Học ngoại ngữ như thế nào?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Có lẽ không còn ai nghi ngờ về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay. Sputnik cũng đã có một bài viết chi tiết ở đây về các ích lợi của việc học ngoại ngữ.

Tuy nhiên, phần lớn người Việt Nam hiện này vẫn còn bị “mù ngoại ngữ”. Trong khi một người dân trung bình ở Thuỵ Sĩ nói thạo 3 thứ tiếng, thì theo một khảo sát gần đây, phần lớn các giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam cũng chưa “đạt trình độ trùng bình” về tiếng Anh. Phần lớn sách dịch từ tiếng nước ngoài ở Việt Nam cũng bị dịch sai nhiều vô kể.

Ảnh minh họa

Làm sao để cải thiện tình hình trên, để mỗi người chúng ta sẽ trở thành một “công dân toàn cầu” nói thạo ít nhất 1-2 ngoại ngữ? Mấu chốt nằm ở phương pháp học!

Nhằm góp phần “xoá nạn mù chữ” ngoại ngữ cho Việt Nam, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn cách học của Sputnik, hiệu quả mà vui thích, dưới dạng một danh sách những điều cần ghi nhớ và làm theo. Nó được đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân những cộng tác viên “polyglot” của Sputnik nói thạo 3-4 thứ tiếng nước ngoài, cùng với sự tham khảo nhiều tài liệu quốc tế.

Không có tiếng khó mà chỉ có tiếng chưa quen[sửa]

Tiếng Anh có khó không? Nhìn đứa trẻ 5 tuổi ở Anh nói vèo vèo thì suy ra là chẳng hề khó. Các thứ tiếng khác cũng vậy. Nếu ta chưa nói được, hay chưa nói thạo, thì không phải vì nó khó, mà vì ta chưa đủ quen, chưa tiếp xúc đủ nhiều. Muốn biết tiếng gì, hãy tạo ra cho mình môi trường để tiếp xúc liên tục với tiếng đó, thì sẽ quen dần, ngấm dần rồi nói được, tương tự như đứa trẻ vậy. Hãy coi tiếng ta muốn biết là tiếng của ta, yêu thích nó như yêu thích tiếng mẹ đẻ (thay vì chỉ coi nó là ngoại ngữ xa lạ) thì sẽ mau quen.

Học kiểu tự động, gần mặt ắt sẽ gần lòng[sửa]

Vẫn theo ý phía trên, muốn học tốt thứ tiếng nào thì cần tự tạo ra cho mình một môi trường xung quanh đầy tiếng đó. Ví dụ như radio, TV, âm nhạc (bằng tiếng đó) đập vào tai ta, các từ vựng dán to khắp nơi và báo chí (bằng tiếng đó) đập vào mắt ta, bạn bè nói/viết tiếng đó (kể cả “bạn ảo”), v.v. Trong một môi trường như vậy, ta có thể tranh thủ học tiếng một cách tự động, tức là học cả trong những lúc đang làm việc khác, không cần tập trung. Như là đứa trẻ vậy, nó học tiếng trong khi làm các việc của nó, chẳng cần nghĩ là đang học tiếng.

Đừng lo sớm hay muộn, lúc nào học cũng hợp[sửa]

Một khi ta đã rất thích học một thứ tiếng nào đó, thì chẳng có lúc nào là sớm quá hay muộn quá để mà học nó. Chẳng ai “quá bận” đến mức không thể học được ngoại ngữ nào, ít ra là theo phương pháp học tự động. Cũng chẳng ai là “quá già” để học ngoại ngữ. (Ông Friedrich Gauss đến năm 60 tuổi mới bắt đầu học tiếng Nga, một thời gian sau đã đọc được tiểu thuyết tiếng Nga). Và cũng chẳng có trẻ em nào “quá non” để bắt đầu học thêm tiếng. Môi trường đa ngôn ngữ khiến người ta nói được nhiều thứ tiếng ngay từ khi còn nhỏ, và không hiếm trẻ em mới 6 tuổi đã nói được 3-4 thứ tiếng một cách tự nhiên.

Đều đặn hàng ngày tốt hơn no dồn đói góp[sửa]

Tương tự như là thể dục hàng ngày thì hiệu quả hơn là dăm bữa nửa tháng mới tập dồn một lần. Cái gì lặp đi lặp lại hàng ngày thì não của ta ghi nhớ sâu dần, còn cái gì mới ghi hờ mà lâu không được nhắc đến thì nó coi là không quan trọng, xóa đi khỏi bộ nhớ, thế là mất công học lại từ đầu. Vậy nên cần học tiếng đều đặn mỗi ngày một ít. Nếu thiếu thời gian vẫn có thể tận dụng cách học tự động như trên. Những gì đã ghi đủ sâu, đã liên kết với đủ nhiều thứ khác, thì sẽ lâu quên, nhưng cũng cần thỉnh thoảng được ôn lại không cũng sẽ lu mờ dần. Để duy trì những thứ tiếng đã thạo thì cần thỉnh thoảng đọc sách, giao tiếp, v.v bằng tiếng đó.

Bắt chước người nói sõi, tránh nghe người nói ngọng[sửa]

Phần lớn việc học ngoại ngữ là dựa trên bắt chước, từ câu nói cho tới phát âm, ngữ điệu. Nhưng nếu ta bắt chước phải người nói ngọng, nói sai, thì cái ngọng cái sai đó có thể bám theo ta cả đời, sửa rất khó, thà đừng học còn hơn. Muốn nói sõi thì phải bắt chước người nói sõi. Nhưng ở Việt Nam có mấy ai nói thật sõi tiếng nước ngoài? May mắn cho chúng ta, có thể nghe trên TV/radio/internet miễn phí cả ngày những người nước ngoài nói tiếng mẹ đẻ, và có thể kết bạn giao lưu với họ để mà luyện nghe luyện nói. Nếu đi học thêm ngoại ngữ, nhớ chọn nơi nào giáo viên có giọng nói chuẩn. Nhiều khi, việc bắt chước cách phát âm của một ngoại ngữ đối với ta khá là khó, đặc biệt khi mà trong tiếng của ta không có các âm như thế hoặc có những âm trong tiếng của ta được coi là một mà trong thứ tiếng khác lại được coi là khác nhau. Khi đó cần đến sự hướng dẫn của những người thành tạo, chỉ cho ta biết cách phân biệt âm.

Suy nghĩ trực tiếp, bỏ bớt tiếng Việt trung gian[sửa]

Khi muốn diễn đạt một vật thể/khái niệm/hình ảnh nào đó bằng tiếng nước ngoài, nhiều người diễn đạt nó trong đầu bằng tiếng mẹ đẻ trước rồi dịch nó. Ví dụ: Pencil.png -> “bút chì” -> “pencil”. Quá trình ngược lại cũng thế, khi nhìn thấy từ “pencil” thì dịch nó ra thành từ “bút chì” trước rồi mới hình dung cái bút chì trong đầu. Làm như thế mất hai bước thay vì chỉ một bước, sẽ nói không trôi chảy. Muốn trôi chảy, ngoài kết nối “bút chì” -> “pencil” phải tạo được kết nối thẳng từ Pencil.png đến “pencil” trong đầu (bằng cách: khi mắt nhìn Pencil.png thì đồng thời tai nghe từ “pencil” hoặc/và miệng nói từ đó hoặc/và mắt đọc từ đó). Cần tập suy nghĩ trực tiếp bằng tiếng mà ta muốn nói thạo, bỏ qua trung gian được càng nhiều càng tốt.Trong quá trình tập suy nghĩ trực tiếp như vậy, ta cũng sẽ thấy được những chỗ còn ngắc ngữ, cần bổ sung.

Mỗi tiếng có những điểm cần chú ý riêng[sửa]

Ví dụ như tiếng Italia phát âm khá dễ, viết thế nào đọc thế đó, nhưng tiếng Anh phát âm lại khó, vì có vô cùng nhiều các ngoại lệ. Bởi vậy, khi học tiếng Anh mà ta ta cứ đoán mò phát âm thì rất dễ thành nói ngọng, phát âm sai rất nhiều (là hiện tượng khá phổ biến đối với người nước ngoài nói tiếng Anh). Để phát âm đúng tiếng Anh thì không được đoán mò dựa trên chữ viết, mà cần nghe đi nghe lại xem người ta nói thế nào rồi bắt chước cho giống. Nếu như tiếng Hoa có ngữ pháp gần giống tiếng Việt, thì phần lớn cá thứ tiếng châu Âu có ngữ pháp phức tạp hơn rất nhiều, cần học ngữ pháp thật cẩn thận nếu không rất dễ hiểu sai (nhiều khi hiểu ngược nghĩa hoàn toàn) những câu phức tạp. Lỗi hiểu sai ngữ pháp là lỗi mà đa phần các dịch giả Việt Nam mắc phải.

Cá nhân hóa bài học cho gần gũi với ta[sửa]

Một điểm dở của nhiều bài học ngoại ngữ là nó nhạt nhẽo, với các câu chuyện chẳng có nội dung ly kỳ hấp dẫn cũng chảng liên quan gì đến người học. Nếu ta cá nhân hóa được các bài học đó sao cho thành liên quan, gần gũi với ta hơn, tạo nhiều cảm xúc hơn, thì học sẽ nhanh hơn. Ví dụ, thay vì nói anh A gặp chị B nào đó, ta hãy nói về ta gặp bạn ta hay là hai bạn thân của ta gặp nhau. Thay vì tả chiếc xe trời ơi nào đó, ta hãy tả chiếc xe của ta, v.v.

Dịch theo cả khúc câu, đừng dịch từng từ một[sửa]

Cách nói trong các thứ tiếng khác nhau là khác nhau. Một lỗi phổ biến mà rất nhiều người mắc phải khi nói tiếng nước ngoài là dịch theo kiểu từng từ một từ tiếng này sang tiếng kia, thành ra câu sai hoặc ngớ ngẩn vô nghĩa, vì ở tiếng kia người ta không nói kiểu như vậy. Một ví dụ đơn giản là “Tôi lạnh” tiếng Việt, sang tiếng Anh phải thêm động từ “to be” (“là”) vào thành “I'm cold” chứ người ta không nói “I cold”, còn sang tiếng Pháp thì lại phải thêm động từ “avoir” (“có”) vào thành “J'ai froid” chứ người ta cũng không nói “Je suis froid”.

Mạnh dạn nói viết, chịu khó sửa sai[sửa]

Muốn nắm vững tiếng, thì phải “liều mình như chẳng có”, nói viết không sợ sai, không sợ bị chê cười. Vì phải viết ra, nói ra thì ta mới dễ nhận biết mình sai ở đâu để mà sửa. Và phải chịu khó viết nhiều, nói nhiều mới chuyển dần từ ấp úng sang trôi chảy. Chứ nếu ngại hay sợ thì mãi cũng sẽ không viết được, nói được. Tất nhiên, chỉ nói, viết “văng mạng” mà không chịu chú ý sửa lỗi sai thì cũng sẽ nói ngọng mãi. Nếu ngại nói/viết cho người khác, thì có thể tự nói viết với mình, rồi đọc lại cái mình viết, nghe lại cái mình nói để mà tìm lỗi, điều chỉnh.

Vận dụng các liên tưởng trợ giúp việc nhớ từ[sửa]

Mỗi khi học một từ mới hay khái niệm mới, càng tạo được nhiều liên tưởng, mối liên hệ giữa nó với những tứ đã nhớ hoặc dễ nhớ khác, thì bản thân từ đó càng trở nên dễ nhớ. Các liên tưởng đó có thể ở bất cứ dạng nào. Một ví dụ vui là để học động từ “caber” (“đặt vừa vào”, “to fit”) tiếng Tây Ban Nha, một người Mỹ có thể liên tưởng nó với việc đặt con gấu (bear) vào xe (car): Can one fit a bear in a car? (Ghép car vào bear và bỏ đi vài chữ cái thì thành caber, phát âm như là car + bear).

Tích cực dùng ngay vào những hoạt động hay[sửa]

“Hay” ở đây có nghĩa là đem lại cho chúng ta lợi ích hay vui thú gì đó, ví dụ như đọc một quyển truyện hay, nghe một bài hát hay, xem một bộ phim hay, hay là đi mua bán, tranh luận, v.v. (bằng ngôn ngữ mà ta muốn sử dụng thành thạo). Một công đôi việc, và vì hay nên dễ nhớ. Tất nhiên, làm những việc đó cần có trợ giúp (khi mà trình độ về tiếng chưa đủ). Ví dụ như khi xem phim thì có phụ đề. Khi đi chợ thì mang theo từ điển thông minh. Khi đọc truyện, thì chú ý tìm đọc các truyện hay dạng song ngữ có cả tiếng ta cần học lẫn tiếng ta đã biết, và có cả audio đi kèm, để có thể vừa đọc vừa nghe vừa tra nghĩa của những cụm từ mới, như thế sẽ nhanh vào. Bộ sách truyện song ngữ Anh-Việt của Sputnik (gồm các truyện hay nổi tiếng, được dịch đối chiếu chính xác cẩn thận từng câu, và hầu hết có audio tiếng Anh miễn phí) chính là để phục vụ việc học như vậy.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này