Chữ Hán

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tập tin:Hanzi.svg
Hai cách viết tên của chữ Hán trong tiếng Hoa: phồn thể giản thể

Chữ Hán, còn gọi là Hán tự (chữ Hán phồn thể: 漢字, giản thể: 汉字), Hán văn (漢文/汉文),[1], chữ nho, chữ Trung Quốc là một dạng chữ viết biểu ý của tiếng Trung Quốc. Chữ Hán có nguồn gốc bản địa, sau đó du nhập vào các nước lân cận trong vùng bao gồm Triều Tiên, Nhật Bản Việt Nam. Tại các quốc gia này, chữ Hán được vay mượn để tạo nên chữ viết cho ngôn ngữ của dân bản địa ở từng nước.

Tên gọi[sửa]

Tại Trung Quốc, trước thời nhà Tần, chữ Hán được gọi là “văn” 文 hoặc “danh” 名. Từ nhà Tần cho đến trước khi tên gọi “Hán tự” 漢字 (chữ Hán) trở nên phổ biến chữ Hán thường chỉ được gọi là “văn” 文, “tự” 字 hoặc “văn tự” 文字.[2] Theo sách “Thuyết văn giải tự” (說文解字) do Hứa Thận biên soạn vào thời Đông Hán thì giữa “văn” 文 và “tự” 字 vốn là có sự phân công ý nghĩa, chứ không phải là hoàn toàn đồng nghĩa. “Văn” 文 là chỉ chữ tượng hình và chỉ sự, “tự” 字 là chỉ chữ hình thanh và hội ý. Về sau người ta không còn phân biệt “văn” 文 và “tự” 字 nữa, chữ viết dù thuộc loại gì cũng đều có thể gọi là “văn” 文 hoặc “tự” 字.[3]

Các tên gọi dùng để chỉ chữ Hán đã nêu ở trên đều có nghĩa là “chữ, chữ viết”, chúng không phải là tên gọi chuyên chỉ chữ Hán.[2]

Tên gọi “Hán tự” 漢字 xuất hiện sớm nhất là trong Kim sử, một bộ sách sử được biên soạn vào thời nhà Nguyên.[4] Tuy nhiên khi đó “Hán tự” 漢字 không phải là một tên gọi phổ biến của chữ Hán. Chỉ cho đến thời cận đại (tại Trung Quốc đại lục lịch sử Trung Quốc cận đại thường được tính là từ năm 1840 đến năm 1949) tên gọi “Hán tự” 漢字 mới dần dần được biết đến và sử dụng rộng rãi.[2]

Tại Việt Nam, trước thời Pháp thuộc, người Việt thường chỉ gọi chữ Hán là “chữ” hoặc “văn tự”.[5] Từ điển Việt-Bồ-La của A Lịch Sơn Đắc Lộ (thế kỷ XVII) đã giải nghĩa từ "chữ" của tiếng Việt bằng tiếng Bồ Đào Nha La-tinh là chữ Trung Quốc.[6]

Từ “chữ” trong tiếng Việt là âm Hán Việt cổ của chữ “tự” 字, bắt nguồn từ âm đọc trong tiếng Hán thượng cổ của chữ này.[7]

Sơ lược[sửa]

Tập tin:Map-Chinese Characters.png
Những quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng của chữ Hán.
Xanh lục đậm: chữ Hán phồn thể được dùng chính thức (Cờ Trung Hoa Dân Quốc Trung Hoa Dân Quốc, Ma Cao, Hồng Kông)
Xanh lục: chữ Hán giản thể được dùng chính thức nhưng chữ Hán phồn thể vẫn thông dụng ( Singapore, Mã Lai)
Xanh lá mạ: chữ Hán giản thể được dùng chính thức ( CHND Trung Hoa)
Xanh lục nhạt: được sử dụng song song với hệ chữ viết khác trong cùng ngôn ngữ (Cờ Hàn Quốc Hàn Quốc Nhật Bản)
Vàng: trước đây đã từng được dùng chính thức nhưng nay không dùng nữa ( Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên Cờ Việt Nam Việt Nam)

Truyền thuyết cho rằng Hoàng Đế là người sáng tạo ra văn tự Trung Hoa từ 4-5 ngàn năm trước nhưng ngày nay không còn ai tin rằng Hoàng Đế là nhân vật có thực nữa. Cả thuyết Thương Hiệt cho chữ mà các học giả thời Chiến Quốc đưa ra cũng không thuyết phục vì không ai biết Thương Hiệt ở đời nào. Gần đây người ta đào được ở An Dương (Hà Nam) nhiều mu rùa, xương loài vật, và đồ đồng trên đó có khắc chữ, và các nhà khảo cổ phỏng đoán rằng chữ viết ở Trung Hoa ra đời muộn nhất là vào thời kỳ nhà Thương, khoảng 1800 năm trước Công nguyên.[cần dẫn nguồn]

Cũng như Ai Cập và nhiều dân tộc văn minh thời thượng cổ, chữ viết Trung Hoa thời đó là những hình biểu ý, nghĩa là vẽ phác vật mình muốn chỉ. Chẳng hạn như:

Đó là vào thời kỳ đầu, đến giai đoạn tiếp theo thì chữ cũng tượng hình mà thêm tính cách biểu ý như

Qua giai đoạn sau, mỗi hình ở Ai Cập chỉ một vần, như <hiero>D21</hiero> chỉ cái miệng, nhưng miệng người Ai Cập thời xưa đọc là ra (hay re), cho nên vần đó chỉ thêm vần ra (hay re). Giai đoạn cuối, mỗi hình (gọi là dấu cũng được) chỉ một âm như hình <hiero>D21</hiero> không chỉ vần ra (hay re) nữa mà chỉ phụ âm r. Từ đó, chữ viết cổ Ai Cập không còn là chữ tượng hình mà hình thành chữ tượng thanh - cũng gọi là ký âm - như các chữ của phương Tây: Hy Lạp, La Mã,...

Chữ Trung Hoa, trái lại, ngừng ở giai đoạn hai, không dùng hình để chỉ vần, ghi âm, mà dùng thêm nhiều cách khác để tạo chữ mới như hội ý, giả tá, chuyển chú... Tóm lại, chữ viết vẫn giữ tính chất tượng hình mà không thành tượng thanh, mặc dầu có sử dụng phép hài thanh: dùng thanh âm của một chữ để ghi thanh âm của một chữ khác. Ví dụ dùng chữ thành (成), là nên, để ghi âm chữ thành (城) là thành lũy và chữ thành (誠) là thành thực; như vậy hai chữ thành 城 và 誠, mỗi chữ gồm hai phần - một phần ghi âm (thành 成), một phần ghi ý. Như chữ thành (城) bao gồm thổ (土) là đất (vì thành làm bằng đất) và ngôn (言) là lời (lời nói thành thật).

Đặc điểm[sửa]

Lợi[sửa]

Tập tin:龜-bw.png
Cách viết chữ quy (龜)
Tập tin:永-order.gif
Cách viết chữ vĩnh (永)
  • Khi nhớ mặt chữ của một từ thì người học rất khó quên được ý nghĩa của nó, chẳng hạn chữ an (安) gồm nữ (女 đàn bà) ở dưới miên (宀 mái nhà) nên có nghĩa là an (an ổn), hoặc chữ minh (明) gồm nhật (日 mặt trời) và nguyệt (月 Mặt Trăng) nên có nghĩa là sáng. Như vậy mỗi từ của Trung Hoa có tính chất sống động hơn từ của phương Tây và vì vậy đọc một bài thơ Trung Hoa viết bằng chữ Trung Hoa thì cảm thấy có ý nghĩa hơn, thú vị hơn khi đọc cũng bài thơ đó phiên âm ra chữ quốc ngữ. Cái thú còn tăng thêm gấp bội nếu ta thưởng thức được nét bút của người viết, và ai cũng nhận ra môn "thư họa" (vẽ chữ) của Trung Hoa là bước đầu của môn hoạ, người Trung Hoa nào viết chữ đẹp cũng được xem giống như một hoạ sĩ.
  • Lợi ích lớn nhất cho dân tộc Trung Hoa là nhờ lối chữ tượng hình mà họ nhanh chóng thống nhất được đất nước, dễ giữ được đế quốc của họ, vượt được hết nhiều dị biệt của các thổ ngữ, những hàng rào ngôn ngữ. Họ có rất nhiều thổ ngữ, nếu dùng một thứ chữ tượng thanh, như tự mẫu La Tinh chẳng hạn, thì người Bắc Kinh không sao hiểu được người Vân Nam, người Tứ Xuyên không sao hiểu được người Sơn Đông..., mà nước của họ đã bị chia thành nhiều tiểu quốc, dân tộc rồi, như châu Âu có người Ý, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...
  • Cũng nhờ lối chữ đặc biệt này mà rất nhiều Hoa kiều ở khắp thế giới từ Đông Nam Á tới Âu Châu, Mỹ Châu, dù sinh sống ở quốc gia nào và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khác nhưng vẫn giữ được nền văn hóa cổ, vẫn giữ được phong tục, truyền thống và dùng bút đàm mà hiểu được nhau.[8]

Bất lợi[sửa]

  • Thời gian học dài: Người học chữ Trung Quốc phải có nhiều (hai ba năm) mới nhớ được mặt chữ của ba bốn ngàn từ thường dùng; nếu dùng lối tượng thanh thì nhanh và đơn giản hơn.[9]
  • Chữ viết phức tạp, nhiều nét: có những chữ trên hai mươi lăm nét.
  • In sách báo tốn công vì rất rắc rối, phải sắp gần một vạn chữ vì không thể dùng ba bốn chục ký tự mẫu và dấu như các chữ lối tượng thanh.
  • Không đánh được tín hiệu: phải dùng khoảng 8.000 dấu hiệu (code), mỗi dấu hiệu thay cho một chữ.

Chữ Hán ở các nước[sửa]

Trung Quốc[sửa]

Chữ Hán bắt nguồn từ Trung Quốc từ thời xa xưa dựa trên việc quan sát đồ vật xung quanh và vẽ thành dạng chữ tượng hình, chữ mang ý nghĩa. Chữ Hán đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Cho tới hiện nay, chữ Hán cổ nhất được cho là loại chữ Giáp Cốt (Giáp Cốt Tự 甲骨字), chữ viết xuất hiện vào đời nhà Ân (殷) vào khoảng thời 1600-1020 trước Công Nguyên. Chữ Giáp Cốt là chữ Hán cổ viết trên các mảnh xương thú vật và có hình dạng rất gần với những vật thật quan sát được.

Chữ Giáp Cốt tiếp tục được phát triển qua các thời:

  • Nhà Chu 周 (1021-256 TCN) có chữ Kim (Kim Văn 金文), là chữ viết trên các chuông bằng đồng kim loại
  • Chiến Quốc 戰國 (403-221 TCN) và thời nhà Tần 秦 (221-206 TCN) có chữ Triện (Đại Triện và Tiểu Triện) và có chữ Lệ (Lệ Thư 隸書)
  • Nhà Hán 漢 (Tiền Hán 206 TCN-8 CN, Hậu Hán 25-220) có chữ Khải (Khải Thư 楷書)

Ngoài ra còn có chữ Hành (Hành Thư 行書) và chữ Thảo (Thảo Thư 草書). Chữ Khải là loại chữ được dùng bút lông chấm mực tàu viết trên giấy và rất gần với hình dáng chữ Hán ngày nay vẫn còn được dùng ở Nhật, Đài Loan hay Hồng Kông. Chữ Thảo là loại chữ được viết bằng bút lông có lược bớt hoặc ghép một số nét lại. Sự phát triển chữ Hán trải qua các thời kỳ có thể được minh họa bằng một số chữ sau:

Giáp cốt văn Kim văn Triện thư Lệ thư Thảo thư Khải thư Hành thư

Ngày nay tại Trung Quốc đại lục, bộ chữ Giản thể (簡體字) đã thay thế cho bộ chữ Phồn thể (正體字).

Việt Nam[sửa]

Xem chi tiết: Chữ viết tiếng Việt

Nhiều tác giả cho rằng chữ Hán du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ 1 TCN, ngay sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Trong suốt một nghìn năm, từ thế kỷ 1 TCN tới năm 938, tiếng Việt bị ảnh hưởng mạnh mẽ của chữ Hán (hay còn gọi là chữ nho).

Nước Nam Việt được Triệu Đà thành lập vào thế kỷ thứ 3 TCN, khi nhà Tần đang thống nhất chữ viết (vào thời chiến quốc, mỗi nước phát triển chữ viết khác nhau). Hơn một thế kỷ sau, khi Lưu Bang lật đổ nhà Tần lập nhà Hán, nhà Hán mới thôn tính được Nam Việt (khoản năm 111 TCN). Cổ vật trong lăng mộ của Hán Văn Đế cho thấy chữ viết của Nam Việt khá hoàn chỉnh. Sau này, nhà sử học Lê Mạnh Thát phát hiện rằng ngay cả Hán thư cũng dùng phương ngôn của người Việt.

Trong suốt thời gian Bắc thuộc đó, với chính sách Hán hóa của nhà Hán, tiếng Hán đã được giảng dạy ở Việt Nam và người Việt đã chấp nhận ngôn ngữ mới đó song song với tiếng Việt, tiếng nói truyền miệng. Tuy người Việt Nam tiếp thu tiếng Hán và chữ Hán nhưng cũng đã Việt hóa nhiều từ của tiếng Hán thành từ Hán-Việt. Từ đó đã có rất nhiều từ Hán-Việt đi vào trong từ vựng của tiếng Việt. Sự phát triển của tiếng Hán ở Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc song song với sự phát triển của tiếng Hán ở chính Trung Quốc thời đó. Tuy nhiên, năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, người Việt đã độc lập và không còn lệ thuộc vào phương Bắc nữa, nhưng ngôn ngữ vẫn còn đậm ảnh hưởng của tiếng Hán. Sang thời kỳ tự chủ chữ Hán giữ địa vị là văn tự chính thức nhưng cách đọc đã phát triển theo hướng riêng, khác với sự phát triển tiếng Hán ở Trung Quốc.

Trong quá trình đó chữ Hán vẫn được người Việt dùng và phát triển thêm nhưng cách phát âm chữ Hán lại bị chi phối bởi cách phát âm của người Việt, tạo ra và củng cố dần âm Hán-Việt. Do nhu cầu phát triển, người Việt đã sử dụng chữ Hán để tạo ra chữ viết riêng, tức chữ Nôm. Trong khi đó cổ văn Hán vẫn được coi là mẫu mực để noi theo.[10]

Triều Tiên[sửa]

Hán ngữ được du nhập vào bán đảo Triều Tiên khá lâu, khoảng thời kỳ đồ sắt. Đến thế kỷ thứ 4 trước công nguyên xuất hiện các văn bản viết tay của người Triều Tiên. Các bản viết tay này được sử dụng chữ Hán. Tiếng Hán là thứ ngôn ngữ khó, dùng chữ Hán để viết tiếng Triều Tiên trở nên phức tạp, cho nên các học giả người Triều Tiên đã tìm cách cải biến chữ Hán để phù hợp với âm đọc của tiếng Triều Tiên. Vào khoảng thế kỷ thứ 15, ở Triều Tiên xuất hiện chữ ký âm, được gọi là Hangul (한글) hay Chosŏn'gŭl (조선글), chữ này trải qua nhiều thế kỷ phát triển thăng trầm, cuối cùng chính thức được dùng thay thế cho chữ Hán cho tới ngày nay. Chosŏn'gŭl lúc ban đầu gồm 28 ký tự, sau đó còn 24 ký tự giống như bảng chữ cái La Tinh, và được dùng để ký âm tiếng Triều Tiên. Tuy Chosŏn'gŭl đã xuất hiện nhưng chữ Hán (Hancha) vẫn còn được giảng dạy trong trường học. Năm 1972, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quy định phải dạy 1800 chữ Hán cơ bản cho học sinh. Còn ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, người ta đã bỏ hẳn chữ Hán.

Nhật Bản[sửa]

Xem chi tiết: Kanji

Chữ Hán du nhập vào Nhật Bản thông qua con đường Triều Tiên. Chữ Hán ở Nhật được gọi là Kanji (漢字 Hán tự) và được du nhập vào Nhật theo con đường giao lưu buôn bán giữa Nhật và Triều Tiên vào khoảng thế kỷ thứ 4, 5. Tiếng Nhật cổ đại vốn không có chữ viết, nên khi chữ Hán du nhập vào Nhật, người Nhật dùng chữ Hán để viết tiếng nói của họ. Dạng chữ đầu tiên người Nhật sáng tạo từ chữ Hán để viết tiếng Nhật là chữ Man-yogana (萬葉假名 Vạn Diệp Giả Danh). Hệ thống chữ viết này dựa trên chữ Hán và khá phức tạp. Man-yogana được đơn giản hóa thành Hiragana ひらがな (平假名 Bình Giả Danh) và Katakana カタカナ (片假名 Phiến Giả Danh). Cả hai loại chữ này trải qua nhiều lần chỉnh lý và hoàn thiện mới trở thành chữ viết ngày nay ở Nhật. Tiếng Nhật hiện đại được viết bằng bốn loại ký tự:

  1. Chữ Hán (hay Kanji 漢字)
  2. Chữ mềm (hay Hiragana ひらがな)
  3. Chữ cứng (hay Katakana カタカナ)
  4. Chữ La Tinh (hay Romaji ローマ字).

Chữ Hán trong tiếng Nhật thường có ít nhất hai cách đọc, cách đọc theo âm Hán cổ, được gọi là On-yomi và cách đọc theo âm tiếng Nhật được gọi là Kun-yomi . Trong quá trình phát triển chữ viết cho tiếng Nhật, người Nhật còn mượn chữ Hán để sáng tạo ra một số chữ (khoảng vài trăm chữ) và mỗi chữ này chỉ có cách đọc theo âm tiếng Nhật; các chữ này được gọi là Kokuji , tiếng Nhật gọi là Quốc Tự Quốc Huấn (國字國訓), nghĩa là "chữ quốc ngữ âm quốc ngữ". Những chữ quốc ngữ này của người Nhật có cách hình thành khá giống chữ Nôm của Việt Nam (xin xem phần sau về chữ Nôm). Tháng 11 năm 1946, Bộ Giáo dục Nhật đề nghị đưa vào giảng dạy 1850 chữ Hán cơ bản trong trường học, và được Quốc hội Nhật thông qua năm 1947.

Đến năm 1981 thì lượng chữ Hán thông dụng được điều chỉnh lại gồm khoảng 1945 chữ thường dùng, khoảng 300 chữ thông dụng khác dùng để viết tên người. Đến năm 2000, các chữ Hán dùng để viết tên người được điều chỉnh thêm, số lượng tăng lên trên 400 chữ. Các chữ Hán này được lập thành bảng gọi là Bảng chữ Hán thường dùng (Jyoyo Kanji Hyo, 常用漢字表 Thường Dụng Hán Tự Biểu) và Bảng chữ Hán dùng viết tên người (Jinmeiyo Kanji Hyo, 人名用漢字表 Nhân Danh Dụng Hán Tự Biểu).

Cách cấu tạo của Chữ Hán - Lục Thư (六書)[sửa]

Cũng như các chữ viết khác trên thế giới, chữ Hán được hình thành từ các nét vẽ miêu tả các sự vật hiện tượng xung quanh con người. Nhưng khác ở đây là chữ Hán đã chọn một cách phát triển không giống các chữ viết khác trên thế giới. Với các chữ viết khác trên thế giới, khi xã hội phát triển, con người đã đơn giản các nét vẽ và dùng các nét đó để thể hiện cho một âm tiết nào đó trong tiếng nói của các dân tộc đó. Còn với chữ Hán, nó vẫn giữ lại ý nghĩa tượng hình ban đầu của chữ. Và dùng các phép tạo chữ khác để tạo nên các chữ có ý nghĩa trừu tượng (xem thêm ở dưới). Chính vì thế, chữ tượng hình mặc dù chiếm một phần không lớn trong chữ Hán, nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn trong hệ thống chữ Hán.

Chữ Hán được hình thành theo các cách chính:

  • Chữ Tượng Hình (象形文字): "Tượng hình" có nghĩa là căn cứ trên hình tượng của sự vật mà hình thành chữ viết. Các chữ này rất dễ nhận biết và đơn giản.
  • Chữ Chỉ Sự (指事文字) hay chữ Biểu Ý (表意文字): Cùng với sự phát triển của con người, chữ Hán đã được phát triển lên một bước cao hơn để đáp ứng đủ nhu cầu diễn tả những sự việc đó là chữ Chỉ Sự. Ví dụ, để tạo nên chữ Bản (本), diễn đạt nghĩa "gốc rễ của cây" (根), thì người ta dùng chữ Mộc (木) và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa "ở đây là gốc rễ" và chữ Bản (本) được hình thành. Chữ Thượng (上), chữ Hạ (下) và chữ Thiên (天) cũng là những chữ Chỉ Sự được hình thành theo cách tương tự. "Chỉ Sự" có nghĩa là chỉ định một sự vật và biểu diễn bằng chữ.
  • Chữ Hội Ý (Hội Ý Văn Tự 會意文字): Để tăng thêm chữ Hán, cho đến nay người ta có nhiều phương pháp tạo nhiều chữ mới có ý nghĩa mới. Ví dụ, chữ Lâm (林, rừng nơi có nhiều cây) có hai chữ Mộc (木) xếp hàng đứng cạnh nhau được làm bằng cách ghép hai chữ Mộc với nhau (Rừng thì có nhiều cây!!). Chữ Sâm (森, rừng rậm nơi có rất nhiều cây) được tạo thành bằng cách ghép ba chữ Mộc. Còn chữ Minh (鳴, kêu, hót) được hình thành bằng cách ghép chữ Điểu (鳥, con chim) bên cạnh chữ Khẩu (口, mồm); chữ Thủ (取, cầm, nắm) được hình thành bằng cách chữ Nhĩ (耳, tai) của động vật với tay (chữ Thủ 手, chữ Hựu 又). Những chữ được tạo thành theo phương pháp ghép như trên gọi là chữ Hội Ý (會意文字). "Hội Ý" có nghĩa là ghép ý nghĩa với nhau.
  • Chữ Hình Thanh (形聲文字): Cùng với những chữ Tượng Hình, Chỉ Sự và Hội Ý, có nhiều phương pháp tạo nên chữ Hán, nhưng có thể nói là đa số các chữ Hán được hình thành bằng phương pháp hình thanh, gọi là chữ Hình Thanh (形聲文字). Chữ Hình Thanh chiếm tới 80% toàn bộ chữ Hán. Chữ Hình Thanh là những chữ bao gồm hai phần: phần hình (形) là phần biểu diễn ý nghĩa chính mà đã được dùng từ lâu đời, và phần thanh (聲) là phần biểu diễn cách phát âm chính xác của từ đó. Ví dụ, chữ Khẩu (口) có hình biểu diễn việc ăn hoặc nói, và chữ Vị (未) có các phát âm giống chữ vị (trong khẩu vị) khi ghép hai chữ với nhau tạo nên chữ Vị (味) của khẩu vị. Bộ Thủy (氵) biểu diễn nghĩa dòng sông hoặc dòng nước chảy, khi ghép cùng với chữ Thanh (青, màu xanh) tạo thành chữ Thanh (清) có nghĩa là "trong suốt" hoặc "trong xanh".
  • Chữ Chuyển Chú (轉注文字): Các chữ Hán được hình thành bằng bốn phương pháp kể trên, nhưng còn có những chữ có thêm những ý nghĩa khác biệt, và được sử dụng trong những nghĩa hoàn toàn khác biệt đó. Ví dụ, chữ Dược (藥), có nguồn gốc là từ chữ Nhạc (樂), âm nhạc làm cho lòng người cảm thấy sung sướng phấn khởi nên chữ Nhạc (樂) cũng có âm là Lạc nghĩa là vui vẻ. Chữ Dược (藥) được tạo thành bằng cách ghép thêm bộ Thảo (có nghĩa là cây cỏ) vào chữ Lạc (樂). Chữ được hình thành theo phương pháp này được gọi là chữ Chuyển Chú (轉注文字).
  • Chữ Giả Tá (假借文字): Những chữ được hình thành theo phương pháp bằng cách mượn chữ có cùng cách phát âm được gọi là chữ Giả Tá (假借文字).

Ở trên giải thích về bốn cách tạo chữ và hai cách sử dụng chữ Hán. Bốn cách tạo chữ và hai cách sử dụng được gọi chung là Lục Thư (六書).

Các bộ chữ trong chữ Hán - Bộ thủ (部首)[sửa]

Trung Quốc có đến hàng ngàn chữ nhưng được phân loại thành 214 bộ chữ, mỗi bộ chữ được đại diện bằng một thành phần cấu tạo chung gọi là bộ thủ. dựa theo số nét, các bộ thủ bao gồm:

  1. 一 丨 丶 丿 乙 亅
  2. 二 亠 人 儿 入 八 冂 冖 冫 几 凵 刀 力 勹 匕 匚 匸 十 卜 卩 厂 厶 又
  3. 口 囗 土 士 夂 夊 夕 大 女 子 宀 寸 小 尢 尸 屮 山 巛 工 己 巾 干 幺 广 廴 廾 弋 弓 彐 彡 彳
  4. 心 戈 戶 手 支 攴 文 斗 斤 方 无 日 曰 月 木 欠 止 歹 殳 毋 比 毛 氏 气 水 火 爪 父 爻 爿 片 牙 牛 犬
  5. 玄 玉 瓜 瓦 甘 生 用 田 疋 疒 癶 白 皮 皿 目 矛 矢 石 示 禸 禾 穴 立
  6. 竹 米 糸 缶 网 羊 羽 老 而 耒 耳 聿 肉 臣 自 至 臼 舌 舛 舟 艮 色 艸 虍 虫 血 行 衣 襾
  7. 見 角 言 谷 豆 豕 豸 貝 赤 走 足 身 車 辛 辰 辵 邑 酉 釆 里
  8. 金 長 門 阜 隶 隹 雨 青 非
  9. 面 革 韋 韭 音 頁 風 飛 食 首 香
  10. 馬 骨 高 髟 鬥 鬯 鬲 鬼
  11. 魚 鳥 鹵 鹿 麥 麻
  12. 黄 黍 黑 黹
  13. 黽 鼎 鼓 鼠
  14. 鼻 齊
  15. 龍 龜

[11]

Tuy nhiên số bộ thủ không phải bất biến mà có sự thay đổi theo thời gian.

Số bộ thủ nói trên là dạng chữ phồn thể, dựa theo Khang Hi tự điển (1716) và các từ điển thông dụng sau này như Trung Hoa đại tự điển (1915), Từ hải (1936).[12]

Trước đó, trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (thời Đông Hán) có 9350 chữ phân làm 540 bộ thủ. Tự lâm của Lã Thầm (đời Tấn) và Loại biên của Vương Chu và Tư Mã Quang (đời Tống) cũng có 540 bộ thủ. Ngọc thiên của Cố Dã Vương đời Lương có 542 bộ thủ. Với việc giản thể hóa chữ Hán, vì phải thêm các bộ thủ giản thể nên số bộ thủ tăng lên thành 227 bộ. Tuy nhiên, một số cách ghép bộ thủ đã làm giảm số bộ thủ, chẳng hạn Tân Hoa tự điển có 189 bộ thủ, Hiện đại Hán ngữ từ điển có 188 bộ thủ, Hán ngữ đại từ điển có 200 bộ thủ. Riêng cuốn Từ nguyên xuất bản năm 1979 có tới 243 bộ thủ.

Nghệ thuật thư pháp[sửa]

Xem chi tiết: Thư pháp Á Đông

Thư pháp là nghệ thuật viết chữ. Nghệ thuật Thư pháp Á Đông là nghệ thuật viết chữ Hán. Chữ Hán là loại chữ tượng hình và viết chữ Hán phải dùng bút lông để làm tăng thêm sức thể hiện của nhà thư pháp. Chữ Hán trong lịch sử đã một mặt làm nhiêm vụ là phương tiện để ghi chép, trao đổi tưởng truyền đạt văn hóa... của thế hệ này đến thế hệ khác, mặt khác nó còn tự tạo cho mình một môn nghệ thuật tạo hình độc đáo.[13]

Ý tưởng dạy chữ Hán trong trường phổ thông Việt Nam[sửa]

Những năm qua giới hàn lâm trong lĩnh vực Hán Nôm đã đưa ra ý tưởng về "dạy chữ Hán trong trường phổ thông Việt Nam". Nó thể hiện nhiều nhất ở Hội thảo "Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại" tháng 8/2016 [14], và điển hình là bài viết của PGS. TS Đoàn Lê Giang từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh [15][16]. Ý tưởng về sự cần thiết này dựa trên 3 lý do:

  1. Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách báo,... thì tiếng Việt đang bị "dùng sai một cách khủng khiếp". Trong tiếng Việt có khoảng già nửa đến 80% vốn từ là gốc Hán (tùy cách ước lượng), với lượng từ đồng âm khá cao, nhưng bị dùng sai tràn lan, ví dụ dùng "khiếm nhã" như là "trang nhã", "yếu điểm" là "điểm yếu",...
  2. Người Việt đang "vong bản ngay trên đất nước mình", thể hiện là hầu như không ai biết chữ Hán Nôm, không đọc được những gì tổ tiên đã viết trên các đình, chùa, bia, miếu,...
  3. Các nước Đông Á "không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán", nhờ đó giữ vững được truyền thống và bản sắc văn hóa, đồng thời phát triển được khoa học kỹ thuật và kinh tế, như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và cho rằng "Thiếu chữ Hán làm nước ta nghèo nàn, lạc hậu".

Bộ Giáo dục và Đào tạo thì dự định đưa tiếng Trung trở lại thành một ngoại ngữ được giảng dạy ở trường phổ thông (hồi cuối những năm 1950 ở miền Bắc đã dạy tiếng Trung ở trường cấp 2 và 3) [17]. Điều này dẫn đến phản bác của giới học giả phi Hán Nôm cũng như của phụ huynh [18]. Nó hiện ra các điểm chính:

  1. Tiếng Việt có cần phải quá chú ý đến nghĩa gốc của từ Hán Việt một cách hàn lâm, hay chấp nhận sự biến đổi ngữ nghĩa theo thời gian đã từng và đang xảy ra.
  2. Học sinh cần được quyền chọn ngoại ngữ để theo học, và trong trào lưu hiện nay thì chọn lựa phổ biến là tiếng Anh. Những gia đình có khả năng còn lên tiếng sẽ cho con theo học trường quốc tế hoặc trường nước ngoài, nếu như theo đúng tuyến thì không đáp ứng nguyện vọng về học ngoại ngữ.
  3. Bộ Giáo dục có đề án dạy ngoại ngữ với gần 9.400 tỷ VND mà chủ yếu là dạy tiếng Anh, sau 8 năm triển khai đã chưa cho ra thế hệ học sinh dùng được tiếng này [19]. Nếu có đề án cho ngôn ngữ "khó học" và ít phổ dụng hơn như tiếng Trung, thì tính khả thi, kết quả học và tính hữu ích sẽ còn thấp hơn.

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

  1. Đào-Duy-Anh biên-soạn, Hãn-Mạn-Tử hiệu-đính. Hán-Việt từ-điển giản-yếu. Nhà xuất bản Văn hóa thông tin. Năm 2005. Trang 281.
  2. 2,0 2,1 2,2 向熹 (chủ biên), 经本植, 李润, 何毓玲, 康瑞琮.《古代汉语知识辞典》. 四川出版集团, 四川辞书出版社. 成都, năm 2007. Trang 216.
  3. 向熹 (chủ biên), 经本植, 李润, 何毓玲, 康瑞琮.《古代汉语知识辞典》. 四川出版集团, 四川辞书出版社. 成都, năm 2007. Trang 216, 218.
  4. 金史/卷9. 维基文库. Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2016.
  5. Vũ Hải An, Bảo tồn văn tự Hán Nôm: Hai sai lầm về nhận thức. Tạp chí Tia Sáng. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2016.
  6. Từ điển Việt–Bồ–La/C, Wikisource, truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2016.
  7. Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1995. Trang 47.
  8. “Tài liệu học du Hán căn bản”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định., 2010.
  9. “Tự học 500 chữ Hán thông dụng”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định., 2009.
  10. “Các tiện ích về chữ Hán và chữ Nôm”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định., 2010.
  11. “214 bộ thủ chữ Hán thông dụng nhất”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định., 2009.
  12. “Danh mục bộ thủ chữ Hán trên wikitionary”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định., 2009.
  13. “Nghệ thuật thư pháp Việt Nam”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định., 2008.
  14. Hội thảo Quốc gia "Vai trò của Hán Nôm trong văn hoá đương đại". Viện Hán Nôm, 29/08/2016. Truy cập 02/10/2016.
  15. Tại sao nên đưa chữ Hán quay trở lại trường phổ thông?. vietnamnet, 30/08/2016. Truy cập 02/10/2016.
  16. Vì sao cần dạy chữ Hán thay tiếng Anh ở trường phổ thông?. Vtc News, 02/09/2016. Truy cập 02/10/2016.
  17. Bộ Giáo dục lý giải vì sao thí điểm tiếng Nga, Trung Quốc. vnexpress, 22/9/2016. Truy cập 02/10/2016.
  18. Đưa chữ Hán vào trường phổ thông: Ai nghĩ cho học sinh?. vietnamnet, 2/09/2016. Truy cập 02/10/2016.
  19. Đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ sau 8 năm làm được những gì. vnexpress, 21/9/2016. Truy cập 02/10/2016.

Từ điển[sửa]


Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.