người quyến rũ, bạn sẽ có cảm giác muốn theo đuổi người ta. Tinh yêu lại cần tới thời gian để trở nên bền chặt và lớn mạnh.[26]
    • Trong các mối quan hệ, cảm giác tình cảm lúc lên lúc xuống là chuyện bình thường. Trong giai đoạn đầu của tình cảm, - thường được gọi là giai đoạn “trăng mật” - sự ham muốn sẽ ở đỉnh cao: cả hai bạn đều không thể rời nhau ra và bạn gần như bị vẻ quyến rũ của đối phương ám ảnh.[27] Điều đó rất tuyệt, nhưng giai đoạn này sẽ kết thúc một cách tự nhiên khi hai bạn dành nhiều thơi gian ở bên nhau và hiểu nhau hơn.[28]
    • Sau khi những ham muốn ban đầu đã phai nhạt, bạn sẽ cảm thấy mình đã lý tưởng hóa người yêu của mình do sự hoạt động mạnh của những hóa chất trong não.[27] Khi sự hưng phấn trôi qua, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những thứ khiến bạn bực mình, ví du như cách anh ấy xỉa răng trước mặt bạn hoặc đi mua đồ đạc khác hẳn với bạn. Việc này là bình thường. Đây chính là lúc “tình yêu” xuất hiện. Tình yêu sẽ cho bạn sự kiên nhẫn để bỏ qua những điều phiền phức nhỏ nhặt đó bởi vì bạn thực sự có tình cảm với anh ấy.
    • Điều đó không có nghĩa là sự ham muốn sẽ biến mất sau vài tháng hẹn hò. Hãy dành thời gian để khám phá những gì khiến hai bạn cảm thấy bị kích thích. Hãy trao đổi những nhu cầu tình dục với nhau. Hãy làm những việc thú vị và vui vẻ cùng nhau.
  3. Biết rằng mỗi người đều có một cách giao tiếp khác nhau. Cuốn sách “Đàn ông Sao Hỏa, đàn bà Sao Kim” là một chân lý phổ biến, nhưng sự thật thường phức tạp hơn trong sách nhiều. Ngay cả những người có cùng giới tính cũng có những cách giao tiếp khác nhau. Dù bạn đồng tính hay dị tính, nếu có lúc bạn cảm thấy mình và người yêu không nói chung một ngôn ngữ, đó là vì hai bạn có kiểu giao tiếp khác nhau. Không có cách giao tiếp nào là tốt hơn cách nào, nhưng sẽ rất hữu ích nếu hai bạn hiểu được cách giao tiếp của nhau.[29][30]
    • Vài người thuộc nhóm giao tiếp “hợp tác”. Những người biết hợp tác thường thích hỏi han ý kiến của người khác. Họ thích được cộng tác và có thể cho rằng: thái độ bất đồng và thách thức là biểu hiện của sự công kích và hiếu chiến. Nếu bạn thích được lắng nghe nhiều ý kiến, tránh xung đột, đồng thuận giải quyết mọi vấn đề và thường xuyên nêu ý kiến của mình, thì bạn chính là một người trong nhóm “hợp tác”.
    • Vài người thuộc nhóm giao tiếp “ganh đua”. Họ có xu hướng thẳng thắn, quyết đoán và chấp nhận được mọi thách thức. Họ thích thu thập thông tin và tự đưa ra quyết định của mình. Họ thích tự chịu trách nhiệm. Nếu bạn thường nói thẳng suy nghĩ của mình, cảm thấy bình thường khi có xung đột và thích tự ra quyết định thì bạn bạn thuộc nhóm giao tiếp “ganh đua”.
    • Mỗi người có thể có mức độ thẳng thắn khác nhau. Có một số người cảm thấy thoải mái với việc giao tiếp thẳng thắn, ví dụ như nói “Em muốn chúng ta ở bên nhau nhiều hơn”. Một số người lại thích kiểu nói vòng vo ẩn ý, ví dụ như “Thật vui khi được ở bên nhau. Thật tệ là chúng ta không làm vậy nhiều hơn”. Cả hai cách giao tiếp đều ổn, tùy trường hợp. Quan trọng là hai bạn biết cách lắng nghe và hỏi rõ những gì mình chưa hiểu.
    • Nếu hai bạn có hai cách giao tiếp khác nhau, không có nghĩa là mối tình của các bạn sẽ sớm kết thúc. Như vậy chỉ có nghĩa là: các bạn cần biết những sự khác biệt đó sẽ gây ra căng thẳng, và hai bạn cần phải thực sự mềm mỏng và thỏa hiệp.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhìn vào chính mình và cách cư xử của mình. Chúng ta chỉ có thể thay đổi bản thân chứ không thể thay đổi người khác.
  • Học cách tự trọng và tự tin. Chúng ta chỉ có thể đón nhận một người khác khi đã thực sự hạnh phúc với chính mình.
  • Thể hiện rằng bạn tin tưởng và yêu anh ấy bằng hành động. Hãy khiến những hành động của mình khớp với lời nói.
  • Nói những gì bạn nghĩ, và hãy nói chân thành. Không ai biết cách đọc tâm trí người khác cả.
  • Giải quyết những bất đồng càng nhanh càng tốt để tránh những oán giận bị tích tụ lâu ngày. Đừng để chuyện bé xé ra to.
  • Khi ở bên anh ấy, hãy cứ là chính mình.
  • Thỉnh thoảng hãy nói “Em yêu anh”.
  • Để anh ấy biết rằng anh ấy luôn có bạn bên cạnh.
  • Đừng nổi giận và tra khảo anh ấy nếu anh ấy đi chơi với những người bạn không thích.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 https://www.psychologytoday.com/blog/fulfillment-any-age/201401/the-9-most-common-relationship-mistakes
  2. http://www.dummies.com/how-to/content/improving-your-relationship-cheat-sheet.html
  3. 3,0 3,1 3,2 http://psychcentral.com/lib/become-a-better-listener-active-listening/
  4. https://www.psychologytoday.com/blog/open-gently/201310/36-questions-bring-you-closer-together
  5. 5,0 5,1 https://www.psychologytoday.com/blog/the-new-you/201312/how-do-i-improve-my-relationship-three-helpful-tips
  6. 6,0 6,1 http://tinybuddha.com/blog/10-tips-advise-wisely-how-to-give-advice-that-actually-helps/
  7. 7,0 7,1 http://www.psychalive.org/communication-between-couples/
  8. http://psychcentral.com/blog/archives/2009/04/14/9-steps-to-better-communication-today/2/
  9. http://www.cci.health.wa.gov.au/docs/Assertmodule%202.pdf
  10. http://socialwork.buffalo.edu/content/dam/socialwork/home/self-care-kit/exercises/assertiveness-and-nonassertiveness.pdf
  11. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/j.1468-2958.2006.00284.x/abstract
  12. http://spl.stanford.edu/pdfs/2003/Richards.pdf
  13. https://www.psychologytoday.com/blog/passive-aggressive-diaries/201305/confronting-passive-aggressive-behavior
  14. 14,0 14,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2009/04/14/9-steps-to-better-communication-today/
  15. http://msue.anr.msu.edu/news/eye_contact_dont_make_these_mistakes
  16. http://www.webmd.com/sex-relationships/guide/7-relationship-problems-how-solve-them
  17. http://techland.time.com/2012/08/16/we-never-talk-anymore-the-problem-with-text-messaging/
  18. 18,0 18,1 http://www.helpguide.org/articles/relationships/relationship-help.htm
  19. http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1207/s15327795jra0903_1
  20. https://www.psychologytoday.com/blog/the-science-success/201208/how-keep-happiness-fading
  21. https://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=FzLROfHGAVYC&oi=fnd&pg=PT287&dq=non+verbal+affection+in+romantic+relationships&ots=uYiASEKrrJ&sig=0QJrY4ziKz10vlVxmDCCNgWmgCA#v=onepage&q=non%20verbal%20affection%20in%20romantic%20relationships&f=false
  22. https://www.psychologytoday.com/blog/meet-catch-and-keep/201406/how-much-time-should-couples-spend-together
  23. http://time.com/3404749/10-ways-improve-your-relationship/
  24. http://www.5lovelanguages.com/
  25. http://www.webmd.com/sex-relationships/features/the-five-love-languages-tested
  26. http://citeseerx.ist.psu.edu/viewdoc/download?doi=10.1.1.479.3760&rep=rep1&type=pdf
  27. 27,0 27,1 http://www.scientificamerican.com/article/what-physiological-changes-can-explain-honeymoon-phase-relationship/
  28. https://www.psychologytoday.com/blog/ambigamy/201409/making-relationships-last-past-the-honeymoon-period
  29. https://www.natcom.org/CommCurrentsArticle.aspx?id=749
  30. https://www.psychologytoday.com/blog/high-octane-women/201104/are-we-talking-the-same-language-how-communication-styles-can-affect

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này