Khổng Tử

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khổng phu tử[1] (tiếng Trung: 孔夫子) hoặc Khổng tử (tiếng Trung: 孔子) là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu (chữ Hán: 孔丘; 27 tháng 8, 551 TCN - 11 tháng 4, 479 TCN) tự Trọng Ni (chữ Hán: 仲尼). Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông[2][3][4].

Trí tuệ Khổng Khâu được đúc kết trong mỹ tự Vạn thế sư biểu[5] (chữ Hán: 萬世師表) hoặc Đại thành chí thánh tiên sư[6] (chữ Hán: 大成至聖先師).

Danh hiệu[sửa]

Tiểu sử[sửa]

論語·為政 Luận ngữ - Vị chính
三十而立, Tam thập nhi lập, 30 tuổi có thể tự lập,
四十而不惑, Tứ thập nhi bất hoặc, 40 tuổi không còn nghi hoặc,
五十而知天命, Ngũ thập nhi tri thiên mệnh, 50 tuổi có thể biết được thiên mệnh,
六十而耳順, Lục thập nhi nhĩ thuận, 60 tuổi không còn thấy chuyện gì lạ,
七十而從心欲不踰矩。 Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ. 70 tuổi có thể nghĩ và làm không trái phép, không để dục vọng chi phối.

Ấu thơ[sửa]

Khổng Khâu sinh trưởng tại ấp Trâu, thôn Xương Bình, nước Lỗ[8] (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa) cuối thời Xuân Thu. Nhiều sử ký nói rằng ông là con của một gia đình nghèo, nhưng cụ tổ ba đời vốn cũng thuộc dòng quý tộc đã sa sút từ nước Tống di cư đến nước Lỗ.

Cha ông là Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy bà Nhan Chinh Tại mà sinh ra ông. Tương truyền khi Nhan Chinh Tại mang thai, theo tập quán lúc đó hai ông bà đưa nhau đến Ni Khâu phía đông nam thành Khúc Phụ để cầu thần núi, sau đó đến một cái động ở gần đó để nghỉ, không ngờ lại trở dạ và sinh con ở ngay trong cái động đó. Để tỏ lòng cảm tạ thần nhân, hai ông bà lấy núi đặt cho con, do đó tên ông là Khâu, lại có tự là Trọng Ni.

Năm lên ba, Khâu mồ côi cha. Bà Nhan Chinh Tại lúc đó mới 20 tuổi không sợ khó khăn vất vả đã đưa Khổng Tử đến sống ở Khúc Phụ, thủ phủ nước Lỗ, mong ông được sống và lớn lên trong một điều kiện tốt hơn. Khi lớn lên, ông phải làm lụng vất vả để giúp đỡ mẹ, nhưng rất ham học. Ông từng nói "... Lúc nhỏ bị nghèo hèn, ta phải làm nhiều nghề nên biết được nhiều việc nhỏ mọn. Người quân tử cần biết nhiều như vậy không? Không cần biết nhiều nghề như vậy.[9]". Năm ông 16 tuổi thì mẹ qua đời, Khổng Tử đó sống một cuộc sống thanh bạc, hàng ngày vẫn chăm chỉ học hành, mong muốn thực hiện được ước vọng của mẹ.

Làm quan[sửa]

Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho chuyên quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác. Ông cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi, súc vật sinh trưởng rất tốt. Nhờ vậy ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gặt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.

Năm 22 tuổi, ông lập trường giảng học và thường được các môn đồ gọi bằng phu tử. Năm 25 tuổi thì ông chịu tang mẹ. Năm 29 tuổi, ông học đàn với Sư Tương ở nước Lỗ.

Năm 30 tuổi, Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Chu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò là Nam Cung Quát nghe vậy, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho ông một cỗ xe song mã và vài quân hầu cận để đưa Khổng Tử và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ. Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì ông đến quan sát và hỏi han cho tường tận.

Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ. Từ đó, sự học của ông càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng ông vào việc nước. Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ông theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Tề Cảnh Công mời ông tới để hỏi việc chính trị và rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho ông, nhưng quan Tướng quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho. Năm sau, ông trở về nước Lỗ lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó ông được 36 tuổi.

Ngao du[sửa]

Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, mong thuyết phục các vua chư Hầu chịu đem Đạo của ông ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng. Nhưng Đạo của ông là Vương Đạo (đạo trị quốc) nên đi ngược ý đồ Bá Đạo (đạo chinh phạt) của các vua chư hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư hầu đều không dám dùng ông. Ông từng cảm thán "Ai mà không phải đi qua cửa rồi mới rời khỏi nhà ? Vậy mà tại sao không có ai đi theo đạo này ?[10]". Khi bị vây ở đất Khuông, Khổng Tử nói "Sau khi vua Văn Vương mất, tất cả mọi văn hóa, lễ nhạc đều không phải ở nơi ta cả ư ? Nếu trời muốn cho nền văn hóa này mất đi, thì sao khi vua Văn Vương chết, lại ủy thác cho ta nắm giữ nền văn hóa này làm gì ? Còn nếu trời đã không muốn để mất nền văn hóa này, thì người Khuông kia làm gì được ta ?"[11]. Sau 14 năm đi chu du các nước không thành công, ông trở về nước Lỗ, có quan Đại Phu Quý Khang tử sai Công Hoa ra đón ông. Phu nhân của Khổng Tử là bà Thượng Quan đã mất trước đó một năm. Các học trò của ông nói về giai đoạn ông đi các nước truyền bá đạo học:

Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng "Thầy Khổng Tử của chúng ta mỗi khi đến một nước nào đều được tham dự vào công việc chính sự của nước đó. Đây là do thầy chúng ta yêu cầu hay do người ta chủ động mời thầy ?"
Tử Cống nói: "Thầy chúng ta có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường, nên mới được vinh dự đặc biệt đó. Phương pháp đề xuất yêu cầu được tham gia chính sự của thầy chúng ta hoàn toàn khác với phương pháp xin việc của người khác."[12] (Luận ngữ)

Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định công, ông được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, bốn phương lấy chính sự của ông làm khuôn mẫu. Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 TCN), ông phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ ba khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.

Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng thư) coi việc hình án. Ông đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thịnh trị. Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong ông lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chính trị trong nước. Ông cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính. Ông chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chánh trị mỗi ngày một tốt lên. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị.

Nước Tề thấy nước Lỗ mạnh lên, có ý lo ngại. Vua Tề theo kế, lập ra Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Khổng Tử biết vua Tề có ý dùng chuyện hưởng lạc để làm suy bại chính sự nước Lỗ nên khuyên Lỗ Định công đừng nhận, nhưng Định công không nghe. Quả nhiên vua Lỗ sau khi nhận Bộ Nữ Nhạc sinh ra lười biếng mà chán ghét Khổng Tử. Lỗ Định công không nghe lời can gián của Khổng Tử, bỏ bê việc triều chánh, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho quyền thần. Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, chán nản xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu. Đạo làm quan của ông thể hiện qua lời ông nói với Nhan Hồi "Dùng ta thì ta giúp làm nên sự nghiệp, không dùng thì ta ở ẩn. Chỉ có ta và ngươi có thể làm được điều này mà thôi.[13]".

Soạn sách[sửa]

Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông cũng chỉnh lý lại các bản nhạc nước Lỗ khiến cho nhạc nhã và nhạc tụng mỗi loại có vị trí thích đáng của nó[14]. Có thể nói Khổng Tử là người thầy tư nhân chuyên thu nhận học trò đầu tiên trong lịch sử giáo dục Trung Quốc. Trước thời ông, trường học hoàn toàn là của triều đình và thường chỉ thu nhận con em của gia đình quý tộc. Khổng Tử sáng lập ra trường học tư, thu nhận nhiều đồ đệ bất kể xuất thân sang hèn, đưa giáo dục mở rộng cho bình dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến thật to lớn đối với giáo dục thời cổ đại. Tổng số môn đệ của Khổng Tử có lúc lên tới 3.000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị hiền. Trong số học trò của Khổng Tử, Nhan Hồi là người hiếu học nhất nhưng không may chết sớm[15]. Khổng Tử nói "Nhan Hồi ư! Lòng dạ của trò ấy trong ba tháng không lúc nào xa rời đạo nhân. Các trò khác không được như vậy, chỉ là ngẫu nhiên làm việc nhân thôi.[16]". Nhan Uyên, một học trò của Khổng Tử, ngậm ngùi than rằng "Đạo của thầy càng ngước trông lên càng thấy cao, càng nỗ lực nghiên cứu càng thấy sâu. Mới chiêm nghiệm thấy ở phía trước, đột nhiên lại hiện phía sau lưng. Thầy khéo dẫn dắt dần từng bước trước sau giảng cho ta thấu triệt. Thầy dùng đủ loại văn chương, làm cho tri thức của ta thêm phong phú, lại biết dùng lễ tiết để đưa hành vi của ta dần vào khuôn phép, khiến cho mình dù muốn thôi cũng không thôi được, đã đua hết tài lực ra học thế mà vẫn trông thấy đạo của thầy ta như đang đứng sững trước mặt. Ta dẫu muốn theo đến cùng, mà vẫn không tài nào đạt được như yêu cầu của thầy ta.[17]". Khổng Tử nói về hoạt động dạy học của ông "Ta chẳng gặp được người đạt mức trung dung để truyền đạo nên buộc lòng phải tìm đến hạng cuồng giả, quyến giả. Cuồng giả có tinh thần tiến thủ mãnh liệt. Quyến giả biết giữ lòng ngay thẳng, không bao giờ làm chuyện bất nghĩa."[18].

Năm 69 tuổi, ông bắt tay vào việc hiệu đính các cổ thư bị tản mát, nhiều chỗ không rõ ràng, dễ bị thất truyền hoặc khiến người đời sau nhầm lẫn. Do vậy, Khổng Tử thực hiện san định lại các kinh sách của Thánh hiền đời trước, lập thành 6 cuốn sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Mỗi cuốn lại nói về một vấn đề khác nhau, từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho tới sử học. Việc Khổng Tử tự mình biên soạn 6 bộ sách đã thể hiện hiểu biết sâu rộng và tinh thần làm việc miệt mài của ông, có thể coi đây là một dạng Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. 6 cuốn sách này gồm:

  1. Kinh Thi (詩經 Shī Jīng): Sưu tầm các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử. Khổng Tử san định thành 300 thiên nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng. Một lần, Khổng Tử hỏi con trai "Học Kinh Thi chưa ?", nó đáp "chưa". Khổng Tử nói "Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao" (sách Luận ngữ).
  2. Kinh Thư (書經 Shū Jīng): Lưu lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như Nghiêu, Thuấn chứ đừng tàn bạo như Kiệt, Trụ.
  3. Kinh Lễ (禮記 Lǐ Jì): Chép các lễ nghi thời trước. Khổng Tử hiệu đính lại mong dùng làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự xã hội. Khổng Tử nói: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời" (sách Luận Ngữ).
  4. Kinh Dịch (易經 Yì Jīng): Nói về các tư tưởng triết học Trung Hoa dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái... Đời Chu, Chu Văn Vương đặt tên và giải thích các quẻ của bát quái gọi là Thoán từ. Chu Công Đán giải thích chi tiết nghĩa của từng hào trong mỗi quẻ gọi là Hào từ. Kinh Dịch thời Chu gọi là Chu Dịch. Khổng Tử giảng giải rộng thêm Thoán từ và Hào từ cho dễ hiểu hơn và gọi là Thoán truyện và Hào truyện.
  5. Kinh Xuân Thu (春秋 Chūn Qiū): Chép các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử. Khổng Tử không chỉ ghi chép như một sử gia mà theo đuổi mục đích trị nước nên ông chọn lọc các sự kiện, ghi kèm các lời bình, sáng tác thêm lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa.
  6. Ngoài ra còn có Kinh Nhạc bàn về nhạc thuật và nhạc khí, nhưng nguyên bản đã bị thiêu hủy trong Chiến tranh Hán-Sở, chỉ còn đôi chút làm thành một thiên trong Kinh Lễ, gọi là Nhạc ký. Tuy nhiên, giới học giả cũng cho rằng, so với 5 cuốn còn lại thì sách này có phẩm chất thấp nhất.

Tựu trung, 6 cuốn sách chỉ còn lại 5 mà hậu thế gọi là Ngũ kinh. Hiện nay, Ngũ kinh giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong các tác phẩm cổ điển Trung Hoa, nhờ có nó mà tới 2.500 năm sau người ta vẫn hiểu biết tường tận về đời sống của đời thái cổ. Trong 6 cuốn sách, Khổng Tử chú các lời nói của Thánh hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, ông chú giải rất kỹ. Sau đó, Khổng Tử viết ra Kinh Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Chu liên hệ với các nước chư Hầu từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên (721 trước Tây lịch) đến đời Lỗ Ai Công thứ 14 (481 TCN), tổng cộng là 242 năm. Khổng Tử thấy thời thế loạn lạc, chính đạo mờ mịt, các tà thuyết dấy lên, những sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, bề tôi phản nghịch, cho nên ông lấy làm lo sợ mà làm ra sách Xuân Thu, để định sự chính danh, thưởng phạt theo đạo lý. Đây là cuốn kinh mà Khổng Tử tâm đắc nhất, là một trong những tác phẩm sử học đầu tiên của Trung Hoa, trước cả Sử ký.

Xem hình thể bề ngoài thì Kinh Xuân Thu là một bộ sử biên niên, lời lẽ vắn tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần thì là bộ sách triết lý về việc chính trị. Phép của Kinh Xuân Thu là trị kẻ gian ác, dù còn sống hay chết rồi, trị ngay đến bản thân, cốt để răn kẻ ác, khuyến khích trung nghĩa, còn đến con cháu xa thì là để khuyến thiện, bỏ ác theo thiện. Khổng Tử đã vận dụng bút pháp để khen chê, để phân biệt người thiện kẻ ác hết sức minh bạch và đanh thép, nên người đời sau gọi đó là những búa rìu giáng lên kẻ gian tà, răn đe chúng suốt ngàn đời sau:

Trong kinh Xuân Thu, được một chữ khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn vua ban, bị một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa (Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt)
Từ khi Khổng Tử nêu cao cái nghĩa trong Kinh Xuân Thu, bọn loạn thần tặc tử trong thiên hạ đều phải khiếp sợ (Khổng Tử tác Xuân Thu nhi loạn thần tặc tử cụ).

Cuối đời[sửa]

Mùa Xuân năm Lỗ Ai công thứ 14 (481 TCN), tương truyền người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc, ông than rằng: "Ngô đạo cùng hĩ!" (Đạo của ta đến lúc cùng). Sách Xuân Thu chép đến đây thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân kinh.

Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 TCN), một hôm Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: "Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!)" Học trò của ông là Tử Cống liền đến hỏi thăm, ông nói: "Ta biết mình sắp chết". Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất (tháng 4 năm 479 TCN) Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Trước khi mất Khổng Tử cảm thán "Chim phượng hoàng không bay đến, sông Hoàng Hà không xuất hiện đồ thư, một đời ta thế là hết.[19]". Mộ của ông ở bên bờ sông Tứ Thủy, cực Bắc nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

Nhân cách[sửa]

Phẩm hạnh[sửa]

Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, ông cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Tánh ông ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh. Ông tin rằng con người được sinh ra trên đời này là có lý do, bản thân ông được Trời giao cho sứ mệnh góp sức xây dựng nên một xã hội quý trọng đạo đức và lòng hiếu học, và ông đã giành cả đời nỗ lực cho sứ mệnh đó.

Ông là người nhân hậu, khiêm nhường, giản dị, chân thành, giàu tình cảm, ôn hòa mà nghiêm túc, uy nghi nhưng không thô bạo, cung kính mà an nhàn[20]. Ông sống thanh đạm, trọng nghĩa khinh tài. Khổng Tử nói "Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy"[21]. Một người ở xứ Đạt Hạng nói "Khổng Tử thật là vĩ đại, học rộng nhưng rất tiếc lại chẳng có danh tiếng gì!". Khổng Tử nghe được liền nói với học trò rằng "Ta làm cái gì ? Đánh xe ư ? Bắn tiễn ư ? Ta làm nghề đánh xe vậy![22]". Khi Khổng Tử ở nhà dáng dấp rất thoải mái, trên mặt biểu lộ thần thái hết sức hoài vui[23]. Khi ăn uống ở nhà có tang, Khổng Tử không bao giờ ăn no. Hôm nào Khổng Tử đi phúng viếng đám tang, thì suốt ngày hôm đó không đàn hát nữa.[13] Ông đối xử với các học trò bằng tình thương như cha đối với con còn các học trò kính trọng ông như người cha thứ hai của họ. Trong quan hệ thầy trò, ông gần gũi với họ và hết sức chân thành. Ông từng nói với các học trò "Các ngươi cứ tưởng ta còn giấu các ngươi điều gì sao? Ta đâu có giấu điều gì. Ta không có điều gì làm mà không cho các ngươi biết. Ta, Khổng Khâu là con người như vậy.[24]". Ba việc mà Khổng Tử hết sức thận trọng là trai giới, chiến tranh và bệnh tật[25].

Ông là người thông kim bác cổ nhưng chưa bao giờ tự nhận mình là người hiểu biết nhiều, ông biết rằng hiểu biết của một người chỉ là hạt cát so với kho tàng kiến thức của nhân loại. Khổng Tử nói "Ta có nhiều hiểu biết ư? Không! Ta không hiểu biết nhiều. Có một nông dân hỏi ta một vấn đề mà lúc đầu ta không biết tí nào cả nhưng ta đem hai mặt của vấn đề lật đi lật lại, suy nghĩ tìm hiểu, rồi giải thích tường tận cho người ấy hiểu rõ.[26]". Khổng Tử thường hay nói về Kinh Thi, Kinh Thư và thực hành Kinh Lễ đều là những lời thanh nhã cả[27]. Khổng Tử ít khi nói đến lợi, mệnh trời và nhân[28], không bao giờ bàn luận những chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, quỷ thần[29]. Tử Lộ hỏi về việc tế lễ quỷ thần. Khổng Tử nói "Chưa biết phụng thờ con người làm sao có thể phụng thời quỷ thần ?". Tử Lộ lại hỏi "Con mạnh dạn hỏi thầy về đạo lý của sự chết". Khổng Tử nói "Chưa biết đạo lý của sự sống sao biết đạo lý của sự chết".[30]

Khổng Tử không dùng màu xanh da trời và màu đỏ nâu để viền quần áo, không dùng màu đỏ và màu tím. Mùa nóng, Khổng Tử mặc áo đơn bằng vải mỏng nhất định phải có áo lót ở trong. Mùa lạnh, thì mặc áo da cừu màu đen ở trong, mặc áo dài màu đen ở ngoài; hoặc mặc áo da hươu màu trắng ở trong, thì mặc áo dài màu trắng ở ngoài; còn nếu mặc áo da cáo màu vàng ở trong thì mặc áo dài vàng ở ngoài. Thường ngày áo da mặc ở nhà, may dài hơn lễ phục một ít, ống tay phải ngắn hơn ống tay trái một ít để tiện lợi khi làm việc. Khi ngủ nhất thiết phải mặc áo ngủ dài bằng một nửa người. Áo da cáo da hạc mặc làm việc ở nhà có lông dày và ấm. Khi mãn tang Khổng Tử thường hay đeo ngọc. Nếu không là áo xiêm mặc để đi tế lễ và đến công đường làm việc thì may giản dị hơn. Không mặc áo da cừu màu đen và đội mũ màu đen đi điếu tang. Mồng một hàng tháng Khổng Tử đều mặc triều phục vào chầu vua. Đến kỳ trai giới, Khổng Tử giữ mình sạch sẽ, mặc áo vải tinh khiết màu trắng, áo ngủ dài gấp rưỡi thân mình. Khi trai giới nhất định thay đổi bữa ăn thường ngày, nơi ở cũng thay đổi sang chỗ khác. Tuy không cầu kỳ cao lương mỹ vị nhưng Khổng Tử yêu cầu rất cao đối với thực phẩm. Khổng Tử thích ăn gạo giã trắng, ăn thịt thái mỏng. Khổng Tử không ăn lương thực để lâu ngày, thức ăn đã hôi thiu, rau quả đã héo úa, thịt cá sống đã đổi màu, thức ăn có mùi vị khó ngửi, nấu sống hay nát quá, thức ăn chín quá, thực phẩm không đúng mùa vụ, thức ăn nêm mắm muối gia vị không đúng kiểu cách, thịt thái không vuông vắn. Thức ăn, thịt cá trên mâm cỗ nhiều, Khổng Tử không bao giờ ăn quá mức bình thường. Chỉ có rượu là không giới hạn tửu lượng nhưng yêu cầu giữ mình không được say. Rượu và thịt khô mua ở chợ về là không dùng. Mỗi bữa đều ăn thêm gừng nhưng chỉ vừa đủ. Khi dự lễ ở tông miếu, Khổng Tử không để thịt cách đêm. Khi tế tại nhà riêng, Khổng Tử không để lại thịt tế quá ba ngày, chiếu trải ngay ngắn không ngồi, khi ăn cơm không mạn đàm với người khác, khi ngủ không nói chuyện với ai. Dù chỉ ăn cơm canh bình thường nhưng trước khi ăn Khổng Tử nhất định dành một ít để thờ cúng, thành tâm như khi trai giới.[31] Khi ngủ Khổng Tử không duỗi thẳng tay chân như người chết. Bình thường ở nhà, Khổng Tử không trang điểm trau chuốt dung mạo.[32]

Khi Khổng Tử uống rượu với người trong làng, ông đợi các cụ cao tuổi rời khỏi mâm rồi mới rời sau. Khi người làng làm lễ nghênh thần tống quỷ ông mặc triều phục đứng ở thềm phía Đông. Khi nhờ người chuyển lời thăm hỏi của mình đến bạn mình ở nước khác, Khổng Tử vái người mình nhờ hai lạy để tiễn người ấy. Vua ban tặng Khổng Tử thức ăn chín, Khổng Tử nhất định trải chiếu ngay ngắn rồi mới ăn. Vua ban tặng cho thực phẩm sống, ông nấu xong đem cúng tế tổ tiên rời mới ăn. Vua ban tặng cho vật sống, Khổng Tử nhất định giữ lại để nuôi. Khi ngồi hầu cơm bên vua khi vua đang tế lễ, Khổng Tử nếm trước. Khổng Tử ốm tại nhà, khi vua đến thăm, Khổng Tử chuyển đầu hướng về phía Đông, đem triều phục đắp lên người với dây đai ở trên. Khi vua triệu Khổng Tử đến gặp, ông đi bộ tới ngay, không đợi xe.[33] Bạn bè mất mà không có ai thân thuộc lo liệu, Khổng Tử nói "Việc này do ta chịu trách nhiệm". Khi bạn bè tặng lễ phẩm, dẫu quý như xe ngựa nhưng không phải là vật cúng tế được thì khi nhận Khổng Tử cũng không bao giờ bái tạ. Khổng Tử nhìn thấy người mặc áo tang thì thay đổi thái độ tỏ lòng thương xót. Khổng Tử nhìn thấy người đội mũ miện, mặc lễ phục hoặc người mù luôn đối xử với họ rất lịch sự. Ngồi xe đang đi trên đường, gặp người mặc tang phục, Khổng Tử cúi người về phía trước gật đầu như muốn chia sẻ nỗi buồn của tang chủ. Khổng Tử gặp người cầm sổ sách của nhà nước cũng cúi chào như vậy để tỏ lòng kính trọng người thi hành công vụ. Khổng Tử khi làm khách, thấy chủ nhà dọn mâm thịnh soạn thì đứng lên cảm tạ lòng hiếu khách của chủ nhân rồi mới cầm đũa. Khi có sấm to bão lớn, Khổng Tử cũng thay đổi thái độ, nét mặt hiện vẻ lo lắng sợ thiên tai gây họa cho dân.[34]

Khổng Tử câu cá không bao giờ đánh bằng lưới, khi bắn chim không bao giờ bắn con đã về tổ nghỉ ngơi ấp trứng[35]. Khổng Tử cùng ngồi hát với người khác, nếu phát hiện ai hát hay thì nhất định mời họ hát lại một lần nữa để mình cùng được hát theo[36]. Khi nhìn thấy người mặc tang phục, người đội mũ miện mặc lễ phục và người mù, mặc dù họ còn rất trẻ thì Khổng Tử cũng nhất định dừng lại, nếu phải đi qua trước mặt họ thì đi rất nhanh[37]. Khổng Tử không bao giờ mắc phải bốn sai lầm: không dựa vào ý riêng; không phán đoán khẳng định, áp đặt; không cố chấp; không tự cho mình là đúng cả[38]. Một lần có người chỉ ra sai lầm của Khổng Tử, ông nói "Ta thật may mắn, giả dụ có sai lầm thì người ta cũng biết được"[39]. Khổng Tử là người am hiểu lễ nhạc. Ông nói "Khi nhạc sư Chí mới ra làm quan, tấu bản nhạc phổ theo bài thơ Quan Thư, tới khúc cuối cùng, tiếng nhạc dào dạt, nghe vui thích, thuận tai lắm thay![40]".

Khổng Tử khi ở quê hương, đứng trước mặt cha anh, bạn bè thì hết sức khiêm tốn, kính cẩn vâng lời, chẳng hề tranh với ai điều gì. Khổng Tử rất ít nói, có lúc tựa như chẳng biết nói năng gì. Nhưng khi ra nơi tông miếu triều đình, giải quyết công việc, Khổng Tử ăn nói rất lưu loát, mạch lạc, chững chạc đâu ra đấy; duy có điều lời lẽ rất cẩn thận, không tùy tiện bao giờ. Ở triều đình, khi nói chuyện với quan đại phu dưới quyền, Khổng Tử rất cương nghị, thẳng thắn; khi nói chuyện với quan đại phu bậc trên luôn luôn giữ thái độ hòa nhã. Khi vua đến Khổng Tử tỏ ra hết sức cung kính rụt rè, trong lòng như có điều gì chưa yên tâm, không thể hiện cử chỉ nào thất lễ. Khi vua triệu đến tiếp khách quý, tiếp chỉ xong, sắc mặt Khổng Tử thay đổi ngay, tỏ ra hết sức nghiêm trang. Trước mặt tân khách, Khổng Tử tỏ ra hết sức chu đáo, cẩn thận, chân bước nhanh hơn. Đứng chào khách, Khổng Tử chắp hai tay cúi đầu chào khách bên trái rồi bên phải, còn quần áo mặc khi tiếp khách thì ngay ngắn, phía sau cũng chỉnh tề như phía trước. Khi dẫn khách vào Khổng Tử lanh lẹ đi trước dẫn đường, hai cánh tay thẳng, tựa hồ như chim duỗi cánh. Khi khách cáo từ ra về, Khổng Tử liền trở vào tâu với vua rằng "Khách không còn ngoảnh mặt lại nữa" ý muốn thưa rằng mọi việc tiếp đãi, bàn luận đã hết sức chu đáo. Khi bước vào cửa cung điện nơi vua và đại thần hội họp Khổng Tử hết sức kính cẩn hơi có vẻ lo lắng cảm thấy mình bé nhỏ như không có chỗ dung thân, như chưa xứng đáng với thân phận của mình. Khổng Tử khi đi ngang qua ngai vua thì sắc mặt hơi đổi, chân bước nhanh hơn, nói năng khe khẽ như không đủ lời. Khi vén áo bước lên công đường Khổng Tử cúi mình nín thở. Khi trở ra, xuống một bậc thềm thì sắc mặt thư giãn, trở nên vui vẻ thư thái; xuống đến bậc thềm chót thì rảo bước, đưa hai tay như chim xòe cánh. Khi trở lại chỗ của mình, Khổng Tử lại giữ vẻ cung kính. Khổng Tử lĩnh mệnh vua đi sứ các nước, hai tay cầm thẻ Ngọc Khuê dâng lên vua chư hầu rất cung kính, dường như nâng không nổi vậy. Khổng Tử giơ cao Ngọc Khuê lên như để vái chào, rồi hạ xuống ngang ngực, báo hiệu chuẩn bị dâng lễ; nét mặt tỏ ra kính sợ, chân bước rón rén như phải vịn vào vật gì mới đi nổi. Khi dâng lễ vật của vua sắc mặt Khổng Tử tươi tắn, ôn hòa, trang trọng. Khi dâng lễ của riêng mình thì hết sức thoải mái vui tươi.[41]

Tâm nguyện[sửa]

Ngay từ thời trẻ, Không Tử đã đặc biệt yêu thích văn hóa cổ đại, ông thấy rằng giá trị văn hóa cổ đại rất cao xa và sâu sắc, cảm nhận được “cõi lòng cao thượng của cổ nhân”. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới tư tưởng của Khổng Tử một cách tự nhiên, hướng tư tưởng phẩm chất của Khổng Tử đến một trình độ tự giác cao “Quyết chí học tập, phát huy văn hóa truyền thống, chịu trách nhiệm trước lịch sử, lập chí cho sự nghiệp lớn sống vì thiên hạ!”

Ông sống trong thời kỳ trật tự xã hội đã suy đồi, chư hầu lấn quyền thiên tử, đại thần tiếm đoạt ngôi chư hầu dẫn đến cảnh chém giết nhau hỗn loạn, không còn đạo lý, kỷ cương. Đau lòng trước cảnh này Khổng Tử than: "Các dân tộc Di Địch lạc hậu ở biên giới còn có vua, không như các dân tộc Hoa Hạ ở Trung Nguyên cứ như thể chẳng có vua gì cả![42]". Đạo đức xã hội thời ông sống cũng đã suy đồi. Tử Lộ hỏi về phẩm đức của một người toàn tài. Khổng Tử nói "Có trí tuệ như Tang Vũ Trọng, liêm khiết như Mạnh Công Xước, dũng cảm như Biện Trang Tử, tài nghệ như Nhiễm Cầu, lại nắm được lễ nhạc, được như vậy xem như là một người toàn tài". Khổng Tử lại nói tiếp "Bây giờ muốn trở thành một người toàn tài thì chẳng cần phải như vậy nữa. Chỉ cần nhìn thấy lợi thì trước hết hãy nghĩ đến nghĩa, gặp việc nguy nan không tiếc thân mình, lời hứa ngày thường dù lâu cũng không bao giờ quên, được như vậy xem như là một người toàn tài rồi"[43].

Ông mong muốn tái lập lại trật tự xã hội, làm cho mọi người trở nên tốt đẹp hơn, đối xử với nhau hòa hảo, thân ái. Một lần Khổng Tử tâm sự với học trò "Nguyện vọng của ta là muốn cho người già được nuôi dưỡng đầy đủ, bạn bè tin cậy lẫn nhau, trẻ nhỏ được quan tâm chăm sóc.[44]". Chính vì thế ông luôn muốn dùng tài năng của mình giúp nước, giúp đời. Khổng Tử nói "Nếu có người bổ dụng ta làm quan quản lý nhà nước thì một năm cũng đã tương đối rồi, ba năm nhất định có nhiều thành tích hơn nữa"[45]. Bản thân ông lại thích cuộc sống an nhàn, tự do tự tại. Khi Khổng Tử hỏi chí hướng của học trò ông là Tăng Tích, người này thưa "Tháng ba cuối xuân mặc trang phục mùa xuân, cùng hẹn với năm sáu bạn trẻ, sáu bảy em nhỏ đến sông Nghi tung tăng bơi lội tắm mát, lên đài cầu mưa Vũ Vu nhảy múa hứng gió, vừa đi vừa ngâm vịnh mà trở về nhà.". Khổng Tử ngậm ngùi than rằng "Ta tán thành cách suy nghĩ của con.".[46]

Trong suốt cuộc đời dạy học, viết sách và du thuyết của mình, Khổng Tử luôn tự vấn bản thân "Im lặng nhớ kỹ những điều đã học được; kiên trì học tập không biết chán, dạy bảo người khác không biết mệt mỏi. Trong ba việc này ta đã làm được việc nào ?[47]", "Ở triều đình thì tôn kính các bậc công khanh; ở nhà thì hiếu để với cha anh; gặp việc tang chẳng dám không có lễ tiết cho chu toàn; rượu chè không đến nỗi quá say mà lèm nhèm. Những việc đó ta đã làm được việc nào chăng ?[48]". Ông nói "Đức hạnh không tu dưỡng, học vấn không giảng giải, nhìn thấy việc nghĩa không làm, tự có điều sai không chịu sửa chữa, những điều này là nỗi lo của ta.[49]". Phương châm sống của ông là "Lập chí vì đạo, giữ vững lấy đức, noi theo điều nhân, vui chơi trong lục nghệ"[50].

Sách Trung Dung nói về Khổng Tử "Khổng Tử tôn sùng tiếp nối đạo đức của vua Nghiêu, vua Thuấn; noi theo và làm sáng tỏ phép tắc của vua Văn Vương, vua Vũ Vương, trên thuận thiên thời, dưới hợp địa lý. Đức của Khổng Tử vĩ đại như trời đất, không có cái gì không chứa nổi, không có cái gì không che chở; lại giống như bốn mùa thay nhau luân chuyển, như mặt trời, mặt trăng thay nhau tỏa sáng.[51]" còn ông chỉ khiêm tốn tự nhận "Một thôn có chục nhà thì nhất định có một người trung tín như ta, chỉ khác không ham học như ta.[52] Ta không phải là người sinh ra đã biết tất cả, mà do hâm mộ đạo nghĩa đời xưa, nên cần mẫn học tập mà có được tri thức như hiện nay[53]. Về tri thức văn hóa thì ta cũng chỉ bằng người khác. Nếu nói về làm một người quân tử tu thân hành đạo trong thực tiễn thì ta vẫn chưa làm được bao nhiêu[54]. Nếu khoác cho ta hai chữ thánh nhân ta đâu dám nhận. Nhưng thực hiện theo công việc của bậc thánh và bậc nhân thì ta từ trước đến nay chưa biết chán, dạy học trò chưa bao giờ biết mệt mỏi, chỉ có vậy thôi[54].".

Thái Sử Công Tư Mã Thiên từng ca ngợi Khổng Tử: "Núi cao cúi phục, thiên nhiên cũng kính nể ngừng khoe sắc đẹp. Thiên hạ biết không đuổi kịp được ông nhưng luôn hướng theo ông! Từ bậc quân vương đến thường dân lúc đó đều ca ngợi ông. Tuy chỉ là người mặc áo vải nhưng ông đời đời được tôn vinh, những người học đều coi ông là thầy, có thể nói ông là bậc thánh hiền!”.

Triết lý[sửa]

Xem chi tiết: Khổng giáo
Tập tin:Confuciustombqufu.jpg
Mộ phần của Khổng Tử tại nguyên quán Khúc Phụ. Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng nay là một di sản thế giới do UNESCO công nhận.

Dù Khổng giáo thường được người Trung Quốc tin theo như một tôn giáo, vẫn tồn tại những cuộc tranh luận về việc liệu đó có phải là một tôn giáo không, bởi Khổng giáo ít đề cập tới các vấn đề thần học hay duy linh (quỷ thần, kiếp sau, vân vân).

Các triết lý của Khổng Tử được chấp nhận chủ yếu bởi nó dựa trên nền tảng quan điểm phổ thông trong xã hội Trung Quốc. Triết học của ông nhấn mạnh sự tu dưỡng đức hạnh cá nhân và cai trị bằng đạo đức: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", đưa ra các quy tắc trong các mối quan hệ xã hội, đề cao "Đạo Trung Dung" và các đức tính "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín". Khổng Tử đề cao mối quan hệ gia đình, thờ cúng tổ tiên, trẻ kính trọng già, vợ tôn trọng chồng, và gia đình là căn bản cho một xã hội lý tưởng. Ông đã tuyên bố rõ nguyên tắc nổi tiếng, "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Ông cũng luôn lấy những điều tốt đẹp trong quá khứ ra làm chuẩn mực, và khuyên người Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp cai trị, tự đổi mới mình dựa trên những hình mẫu những vị vua hiền trong quá khứ.

Nói về triết học của đức Khổng Tử, có hai chủ thuyết là nhân sinh quan vũ trụ quan. Nhân sinh quan có hai mặt là cơ xuất thế và cơ nhập thế. Cơ nhập thế là nói về mười lăm đức, con người phải có đạo đức, nếu không có đức con người có khác gì cầm thú. Còn về cơ xuất thế là tánh mạng song. Cụ thể trong Trung Thiên dịch, là cơ năng chuyển hóa từ hậu thiên trở về với Thiên tiên. Trong quẻ Bát Thuần Càn có câu, Càn đạo biến hóa các Chánh tánh mạng, bảo hiệp Thái hòa mải lợi trinh... Con người có tánh, tức là có tâm hồn là thần trí của ta nó là thể vô hình. còn mạng ta, tức là hình thể xác thân là khí huyết. Bên Đạo Giáo gọi là Thần Khí, bên Phật giáo gọi là Tâm tức.

Về vũ trụ quan của ông thể hiện bằng tám quẻ: Càn là Trời, Khôn là Đất, Ly là mặt Nhật, Khảm là mặt Nguyệt... Như vậy triết lý tự nhiên của ông rất siêu hình.

Tư Mã Thiên đã đánh giá Khổng Tử như sau: "Trong thiên hạ các vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng lúc chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc Chí Thánh vậy".

Đạo đức[sửa]

Lý thuyết đạo đức của Khổng tử dựa trên ba quan niệm chính:

Khi Khổng tử trưởng thành, lễ được xem là ba khía cạnh sau trong cuộc đời: hiến tế cho thần thánh, thiết chế chính trị và xã hội, và hành vi hàng ngày. Lễ được xem là quy phạm đạo đức và hành vi mà Thiên thượng (Trời) chế định cho con người, lấy đó mà biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm.

Đối với Khổng tử, Nghĩa (義 [义]) là nguồn gốc của Lễ. Nghĩa chính là cách hành xử đúng đắn. Trong khi làm việc vì lễ, vị kỷ cá nhân chưa hẳn đã là xấu và người cư xử theo lễ một cách đúng đắn là người mà cả cuộc đời dựa trên trí. Tức là thay vì theo đuổi quyền lợi của cá nhân mình, người đó cần phải làm những gì là hợp lẽ và đạo đức. Trí là làm đúng việc vì một lý do đúng đắn. Nghĩa dựa trên quan hệ qua lại. Một ví dụ sống theo Nghĩa là tại sao phải để tang cha mẹ ba năm sau khi chết. Lý do là vì cha mẹ đã phải nuôi dưỡng chăm sóc đưa trẻ toàn bộ trong suốt ba năm đầu đời, và là người có trí phải đền đáp lại bằng cách để tang ba năm.

Cũng như Nghĩa xuất phát từ Lễ, thì Nghĩa cũng xuất phát từ Nhân (仁). Nhân là cách cư xử tốt với mọi người. Nhân là trung tâm của các đức tính: tình cảm chân thật, ngay thẳng; hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.

Hệ thống đạo đức của Khổng Tử dựa trên lòng vị tha và hiểu những người khác thay vì là việc cai trị dựa trên luật pháp có được như một quyền lực thần thánh. Để sống mà được cai trị bằng Nhân thì thậm chí còn tốt hơn là sống trong luật pháp của Nghĩa. Để sống có nhân thì ta theo nguyên tắc vàng của Khổng tử: ông đã tranh luận rằng người ta phải luôn đối xử với người khác đúng như những gì họ muốn người khác đối xử với họ. Đức hạnh theo Khổng tử là dựa trên việc sống hài hòa với mọi người.

Khổng Tử nói: "Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất".

Ông áp dụng nguyên tắc trên như sau: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Cái gì mà ta không muốn thì đừng làm cho người khác"

Dựa theo mức độ tu dưỡng đạo đức, Khổng Tử chia loài người thành ba hạng:

  • Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao chân lý minh triết.
  • Quân tử: Người cao nhã, kẻ phấn đấu để làm điều chân chính.
  • Tiểu nhân: Kẻ "hèn mọn", hành động không màng tới đạo đức.

Khổng Tử nói: "Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ, mà còn khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung".

Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử tự coi mình là một "người truyền đạt lại cái đã có mà không phát minh ra thứ gì khác". Ông rất nhấn mạnh trên tầm quan trọng của sự học, và chương mở đầu Luận Ngữ cũng đề cập tới việc học. Vì thế, ông được người Trung Quốc coi là vị Đại Sư. Thay vì tìm cách xây dựng một lý thuyết mang tính hệ thống về cuộc sống xã hội, ông muốn các môn đồ của mình phải suy nghĩ sâu sắc cho chính mình và lặng lẽ nghiên cứu thế giới bên ngoài, chủ yếu thông qua các cuốn kinh cũ và qua các sự kiện quá khứ có liên quan (như Kinh Xuân Thu) hay những tình cảm của nhân dân trong quá khứ (như Kinh Thi).

Sự giáo hóa của Khổng Tử chủ yếu là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng của con người, chớ không đặt trọng tâm vào sự truyền thụ kiến thức. Đây là một phương pháp giáo dục rất hay để khai mở cái Tâm của con người. Nền giáo dục hiện đại, nhiều nơi làm ngược lại: đặt trọng tâm vào sự truyền thụ kiến thức chứ không quan tâm đến giáo dục đạo đức lối sống, cho nên cái Tâm của học trò không được mở mang khiến họ dễ thành kẻ xấu. Đó là điều mà Khổng Tử tối kỵ, ông xem đó là dạy tiểu xảo chứ không phải dạy người.

Khổng Tử coi việc dạy học là để mưu cầu lợi ích cho nhân dân chứ không phải để mưu lợi cá nhân. Ông nói "Chỉ cần tự mình dâng lên một xâu thịt khô làm lễ xin học, thì ta chưa từng bao giờ từ chối ai làm học trò của ta.[55]". Nội dung giáo dục của Khổng Tử đối với học trò có bốn mặt là văn, hạnh, trung, tín[56]. Người làng Hỗ Hương rất khó cùng trò chuyện. Một đứa trẻ làng ấy đến yết kiến Khổng Tử xin vào học. Học trò của Khổng Tử cảm thấy nghi hoặc không hiểu nổi. Khổng Tử nói "Ta tán thành mặt tiến bộ của họ, không tán thành mặt yếu kém của họ. Chẳng việc gì phải đối xử quá đáng với họ. Người ta thanh khiết tốt đẹp đến với mình thì nên tán thành sự thanh khiết tốt đẹp của họ, không nên cứ truy cứu việc quá khứ của họ.[57]".

Ở thời đại của sự phân chia, hỗn loạn và những cuộc chiến tranh không dứt giữa các nước chư hầu, ông muốn tái lập Thiên Mệnh để có thể thống nhất "thiên hạ" (天下, mọi thứ dưới gầm trời, ở đây nghĩa là Trung Quốc) và mang lại hòa bình, thịnh vượng cho nhân dân. Vì thế Khổng Tử thường được coi là người đã đề xướng chủ nghĩa bảo thủ, nhưng khi xem xét kỹ những đề xuất của ông ta thấy ông đã sử dụng (và có thể cố ý bóp méo) những định chế và lễ nghi trong quá khứ nhằm đặt ra một hệ thống chính trị mới của riêng mình. Ông mơ ước về sự khôi phục một vương quốc thống nhất mà những vị vua phải được lựa chọn xứng đáng theo đạo đức (như vua Nghiêu, vua Thuấn) chứ không phải theo dòng họ. Những người cai trị phải hành động vì nhân dân, và họ phải đạt tới mức hoàn thiện. Một vị vua như vậy có thể dùng đạo đức của mình giáo hóa nhân dân thay vì áp đặt mọi người bằng pháp luật và quy định.

Nhiều khía cạnh tư tưởng của Khổng Tử vẫn còn lưu truyền và phát huy đến tận ngày nay. Có được sự trường tồn đó, là ở tinh thần đam mê học hỏi và thái độ nghiêm túc đối với việc học của Khổng Tử. Ông nói: "Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình". Theo Ông, đã không học thì thôi chứ đã học là phải "Học cho rộng, hỏi cho kỹ; nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng tỏ, làm cho hết sức. Có điều không học nhưng đã học điều gì thì phải học cho kỳ được. Có điều không hỏi, nhưng khi đã hỏi điều gì thì phải hỏi cho thật hiểu. Có điều không nghĩ nhưng đã nghĩ điều gì thì phải nghĩ cho ra. Có điều không phân biệt nhưng đã phân biệt điều gì thì phải phân biệt cho minh bạch. Có điều không làm nhưng đã làm điều gì thì phải cố hết sức mà làm cho bằng được... Nếu quả theo được đạo ấy thì tuy ngu mà cũng thành sáng, yếu đuối rồi cũng thành ra khoẻ mạnh".

Khổng Tử cũng nhấn mạnh trên cái mà ông gọi là "Lễ và Nhạc", coi hai thứ đó là những trụ cột của sự cân bằng cho trật tự và sự hài hòa. Lễ là các yêu cầu và quy phạm trong việc đối nhân xử thế; còn Nhạc (âm nhạc, văn nghệ) là để thống nhất mọi con tim cùng chung vui, cũng là để giữ gìn đức hạnh. Ông nói thêm rằng lễ không chỉ là cúng tế, và âm nhạc không chỉ là âm thanh của dùi đánh vào chuông. Cả hai còn là cách truyền đạt giữa lòng nhân của một người và hoàn cảnh xã hội của anh ta; cả hai yếu tố đó đều tăng cường các mối quan hệ xã hội, như Ngũ Thường (năm mối quan hệ chủ yếu): quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), phu thê (vợ chồng), huynh đệ (anh em) và bằng hữu (bạn bè). Các trách nhiệm luôn được cân bằng, và nếu một thần dân phải tuân lệnh vua, thì thần dân cũng phải can ngăn khi nhà vua sai lầm.

Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ: "Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ". Ông nhấn mạnh vào Ngũ thường: "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín". Nhân là lòng từ thiện, Nghĩa là làm tròn bổn phận, Lễ là sự tôn ti trật tự hay quy tắc trong việc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới, Trí là trí tuệ minh mẫn làm việc gì cũng phải suy nghĩ, Tín là lòng thành thực hiện điều đã nói. Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, chẳng nên để rối loạn.

Những bài giảng của Khổng Tử sau này được các môn đồ của ông hệ thống thành một bộ văn bản tỉ mỉ về những quy định và cách thức thực hiện nghi lễ. Nhiều thế kỷ sau khi ông đã qua đời, cả Mạnh Tử Tuân Tử đều viết những cuốn sách quan trọng, và lúc ấy, một triết lý đã được tạo dựng đầy đủ, gọi là Khổng giáo. Sau hơn 1.500 năm, học giả Chu Hi đã diễn giải ý tưởng Khổng giáo theo một cách hoàn toàn mới, được gọi là Tân Khổng giáo, để phân biệt với những ý tưởng trong cuốn Luận Ngữ. Tân Khổng giáo đã có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và nhiều nước châu Á khác cho tới tận thế kỷ 20.

Tư Mã Thiên đã có lời bình về Khổng Tử: "Trong kinh "Thi" có câu nói như thế này: "Cái giống như núi cao khiến người ta chiêm ngưỡng, cái giống như đại Đạo khiến người ta tuân theo. Từ xưa tới nay trong thiên hạ, Quân Vương và người tài đức thì có cũng nhiều. Họ khi đang còn sống đều vinh hoa quý hiển, nhưng chết đi rồi thì chẳng còn lại chút gì. Khổng Tử là một người bình dân, nhưng những người đọc sách đều tôn ông làm thầy. Từ Thiên tử, Vương Hầu đến nhân dân cả nước, những ai nói về "Lục Nghệ" thì đều xem học thuyết ấy của Khổng Tử là chuẩn tắc cao nhất. Có thể nói Khổng Tử là một Thánh nhân chí cao vô thượng".

Một trong những giáo lý sâu sắc nhất của Khổng Tử, một trong những điều khó hiểu nhất từ quan điểm phương Tây, có thể là việc ông sử dụng những câu chuyện cách ngôn chứ không giảng giải trực tiếp cách cư xử cho các môn đồ. Đạo đức của ông có thể được coi là một trong những kiểu đạo đức cao nhất. Cách dạy "gián tiếp" này được sử dụng rất nhiều trong các bài giảng của ông thông qua những lời ám chỉ, nói bóng gió, và thậm chí là sự lặp thừa. Điều này giải thích tại sao khi nghiên cứu cần đặt các bài giảng của ông vào đúng ngữ cảnh. Một ví dụ là câu chuyện sau:

Từ triều về nhà, nghe tin chuồng ngựa cháy, Khổng Tử nói, "Có ai bị thương không?" Ông không hề hỏi về Ngựa.
Luận Ngữ

Câu chuyện không dài, nhưng có tầm quan trọng rất lớn. Ở thời ông, một con ngựa có thể đắt gấp 10 lần một nô lệ. Khi không hỏi tới ngựa, Khổng Tử thể hiện sự quan tâm lớn nhất của mình: con người. Vì thế, theo nhiều nhà bình luận cả Đông và Tây, những bài giảng của Khổng Tử có thể được coi là một biến thể kiểu Trung Hoa của Chủ nghĩa nhân đạo.

Có lẽ bài giảng nổi tiếng nhất của ông là Quy tắc vàng:

Tử Cống hỏi: "Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?"
Thầy đáp: "Có lẽ là chữ Thứ (恕)chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác?"

Luận Ngữ

(Điều mình không muốn đừng bắt người phải chịu thì gọi là Thứ 恕)

Để đào tạo ra những con người lý tưởng, Khổng Tử đã đề xuất một hệ thống phương pháp giáo dục khá chặt chẽ, với những kiến giải sâu sắc. Có thể nói với hệ thống phương pháp giáo dục này Khổng Tử xứng đáng là một nhà giáo dục lớn. Khổng Tử đã sử dụng nhiều phương pháp dạy học rất độc đáo, có thể khái quát lại gồm:

  • Một là: Phương pháp đối thoại gợi mở, giảng dạy bằng cách trao đổi giữa thầy và trò, giữa người dạy và người học nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và khoa học, khả năng tư duy của người học. Ông nói: "Kẻ nào chẳng phấn phát lên để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào chẳng ráng lên để tỏ ý kiến mình, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ nào đã biết rõ một góc, nhưng chẳng chịu căn cứ vào đó để biết luôn ba góc kia, thì ta chẳng dạy kẻ ấy nữa."
  • Hai là: Phương pháp kết hợp học đi đôi với hành, lời nói kết hợp với việc làm, là thực hành điều đã học và đem tri thức của mình vận dụng vào trong cuộc sống. Ông nói: "Người quân tử trước học văn chương (như Kinh Thi, Kinh Thư) đặng mở rộng trí thức của mình; kế đó, người nương theo lễ giáo mà kiềm giữ lấy nết mình; nhờ vậy mà khỏi trái đạo lý. - Quân tử bác học ư văn; ước chi dĩ lễ; diệc khả dĩ phất bạn hỹ phù".
  • Ba là: Phương pháp "ôn cũ biết mới", thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng và học tập. Ông thường nhắc rằng: "Người nào ôn lại những điều đã học, do nơi đó mà biết thêm những điều mới, người đó có thể làm thầy thiên hạ đó - Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ". Theo Khổng Tử, muốn tiến bộ người học phải luôn cố gắng nỗ lực, siêng năng trau dồi tri thức cho mình, phải luôn có thái độ cầu tiến, vượt lên. Người học nhất định phải có thái độ khách quan trong học tập, không được vị kỷ tư dục, võ đoán, cố chấp, tự phụ chủ quan - "Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã".

Khổng Tử đã đưa ra hệ thống các phương pháp giáo dục, phát huy tính năng động, tích cực và sáng tạo của người học. Những phương pháp đó đến nay vẫn có ý nghĩa thiết thực, đem lại hiệu quả cao trong giáo dục.

Trong quá trình giáo dục, Khổng Tử nhấn mạnh: cả thầy và trò đều phải có nghĩa vụ to lớn với nhau. Trò phải tôn kính thầy, dẫu sau này có thành đạt, quyền cao chức trọng đến đâu chăng nữa cũng không được bỏ rơi lễ nghĩa, vẫn luôn phải cung kính thầy. Ngược lại, người thầy thì phải có tư cách mẫu mực để làm gương cho trò. Người thầy có can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước. Trong Lịch sử Việt Nam có chuyện kể rằng: Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy là Chu Văn An. Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông ra uy để lính thét dân phải dẹp đường. Biết chuyện, Chu Văn An giận Phạm Sư Mạnh làm quan mà tỏ ra hách dịch với dân, làm trái lời thầy dạy, nên không cho gặp mặt. Dù đã là quan lớn triều đình, Phạm Sư Mạnh vẫn phải quỳ gối cả buổi trước cửa nhà thầy để xin tha lỗi, về sau cũng hành xử khiêm nhường không dám hách dịch nữa.

Chính trị[sửa]

Tư tưởng chính trị Khổng Tử dựa trên tư tưởng đạo đức của ông. Ông cho rằng chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị bằng "Lễ nghĩa" và đạo đức tự nhiên của con người, chứ không phải bằng vũ lực và mua chuộc. Ông đã giải thích điều đó tại một trong những đoạn quan trọng nhất ở cuốn Luận Ngữ: "Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng." (Tứ Thư - Luận Ngữ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 2003) Sự "biết sỉ nhục" là sự mở rộng của trách nhiệm, nơi mà hành động trừng phạt đi trước hành động xấu xa, chứ không phải đi sau nó như trong hình thức luật pháp của Pháp gia.

Trong khi ủng hộ ý tưởng về một vị Hoàng đế đầy quyền lực, nguyên nhân là vì tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc thời Xuân Thu, các triết lý của Khổng Tử chứa đựng một số yếu tố hạn chế sự lạm quyền của những nhà cai trị. Theo ông người cầm quyền phải có đạo đức, đặt nhân nghĩa lên hàng đầu và đặt lợi ích của dân chúng cao hơn lợi ích bản thân. Ông cho rằng lời lẽ phải luôn ngay thật; vì thế tính trung thực có tầm quan trọng hàng đầu. Sự thành thật có thể làm cảm động lòng người, quy tụ thiên hạ. Ông nói "Có lòng thành thật thì sẽ biểu hiện ra ngay. Hiện rõ ra rồi thì sẽ sáng chói. Sáng chói thì sẽ cảm động đến lòng người[58]". Thậm chí Khổng Tử còn ca ngợi người lãnh đạo biết nhường quyền lực cho người tài đức hơn mình. Ông nói "Thái Bá là con người có đức hết mực. Nhiều lần ông ta đem thiên hạ nhường cho người khác, nhưng không để dân chúng biết mà ca ngợi công đức của mình[59]".

Khi bàn luận về mối quan hệ giữa thần dân và nhà vua (hay giữa con và cha), ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tôn trọng của người dưới với người trên. Điều này không có nghĩa là người dưới phải răm rắp tuân theo mọi mệnh lệnh từ người trên như nhiều người hiện nay suy diễn sai mà người dưới phải đưa ra lời khuyên cho người trên nếu người trên có hành động sai lầm. Tư tưởng này được học trò của ông là Mạnh Tử phát triển thêm khi nói rằng nếu nhà vua không coi trọng nhân dân và có những hành vi gây hại cho đất nước, ông ta sẽ mất Thiên mệnh và sẽ phải bị lật đổ. Vì thế hành động giết bạo chúa không bị coi là phản nghịch mà là đúng đắn, bởi vì tư cách của kẻ bạo chúa giống một kẻ cướp hơn là một vị vua. Ngược lại người trên cũng phải dùng lễ nghĩa đối xử với người dưới nếu không sẽ bị xem là vô đạo.

Vinh danh[sửa]

Tập tin:WPQc-133 Confucius.JPG
Tượng Khổng thánh tại Québec.

Bản quán[sửa]

Ngay sau khi Khổng Tử mất, cố hương Khúc Phụ (曲阜) trở thành nơi hành hương để người đời bày tỏ lòng kính ngưỡng. Hiện đây vẫn là một địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, nhiều người Trung Quốc thường xuyên viếng thăm mộ và những ngôi đền xung quanh. Tại Trung Quốc, có nhiều ngôi đền nơi Phật giáo, Lão giáo Khổng giáo cùng hiện diện. Cũng có nhiều ngôi đền thờ riêng Khổng Tử, chúng thường là nơi tổ chức những buổi lễ tưởng nhớ ông.

Các triều đại phong tặng Khổng Tử các danh hiệu sau:

  • Năm 739, vua Đường Huyền Tông phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, tượng thờ ông được mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng cho các đệ tử các tước: Công, Hầu, Bá.
  • Năm 1008, vua Tống Chân Tông phong là: Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho cha Khổng Tử là Lỗ Công, mẹ là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị làm Vân Phu Nhân, và ra lệnh cho các tỉnh lập miếu thờ ông.
  • Năm 1560, vua Minh Thế Tông phong tặng ông là Chí Thánh Tiên Sư.
  • Năm 1645, vua Thanh Thế Tổ phong ông là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.

Hậu duệ[sửa]

Mọi nhân vật có tư cách hậu duệ chính thống của Khổng tử luôn được thiên hạ tôn kính, các chính thể quân chủ thường liệt họ vào hàng quý tộc và ban thực ấp cũng như quan tước tùy khả năng. Sơ khởi, Hán Cao tổ đã phong cho cháu đời thứ 9 của Khổng Tử là Khổng Đằng chức "Phụng Tự quân", trông coi việc tế giỗ Khổng Tử. Đến đời Hán Nguyên đế đã phong cho Khổng Bá, cháu đời thứ 13 tước "Bao Thành hầu". Họ Khổng được phong tước Hầu cả thảy 35 lần kể từ thời nhà Hán. Đến thời Đường, Đường Huyền Tông đã phong tước "Văn Tuyên công" cho Khổng Chi, cháu đời thứ 35. Đến năm 1055, hoàng đế Tống Chân Tông cải phong thành tước "Diễn Thánh công" (衍聖公 - Yǎnshèng gōng) cho Khổng Thánh Hữu, cháu đời thứ 46. Tính tổng cộng, họ Khổng tiếp tục được gia phong tước Công 42 lần từ đời Nhà Đường tới thời Nhà Thanh.

Dù trong lịch sử Trung Quốc luôn xảy ra những cuộc thay đổi triều đại, danh hiệu Diễn Thánh công luôn được trao cho các thế hệ con cháu của Khổng Tử. Người cuối cùng được phong tước hiệu này là Khổng Đức Thành[61] (1919-2008), cháu đời thứ 77 của Khổng Tử. Mãi cho đến năm 1935, chính phủ Trung Hoa Dân quốc bãi bỏ tước vị này, nhưng vẫn chỉ định ông Khổng Đức Thành làm người trông coi việc cúng giỗ Khổng Tử. Qua hơn 2.000 năm với hàng chục lần chiến tranh loạn lạc hoặc thay đổi triều đại, hậu duệ của Khổng Tử vẫn tiếp tục gìn giữ việc tế tự ông tại Khổng Phủ. Trải qua nhiều thời đại, các thành viên họ Khổng thường có quan hệ hôn nhân với một số gia đình chính trị có ảnh hưởng ở Trung Quốc. Hoàng đế Càn Long đã cưới một người cháu gái của Khổng Hiến Bồi, cháu đời thứ 72 của Khổng Tử, khiến họ Ái Tân Giác La và họ Khổng có quan hệ với nhau. Một người cháu khác là Khổng Tường Hy, cháu đời thứ 75, từng giữ chức Viện trưởng Hành chính, kiêm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ Tưởng Giới Thạch, lập gia đình với Tống Ái Linh, trở thành anh em cột chèo với cả 2 vị tổng thống của Trung Hoa Dân quốc Tôn Trung Sơn Tưởng Giới Thạch.

Dòng chính thống của ông đã rời quê hương Khúc Phụ tới Đài Loan trong thời Nội chiến Trung Quốc. Người trưởng tộc là Khổng Đức Thành, một giáo sư tại Đại học Quốc lập Đài Loan. Ông từng phục vụ cho chính phủ Trung Hoa Dân quốc với tư cách Chủ tịch Khảo thí viện. Ông cưới Tôn Kỳ Phương, chắt của một vị học giả, quan chức nhà Thanh và cũng là chủ tịch đầu tiên của Đại học Bắc Kinh Tôn Gia Nại, gia đình ông này đã lập ra tổ hợp kinh doanh đầu tiên ở Trung Quốc hiện đại ngày nay, gồm nhà máy bột mì lớn nhất Châu Á, Công ty Bột mì Fou Foong. Con trai trưởng của ông là Khổng Duy Ích, cháu đời thứ 78 của Khổng Tử đã qua đời vào năm 1989. Cháu nội của ông, Khổng Thụy Trường, sinh năm 1975, là cháu đời thứ 79. Năm 2008, Khổng Đức Thành qua đời ở tuổi 90, nhưng cũng đã kịp chứng kiến sự ra đời của người cháu đời thứ 80 của Khổng Tử, Khổng Hựu Nhân, được sinh hạ vào ngày 1 tháng 1 năm 2006 tại Đài Bắc. Hiện tại, ông Khổng Thụy Trường giữ chức vụ danh dự "Đại thành chí thánh tiên sư phụng tự quan" (大成至圣先师奉祀官) của chính phủ Đài Loan, chịu trách nhiệm tế tự cho Khổng Tử.

Trước sự quan tâm lớn về dòng dõi của Khổng Tử, một dự án được tiến hành ở Trung Quốc để kiểm tra ADN của các thành viên gia đình đã được biết.[62] Theo đó, cho phép các nhà khoa học xác định nhiễm sắc thể Y chung của các thế hệ con cháu theo dòng nam của Khổng Tử. Nếu thế hệ con cháu được tiếp nối liên tục, cha truyền cho con, những thành viên nam của gia đình sẽ có các nhiễm sắc thể Y giống nhau với đột biến nhỏ xảy ra theo thời gian.[63] Tuy nhiên, năm 2009, những thành viên gia đình đã quyết định không tiến hành kiểm tra ADN.[64] Bryan Sykes, giáo sư di truyền học của Đại học Oxford, giải thích quyết định này: "Dòng dõi gia đình Khổng Tử có một dấu ấn văn hóa quan trọng... Đây không chỉ là vấn đề về mặt khoa học."[65] Cuộc kiểm tra ADN dự định bổ sung những thành viên mới vào dòng dõi gia đình Khổng Tử, mà những bản gia phả đã thiếu sót vì những biến động trong thế kỷ XX[66][67].

Môn đồ[sửa]

Xem chi tiết: 72 tiên hiền

Môn đồ và là người cháu duy nhất của ông, Tử Tư, tiếp tục duy trì trường phái triết học Khổng Tử sau khi ông qua đời. Trong khi vẫn dựa chủ yếu vào hệ thống đức trị của Khổng Tử, hai trong số những môn đồ nổi tiếng nhất của ông nhấn mạnh trên những khía cạnh khác biệt trong giáo lý của ông. Mạnh Tử tin vào tính thiện vốn có của con người, trong khi Tuân Tử đề cao sự thực tế và những khía cạnh vật chất trong tư tưởng Khổng Tử.

Ở thời Nhà Tống, học giả Chu Hi đã thêm các ý tưởng từ Đạo giáo Phật giáo vào Khổng giáo. Trong suốt cuộc đời mình, Chu Hi không được mọi người biết tới, nhưng không lâu sau khi ông mất, những ý tưởng đó trở thành một quan điểm chính thống mới về những ý nghĩa thực sự của tư tưởng Khổng Tử. Các nhà sử học hiện đại coi Chu Hi là người đã tạo ra một thứ gì đó khác biệt và gọi tư tưởng của ông là Tân Khổng giáo. Ở thời hiện đại, vẫn có một số học giả nghiên cứu Nho giáo nhưng trong thời Cách mạng Văn hoá, Khổng giáo thường bị những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án.

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

  • Clements, Jonathan (2008). Confucius: A Biography. Stroud, Gloucestershire, England: Sutton Publishing. ISBN 978-0-7509-4775-6.
  • Confucius (1997). Lun yu, (in English The Analects of Confucius). Translation and notes by Simon Leys. New York: W.W. Norton. ISBN 0-393-04019-4.
  • Confucius (2003). Confucius: Analects—With Selections from Traditional Commentaries. Translated by E. Slingerland. Indianapolis: Hackett Publishing. (Original work published c. 551–479 BC) ISBN 0-87220-635-1.
  • Creel, Herrlee Glessner (1949). Confucius and the Chinese Way. New York: Harper.
  • Creel, Herrlee Glessner (1953). Chinese Thought from Confucius to Mao Tse-tung. Chicago: University of Chicago Press.
  • Csikszentmihalyi, M. (2005). "Confucianism: An Overview". In Encyclopedia of Religion (Vol. C, pp 1890–1905). Detroit: MacMillan Reference USA.
  • Dawson, Raymond (1982). Confucius. Oxford: Oxford University Press. ISBN 0192875361.
  • Dollinger, Marc J. (1996). "Confucian Ethics and Japanese Management Practices," in Sterling Harwood, ed., Business as Ethical and Business as Usual Boston: Jones & Bartlett.
  • Fingarette, Hebert (1998). Confucius: the secular as sacred. Long Grove, Ill.: Waveland Press. ISBN 1577660102.
  • Mengzi (2006). Mengzi. Translation by B.W. Van Norden. In Philip J. Ivanhoe & B.W. Van Norden, Readings in Classical Chinese Philosophy. 2nd ed. Indianapolis: Hackett Publishing. ISBN 0-87220-780-3.
  • Ssu-ma Ch'ien (1974). Records of the Historian. Yang Hsien-yi and Gladys Yang, trans. Hong Kong: Commercial Press.
  • Van Norden, B.W., ed. (2001). Confucius and the Analects: New Essays. New York: Oxford University Press. ISBN 0-19-513396-X.
  • Vidal, Gore (1981). Creation. New York: Random House. ISBN 0-394-50015-6.
  • Khổng miếu, mộ Khổng Tử và khu nhà thờ của họ Khổng được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO

Chú thích[sửa]

  1. “Confucius (Stanford Encyclopedia of Philosophy)”. Plato.stanford.edu. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  2. Ban 111, vol.56 (Chinese language only)
  3. Gao 2003 [cần dẫn nguồn]
  4. Chen 2003[cần dẫn nguồn]
  5. The Analects 479 BC - 221 BC, VII.1
  6. Kang 1958[cần dẫn nguồn]
  7. Đức Khổng tử
  8. Chien 1978
  9. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 284
  10. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 219
  11. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 283
  12. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 112-113
  13. 13,0 13,1 Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 237
  14. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 291
  15. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 320
  16. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 210
  17. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 288
  18. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 383
  19. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 286
  20. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 258
  21. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 242
  22. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 280
  23. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 233
  24. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 247
  25. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 239
  26. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 285
  27. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 243
  28. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 279
  29. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 245
  30. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 323
  31. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 307-310
  32. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 313
  33. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 310-312
  34. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 313-314
  35. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 250
  36. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 254
  37. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 287
  38. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 281
  39. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 253
  40. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 274
  41. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 305-306
  42. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 147
  43. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 401
  44. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 202
  45. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 374
  46. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 338
  47. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 231
  48. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 292
  49. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 232-233
  50. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 234
  51. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 90
  52. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 204
  53. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 244
  54. 54,0 54,1 Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 255
  55. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 235
  56. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 248
  57. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 251-252
  58. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 81-82
  59. Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003, trang 259
  60. Quyền tri phủ Thuận An Nguyễn Kim Hoa (người xã Bá Thủy, huyện Gia Phúc) tạo tượng Tiên thánh, đề ngày 8 tháng 8 năm Vĩnh Khánh thứ nhất (1729)
  61. Khổng Đức Thành và bài diễn thuyết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn ngày 4 tháng 10 năm 1958
  62. “DNA test to clear up Confucius confusion”. Ye2.mofcom.gov.cn (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  63. “DNA Testing Adopted to Identify Confucius Descendants”. China.org.cn (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  64. Jane Qiu (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Inheriting Confucius”. Seedmagazine.com. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  65. Qiu 2008, online.
  66. “Confucius descendents say DNA testing plan lacks wisdom”. Eng.bandao.cn (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  67. www.stat.yale.edu Common Ancestors Article

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.