Nhà Đường

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhà Đường (tiếng Trung: 唐朝; [[bính âm]]: Táng Cháo, Hán Việt: Đường triều; ; tiếng Hán trung đại: Dâng) (18 tháng 6, 618 - 1 tháng 6, 907) là một Triều đại Trung Quốc tiếp nối sau nhà Tùy và sau nó là thời kì Ngũ Đại Thập Quốc. Nhà Đường được hoàng đế Đường Cao Tổ Lý Uyên thành lập. Cao Tổ hoàng đế đã từ lâu thâu tóm lấy quyền hành khi nhà Tùy suy sụp rồi sụp đổ. Triều đại này bị gián đoạn khi Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên nắm lấy quyền hành và lập ra nhà Võ Chu (8 tháng 10, 690 - 3 tháng 3, 705). Bà là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Nhà Đường với kinh đô Trường An (là thành phố đông dân nhất thời bấy giờ, nay là Tây An) được các nhà sử học coi là đỉnh cao trong văn minh Trung Hoa; ngang bằng hoặc vượt trội hơn so với thời kì đầu nhà Hán — một thời kì hoàng kim của văn minh thế giới.

Lãnh thổ của nhà Đường rất rộng lớn, lúc cực thịnh đạt gấp rưỡi lãnh thổ của nhà Hán nhờ có lực lượng quân đội hùng mạnh và các cuộc chinh chiến quân sự. Trong hai cuộc điều tra trong thế kỷ 7 thế kỷ 8, dân số trên lãnh thổ nhà Đường được ước tính lên đến 50 triệu người (đây mới là dân số dựa trên số hộ trong sổ sách, dân số thực có thể còn gấp đôi như vậy).[1][2][3] Và, khi bộ máy nhà nước đi xuống và không thể điều tra dân số một cách chính xác trong thế kỷ 9, con số ước tính là 80 triệu người.[4][5] Với số dân lớn như vậy, nhà Đường có một lực lượng quân đội hùng mạnh với binh lính chuyên nghiệp và những thương nhân buôn bán, trao đổi hàng hóa trên toàn bộ khu vực châu Á dọc theo Con đường Tơ lụa nổi tiếng. Nhiều nước khác nhau đã triều cống cho triều đình nhà Đường, nhà Đường cũng chinh phục hoặc khuất phục một số khu vực rồi đặt chúng dưới quyền cai trị gián tiếp thông qua một hệ thống bảo hộ. Bên cạnh quyền bá chủ về mặt chính trị, nhà Đường cũng có ảnh hưởng lớn đến văn hóa các nước láng giềng như Triều Tiên, Nhật Bản Việt Nam.

Thời kì nhà Đường phần lớn là một giai đoạn tiến bộ và ổn định, nhưng vào giữa Triều đại thì xảy ra loạn An Sử, từ đó triều đình ngày càng đi xuống. Giống với nhà Tùy, nhà Đường duy trì bộ máy các quan lại trong triều đình từ các sĩ đại phu thông qua các cuộc thi khoa cử và tiến cử. Trật tự này đã bị suy yếu khi các thống đốc quân sự khu vực được gọi là tiết độ sứ nổi lên trong thế kỷ 9. Văn hóa Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và cường thịnh trong thời kì nhà Đường, đây được coi là thời kì đỉnh cao của thi ca, hay thơ Trung Quốc.[6] Hai thi sĩ nổi tiếng nhất Trung Hoa là Lý Bạch Đỗ Phủ, thuộc về thời kì của Triều đại này, cùng với các họa sĩ nổi tiếng như Hàn Cán, Chương Tuyển Chu Phương. Có một số lượng lớn các công trình văn học lịch sử, toàn thư và các nghiên cứu về địa lý được hoàn thành trong thời kỳ nhà Đường.

Có nhiều đổi mới đáng được công nhận và chú ý dưới thời nhà Đường, trong đó bao gồm sự phát triển của ngành in mộc bản. Trong thời nhà Đường, Phật giáo có tác động chủ yếu đến văn hóa Trung Quốc, và nhiều giáo phái bản địa trở nên nổi bật. Tuy nhiên, về sau triều đình đã ngược đãi Phật giáo và tôn giáo này đã suy giảm tầm ảnh hưởng. Mặc dù chính phủ và triều đình nhà Đường suy sụp trong thế kỷ 9, song nghệ thuật và văn hóa vẫn tiếp tục phát triển. Triều đình trung ương mục nát nên đã không thể quản lý được nền kinh tế, song việc mậu dịch vẫn không bị ảnh hưởng và thương mại vẫn tiếp tục thịnh vượng.

Khởi nguyên và quốc hiệu[sửa]

Quốc hiệu "Đường" vốn là tên cũ của đất Tấn, nay nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh Sơn Tây. Thời Tây Ngụy, Lý Hổ là một người trong Bát trụ quốc (八柱國), được phong là Lũng Tây quận công (隴西郡公), sau khi mất được truy hiệu là Đường quốc công (唐國公).[7] Con là Lý Bỉnh (李昞) kế tập. Năm 582, con của Lý Bỉnh là Lý Uyên kế thừa tước vị Đường quốc công, sau được thăng tước là Đường vương (唐王). Sau này, khi Tùy Cung Đế nhường lại đế vị cho Lý Uyên, ông bèn đổi quốc hiệu sang Đường. Sau này khi nhà Đường đã vong, thời Ngũ Đại Thập Quốc phía bắc có Lý Tồn Úc xưng quốc hiệu là Hậu Đường, phía nam có Lý Biện xưng quốc hiệu là Nam Đường, đều tự cho mình là kế thừa của nhà Đường. Ngay cả vua nhà Nam Đường cũng tự xưng mình là dòng dõi của Kiến vương Lý Khác (李恪) - con trai của Đường Hiến Tông.[8][9]

Hoàng tộc nhà Đường xưng mình phát tích từ dòng họ Lý Lũng Tây, trong Cựu Đường thư Tân Đường thư đều cho rằng Lý thị nhà Đường là hậu duệ của Lão Tử, mà Lý Uyên cũng tự xưng mình là hậu duệ nhiều đời của Lý Cảo - là Thái Tổ Vũ Chiêu Vương của nhà Tây Lương thời Ngũ Hồ thập lục quốc. Một học giả hiện đại là Trần Dần Khác (陳寅恪, 1890 - 1969) đã khảo chứng và cho rằng Lý Đường là dòng dõi họ Lý ở Long Khánh thuộc Triệu Quận.

Lịch sử[sửa]

Khai quốc[sửa]

Họ Lý thuộc về tầng lớp quý tộc quân sự, cát cứ phía tây bắc trong suốt thời gian cai trị của các hoàng đế nhà Tùy.[10] Mẹ của Lý Uyên mang họ Độc Cô, có một người em là hoàng hậu của Bắc Chu Hiếu Minh Đế Vũ Văn Dục, đó là Minh Kính hoàng hậu Độc Cô thị và ngay cả Văn Hiến hoàng hậu của Tùy Văn Đế cũng là chị họ của Lý Uyên, nhờ vậy mà họ Lý được trọng dụng,[7] Tổ phụ của Lý Uyên là Lý Hổ đã theo Vũ Văn Thái-người sáng lập ra triều Bắc Chu- tiến vào Quan Trung, thời Tây Ngụy từng được ban cho họ Đại Dã, làm quan đến chức thái úy, cùng với Lý Bật là một trong "Bát trụ quốc" của nhà Tây Ngụy. Sau khi Bắc Chu Hiếu Mẫn Đế lên kế vị, lúc này Lý Hổ đã mất nên được truy phong là "Đường quốc công". Cha của Lý Uyên, tức Lý Bỉnh, được tập phong tước hiệu Đường quốc công. Sau khi Lý Bỉnh mất, Lý Uyên khi ấy chưa được mười tuổi đã kế thừa tước Đường quốc công.

Trong những năm Đại Nghiệp thời Tùy Dạng Đế, do chính sách tàn bạo của nhà vua cũng như ba lần đánh Cao Câu Ly thất bại dẫn đến mâu thuẫn giai cấp xảy ra, dân chúng ở các địa phương đồng loạt khởi nghĩa. Lý Uyên có công trong việc dẹp vài cuộc nổi loạn mà được Dạng Đế trọng dụng. Năm 616, được phái đi làm lưu thủ Thái Nguyên để trấn áp quân nổi dậy.[8] Ban đầu ông đánh thắng một số trận, song quân khởi nghĩa ngày càng mạnh, mỗi lúc một đông thêm nên khiến ông bối rối. Lý Uyên thấy thiên hạ đại loạn, nhà Tùy không thể kéo dài sự thống trị được lâu nữa nên trong thâm tâm đã có dự tính hành động.[11] Tuy nhiên ông vẫn do dự không quyết, phải có sự thúc đẩy của mấy người con trai có tài (tiêu biểu là Lý Thế Dân), ông mới hạ quyết tâm. Năm 617, Lý Uyên chính thức khởi binh tạo phản tại Tấn Dương (nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây).

Tập tin:TangGaozu.jpg
Đường Cao Tổ Lý Uyên

Tháng 11 năm 617, Lý Uyên cùng người con thứ là Lý Thế Dân phá quân đội của Khuất Đột, đánh lấy Tùy kinh Đại Hưng, lập Dương Hựu làm vua, tức Tùy Cung Đế, cải niên hiệu là Nghĩa Ninh, tôn Dạng Đế là Thái thượng hoàng. Lý Uyên xưng là Đại thừa tướng, hiệu là Đường Vương.[8]

Vào lúc Lý Uyên chiếm kinh đô nhà Tùy khiến các thế lực cát cứ kinh động. Lúc đó Dạng Đế tàn bạo, quân sĩ vì căm ghét, nên đã gây ra Giang Đô chính biến, ép Tùy Dạng Đế phải chết. Nhà Tùy diệt vong.

Tháng 3 năm 618, hay tin Tùy Dạng Đế bị hại, Lý Uyên tại thành Đại Hưng (大興城) đã tuyên bố thành lập Triều đại nhà Đường. Tháng 5, ép Cung Đế nhường ngôi, cải niên hiệu là Vũ Đức (武德). Năm đó, đổi tên thành Đại Hưng thành kinh đô Trường An, dẹp hết các quý tộc tàn dư thời nhà Tùy, lại đem quân đánh diệt các thế lực cát cứ, dần dần thống nhất Trung nguyên, thiên hạ mau chóng quay lại cục diện thái bình. Cũng năm này, vua phong cho con trưởng Lý Kiến Thành làm Thái tử, con thứ Lý Thế Dân làm Tần vương, con thứ 4 là Lý Nguyên Cát làm Tề vương, còn con thứ ba là Lý Nguyên Bá (李元霸) chết yểu.[8]

Năm 618, con thứ của ông là Lý Thế Dân đem quân bình định tây bắc, diệt Tiết Cử, Tiết Nhân Cảo. Sau đó, lại khiến La Nghệ ở U Châu (幽州) phải đầu hàng. Ngay cả khởi nghĩa của Lý Mật Lạc Dương cũng thất bại phải hàng nhà Đường, thực lực quân đội nhà Đường nhanh chóng tăng trưởng, dần dần diệt hết các quần hùng ở Trung Nguyên, thống nhất thiên hạ.

Năm 619, sứ nhà Đường là An Hưng Quý (安興貴) và An Tu Nhân (安修仁) bắt tróc lấy Hà Tây tẩu lang của Lý Quỹ. Năm 620, Lý Thế Dân đánh vào vùng Sơn Tây của Lưu Vũ Chu, Tống Kim Cương (宋金剛). Năm 621, Lý Thế Dân đánh chiếm Hà Nam của Vương Thế Sung. Vương Thế Sung cùng thế lực của Đậu Kiến Đức Hà Bắc liên minh kháng Đường. Năm 622, Đậu Kiến Đức bị bắt, Vương Thế Sung đầu hàng. Sau đó bộ hạ Đậu Kiến Đức là Lưu Hắc Thát lại định khởi quân phản Đường, Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành trước sau tiến đánh, Lý Kiến Thành bắt được Lưu Hắc Thát, bình định Hà Bắc năm 623. Cũng năm đó, Phụ Công Thạch cùng Đỗ Phục Uy hợp bộ hạ ở Đan Dương phản Đường, đến năm 624 thì bị quân Đường giết, Giang Hoài Giang Nam được bình định. Năm 621, tướng Lý Tĩnh đánh Giang Lăng, Tiêu Tiển đầu hàng. Năm sau, Phùng Áng Lĩnh Nam hàng phục, Lâm Sĩ Hoằng ở Kiền Châu (虔州) cũng chết, nhà Đường chiếm làm đất.

Trinh Quán chi trị[sửa]

Xem chi tiết: Đường Thái Tông

Sau khi dẹp xong quần hùng, Tần vương Lý Thế Dân và Thái tử Lý Kiến Thành bắt đầu có xung đột. Kiến Thành đã hai lần mưu sát Thế Dân nhưng bất thành. Đến lần thứ 3 thì việc bị lộ, Lý Thế Dân lần này quyết định ra tay trước. Ngày mùng 4 tháng 6 năm 626, tức năm Vũ Đức thứ 9, Lý Thế Dân gây ra Sự biến Huyền Vũ môn giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Đường Cao Tổ biết chuyện, đau buồn nhưng ông không xử phạt Lý Thế Dân. Sau đó chẳng lâu, Đường Cao Tổ thoái vị về làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi lại cho Lý Thế Dân, tức là Đường Thái Tông.[12]

Khi ông mới lên ngôi năm 626, Đông Đột Quyết đem quân đánh đến gần thành Trường An, cách thành 40 dặm ở về phía Kính Dương. Kinh thành chấn động. Lúc ấy, binh ở Trường An chỉ có vài vạn không thể đánh giao tranh được, vì vậy Thái Tông phải nghĩ ra kế, bèn đích thân suất lĩnh quân cùng Cao Sĩ Liêm (高士廉) và Phòng Huyền Linh gồm 6 kị mã đứng cách Vị Thủy đối thoại với Hiệt Lợi khả hãn (頡利可汗), Thái Tông trách Hiệt Lợi bội ước. Trong sách Đường ngữ lâm có nói rằng Thái Tông đưa phẩm vật trong kho phủ cho Đột Quyết để chúng rút quân. Sau đó, nhà Đường và Đột Quyết làm Lễ thề Vị Thủy (渭水之盟, Vị Thủy chi minh), Đột Quyết rút lui, và nhà Đường về sau đặt quan hệ với 2 khả hãn Hiệt Lợi và Đột Lợi, từ đó Đường Thái Tông chỉ còn chuyên tâm lo trị nước.

Năm 627, nội bộ của Đông Đột Quyết xung đột và tan rã. Những bộ lạc phản đối Hiệt Lợi khả hãn như Tiết Diên Đà, Hồi Hột, Bạt Dã Cổ (拔也古), Đồng La (同羅) nổi dậy tiêu diệt triều đình của Hiệt Lợi khả hãn, đưa thủ lĩnh Tiết Diên Đà lên làm Khả hãn. Hai khả hãn Đột Lợi và Hiệt Lợi chạy sang liên lạc với nhà Đường. Đúng lúc đó, ở Đông Đột Quyết xảy ra bão tuyết dẫn đến mất hết lương thực và thức ăn gia súc, nhiều người trong bộ lạc chết vì đói rét, Đông Đột Quyết dần dần suy yếu. Ngày 26 tháng 4 năm 628, tức năm Trinh Quán thứ 2, một người địa phương là Lương Lạc Nhân (梁洛仁) đã giết thủ lĩnh của Hạ Châu (夏州) là Lương Sư Đô, chấm hết các thế lực cát cứ. Năm 630, Lý Tĩnh suất quân Đường sang diệt Đông Đột Quyết.

Đường Thái Tông lo việc trị nước, trọng dụng kẻ can gián mình, lưu lại cho lịch sử một thời đại Đường triều đi lên sự thịnh thế, Đường Thái Tông trở thành bậc đế vương hiếm có một thời[13]. Trong việc nội chính, nhà vua thi hành chế độ quân điền, lại thi hành tô dung điều chế để lo về việc chia ruộng đất và đánh thuế.[14] Về mặt đối ngoại, hoàng đế gả công chúa cho khả hãn Đột Quyết để giành lấy quyền cai quản đất cao nguyên Mông Cổ. Oai danh của Thái Tông khiến các dân tộc vùng tây bắc tôn kính, gọi ông là Thiên Khả Hãn (天可汗). Năm 641, tức năm Trinh Quán thứ 15, Thái Tông gả Văn Thành công chúa cho Tán phổ Thổ Phồn Tùng Tán Cán Bố, ổn định việc quan hệ ngoại giao ở phía tây.[15]

Về quan chế, hoàng đế noi theo chế độ tể tướng đời Tần Hán. Đường Thái Tông còn dựa theo chế độ nhà Tùy, phát triển hoàn thiện các cơ cấu tam tỉnh lục bộ cùng với chế độ thi cử tuyển nhân tài. Thái Tông còn giảm bớt quyền hạn của hoàng tộc, đả phá sự thống trị thế tập rối ren đời Tùy. Thái Tông cầu hiền như khát nước, bất kể giai cấp xuất thân, sử dụng hàng loạt những bậc đại thần có năng lực, sáng suốt và sẵn sàng biết can gián hoàng đế, tiêu biểu như: Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối (杜如晦), Trưởng Tôn Vô Kị, Ngụy Trưng, Mã Chu (馬周), Cao Sĩ Liêm (高士廉) và Tiêu Vũ (蕭瑀) là những bậc văn thần giỏi; còn như Uất Trì Kính Đức, Lý Tĩnh, Hầu Quân Tập (侯君集), Trình Tri Tiết, Lý Thế Tích Tần Thúc Bảo là những võ tướng xuất chúng. Ngoài ra, Thái Tông còn lệnh cho các quan viên khắp nơi đều phải lắng nghe dân tình, cho trăm họ được quyền phát biểu kiến nghị, và phái một số người điều tra về sinh hoạt của các quan để theo dõi biết ai ngay ai gian mà xử lý.[7]

Suốt 23 năm thời Trinh Quán, xã hội trật tự, kinh tế ổn định, khôi phục thịnh thế, văn vật phát triển, sử gọi đó là "Trinh Quán chi trị" (Sự thịnh trị thời Trinh Quán). Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời nhà Tống có ghi lại, năm 630 thời Trinh Quán, giá 1 đấu gạo không quá 3, 4 tiền, cả năm tử hình không đến 29 người. Khi Thái Tông mất, thái tử Lý Trị lên ngôi, ban hành đại xá, thì thượng thư bộ Hình tâu rằng trong toàn quốc chỉ có 50 người bị tù và hai người bị xử tử. Thái Tông là vị vua duy nhất của Trung Quốc khi qua đời được cả ngoại nhân đến kinh đô khóc thương giống như người thân của họ, có người còn vẩy huyết lên quan tài của ông để bày tỏ sự thương tiếc.

Sử gia Trung Hoa khen đời Thái tông thịnh trị như đời vua Nghiêu, vua Thuấn. Ngay cả sự tổng kết chính trị trong Trinh Quán chính yếu sau này cũng được các đế vương Nhật Bản Tân La mô phỏng theo.[12]

Nhật Nguyệt lăng không[sửa]

Xem chi tiết: Đường Cao Tông

Cuối đời Đường Thái Tông, con trưởng của hoàng đế là thái tử Lý Thừa Càn và Ngụy vương Lý Thái (李泰) đánh nhau. Thái Tông trị tội cả hai người, phế ngôi Thái tử của Lý Thừa Càn, lập Tấn vương Lý Trị lên ngôi. Sau khi Đường Thái Tông băng hà, Lý Trị kế vị, đó chính là Đường Cao Tông. Trước đây, Cao Tông đã thầm yêu một vị ni cô vốn là Tài nhân của Đường Thái Tông, đó là nàng Võ Chiếu, còn được gọi là Võ Mị Nương. Theo tục lệ lúc đó, Hoàng đế băng hà thì phi tần chưa có con đều phải xuất gia làm ni cô, Võ Mị Nương buộc phải vào chùa Cảm Nghiệp để theo đạo tu hành. Sau này, Đường Cao Tông bất chấp dư luận đưa nàng vào cung, lập làm Chiêu nghi. Võ chiêu nghi nhanh chóng đắc sủng, hãm hại Vương hoàng hậu Tiêu thục phi của Cao Tông, lên thay ngôi Hoàng hậu và xử tử 2 vị hậu phi kia rất tàn nhẫn[16].

Năm 656, tức năm Hiển Khánh thứ nhất, Cao Tông nhân vì sự kiện Kiện Khang, bèn giao việc quốc chính cho Võ hoàng hậu xử lí.[14] Võ hoàng hậu từ đó trở thành người thực tế nắm quyền lực tối cao của nhà Đường, cùng Cao Tông xưng hiệu Thiên Hoàng (天皇) và Thiên Hậu (天后), gọi chung là Nhị Thánh (二圣)[17]. Võ hoàng hậu nhiếp chính cho Cao Tông, đến năm 659, tiêu diệt Tây Đột Quyết, nhà Đường càng lên đỉnh cực thịnh. Sau đó, nhà Đường liên minh với nước Tân La tiêu diệt Cao Câu Ly Bách Tế, đánh bại viện quân của Nhật Bản. Lúc Tân La lo chiếm toàn bán đảo Triều Tiên, nhà Đường chiếm lấy phía bắc, lập ra An Đông đô hộ phủ, chiếm lại vùng đất của nhà Hán mà năm xưa Cao Câu Ly đã giành lấy.

Sau khi Đường Cao Tông băng hà, thái tử Lý Hiển kế vị, đó là Đường Trung Tông. Nhưng vì tân hoàng đế không hợp ý mình nên chỉ 1 tháng sau, Võ thái hậu đã phế truất ông làm Lư Lăng vương). Sau đó, bà lập Lý Đán lên ngôi, chính là Đường Duệ Tông. Sau khi bình định cuộc phản loạn của 1 tông thất là Lý Kính Nghiệp (李敬業), năm Thiên Thụ thứ nhất (690), Võ thái hậu phế truất Duệ Tông, tự xưng làm Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Chu (周), sử sách gọi Triều đại của bà là Võ Chu Triều đại. Võ hậu cũng tự xưng mình thành Thánh Thần hoàng đế (圣神皇帝).

Trước và sau Võ Tắc Thiên đã có những phụ nữ khác nắm quyền khuynh loát triều chính như Lữ hậu, Từ Hi thái hậu... nhưng chỉ có bà là dám công khai xưng hoàng đế và lên ngôi. Bà định đô ở tại Lạc Dương (gọi là Thần Đô), lập Lý Đán làm hoàng tự, bà chính là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử, chính là Võ Tắc Thiên.[16]

Những năm Võ Tắc Thiên còn giám quốc, phát triển sự nghiệp thời Trinh Quán, gọi là Trinh Quán di phong (貞觀遺風). Kế tục chế độ quân điền, phát triển nông nghiệp, tiếp tục khoa cử tuyển nhân tài, ngoài ra còn có thi võ tuyển tướng sĩ. Về đối ngoại, chiến tranh mở rộng và giữ vững cương vực; các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng rất tiến bộ.[7][16] Nhưng Võ Tắc Thiên lại dùng các quan lại tàn khốc, gây nên nỗi kinh hoàng truyền đến hậu thế. Võ Tắc Thiên lại sắp đặt Bắc Môn bác sĩ, thường nhiễu vượt Môn hạ tỉnh, Trung thư tỉnh làm tiền lệ cho các quan lại ác độc giết hại các quan lại chống đối. Võ Tắc Thiên đối với Phật giáo rất sùng bái, khiến Phật giáo thời đó phát triển cực thịnh.[16]

Khai Nguyên thịnh thế[sửa]

Xem chi tiết: Đường Huyền Tông
Tập tin:Tang XianZong.jpg
Đường Huyền Tông người đã tạo nên Khai Nguyên thịnh thế, nhưng cũng là người đặt nền móng cho sự suy sụp của nhà Đường。

Vào năm 705, tức năm Thần Long thứ nhất, tả vũ lâm tướng quân Kính Huy (敬暉), phượng các thị lang Trương Giản Chi, hữu vũ lâm tướng quân Hoàn Ngạn Phạm (桓彥範), loan đài thị lang Thôi Huyền Vĩ (崔玄暐) cùng tư hình thiếu khanh Viên Thứ Kỷ (袁恕己) cùng mọi người phát động chính biến, giết chết 2 anh em họ Trương - sủng nam của Võ Tắc Thiên, buộc nữ hoàng đế phải thoái vị. Sau đó, họ khôi phục ngôi vị hoàng đế của Trung Tông Lý Hiển, lập lại quốc hiệu Đại Đường. Sử Trung Hoa gọi đó là Thần Long cách mạng (神龍革命) hay Ngũ vương chính biến (五王政變),[14] Lý Đán được tấn phong làm An Quốc Tương vương, Thái Bình công chúa được phong làm Trấn Quốc Thái Bình công chúa. Trung Tông lập Hoàng hậu là Vi hoàng hậu. Vi hoàng hậu là người đàn bà cứng rắn và mưu mô, trong cung bà tư thông với Võ Tam Tư, cháu của Võ Tắc Thiên, rồi tự tìm vây cánh cho mình. Vi hậu mưu đồ bất chính, muốn noi theo Võ Tắc Thiên ngày xưa, cùng con gái cưng An Lạc công chúa (安樂公主) và Thượng Quan Uyển Nhi kết thành bè đảng, sát hại thái tử Lý Trọng Tuấn.[7] Năm 710, tức năm Cảnh Long thứ 4, Vi hoàng hậu cùng An Lạc công chúa mưu giết chết Đường Trung Tông, lập Ôn vương Lý Trọng Mậu (李重茂) làm hoàng đế, tức Đường Thương Đế, lại muốn hại đến Tương vương Lý Đán. Lúc đó, con trai của Lý Đán là Lý Long Cơ hiệp lực với Thái Bình công chúa gây ra Sự biến Đường Long (唐隆之變, Đường Long chi biến), tru diệt Vi hậu, An Lạc công chúa cùng với toàn bộ thế lực tàn dư dòng họ Võ, lập Lý Đán phục vị hoàng đế, tức là Đường Duệ Tông. Đường Trung Tông được an táng theo nghi lễ hoàng đế, thụy hiệu Đại Hòa Đại Thánh Đại Chiêu Hiếu hoàng đế.[16]

Sau khi Duệ Tông lên ngôi, Lý Long Cơ và Thái Bình công chúa phát sinh cảnh cô cháu tranh nhau, Duệ Tông trái phải đều khốn. Năm 712, tức năm Diên Hòa thứ nhất, Duệ Tông đành nhường lại ngôi vị cho Thái tử Lý Long Cơ, tức là Đường Huyền Tông. Năm 713, Đường Huyền Tông khép Thái Bình công chúa vào tội có ý muốn tạo phản, ép phải tự sát, bè đảng của bà cũng bị giết hoặc biếm truất đi, từ đó kết thúc cục diện bè đảng Võ Tắc Thiên hoặc những chuyện nữ nhi tham chính sự.[7] Cũng năm đó, Huyền Tông cải niên hiệu là Khai Nguyên. Thời kỳ niên hiệu được gọi là Khai Nguyên thịnh thế,[18] nền chính trị khá trong sáng, nhà vua trọng dụng 2 vị lương thần là Diêu Sùng Tống Cảnh (宋璟) làm tể tướng, nhờ đó kinh tế dần phát triển, nông nghiệp đã phát minh ra máy cày tay (曲轅犁, Khúc viên lê) và đồng xa (筒車). Nông nghiệp được chú trọng và đề cao, quốc lực ngày càng tăng, nhà Đường bước vào thời toàn thịnh. Kinh đô Trường An trở thành chốn đô hội với số nhân khẩu đông, trở thành thành thị cổ phát triển nhất. Đường Huyền Tông lại thu dụng tể tướng Trương Cửu Linh (張九齡), nghe theo kiến nghị của ông cải cách chỉnh đốn lại chế độ quan lại, sử dụng hiền tài, đề nghị các địa phương bồi dưỡng nho sinh sĩ phu ưu tú.

Loạn An-Sử[sửa]

Xem chi tiết: Loạn An Sử
Tập tin:Yang Gui-fei by Takaku Aigai.jpg
Dương Quý Phi, tranh lụa của Takaku Aigai tại bảo tàng mỹ thuật SEIKADO BUNKO

An Lộc Sơn tên thật là Loát Lạc Sơn, người dân tộc Túc Đặc (một tộc người Tajik). An Lộc Sơn xuất thân từ một gia đình thương nhân có nguồn gốc từ Bukhara (Sogdiana) đến sinh sống và làm ăn ở vùng đất mà nay là Ürümqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, miền tây bắc Trung Quốc.

An Lộc Sơn bị kết án tử hình vì tội ăn cắp, bỏ trốn và gia nhập quân đội nhà Đường. Nhờ có thành tích xuất sắc trong chiến đấu ở vùng tây bắc, đặc biệt là trong việc chống lại quân Khiết Đan, ông được phong đến chức Tiết độ sứ vào năm 742.

An Lộc Sơn có mâu thuẫn với Dương Quốc Trung (楊國忠), anh của Dương Quý Phi. Sợ bị Dương trấn áp, An Lộc Sơn nghe theo lời của Sử Tư Minh (đồng hương, bạn thân và đồng thời là thuộc hạ) làm loạn, khởi 15 vạn binh từ Ngư Dương, đánh xuống phía nam. Khi tin báo An Lộc Sơn làm phản báo về, Đường Huyền Tông ban đầu không tin vì lòng trung của Lộc Sơn. Mặt khác, chính Lộc Sơn cũng thông gia với Huyền Tông, có 1 con trai còn ở kinh thành để làm con tin. Mãi sau vua Đường mới biết là sự thật, bèn hạ lệnh giết chết phò mã - con trai Lộc Sơn.

Cuối năm 755, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh làm phản. An Lộc Sơn xưng là Thánh Vũ Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Yên. Bằng năng lực và kinh nghiệm quân sự cộng với lực lượng trong tay hùng mạnh, quân Yên làm chủ chiến trường phía đông. Nhà Đường vội vã mộ 6 vạn quân để giữ Lạc Dương, nhưng quân mới đều là dân lưu lạc không được huấn luyện nên nhanh chóng bị Lộc Sơn đánh bại. Mùa hè năm 756, An Lộc Sơn đánh vào Lạc Dương. Nhiều thành trì phía đông lọt vào tay Lộc Sơn.

Lộc Sơn mang quân tiến về phía tây, đánh kinh thành Trường An, án binh lại trước cửa Đồng Quan vì gặp đạo quân của Kha Thư Hàn án ngữ.

Trong lúc các tướng Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật đang đánh mạnh và giành lại quyền chủ động ở phía đông, An Lộc Sơn cũng bế tắc trước ải Đồng Quan thì Đường Huyền Tông lại mắc sai lầm, bắt Kha Thư Hàn ra quân, trong khi tướng này muốn cố thủ để chờ quân của Tử Nghi và Quang Bật đánh về. Bị thúc ép quá, Thư Hàn đành ra quân và bị Lộc Sơn đánh tan rã. 20 vạn quân Đường bị giết, quân Lộc Sơn ồ ạt tiến vào Trường An.

Đường Huyền Tông cùng thừa tướng Dương Quốc Trung hốt hoảng, bỏ Trường An rút về đất Thục (蜀, nay là Tứ Xuyên). Trong khi quân sĩ đói rét thì gia đình Quốc Trung vẫn ăn trên ngồi chốc. Quân sĩ khởi loạn, giết chết Quốc Trung và ép Huyền Tông phải giết Dương Quý Phi, nếu không sẽ không hộ giá nữa. Đường cùng, Huyền Tông buộc phải nghe theo, mang Qúy phi thắt cổ ở gò Mã Ngôi.

Sau khi chiếm Trường An, An Lộc Sơn nghe tin Dương Quý Phi đã chết, ra lệnh tàn sát dân kinh thành rất nhiều. Bản thân Lộc Sơn cũng chán nản, sau đó không lâu, Lộc Sơn bị bệnh và trở nên ốm yếu rồi bị chính con trai của mình là An Khánh Tự giết hại.

Trước sự bất lực của vua cha, thái tử Lý Hanh lên ngôi tại núi Linh Vũ, tức là Đường Túc Tông, vọng tôn Huyền Tông làm thượng hoàng. Vua con tổ chức quân đội đánh mạnh vào quân Yên của An Lộc Sơn, thu hồi lại nhiều đất đai. Tuy nhiên chiến sự vẫn giằng co chưa phân được thua. Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật về hội binh với Túc Tông nên Sử Tư Minh thừa cơ chiếm lại 13 quận Hà Bắc. Thế quân Yên lại mạnh.

Năm 757, nhà Đường nhờ thế lực của người Hồi Hột bắt đầu phản công và lấy lại được Trường An.

Thủ hạ của Lộc Sơn là Sử Tư Minh không theo An Khánh Tự, nên ly khai và rút về Phạm Dương (gần Bắc Kinh ngày nay). Quân phản loạn trở nên phân rã, suy yếu. Sử Tư Minh đầu hàng triều đình nhưng phát hiện ra âm mưu định ám sát mình của nhà Đường, nên lại tiếp tục làm phản. Năm 758, Tư Minh mang quân giải vây cho Khánh Tự đang bị triều đình vây khốn. Quân Đường bị đánh bại bỏ chạy. Tuy nhiên sau đó Tư Minh vào thành giết chết An Khánh Tự, tự xưng làm Yên Đế.

Năm 761, Sử Tư Minh bị con trai cả là Sử Triều Nghĩa sát hại vì có ý định lập con nhỏ làm thái tử. Sau khi Sử Tư Minh chết, quân phản loạn mất tư lệnh tài năng, Sử Triều Nghĩa mau chóng bị triều đình dẹp tan (763).

Cuộc phản loạn này làm nhà Đường suy yếu nghiêm trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Lịch sử nhà Đường ghi lại thì trước loạn An Sử, dân số là 53 triệu, sau loạn chỉ còn 17 triệu.

Loạn An Sử chấm dứt nhưng một bộ phận tướng sĩ của Lộc Sơn quy hàng triều đình vẫn làm tiết độ sứ ở Hà Bắc. Để thưởng công cho các tướng sĩ (mà không ít người là người dân tộc thiểu số), nhà Đường phải phong đất đai và chức tước cho họ, tạo thành vô số chính quyền quân sự nhỏ làm lung lay quyền lực của triều đình trung ương.

Nhiều quận, huyện ở Hà Nam, Sơn Tây, Sơn Đông bị các tướng truyền nối cho con cháu nhiều đời không lệ thuộc triều đình. Cục diện phiên trấn cát cứ của các tiết độ sứ bắt đầu hình thành và kéo dài hơn 100 năm, cho tới khi nhà Đường sụp đổ vào năm 907.

Họa phiên trấn và hoạn quan[sửa]

Sau loạn An Sử, nhà Đường bắt đầu suy yếu. Phiên trấn cát cứ, hoạn quan chuyên quyền, chia bè đảng khuynh đảo đã khiến chính trị nhà Đường trở nên tồi tệ.[7] Do sau khi bình định xong loạn An Sử, triều đình phong chức tiết độ sứ ở các địa phương nhằm an trí, các địa khu được quản hạt được gọi là phiên trấn. Vào thời Đường Huyền Tông ở biên giới đã có 10 Tiết độ sứ. Trong quá trình dẹp loạn An Sử và chống Thổ Phồn, lại có thêm rất nhiều Tiết độ sứ được phong, cả nước đã có tới 40 Tiết độ sứ.

Vì để đề phòng xâm lược hay nội phản, quyền lực của các tiết độ sứ khá lớn, có quyền thay vua quyết định việc ở tại phiên trấn nhậm và thậm chí là có quân đội riêng, có tính chất thế tập cha truyền con nối. Bọn họ tập trung đại quyền: quân đội, chính trị, của cải vào mình, trở thành "nước trong nước". Từ đó khiến tình trạng đuôi to khó vẫy, ngoài nặng trong nhẹ, khiến hình thành các thế lực cát cứ.[19]

Năm 773, Tiết độ sứ Ngụy Bác vì để dụ dỗ các tướng thân cận của An - Sử đến đầu hàng mình nên không thèm để ý đến triều đình, đã công nhiên lập "Tứ thánh từ" cho cha con An - Sử, lại còn yêu cầu Đường Đại Tông phong cho mình chức Tể tướng. Đường Đại Tông tuy trong lòng rất tức giận nhưng chẳng còn cách nào nên vẫn phải phong cho ông ta làm Tể tướng, gả con gái mình là Vĩnh Lạc công chúa cho con trai ông ta.

Đến đời Đường Đại Tông lên ngôi nhờ sự ủng hộ của một viên hoạn quan. Đại Tông sau khi làm hoàng đế, mong muốn cải cách lại triều chính, tuy nhiên, tiềm lực đất nước đã bị phá hoại nặng, biên phòng lỏng lẻo, nạn ngoại xâm diễn ra nghiêm trọng, mà các khu vực phía đông nam dân chúng sinh biến loạn. Năm 763, Thổ Phồn đem 20 vạn quân đánh vào Quan Trung, trong 3 tháng đã đánh đuổi được Đường Đại Tông, chiếm cứ Trường An, cướp sạch của cải. Ở Hà Bắc lại có người Hồi Hột nổi dậy đánh phá. Do ở Hà Bắc các phiên trấn dần dần làm phản, các nơi khác cũng noi theo, cục diện cát cứ chính thức hình thành.

Đến năm 779, tức năm Đại Lịch thứ 14, Đại Tông hoàng đế băng hà, thụy hiệu Duệ Văn Hiếu Vũ hoàng đế[19]

Sau đó, hoàng thái tử Lý Quát kế vị, tức Đường Đức Tông. Đức Tông sau khi kế vị, liền đặt mối họa phiên trấn lên hàng đầu cần phải lo diệt. Tháng giêng năm 781, tức năm Kiến Trung thứ 2, Đức Tông đem quân đánh Tiết độ sứ ở Sơn Nam. Năm 783, Hoài Tây Tiết độ sứ Lý Hi Liệt cùng với một loạt các Tiết độ sứ khác liên kết với nhau cắt đứt đường lương thực của nhà Đường từ Đông Nam, dẫn quân tấn công Tương Thành (Tương Thành, Hà Nam), uy hiếp Lạc Dương. Đến tháng 10, tình hình Tương Thành rất nguy ngập, Đức Tông phải lệnh cho các đạo quân ở Kinh (phía bắc Kinh Châu, Cam Túc ngày nay) và Nguyên (Cổ Nguyên, Cam Túc ngày nay) cứu viện cho Tương Thành. Kinh Nguyên Tiết độ sứ Đào Lệnh Ngôn dẫn hơn 5000 quân đi qua kinh thành, trời mưa rét mà không được khao thưởng nên lòng quân tức giận, thế là quân sĩ bất ngờ làm phản, tấn công kinh thành, xông vào hoàng cung. Đường Đức Tông phải dẫn theo hậu phi và hoạn quan vội vàng bỏ chạy về phía Ưng Thiên (huyện Càn, Thiểm Tây).

Phiến quân Kinh Nguyên lập tức tôn Chu Thử làm chủ. Chu Thử từng làm Kinh Nguyên Tiết độ sứ, vì vào triều dâng tấu mà bị Đường Đức Tông giam giữ ở Trường An. Chu Tỉ tự xưng là "Đại Tấn hoàng đế" cải nguyên "Ứng Thiên". Chu Tỉ lệnh binh mã sứ Hàn Mân dẫn hơn 3000 kỵ binh tinh nhuệ, tấn công Ưng Thiên để truy sát Đường Đức Tông. May mà Đoàn Tú Thực đã dùng kế đánh tráo con dấu mà lừa được phản quân. Đường Đức Tông đã bảo toàn được tính mạng.

Chiến tranh với phiên trấn xảy ra suốt 5 năm, sau này cũng giết được những kẻ cầm đầu loạn lạc như Chu Thử Lý Hi Liệt. Nhà Đường sau đó tuy không chấp nhận cho các tiết độ sứ xưng vương, nhưng cũng phải thừa nhận họ được quyền thống trị tại địa phương.[14] Sự phân hóa cát cứ ngày càng rõ rệt hơn trong thời cai trị của Đức Tông. Ngay cả họa hoạn quan bắt đầu khống chế cấm quân, đảm nhận giám quân, cục diện hoạn quan lộng quyền cũng tuyên bố hình thành từ đây. Mọi chuyện dựng vua này giết vua khác trong triều Đường sau này cũng do đám hoạn quan này đứng đầu.[7]

Đức Tông đã từng trọng dụng những viên quan như Dương Viêm (楊炎) làm tể tướng sử sụng Lưỡng thuế pháp, dùng Lưu Yến (劉晏) cải cách vận chuyển đường thủy, cải biến thuế muối, thi hành Thường bình pháp, cải thiện quốc gia. Nhưng đồng thời, hoàng đế cũng trọng dụng tên hoạn quan cũng là gian thần Lô Kỉ (卢杞), để cho chúng tâu xằng làm bậy, và sau này chúng giết hại 2 vị quan tài giỏi là Dương Viêm và Lưu Yến. Đến cuối đời, Đức Tông nghi kị đại thần, chỉ tin dùng bọn hoạn quan, thậm chí dùng chúng để dò xét các quan. Vì thế tuy là có ý định tốt nhưng kết quả là càng làm cho tình trạng cát cứ ngày càng nghiêm trọng.

Đến năm 805, tức năm Trinh Nguyên thứ 21, Đức Tông băng hà, thụy hiệu là Thần Vũ Hiếu Văn hoàng đế. Lúc này, hoàn cảnh nhà Đường đã như mặt trời gần lặn xuống.

Sự trung hưng thời Vĩnh Trinh và Nguyên Hòa[sửa]

Xem chi tiết: Đường Thuận Tông
Tập tin:Tang Xianzong.jpg
Đường Hiến Tông, người có công thảo phạt phiên trấn, trung hưng nhà Đường

Sau khi Đức Tông băng hà, hoàng thái tử Lý Tụng, lúc đó đã làm Thái tử được 26 năm, lên ngôi, tức Đường Thuận Tông, cải niên hiệu là Vĩnh Trinh. Sau khi Thuận Tông lên ngôi, bèn sử dụng Vương Thúc Văn (王叔文) cải cách quan lại, thay đổi những điều bất hợp lí về chế độ quan lại xử trị ở địa phương từ thời Đức Tông để lại. Vương Thúc Văn bãi bỏ Cung thị Ngũ phường tiểu nhi - cơ cấu mà trước đây bọn gian thần dùng để đè nén áp bức nhân dân. Lại cho giảm thuế má, binh dịch, bãi miễn tên tham quan Kinh triệu doãn Lý Thật (李實), ức chế các thế lực cát cứ ở địa phương. Tuy nhiên, chính những cải cách này đã động chạm đến những lợi ích của bè phái thủ cựu quan liêu, cho nên chúng tìm cách gây trở ngại. Chính ngày 20 tháng 6 năm 805, mẹ của Vương Thúc Văn qua đời buộc ông phải bỏ chức vụ về chịu tang, sau đó ông bị giáng chức làm Tư hộ tham quân ở Du Châu (渝州). Sau đó những người quan viên thuộc phái cải cách gồm: Vương Thúc Văn, Vương Phi (王伾), Hàn Diệp (韓曄), Hàn Thái (韓泰), Trần Gián (陳諫谏), Lăng Chuẩn (凌准), Trình Dị (程異), Vi Chấp Nghị (韋執誼), Lưu Vũ Tích, Liễu Tông Nguyên - gọi là Nhị Vương bát Tư Mã (hai người họ Vương và tám vị quan Tư Mã), cả thảy đều bị giáng chức làm quan ở địa phương. Cuộc Vĩnh Trinh cách tân (永貞革新) với mong muốn cải cách mau chóng nhưng cuối cùng lại là chóng tiêu tan.

Đầu tháng giêng năm 806, Thuận Tông dưới sự áp lực của hoạn quan và gian thần, đành phải nhường ngôi tại Hưng Khánh cung, đến ngày 19 tháng giêng năm đó, Hoàng đế bị hãm hại ở cung này, thọ 46 tuổi. Thụy hiệu là Chí Đức Hoằng Đạo Đại Thánh Đại An Hiếu hoàng đế.[19]

Sau khi Thuận Tông nhường ngôi, Thái tử Lý Thuần kế vị, đó là Đường Hiến Tông, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa. Hiến Tông là vị hoàng đế có công phục hưng sự thịnh trị của nhà Đường, mặc dù sự thịnh thế đó tồn tại không được lâu và cũng không rực rỡ bằng thời Đường Thái Tông Đường Huyền Tông, nhưng sử sách gọi đó là Nguyên Hòa trung hưng (元和中興). Hiến Tông chăm lo siêng năng việc cai trị, lo duyệt tấu chương, muốn hưng thịnh lại nhà Đường đang bị rạn nứt dần. Hiến Tông thường ưa nghe lời can gián, rộng rãi bao dung, tích cực cho thu góp tiền đồng trong hoàng tộc, thi hành tiết kiệm. Nhờ đó mà tài lực quốc gia đi lên, có thể tiến hành chiến tranh chống lại các phiên trấn bất quy thuận.

Năm 806, Kiếm Nam-Tây Xuyên Tiết độ sứ Lưu Tịch (劉闢) làm loạn, phát binh tấn công chiếm địa bàn Đông Xuyên, bị Hiến Tông dẹp trừ, khiến cho các phiên trấn chấn động, bèn dâng biểu về xin quy thuận triều đình. Sau khi bình định được Tây Xuyên, quân Đường nhanh chóng tấn công tiêu diệt trấn Hạ Tuy (thuộc huyện Tịnh Biên, Thiểm Tây ngày nay), bắt được Trấn Hải Tiết độ sứ Lý Kỳ vốn không nghe lệnh triều đình. Vì thế mà uy tín của nhà Đường ngày càng được tăng lên.

Tháng 10 năm 814, tức năm Nguyên Hòa thứ 9, Hiến Tông bắt đầu đi thảo phạt phiên trấn ở miền Hoài Tây của Ngô Nguyên Tế. Đến năm 817, tức năm Nguyên Hòa thứ 12, thế lực của Ngô Nguyên Tế bị tiêu diệt. Tháng giêng năm 818, các phiên trấn ở địa phương phái sứ tiết đến Trường An xin hiến đất và nộp cống quy thuận.

Đường Hiến Tông cũng là vị hoàng đế hết lòng sùng bái Phật giáo. Ông đã từng đi đến chùa Pháp Môn để rước Phật cốt. Việc này bị Hình bộ thị lang Hàn Dũ phản đối. Hoàng đế tức giận nên đã giáng chức Hàn Dũ đi làm thứ sử ở Triều Châu.

Ngày 27 tháng giêng năm 820, tức năm Nguyên Hòa thứ 15, Hiến Tông bị bọn hoạn quan Trần Hoằng Chí (陳弘志) giết tại Trung Hòa điện Đại Minh cung, thụy hiệu Chiêu Văn Chương Vũ Đại Thánh Chí Thần Hiếu hoàng đế. Thời kỳ trung hưng thời Hiến Tông chấm dứt, các phiên trấn cát cứ lại nổi lên tranh giành.[19]

Sự biến Cam Lộ và Đảng tranh[sửa]

Xem chi tiết: Đường Mục Tông

Sau khi Đường Hiến Tông băng hà, hoàng đệ của ông là Lý Hằng kế vị, tức Đường Mục Tông. Mục Tông ham chơi vô độ, cục diện phiên trấn cát cứ lại tiếp diễn, quyền thế của hoạn quan càng bành trướng, chia bè đảng và tranh quyền lẫn nhau, triều chính bắt đầu xuống dốc. Mục Tông băng hà sau 3 năm trị vì, thụy hiệu là Duệ Thánh Văn Huệ Hiếu hoàng đế. Tiếp sau đó, 3 người con trai của Mục Tông lần lượt nối ngôi là: Đường Kính Tông Lý Trạm, Đường Văn Tông Lý Ngang, và Đường Vũ Tông Lý Viêm. Ba ông này đều là anh em cùng cha khác mẹ, lần lượt được thế lực hoạn quan ủng hộ lên ngôi, nhưng sau cũng bị giết, mà lúc sống cũng chẳng được nắm quyền là bao, từ đó phản ánh một nền chính trị Đại Đường đã bị bại hoại.[20]

Ngay sau khi Mục Tông giá băng, Đường Kính Tông Lý Trạm lên ngôi. Vốn là vị Hoàng đế chẳng lo việc nước dân, Kính Tông suốt ngày yến tiệc ham vui, vì ham chơi vô độ mà gây ra họa khiến phải băng hà vào năm 826, tức năm Bảo Lịch thứ 2, sau khi yến tiệc quá chén, Kính Tông bị nhóm hoạn quan Lưu Khắc Minh (劉克明) hại chết, thọ 18 tuổi, thụy hiệu là Duệ Vũ Chiêu Mẫn Hiếu hoàng đế.

Sau đó, Đường Văn Tông Lý Ngang kế nhiệm, vốn là vị quân chủ cũng chăm việc chính sự, sinh hoạt tiết kiệm, đả kích bọn hoạn quan, động chạm đến lợi ích của bè đảng hoạn quan gian nghịch, cho nên mới dẫn đến Cam Lộ chi biến định tru diệt bọn hoạn quan bị thất bại. Sau đó, bọn hoạn quan đoàn kết nhất trí, hoàng đế phải sai đại thần mượn binh lực của phiên trấn để kháng cự với hoạn quan, chính sự xung đột của phiên trấn và hoạn quan càng khiến nhà Đường mau suy tàn. Ngày 4 tháng 1 năm 840, tức năm Khai Thành thứ 5, Văn Tông bị giết ở Thái Hòa điện thuộc Đại Minh cung, thọ 33 tuổi, thụy là Nguyên Thánh Chiêu Hiến Hiếu hoàng đế.[20]

Tập tin:Tang Wuzong.jpg
Đường Vũ Tông Lý Viêm, người có công lập nên sự trung hưng ngắn thời Đường mạt, nhưng cũng nổi tiếng với sự đàn áp Phật giáo được gọi là Vũ Tông diệt Phật

Ngay lập tức, Đường Vũ Tông Lý Viêm kế vị, niên hiệu là Hội Xương. Vũ Tông lên ngôi là do tên trùm hoạn quan Cừu Sĩ Lương (仇士良) ủng hộ, trong triều các bè phái mọc lên như nấm, Cừu Sĩ Lương cũng tạm nhường cho Vũ Tông tự xử lí triều chính. Vũ Tông trọng dụng đại thần Lý Đức Dụ (李德裕), chủ trương diệt bọn hoạn quan, khôi phục chính trị triều Đường, sử gọi đó là Hội Xương trung hưng (會昌中興). Nhưng đồng thời cũng xảy ra chuyện Vũ Tông diệt Phật, đàn áp Phật giáo trên quy mô toàn quốc và cực kì khắc nghiệt. Sự đàn áp Phật giáo lần này là lần thứ 3 trong Tam Vũ nhất Tông diệt Phật (三武一宗滅佛). Vũ Tông lại sùng bái Đạo giáo, cho luyện tiên đơn để uống mong trường sinh bất lão, nào ngờ lại ngộ độc đan dược mà băng hà, thọ 36 tuổi, thụy hiệu là Chí Đạo Chiêu Túc Hiếu hoàng đế.

Chỉ trong vòng 4 triều Mục Tông, Kính Tông, Văn Tông và Vũ Tông, bọn gian thần tranh giành, sử gọi là Ngưu Lý đảng tranh, cực kì khốc liệt, làm hao tổn nghiêm trọng đến quốc lực nhà Đường. Ngưu Lý đảng tranh bắt đầu từ năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), từ việc mở khoa thi sĩ tử, những cử nhân như Ngưu Tăng Nhụ (牛僧孺), Lý Tông Mẫn (李宗閔), Hoàng Phủ Thực (皇甫湜) trình biểu phê bình việc triều chính và mong cải cách. Quan khảo thấy những người này tài năng rất hợp bèn cấp báo lên cho vua Hiến Tông. Lúc này quan tể tướng là Lý Cát Phủ (李吉甫, cha của Lý Đức Dụ) bất mãn, nhân đó bọn họ đả kích kịch liệt với Lý Cát Phủ, giáng chức ông làm tiết độ sứ ở Hoài Nam.

Trong triều lúc đó đại thần phân ra 2 phái.[7] Đảng của Lý (Cát Phủ, sau là Đức Dụ) chủ trương đối đầu với phiên trấn để giành lại quyền hành cho triều đình trung ương, còn đảng của Ngưu (Tăng Nhụ) chủ trương hòa bình thỏa hiệp với phiên trấn. Ngưu đảng không hài lòng với chế độ khoa cử hiện thời, Lý đảng thì lại ủng hộ. Lý đảng kiến nghị giản lược hệ thống cơ cấu quốc gia, Ngưu đảng phản đối.[11] Sau khi Mục Tông lên ngôi, cho khảo thi tiến sĩ. Chủ trì việc thi cử đó là Tiền Huy (錢徽) - người của Ngưu đảng, bị người vu cáo là có dính đến tệ hại riêng tư trong kì thi. Đương khi đó Hàn Lâm học sĩ Lý Đức Dụ làm chứng, Tiền Huy bị giáng chức, Lý Tông Mẫn cũng bị liên lụy theo, bị biếm trích ra vùng ngoài, thành thử ra Lý Tông Mẫn và Ngưu Tăng Nhụ đều kết oán với Lý Đức Dụ.

Lý đảng và Ngưu đảng cùng những quan viên xuất thân khoa cử liên kết thành bè đảng, còn Lý Đức Dụ thì kết bè đảng với những quan liêu xuất thân quý tộc, 2 phái tranh ngầm nhau rất dữ dội. Văn Tông lên ngôi, Lý Tông Mẫn nhờ kết thế với bọn hoạn quan mà leo lên làm tể tướng, Ngưu Tăng Nhụ cũng cùng lên chức cao, cực lực đả kích mạnh mẽ phái của Lý đảng, khiến Lý Đức Dụ bị đày đi làm tiết độ sứ ở Tây Xuyên. Đến khi Vũ Tông tức vị, Ngưu đảng thất thế, Lý Đức Dụ lên làm tể tướng, ra sức bài xích Ngưu đảng. Đường Tuyên Tông về sau kế vị, lại bài xích các cựu thần đời Vũ Tông, Lý Đức Dụ bị đày ra Hải Nam. Như vậy, sự đảng tranh diễn ra suốt gần 40 năm đã được Tuyên Tông chấm dứt.[20]

Đại Trung tạm trị[sửa]

Xem chi tiết: Đường Tuyên Tông
Tập tin:唐末农民起义图.png
Các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối kỳ nhà Đường

Năm 846, sau khi Vũ Tông băng hà, Lý Thầm là chú của Vũ Tông, được hoạn quan Mã Nguyên Chí (马元贽) ủng hộ, lên ngôi hoàng đế, tức Đường Tuyên Tông, cải niên hiệu là Đại Trung. Mặc dù Tuyên Tông lên ngôi là để thế lực hoạn quan lợi dụng, nhưng hoàng đế đã sớm cố gắng tìm cách để nắm thực quyền, nhà Đường xuất hiện một thời kỳ phục hưng ngắn ngủi, người đời tôn gọi Tuyên Tông là "Tiểu Thái Tông", ý sánh ông với vua Đường Thái Tông trước đó. Tuyên Tông ra sức tăng cường hoàng quyền, hạn chế thế lực hoạn quan trong chính quyền, ra tay dẹp Ngưu Lý đảng tranh, trong thời đại nhà Đường đang hỗn loạn bỗng xuất hiện một thời trung hưng với cục diện tốt đẹp của Đại Trung chi trị. Tuy nhiên Tuyên Tông cũng là ông vua rất đa nghi, bọn quan lại thì vờ tỏ vẻ cho thiên hạ thái bình. Vua cũng sùng bái Đạo giáo, mong được có tiên dược để trường sinh bất lão. Năm 859, tức năm Đại Trung thứ 13, Tuyên Tông vì dùng thuốc đan quá độ, bị lâm bệnh nặng mà băng hà, an táng ở Trinh lăng. Thực tế sự thịnh trị của Đại Trung cũng không ổn định, sau khi Tuyên Tông băng hà, cục diện loạn lạc giặc cướp lại nổi lên ào ạt.

Nhà Đường tàn vong[sửa]

Sau thời Tuyên Tông, kế đến là Đường Ý Tông Lý Thôi và Đường Hi Tông Lý Huyên đều là những ông vua không có năng lực, thế nhà Đường ngày càng xuống dốc. Ý Tông là ông vua kiêu mạn xa xỉ lại dâm dật, tin dùng hoạn quan. Khi Ý Tông kế vị năm 859, sự giàu nghèo trong xã hội ngày càng có khoảng cách lớn, mâu thuẫn giai cấp càng tăng, khắp nơi dân chúng nổi dậy, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Cừu Phủ (裘甫) nổi dậy ở Chiết Đông (浙东), số dân tham gia vào bộ chúng lên tới nghìn người. Ở mặt nam có nước Nam Chiếu nổi dậy chiến tranh với nhà Đường, đem quân đánh chiếm Giao Chỉ (nay là miền bắc Việt Nam).

Trong khi đó, quân phòng bị Nam Chiếu ở tại Quế Lâm cũng nổi dậy làm phản do cấp trên trì hoãn không cho họ về quê, cướp lương và đưa thủ lĩnh Bàng Huân lên đứng đầu cuộc nổi loạn. Bàng Huân dẫn nghĩa quân bắc tiến đánh đến Từ Châu, bắt lấy viên Quan sát sứ ở Từ Châu và Tứ Châu Thôi Ngạn Tằng (崔彦曾), rất nhiều nông dân nổi dậy hưởng ứng, nhất thời thanh thế chấn động, chiếm cứ Hoài Khẩu, uy hiếp thành Trường An. Nhưng Bàng Huân lại muốn được triều đình chiêu an, ý muốn được phong làm Tiết độ sứ, thường cứ bỏ lỡ cơ hội tốt, đến năm 869 bị đại tướng nhà Đường là Khang Thừa Huấn (康承训) đánh giết. Từ những năm đầu dân chúng khởi nghĩa, Ý Tông vẫn cứ không lo, chìm đắm trong thanh sắc vui thú, chỉ thích ai có công làm cho nhà vua vui vẻ, tin bọn gian nịnh, triều chính bại hoại đen tối.[7]

Ngày 19 tháng 7 năm 873, tức năm Hàm Thông thứ 14, Ý Tông băng hà, Hi Tông lên kế vị. Hi Tông suốt ngày chỉ thích đá gà với đánh cầu, ít khi lo việc quốc sự. Năm 874, Hi tôn thấy nổi loạn ở khắp nơi, cũng thức tỉnh mà xuống chiếu tự kể tội mình: tội gây binh đao, bắt lính khắp nơi, đánh thuế xe, thuế ngựa, bắt dân làm xâu, phải bỏ hoang ruộng đất... Nhưng đã trễ, loạn lạc đã nổi lên khắp nơi.

Bấy giờ giá muối ngày càng tăng, phiên trấn thì binh lửa chẳng dứt, bách tính liền nhiều năm bị bọn cường hào địa chủ kiêm tịnh mất ruộng đất, đói kém nghiêm trọng, mà phú thuế đánh ngày càng nặng. Năm 860, loạn ở Chiết Giang, đông tới 3 vạn vì nạn đói. Triều đình phái ba lộ quân, toàn là lính Hồi Hột, Thổ Phồn (không dùng lính Hán) đi tiễu trừ, bao vây thành; nông dân trong thành, già trẻ trai gái đều chống cự kịch liệt; giữ thành được 3 tháng, tới khi hết lương thực mới chịu thua. Năm 862 lại xảy ra loạn ở Từ Châu; năm 868, một vụ nữa ở Quế Châu, triều đình phải cầu cứu với tộc Sa Đà; nghĩa quân mắng triều đình là "quốc tặc", đem rợ vào giết dân.

Ghê gớm nhất cuộc đại loạn Hoàng Sào.[21] Năm 875, Vương Tiên Chi, Thượng Nhượng Hoàng Sào trước sau nổi dậy ở đất Dự (nay thuộc tỉnh Hà Nam) và đất Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), hai quân đội khởi nghĩa dồn hợp lại đánh phá các thành trì ở Trung Nguyên. Quân của Hoàng Sào lại tiến xuống phía nam, đốt phá thành trì và cướp đoạt cả vùng đất Quảng Châu, lại xông vào hàng quán giết rất nhiều thương nhân vô tội người Tây Vực (tài liệu của Ả Rập ghi có tới 12 vạn ngoại nhân chết trong vụ đó).

Do không thích hợp với khí hậu ở Lĩnh Nam, Hoàng Sào lại bắc tiến đánh lên phía bắc rất thuận lợi. Vượt qua Trường Giang, Hoài Hà, năm 880 tháng 11, tức năm Quảng Minh thứ nhất, Hoàng Sào đánh chiếm thành Trường An, Hi Tông bỏ chạy đến Tứ Xuyên. Năm đó Hoàng Sào vào Hàm Nguyên điện, tự xưng làm hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Tề, lấy niên hiệu Kim Thống. Sau đó, quân Đường có đem quân đánh thành Trường An, nhưng lòng dân không phục, bị Hoàng Sào đánh đuổi. Năm 883, Chu Ôn (hay Chu Toàn Trung) cùng với một người tộc Sa Đà Lý Khắc Dụng dẫn quân Đường tái đánh thành Trường An. Sang năm, Hoàng Sào bị thủ hạ sát hại.

Loạn Hoàng Sào chiếm hơn nửa giang sơn của nhà Đường, giết hại số người ước đến 830 vạn người, dẫn đến quốc lực của nhà Đường càng suy thoái. Sau đó lại đến những cuộc đấu tranh của cái họa hoạn quan và phiên trấn, Hi Tông lại bị hoạn quan kìm giữ ở Phượng Tường, mà quân đội phiên trấn vào cướp phá ở thành Trường An. Ngày 6 tháng 3 năm Văn Đức thứ 1 (888), Hi Tông băng hà, người em là Lý Diệp lên ngôi, tức Đường Chiêu Tông. Chiêu Tông ở ngôi, mong muốn khôi phục nước nhà, nhưng thế lực phiên trấn ngày càng lớn mạnh, những cải cách của nhà vua đề xướng mau chóng thất bại tiêu tan.[7]

Năm Thiên Phục thứ 3 (903), Chu Toàn Trung áp giải Chiêu Tông hồi kinh, sau đó Chu ra tay diệt hết lũ hoạn quan. Năm Thiên Hựu thứ 1 (904), Chu Toàn Trung lại đề nghị dời đô đến Lạc Dương, phá hủy hết cung điện ở Trường An. Ngày 11 tháng 8 năm đó, Chiêu Tông bị sát hại. Lý Chúc lên ngôi, tức Đường Ai Đế.

Lúc này nhà Đường bề ngoài còn tồn tại mà thực ra đã tiêu vong, Ai Đế cũng chỉ là bù nhìn. Năm 905, Chu Toàn Trung biếm truất các quan triều, toàn bộ bị giết hết ở tại trạm Bạch Mã, ném xác xuống Hoàng Hà, sử gọi là Bạch Mã chi họa. Năm 907, Chu Toàn Trung giết Ai Đế, tự lập lên ngôi, đổi quốc hiệu là Đại Lương, tức nhà Hậu Lương, cải niên hiệu Khai Bình, đóng đô ở Khai Phong. Nhà Đường hoàn toàn bị diệt vong.[21]

Năm 923, Lý Tồn Úc diệt nhà Hậu Lương, tái lập quốc hiệu Đường, sử gọi là nhà Hậu Đường. Tuy nhiên Lý Tồn Úc vốn là người Sa Đà, không có liên hệ huyết thống với hoàng tộc nhà Đường, họ Lý chỉ là quốc tính được ban cho trước đó. Quốc hiệu Đường chỉ là tên gọi để vỗ về những người Hán vẫn còn nhớ về nhà Đường. Do vậy nhà Hậu Đường không được coi là sự tiếp nối nhà Đường.

Cương vực[sửa]

Cương vực của nhà Đường qua những năm từ ổn định cho đến khi biến động.
Bản đồ cương vực nhà Đường. Bản đồ thể hiện lãnh thổ Đại Đường qua những biến cố thời gian,bắt đầu là năm Trinh Quán thứ nhất (627), Trinh Quán năm thứ 4 (640), Trinh Quán năm thứ 21 (647), Hiển Khánh năm thứ 5 (660), Long Sóc năm thứ 2 (662), Lân Đức năm thứ 2 (665), Tổng Chương nguyên niên (668), Hàm Hanh năm thứ 3 (672), Nghi Phượng năm thứ 4 (679), Khai Nguyên năm thứ 3 (715), Thiên Bảo năm thứ 10 (751), Nguyên Hòa năm thứ 15 (820), Đại Trung năm thứ 2 (848), Đại Trung năm thứ 3 (849), Càn Phù năm thứ 2 (875).

Khi Đường Cao Tổ mới kiến lập nhà Đường, Đường triều phải cầu hòa với Đột Quyết và có chiến lược phòng thủ, về sau mới bắt đầu phản kích. Năm Trinh Quán thứ 4 (630) đời Thái Tông, nhà Đường đem quân đánh tan Đông Đột Quyết. Mạc Nam (phía nam sa mạc Gobi) trở thành khu vực thuộc phạm vi thế lực của nhà Đường.[7] Năm Trinh Quán thứ 20 (646), nhà Đường lại đem quân tiêu diệt hãn quốc Tiết Diên Đà, từ đó cả khu vực Mạc Nam và Mạc Bắc (tức phía bắc sa mạc Gobi) rộng lớn đều nằm dưới thế lực của nhà Đường. Ở Mạc Bắc, nhà Đường thành lập An Bắc đô hộ phủ, tại Mạc Nam thiết lập Thiền Vu đô hộ phủ, ở phía nam lập ra La Phục châu (nay là Hà Tĩnh, Việt Nam), ở phía bắc thành lập Huyền Khuyết châu (sau đổi là Kim Ngô châu, nay thuộc khu vực sông Angara tại Nga), tây lập An Tức châu (nay thuộc Bukhara, Uzbekistan), phía đông lập Ca Vật châu (nay thuộc Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm). Đến năm Vĩnh Thuần thứ nhất (682), đời Đường Cao Tông, Đột Quyết phục quốc, sau bị Hậu Đột Quyết diệt, khiến biên cương phía bắc lục đục nghiêm trọng. Năm Thiên Bảo thứ 3 (744), thời Đường Huyền Tông, Hồi Hột lập quốc và chiếm cứ Mạc Nam, Mạc Bắc. Sau loạn An Sử, việc khởi loạn ở biên thùy lại diễn ra, nhà Đường và Hồi Hột lại xảy ra chiến tranh quy mô lớn.[15]

Tại tây bắc, năm Trinh Quán thứ 4 thời Thái Tông đã lập Tây Y châu tại bảy thành Y Ngô, mở đầu cho việc chiếm lĩnh Tây Vực. Năm Trinh Quán thứ 19 (645) Nhà Đường dời An Tây đô hộ phủ đến Quy Từ. Năm Hiến Khánh thứ 4 (659) đời Cao Tông, quân Đường diệt Tây Đột Quyết, thế lực mở rộng đến khu vực Hàm Hải (biển Aral) và Lý Hải (biển Caspi). Nhưng việc nhà Đường cai quản vùng phía tây Thông Lĩnh (tức dãy núi Pamir) vẫn bất ổn, năm Càn Phong thứ 2 (667), do thế lực của nước Đại Thực (tức Omeyyad) phát triển, cương vực nhà Đường giới hạn về phía đông Thông Lĩnh.[7] Sau loạn An Sử và 36 năm nội loạn, nhà Đường bị mất vùng An Tây đô hộ phủ.[15]

Tại đông bắc, năm Hiển Khánh thứ 5 (660), quân Đường hợp với quân Tân La diệt Bách Tế. Tháng 8 năm Tổng Chương thứ nhất (668) lại cùng Tân La diệt Cao Câu Ly, thành lập An Đông đô hộ phủ Bình Nhưỡng. Nhưng do dân địa phương phản đối kịch liệt, và Tân La bắc tiến, nên năm Hàm Hanh thứ nhất (670) An Đông đô hộ phủ dời đến Liêu Đông. Năm Khai Nguyên thứ nhất (713), An Đông đô hộ phủ di dời đến vùng Liêu Tây. Những năm Thiên Bảo (742-756), bỏ An Đông đô hộ phủ, sau loạn An Sử, nhà Đường mất đi quyền trực tiếp khống chế vùng bán đảo Liêu Đông. Từ năm 698 thời Võ Tắc Thiên, có Đại Tộ Vinh lập Bột Hải quốc, còn gọi là nước Đại Chấn, hiệu là "Hải Đông thịnh quốc". Nhưng nước đó quan hệ hữu hảo với Đường, phần lớn thời gian tồn tại đều nộp cống xưng thần.[22]

Trên cao nguyên Thanh Tạng, Thổ Phồn ngày càng hưng khởi, dến thế kỷ thứ 6 thì cùng với Thổ Dục Hồn, Tô Bì (Sumpa) trở thành tam đại thế lực trên vùng cao nguyên. Đầu thế kỷ 7, tán phổ Tùng Tán Cán Bố thống nhất cao nguyên, đánh Tô Bì ở phía tây của Tây Tạng, Dương Đồng ở địa khu A Lý và đất Ni Bà La (nay là Nepal). Năm Long Sóc thứ 3 (663), Thổ Phồn diệt Thổ Dục Hồn, chiếm hết đất đai. Sau chiếm bốn trấn phủ An Tây của nhà Đường, trở thành nước đối địch lớn nhất của Đường triều.[7] Sau loạn An Sử, phần lớn phiên binh ở Hà Lũng tham gia bình loạn (chủ yếu là binh dưới quyền Lũng Hữu tiết độ sứ Hà Tây tiết độ sứ) nên việc phòng thủ trở nên trống trải, do đó quân Thổ Phồn nhân cơ hội này để tiến lên. Thổ Phồn cho quân đánh Lũng Tây, vùng Hoàng Hà ở Tây Cam, Lương của nhà Đường song không không được, tuy vậy Thổ Phồn đã chiếm cứ được phía tây Lũng Sơn. Năm Đại Trung thứ 2 (848) đời Tuyên Tông, một người ở Sa Châu (nay thuộc Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc) là Trương Nghị Triều phát động khởi nghĩa, quần chúng tam gia rất đông, chiếm cứ lấy Sa Châu. Sau đó Trương Nghị Triều đem quân đánh chiếm tới 10 châu: Qua, Y, Tây, Cam, Túc, Lan, Thiện, Hà, Mân, Khuếch (nay thuộc các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải Tân Cương). Năm Đại Trung thứ 5 (851), nhóm nghĩa quân của Trương quy thuận triều đình, Tuyên Tông tha cho nghĩa binh về, phong Trương làm Tiết độ sứ, các vùng Hà Lũng lại một lần nữa do triều đình khống chế. Năm 890, Hà Tây và Lũng Hữu bị tộc người Đảng Hạng chiếm đóng. Cuối cùng, nhà Đường hoàn toàn mất quyền khống chế toàn bộ các khu vực ở phía tây Đôn Hoàng.[15]

Trên cao nguyên Vân-Quý ở tây nam, năm Thiên Bảo thứ 7 (748), Nam Chiếu kiến quốc, khi hòa khi chiến với Đường, cũng góp một phần vào việc làm suy yếu quốc lực của Đường. Đồng thời, lúc đó dân bản địa ở Giao Châu cũng bắt đầu nổi dậy, từ khi Hán Vũ Đế diệt nước Nam Việt đến nay đất đó nội thuộc đã lâu, thời ấy gọi là An Nam (tức phía bắc Việt Nam ngày nay), từ thời Đường mạt đã bắt đầu trở thành phiên trấn cát cứ mà đến đời nhà Tống đã trở thành 1 nước độc lập, hoàn toàn thoát li khỏi các Triều đại ở Trung Nguyên.[23]

Phân chia hành chính[sửa]

Xem chi tiết: Hành chính thời nhà Đường

Từ thời nhà Tùy đã thực hiện chế độ châu huyện, sau đổi sang chế độ quận huyện. Đường lại đổi quận là châu, khôi phục 2 cấp châu huyện. Đầu năm Trinh Quán đời Thái Tông, thiên hạ đại định, Đường Thái Tông căn cứ theo địa hình sông núi toàn quốc mà phân ra 10 đạo: Quan Nội, Hà Nam, Hà Đông, Hà Bắc, Sơn Nam, Lũng Hữu, Hoài Nam, Giang Nam, Kiếm Nam Lĩnh Nam, gọi là Trinh Quán thập đạo. Mỗi đạo đặt chức quan sát sứ để giám sát, không có chức năng hành chính. Trong các châu nhà Đường lại thiết lập ra "phủ". Trước năm Khai Nguyên thứ nhất đã thiết lập Kinh Triệu phủ Hà Nam phủ. Khi thời Khai Nguyên xã hội ngày càng thăng tiến, hoàng đế dần đổi nhiều châu ra thành phủ. Đến năm Thần Long thứ 2 đời Đường Trung Tông, lại đặt ra thập đạo Tuần sát sứ, thập đạo tồn phủ sứ, và thập đạo án sát sứ. Lại đặt vài quan giám sát ở các đô thị do triều đình trung ương phái khiển, không trú lại nhất định, trị sở không cố định. Năm Khai Nguyên thứ 21, tại vùng Quan Nội quanh Trường An lại phân ra Kinh kì đạo, vùng Hà Nam quanh Lạc Dương phân ra Đô kì đạo, phân đạo Sơn Nam ra làm hai đạo đông và tây, lại phân Giang Nam ra làm hai đạo đông tây và Kiềm Trung, cộng lại là 15 đạo, gọi là Khai Nguyên thập ngũ đạo. Mỗi đạo thiết lập cố định một viên quan giám sát là quan sát sứ, giống như nhà Hán thiết lập thứ sử làm chức trách giám sát ở các châu, mỗi địa phương đều thiết lập trị sở cố định (thủ phủ), chính thức thành lập 15 giám sát khu, dần dần đã có chuyển biến trong khu vực hành chính. Từ đây, hình thành 3 cấp hành chính: đạo, châu (phủ), huyện; do cấp đạo có ít chức năng hành chính nên 3 cấp hành chính lúc này gọi là hư tam cấp.[24]Tại biên cương, kình kỳ và các khu vực trọng yếu, nhà đường thiết lập đô đốc phủ do võ quan đô đốc kiêm quản quân sự lẫn dân chính các châu quận. Toàn quốc có hơn 40 phủ Đô đốc chia làm 3 cấp: Đại, Trung, Hạ [11] Dưới đây là danh sách 15 đạo:

Phân cấp hành chính nhà Đường năm 742 cùng các chính quyền ngoại biên
  1. Kinh kỳ đạo, trị sở là thủ đô Tây Kinh Trường An: Kinh Bắc phủ (nay thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây);
  2. Quan Nội đạo, trị sở ở Trường An: Kinh Triệu phủ (nay thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.);
  3. Đô kì đạo, trị sở là Đông Đô Lạc Dương: Hà Nam phủ (nay thuộc thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam);
  4. Hà Nam đạo, trị sở đặt ở Biện Châu (nay thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam);
  5. Hà Đông đạo, trị sở đặt ở Bồ Châu (nay thuộc phía tây thành phố Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây);
  6. Hà Bắc đạo, trị sở ở Ngụy Châu (nay thuộc đông bắc huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc);
  7. Sơn Đông tây đạo, trị sở ở Lương Châu (nay thuộc thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây);
  8. Sơn Nam đông đạo, trị sở ở Tương Châu (nay thuộc thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc);
  9. Hoài Nam đạo, trị sở ở Dương Châu (nay thuộc thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô);
  10. Giang Nam đông đạo, trị sở ở Tô Châu (nay thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô);
  11. Giang Nam tây đạo, trị sở ở Hồng Châu (nay thuộc thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây);
  12. Kiềm Trung đạo, trị sở ở Kiềm Châu (nay thuộc huyện Bành Thủy, thành phố Trùng Khánh);
  13. Lũng Hữu đạo, trị sở ở Thiện Châu (nay thuộc huyện Lạc Đô, tỉnh Thanh Hải);
  14. Kiếm Nam đạo, trị sở ở Ích Châu (nay thuộc Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên);
  15. Lĩnh Nam đạo, trị sở ở Quảng Châu (nay thuộc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông).

Trấn thủ ở tại các đạo là các võ tướng gọi là đô đốc, về sau đô đốc nắm quyền ở các đạo hay một bộ phận của đạo được trao cờ tiết xưng là tiết độ sứ.[14] Sau khi bình định loạn An Sử, nhà Đường liền lập ra nhiều chức tiết độ sứ để quản hạt các địa khu trong nước, gọi là phiên trấn. Về sau khiến cho Tiết độ sứ chuyên quyền ở các địa phương, một số còn gây loạn, những tiết độ sứ khác thì chiêu binh mãi mã, thành một tập đoàn quân sự riêng gần như tách biệt khỏi triều đình. Cuối thời Đường, tồn tại 3 cấp hành chính: phiên trấn (quân) và châu (phủ), huyện. Cuối thời Đường đã có khoảng 4-50 phiên trấn, trừ Kinh Triệu phủ (Kinh đô) và một vài châu nhỏ ở ngoài phủ Hà Nam, các nơi khác trong toàn quốc đều xảy ra cục diện phiên trấn cát cứ. Thời Đường Đức Tông đã từng có phiên trấn ở Hà Sóc làm loạn từng uy hiếp kinh đô Trường An, Đức Tông phải dời đến Hán Trung, suốt 4 năm mới bình được loạn, nhưng cũng từ đó về sau họa phiên trấn ngày càng lan rộng. Thời Đường Hiến Tông đã từng bình dẹp loạn Ngô Nguyên Tế Hoài Tây, các thế lực địa phương quy thuận triều đình trung ương, nhưng họa vẫn chưa diệt trừ tận gốc. Sau khi Hiến Tông mất thì cục diện cát cứ loạn lạc lại tiếp tục diễn ra. Và cuối cùng nhà Đường bị diệt vong trong tay một tiết độ sứ là Chu Ôn. Sau nhà Đường, thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc thực tế là kế tục cái họa của phiên trấn gây ra, chỉ một số phiên trấn nổi lên hoàn toàn độc lập.[24] Nhà Đường chủ yếu có các bậc quan ở địa phương như sau:

Thể chế chính trị[sửa]

Đây là danh sách về thể chế chính trị thời nhà Đường, khái quát về quan chức nhà nước thời kỳ đó đã hoàn thiện hơn, có Lục bộ Tam tỉnh, cấu tạo đã có sự đa dạng chặt chẽ hơn trong bộ máy chính quyền trung ương.

Quan chế triều đình trung ương nhà Đường
Tam công tam sư 【Tam sư】Thái sư Thái phó Thái bảo
【Tam công】Thái úy Tư đồ Tư không
Tể tướng Đồng trung thư môn hạ tam phẩm, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Trung thư lệnh Môn hạ thị trung, Thượng thư lệnh, Thượng thư bộc xạ.
Tam tỉnh / Lục tỉnh 【Tam tỉnh】 Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, Thượng thư tỉnh.
【Lục tỉnh】 Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, Thượng thư tỉnh, Điện trung tỉnh, Bí thư tỉnh, Nội thị tỉnh.
Lục bộ
Lại bộ Sứ bộ ty, Tư phong ty, Tư huân ty, Khảo công ty.
Hộ bộ Hộ bộ ty, Độ chi ty, Kim bộ ty, Thương bộ ty.
Lễ bộ Lễ bộ ty, Từ bộ ty, Thiện bộ ty, Chủ khách ty.
Binh bộ Binh bộ ty, Chức phương ty, Giá bộ ty, Khố bộ ty.
Hình bộ Hình bộ ty, Đô quan ty, Bỉ bộ ty, Tư môn ty.
Công bộ Công bộ ty, Đồn điền ty, Ngu bộ ty, Thủy bộ ty.
Tổ chức cơ cấu
Ngự sử đài Đài viện, Điện viện, Sát viện.
Cửu thị Thái Thường thị, Quang Lộc thị, Vệ Úy thị, Tông Chính thị, Thái Bộc thị, Đại Lí thị, Hồng Lộ thị, Tư Nông thị, Thái Phủ thị.
Ngũ giám Quốc Tử Giám, Thiếu Phủ Giám, Tương Tác Giám, Quân Khí Giám, Đô Thủy Giám.
Vũ lực triều đình trung ương (Cấm quân)
Nam Nha thập lục vệ Tả hữu vệ, Tả hữu Kiêu vệ, Tả hữu Vũ vệ, Tả hữu Uy vệ, Tả hữu Lĩnh quân vệ, Tả hữu Kim ngô vệ, Tả hữu Giám môn vệ, Tả hữu Thiên ngưu vệ.
Bắc Nha thập quân Tả hữu Vũ lâm quân, Tả hữu Long vũ quân, Tả hữu Thần vũ quân, Tả hữu Thần sách quân, Tả hữu Thần uy quân.

Ngoại giao[sửa]

Khi nhà Đường sử dụng vũ thành lập Triều đại, đã từng có quan hệ hữu hảo với các nước lân bang. Sau khi Đường Cao Tông kế vị, việc quân sự sa sút dần, mối quan hệ với các nước láng giềng bất ổn định: khi chiến khi hòa. Mới đầu nhà Đường đã từng thành lập 6 đô hộ phủ: An Tây năm 640, An Bắc năm 647, Thiền Vu năm 650, An Đông năm 668, An Nam năm 679 Bắc Đình năm 701.[24]

Tập tin:King and Queen.jpg
Mô hình mũ áo của vua và vương hậu nước Tân La Kim vương quan

Khu vực đông bắc[sửa]

Đối với vùng đông bắc quốc gia, lúc đó ở khu vực này có khá nhiều bộ lạc người Mạt Hạt cư trú. Thời Tùy Đường đã phân chia ra nhiều bộ tộc, trong đó Túc Mạt, Hắc Thủy, Bạch Sơn, Bá Đốt, Phất Niết, Hiệu Thất, và An Xa Cốt, tên khác An Cư Cốt (安居骨).}} là 7 thế lực bộ lạc lớn mạnh. Năm 698, tại vùng đông bắc trước vốn là lãnh thổ của Cao Câu Ly, sau khi bị Tân La và nhà Đường phối hợp tiêu diệt, một viên tướng người Mạt Hạt của Cao Câu Ly là Đại Tộ Vinh lập nên Chấn Quốc. Năm 713, Đại Tộ Vinh thần phục nhà Đường, được Đường Huyền Tông sách phong là Bột Hải quận vương (渤海郡王), thiết lập Hốt Hãn châu (忽汗州). Tuy nhiên, Bột Hải Quốc cũng thường quấy nhiễu vùng duyên hải và biên cương phía đông bắc của nhà Đường, như năm 732, Bột Hải Vũ Vương Đại Vũ Nghệ phái tướng Trương Văn Hưu (張文休) đem thủy quân vượt vịnh Bột Hải tấn công vào Đăng Châu của Đường (nay thuộc Bồng Lai, Sơn Đông), sát hại thứ sử Đăng Châu là Vi Tuấn (韦俊). Nhưng sau đó 2 bên đã có bàn thuyết qua lại và nghị hòa, vua Bột Hải đề nghị liên minh, và thường cử con em quý tộc sang Trường An học tập. Năm 726, triều đình nhà Đường lại lập ra Hắc Thủy đô đốc phủ ở khu vực của bộ tộc Hắc Thủy Mạt Hạt. Nhà Đường và nước Tân La cũng có mối quan hệ mật thiết. Tân La đã từng phái nhiều lưu học sinh sang nhà Đường học tập, trong đó có một người ưu tú sau được phong làm Tiến sĩ, đó là Thôi Trí Viễn (Choe Chiwon, 崔致遠). Văn hóa Trung Quốc về sau cũng dần truyền bá vào hai nước Bột Hải và Tân La, đồng thời việc giao thương biên mậu rất thường xuyên.[22] Từ năm 660 - 668, liên quân nhà Đường và Tân La trước sau đã diệt Bách Tế Cao Câu Ly. Sau chiến tranh Tân La-Đường, Tân La đã chiếm lấy toàn bộ vùng bán đảo Triều Tiên và lấy sông Đại Đồng làm ranh giới ngăn cách với nhà Đường. Năm 723, một vị sư người Tân La là Tuệ Siêu (慧超, Hyecho) đã cất công đi đến tận Quảng Châu rồi vượt biển sang các nước tại Ấn Độ để cầu kinh, lại theo lối tắt lên tận Ba Tư, Đại Thực và cả Đột Quyết, rồi trở về kinh thành Trường An, soạn viết bộ "Vãng ngũ Thiên Trúc quốc truyện" (往五天竺国传, truyện kể việc đi đến 5 nước ở Thiên Trúc). Một lưu học sinh người Tân La ở tại nhà Đường là Tiết Thông (薛聰, Seol Chong) cũng giúp nhà Đường chỉnh lí lại độc biểu kí pháp, tạo thuận tiện cho việc viết các hư từ hư tự tiếng Tân La, xúc tiến văn hóa Triều Tiên phát triển. Ở những vùng thành thị duyên hải phía đông nhà Đường có khá nhiều người Tân La sống tụ lại thành Tân La phường, và còn có Tân La quán tiếp đãi người Tân La, người Tân La nhập nội ngày càng đông đúc.

Tập tin:Kentoshi route.png
Các con đường mà sứ giả Nhật Bản sang Đường để kết nối sự giao thương hàng hải

Thời Võ Tắc Thiên, Oa Quốc (倭國) đổi xưng là Nhật Bản, cùng nhà Đường có mối quan hệ mật thiết. Thiên hoàng Kōtoku (孝徳天皇, Hiếu Đức thiên hoàng) của Nhật Bản thi hành cải cách, noi theo pháp chế nhà Đường, dùng chế độ trung ương tập quyền. Nhật Bản lại học tập theo chế độ quân điền, lập tô dung điều chế, lại lập hộ tịch và sổ sách tài chính...nhất nhất noi theo nhà Đường. Nhật Bản lại dựa theo luật "Đường lệnh" của nhà Đường mà ban hành "Đại Bảo lệnh". Ngay cả về mặt kiến trúc, Nhật cũng mô phỏng theo thành Trường An mà xây dựng 2 kinh thành Heian-kyō (Bình An kinh) và Heijō-kyō (Bình Thành kinh). Nhật Bản trước sau đã từng 13 lần phái sứ thần đến nhà Đường, mỗi lần đoàn sứ thần sang có đến trăm người, trừ những sứ thần và thủy thủ ra, còn có các lưu học sinh, sư tăng, thầy thuốc, âm thanh sinh, thợ mò ngọc, thợ rèn, thợ đúc, thợ tinh xảo sang học hỏi. Đặc biệt trong số đó, nổi danh sau này có một du học sinh người Nhật là Kibi no Makibi (吉備真備, Cát Bị Chân Bị) cùng Abe no Nakamaro (阿倍仲麻呂, A Bội Trọng Ma Lữ), còn có nhà sư Kūkai (空海, Không Hải) và Ennin (圓仁, Viên Nhân). Cao tăng Không Hải đã để lại tác phẩm "Văn kính bí phủ luận" (文鏡秘府論) và một bộ tự điển Hán tự của Nhật Bản là "Triện đãi vạn tượng danh nghĩa" (篆隸萬象名義). Cao tăng Viên Nhân khi tìm kiếm kinh kệ Phật Pháp đã đi khắp cả quận huyện nhà Đường, mang về rất lớn và rất nhiều cho Nhật Bản những kinh tượng Phật học và khí cụ. Một vị cao tăng người Bách Tế là Vị Ma Chi (味摩之) đã đi đến nhà Đường học tập và sau truyền đến Nhật Bản những vũ điệu cầu múa của vùng Kinh Sở, gọi là "Ngô kỹ nhạc" (吳伎樂). Ngay cả văn tự Nhật Bản là Hiragana (Bình giả danh, kiểu chữ mềm) và Katakana (Phiến giả danh, kiểu chữ cứng) cũng là biến thể của loại thảo thư và giai thư bộ thủ của Trung Quốc. Hòa thượng Giám Chân cũng từng được mời đến Nhật Bản, về sau thành lập phái Luật tông, có nhiều đóng góp cho việc truyền bá kinh đạo và nghề thuốc cho Nhật Bản. Nhờ những cuộc giao lưu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là qua việc truyền bá kinh Phật, đã khiến Phật giáo trở nên hưng thịnh ở Nhật Bản.[22]

Bấy giờ, bộ tộc Khiết Đan vốn là giống người Đông Hồ, tự xưng là dòng dõi của thanh ngưu bạch mã (con vật tôn thờ của họ). Đầu thời Đường, thủ lĩnh đứng đầu của Khiết Đan là Đại Hạ Ma Hội (大賀摩會) thần phục nhà Đường. Năm 648, Khiết Đan dưới chế độ ki mi (ràng buộc) đã thành lập Tùng Mạc đô đốc phủ (松漠都督府), Đại Hạ Quật Ca (大贺窟哥) làm Đô đốc ở đó và kiêm chức Tá lĩnh tướng quân, ban quốc tính họ Lý. Thời Võ Tắc Thiên, Đô đốc ở Doanh Châu - khu vực quản lí người Khiết Đan, là Triệu Văn Hối (趙文翽) nổi dậy làm phản suốt 10 năm. Đầu thời Khai Nguyên, Tùng Mạc đô đốc phủ phục tùng nhà Đường, quan hệ hòa hảo suốt hơn trăm năm, kinh tế văn hóa giao lưu càng phát triển, Khiết Đan trung thành cho đến khi nhà Đường bị diệt, sau đó, thủ lĩnh Khiết Đan là Da Luật A Bảo Cơ xưng hãn rồi xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Liêu.

Khu vực Tái Bắc và tây bắc[sửa]

Tập tin:Westerner on a camel.jpg
Đường tam thải,một loại lạc đà đi rất giỏi trên sa mạc, cõng trên lưng hàng hóa và những thương nhân Tây Vực

Đông Đột Quyết ở tây bắc thường tiến xuống phía nam đánh vào Trung Nguyên, mới đầu thời Đường đã có các thế lực phân hóa cát cứ ở phía bắc hợp với Đột Quyết đánh nhà Đường, gây ra mối họa lớn cho biên cương phía tây bắc nhà Đường. Các thời Cao Tổ và Thái Tông đều ra sức đề phòng, đến năm Trinh Quán thứ 3 (629) Thái Tông sai tướng Lý Tĩnh Lý Tích đem quân tiến đánh buộc Đông Đột Quyết phải hàng phục, tiểu khả hãn là Đột Lợi khả hãn đầu hàng, đại khả hãn Hiệt Lợi khả hãn bị bắt, Hãn quốc Đông Đột Quyết tiêu vong. Đa số dân chúng Đột Quyết đi đến Trường An, hoàng đế Thái Tông chiêu dụ cả thảy cho an trí ở đất Linh Vũ cho đến đất quận U Châu, thiết lập ki mi phủ để quản hạt, điều đó gây chấn động đến Tây Đột Quyết và các nước Tây Vực. Nhất tề các tiểu quốc ở phía tây này đến triều đình quy phục, cùng tôn Đường Thái Tông Thiên khả hãn.[15] Tây Đột Quyết sang phía tây đánh nước Ba Tư, phía bắc bình định nước Sơ Lặc, khống chế con đường tơ lụa. Cho đến năm 640 nhà Đường đánh thành Cao Xương (nay thuộc vùng đông nam Thổ Lỗ Phồn, Tân Cương), thiết lập An Tây đô hộ phủ. Năm 647 bình định Yên Kì, năm 648 bình định Quy Từ. An Tây đô hộ phủ dời đến Quy Từ, thống quản 4 trấn: Vu Điền, Cao Xương, Yên Kì và Quy Từ. Năm Hiển Khánh thứ 2 (657) thời Đường Cao Tông, tướng Tô Định Phương) và Tiêu Tự Nghiệp (蕭嗣業) đánh bại Tây Đột Quyết. Phạm vi thế lực của nhà Đường tại Tây Vực càng rộng. Nhà Đường lúc đó cùng với một đế quốc ở phía tây là nước Đại Thực (tức Abbas) bắt đầu quan hệ. Năm 751, nhà Đường và nước Đại Thực xảy ra "Trận chiến Talas", kết quả là nhà Đường thua trận. Từ sau loạn An Sử, thế nhà Đường đã suy nên không còn ảnh hưởng gì ở Trung Á nữa.

Sau khi Đông Đột Quyết bị diệt, người Hồi Hột lại thần phục Đột Quyết rồi sau đó bị Tiết Diên Đà khống chế. Năm 646, quân Đường hợp với Hồi Hột đánh tan Tiết Diên Đà. Năm 682, A Sử Na Cốt Hốt Lộc (阿史那骨咄祿) xưng hãn trên cao nguyên Mông Cổ, Đông Đột Quyết phục quốc (sử gọi là Hậu Đột Quyết), lại có người Khiết Đan mưu cùng Đột Quyết xâm phạm vùng biên giới phía bắc thời Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên bèn cho người sang cầu hòa thân thiết để cải thiện quan hệ với người Khiết Đan và Đột Quyết, nhưng lại chưa thể thành công. Đến năm Thiên Bảo thứ 3 (744) thời Đường Huyền Tông, nhà Đường và Hồi Hột đem quân diệt Hậu Đột Quyết, người Hồi Hột tự kiến quốc. Năm 790, nhà Đường ép tộc này phải đổi danh là Hồi Cốt. Hai bên quan hệ tốt đẹp, cho đến khi xảy ra loạn An Sử, người Hồi Hột theo quân Đường đàn áp loạn, nhân đó tràn vào Lạc Dương, rồi kéo xuống phía nam bắt giết người cướp của và thiêu rụi hàng quán. Cho đến năm Khai Thành thứ 5 (840) thời Đường Văn Tông, Hồi Hột do thống trị vô đạo nên bị người Kiết Tư diệt. Do dần dần dời về nam nên càng gần và phải nương tựa vào tộc Khiết Đan, có dời sang phía tây tới Cam Châu (Cam Châu Hồi Cốt), Tây Châu (Cao Xương Hồi Cốt), Quy Từ (Quy Từ Hồi Cốt), Thông Lĩnh rồi dung nhập vào Cát La Lộc (葛逻禄), tức Kara-Khanid.[23]

Thổ Dục Hồn do chi hệ tộc Mộ Dung người Tiên Ti, thời Ngũ Hồ thập lục quốc đã dời về phía tây đến vùng cực đông bắc của cao nguyên Thanh Tạng, năm 329 kiến quốc, sử dụng chế độ như của nhà Tấn, do nằm ở vùng địa chính trị đặc thù nên quan hệ với Đông Tấn thường thay đổi, sau trở thành một cường quốc thời Ngũ Hồ thập lục quốc và Nam Bắc triều. Năm Đại Nghiệp thứ năm (609) thời nhà Tùy, bị quân Tùy chiếm lĩnh, đến cuối thời Tùy lại phục quốc. Thổ Dục Hồn lại giáp với 2 thế lực nhà Đường và Thổ Phồn (cùng ở trên cao nguyên Thanh-Tạng), đến thời Mộ Dung Phục Doãn chủ trương có chính sách ngoại giao thân thiện với nhà Đường. Đường Thái Tông đã từng muốn triệu kiến nhưng không thành. Năm 634, nhà Đường bắt đầu đem quân Tây chinh, sang năm, tướng Lý Tĩnh đánh chiếm Thổ Cốc Hồn. Sau đó, Mộ Dung Thuận lên kế vị đã chịu xưng thần với nhà Đường. Thời Mộ Dung Nặc Hạt Bát nhà Đường gả Hoằng Hóa công chúa hòa thân. Năm 663, Thổ Phồn diệt Thổ Dục Hồn. Nặc Hạt Bát chạy đến đến Đường trú ở An Đông châu (thuộc Ninh Hạ ngày nay).

Khu vực tây nam[sửa]

Tập tin:Emperor Taizong gives an audience to the ambassador of Tibet.jpg
tranh "Bộ liễn đồ" của danh họa Diêm Lập Bản,nội dung nói về việc Đường Thái Tông tiếp kiến sứ giả Thổ Phồn

Ở phía tây nhà Đường có một đại quốc đó là Thổ Phồn. Vị tán phổ của Thổ Phồn là Tùng Tán Cán Bố đã đem quân chinh phạt cao nguyên Thanh Tạng và sau đó thu phục các bộ lạc, dùng vũ lực để trở nên hùng mạnh, nước này cũng đến nhà Đường để kết thân.[15] Năm Trinh Quán thứ 15 (641) đời Thái Tông, hoàng đế đã phái Thượng thư Lễ bộ Giang Hạ vương Lý Đạo Tông (李道宗) hộ tống Văn Thành công chúa sang Thổ Phồn kết hôn với Tùng Tán Cán Bố, Tùng Tán Cán Bố ra tận Bách Hải nghênh tiếp. Văn Thành công chúa trở thành hoàng hậu của Tùng Tán Cán Bố, bà cũng có công đưa văn hóa phong vật Trung Hoa truyền nhập vào Thổ Phồn, lại giúp vua quan Thổ Phồn may sửa các loại phục sức tơ lụa. Văn Thành công chúa lúc lấy chồng trang phục có những văn hoa rất tinh xảo, trên đó có cả hình tượng về kiến trúc của Trung Nguyên và pha trộng với hình tượng kiến trúc của Thổ Phồn. Thổ Phồn cũng tham khảo lịch pháp của nhà Đường để chế ra lịch pháp của mình. Từ đó về sau, 2 nước Đường - Thổ Phồn duy trì hơn 20 năm hòa bình, cho đến sau khi xảy ra xung đột kịch liệt.[15] Vào năm Thần Long thứ 2 (706) đời Đường Trung Tông do việc quân sự với Thổ Phồn bất lợi, nhà Đường bèn mở hội thề tại Trường An ký kết mối quan hệ hữu hảo song phương với Thổ Phồn, sử gọi đó là Hội thề Thần Long (神龍會盟, Thần Long hội minh). Sau đó, Đường Trung Tông chấp thuận, cho Kim Thành công chúa (金城公主) gả cho vị Tán phổ Xích Đức Tổ Tán (赤德祖贊), nhưng thực tế ở Thổ Phồn vẫn mạt mã lệ binh, tích cực chuẩn bị chiến tranh. Năm 714, Thổ Phồn tiến đến yêu cầu nhà Đường hoạch định lại đường ranh giới nhưng bị nhà Đường cự tuyệt. Hai bên xảy ra giao chiến và cuối cùng Thổ Phồn chiến bại đành phải quay ra chủ động đàm phán cầu hòa.[14]

Năm Khai Nguyên thứ 20 (732) đời Đường Huyền Tông, 2 bên lại làm lễ thề, quyết định lấy Xích Lĩnh (赤嶺) làm biên giới. Năm 734 chính thức lập bia. Không lâu sau đó xảy ra loạn An Sử khiến nhà Đường xuống dốc và Thổ Phồn thừa cơ đem quân xâm phạm bành trướng thế lực. Đến thời Đường Đức Tông, Thổ Phồn yêu cầu nhà Đường xác lập lại mối quan hệ cậu cháu của hai nước (vua Thổ Phồn là con cái của công chúa nhà Đường), mà không dùng lễ của một nước xưng thần. Năm 783, 2 nước hội thề tại Thanh Thủy, đó là cuộc hội thề long trọng và đầy đủ cơ bản và hai nước lấy Hạ Lan sơn (賀蘭山) làm ranh giới. Năm 787, nhà Đường lại mở hội minh ở Bình Lương, Thổ Phồn dự định khi diễn lễ thề sẽ ra tay chém cướp, kết quả nhà Đường trừ những quan viên chủ minh ra có hơn 60 người bị bắt giam, quân Đường bị giết đến 500 người, bị bắt nhiều đến 1000 người, sử gọi là "Bình Lương kiếp minh" (平涼劫盟).[17] Năm Trường Khánh thứ 1 thời Đường Mục Tông, nội bộ Thổ Phồn phân liệt suy yếu, bèn trở lại thỉnh cầu hội minh với Đường. Sau đó hai bên gặp nhau tại phía tây Trường An tiến hành lễ, sử gọi đó là Hội thề Trường Khánh (長慶會盟, Trường Khánh hội minh) lấy bia ở địa giới Thanh Thủy làm cương vực. Từ đó về sau 2 nước trở nên quan hệ hòa bình, nhưng cũng do Thổ Phồn bị nội chiến liên miên đến nỗi không còn khả năng tái chiến với Đường được nữa.[15]

Vào năm Thiên Bảo thứ 7 (748), Nam Chiếu thống nhất một vùng tây nam bao gồm Vân Nam, Quý Châu, phía nam Tứ Xuyên và nam tiến chiếm lấy khu vực miền bắc nước Miến Điện ngày nay, thậm chí tiến sang chiếm lấy phía bắc nước Lào ngày nay. Nhà Đường và Nam Chiếu một thời đã từng có quan hệ giao hảo nhưng cũng có khi tồi tệ đi. Nam Chiếu đã từng sang tận Thổ Phồn để giao ước, trong một thời gian dài hai nước này đã hợp tác với nhau cùng đem quân đánh nhà Đường. Nhưng từ sau năm 779, liên quân Thổ Phồn và Nam Chiếu đánh Đường thất bại, nguyên khí Nam Chiếu tổn hại nặng, mà Thổ Phồn lại tức Nam Chiếu. Hai nước lại càng kết sâu sự mâu thuẫn. Năm 794 nhà Đường và Nam Chiếu lập hội minh ở núi Điểm Thương (nay là dãy núi Thương Sơn), hai bên kết lập quan hệ tốt đẹp. Nhưng đến sau năm 820, do thấy nhà Đường đang suy nên Nam Chiếu trở mặt bắt đầu chiến tranh bạo loạn. Năm 829, Nam Chiếu huy động quân toàn quốc tấn công nhà Đường. Năm 831 tiến đánh đến Thành Đô, nhưng sau do sợ nhà Đường báo thù nên đành phải giao hảo lại như trước. Hai nước quan hệ khi hòa khi chiến, và sau này lật lọng cho đến lúc Nam Chiếu bị diệt.[23]

Khu vực Nam Dương và Tây Dương[sửa]

Tập tin:Xuanzang w.jpg
Đồ họa vẽ việc đi Tây Trúc thỉnh kinh của nhà sư Huyền Trang

Nhà Đường đối với vùng Đông Nam Á Nam Á như nước Chân Lạp (nay là Campuchia) và Ha Lăng (nay là đảo Java), nước Thất Lợi Phật Thệ (tức Srivijaya, đảo Sumatra), nước Lâm Ấp (trung bộ Việt Nam), Phiếu (Miến Điện), Sư Tử Quốc (Tăng Già La, tức Sri Lanka ngày nay) và Thiên Trúc (Ấn Độ) đều có quan hệ lai vãng về kinh tế văn hóa.

Đường Tam Tạng - tức Huyền Trang hòa thượng sang Tây Thiên Trúc thỉnh kinh pháp, đem về 657 bộ, ông từng sử dụng tiếng Phạn dịch cuốn "Đạo đức kinh" để tặng cho Thiên Trúc. Đồng thời sau khi về Trường An ông đã nhớ tả lại những điều mình biết về Thiên Trúc ghi lại trong sách "Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện" (大唐西域求法高僧傳) và "Nam Hải kí quy nội pháp truyện" (南海寄歸內法傳). Đó là trước tác về quan hệ giữa nhà Đường và Thiên Trúc Tây Vực. Nhà Đường còn cho du nhập vào khúc Bà La Môn của Ấn Độ, dung hợp âm nhạc ca vũ của Thiên Trúc và Trung Hoa lại. Và kiến trúc Phật giáo của nhà Đường cũng tiếp thu theo phong cách của Thiên Trúc.

Ở các vùng Tây Vực có các nước: Khang (康國, tức Samarkand), nước An (安國, của dòng họ Chiêu Vũ Cửu 昭武九), nước Tào (曹國), nước Thạch (石國), nước Mễ (米國), nước Hà (何國), nước Hỏa Tầm (火尋國), nước Mậu Địa (戊地國) và nước Sử (史國) có đến 9 nước đều phái sứ tiết thương nhân sang nhà Đường.

Năm 650 nước Đại Thực (Omeyyad) với nhà Đường đã bắt đầu có mối liên hệ, và sau đó đã thông sứ với nhà Đường đến 36 lần đưa sứ giả. Quân Đường tại Tây Vực và nước Đại Thực cũng có mối giao thiệp, trong Trận chiến Talas quân Đường bị đánh bại, Đại Thực đã bắt sống quân Đường, trong đó có không ít những người giỏi về thợ thủ công nhờ đó giúp nước này chế ra giấy, kĩ thuật chế giấy và một số đồ thủ công đã được truyền sang Đại Thực. Năm Khai Nguyên thứ 3 715 thời Đường Huyền Tông, quốc giáo của nước Đại Thực là Hồi giáo truyền nhập vào Trung Hoa, các luân lí học của Đại Thực, cả ngữ pháp học, thiên văn học, toán học, hàng hải học...đều truyền đến Trung Quốc vào thời này. Đại Thực là nước rộng lớn, thế lực xa rộng đến tận vùng Maroc Đại Tây Dương, nhà Đường lúc đó đã có những ảnh hưởng đến Đại Thực qua sự giao thương của các thương nhân, tiếp cận vùng Tây Á, Đông Phi Bắc Phi.

Nước Ba Tư từ năm 633 đã bị Đại Thực xâm lược, năm 638 kinh đô Ba Tư là Thái Tây Phong (泰西封, Ctesiphon) rơi vào tay địch. Năm 644 toàn nước Ba Tư bị thôn tính, năm 651 vị quốc vương cuối cùng của Ba Tư bị giết, Ba Tư diệt vong. Quân Đại Thực xông vào các hàng quán của Ba Tư và giết hại rất nhiều người ngoại trừ những tín đồ Hồi giáo, các thương nhân và quý tộc phải dời sang sống trong vùng Tây Vực, đến các vùng thành thị ở duyên hải phía đông Trung Quốc để tiếp tục nghề buôn. Và đến sau hợp thành bộ phận của người Sắc Mục người Hồi.[25] Do đó, các Hỏa giáo, Cảnh giáo Mani giáo đã được truyền bá rộng rãi đến đất Đường, nhưng không thịnh lắm. Từ khi Trương Khiên thông sang Tây Vực và từ đó phát sinh người Ba Tư truyền nhập trò chơi Polo (một môn thể thao cưỡi ngựa đánh cầu) lưu hành đến nhà Đường, đi sâu vào và được giới quý tộc nhà Đường vui thích. Cuối thời Đường, một người Hồi là Lý Tuần (李旬) đã giới thiệu một loại sách hệ thống về y dược ở bên xứ Ba Tư tên là "Hải dược bản thảo" (海药本草). Nhà Đường cũng có quan hệ giao vãng với một số nước ở vùng Trung Tây Á như Tochari (吐火罗, Thổ Hỏa La) và Đế quốc Đông La Mã.[22]

Quân sự[sửa]

Tập tin:Emperor Taizongs horses by Yan Liben.jpg
một trong Chiêu lăng lục tuấn, chiến mã của Đường Thái Tông Lý Thế Dân

Sau khi nhà Đường thống nhất Trung Quốc, từ Thái Tông, Cao Tông cho đến Võ Tắc Thiên đều phải dụng binh, đánh bại các thế lực ở phía bắc và phía tây bắc như Đông Đột Quyết và Tây Đột Quyết, lại diệt nước Cao Xương, chiếm đất thành lập châu huyện, một lần nữa lại khống chế Tây Vực. Ở vùng đông bắc thì tiêu diệt nước Cao Câu Ly Bách Tế, và đánh bại viện quân Nhật Bản trong trận Bạch Giang. Đến thời Huyền Tông, việc đối ngoại càng mở rộng đến đỉnh cao, thế lực thậm chí đến tận vùng Trung Á, vươn đến tận nước Hắc Y Đại Thực (tức Vương triều Abbas theo Hồi giáo Sunni). Nhưng sau loạn An Sử, khiến nhà Đường xuống thế và lung lay, không còn sức để bảo vệ các miền lãnh thổ đã chiếm được trước đây và đã dần dần bị các nước Thổ Phồn, Hồi Hột với thực lực quân sự hùng hậu chiếm lấy, bản thân bên trong nhà Đường còn phải đối phó với thế lực phiên trấn cát cứ. Tuy nhiên đến thời Đường Hiến Tông nhờ những thắng lợi các phiên trấn ở vùng Hoài Tây và Kiếm Nam, nên phiên trấn quy thuận, nhưng lại không thể diệt tận được họa phiên trấn đã ăn sâu vào gốc rễ. Nhà Đường từ đó càng xuống dốc trầm trọng. Ngay kinh thành Trường An cũng từng một lần bị phiên trấn đánh chiếm (năm 763), phía tây nam lại có Nam Chiếu liên hợp với Thổ Phồn đánh đến tận Thành Đô năm 831.[15]

Nhà Đường kế thừa nhà Tùy thi hành phủ binh chế,[7] noi theo chế độ phủ binh của thời Bắc Chu Bắc Tề, từ thời Bắc Chu các phủ binh là do xét trong hộ tịch mà trưng dân, Tùy Đường thì rút các tráng đinh nam đến tuổi phục dịch cho vào phủ binh, việc hợp dân lại tạo thành quân lính đó được gọi là chế độ trưng binh. Phủ binh chế là cơ bản tuyển quân lính đưa vào các Chiết Xung phủ. Chiết Xung phủ phân ra 3 cấp: Thượng phủ là một nghìn mấy trăm người, Trung phủ là một nghìn người, Hạ phủ là 800 người. Trưởng quan ở quân phủ gọi là Chiết Xung đô uý (折沖都尉). Chức phó là Tả hữu Quả nghị Đô úy (左右果毅都尉). Quân phủ lệ thuộc vào 12 vệ của Hoàng đế và 6 soái của Đông cung thái tử; mỗi vệ có một Đại tướng quân và hai tướng quân phụ tá, mỗi soái có chủ soái và 2 phó soái. Các chức vụ này đều ở triều, làm nhiệm vụ mới chỉ huy quân nên không thành uy hiếp cho triều đình được. Số lượng Chiết Xung phủ lúc đông nhất lên đến 634 phủ, gồm 600 ngàn quân, thay phiên nhau đóng ở quanh Trường An mỗi kỳ một tháng, mỗi năm 3 kỳ. Phủ binh còn được điều đi đóng ở khu vực xung yếu mỗi năm một kỳ. Phủ binh chế cũng hợp nhất với Quân điền chế từ cơ sở trưng dân nông binh. Quân lính cứ đến 21 tuổi thì nhập quân và đến 60 tuổi thì được miễn, cứ mỗi hộ có 3 trai tráng thì tuyển 1 người đi lính thú. Vệ sĩ bình thường cũng ở tại nông trang làm ăn cày cấy và lo tập huấn luyện. Họ thường được chia ra làm nhiều phiên cứ thay nhau canh trực cho kinh đô Trường An gọi là thượng phiên. Đến khi có chiến tranh thì quy tụ lại để sẵn sàng xông trận. Trong thời gian phục dịch họ được miễn trừ tô thuế, tuy nhiên việc khẩu phần lương thực và binh khí vẫn phải tự mình phụ trách.[26]

Tập tin:Court Ladies Preparing Newly Woven Silk (捣练图) by Emperor Huizong (1082–1135).jpg
Bản sao Tác phẩm Đảo luyện đồ (搗練圖) của Trương Huyên (張萱) mô tả cảnh phụ nữ đang giã tơ tằm, làm quần đảo mùa đông cho bính lính phòng thủ ở biên thùy.

Phủ binh chế trên thực tế là sự kết hợp giữa binh sĩ và nông dân, giám bớt gánh nặng cho quốc gia,[7] nhờ họ tự làm ăn mà nhà nước đỡ tốn chi phí nuôi và cấp lương, đó gọi là ngụ binh ư nông. Lúc thường làm dân, có chiến thì đi lính; quân không biết tướng, tướng cũng không biết quân. Chiến sự kết thúc thì quân trở về phủ, tướng lĩnh về triều, còn những tướng đầu hàng thì có quân đi theo để phòng nguy hiểm. Phủ binh chế có khuyết điểm là khi động viên binh sĩ nhập ngũ lại quá lâu dài, quân trễ biếng, ảnh hưởng đến nông nghiệp, mà triều đình lại miễn trừ thuế khoá cho binh sĩ nên thành ra cũng có tổn thất. Do đó, Thái Tông, Cao Tông cho đến Võ Tắc Thiên đều phải có sự lựa chọn lúc gặp chinh chiến thì mộ thêm quân đối lại với phủ binh cho có sự bổ sung.[14] Thời Thái Tông, quân đội toàn quốc được triều đình trực tiếp quản lí, ước có đến hơn 600 phủ binh, việc nhậm quân sự là nhất thiết, không quản việc phái các hộ vệ đi xa từ kinh sư đến địa phương trú nghỉ hay xuất chinh, chấp hành việc phân đều quân đội. Tuy nhiên, do sau này để tiện việc quản lí, nhu cầu thiết yếu triều đình phải đặt ra trưởng quân quản lí quân đội từng khu vực ở địa phương, họ được gọi là "tiết độ sứ". Mà thời kinh tế xã hội được cải thiện, nhân dân thường phản kháng chống lại chế độ binh dịch. Ngoài ra do quốc gia thái bình đã lâu, quân phủ ít dùng đến, chính quyền thường có sự thanh nhàn, quân đội hầu như đã có sa sút trong chiến đấu.

Đến thời Huyền Tông, triều đình bỏ lơ việc nắm nhân khẩu, chế độ quân điền bị xâm phạm, quyền lợi quân lính không đảm bảo, nhiều người không thiết tha với phủ binh khiến trong phủ binh có nhiều người bỏ trốn, phủ binh trống rỗng. Đường Huyền Tông cho cải cảnh chế độ phủ binh, giảm độ tuổi phục dịch xuống còn 25 đến 50 tuổi nhưng tình hình không cải thiện. Chế độ phủ binh chế đến hồi suy bại, chỉ còn là hình thức, chế độ thượng phiên cũng bỏ đi. Trong những năm Thiên Bảo, Huyền Tông thu nạp Trương Thuyết (張說) có kiến nghị thi hành trưng binh chế và mộ binh chế và dần dà phế bỏ đi phủ binh chế. Vì lòng hư vinh muốn trọn xưng là "thống lĩnh tứ di", bèn lo chiêu mộ được những sĩ binh đóng trường kì ở biên giới tiến hành việc chiến tranh với nước ngoài, xưng là "Kiện nhi" (健儿). Và ít nhất cũng có liên hệ với lính đánh thuê ở tại bản địa, bọn họ chỉ mong ra biên thùy đánh trận để thu được những ích lợi cho mình. Các tướng lĩnh ở biên trấn thông qua lợi ích mà quan hệ với các bộ tộc du mục (cho nhiều tướng lĩnh và phủ binh được nhờ vào các dị tộc), họ luôn luôn có sự khống chế đối với sĩ binh cho đến về sau này khi xảy ra chiến họa.[26]

Sau loạn An Sử, việc quân sự của nhà Đường bắt đầu thất thế: trong thì có phiên trấn cát cứ, ngoài thì Hồi Hột, Thổ Phồn và Nam Chiếu cứ xâm nhập. Tiêu biểu như việc quân Đường mượn quân người Hồi Hột để dẹp loạn An Sử (khiến họ một phen cướp phá). Năm 763, Thổ Phồn đã từng chiếm giữ Trường An 15 ngày. Nam Chiếu cũng từng đánh chiếm Thành Đô, rồi tiến đánh An Nam cho đến khi nhà Nam Hán thời Ngũ Đại Thập Quốc thu hồi. Các tướng sĩ phòng thủ Nam Chiếu cũng sinh ra bất mãn, gây cuộc "Sự biến Bàng Huân". Về sau lại có giặc Hoàng Sào, rồi chiến tranh giữa Chu Toàn Trung và người Sa Đà của Lý Khắc Dụng. Các địa chức quân nhân xảy ra lục đục, chiếm lĩnh địa phương, thậm chí tự lập chính quyền riêng, dẫn đến nhà Đường tiêu vong và kế tiếp xảy ra cục diện phân chia Ngũ Đại Thập Quốc, đó là kết cục kế tiếp lâu dài do họa phiên trấn gây ra.[26]

Thời Đường Huyền Tông đã có mối quan hệ với Ả Rập, và sau này tiếp nhận Hồi giáo dưới Triều đại Abbas. Và cùng với nhiều nước họ Chiêu Vũ Cửu, Burusho (Bột Luật), Thổ Hỏa La ở các vùng thuộc Trung Á. Năm 751, khi nhà Đường thất bại trong chiến dịch TalasĐường, mưu đồ kinh lực Trung Á bị bẻ gãy, nhưng về sau khi loạn An Sử và họa phiên trấn khiến nền kinh tế ở Hoa Bắc tiêu điều, các quân sĩ đóng lâu năm ở vùng tây bắc thường nhàn rỗi phải rút về Trường An lo bảo vệ chính quyền, và khoảng 150 năm sau khi Thổ Phồn và Hồi Hột mạnh lên thì chiếm lấy một nửa vùng phía tây rộng lớn của nhà Đường.[23]

Trong thời kỳ nhà Đường có rất nhiều danh tướng, với Nhị thập tứ công thần đồ (Tranh vẽ 24 vị công thần) ở Lăng Yên các Quách Tử Nghi, cha con tướng Lý Thịnh (李晟) và Lý Tố, Cao Biền là những vị tướng chiến ngoại giỏi của người Hán, ngay những tướng lĩnh dị tộc cũng có những địa vị trọng yếu: người có pha dòng máu Hồ và Hán là An Lộc Sơn, Sử Tư Minh (người Đột Quyết), Hắc Xỉ Thường Chi (黑齿常之, người Bách Tế), Cao Tiên Chi (người Cao Câu Ly), A Sử Na Xã Nhĩ (người Đột Quyết), Lý Quang Bật (người Khiết Đan), Lý Hoài Quang (người Mạt Hạt), Ca Thư Hàn (哥舒翰, người Đột Quyết), Bộc Cố Hoài Ân (người bộ Thiết Lặc), Hồn Hòa (渾瑊) và A Điệt Quang Tiến (阿跌光進).

Kinh tế[sửa]

Nông nghiệp[sửa]

Nông cụ thời Đường và việc sản xuất so với thời trước đã tiến bộ, thời Khai Nguyên đã phát minh ra máy kéo cày, lại đổi mới những cái máy trút nước và máy rỗng. Năm 624 khi toàn quốc được thống nhất, đất nước có hơn 130 năm yên bình phát triển, các công trình thủy lợi gia tăng củng cố đến hơn 160 công trình, tiêu biểu như kênh Ngọc Lương, hồ Giáng Nham, hồ Kính An Huy, kênh Đậu Công, Văn Thủy ở Sơn Tây, Tam Hà ở Hà Bắc, Bành Sơn ở Tứ Xuyên, Vũ Lăng ở Hồ Nam...Vào năm 740, tổng công trình có đến 14.003.862 hạng (tương ứng với 1.219.700.000 mẫu theo hệ thống đo lường ngày nay). Công cụ nông nghiệp tiến bộ, công trình phát triển, sản lượng tăng và sản xuất được nâng lên. Năm 749, số lương thực đem ra bán đã đến 9600 vạn thạch. Đặc biệt giá gạo ở Trường An và Lạc Dương năm 726 thời Đường Huyền Tông, mỗi đấu gần 13 đồng, ở Thanh Châu và Tề Châu mỗi đấu chỉ gần 5 đồng. Ngũ cốc nhiều và sung túc thể hiện đầu thời kỳ nhà Đường này hộ khẩu gia tăng, sản xuất mọi thứ đều có sự tăng trưởng.

Sau thời giữa nhà Đường, vùng trung du và hạ du Hoàng Hà bị loạn An Sử phá hoại, mà ở vùng sông Hoài tương đối bị chiến tranh phá hoại ít được nhiều, nên kinh tế nông nghiệp không bị lụn bại cho lắm mà vẫn còn phát triển được, sau này vùng trung và hạ du Hoàng Hà cũng được hồi phục phát triển vượt bật. Đời sau đó của nhà Đường, về đất phía nam sông Hoài số lượng khai khẩn đất hoang, xây dựng thủy lợi, trồng cây lương thực...phát lắm, mà sản lượng ở vùng Giang Hoài luôn dồi dào, trở thành khu sản xuất lương thực trọng yếu của đất nước.[27] Đường trắng đã vốn có từ thời Trinh Quán thời Đường Thái Tông năm 647, mà sau đời nhà Tống ở các tỉnh phía nam Trường Giang lượng đường dùng vào thực phẩm rất đắt hàng, là nơi trồng nhiều mía để sản xuất đường. Những người buôn bán lương thực thường vận chuyển các giống trà (chè) từ miền nam, nghề trồng trà (chè) ở đó rất phát đạt, có đóng góp lớn cho kinh tế miền nam, và sau này kĩ thuật trồn trà được truyền lên phía bắc. Các loại sản phẩm trà (chè) phương nam này được vận chuyển lên khắp các miền bắc, thậm chí lan sang nước Thổ Phồn, nước Bột Hải, và cả nước Đại Thực, nước Ba Tư. Nhưng do phú thuế không đủ, cả nước dùng cũng thiếu, đầu năm 793, quan diêm thiết sứ là Trương Bàng (張滂) tấu xin cho việc sản xuất trà lưu đi các châu quận hãy để Diêm thiết độ chi tuần viện quản lí, chủ quản quan lại dựa vào chất lượng chia ra 3 đẳng hạng mà định giá, mỗi mười thuế một, và sau này thời Đường đó trở thành thu nhập quan trọng, do đó việc đánh thuế trà cũng bắt đầu được quan tâm.[28]

Thủ công nghiệp[sửa]

Thủ công nghiệp thời Đường phân ra 2 loại là quan doanh và tư doanh. Quan doanh do bộ Công chủ quản là một bộ rất quan trọng của triều đình, trực tiếp quản lí các cơ cấu "Thiếu phủ giám" (少府監), "Tương tác giám" (將作監), "Quân khí giám (軍器監). "Thiếu phủ giám" lo việc chế tác các đồ thủ công nghiệp tinh xảo; "Tương tác giám" quản lí việc xây dựng các công trình; "Quân khí giám" lo chế tạo ra binh khí vật dụng cho chiến tranh. Giám được chia thành "thự" (署), thự được chia thành phường (坊). Ngoài ra còn có "Chú tiến giám" (鑄錢監) lo việc đúc tiền bạc và "Dã giám" (冶監) lo việc luyện kim nữa. Các sản phẩm của quan doanh dĩ nhiên không đem ra trao đổi bên ngoài, mà chỉ dùng để cung phụng cho hoàng gia và các nha môn quan lại. Nhân công cũng được sắp xếp mà phân ra: công tượng, hình đồ, quan nô tì, quan hộ, tạp hộ. Thủ công nghiệp tư doanh mà so với quan doanh thì chưa phát đạt bằng. Các sản phẩm thủ công nghiệp đời Đường chủ yếu là dệt vải sợi, làm gốm sứ, và rèn kim loại.[27] Tơ, sợi gai là đối tượng chủ yếu của ngành dệt. Lụa vải ở Hoài Nam đạo, các hàng vải ở đô thị vùng Giang Hoài có sản phẩm đẹp và đắt giá. Vải dệt tơ tằm thời nhà Đường tiếp tục sử dụng rộng rãi phương pháp nhuộm màu có hoa văn từ thời Nam Bắc triều; và cả mặt trước và sau đều được nhuộm màu có hoa văn, vải len hai loại đều có phép nhuộm màu sắc mới. Các loại vải lụa đều có tiếp thụ ảnh hưởng của các tộc Hồ, Tây Vực và một phần nhỏ phong cách Ba Tư. Đồ sứ rất tinh xảo, những con ngựa Đường tam thải đã chứng thực về sự phát triển số lượng gốm sứ đương thời. Đường tam thải có ba màu chủ đạo là màu vàng, màu xanh lục, màu trắng; biểu hiện được kĩ thuật chế tác sứ và cách nung luyện mặc dù chúng là các đồ chôn theo người chết song vẫn được chế tác tinh xảo, được ưa chuộng và dùng trong nhiều tầng lớp xã hội thời nhà Đường. Việc chế tạo ra vàng và bạc đã học được kĩ thuật của Tây Vực, biết cách nung vôi với kĩ thuật cao, đạt được những vật vàng bạc rất thuần không tạp chất. Vùng Hoài Nam, Dương Châu chuyên sản xuất gương vuông vắn, gương Giang Tâm là gương đồng thượng đẳng. Giữa thời nhà Đường, thủ công nghiệp miền nam phát triển tiến bộ, đặc biệt là sản xuất tơ lụa, làm giấy và đóng thuyền: dân gian tự trồng dâu tằm, sử dụng trúc để làm giấy, chế tạo ra thuyền di chuyển bằng lực chân đạp của người.[11] Các lò gốm Việt ở Việt Châu nung chế ra các loại sứ màu đẹp mà sau này trở thành đại biểu kiệt xuất của nền thủ công nghiệp miền nam.

Nói chung, các loại trang sức nghệ thuật thời nhà Đường đều có ảnh hưởng của các vùng Trung Đông và ảnh hưởng từ một số hàng của nước ngoài đưa vào, nghề gốm và kim thuộc đã có phong cách mới. Hình dáng chiếch ly rượu và men màu đồ sành sứ mô phỏng theo Ba Tư, và phương thức xe chỉ và dệt sợi cũng học theo Ba Tư.[29] Sản phẩm của Trung Hoa thời Đường với các loại đồ thủ công nghiệp được lan truyền đến nhiều quốc gia và được ưa chuộng.

Thương nghiệp và giao thông[sửa]

Đời nhà Đường có nhiều khu thành thị buôn bán lớn với nền kinh tế phát triển vượt bậc. Trường An, Lạc Dương, Tô Châu, Dương Châu, Thành Đô, Quảng Châu là những khu trung tâm thương nghiệp khá sầm uất. Việc giao thông qua lại cũng cực kì phát triển, đường bộ thì lấy Trường An làm trung tâm và mở rộng ra toàn quốc. Giao thông đường thủy thì ở Lạc Dương là trung tâm của Đại Vận Hà. Các dịch trạm trong cả nước lên tới 1463. Trong đó lục dịch có 1.297 sở, thủy dịch có 166 sở. Thương nhân thường dùng những phẩm vật buôn bán để ở cửa hàng thu lợi nhuận cao, các điểm giao thông khắp các vùng đều rất tiện. Bắt đầu trung kì của nhà Đường, đã có những người bán sỉ và những thợ khắc dời xuống nam, khiến vùng lưu vực Trường Giang có nền kinh tế thương nghiệp rất phát triển, tài chính quốc gia phần lớn phải dựa vào việc đánh thuế má của thương nghiệp nơi đây, do đó có câu "Dương nhất Ích nhì" (chỉ Dương Châu và Ích Châu); mà ở Giang Nam nói đến thành thị lớn nhất ở miền đông là Tô Châu - một nơi rất phồn hoa, cùng với Dương Châu trở nên phát triển siêu việt không kém gì hai đô thị Lạc Dương và Trường An thời Đường. Mà nói đến thành phố lớn nhất ở phía nam Trung Quốc thời bấy giờ. Đương thời người ta cũng cho rằng ở Giang Nam có thành Tô Châu là thuộc loại thị phố cao cấp nhất. Ngoài ra còn có Hàng Châu, Hồ Châu là những vùng kinh tế phát triển đến mức thịnh vượng, cùng đồng hành với nền thương mại phồn vinh ở Tô Châu, buôn bán tấp nập và thậm chí mở cả chợ đêm.

Thời nhà Đường là lúc mà nhiều thành thị đã phát triển thuộc loại lớn trên thế giới, buôn bán tơ lụa phát đạt và rất có giá... Tiền bạc thời đó chủ yếu là tiền đồng xâu, còn như tiền giấy thì đã có loại phi tiền được thế giới thời cận đại công nhận là xuất hiện từ khá sớm ngay từ nhà Đường. Khoảng 200 năm sau đến đời nhà Tống đã bắt đầu thông dụng, và ở Tứ Xuyên đã "chính thức" cho lưu hành.[30][31][32] Đương thời cũng đã xuất hiện các loại cửa hàng gần giống như ngân hàng ngày nay, cho các thương nhân vay vốn hoặc có thể gửi tiền vào đó quy đổi ra ngân phiếu mà dùng. Thương nghiệp thời nhà Đường cực kì phát triển mà nhất là trong thời Khai Nguyên thịnh thế, cho đến gần cuối thời nhà Đường từ khi xảy ra loạn Hoàng Sào và nạn phiên trấn cát cứ mà dẫn đến nhân khẩu giảm, kinh tế xã hội sa sút không còn bằng như trước nữa.[27]

Thời Đường, mậu dịch hải ngoại bắt đầu hưng thịnh, vào nửa đầu thế kỷ thứ 8, các thương nhân thường đi từ Quảng Châu qua eo biển Malacca đi đến vùng biển Ấn Độ Dương, tiếp cận các nước Ấn Độ, Sri Lanka, lại tiến tiếp về phía tây đến vịnh Ba Tư, vịnh Aden rồi đến biển khu vực Hồng Hải. Sang phía đông theo đường biển để đến Tân La, Nhật Bản, và vùng biển Thái Bình Dương kia có thể thông sang Tân Thế giới (châu Mỹ) mà sau này trong cuộc phát kiến lục địa của người châu Âu phát hiện ra. Các thương nhân vùng Trung Đông như người Do Thái, người Ba Tư, người Ả Rập thường sang buôn bán. Các vùng men bờ của Trung Quốc như Giao Châu, Quảng Châu, Tuyền Châu, Minh Châu (huyện Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang), Dương Châu là những nơi các thuyền lớn tụ hội rất nhiều mà nhất là mùa mưa sau ngày xuân lại càng hưng khởi, trở thành những cảng khẩu mậu dịch đối ngoại rất trọng yếu. Vì nền thương nghiệp mậu dịch càng thịnh lên nên triều đình cũng đặt ra Thị bạc ty để đảm đương. Việc trưng thu thuế của các thuyền đậu mang lại lợi nhuận cao, đóng góp không nhỏ trong ngân khố quốc gia.

Ban hành tiền tệ[sửa]

Tập tin:KaiyuanTongbao.png
Nhà Đường thông dụng tiền "Khai Nguyên thông bảo"

Từ tháng 7 năm Vũ Đức thứ 4 (621), đã có lệnh bãi bỏ các loại tiền cũ trước đây, ban ra tiền "Khai Nguyên thông bảo", chính thức lập ra các xưởng đúc tiền. Sau đó nối thừa theo thời Ngụy Tấn Nam-Bắc triều, nhà Đường ngoài những tiềm lực mặt hàng về lụa để buôn bán, còn cho đúc ra tiền để giao thương và thông dụng trong dân gian. Tiền và lụa đều có thể trở thành những vật trung gian để trao đổi.[7]

Ban đầu, kinh tế xã hội lấy việc kinh tế làm chủ, lúc đó các loại thương phẩm ở Tô Châu giá còn rất thấp. Nhưng tình hình về sau khi loại tiền "tiền bạch kiêm hành" được dùng trong chế độ về tiền tệ, định ngạch về giá thương phẩm do đó cũng tăng lên. Từ đời nhà Tùy đến cuối thời Trinh Quán, sau đó đến thời Cao Tông, Vũ hậu cho đến Vũ Tông, kinh tế thương phẩm qua từng thời kỳ có tốc độ phát triển dần dần, "tiền bạch kiêm hành" về sau cũng mất đi tính quan trọng ban đầu.

Chính phủ nhà Đường không ngừng cấm tư nhân không được đúc tiền và đúc bừa bãi, cho cấm sử dụng các loại tiền xấu. Nhưng vì việc giao thương buôn bán và kinh tế thị trường ngày càng phát đạt, có cấm cũng như không, tư nhân vì ham lợi nên đều tự đúc tiền giả và cho lén dùng nhiều.[33]

Đất đai và thuế khóa[sửa]

Đầu đời Đường việc hộ dân vẫn noi theo nhà Tùy, đầu năm Vũ Đức, chia làm 3 hạng hộ chế. Năm 624, nhà Đường ban bố chế lệnh quân điền tô dung điều.

Thời Tùy mạt do loạn lạc biến động, số lượng địa chủ kiêm tính nhiều ruộng đất rất thường thấy, mà ruộng đất vô chủ hoang hóa khá nhiều. Nhà Đường trước tiên dùng một bộ phận quan điền để cấp ban ruộng cho các quý tộc, quan lại, công thần, ruộng đó gọi là "tứ điền" (赐田,ruộng được ban). Lại có "công giải điền" (公廨田) cấp cho quan thự; "dịch điền" (驿田) cung cấp cho các trạm ngựa; "đồn điền" (屯田) dành cho quân chính. Còn những ruộng đất còn lại phân chia bình quân theo phép quân điền cho dân chúng. "Quân điền lệnh" quy định rằng chính phủ y theo hộ tịch mà cấp ruộng và phân ra ruộng công ruộng tư, có chế độ trong việc trồng trọt chia hạng công tư điền. Nhân khẩu chia làm 3 hạng tuổi: 4 tuổi trở lên được phần nhỏ, 16 tuổi được hạng trung, 21 tuổi trở lên là đinh, 60 tuổi trở lên là lão. Đinh nam và những người 18 tuổi trở lên được hưởng 1 khoảnh (công điền 80 mẫu, tư điền 20 mẫu). Người già hoặc kẻ tàn tật được hưởng 40 mẫu. Người vợ thiếp cô quả được hưởng 30 mẫu. Giới tu hành như hòa thượng, đạo sĩ mỗi người hưởng 30 mẫu; ni cô, nữ quan được 20 mẫu. Nô tì, gái có chồng và trâu cày không phải cấp ruộng. Quý tộc, quan lại và quan khanh công lao bản thân và họ hàng thân thích đều theo thứ bậc cao thấp mà phân chia ruộng tư cho. Thời nhà Tùy và nhà Đường đều có sự khoan dung hơn trong việc mua bán đất đai, nhưng chế độ nhà Đường có sự nghiêm cách hạn chế hơn. Quân điền chế không chỉ có giúp nhà Đường được sự thu nhập tài chính được nhiều đủ hơn, mà tầng lớp quý tộc quan lại đối với nhu cầu sản nghiệp ruộng đất cũng thưa đi, đối với đầu đời Đường tô thuế dựa vào ruộng được tác dụng chủ chốt.

Lao dịch thời Đường phân 2 hạng là dao dịch (làm việc cho nhà vua) và chính dịch. Chính dịch dùng khi có chinh chiến, cho dù nam có từng dao dịch vẫn tham gia chiến trận. Dao dịch lại chia ra tạp dao và sắc dịch. Tạp dịch thường là những công tác ở địa phương khi có việc trùng tu bổ kiến trúc công trình. Sắc dịch là công việc về nhiều loại công tượng. Chính dịch gồm cả thuế dịch và binh dịch. Thuế dịch lại có án chiếu theo tô dung điều để thu nạp thuế chính và thuế đất, thuế hộ và thuế phụ trợ. Phép tô dung và quân điền đều là những cách phối hợp nhau thực hành chế độ thuế khóa. Tô dung điều dựa vào số đinh mà trưng thu. Mỗi đinh hàng năm phải giao nộp thóc lúa 2 thạch, gọi là "tô". Căn cứ vào loại đất ruộng để mỗi năm có sự định quyên nộp: lụa 2 trượng, gấm 3 lượng, hoặc 2 trượng 5 thước, đay gai 3 cân (mỗi cân bằng 16 lượng). Đó gọi là "điều". Mỗi đinh phải làm dao dịch khoảng 20 ngày, tháng nhuận 2 ngày. Còn nếu không muốn làm dao dịch mỗi ngày phải nạp lụa 3 thước, hoặc vải 3 thước 7 tấc 5 phân. Gọi là "dung".

Văn hóa[sửa]

Tư tưởng học thuật[sửa]

Tập tin:Han Yu.jpg
Tranh họa Hàn Dũ - cùng với Liễu Tông Nguyên là 2 nhà thơ văn nổi tiếng chủ trương phục cổ

Đầu thời nhà Đường, tư tưởng học thuật kế thừa theo Nho giáo từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, tiêu biểu như Khổng Dĩnh Đạt (孔颖达) với tác phẩm "Ngũ Kinh chính nghĩa" (五經正義), trong đó là tác phẩm nối tiếp và hoàn thành tư tưởng Nho học từ đời Hán và Tấn, mà người có công lao nhất là Đặng Huyền (郑玄). Từ thời Đường và cả thời Minh Sơ sau này đều chấp hành theo những tư tưởng triết thuật thời trước. Đến trung kì thời Đường, những tư tưởng cải tiến trọng đại đã phát sinh, những người có sáng kiến, kế thừa đời trước và truỳen lại cho đời sau như Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Lý Cao (李翱), Lưu Vũ Tích (刘禹锡). Rồi lại có Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị là những người có giá trị tư tưởng đồng dạng, họ không chỉ là các thi nhân. Đời sau khi bàn luận về kinh học, những ý nghĩa nghiêm cách nổi bật đều sưu tập trong "Hán Tấn Đường kinh học". Khi nói về lí học thì đời sau xem "Đường Tống Minh lí học" là hơn.

Hàn Dũ và Lý Cao có để lại tác phẩm nổi tiếng thể hiện tư tưởng chủ nghĩa duy tâm, còn Liễu Tông Nguyên và Lưu Vũ Tích là đại biểu của tư tưởng chủ nghĩa duy vật. Hàn Dũ có tác phẩm "Nguyên Đạo" và "Nguyên Tính" chủ trương phục cổ sùng Nho, bài xích Phật giáo, cho rằng tăng đạo không quan tâm đến sinh sản, lãng phí tiền của xã hội, tăng ni đạo sĩ nên về quê hoàn tục, nên đốt trụi kinh văn của Phật gia, lấy các chùa miếu đạo quán làm nơi sinh sống cho dân cư. Họ chủ trương tôn sùng Khổng Tử, lấy "Luận Ngữ" làm tác phẩm thể hiện quan niệm đạo đức trong đạo thuật. Họ lại cho rằng trời sinh ra nhân tính, có phân ra 3 phẩm thượng, trung và hạ. Lý Cao trong "Phục tính thư" (复性书), phát triển tính thiện luận của Mạnh Tử, cho rằng bản tính con người vốn thiện, nhưng vì trong đời sống sinh hoạt gặp phải những hoàn cảnh tình cảm vui, buồn, giận, sướng quấy rối tâm hồn, khiến họ không thể phát huy tính thiện, nên cần phải khôi phục đức thiện và khắc chế tình cảm ham muốn, kêu gọi "phục tính". Hàn Dũ và Lý Cao đều để lại danh tiếng về suy nghiệm lí học cho thuật học đời nhà Tống về sau.

Liễu Tông Nguyên trong các tác phẩm "Thiên thuyết" (天說), "Thiên đối" (天對), và "Phong kiến luận" (封建論), triết lý văn chương văn chương trong đó cho mệnh người và mệnh trời không có quan hệ, trời tức là nguyên khí của tự nhiên, không hề có chuyện thưởng phạt cho nhân thế, "Công là ở công, họa là ở họa" (功者自功,祸者自祸 - Công giả tự công, Họa giả tự họa), mọi chuyện đều chỉ do con người tạo ra. Lưu Vũ Tích thì phát triển những nhận định bàn luận về tự nhiên của Tuân Tử cho rằng vũ trụ là được tạo bởi vật chất, bản thân trời cũng cùng dạng với vật chất, tuy có tồn tại theo quy luật khách quan, nhưng không ảnh hưởng gì đến nhân sự. Họ cho rằng chủ nghĩa duy tâm lí luận là thị phi điên đảo của thế gian, con người không có khả năng, do đó tuyên dương cái được gọi là "thiên mệnh".[11]

Văn học và sử học[sửa]

Văn học thời Đường với thể loại thơ ca cực kỳ phát triển. Người thời Thanh biên soạn"Toàn Đường thư" (全唐詩) thu thập ghi chép nhiều đến trên 2200 nhà thơ sáng tác đến khoảng 48.900 bài thơ, song đó chưa phải là đã đầy dủ. Đầu thời Đường đã có "Sơ Đường tứ kiệt" tức là 4 vị thi nhân kiệt xuất: Vương Bột, Dương Quýnh (楊炯), Lư Chiếu Lân (盧照鄰) và Lạc Tân Vương (骆宾王).[34] Đến thời Thịnh Đường thì lại có các thi nhân thuộc phái điền viên như Vương Duy (王维), Mạnh Hạo Nhiên; phái biên tái như Sầm Tham (岑参), Vương Xương Linh. Và đặc biệt thành công nhất là "thi tiên" Lý Bạch và "thi thánh" Đỗ Phủ,[34] danh tiếng đến tận ngày nay. Thơ của Lý Bạch nhẹ nhàng bồng bềnh tự nhiên không bó buộc, lại có sắc thái chủ nghĩa lãng mạn đầy sung mãn. Mà thơ của Đỗ Phủ thì thể hiện tậm trạng về chủ nghĩa hiện thực. Thời kỳ Trung Đường, nổi tiếng nhất có thể kể đến Bạch Cư Dị, khác ở chỗ thơ của ông dễ hiểu. Ngoài ra cũng có những nhà thơ khác như Hàn Dũ, Nguyên Chẩn, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích, Lý Hạ.[34] Thời Vãn Đường thì có hai thi nhân Lý Thương Ẩn Đỗ Mục là xuất chúng, được gọi là "tiểu Lý Đỗ".[34] Sau này các đời nhà Tống, Minh, Thanh tuy cũng xuất hiện những nhà thơ kiệt xuất, nhưng về tổng thể khó sánh bằng thi nhân thời Đường. Thơ văn nhà Đường đã đạt đến đỉnh cao tột cùng mà sau này không thời nào vượt tới được.

Trên phương diện tản văn, từ thời Lục triều đến đương thời, văn đàn rất thịnh hành lối hình thức biền văn, văn biền ngẫu giảng cứu về thanh vận, đối ngữ, điển cố, từ ngữ đẹp đẽ hoa lệ, với câu bốn chữ và sáu chữ chiếm chủ yếu.[7] Thời Đường Sơ tản văn rất phổ biến, với các tác phẩm của "Sơ Đường tứ kiệt" (Vương, Dương, Lư và Lạc), nhưng chủng văn kiểu đó vào thời nhà Đường lại có hình thức cương hóa, nội dung trống rỗng, cho nên đến những năm Thiên Bảo thời Đường Huyền Tông, chủ trương phục cổ văn lại hưng khởi.[34] Vận động cổ văn trên danh nghĩa là chủ trương phục hồi lại tản văn thời Tiên Tần và Lưỡng Hán, còn thực tế thì muốn văn chương có nhiều nội dung hơn, nội dung chủ trương là "Văn dĩ tải đạo" (文以載道, dùng văn chương truyền tải đạo lí). Hàn Dũ là người đầu tiên trong Đường Tống bát đại gia chủ trương tả được cái khí thế mênh mông của tản văn và lại có những tư tưởng rất thâm sâu. Sau khi Hàn Dũ mất, vận động cổ văn dần dà suy thoái, song đến thời Đường mạt thì biền văn lại hưng khởi.[34]

Tập tin:Dufu.jpg
Tranh vẽ thi thánh Đỗ Phủ

Thể loại truyền kì của Trung Quốc thuộc hình thức tiểu thuyết cổ điển, xuất hiện từ đời nhà Tùy, hưng thịnh ở thời Đường.[34] Các tác phẩm truyền kì bao quát như: "Liễu nghị truyện" (柳毅傳), "Oanh oanh truyện" (鶯鶯傳), "Nam Kha thái thú truyện" (南柯太守傳), "Chẩm trung kí" (枕中記), "Trường hận truyện" (長恨傳). Các loại truyền kì về sau đều cải biên thành hí kịch và tiểu thuyết Bạch thoại. Thể loại biện văn cũng có địa vị trọng yếu trong văn học sử nhà Đường. Biện văn xuất phát từ khi tăng lữ Phật giáo tuyên truyền kinh đạo Phật pháp. Biện văn đã được dùng trong lúc xướng giảng kinh văn Phật của các tăng lữ và dần dần có xu hướng nhập sâu vào văn học. Biện văn càng lưu truyền vào càng về sau càng rất có ảnh hưởng.[34]

Sử học thời Đường bắt đầu khai sáng làn gió tu sửa các chính sử.[7] Những năm Trinh Quán thời Đường Thái Tông, các sử quán đã phụng chiếu cho tu sửa 6 bộ chính sử như "Tấn thư", "Lương thư", "Trần thư", "Bắc Tề thư", "Chu thư" và "Tùy thư". Lại có sử gia Lý Diên Thọ biên soạn ra "Nam sử" và "Bắc sử". Trong chính Nhị thập tứ sử của Trung Hoa đã có tới 8 bộ sử được hoàn thiện từ đời Đường. Sử chép thời Đường thành thư sách rất sắc bén, chép tỏ tường các nguồn, nội dung phong phú, nhưng vì các nhà thống trị trực tiếp quản lí khống chế việc tu sửa sử sách nên vì nhu cầu chính trị thiên vị nhà Đường nên việc chép sử có phần hạ thấp đời trước và khoe khoang quá đáng về chính trị Đường triều. Ngoài ra, có Đỗ Hựu tả rõ về "Chính điển" (政典) trong chính thư "Thông điển" (通典), có Lưu Tri Kỉ。}} chế soạn ra "Sử thông" (史通). Đỗ Hựu chuyên ghi chép về tài chính, kinh tế, và điển chương, pháp lệnh, chế độ với những nhận thức rất hiện thực về chính trị, lựa chọn nhiều nguồn tài liệu. Lưu Tri Kỉ có hơi chút cường điệu trong văn phong viết sử, trong quá trình viết có tự mình ó sáng kiến mới và bình luận kiến giải, là người khởi xướng cho lí luận học lịch sử Trung Quốc.[34]

Tôn giáo[sửa]

Tôn giáo từ trước đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội Trung Quốc, thời Đường đã lên mức độ cực đại. Thịnh Đường là thời kỳ Tam đại giáo là Khổng giáo, Phật giáo, và Đạo giáo tiếp tục phát triển đến đỉnh cao. Tư tưởng của 3 trường phái này phát huy giúp con người điều chỉnh lại tư tưởng và hành vi của mình, thẩm thấu trong các lĩnh vực xã hội. Xã hội thời Thịnh Đường được duy trì những chuẩn mực đạo đức cao. Đường triều vì thế trở nên huy hoàng.

Đường Thái Tông không chỉ tôn sùng Nho học, mà còn là người phù trì Phật giáo, bảo hộ Đạo giáo, xây dựng cả một hệ thống hoàn thiện điện tế trời đất, tông miếu thờ thần linh, chùa chiền tượng phật. Người dân kính Trời và tin Thần, tôn sùng đạo đức, đọc sách thánh hiền, có trách nhiệm cao đối với sự hưng thịnh của xã tắc. Nho gia giảng: "Nhân giả ái nhân"- (Người yêu thương người), Đạo gia giảng: "Ngộ đạo chứng chân"-(Giác ngộ Đạo và chứng được Chân Lý), Phật gia giảng: "Từ bi phổ độ chúng sinh" (Từ bi cứu độ muôn loài). Các tín ngưỡng chính thống giúp cho con người mở rộng nhãn quan, duy trì phẩm chất mộc mạc, thiện lương, thuần chính, tìm cầu chân lý, kiên định hành thiện.

Ở thời Đường, Phật giáo có chủ yếu những tông phái sau: Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông (法相宗), Tịnh độ tông Thiền tông. Phật giáo thời Đường rất phát triển, có chuyển biến hướng về dân gian. Thiên Thai tông có phụng túng Diệu Pháp Liên Hoa kinh (妙法莲华经), cũng xưng là Pháp Hoa tông. Hoa Nghiêm tông phụng túng Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh, thường thích tham dự vào việc chính trị. Tịnh Thổ tông thì có những khuôn tắc sửa đổi khi nhập môn. Thiền tông có phân ra Nam Thiền và Bắc Thiền. Bắc Thiền là của Ngọc Tuyền Đại Thông Thần Tú pháp sư, chủ trương thiền định mà dần dần ngộ đạo. Nam Thiền là của pháp sư Huệ Năng (惠能). Đến thời Đường Vũ Tông thì lại có chủ trương hủy diệt đàn áp đạo Phật, sử gọi là Hội Xương diệt Pháp (會昌滅法), khiến cho Phật giáo Nam Thiền suýt bị tiêu vong, mà các tông phái thiểu số của đạo Phật cũng một phen chấn động.

Phật giáo tuy địa vị chính trị không bằng Đạo giáo, nhưng phạm vi truyền bá rất rộng, có thực lực kinh tế lớn, có nhiều tín đồ và tăng ni hơn cả Đạo giáo nhiều.[34] Tư tưởng Phật giáo cũng được truyền bá sâu rộng, phát dương quang đại. Một lượng lớn kinh thư Phật giáo được biên dịch và lưu truyền trong thời kỳ này.

Còn Đạo giáo hay còn gọi là đạo Lão, tôn thờ Lão Tử (gọi ông là Thái Thượng Lão Quân), mà hoàng tộc nhà Đường mang họ Lý, trong khi đó Lão Tử cũng mang họ Lý, nên thuyết đồn rằng Lão Tử là tổ nhà Đường, thành ra Đạo giáo rất được coi trọng đặc biệt là trong giới thượng lưu, cùng với Phật giáo trở thành tôn giáo lớn ở Trung Hoa. Có truyền thuyết kể rằng Đường Cao Tổ đến núi Chung Nam xây Thái Hòa điện, trông thấy Lão Tử tự xưng là tổ nhà Đường, bèn truy phong cho Lão Tử làm Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế (太上玄元皇帝), bắt tất cả các vương công và trăm quan phải nghiên cứu về Lão Tử và Đạo đức kinh, về sau Võ Tắc Thiên lại bắt hoàng tộc và quan lại học cuốn "Lão Tử", cùng với cuốn "Hiếu Kinh" và "Luận Ngữ" làm sách để thi cử khảo hạch kẻ sĩ. Đời Đường Huyền Tông cho đến Đường Đại Tông lại cực lực đề xướng Đạo giáo, khiến đạo này trở nên thịnh phát. Huyền Tông tự mình chú giải "Đạo đức kinh", năm 733, lại lập ra kì thi khoa cử kinh điển dành cho Đạo gia cùng với thi cử của Nho gia, cùng cho các cử nhân thi giáo điển của sách "Minh Kinh" (明經), nâng cấp Đạo học ngang tầm với Nho học về bắt các thí sinh đều phải thông hiểu kinh nghĩa của hai đạo học này. Theo "Tân Đường thư" phần Bách quan chí ghi lại, những năm Khai Nguyên thời Huyền Tông toàn quốc có 1687 cung quán Đạo giáo, trong đó nữ quán có đến 550 nơi, đương thời chủ yếu Đạo giáo có 2 tông phái là: Thanh Kinh Pháp phái (清经法派) và Chính Nhất phái (正一派), có các nhân vật nổi tiếng như: Vương Viễn Tri (王远知), Phan Sư Chính (潘师正), Tư Mã Thừa Trinh (司马承祯), Ngô Quân (吴筠) và Trương Quả (张果). Lý do Đạo giáo được hoàng thất dành cho thiện cảm có nguyên nhân chủ yếu là họ nhiều lần luyện đan để cho hoàng đế được trường sinh bất lão, song trong thành phần của chúng có khả năng có độc nên có nhiều hoàng đế nhà Đường dùng đan trường sinh bất lão đó mà thiệt mạng, như Thái Tông và Tuyên Tông.[34]

Cùng với Phật giáo, còn có Hồi giáo, Cảnh giáo, Bái Hỏa giáo Mani giáo là những tôn giáo được truyền bá vào từ bên ngoài. Nhưng ảnh hưởng đến xã hội còn nhỏ. Nhà Đường đối với các tôn giáo ngoại lai rất khoan dung nên có nhiều giáo sĩ nước ngoài đã đến truyền thụ đạo pháp và trong đó nhiều nhất là Hồi giáo và Cảnh giáo. Hồi giáo là quốc giáo của nước Đại Thực (Ả Rập), nên cũng gọi là "Đại Thực pháp giáo". Năm 650, đấng tiên tri Muhammad và người cữu phụ là Sa Đức (沙德) đã 2 lần cử sứ giả đến tiếp kiến Đường Cao Tông xin được cho phép truyền bá Hồi giáo, lập một nhà thờ Hồi giáo đầu tiên là chùa Hoài Thánh (怀圣寺) ở tại Quảng Châu. Về những thế kỷ sau, Hồi giáo theo bước của những thương nhân Tây Vực men theo Con đường tơ lụa bằng đường thủy và đường bộ mà đến Trung Quốc khiến tôn giáo này phát triển mạnh mẽ. Cảnh giáo cũng thông qua con đường tơ lụa của các thương nhân Tây Vực mà truyền vào Trung Hoa khi nhà Đường có quan hệ giao thương với nước Đại Tần (tức là Đế quốc Đông La Mã), nên cũng gọi là "Đại Tần Cảnh giáo". Năm 635 nhà Đường đã tiếp nhận đạo này và cho xây dựng thánh đường chùa Đại Tần ở Trường An, lại cho dựng bia đá.[35] Nhưng đến năm Hội Xương thứ 5 (845) đời Đường Vũ Tông do nạn diệt Phật, Cảnh giáo cũng đồng thời bị cấm, cho nên về sau gần như tuyệt tích tại Trung Quốc.

Mani giáo được sáng lập từ khoảng năm 242 do một người tên là Mani sống dưới thời vua Shapur I của đế quốc Ba Tư. Sau loạn An Sử, thế lực Hồi Hột mạnh lên, Mani giáo cũng được Hồi Hột che chở truyền giáo tại Trung Hoa, về sau do ảnh hưởng của nạn diệt Phật thời Vũ Tông, Mani giáo cũng bị đả kích và suy yếu trầm trọng nhưng vẫn chưa tuyệt hẳn, các tín đồ dần dần rời khỏi nơi khống chế của chính quyền đến phía nam để kết hợp tôn giáo lại, và chạy đến vùng Phúc Kiến nay để bắt đầu lập địa điểm truyền giáo, lưu truyền đến duyên hải đông nam Chiết Giang, đất Mân, và dần dần chuyển thành tôn giáo bí mật trong dân gian. Mani giáo cũng ảnh hưởng đến các giáo phái về sau này như Minh giáo, Di Lặc giáo, Bạch Liên giáo.[36]

Giáo dục và tuyển quan lại[sửa]

Nghệ thuật[sửa]

Do hấp thu được những đặc trưng văn hóa của Tây Vực và sắc thái tôn giáo nên nghệ thuật thời Đường không giống với các Triều đại trước và sau đó.[34] Thời Đường Sơ đã có 2 họa sĩ rất nổi danh là Diêm Lập Bản (閻立本) và Diêm Lập Đức (閻立德). Ngô Đạo Tử có tên gọi là "họa thánh" (thánh vẽ), ông là một họa sư chuyên về vẽ nhân vật, sơn thủy, hấp thụ các kỹ thuật và phương pháp của các phái họa của Tây Vực. Ông có một chủ trương riêng là "Ngô đái đương phong" (吳帶當風). Trương Huyên (张萱) và Chu Phưởng (周昉) chủ yếu vẽ tranh về nữ giới, họ có những tác phẩm họa như "Đảo luyện đồ" (搗練圖), "Quắc Quốc phu nhân du xuân đồ" (虢國夫人游春圖, Quắc Quốc phu nhân là chị họ của Dương Quý Phi), "Trâm hoa sĩ nữ đồ" (簪花仕女圖), phát triển xa hơn trong việc vẽ nhân vật. Thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều, sơn thủy phong cảnh chủ yếu phối cảnh cho chủ đề nhân vật, nhưng đến thời Tùy Đường, tranh sơn thủy phong cảnh đã trở thành chủ đề. Đương thời khi các phái nhà thơ phân chia ra Bắc phái và Nam phái, nhà thơ Vương Duy rất giỏi về vẽ tranh thủy mặc cảnh non nước, là đại diện tiêu biểu của Nam phái, Tô Thức đời nhà Tống cũng bình luận về tác phẩm của ông rằng: "Trong thơ có họa, trong họa có thơ" (诗中有画,畫中有詩 - Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi). Một họa gia Bắc phái là Lý Tư Huấn (李思訓) rất giỏi trong việc dùng sắc xanh đậm để vẽ cảnh sơn thủy nhiều màu sắc. Lại có Tào Bá (曹霸), Hàn Cán giỏi vẽ ngựa, Hàn Hoảng (韓滉) giỏi vẽ trâu, Tiết Tắc (薛稷) giỏi vẽ chim hạc, Biên Loan (边鸾) rất giỏi vẽ chim công.

Sự nghiệp bích họa thời Đường rất đặc biệt phát triển. Các bích họa trong mộ thất ở hang Mạc Cao là những tác phẩm tinh tế để lại cho người đời. Thời Đường, nghệ thuật điêu khắc đồng dạng xuất chúng. Các hang đá Đôn Hoàng, Long Môn, Mạch Tích Sơn Bỉnh Linh tự (炳靈寺) là những nơi khắc thể hiện sự phát triển thịnh vượng của nghệ thuật điêu khắc trong thời kỳ này.[34] Hang đá Long Môn với Lô Xá Na Đại Phật Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên được nhiều người ca ngợi. Sáu con chiến mã ở Chiêu Lăng (lăng mộ của Đường Thái Tông), bức tượng gốm ba màu trong một táng tính tế và đẹp đến phi thường. Nói về điêu khắc có Dương Huệ Chi (楊惠之) được xưng là "tố thánh" (thánh nặn). Thời nhà Đường, những bậc về thư pháp rất tài giỏi. Âu Dương Tuân (歐陽詢), Lư Thế Nam (虞世南) là những thư pháp gia trứ danh thời Sơ Đường. Các loại thư pháp của Âu Dương Tuân ngòi bút rất nghiêm chỉnh, nhất là tác phẩm "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" (九成宮醴泉銘, Bài minh về suối rượu cung Cửu Thành). Thư pháp của Lư Thế Nam nét chữ uyển chuyển mềm mại, tác phẩm tiêu biểu như "Khổng Tử miếu đường bi" (孔子廟堂碑), "Nhữ Nam công chúa mộ chí" (汝南公主墓誌) và "Mô Lan đình tự" (摹蘭亭序). Nhan Chân Khanh Liễu Công Quyền (柳公權) là hai nhà thư pháp của thời trung hậu kì nhà Đường. Thư pháp của Nhan Chân Khanh đầy đặn, trong chứa gân cốt, cứng kiện mà không bó buộc, tiêu biểu có "Đa bảo tháp bi" (多寶塔碑), "Nghiêm Thị gia bảo miếu bi" (颜氏家寶庙碑) và "Ma Cô tiên đàn kí" (麻姑仙坛记). Nét chữ của Liễu Công Quyền cứng cáp, tiêu biểu có "Huyền bí tháp bi" (玄秘塔碑), người đời gọi hai người này là "Nhan cân Liễu cốt" (顏筋柳骨). Trương Húc Hoài Tố rất giỏi về thảo thư, phóng thoáng mà làm rung động, có sự thâm sâu, rất có phong cách và tính nghệ thuật.[34]

Các loại âm nhạc ca múa thời Đường cũng rất phát triển. Đường Thái Tông khi dẹp Cao Xương có lấy được nhạc nơi đó, nhập với nhạc ở Trung Nguyên thành 10 bộ nhạc: Yên nhạc (燕樂), Thanh Thương nhạc (清商樂), Tây Lương nhạc (西涼樂), Thiên Trúc nhạc (天竺樂), Cao Ly nhạc (高麗樂), Quy Từ nhạc (龟兹乐), An Quốc nhạc (安國樂), Sơ Lặc nhạc (疏勒乐), Khang Quốc nhạc (康國樂), và Cao Xương nhạc (高昌樂).[37] Sau đến thời Đường Cao Tông, 10 bộ nhạc đã bắt đầu suy lạc, các âm nhạc gia lại nghiên cứu về những loại nhạc vũ mới, còn những loại nhạc này dần dần mất đi về đến thời Đường Huyền Tông thì triệt tiêu hẳn. Đường Huyền Tông bản thân cũng là một âm nhạc gia, nên cũng tự thân diễn tấu được đàn tì bà, trống yết cổ và nhiều loại nhạc cụ và giỏi trong việc sáng tác, như có "Nghê thường vũ y khúc" (霓裳羽衣曲, Khúc múa váy xiêm có màu sắc cầu vồng), "Tiểu phá trận nhạc" (小破陣樂) và hơn hàng trăm nhạc khúc. Họ vô cùng coi trọng nhã nhạc, 10 bộ nhạc được phân thành Tọa bộ kĩ (坐部伎, ngồi tại trên tòa đường diễn tấu) và Lập bộ kĩ (立部伎, đứng trên tòa đường diễn tấu).[38] Hoàng đế đã từng đích thân tuyển 300 người tọa bộ kĩ, hiệu là "Hoàng đế lê viên đệ tử" (Đường Huyền Tông có tài âm nhạc, chọn ba trăm con em nhà nghề vào dạy ở trong vườn lê, vì thế ngày nay gọi rạp hát tuồng là lê viên), Lý Quy Niên (李龜年) và Vĩnh Tân nương tử (永新娘子) là hai người ca hát có tiếng vang một thời. Về vũ đạo (điệu múa) thì nhà Đường có 2 điệu cực kỳ có tiếng là kiện vũ (múa khỏe) và nhuyễn vũ (múa dẻo). Kiện vũ là dùng những tiết tấu sảng khoái, hào hùng mà nên hay, có tác phẩm "A liêu" (阿辽), múa "Chá chi" (柘枝, một điệu múa mà thân mình giống như là không có xương, người xem đều lấy làm kinh dị), "Phất lâm" (拂林), "Đại Vị Châu" (大渭州), "Hoàng chương" (黄獐, con hưu vàng), "A liên" (阿连), "Kiếm khí" (剑器), "Hồ toàn" (胡旋), "Hồ đằng" (胡腾), "Dương liễu chi" (杨柳枝)...nhiều loại. Nhuyễn vũ cũng gọi là văn vũ, nhu mềm uyển chuyển đẹp, tiết tấu thong thả, có các tác khúc "Thùy thủ la" (垂手罗), "Hồi ba nhạc" (回波乐), "Lan lăng vương" (兰陵王), "Xuân oanh chuyển" (春莺啭), "Tá tịch" (借席), "Ô dạ đề" (乌夜啼), "Lương Châu" (凉州), "Lục yêu" (绿腰), "Khuất chá chi" (屈柘枝), "Cam Châu" (甘州). Các loại điệu múa có tiếng như "Thất đức vũ" (七德舞), "Thượng nguyên vũ" (上元舞), "Cửu công vũ" (九功舞), lưu hành trong cung đình. Những người múa rất hay như Dương Quý Phi, Công Tôn Đại Nương (公孫大娘), Tạ A Man (谢阿蛮).[11] Thời nhà Tấn sau loạn Bát Vương, các loại nhạc múa của Tây Vực đã truyền vào Trung Hoa, dung hợp với ca múa Hoa Hạ tạo thành những điệu nhạc hay, truyền nối nhiều thế kỉ, đến thời Đường lại càng có nhiều loại đặc sắc.

Khoa học kỹ thuật[sửa]

Hoàng đồ ẩn nằm trong hang Mạc Cao ở thị trấn Đôn Hoàng
[[Image:|170px|alt=|Toàn bộ mặt bản đồ kinh thành Trường An]]
Toàn bộ mặt bản đồ kinh thành Trường An

Khoa học kỹ thuật đời Đường so với thời trước có nhiều phát minh tiến bộ. Nói về các phát minh như "Tứ đại phát minh" của Trung Quốc thì đã có 2 phát minh tập trung trong thời nhà Đường, tức thuốc nổ và bản mộc in ấn.

Xã hội[sửa]

Tập tin:Woman wearing hufu in Tang Dynasty.jpg
Một người phụ nữ trong tranh mặc "trang phục Hồ" loại "Phiên lĩnh"

Trong xã hội thời Đường, mặc dù thế lực của giới quý tộc bị tước giảm, nhưng vẫn không tạo ra được sự bình đẳng xã hội. Trong "Đường luật" có ghi rõ rằng, người phân ra 2 loại "lương" (lành, tốt) và "tiện" (hèn, đáng khinh rẻ), tiện dân thì chỉ được kết hôn với tiện dân thôi; những địa chủ có giết hại bộ khúc cũng chỉ phạt hình 1 năm, mà bộ khúc giết hại địa chủ thì xử trảm. Dù cũng đã thi hành chế độ khoa cử tuyển nhân tài, nhưng bọn con em thế tộc vẫn được sự ưu đãi trong tu dưỡng học hành và được dễ đề bạt làm chức tước cao, cho dù không có thi khoa cử đỗ đạt tiến sĩ gì nữa thì việc leo lên chức vẫn không khó gì; Tể tướng thời nhà Đường xuất thân từ quý tộc thế gia không phải là ít.[17] Những tiến sĩ được tuyển bạt thời Đường, một ít có mang hàm nghĩa công bằng xã hội, phòng cái tệ thi thì không nghiêm ngặt, thường có khảo hạch lại thi sinh khi có cả chủ khảo chấm, để xem cái thực học ra sao mà khen hay chê, đề phòng việc thí sinh lợi dụng quyền môn hoặc đút lót quan trường; nhưng mà cũng có những trang tài xuất chúng như Đỗ Phủ, vậy mà đỗ đạt khoa bảng vẫn thấp.[17]

Thời nhà Đường, ở phương Bắc có quận Sơn Đông luôn có tập trung những người mang địa vị xã hội rất cao, Thái Tông từng sai Cao Sĩ Liêm biên soạn "Thị tộc chí", hi vọng căn cứ việc chính trị tương lai có được thành tựu kết quả bình đẳng không có sự thiên vị thế tộc mà luôn tuyển người tài dựa vào khoa thi cử, sự đắc thế của bọn quý tộc vẫn không bị lay chuyển địa vị. Cuộc "Ngưu Lí đảng tranh" đã khiến cuộc thi cử trở nên còn hay mất là dựa vào bọn đảng phái, nhưng vẫn không thể cản trở được người thường dân muốn quật khởi chí khoa bảng. Lúc này kỹ thuật in ấn đã lưu hành rộng, sách vở nhiều, tư nhân mở lớp dạy cũng nhiều, học sinh các nơi rất đông và không có cách nào để lũng đoạn trí thức được. Từ trung kì nhà Đường cho đến thời Ngũ Đại liền năm nhiều sự biến loạn, điều đó khiến cho giới sĩ phu ở phương Bắc việc học bị phá hoại không còn như trước nữa, cho đến đời Bắc Tống thì sự học miền Bắc thật điêu linh. Các lãnh tụ sau này cũng không thể trừ bỏ được, do đó có câu "Giàu không quá ba đời", đành cứ theo chế độ khoa cử mà tuyển sĩ thân.

Thời Đường cũng có thịnh hành theo thời đại "phong cách Hồ". Sở dĩ có điều này là do đời Đường có sự pha tạp nhiều các tầng lớp không phải tộc người Hán về tập tục và ngôn ngữ, trong đó chủ yếu có những người thuộc sắc tộc du mục phía bắc và những người Tây Vực truyền phong tục, cũng do phong tục xã hội truyền thừa lại từ thời Ngũ Hồ thập lục quốc khi các dân tộc ngoại lai di dân về phía nam đến Trung Nguyên, những nhân tố tác động này hình thành "phong cách Hồ" rất lưu hành thời Đường. Như "nhạc Hồ", "trang phục Hồ", "thức ăn Hồ" rất cực thịnh ở kinh đô Trường An..}}Các loại phục sức văn hóa của Tây Vực có ảnh hưởng rất lớn đối với thời Tùy Đường, đặc biệt ở vùng phương Bắc khi mà người Hán người Hồ sống hòa quyện chung trong một chế độ, trang phục thường ngày là Hồ phục Tiên Ti, những dịp tế lễ quan trọng thì đổi sang mặc Hán phục (Đường phục). Người phụ nữ có địa vị cao trong xã hội, điều này được phản ánh trong trang phục. Con gái quý tộc và cung đình nhiều người để lộ một nửa ngực còn váy thì làm bằng tơ tằm, mỏng, rộng và thoải mái. Váy yếm là loại trang phục rất thông dụng và đối với ca nữ thường chỉ mặc che đến nách với sắc đẹp sặc sỡ lòe cả mắt, quý tộc nhuộm màu đẹp đẽ tao nhã. Thời nhà Tùy đã dùng sắc vàng để làm hoàng bào cho nhà vua. Đời Đường Cao Tổ đã quy định cấm dân gian mặc trang phục sắc vàng, hoàng bào trở thành trang phục chỉ sử dụng trong hoàng thất.[39][40]

Sự tương đồng với triều Hán[sửa]

Cũng như đời Hán có một phần đầu là Tần và một phần đuôi là Tam Quốc, đời Đường có một phần đầu là Tùy và phần đuôi là Ngũ Đại Thập Quốc, những thời kỳ này đều kéo dài tối đa 60 năm và mang đặc điểm chiến loạn liên miên (Tam Quốc - Ngũ Đại) hoặc có nền cai trị tàn bạo (Tần - Tùy). Các triều Tây Tấn và Bắc Tống đều là một lực lượng quý tộc xuất hiện trong lòng chính quyền cai trị miền bắc, dần dần lớn mạnh và soán vị Triều đại hiện hành tại miền bắc, tức việc Tấn Võ Đế phế vua Ngụy kiến lập Tây Tấn và Tống Thái Tổ phế vua Hậu Chu. Sau đó nam chinh để tái thống nhất Trung Quốc. Các Triều đại phía Nam là Thục Hán và Ngô hay Thập Quốc có kinh tế và văn hóa phát triển nhưng không có khả năng quân sự để thực hiện thống nhất nên chỉ có thể bị động chờ đợi đợt xâm chiếm từ phía bắc. Mặc dù có thể tái thống nhất và thiết lập được một thời kỳ thịnh vượng tương đối, nhưng nhà Tấn và nhà Tống không có khả năng chế ngự được các áp lực mạnh mẽ từ những nước do người Hồ thành lập ở phía bắc, và sau một thời kỳ ổn định tạm thời, đều phải dời về phía Nam do bị các dân tộc phía bắc xâm chiếm Trung Nguyên thành nhà Đông Tấn và Nam Tống, với quốc lực yếu kém hơn hẳn thời kỳ đầu. Việc bị chiếm hẳn phương bắc là điều chưa từng xảy ra đối với hai triều Hán - Đường, vì vậy nhà Tống cũng như nhà Tấn cũng được xem là phần đuôi của hai Triều đại lớn trước đó.

Khác với nhà Hán bị phân chia thành Tây Hán và Đông Hán một cách rõ rệt, nhà Đường về cơ bản có tính chất liên tục, tuy nhiên sự liên tục này không hoàn toàn, thời điểm thường được xem là sự gián đoạn tương đối của nhà Đường là thời Võ Tắc Thiên làm hoàng đế đã đổi quốc hiệu thành Chu (690 – 705). Hai Triều đại này đều kết thúc do bị quyền thần đoạt ngôi, Đường có phần bi thảm hơn nhiều do toàn bộ hoàng gia và đại thần đều bị Chu Ôn sát hại. Có lẽ chỉ trừ những con cháu Đường thất cư ngụ ở miền nam là tránh được bàn tay của Chu Ôn, trong đó có Lý Biện - người thành lập Nam Đường, ông tự xưng là cháu nhiều đời của Đường Hiến Tông.

Nhà Đường đã xây dựng được một cơ sở vững chắc hơn cho sự thống nhất vì vậy thời gian chia cắt sau đó ngắn hơn thời Hán và cũng không có thêm thời kỳ chia cắt lần 2 như Nam Bắc Triều sau khi Đông Tấn diệt vong. Nền tảng cho văn hóa Trung Hoa cũng được xây dựng đến mức độ toàn mỹ nhất, vì vậy Nhà Tống kế thừa điều đó trở nên thịnh vượng và lâu dài hơn nhà Tấn. Do vậy Đường - Tống đã trở thành thời kỳ phát triển cao nhất, hoàn bị nhất của văn minh Trung Hoa.

Vai trò của ngoại thích, tiết độ sứ và hoạn quan trong lịch sử nhà Đường[sửa]

Một điều đặc biệt của nạn ngoại thích và phiên trấn thời Đường là ngoài sự uy hiếp đến triều đình trung ương, nó lại giúp triều đình vững mạnh trong một số thời kỳ. Các thành tựu dưới thời Đường Cao Tông có sự góp phần không nhỏ từ sự tham chính của Võ Hậu, bản thân Cao Tông có bệnh về mắt và đột quỵ có tính di truyền trong hoàng tộc, dưới thời Võ Hậu tham chính rồi xưng đế không có sự bất ổn trong xã hội mà chỉ có biến loạn trong Đường thất, các hiền thần Khai Nguyên bắt đầu xuất hiện lúc này, vì vậy bà có thể được xem là người đặt nền móng cho Khai Nguyên thịnh thế. Khi nhà Đường suýt mất trong loạn An Sử loạn Hoàng Sào, vốn là hai cuộc nổi loạn có sức tàn phá hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc, có lẽ chỉ thua loạn Thái Bình Thiên Quốc Nội chiến Trung Quốc (1927-1950), nhà Đường đều nhờ binh lực của các tiết độ sứ kết hợp ngoại nhân mà vững vàng trở lại. Một số hoạn quan chẳng hạn như Cao Lực Sĩ trong vài thời kỳ đóng vai trò trung gian tích cực, điều hòa mối quan hệ giữa vua Đường và đại thần, các vua Đường Hiến Tông Tuyên Tông là do hoạn quan lập nên nhưng họ lại là những hoàng đế có năng lực, ngay bản thân một số hoạn quan (Lý Phụ Quốc, Ngư Triều Ân, Trình Nguyên Chấn, Câu Văn Trân, Vương Thủ Trừng, Cừu Sĩ Lương, Dương Phục Cung) trong thời kỳ này thì đóng vai trò tích cực, trong thời kỳ khác lại có tác động tiêu cực. Chính vì vậy các hoàng đế nhà Đường không bao giờ kiểm soát được họ, dẹp được thế lực này lại bị thế lực khác lừa dối và uy hiếp.

Ba vấn nạn này vừa tàn phá, lại vừa góp phần củng cố nền cai trị của nhà Đường, cho nên nếu nhìn theo góc độ tích cực, việc áp dụng chính sách tiết độ sứ của nhà Đường đã thành công trên mức trung bình chứ không phải thất bại. Sự sụp đổ vào đầu thế kỷ 10 còn mang tính chất cực kỳ bất ngờ khi vua Đường cần phải bị ám sát để Chu Ôn có thể cướp ngôi, vì Chu Ôn đã nhận thấy ở Đường Chiêu Tông khả năng khôi phục Đường thất nên đã giết ông. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu không thực hiện giải pháp ám sát bởi các tiết độ sứ xung quanh đa phần đều ủng hộ Chiêu Tông, Đường Ai Đế bị Chu Ôn ép nhượng vị khi chỉ mới 14 tuổi tất nhiên không thể chống nổi Toàn Trung. Không những vậy, Toàn Trung còn phải giết hại toàn bộ hoàng gia chỉ trừ Ai Đế, đến năm 908 cũng giết nốt để diệt trừ hậu họa. Sự kiện này cho thấy rằng đến những ngày cuối cùng của nhà Đường, quyền lực của hoàng đế tuy sụt giảm nghiêm trọng nhưng vẫn còn duy trì ở mức độ có thể giữ được ngai vàng một thời gian dài nữa, nếu như không có sự tiếm vị của Chu Ôn. Hoàng đế vẫn có khả năng kêu gọi được sự thần phục danh nghĩa của các tiết độ sứ và ra lệnh cho họ trong một số công việc, các nước phương nam và nhà Liêu phía Bắc chỉ tách ra sau khi Chu Ôn soán vị. Đó là lý do vì sau nhà Hậu Lương có lãnh thổ nhỏ và sớm diệt vong nhường chỗ cho nhà Hậu Đường. Triều đại này không phải con cháu họ Lý nhưng thành lập dưới danh nghĩa của họ Lý. Thực tế lãnh thổ của Hậu Lương là phạm vi quyền lực của triều đình trong những năm cuối cùng. Vì con cháu họ Lý đã bị giết hết nên Lý Tồn Úc tự lập làm vua, nếu Đường Ai Đế còn sống đến năm 923, chúng ta có thể suy đoán ông sẽ được Lý Tồn Úc tôn phò lên ngôi tiếp tục nhà Đường. Sau khi Hậu Đường bị diệt còn có nước Nam Đường tự xem là con cháu họ Lý và phát triển thịnh vượng nhất trong Thập Quốc. Sự xuất hiện của Nam Đường và Hậu Đường cho thấy uy danh của nhà Đường vẫn có sức ảnh hưởng cực lớn trong thời Ngũ Đại, ngay cả khi họ Lý đã không còn một ai. Trong trường hợp Lý Biện thực sự là con cháu họ Lý, thì sự kháng cự của Lý thị có thể đến năm 975 mới được xem là kết thúc.

Trong thời nhà Tống, việc giải trừ binh quyền của tiết độ sứ hóa ra lại mang nhiều hiểm họa khi nhà Tống bắt đầu tỏ ra yếu kém về quân sự ngay sau khi thống nhất được Thập Quốc, dẫn đến kết cục yếu kém trước Liêu - Kim - Tây Hạ - Mông Cổ, phải cắt đất xưng thần với họ và cuối cùng mất nước. Nhà Tống đã bộc lộ sự yếu kém về quân sự ngay từ cuối thế kỷ X, tức là không đầy 40 năm từ khi thành lập.

Niên biểu các sự kiện nhà Đường[sửa]

Thế kỷ 7: Sơ Đường[sửa]

613 Lý Uyên giữ chức Vệ úy thiếu khanh, Đậu thị qua đời

617 Lý Uyên lập Tùy Cung Đế

618 Giang Đô chính biến, Lý Uyên phế Cung Đế thành lập nhà Đường

618 diệt Tiết Cử, Tiết Nhân Cảo

621 diệt Tiêu Tiển, trận Hổ Lao

622 diệt Vương Thế Sung, Đậu Kiến Đức

623 diệt Lưu Hắc Thát                                                                     

624 diệt Phụ Công Thạch, Đỗ Phục Uy

626 Huyền Võ Môn chi biến (玄武門之變), Thái Tông lên ngôi, Vị Thủy chi minh                                        

626 - 649 Trinh Quán chi trị (貞觀之治)

629 Huyền Trang khởi hành sang Ấn Độ

630 bình định Đông Đột Quyết

634 bình định Thổ Cốc Hồn, xây dựng Đại Minh Cung

635 Cao Tổ qua đời

641 Thái Tông gả Văn Thành công chúa   

643 phế thái tử Lý Thừa Càn

645 Chiến tranh Cao Câu Ly - Đường 

649 Thái Tông qua đời, bắt đầu Trinh Quán di phong

650 - 655 Vĩnh Huy chi trị (永徽之治)

651 Võ thị được phong Chiêu nghi

653 Cao Dương công chúa cùng 2 thân vương bị buộc tự vẫn

654 giải cứu Tân La

655 Võ thị được phong Hoàng hậu

656 - 657 bình định Tây Đột Quyết                

658 chiến thắng Cao Câu Ly                

659 Trưởng Tôn Vô Kị bị bức tử, diệt Đô Man                

660 diệt Bách Tế                                                                  

662 chiến dịch Cao Câu Ly tạm thời thất bại, quân Đường rút lui                                                                 

663 Thổ Phiên chiếm Thổ Cốc Hồn, quân Đường giữ Bách Tế chuẩn bị đánh Cao Câu Ly                                                                 

665 Thượng Quan Nghi bị giết                                                                 

665 - 683 Nhị thánh lâm triều                                                                 

666 tế trời ở Thái Sơn                                                                 

666 - 668 diệt Cao Câu Ly, chia đất cho Tân La, lập An Đông đô hộ phủ                                                                 

668 thất bại trước Thổ Phiên                                                                 

673 - 674 bình định Tân La                                                                 

675 thái tử Lý Hoằng qua đời                                                                  

676 Tân La chiếm toàn bán đảo Triều Tiên                                                                  

678 Thổ Phiên đánh bại Lý Kính Huyền ở Thanh Hải                                                                 

679 vua Thổ Phiên Tùng Cán Tán Phổ qua đời, hòa hoãn với Thổ Phiên, đánh thắng Tây Đột Quyết                                                                 

680 Bùi Hành Kiệm bình định hẳn Tây Đột Quyết                                                                 

681 phế thái tử Lý Hiền                                                                 

682 đại phá quân Đột Quyết                                                                 

683 Đường Cao Tông qua đời                                                                 

Thế kỷ 8: Thịnh Đường[sửa]

Thế kỷ 9: Trung Đường[sửa]

Thế kỷ 10: Vãn Đường[sửa]

Đánh giá[sửa]

Nhà Đường, cùng với Nhà Chu nhà Hán, được coi là 3 Triều đại để lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thậm chí về nhiều mặt (lãnh thổ, tôn giáo...) nhà Đường còn vượt hơn 2 Triều đại trước. Do vậy nhà Đường còn được người dân Trung Hoa các đời sau ca tụng là "Thịnh thế Thiên triều". Ngày nay danh từ "người Đường" cũng thường được sử dụng tương tự như "người Hán" để chỉ người Trung Hoa, dù có phần ít thông dụng hơn.

Là Triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc, nhà Đường cũng đồng thời là Triều đại hỗn loạn nhất trong lịch sử với 4 vấn nạn chính của chế độ phong kiến diễn ra ở mức độ nghiêm trọng nhất: ngoại thích, hoạn quan, tiết độ sứ và khởi nghĩa nông dân, ngoài ra cũng không thiếu các cuộc đấu tranh trong nội bộ hoàng tộc (sự biến Huyền Vũ và cách mạng Đường Long là hai ví dụ). Các vấn nạn này xảy ra liên tục trong suốt gần 300 năm của nhà Đường và chỉ ngưng lại trong một số khoảng thời gian nhỏ, có tính chất luân phiên nhau. Ở những Triều đại khác cũng có những vấn nạn này nhưng ở thời Đường chúng có sức tàn phá nặng nề nhất, bi thảm nhất khiến cho Trung Quốc không thể phục hồi suốt gần 1000 năm sau đó, mở đầu cho thời kỳ các bộ tộc phương bắc mạnh lên.

Trong khoảng 150 năm đầu là thời đại ngoại thích xen kẽ đấu tranh hoàng tộc, 150 năm cuối là thời đại hoạn quan kết hợp với tiết độ sứ, cùng với khởi nghĩa nông dân, sức nặng quyền lực di chuyển dần từ triều đình ra các vùng biên, cuối cùng tập trung hoàn toàn trong tay các tiết độ sứ từ khu vực xung quanh kinh đô trở ra. Triều đại của Đường Huyền Tông là giai đoạn chuyển giao giữa 2 thời đại này khi quyền lực của hoạn quan và các tiết độ sứ được tăng lên cùng với quyền lực của ngoại thích trong triều đình suy giảm. Hai cuộc nổi loạn lớn nhất (loạn An - Sử Hoàng Sào) đã tàn phá hoàn toàn nguyên khí nhà Đường và khiến trung tâm văn minh của Trung Quốc dịch chuyển xuống phía nam. Nhìn chung, 150 năm cuối nhà Đường là giai đoạn đen tối bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Đường sụp đổ cũng khởi đầu cuộc di dân lớn của người Hán xuống phía nam và các nước xung quanh.

Âu Dương Tu, Tống Kì (宋祁) trong sách "Tân Đường thư" ở phần "Bắc Địch truyện" đối với công tích của nhà Đường đều có khẳng định: "Nhà Đường có đức lớn vậy !" (唐之德大矣, Đường chi đức đại hĩ).

Nhà sử học Hướng Đạt (向达, 1900 - 1966): "Lý Đường là thời đại chỉ có một trong lịch sử, trên có tiếng vang hơn cả Hán, Ngụy, Lục triều. Dưới đến Lưỡng Tống đổi vận mới cho văn minh. Mà có thể làm cho rực rỡ huy hoàng, kế tập những văn vật cũ, hấp thu những tinh anh của ngoại lai. Có những ảnh hưởng rất sâu sắc đến tư tưởng học thuật thời Lưỡng Tống, là không thể ngược lại được gốc nguồn (nhà Đường) đó".

Vua Minh Hiến Tông: "Từ thời Tam Đại về sau, công lao cai trị không đâu thịnh bằng nhà Đường, mà trong 300 năm triều Đường, không đâu thịnh bằng thời Trinh Quán (Đường Thái Tông)". "Làm việc giúp đời yên dân, thành sự rực rỡ lạ thường, cơ hồ chẳng lúc nào bằng được, có lòng quý thương, sửa mình mà chính lại cái lòng tự lấy làm thẹn với đạo của Nhị Đế Tam Vương, không vị nào thành thật vậy. Nói đến những bậc phát triển cơ nghiệp, đáng chỉ có đây là đỉnh cao rồi vậy".

Nhà Hán Học là Max Weber: "Dựng nên văn hóa và bản đồ Trung Quốc với những bậc dựng nghiệp chân chính, nhà Đường đáng lưu vinh đến muôn đời.

Vương Phu Chi (王夫之) nhà Minh: "Thịnh thế Khai Nguyên, Hán Tống cũng không bằng". "Trước có Hán, sau có Tống, đều không bì kịp".

Các vị vua của nhà Đường[sửa]

Nhà Đường và Vũ Chu (618907
Miếu hiệu Thụy hiệu Họ tên Thời gian làm vua Niên hiệu Lăng mộ
Nhà Đường (trước thời Vũ Chu)(618690
Cao Tổ (高祖) Thần Nghiêu Đại Thánh Đại Quang Hiếu hoàng đế
神尧大圣大光孝皇帝
Lý Uyên (李渊) 618626 Vũ Đức (武德, 618626) Hiến lăng (獻陵)
Thái Tông (太宗) Văn Vũ Đại Thánh Đại Quảng Hiếu hoàng đế
文武大圣大广孝皇帝
Lý Thế Dân (李世民) 626649 Trinh Quán (貞觀,627649) Chiêu lăng (昭陵)
Cao Tông (高宗) Thiên Hoàng Đại Thánh Đại Hoằng Hiếu hoàng đế
天皇大圣大弘孝皇帝
Lý Trị (李治) 649683 Vĩnh Huy (永徽, 650655)
Hiển Khánh (显庆,656661)
Long Sóc(龙朔, 661663)
Lân Đức (麟德, 664665)
Càn Phù (乾封, 666668)
Tổng Chương (總章, 668670)
Hàm Hanh (咸亨, 670674)
Thượng Nguyên (上元, 674676)
Nghi Phượng (儀鳳, 676679)
Điều Lộ (調露, 679680)
Vĩnh Long (永隆, 680681)
Khai Diệu (开耀, 681682)
Vĩnh Thuần (永淳, 682683
Hoằng Đạo (弘道, 683)
Càn Lăng (乾陵)]]
Trung Tông (中宗)
(bị phế)
Đại Hòa Đại Thánh Đại Chiêu Hiếu hoàng đế
大和大圣大昭孝皇帝
Lý Hiển (李显) 684684 Tự Thánh (嗣圣, 684 Định Lăng (定陵)
Duệ Tông (睿宗)
(bị phế)
Huyền Chân Đại Thánh Đại Hưng Hiếu hoàng đế
玄真大圣大兴孝皇帝
Lý Đán (李旦) 684690 Văn Minh (文明, 684
Quang Trạch (光宅, 684)
Thùy Củng (垂拱, 685688)
Vĩnh Xương ([[永昌, 689)
Tải Sơ (载初, 690)
Kiều Lăng (橋陵)
Vũ Chu690705
Tắc Thiên Thuận Thánh hoàng hậu
則天順聖皇后
Tắc Thiên Đại Thánh hoàng đế
则天大圣皇帝
Vũ Chiếu (武曌) 690705 Thiên Thụ (天授, 690692)
Như Ý (如意, 692)
Trường Thọ (长寿, 692694)
Diên Tải (延載, 694)
Chứng Thánh (証聖, 695)
Thiên Sách Vạn Tuế (天冊萬歲, 695)
Vạn Tuế Đăng Phong (萬歲登封, 696)
Vạn Tuế Thông Thiên (萬歲通天, 696697)
Thần Công (神功, 697)
Thánh Lịch (聖曆, 698700)
Cửu Thị (久視, 700701)
Đại Túc (大足, 701)
Trường An (长安, 701705
Càn Lăng (乾陵)
Nhà Đường(sau thời Vũ Chu)(705907
Trung Tông (中宗)
(phục ngôi)
Đại Hòa Đại Thánh Đại Chiêu Hiếu hoàng đế
大和大圣大昭孝皇帝
Lý Hiển (李显) 705710 Thần Long (神龍, 705707)
Cảnh Long (景龍, 707710
Định Lăng (定陵)
Cung Tông (恭宗)
Thương hoàng đế Lý Trùng Mậu (李重茂) 710710 Đường Long (唐隆, 710)
Duệ Tông (睿宗)
(phục ngôi)
Huyền Chân Đại Thánh Đại Hưng Hiếu hoàng đế
玄真大圣大兴孝皇帝
Lý Đán (李旦) 710712 Cảnh Vân (景雲, 710712)
Thái Cực (太極, 712)
Diên Hòa (延和, 712)
Kiều Lăng (橋陵)
Huyền Tông (玄宗) Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu hoàng đế
至道大圣大明孝皇帝
Lý Long Cơ (李隆基) 712756 Tiên Thiên ([[先天, 712713)
Khai Nguyên (开元, 713741)
Thiên Bảo (天宝, 742756
Thái Lăng (泰陵)
Túc Tông (肅宗) Văn Minh Vũ Đức Đại Thánh Đại Tuyên Hiếu hoàng đế
文明武德大圣大宣孝皇帝
Lý Hanh (李亨) 756762 Chí Đức (至德, 756758)
Càn Nguyên (乾元, 758760)
Thượng Nguyên (上元, 760761)
Bảo Ứng (寶應, 762763)
Kiến Lăng (建陵)
Đại Tông (代宗) Duệ Văn Hiếu Vũ hoàng đế
睿文孝武皇帝
Lý Dự (李豫) 762779 Bảo Ứng (寶應, 762763)
Quảng Đức (廣德, 763764)
Vĩnh Thái (永泰, 765766)
Đại Lịch (大曆, 766779)
Nguyên Lăng (元陵)
Đức Tông (德宗) Thần Vũ Hiếu Văn hoàng đế
神武孝文皇帝
Lý Quát (李适) 779805 Kiến Trung (建中, 780783)
Hưng Nguyên (興元, 784)
Trinh Nguyên (貞元, 785805)
Sùng Lăng (崇陵)
Thuận Tông (顺宗) Chí Đức Hoằng Đạo Đại Thánh Đại An Hiếu hoàng đế
至德弘道大圣大安孝皇帝
Lý Tụng (李诵) 805806 Vĩnh Trinh (永貞, 805) Phong Lăng (丰陵)
Hiến Tông (宪宗) Chiêu Văn Chương Vũ Đại Thánh Chí Thần Hiếu hoàng đế
昭文章武大圣至神孝皇帝
Lý Thuần (李纯) 805820 Nguyên Hòa (元和, 806820) Cảnh Lăng (景陵)
Mục Tông (穆宗) Duệ Thánh Văn Huệ Hiếu hoàng đế
睿圣文惠孝皇帝
Lý Hằng (李恒) 820824 Trường Khánh (長慶, 821824) Quang Lăng (光陵)
Kính Tông (敬宗) Duệ Vũ Chiêu Mẫn Hiếu hoàng đế
睿武昭愍孝皇帝
Lý Trạm (李湛) 824827 Bảo Lịch (寶曆, 825827) Trang Lăng (庄陵)
Văn Tông (文宗) Nguyên Thánh Chiêu Hiến Hiếu hoàng đế
元圣昭献孝皇帝
Lý Ngang (李昂) 827840 Bảo Lịch (寶曆, 825827)
Đại Hòa (大和, 827835)
Khai Thành (開成, 836840)
Chương Lăng (章陵)
Vũ Tông (武宗) Chí Đạo Chiêu Túc Hiếu hoàng đế
至道昭肃孝皇帝
Lý Viêm (李炎) 840846 Hội Xương (会昌, 841846) Đoan Lăng (端陵)
Tuyên Tông (宣宗) Nguyên Thánh Chí Minh Thành Vũ Hiến Văn Duệ Trí Chương Nhân Thần Thông Ý Đạo Đại Hiếu hoàng đế
元圣至明成武献文睿智章仁神聪懿道大孝皇帝
Lý Thầm (李忱) 846859 Đại Trung (大中, 847860) Trinh Lăng (貞陵)
Ý Tông (懿宗) Chiêu Thánh Cung Huệ Hiếu hoàng đế
昭圣恭惠孝皇帝
Lý Thôi (李漼) 859873 Hàm Thông (咸通, 860874) Giản Lăng (簡陵)
Hi Tông (僖宗) Huệ Thánh Cung Định Hiếu hoàng đế
惠圣恭定孝皇帝
Lý Huyên (李儇) 873888 Càn Phù (乾符, 874879)
Quảng Minh (廣明, 880881)
Trung Hòa (中和, 881885)
Quang Khải (光啟, 885888)
Văn Đức (文德, 888)
Tĩnh Lăng (靖陵)
Chiêu Tông (昭宗) Thánh Mục Cảnh Văn Hiếu hoàng đế
圣穆景文孝皇帝
Lý Diệp (李晔) 888904 Long Kỉ (龍紀, 889)
Đại Thuận (大順, 890891)
Cảnh Phúc (景福,892893)
Càn Ninh (乾寧, 894898)
Quang Hóa (光化, 898901)
Thiên Phục (天复, 901904)
Thiên Hựu (天祐, 904)
không (có nhà Hậu Đường truy là Cảnh Tông 景宗) Ai hoàng đế
(Hậu LươngThái Tổ truy)
Chiêu Tuyên Quang Liệt Hiếu hoàng đế
昭宣光烈孝皇帝
(Hậu ĐườngTrang Tông truy)
Lý Chúc (李柷) 904907 Thiên Hựu (天祐, 904907
  • Ghi chú: Sau khi Võ Tắc Thiên bị bức thoái vị năm 705, Đường Trung Tông (Lý Hiển) lên ngôi, khôi phục quốc hiệu Đường. Hoàng hậu họ Vi ám hại Trung Tông, đưa một hoàng tử nhỏ tuổi là Lý Trọng Mậu lên ngôi gọi là Thiếu Đế hay Thương Đế, để lũng đoạn triều chính. Lý Long Cơ phối hợp với cô là Thái Bình công chúa (con Võ Tắc Thiên) làm chính biến, giết chết Vi hậu. Lý Đán lên ngôi, tức là Đường Duệ Tông, Lý Long Cơ được phong làm thái tử.

Tham chiếu[sửa]

  • Benn, Charles. 2002. China's Golden Age: Everyday Life in the Tang Dynasty. Oxford University Press. ISBN 0-19-517665-0.
  • Schafer, Edward H. 1963. The Golden Peaches of Samarkand: A study of T’ang Exotics. University of California Press. Berkeley and Los Angeles. 1st paperback edition: 1985. ISBN 0-520-05462-8.
  • Schafer, Edward H. 1967. The Vermilion Bird: T’ang Images of the South. University of California Press. Berkeley and Los Angeles.

Xem thêm[sửa]

Chú thích[sửa]


Tư liệu tham khảo[sửa]

  1. Ebrey, Walthall & Palais 2006, tr. 91.
  2. Ebrey 1999, tr. 111.
  3. Ebrey 1999, tr. 141.
  4. Du 1998, tr. 37.
  5. Fairbank & Goldman 2006, tr. 106.
  6. Yu 1998, tr. 73–87.
  7. 7,00 7,01 7,02 7,03 7,04 7,05 7,06 7,07 7,08 7,09 7,10 7,11 7,12 7,13 7,14 7,15 7,16 7,17 7,18 Giang Tăng Khánh (江增慶). "第四篇第一章 隋唐". Trung Quốc tông sử cương yếu (中國通史綱要).
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第四章〈隋帝國的亂亡〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  9. Từ Tuấn (徐俊) (2000). Trung Quốc cổ đại Vương triều hòa chính quyền danh hiệu tham nguyên (中国古代王朝和政权名号探源). Vũ Hán: Hoa Trung Sư phạm Đại học xuất bản xã (华中师范大学出版社). 179-182. ISBN 7562222770.
  10. Adshead 2004, tr. 40–41.
  11. 11,0 11,1 11,2 11,3 11,4 11,5
  12. 12,0 12,1 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第五章〈唐太宗的政治〉". 《Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  13. Trung Quốc thông sử của Phạm Văn Lan
  14. 14,0 14,1 14,2 14,3 14,4 14,5 14,6 Phạm Văn Lan (范文瀾). "第二章 封建经济繁荣疆域大扩张时期——唐". Trung Quốc thông sử (中國通史). 3.
  15. 15,0 15,1 15,2 15,3 15,4 15,5 15,6 15,7 15,8 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第八章〈唐代的武功(上)". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第六章〈武后的稱帝〉". 《Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  17. 17,0 17,1 17,2 17,3 Hoàng Nhân Vũ (黃仁宇). "第十章 第二帝國:已有突破,但未竟事功". Trung Quốc đại lịch sử (中國大歷史).
  18. Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第七章〈唐玄宗的政治與安史之亂〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  19. 19,0 19,1 19,2 19,3 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十章〈藩鎮的割據〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  20. 20,0 20,1 20,2 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十二章〈宦官與黨爭〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  21. 21,0 21,1 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十三章〈唐帝國的滅亡〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  22. 22,0 22,1 22,2 22,3 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第八章〈唐代的武功(下)〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  23. 23,0 23,1 23,2 23,3 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十一章〈安史之後的對外關係〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  24. 24,0 24,1 24,2 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十六章〈唐代的制度(上)〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  25. Khâu Thụ Sâm (邱树森) (1996). Trung Quốc Hồi tộc sử (中国回族史). Ninh Hạ Nhân dân xuất bản xã (宁夏人民出版社). ISBN 7-227-01724-9.
  26. 26,0 26,1 26,2 Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十七章〈唐代的制度(下)〉". Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  27. 27,0 27,1 27,2 Đại học Phúc Đán, ed (1982). "第四章〈封建社會北朝隋唐(前期)的經濟〉". Trung Quốc cổ đại kinh yế giản sử (中國古代經濟簡史).
  28. Phó Cập Quang (傅及光) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Nghiên cứu văn hóa trà đời Đường (唐代茶文化之研究)” (bằng zh-tw) định dạng (PDF). Luận văn thạc sĩ ban thạc sĩ hệ văn học Trung Quốc, Đại học Phùng Giáp. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  29. 藝術與建築索引典—唐 Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2011
  30. Ebrey, Walthall, Palais, (2006). East Asia: A Cultural, Social, and Political History. Boston: Houghton Mifflin Company. pg.156.
  31. Bowman, John S. (2000). Columbia Chronologies of Asian History and Culture. New York: Columbia University Press. pg.105
  32. Gernet, Jacques (1962). Daily Life in China on the Eve of the Mongol Invasion, 1250-1276. Stanford: Stanford University Press. ISBN 0-8047-0720-0. pg.60.
  33. Lưu Ngọc Phong (劉玉峰) (2002). "唐代貨幣制度與貨幣流通淺論" (Trung văn giản thể). Học báo Đại học Sơn Đông (Tế Nam) (6).
  34. 34,00 34,01 34,02 34,03 34,04 34,05 34,06 34,07 34,08 34,09 34,10 34,11 34,12 34,13 Phạm Văn Lan (范文瀾). "第七章〈唐五代的文化概况〉". Trung Quốc thông sử (中國通史). 3.
  35. Phó Nhạc Thành (傅樂成) (1993). "第十八章〈唐代的宗教〉". 《Trung Quốc thông sử-Tùy Đường Ngũ Đại sử (中國通史 隋唐五代史).
  36. “唐代摩尼教流傳概況” (bằng Trung văn phồn thể). 佛教沈香林紀念中學. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  37. Hướng Đạt (向达). 唐代长安与西域文明·西域传来之画派与乐舞. ISBN 7-5434-4237-X.
  38. 陈凌 陈奕玲. 胡乐新声——丝绸之路上的音乐. tr. 75. ISBN 7-102-03216-1.
  39. Trương Thư Quang (张书光) (1990). 中国历代服装资料. 安徽美术出版社. ISBN 7-5398-0141-7.
  40. Hoàng Nằn Phức (黄能馥) & Trần Quyên Quyên (陈娟娟) (1995). 中国服装史. 中国旅游出版社. ISBN 7-5032-1853-3.

Liên kết ngoài[sửa]

Tiếng Trung
Tiếng Anh

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.