Liêm chính trong thanh niên Việt Nam
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam 2009, trên 55% dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 30. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thanh niên là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tham nhũng. Do vậy, thanh niên cần được coi là đối tượng mục tiêu trong các hoạt động phòng chống tham nhũng. Những sáng kiến như Đề án 137, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 12 năm 2009, nhằm đưa chương trình giáo dục phòng chống tham nhũng vào các trường trung học phổ thông và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các giá trị đạo đức trong thanh niên, từ đó tăng cường vai trò của họ trong việc tạo ra những thay đổi cụ thể. Để đảm bảo hiệu quả cho những sáng kiến như vậy, Khảo sát Liêm chính trong Thanh niên (sau đây gọi tắt là Khảo sát) nghiên cứu những quan điểm, hành vi và trải nghiệm hình thành nên tính liêm chính trong thanh niên Việt Nam.
Trên cơ sở định nghĩa của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về liêm chính- là “những hành vi và hành động phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, được các cá nhân và tổ chức chấp nhận, tạo nên rào cản đối với tham nhũng”, Khảo sát đặc biệt chú trọng tới các vấn đề tham nhũng, gồm cả nhận thức và trải nghiệm của thanh niên đối với tham nhũng và hành động của họ khi đối mặt với tham nhũng.
Khảo sát đã phỏng vấn 1022 thanh niên được lựa chọn ngẫu nhiên trong độ tuổi 15-30 ở 11 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Để tìm hiểu sự khác biệt có thể có giữa thanh niên và các đối tượng dân số khác, khảo sát cũng lấy mẫu một nhóm đối chứng gồm 519 “người lớn tuổi” ở độ tuổi trên 30. Các cuộc phỏng vấn trực tiếp đã được Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tiến hành với sự hỗ trợ của CECODES và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2010.
Mục lục
Giá trị và thái độ đối với liêm chính[sửa]
Khảo sát cho thấy phần lớn thanh niên đều nhận thức được tầm quan trọng của liêm chính. 95% thanh niên đồng ý hoàn toàn hoặc một phần rằng trung thực quan trọng hơn tăng thu nhập.
Khi được hỏi về những ví dụ cụ thể về các hành vi tham nhũng, trung bình 88% thanh niên nhìn nhận các hành vi đó là sai trái, gần với con số 91% người lớn tuổi có cùng quan điểm. Tuy nhiên, các kết quả cũng cho thấy rõ ràng rằng thanh niên nới lỏng các giá trị của họ trong các tình huống cụ thể. Ví dụ, khi đối mặt với tình huống “đưa thêm một khoản tiền hoặc đưa quà biếu tại bệnh viện để được chăm sóc, điều trị tốt hơn”: 32% thanh niên không coi hành vi đó là sai, và 13% thanh niên cho rằng hành vi đó là sai nhưng vẫn có thể chấp nhận được.
Trong khi 83% đến 86% thanh niên được phỏng vấn cho rằng thiếu liêm chính (trong đó có tham nhũng) gây tổn hại nghiêm trọng cho thế hệ của họ, cho nền kinh tế và sự phát triển của đất nước, chỉ 78% nói thiếu liêm chính có ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình và bạn bè họ. Điều này có lẽ chỉ ra rằng hiểu biết của thanh niên về tham nhũng còn ở mức độ mơ hồ. Mặc dù thanh niên nói mạnh về các giá trị và nguyên tắc, nhưng khoảng 1/3 thanh niên (35%) cũng sẵn sàng nới lỏng định nghĩa của họ về liêm chính khi điều đó mang lại cho họ lợi ích kinh tế, có thể giúp họ giải quyết một vấn đề hoặc nếu đó chỉ là khoản hối lộ trao tay nhỏ. Tỉ lệ này thậm chí cao hơn trong nhóm đối tượng có trình độ học vấn thấp nhất, ví dụ, một nửa số thanh niên chỉ học hết tiểu học cho rằng tham nhũng vặt là có thể chấp nhận, so với 27% số thanh niên học hết bậc trung học.
Trải nghiệm và hành vi[sửa]
Hành vi của con người không phải lúc nào cũng đi đôi với các giá trị cá nhân của họ. Để hiểu hơn mối quan hệ giữa các nguyên tắc đạo đức và khả năng giữ vững những nguyên tắc này ở cấp độ hành vi, Khảo sát nghiên cứu việc tiếp xúc với tham nhũng của thanh niên và hành vi cũng như phản ứng của họ trong các tình huống đó.
Khảo sát nghiên cứu những trải nghiệm của thanh niên về tham nhũng trong sáu hoạt động mà họ thường va chạm. Ở năm trong sáu tình huống khảo sát (để thi đỗ hoặc để được nhận vào 1 chương trình đào tạo ở trường; để được cấp thuốc hoặc được chăm sóc y tế; để trách những rắc rối với cảnh sát; để có việc làm; để có nhiều cơ hội kinh doanh cho công ty hay doanh nghiệp), thanh niên trải nghiệm tham nhũng nhiều hơn một cách đáng kể so với người lớn tuổi trong một số lĩnh vực mà họ tiếp xúc, và điều đó khẳng định giả định rằng thanh niên dễ bị tổn thương hơn bởi tham nhũng.
Những trải nghiệm này lý giải cách thanh niên đánh giá mức độ liêm chính của các tổ chức công. 12% thanh niên đánh giá mức độ liêm chính trong cảnh sát giao thông là “rất tồi” trong khi con số này là 8% đối với lĩnh vực y tế công, và 5% đối với lĩnh vực hành chính trung ương/địa phương và giáo dục công.
Khi khảo sát khả năng thanh niên sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc liêm chính trong những trường hợp nhất định, thanh niên dễ tham gia vào các hành vi tham nhũng để vào được một trường tốt hay một công ty tốt hoặc để được phỏng vấn cho một công việc mơ ước, nói cách khác là trong các tình huống có ý nghĩa quan trọng nhất về mặt tài chính đối với họ. Một con số đáng lo ngại là 38% thanh niên sẵn sàng hối lộ để vào được một trường tốt hay một công ty tốt.
Khi đề cập tới đấu tranh chống tham nhũng, 86% thanh niên nghĩ rằng họ có thể góp phần vào phòng chống tham nhũng và khoảng 60% thanh niên cho biết họ sẽ tố cáo tham nhũng (tuy nhiên, trong số này chỉ có 4% đã từng tố cáo). Lý do chính của việc thanh niên không tố cáo tham nhũng là vì họ cho rằng tố cáo không đem lại kết quả gì (“đó không phải là việc của tôi”), và vì bi quan (“có tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì). Điều thú vị là, dường như không có sự khác biệt giữa câu trả lời của những thanh niên đã từng là nạn nhân của tham nhũng và những người chưa từng gặp phải tham nhũng. Điều này có lẽ cho thấy tham nhũng đã được coi là hiện tượng bình thường trong xã hội.
Những ảnh hướng đối với tính liêm chính trong thanh niên[sửa]
Để hiểu vì sao những thành tựu của các nỗ lực giáo dục trước đây còn hạn chế và để tìm ra các biện pháp giáo dục hiệu quả hơn, phần cuối của Khảo sát xem xét ảnh hưởng của các nguồn thông tin khác nhau đối với các quan điểm đạo đức của thanh niên.
Nhìn chung, có bốn nguồn thông tin quan trọng nhất hình thành nên quan điểm của thanh niên về liêm chính, đó là tivi và đài với 89% số người được phỏng vấn lựa chọn, môi trường học tập (trường phổ thông hoặc đại học) và gia đình (80% lựa chọn hai nguồn này), và bạn bè và đồng nghiệp (76%). Chưa đầy một nửa số thanh niên được phỏng vấn (39%) cho biết Internet là nguồn hình thành nên quan điểm của họ về liêm chính. Thanh niên ở vùng nông thôn và nhóm thanh niên nghèo hơn ít bị ảnh hưởng bởi Internet, báo chí và trường học hơn.
Mặc dù nhà trường có vai trò ảnh hưởng quan trọng nhưng chỉ 17% thanh niên cho rằng họ nhận được một hình thức giáo dục nào đó về liêm chính ở trường. Gần hai phần ba trong số này cảm thấy những chương trình giáo dục như vậy chưa thực sự hiệu quả. Có thể thấy giáo dục về phòng chống tham nhũng vẫn chưa đủ để phát triển một thế hệ thanh niên sẵn sàng và được trang bị đủ kiến thức để đấu tranh chống tham nhũng.
Kết luận và kiến nghị[sửa]
Kết quả của cuộc khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam cho thấy rõ ràng rằng thanh niên không chỉ là nạn nhân của tham nhũng mà còn có thể là nhân tố góp phần thúc đẩy tình trạng tham nhũng. Hầu hết thanh niên đều nhận thức được rõ điều gì là đúng, điều gì là sai nhưng dường như họ có tính cơ hội và sẵn sàng thỏa hiệp những nguyên tắc của mình trong những hoàn cảnh cụ thể.
Ngoài những trải nghiệm về tham nhũng, nhìn chung những câu trả lời của thanh niên không khác nhiều so với người lớn tuổi. Sự khác biệt chính được nhận thấy ở những đối tượng thanh niên có trình độ học vấn khác nhau. Thanh niên có trình độ học vấn thấp có xu hướng định nghĩa về liêm chính ít khắt khe hơn, dễ đồng ý hoặc chấp nhận những hành vi tham nhũng hơn, cũng như ít tố cáo tham nhũng hơn.
Từ kết quả của cuộc khảo sát, một số khuyến nghị ban đầu có để được đề xuất như sau:
- Đưa các nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng và tăng cường tính liêm chính vào các cuộc thảo luận về đạo đức
- Tập trung nỗ lực phòng chống tham nhũng vào những lĩnh vực và nhóm đối tượng có nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng như khu vực thành thị, ngành cảnh sát hay y tế
- Tuyên truyền về những hình mẫu nhằm thay đổi nhận thức của thanh niên rằng thành công không đi cùng thật thà, liêm chính
- Tập trung vào những nỗ lực có khả năng gây ảnh hưởng rộng hơn trong thanh niên, bao gồm cả gia đình
- Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau như ti vi, đài báo nhằm gây ảnh hưởng đối với thanh niên về tầm quan trọng của tính liêm chính
- Giáo dục về những tình huống cụ thể mà thanh niên có thể gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, chứ không chỉ đưa ra những hành vi mang tính trừu tượng
- Vận động thanh niên bên ngoài trường học thông qua các hoạt động ngoại khóa
- Cải thiện môi trường bên ngoài giúp thanh niên có thể từ chối và tố cáo các hành vi tham nhũng, nhất là thông qua việc tăng cường thực thi những chính sách hiện tại
- Tuyên dương động viên những thanh niên liêm chính bằng các hình thức hỗ trợ và tạo thêm cho họ cơ hội phát triển như học bổng, khóa đào tạo, thực tập, phần thưởng cụ thể.