Một di chỉ văn hóa cổ có nguy cơ biến mất

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một di chỉ văn hóa có giá trị của người xưa đang nằm dưới lòng đất tại khu vực thôn 7, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Tuy vậy, khu vực này nay mai sẽ có một phần lớn diện tích ngập sâu trong lòng hồ thủy điện Đắk R'tíh.

Những hiện vật do ông Vinh thu thập được

Năm 2003, gia đình ông Nguyễn Thế Vinh rời Đồng Nai lên lập nghiệp và định cư ở thôn 7, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông. Qua canh tác, ông Vinh phát hiện trên khu đất rẫy của mình có nhiều mảnh gốm. Với chút ít kiến thức thu thập được qua sách báo, ông hiểu ra đây có thể là những hiện vật thời tiền sử.

Sau đó ông Vinh đã phát hiện thêm nhiều hiện vật bằng đá như: mảnh tước, bàn mài, mũi lao... xung quanh khu vườn của mình. Đến nay, bộ sưu tập của ông Vinh có hơn 1.000 hiện vật cổ, gồm nhiều loại, từ những mảnh gốm có hoa văn đến các phác vật đá có hình dạng lưỡi rìu, mũi lao, mũi đục đá...; một số bàn mài còn thấy rõ những đường rãnh. Số hiện vật này một mình ông dày công sưu tập từ hơn 4 năm nay. Ông Vinh cho biết, điều thú vị là những hiện vật mà ông phát hiện nằm trên một diện tích đất rộng, không riêng rẫy của ông mà trải rộng ra hơn 20 ha của các hộ lân cận. Ngoài những hiện vật lộ thiên, ông Vinh còn phát hiện nhiều mảnh gốm ở sâu dưới lòng đất từ 0,5 - 1m.

Để giải đáp những thắc mắc của mình về các hiện vật trên, cuối năm 2005, ông Vinh đã đến Bảo tàng tỉnh Đắk Nông để trình bày. Tháng 11.2006, nhân chuyến vào khai quật di chỉ ở thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Chư Jút, tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam và một số cán bộ của Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đã đến tìm hiểu về bộ sưu tập của ông Vinh. Theo nhận định của đoàn khảo sát, đây thật sự là một bộ sưu tập đáng chú ý. Mặc dù không còn nằm trong tầng văn hóa, song đó là những hiện vật có niên đại dự đoán cách nay khoảng 3.500 - 4.000 năm, thuộc thời kỳ hậu kỳ đồ đá mới. Nhân dịp này, đoàn đã hướng dẫn ông Vinh cách bảo quản, giữ gìn và tiếp tục sưu tầm. Căn cứ vào những hiện vật ông Vinh thu thập được, nhất là mật độ và phạm vi xuất hiện của chúng, tiến sĩ Nguyễn Gia Đối nhận định có thể vùng này là một xưởng chế tạo công cụ lao động đồ đá và trang sức của người tiền sử.

Từ kết quả sưu tập được của ông Nguyễn Thế Vinh, những nhận định ban đầu của các nhà chuyên môn, thì rất có nhiều khả năng một di chỉ văn hóa có giá trị của người xưa đang nằm dưới lòng đất tại khu vực thôn 7, xã Nhân Cơ.

Tuy nhiên, đến nay vấn đề khai quật vẫn đang còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, khu vực này nay mai sẽ có một phần lớn diện tích ngập sâu trong lòng hồ thủy điện Đắk R'tíh. Vì vậy, ngay bây giờ, nếu không nhanh chóng tiến hành khai quật thì rất có thể chúng ta sẽ mất đi một di chỉ rất có giá trị về mặt lịch sử.

Nguồn: Thanhnien