Mèo cưng thích bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Theo bản tính tự nhiên, loài mèo có khuynh hướng độc lập hơn loài chó[1] và điều đó khiến chúng có vẻ lạnh nhạt và xa cách. Thế nhưng, mèo cưng vẫn có thể vô cùng thân thiết với bạn. Sự thân thiết ấy sẽ giúp cải thiện và làm sâu đậm thêm mối quan hệ giữa bạn và bé. Tùy cá tính từng bé mèo, có thể sẽ cần nhiều thời gian và kiên nhẫn để chúng yêu thích và gắn kết với bạn. Dù vậy, đừng lo lắng – càng thích bạn, bé sẽ càng hạnh phúc và bạn cũng vậy.

Các bước[sửa]

Thiết lập tương tác tích cực với mèo cưng[sửa]

  1. Học ngôn ngữ cơ thể của mèo cưng. Một khi đã quen với bạn, thông qua ngôn ngữ cơ thể, mèo cưng sẽ cho biết bé thích bạn. Hiểu ngôn ngữ cơ thể ấy giúp bạn xác định mức thoải mái của bé khi cùng bạn. Chẳng hạn như, bé có thể dụi đầu – hạ thấp và cọ đỉnh đầu vào đầu hay phần cơ thể khác của bạn.[2] Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bé có cảm tình với bạn.
    • Mèo có tuyến mùi ở gần tai và do đó, dụi đầu là cách để bé lưu mùi trên cơ thể bạn.[3] Cũng có thể bé sẽ cọ má để đánh dấu bạn bằng mùi.[2] Đó là một trong những cách thể hiện rằng bé thích bạn.
    • Để bạn hiểu rằng bé thích bạn, mèo cưng có thể sẽ thiết lập tiếp xúc bằng ánh mắt và nhẹ nhàng chớp mắt. Tiếp xúc bằng ánh mắt cho thấy bé tin tưởng ở bạn.[2] Hãy nhẹ nhàng nháy mắt lại để bé biết rằng đó là sự tin tưởng đến từ hai phía.
    • Bắt chước một số ngôn ngữ của mèo, chẳng hạn như dụi đầu hay nhẹ nhàng chớp mắt, sẽ thắt chặt thêm sự gắn kết giữa bạn và mèo cưng. Đồng thời, cho bé thấy bạn cũng rất yêu quý bé.
    • Ví dụ về những cử chỉ tình cảm khác bao gồm rên nhẹ, chà nhẹ bằng chân trước (“giậm chân” lên người), ngồi vào lòng và liếm bạn.[2][3]
  2. Hãy cho bé thật nhiều đồ chơi. Đồ chơi khơi gợi sự hào hứng trong nhà, cả về thể chất lẫn tin thần của mèo cưng. Sự phong phú này là cách tuyệt vời để mèo trở nên thích bạn. Tùy tính cách, bé có thể sẽ thích một số đồ chơi nhất định hơn những món khác. Chẳng hạn như, nếu thích đuổi bắt, bé có thể sẽ thích những thứ đung đưa, lúc lắc.[4]
    • Nếu lớn và/hoặc điềm tĩnh hơn, có thể bé sẽ thích món không cần chạy nhảy nhiều, chẳng hạn như đồ chơi nhồi bạc hà mèo, thứ bé có thể nghịch trong lúc nằm ườn.[4]
    • Đừng quên thường xuyên luân chuyển đồ chơi để mèo cưng không bị nhàm chán.[5]
    • Nếu không muốn chi quá nhiều, bạn có thể biến vật dụng gia đình thông thường thành đồ chơi cho mèo cưng. Ví dụ như, lõi cuộn giấy vệ sinh hay túi giấy đã tháo quai có thể là món đồ thú vị cho bé.[5]
    • Chú ý những món đồ không nên để mèo cưng chơi cùng như dải ruy-băng, cuộn dây, đai cao su – bé có thể sẽ nuốt phải chúng. Bất cứ món nào trong số đó cũng có thể mắc kẹt hay quấn lấy dạ dày mèo cưng khi nuốt phải. Những vấn đề này thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.
    • Đồng thời, cũng chú ý đồ chơi với những bộ phận nhỏ có thể bị mèo cưng tháo rời và nuốt phải, chẳng hạn như mắt nhựa. [5]
    • Nếu không chắc đồ chơi nào là phù hợp nhất với bé yêu của bạn, hãy tìm đến bác sĩ thú y hoặc cửa hàng thú cưng địa phương để có thêm lời khuyên.
  3. Dành thời gian thường xuyên chơi đùa cùng mèo cưng. Mèo thường rất độc lập và có khả năng tự tìm niềm vui cho mình.[5] Tuy nhiên, bé vẫn cần tương tác thường xuyên để gắn kết và thích bạn. Mèo thường hiếu động nhất khi trời vừa sáng hay chạng vạng tối.[6] Do đó, bạn nên lên lịch chơi đùa cùng bé vào những thời điểm này.
    • Nếu lịch trình cho phép, hãy sắp xếp chơi đùa cùng mèo cưng vào lúc trời vừa sáng hay chạng vạng tối, mỗi lần 5 đến 15 phút. Nhớ rằng mèo lớn tuổi hoặc quá cân có thể sẽ không đủ sức chơi đùa liên tục trong thời gian dài.[7][8]
    • Dù chơi đùa vào thời điểm nào cũng cần đảm bảo rằng thời gian đó là cố định mỗi ngày. Nhờ vậy, bé có gì đó để ngóng trông và bạn thì có thể xây dựng, duy trì những buổi gắn kết tích cực, thường xuyên với bé.[5]
  4. Duy trì lịch cho ăn đều đặn. Có thể bạn không nhận ra nhưng cho ăn chính là cơ hội gắn kết tuyệt vời. Thêm vào đó, việc mèo cưng nhìn nhận bạn như nguồn cung cấp thức ăn của bé là cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, thay vì bày sẵn thức ăn cả ngày, bạn nên cho ăn vào những thời điểm nhất định.[9]
    • Lý tưởng thì thành phần đầu tiên trong bữa ăn của bé nên là protein, chẳng hạn như gà tây hay gà thường.[6]
    • Bởi có vô số lựa chọn thực phẩm cho mèo tại các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng thú cưng địa phương, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để xác định loại thức ăn phù hợp nhất với mèo cưng của bạn. Tùy tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại của bé, một số thực phẩm có thể sẽ là lựa chọn tốt hơn số còn lại.
    • Tuổi của mèo cưng góp phần quyết định số bữa ăn trong ngày. Mèo con từ 6 tháng tuổi trở xuống nên được cho ăn ba lần mỗi ngày. Từ sáu tháng đến một năm tuổi, bạn nên cho ăn hai lần một ngày. Sau một năm tuổi, một lần mỗi ngày là đủ.[10]
    • Một vài tình trạng bệnh lý nhất định, chẳng hạn như tiểu đường, cũng có thể ảnh hưởng đến lịch cho ăn của bạn.[10]
    • Lượng thức ăn mỗi bữa phụ thuộc vào một vài yếu tố khác nhau, chẳng hạn như kích thước, mức hoạt động và tuổi của mèo cưng.[11][12] Dù không có phương pháp “một cho tất cả” nào trong việc xác định liều lượng cho ăn, một số lời khuyên chung dựa trên cân nặng của mèo cưng được áp dụng cho thức ăn khô, đó là: 2-2.5 kg (1/4 đến 1/3 cốc), 4.5 kg (3/8 đến 1/2 cốc) và 7 kg (1/2 đến 3/4 cốc).[12]
    • Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về lượng và loại thức ăn nên dùng cho mèo cưng của bạn.
  5. Cho mèo cưng ăn vặt. Thường xuyên cho mèo ăn vặt cũng là cách tuyệt vời để bé yêu bạn hơn. Bữa ăn vặt chỉ nên là một phần nhỏ trong chế độ ăn của bé (10% đến 15% khẩu phần ăn hàng ngày)[13] bởi chúng có ít lợi ích dinh dưỡng. Nguyên tắc ngón tay cái hữu ích là cho mèo cưng ăn vặt không quá 2 đến 3 lần mỗi tuần.[14]
    • Bữa ăn vặt dành cho mèo có thể được tìm thấy tại cửa hàng thú cưng hay tạp hóa.
    • Nhìn chung, đừng cho mèo dùng thức ăn của người. Thực tế thì một số thức ăn của người (như nho, hành, nho kho) là độc dược với mèo và do đó, cần tránh xa khỏi chúng.[14]
    • Bạc hà mèo là lựa chọn tuyệt vời dành cho bé cưng của bạn.[14]
    • Đồ ăn vặt rất hữu dụng trong việc khen thưởng khi bé ngoan ngoãn.
  6. Nựng mèo cưng. Vuốt ve là một cách tuyệt vời khác để gắn kết với mèo cưng và khiến bé thích bạn. Mèo thích được vuốt ve gần tuyến mùi: dưới cằm, vùng tai sát đầu, vùng má phía sau râu và phần thân ngay sát đuôi. Bé có thể sẽ thật sự thích thú khi cọ những vùng này vào người hay đồ vật của bạn để đánh dấu lãnh thổ. Tương tự, bé sẽ thích khi được vỗ về ở những vùng này.[15]
    • Nhớ rằng có thể mèo cưng không muốn được vuốt ve mọi lúc hay trong thời gian dài, kể cả khi trông bé có vẻ thư thái và hài lòng. Nếu ngôn ngữ cơ thể cho biết bé bị kích thích quá mức bởi sự cưng nựng (đồng tử giãn, xù lông, vẫy đuôi như cún)[16] hoặc nếu bé cố di chuyển khỏi bạn, hãy dừng lại và để bé một mình. Để bé cho bạn biết mức cưng nựng nào là phù hợp với bé.[17]
    • Khi cưng nựng, hãy nhẹ nhàng dùng tay vuốt vê những vùng mà bé thích. Bạn còn có thể nói chuyện bằng giọng dịu dàng và điềm tĩnh để cả hai thêm dễ chịu.
    • Bên cạnh cưng nựng, bạn có thể cân nhắc chải lông và tắm rửa[1] nếu bé cho phép. Chải lông và tắm rửa là cách giúp bạn học được đâu là vùng bé thích/không thích chạm vào.
  7. Tương tác nhẹ nhàng với mèo cưng của bạn. Nó đặc biệt hữu dụng khi bé nhút nhát hoặc căng thẳng. Duy trì tương tác nhẹ nhàng và điềm tĩnh sẽ giúp bé làm quen và thoải mái hơn với bạn. Ví dụ, bạn có thể ngồi yên trên sàn hoặc đọc sách trên ghế bành khi bé ở cùng phòng với bạn. [9]

Tránh những điều mèo cưng không thích[sửa]

  1. Cố đừng vuốt ve bụng mèo cưng. Biết điều bé không thích sẽ giúp bạn tránh làm những việc có thể đe dọa sự gắn kết giữa bạn và bé. Không giống như chó, mèo thường không thích được vuốt ve vùng bụng. Thực tế thì khi làm vậy, bé có thể sẽ phản ứng phòng vệ theo bản năng bằng cách giơ móng vuốt và cố cắn bạn.[18]
    • Trong tự nhiên, mèo ý thức rằng chúng là kẻ đi săn và đồng thời, cũng là con mồi. Bụng là nơi có nhiều cơ quan quan trọng[15] và do đó, nếu không ý thức được ý định vô hại của bạn, khi bụng bị đụng chạm, trạng thái con mồi có thể sẽ được kích hoạt và bé sẽ làm mọi điều trong khả năng để bảo vệ vùng cơ thể đó.
    • Khi vươn người và để lộ vùng bụng, dường như mèo cưng đang rất thư thái và thoải mái trong không gian của mình.[19] Tuy nhiên, có thể bé sẽ có thái độ phòng vệ.[20] Để an toàn, đừng nhầm lẫn rằng bé đang mời gọi bạn vuốt ve bụng của bé.[18]
    • Dù vài bé mèo có thể sẽ không bận tâm khi bạn làm điều đó, tốt nhất vẫn nên tránh vùng bụng và chỉ vuốt ve những nơi mà bạn biết rằng bé thích.[15]
  2. Đừng ép mèo cưng tương tác với bạn. Như đã đề cập ở trên, hãy chiều theo mong muốn của bé trong việc tương tác với bạn.[17] Ép buộc bé chơi cùng hoặc cố cưng nựng khi bé không muốn có thể sẽ làm mất cảm tình mà bé dành cho bạn. Thậm chí, bé có thể sợ hãi bởi không tin rằng bạn sẽ tôn trọng không gian riêng tư của bé.
    • Không chỉ thể hiện cử chỉ tình cảm (rên rừ… ừ, dụi đầu), mèo cưng cũng có thể cho bạn biết khi bé cảm thấy đủ và muốn ở một mình. Ví dụ, khi bắt đầu gầm gừ, rít lên hay phun phì phì, hãy cho bé không gian riêng và được một mình cho đến khi dịu lại.[21]
    • Mèo cưng có thể chỉ đơn giản là trở nên mệt mỏi vì chơi đùa quá nhiều và tự dừng chơi.
    • Nếu đó là một bé mèo rụt rè, nhút nhát, việc tránh ép bé tương tác với bạn là cực kỳ quan trọng.[9]
  3. Đừng la mắng hay đánh phạt bé. Trừng phạt về thể chất sẽ không hiệu quả bởi bé không thể liên kết giữa hành vi của mình và hình phạt. Thay vào đó, bạn có thể xem xét thời gian cấm vận mà trong khoảng thời gian đó, chỉ cần đơn giản rời phòng và không nói chuyện hay tương tác, chơi đùa cùng bé.[22] Rất nhanh, bé sẽ nhận ra rằng cư xử theo cách thức nào đó sẽ dẫn đến việc bị ngó lơ (đây là hậu quả tiêu cực trong tâm trí bé) và ngừng làm vậy.[23]
    • Phạt thể chất nhiều khả năng sẽ khiến mèo cưng sợ hãi và đề phòng bạn.[24]
    • Thay vì quát tháo, hãy cố nói “không” một cách nghiêm khắc khi bé có hành vi không tốt.[9]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy kiên nhẫn! Mèo cưng sẽ quyết định việc bé muốn trở nên thoải mái đến mức nào với bạn và khi nào thì điều đó sẽ xảy ra. Vì vậy, đừng vội vã và thúc đẩy quá trình làm quen của bé.
  • Nhớ rằng không phải mọi bé mèo đều thích được ôm ấp hay nâng niu.[17] Hãy lưu ý ngôn ngữ cơ thể của bé để biết liệu bé có muốn hay thích được ôm hay không.
  • Nếu trong nhà có nhiều người, hãy ý thức rằng mèo cưng có thể sẽ không gắn kết như nhau với mọi thành viên trong gia đình. Có thể cuối cùng bé sẽ thích hoặc thân thiết với người này hơn người kia.[9]
  • Dù bạc hà mèo có thể giúp bé thêm vui trong lúc chơi đùa, không phải mọi bé mèo đều phản ứng giống nhau trước bạc hà mèo. Một số có thể sẽ rất thoải mái trong lúc số khác lại bị kích thích quá mức và bắt đầu hung hăng hơn khi chơi đùa.[5] Hãy theo dõi mèo cưng để biết phản ứng của bé là gì.
  • Nếu dường như mèo cưng không thân thiết hơn với bạn, hãy xem xét trao đổi cùng bác sĩ thú y hoặc chuyên gia tâm lý hành vi mèo để có thêm chỉ dẫn về cách tạo gắn kết với mèo cưng của bạn.
  • Khi quay mặt đi và lẩn trốn, thường thì đó là lúc mèo cưng muốn được nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Nếu mèo cưng chỉ vừa mới đến, đừng quên cho bé thời gian khám phá và làm quen với ngôi nhà của bạn. Đừng lo lắng khi mất bóng bé một thời gian, có lẽ bé đang thám thính góc tối hay gầm bàn ghế của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Cuộn dây, ruy-băng và dải cao su có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong cho mèo cưng khi nuốt phải. Hãy để chúng ngoài tầm với mèo cưng của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 http://pets.webmd.com/cats/features/how-to-bond-with-a-cat
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 http://www.vetstreet.com/our-pet-experts/10-ways-your-cat-shows-you-love
  3. 3,0 3,1 http://www.pet360.com/cat/lifestyle/15-sure-fire-ways-to-bond-with-your-cat/dr5tpYiOKUOr4mB9WXchwg#
  4. 4,0 4,1 http://www.banfieldcharitabletrust.org/pet-owners/pet-parenting/bonding-with-your-pet/
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 5,5 http://www.humanesociety.org/animals/cats/tips/cat_toys.html
  6. 6,0 6,1 http://www.catclinicofcobb.com/bonding-with-your-cat.pml
  7. http://www.petmd.com/cat/wellness/evr_ct_exercising_with_your_cat_a_how_to_guide#
  8. http://www.vetstreet.com/our-pet-experts/four-games-that-tap-into-your-cats-animal-instincts-plus-the-best-times-of-day-to-play
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 9,4 http://pets.webmd.com/cats/features/how-to-bond-with-a-cat?page=3
  10. 10,0 10,1 http://www.vet.cornell.edu/fhc/health_information/CW_Feed.cfm
  11. https://www.aspca.org/pet-care/cat-care/feeding-your-adult-cat
  12. 12,0 12,1 http://www.petmd.com/blogs/nutritionnuggets/cat/jcoates/2012/june/how_much_should_you_feed_your_cat-23694
  13. http://www.vet.cornell.edu/fhc/health_information/brochure_feedingcat.cfm
  14. 14,0 14,1 14,2 http://pets.webmd.com/cats/guide/cat-treats-and-snacks-whats-healthy?page=2
  15. 15,0 15,1 15,2 http://www.vetstreet.com/dr-marty-becker/four-places-to-pet-your-cat-and-one-to-leave-alone?page=2
  16. http://pets.webmd.com/cats/features/how-to-bond-with-a-cat?page=2
  17. 17,0 17,1 17,2 http://www.spca.bc.ca/pet-care/care-behaviour/cats/cats-bonding-with-your-new.html
  18. 18,0 18,1 http://www.catbehaviorassociates.com/why-you-shouldnt-pet-your-cats-belly/
  19. http://pets.webmd.com/cats/features/cat-body-language
  20. http://www.vetstreet.com/our-pet-experts/why-does-my-cat-hate-belly-rubs
  21. http://www.humanesociety.org/animals/cats/tips/cat_communication.html
  22. http://pets.webmd.com/cats/guide/cat-aggression-biting-rough-play
  23. http://www.perfectpaws.com/cat_training_and_cat_behavior.html#.VbJfFfk1NTV
  24. http://www.vet.cornell.edu/fhc/health_information/brochure_aggression.cfm