Khi những câu chuyện bị mất "đất"

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Những câu chuyện là yếu tố cơ bản của mọi nền văn hóa trên thế giới. Thế nhưng, chúng đang dần biến mất trong cơn bão trực tuyến của những bit thông tin nhỏ xíu. sự kiện nóng

Click chuột, e-mail, chat chit, đọc lướt, duyệt web, blog - những biệt ngữ của kỷ nguyên internet trên đã phần nào nói lên cách thức chúng ta đọc thông tin ngày nay. Chúng phản ánh xu hướng thay đổi của thói quen và bản chất đọc.

Thông tin mà chúng ta tiếp nhận qua mạng internet chưa bao giờ đến nhanh và mạnh như thế. Chúng ta chỉ chú ý thoáng qua một trang mạng trước khi chuyển tức thì sang một trang khác.

Nghiện BlackBerry, bị quấy rầy liên tục bởi những tin báo blog, đường dẫn trên trang web hay các mẩu tin nhắn, chúng ta bị tấn công dồn dập bởi các mẩu, chuỗi thông tin, nên không thể tập trung lâu vào bất cứ điều gì. Các nhà nghiên cứu của Microsoft đã phát hiện ra rằng một người bị phân tán khi nhìn thấy tin báo có thư mới sẽ mất trung bình khoảng 24 phút để quay trở lại mức độ tập trung như cũ.

Internet đã tạo ra một “chủng” độc giả mới – độc giả “ác là” (tên gọi này được đặt theo chim ác là – loài chim cực kỳ yêu thích và tò mò với các vật thể sáng màu). Những độc giả này thường tụ tập trước các nút sáng kiến thức, trước khi tiếp tục với những vật thể lấp lánh tiếp theo.

Hiển nhiên, hơn một thập kỷ tiếp nhận thông tin qua các thiết bị kỹ thuật số đã làm thay đổi cách đọc của chúng ta. Trong một bài viết đáng chú ý gần đây trên tờ Atlantic Monthly, Nicholas Carr thừa nhận anh không còn đắm mình trong những cuốn sách dày cộp hay những bài báo dài lê thê như trước nữa. “Dường như mạng đang xắt nhỏ khả năng tập trung và dòng suy tưởng của tôi,” anh viết, “Bây giờ, đầu tôi chỉ muốn nhận thông tin theo cách thức phân phối thông tin của mạng: theo những dòng phần tử nhỏ, chuyển động nhanh.”

Nếu “thủ phạm” đã hiện rõ nguyên hình, thì nạn nhân đầu tiên của khả năng tập trung giảm sút cũng vậy: đó là những câu chuyện, hay những bài tường thuật dài. Giống như những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, các câu chuyện hiện cũng cần được bảo vệ khỏi mối đe dọa biến mất trong một môi trường kỹ thuật số khốc liệt và thay đổi mạnh mẽ.

Cách đây một năm, những nhà sản xuất kỳ cựu của Hollywood và các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts đã cùng nhau xây dựng một phòng thí nghiệm nhằm mục đích bảo vệ những câu truyện truyền thống thoát khỏi sự quên lãng. Phòng thí nghiệm này mang tên Trung tâm kể truyện tương lai. Mặc dù nghe có vẻ buồn cười, nhưng nhóm nghiên cứu này có cái lý riêng của mình.

Từ lâu, kể chuyện đã được biết đến như là nền tảng của văn minh nhân loại. Ngay từ giây phút nhận thức được người khác, chúng ta đã có nhu cần được nghe những câu chuyện cho phép chúng ta nhận thức thế giới, thâm nhập vào suy nghĩ của họ. Khi có tuổi, chúng ta kể chuyện để xây dựng những bảo tàng ký ức nho nhỏ. Do đó, chuyện có thật hay chỉ là giả tưởng không phải là vấn đề quan trọng.

Các câu chuyện dù là dạng truyền miệng hay dạng viết đều là yếu tố chính của mọi nền văn hóa trên thế giới. Chúng đòi hỏi thời gian và sự tập trung. Chúng không chỉ đơn thuần đưa thông tin mà còn mời gọi độc giả hay thính giả chứng kiến sự xuất hiện của sự kiện.

Nhẹ nhàng và từ từ, các câu chuyện giúp chúng ta làm quen với những tình huống, con người và tình thế dở khóc dở cười mà chúng ta chưa từng gặp. Cứ thế chúng chìm vào dòng suy tưởng, và hình thành thế giới quan của riêng mình.

Nền văn hóa "yếm khí"[sửa]

Trong khi đó, mạng Internet, dù có khả năng truyền thông rất hiệu quả khối lượng lớn thông tin, lại không thật sự kể chuyện. Blog đúng hơn là nơi thể hiện ý kiến, quan điểm, chứ không dành cho các câu chuyện. Còn facebook là nơi thích hợp cho những câu chuyện ngồi lê đôi mách hơn là nơi để kể chuyện. Mặc dù những truyện dài vẫn phù hợp với màn hình điện tử, thế nhưng độc giả thế hệ @ rất lười biếng nhích vào xu hướng chủ đạo. Chỉ có rất ít truyện có độ dài hơn 1000 từ đạt được mức độ lây lan mạnh mẽ trên internet.

Đồng thời, một thế hệ mới ngày càng thích nghi với sự pha trộn của những thanh âm ồn ã, huyên thuyên, đầy lý thú, nhanh gọn và phù phiếm ra đời. Mạng internet là để nhấm nháp qua loa và nếm thử, chứ không phải để dành cho những đại yến tiệc nuôi dưỡng các câu chuyện. Và hệ quả hiển nhiên là một nền-văn-hóa-thiếu-oxy.

Cốt truyện là tâm điểm của những câu chuyện tuyệt vời: nhưng ngày nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất đi cốt truyện. Ngược đời là ở chỗ, người ta chưa bao giờ đói những câu chuyện đến vậy - những câu chuyện mang lại hình dáng và ý nghĩa cho các kinh nghiệm sống. Barack Obama được lòng cử tri bỏ phiếu một phần nhờ vào câu chuyện của chính ông, câu chuyện về cuộc phiêu lưu thần kỳ bắt đầu ở Hawaii và kết thúc ở Nhà Trắng, với hình ảnh của Chicago và Kenya trong suốt hành trình dài.

Những câu chuyện tin tức thôi thúc chúng ta không phải là những mẩu thông tin thẳng tuột, mà là những câu chuyện có tình tiết. Đó là bí ẩn về quá khứ đau thương của Madeleine McCann; là câu chuyện dài kỳ đáng hổ thẹn về bê bối của Quốc hội, là sự sa sút kỳ lạ trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Gordon Brown.

Sự hứng thú của chúng ta đối với câu chuyện của người khác hiện nay chẳng kém, nếu không muốn nói là lớn hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử. Năm nay tôi đánh giá tiểu sử của Costa sẽ đoạt giải của năm. Một số lượng đáng kinh ngạc các tác phẩm thuộc thể loại này là bằng chứng cho sự ưa chuộng của chúng ta đối với những câu chuyện.

Tuy nhiên, đọc câu chuyện của hàng chục người, hết người này đến người khác, thật thú vị nhưng cũng rất xa lạ và mệt mỏi. Giống như Carr và - tôi ngờ rằng nhiều người khác nữa, bản thân tôi cũng trở nên dần quen với việc tìm hiểu thông tin về tiểu sử của ai đó qua những đoạn thông tin trên Wikipedia.

Công cụ cần thiết lúc này là một chiếc máy có thể kết hợp sự thoải mái và tốc độ của công nghệ kỹ thuật số với cái thú đắm mình vào các câu chuyện. Điều này không phải là bất khả thi. Đất nước Nhật Bản thời gian qua đã chứng kiến sự bùng nổ của những tiểu thuyết ngón cái (keitai shosetsu), những tiểu thuyết có kích cỡ của một cuốn sách được tải lên màn hình điện thoại di động, mỗi lần một trang.

Những câu chuyện điện thoại này là sự pha trộn giữa ngôn ngữ nói, tiếng lóng và các ký tự cảm xúc. Thế nhưng, chúng vẫn là những câu chuyện không lẫn đi đâu được - những câu chuyện có nhân vật chính, có mở, có kết. Chúng rất được ưa chuộng: mặc dù doanh số bán sách ở Nhật Bản giảm, nhưng một nửa số sách văn học nằm trong nhóm 10 cuốn bán chạy nhất lại có khởi nguồn từ điện thoại di động. Đây là bằng chứng cho thấy nhu cầu cổ xưa được nghe kể chuyện, vốn đậm nét trong bản chất con người, có thể thích ứng tốt với sự kết nối của những công nghệ mới nhất.

Rõ ràng, các câu chuyện không chết đi, mà chỉ bị trận cuồng phong của thông tin có kích thước được tính bằng bit che khuất. Có Chúa chứng giám, truyện vẫn là con đường nhận thức hiệu quả nhất. Ban đầu là câu chữ và câu chữ, trong câu chuyện vĩ đại Kinh Thánh, không phải được viết như những mẩu tin vài ký tự.

Nguồn[sửa]

Ý kiến của bạn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này