Minh triết Việt và minh triết Hồ Chí Minh/1
Ngô Thời Sĩ có phân biệt "đạo lý thánh hiền" và "đạo lý đời thường": "Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hoá lòng người".
Trên đại thể, minh triết là "đạo lý đời thường". Đạo lý này có tính chất đời thường vì, cũng như tính Phật, nó sẵn có ở mọi người. Nói cách khác, ai cũng có thể có minh triết. Nhưng triết lý thì khác, triết luận đòi hỏi năng lực tư duy đặc biệt, không phải cứ muốn thì trở thành triết gia.
Đời thường còn có nghĩa là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật. Trí khôn, trí tuệ, trí thức... của minh triết bao giờ cũng gắn với kinh nghiệm sống đời thường, vốn nảy sinh từ những kinh nghiệm này. Đây là một đặc tính quan trọng của minh triết. Còn triết lý thì thiên về thuần lý và có xu hướng thoát ra khỏi "tính cục bộ", "tính cụ thể" của kinh nghiệm.
Đến đây dựa vào những đặc trưng của ý thức minh triết và nhất là tư tưởng hiền minh của Ngô Thời Sĩ, tôi mạnh dạn đưa ra một định nghĩa về minh triết như sau: "Minh triết là tính sáng khôn, thiên về diễn ngôn thoáng gọn, chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời".
Dùng từ "tính sáng khôn", tôi muốn hiểu minh triết cũng như tính Phật là tính sẵn có trong lòng người, nói như Nhất Hạnh, nó là "hạt giống tốt" vốn có ở mọi người. Cân nhắc giữa 3 từ: "trí khôn", "sự khôn ngoan", "tính sáng khôn", cuối cùng tôi chọn từ "tính sáng khôn", "tính sáng" như là một thuộc tính của "minh tâm" và Phật tính là một từ của nhà Phật được nhắc đến nhiều lần.
Trong bài "Cư trần lạc đạo phú" nổi tiếng của Trần Nhân Tông (1258-1308)[1], "tính sáng" là "đạo", "khôn" là "đời", minh triết vừa là "đạo", vừa là "đời", nó là "tính sáng khôn". Tôi nhấn mạnh: "chủ yếu được sống và sống" bởi lẽ lẽ sống của nhà hiền triết là "sống" và "sống" minh triết chứ không phải "nói" và"nói" minh triết.
Tôi nhấn mạnh thuộc tính "thiên về cảm hóa lòng người..." vì ở trạng thái nhân thế hiện nay, ở xã hội ta cũng như trên toàn thế giới, ý thức con người thiên về "phá" hơn là "xây", những thiện chí "cảm hóa lòng người" bị "lép vế", bị lấn át, thậm chí bị áp đảo trước những cơn cuồng nộ quở trách, chửi rủa vô tội vạ "thói đời". Cảm hứng chủ đạo của minh triết là "xây dựng" bằng "sự cảm hóa lòng người".
Trong tiểu luận "Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây"( 1960) của Kim Định (1915-1997), tác giả đề nghi ước lệ phân biệt 3 ý niệm: triết lý, minh triết, triết học. Cho đến nay vẫn lưu hành một thành kiến cho rằng chỉ phương Tây mới có triết lý, phương Đông có tư tưởng, có Đạo học, có minh triết... nhưng không có triết lý. Với một cách ước định riêng thuật ngữ "triết lý", Kim Định khẳng định: có triết lý phương Tây và có triết lý phương Đông ngay từ thời cổ (cổ đại và trung đại).
Tư duy triết lý phương Đông mang những đặc điểm của tư duy minh triết mà những nét tiêu biểu nhất là:
- "Lấy cứu cánh con người làm trọng tâm suy nghĩ, lấy sự thực hiện đến rốt ráo cái tính bản nhiên con người làm mục tiêu (tận kỳ tính) [réaliser l'humanité] " (xem tr.3)[2]
- Những lời huấn đức minh triết được trình bày "tuy vắn tắt kiểu châm ngôn nhưng có hiệu lực muôn đời như: Pythagore, Khổng Tử, Lão Tử, Thích Ca v.v. (H.N.H.tô đậm]" (xem tr.2)
- Những nhà hiền triết "lo sống cái minh triết hơn là nghĩ đến viết ra sách vở (H.N.H.tô đặm)" (xem tr.2); họ cố gắng thực hiện minh triết "không phải ngoài cõi nhân sinh mà ngay trong đời sống, trong lối cư xử, trong cử chỉ".
- Phương pháp của tư duy minh triết "là thể nghiệm, trực giác, không dùng đến lý luận, phân tích (H.N.H.tô đậm)", "lý chứng, luận bàn" (xem tr.3), đương nhiên là không xây dựng hệ thống.
Tư duy triết lý phương Tây thiên về kiểu "tư duy triết học" mà những đặc điểm chính được Kim Định xác định như sau:
- "Không lấy con người mà lấy thiên nhiên sự vật làm trung tâm suy tư,.... con người chỉ được bàn đến một cách phụ thuộc, hay đúng hơn bằng những phạm trù của sự vật". (xem tr.4)
- "Triết Tây hầu hết là duy niệm, nghĩa là chỉ dùng có ý niệm suông, ngoài mọi tình cảm, ngoại lý (irrationnel) và tiềm thức. Những khoản này mới được chú ý đến từ ít chục năm sau đây (H.N.H. tô đậm)". (xem tr.22)
- "Phương pháp: theo lối khoa học phê phán và phân tách, cố tìm ra những ý niệm độc đáo và tích luỹ sự kiện để kết thành những hệ thống mạch lạc chặt chẽ..."
- "Mục tiêu lấy tri thức làm cùng đích."
- Trong khi minh triết "được giấu vào trong cử chỉ, thể hiện vào đời sống và trong cả sự im lặng..." thì những hệ thống triết học "kiểu nhà trường" được quăng ra, nằm "chình ình bên cạnh đời sống."
Vài thế kỷ gần đây do sự tiếp xúc Đông - Tây ngày càng mở rộng và có chiều sâu, sự tương tác giữa triết học phương Tây và minh triết phương Đông ngày càng có hệ quả rõ rệt.
Một mặt, "triết học Tây phương hiện phát động một phong trào di cư vĩ đại: di cư từ những nền móng cũ đến định cư trên những nguyên lý mới" (tìm thấy ở minh triết Đông):
- "Nguyên lý biến dịch thay vào ý niệm bản thể im lìm"
- "Nguyên lý cơ thể [3] thay vào ý niệm cơ khí..."
- "Bớt chú trọng ...thiên nhiên để nhấn mạnh đến thân phận con người."
- Ngoài khái niệm duy lý, có chú ý đến "tình cảm, ngoại lý (irrationel), tiềm thức" (xem tr.7)
Mặt khác, "Đông phương chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Tây phương: 1) về phương diện lý luận trình bày và chú ý đến phần lịch sử hơn; 2) đưa vào một óc phê phán được thức tỉnh và không chấp thuận dễ dàng mọi huấn điều tiền nhân; 3) dùng sự mổ xẻ phân tích dưới nhiều khía cạnh khác nhau để làm sáng tỏ vấn đề" (xem tr.7). Ngày nay, muốn bàn về minh triết Đông, không thể không biết triết học Tây, phải nghiên cứu những phạm trù và lịch sử của nó.
Chú thích[sửa]
-
↑
"Yêu
tính
sáng
yêu
hơn
châu
báu"
(Hội
thứ
nhất,
Cư
trần
lạc
đạo
phú)
"Gìn tính sáng tính mới hầu an" (Hội thứ hai)
"Di Đà là tính sáng soi" (Hội thứ hai)
"Gìn tính sáng, chớ lạc tà đạo" (Hội thứ ba) - ↑ Số trang của bài"Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây" PDF trên mạng
- ↑ Tức là "nguyên lý hữu cơ"
Nguồn[sửa]
Tuần Việt Nam