Một số món ăn cho mùa đông

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Theo quan niệm của Đông y thì mùa đông hàn khí là chủ khí. Do vậy khí lạnh này dễ trở thành hàn tà là tác nhân gây bệnh cho mọi người.

Hàn làm tổn thương dương khí. Vì vậy khi hàn tà xâm nhập vào cơ thể sẽ cản trở dương khí vệ ngoại, rồi xuất hiện các chứng trạng ố hàn (sợ lạnh), phát sốt không mồ hôi, mạch phù khẩn (tức mạch nổi hữu lực đập nhanh).

Nếu khi hàn tà từ biểu (ngoài) vào lý (trong), dễ hóa nhiệt. Nói chung hàn tà từ kim thái dương truyền vào kim dương minh rồi xuất hiện các chứng thực nhiệt sẽ sốt cao, phiền khát, đổ nhiều mồ hôi. Tính chất của hàn thì ngưng trệ nên khi xâm nhập vào cơ thể thường bị trệ đọng ở cơ phu (da thịt), hay kinh lạc, gân cốt hoặc tại tạng phủ khiến cho khí huyết không lưu thông, như vậy khí sẽ trệ, huyết bị ứ gây ra chứng đau (chứng trí).

Khi hàn trệ đọng trong đường ruột sẽ sinh ra nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy. Hàn tà mà tụ lại ở gân xương sẽ gây đau. Nhưng khi hàn tà lại lưu ở bì phu (da thịt) thì sẽ dễ chữa, nếu lại vào tạng phủ sẽ nguy hiểm và khó chữa. Có khi hàn tà lại kết hợp với phong tà trở thành phong hàn xâm phạm thân thể.

Như vậy trong đông y nhận thấy với mùa Đông đến chúng ta cần lưu ý làm các vấn đề sau:

Như chúng ta đã biết, hàn tà thường làm cho gân mạch tê cóng, huyết ứ, khí trệ gây nên hiện tượng đau (chứng trí), đồng thời làm tổn thương dương khí con người. Do vậy phải sơ phong tán hàn tức là sơ tán phong tà để làm tiêu tan khí lạnh. Bởi vậy cần sử dụng các loại thực phẩm có tính tân ôn (nóng ấm), giải biểu làm cho ra mồ hôi để giải trừ tà khí như là gừng tươi, hành củ, tỏi, rau mùi, tía tô, đường đỏ v.v.

Khi hàn tà xâm nhập vào cơ thể gây sốt cao, miệng khát, mồ hôi nhiều, vậy khi này cần sử dụng các đồ ăn hay các loại thuốc có tính năng thanh nhiệt sinh tân như chim mẫu, thạch cao, gạo, cam, quýt...

Mặt khác mùa đông do khí hậu lạnh dương khí ẩn sâu nên hàn tà dễ làm tổn thương đến thận dương nhất là những người có dương khí bất túc lại càng dễ nhiễm bệnh. Thận chủ tàng âm tinh do đó khi ăn uống và phòng trị bệnh cần phải vừa bổ âm song cũng chú ý bổ dưỡng.

Trời đất mùa đông nơi nào cũng lạnh nên ở đâu cũng đều xuất hiện âm thịnh, dương suy, nên ta cần thu tàng dương khí, giữ ấm tránh lạnh, cũng không nên hoạt động quá nhiều làm hao tán thể lực. Sau khi vận động cần phải kịp thời mặc quần áo ấm, không mặc lạnh. Mỗi buổi sáng dậy nên xoa vào hai lòng bàn tay, bàn chân. Buổi trưa nên mở cửa từ 15 – 30 phút để không khí trong nhà được lưu thông.

Sau đây là những món ăn thức uống có lợi cho sức khỏe vào mùa đông, đồng thời phòng trị một số chứng hay phát sinh trong mùa đông giá lạnh, xin giới thiệu cùng tham khảo và có thể áp dụng:

  • Nước hoắc hương, gừng tươi: Có tác dụng giải biểu, hòa vị, dứt nôn, thích ứng với chứng phát nhiệt, sợ lạnh, buồn nôn, khắp người khó chịu. Lấy hoắc hương 50g, đường đỏ 20g, gừng tươi 15g. Hoắc hương rửa sạch thái ngắn, gừng tươi rửa sạch thái mỏng. Cho hoắc hương và gừng tươi vào cùng và đổ 300ml nước đun sôi 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ vào khuấy tan, uống nóng.
  • Nước quế chi: Thích hợp với người ngoại cảm phong hàn, đau đầu, sốt, ra mồ hôi, thở khò khè, nôn khan. Lấy quế chi 10g, bạch thược 10g, gừng tươi 10g, đại táo 5 quả, đường đỏ 30g. Rửa sạch các vị trên cho vào nồi đổ 500ml nước nấu sôi trong 10 phút, gạn lấy nước cho đường đỏ khuấy tan, uống nóng.
  • Cháo gừng hành: Có tác dụng ra mồ hôi, giải biểu, hòa vị, hết nôn, thích hợp dùng cho người đau đầu, sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, tâm phiền, buồn nôn. Lấy gạo tẻ 60g, gừng tươi 20g, hành củ tươi 30g, muối 5g. Cho gạo nấu thành cháo nhừ, gừng thái hạt nhỏ, hành cắt khúc ngắn. Cháo chín nhừ cho hành, gừng đã thái nhỏ khuấy đều mang ra ăn nóng.
  • Món bối mẫu trứng gà: Có tác dụng ích khí, nhuận phế, chỉ khái (hết ho), hóa đàm, thích hợp trị phế hư ho suyễn lâu ngày, đờm nhiều, khí đoản, ngại nói (lãn ngôn), chóng mặt, tim đập nhanh. Cần bối mẫu 6g, trứng gà 1 quả. Bối mẫu sao vàng hay sấy khô, tán thành bột mịn. Sau đó khoét một lỗ nhỏ ở đầu quả trứng gà cho bột bối mẫu vào lấy giấy dán bịt kín lỗ trứng lại, đặt trứng đứng trong bát (lỗ bịt để lên trên), cho cả bát vào nồi chưng cách thủy 15 phút đem ra ăn. Ngày ăn 1 quả, một liệu trình là 30 ngày liền.
  • Nước rau mùi, củ cải, hành tươi: Có tác dụng trừ phong hàn, chữa cảm mạo. Rau mùi 30g, hành củ tươi 5 củ, củ cải trắng 1 củ. Rau mùi thái ngắn, hành củ thái nhỏ, củ cải thái miếng. Cho tất cả vào nồi, đổ 500ml nước đun sôi trong 15 phút, gạn lấy nước uống nóng.
  • Nước nho, gừng: Chữa phong hàn, trị ho. Nho tươi 100g, gừng tươi 30g, chè xanh 10g, mật ong 20g. Nho rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước, gừng tươi rửa sạch, giã nhuyễn vắt lấy nước, chè xanh rửa sạch hãm với nước sôi chắt lấy nước. Sau đó đổ lẫn nước nho, nước gừng, nước chè xanh, mật ong rồi khuấy đều uống lúc nóng. Chia 3 lần trong ngày, uống liền 3 – 5 ngày.
  • Nước nhân hạt bí đao, đường đỏ: Có tác dụng chữa ho, viêm họng, nhuận phổi. Nhân hạt bí đao 20g, đường đỏ 30g. Nhân hạt bí đao rửa sạch giã nát, rồi trộn nhân hạt bí đao này với đường đỏ. Khi sử dụng cho vào hãm với 300ml nước sôi rồi chắt lấy nước uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần, cần uống 5 – 7 ngày liền.