Mang một đôi giày quá khổ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đừng lo lắng với đôi giày hơi quá cỡ vì bạn vẫn có thể mang chúng. Thử mang tất dày hơn, nhồi thêm giấy vào giày, lót hay cuộn thêm đệm lót giày bên trong, làm ẩm đôi giày để nó co lại hoặc là may dây thun vào giày... Và giải pháp cuối cùng, đến thăm anh thợ giày cùng với đôi giày đó.

Các bước[sửa]

Những phương pháp đơn giản[sửa]

  1. Mang tất dày (hoặc nhiều đôi). Có lẽ cách tối giản nhất mà bạn có thể làm với một đôi giày rộng là làm cho bàn chân mình "to ra" bằng những lớp tất dày. Ví dụ, thay thế một chiếc quần tất bó hoặc vớ da bằng đôi vớ thể thao. Thậm chí bạn có thể mang nhiều lớp cùng lúc để chân vừa vặn hơn với đôi giày.
    • Phù hợp với: Giày thể thao, giày boot.
    • Lưu ý: Không nên áp dụng phương pháp này vào mùa nóng, đặc biệt nếu bạn hay đổ mồ hôi chân.
  2. Nhét một số thứ vào mũi giày. Bạn có thể dùng những vật liệu giá rẻ (như khăn giấy, giấy vệ sinh hay thậm chí giẻ mỏng), vò lại và nhồi vào mũi giày. Cách này hữu ích và có thể áp dụng bất cứ đâu nếu bạn cảm thấy chân mình trượt tới lui trong giày lúc di chuyển.
    • Phù hợp với: Giày búp bê, boot, giày cao gót.
    • Lưu ý: Không phải là lựa chọn tối ưu dành cho đi bộ đường dài; vật liệu "nhét" trong giày có thể gây ngứa và khó chịu nếu sử dụng lâu.
  3. Sử dụng miếng lót giày. Miếng lót giày có dạng mỏng (thường làm từ xốp hoặc vật liệu dẻo) lót đệm bên trong giày. Miếng lót được dùng để hỗ trợ trong tư thế và sự thoải mái của người dùng, nhưng cũng có thể góp phần làm chật thêm đối với những đôi giày quá rộng. Bạn có thể mua chúng ở bất cứ cửa hàng giày dép nào với giá cả hợp lý.
    • Phù hợp với: Hầu hết các loại giày (bao gồm cả giày cao gót và giày hở mũi).
    • Lưu ý: Nếu được bạn nên mang thử lót giày trước khi mua nhằm đảm bảo nó phù hợp với mình. Những thương hiệu thể thao nổi tiếng như Nike, Adidas… cũng có bán miếng lót giày.
  4. Sử dụng miếng lót silicon. Thỉnh thoảng đệm "nguyên" miếng lót giày gây cảm giác khó chịu kinh khủng khi mang. May mắn là người ta đã sản xuất ra loại miếng lót nhỏ bằng nhựa dẻo dùng để đệm gót hoặc nửa bàn chân trước (phần đệm thịt dưới ngón chân). Những miếng lót silicon này nhỏ gọn, tạo một lớp đệm mỏng khó thấy ở vị trí cần hỗ trợ như nửa bàn chân trước, gót hoặc gan bàn chân, hoàn hảo dành cho những đôi giày cao gót chỉ hơi rộng một chút mà nếu chèn nguyên miếng lót giày sẽ khiến chủ nhân không thoải mái.[1]
    • Phù hợp với: Giày cao gót, giày búp bê
    • Lưu ý: Những miếng lót này có nhiều màu vì thế hãy chọn màu sắc phù hợp với đôi giày của bạn.
  5. Sử dụng miếng lót cổ chân. Một loại miếng dán "cục bộ" khác ngoài đệm gót và đệm nửa bàn chân trước là miếng lót cổ chân giày cao gót. Như tên gọi, chúng là miếng đệm mỏng dùng cho những đôi giày có phần cổ hơi chật gây khó chịu, tuy nhiên chúng được thiết kế để có thể nhét vào bất cứ đâu trong đôi giày.
    • Phù hợp với: Hầu hết các loại giày, đặc biệt giày cao gót có cổ chật.
    • Lưu ý: Mang thử trước vì một số người nói họ bị phồng cổ chân sau khi sử dụng.[1]

Những cách phức tạp khác[sửa]

  1. Thử làm ẩm đôi giày với nước. Với một số loại giày, bạn nên cân nhắc việc làm chúng nhỏ lại bằng cách nhúng nước và phơi khô trong không khí. Nếu bạn thực hiện đúng cách, kết quả sẽ rất tuyệt, tuy nhiên cần lưu ý đọc kỹ nhãn trong giày trước khi bắt đầu. Xem những chỉ dẫn bên dưới.[2]
    • Đầu tiên, làm ướt giày. Với chất liệu da thuộc hay da lộn, dùng bình xịt nước. Với giày bình thường hoặc thể thao, ngâm chúng vào nước.
    • Để giày tự khô dưới ánh nắng mặt trời. Nếu không có nắng, dùng máy sấy tóc ở chế độ "nhỏ". Cẩn thận đừng sấy quá gần vì một số loại vải, như polyester, rất dễ cháy hoặc chảy.
    • Khi giày đã khô, hãy mang thử. Có thể lặp lại quá trình này vài lần nếu chúng vẫn còn rộng. Nếu sợ giày sẽ quá nhỏ, bạn có thể vừa mang vừa làm khô chúng. Giày sẽ nhỏ vừa đủ với chân bạn.
    • Đánh bóng giày da sau khi khô. Bộ dụng cụ đánh giày có bán ở những tiệm giày hoặc trong siêu thị.
  2. Sử dụng dây thun ngành may để làm giày co lại. Thủ thuật này cần một chút kỹ năng may vá. Đính một đoạn dây thun vào bên trong giày để kéo vải hoặc da giày lại với nhau khiến giày trở nên chật hơn. Những gì bạn cần là dây thun may đồ, kim và chỉ. Chọn loại dây thun đàn hồi tốt.[3]
    • May đoạn dây thun vào phía sau giày, bên trong cổ chân. Vị trí này là phù hợp nhất, tuy nhiên bạn có thể may vào bất cứ diện tích trống nào vẫn mang lại hiệu quả.
    • Đính dây thun vào giày, kéo nó dãn ra trong khi may. Bạn có thể dùng kim tây.
    • Thả dây thun ra. Sau khi may xong bạn thả tay ra để dây thun trở về trạng thái bình thường, khi ấy vật liệu trong giày sẽ bị kéo co lại. Giày sẽ được "thu nhỏ" một chút.
    • Bạn có thể kết hợp cách này với phương pháp làm ướt giày hay bất cứ thủ thuật nào nếu cần thiết.
  3. Đến thợ giày hay dịch vụ sửa giày chuyên nghiệp. Khi đã thử mọi cách vẫn không vừa ý, hãy tìm đến dịch vụ chuyên nghiệp. Thợ giày (người chuyên làm việc với giày) là một nghề từng rất phổ biến, về sau này dần thưa đi. Tuy nhiên bạn có thể hỏi thăm những người xung quanh về địa chỉ sửa giày uy tín.
    • Phù hợp với: Giày chất lượng cao, đắt tiền; đôi giày được xem như món đồ “gia bảo” của gia đình bạn.
    • Lưu ý: Giá cả của những dịch vụ này thường khó đoán, vì vậy hãy sử dụng thật xứng đáng. Một đôi giày tuyệt đẹp mà bạn thật sự quý là lựa chọn khôn ngoan để mang đến thợ giày. Giày chơi thể thao thông thường thì không cần thiết.

Những điều cần nhớ[sửa]

  1. Cố gắng duy trì tư thế khi mang giày quá to. Luôn nhớ rằng dù bạn làm gì bên trong đôi giày thì bên ngoài nó vẫn như vậy. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề không hay về tư thế khi đi bộ. Khi phải mang một đôi giày quá khổ, quan trọng là bạn giữ được tư thế tốt để cân bằng với đôi chân "to hơn". Xem bài viết về tư thế của chúng tôi để biết thêm những lời khuyên bổ ích. Một số vấn đề chung bao gồm:[4]
    • Đứng thẳng. Đầu và ngực nên hướng về phía trước. Đẩy nhẹ vai ra phía sau để cánh tay được ngay ngắn.
    • Sử dụng cả gót lẫn đầu ngón chân khi đi. Bước lên và đặt gót chân xuống trước, sau đó đến gan bàn chân, nửa bàn chân trước, ngón chân rồi bước đi.
    • Cố gắng co duỗi cơ bụng và mông nhẹ nhàng khi di chuyển. Những nhóm cơ này góp phần hỗ trợ tốt cho xương sống của bạn.
  2. Cẩn thận nhấc chân lên khi di chuyển. Giày quá khổ thường dài hơn giày mà bạn thường mang. Điều này có nghĩa là khi đi bạn cần nhấc chân lên cao hơn bình thường một chút nếu không mũi giày sẽ lê trên mặt đất dẫn đến việc vấp ngã.
  3. Không nên mang giày rộng quá lâu. Không quan trọng bạn dùng cách gì hay vật dụng nào để làm cho một đôi giày trở nên vừa vặn. Chỉ cần bạn tránh sử dụng đôi giày quá khổ đó để đi nhiều như leo núi hoặc đi bộ đường dài. Đôi chân của bạn có nguy cơ bị phồng rộp, trầy xước do trượt tới lui trong giày nhiều khi di chuyển.
    • Quan trọng hơn, bạn sẽ giảm thiểu khả năng bị chấn thương. Những thương tích mắt cá chân (như trặc hay trẹo chân) thường xảy ra khi mang giày quá rộng, đặc biệt là trong thi đấu thể thao.
  4. Thay thế một đôi giày có dấu hiệu lớn hơn bình thường. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng điều này có nghĩa là: những thủ thuật trên cũng có giới hạn. Nếu giày của bạn rộng hơn bình thường một đến hai cỡ thì không nên lót thêm để mang chúng. Đừng mạo hiểm sự đau đớn và những chấn thương có thể xảy ra chỉ để mang một đôi giày mới. Trong trường hợp này bạn nên chọn mang một đôi giày dù cũ nhưng thoải mái còn hơn nuối tiếc cố mang một đôi giày mới nhưng không vừa với chân.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng quên tìm xem giày có dây buộc ở cổ chân hoặc mắt cá chân hay không. Một số loại (thường là giày sandal, cao gót hoặc thể thao) có thể thắt chặt hay nới lỏng bằng bộ dây điều chỉnh được.
  • Luôn thử giày trước khi mua. Phòng bệnh hơn chữa bệnh; tốt hơn hết bạn nên tìm ra đôi giày vừa với mình ở cửa hàng chứ không phải cố làm cho nó vừa với mình hơn ở nhà!

Nguồn và Trích dẫn[sửa]