Một nửa ngôn ngữ của thế giới có thể biến mất trước năm 2100
Các nhà ngôn ngữ học ước tính mỗi 4 tháng có một ngôn ngữ chết đi và một nửa ngôn ngữ của thế giới có thể biến mất trước năm 2100.
Khoảng 80% dân số thế giới hiện chỉ sử dụng 1% ngôn ngữ trên Trái Đất. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ước tính trên 40% ngôn ngữ của thế giới đang có nguy cơ biến mất, U.S News ngày 23/5 đưa tin.
Ước tính trên thế giới hiện nay có 20 "điểm nóng ngôn ngữ", những khu vực có các ngôn ngữ có nguy cơ biến mất. Khu vực Trung Nam Mỹ gần Peru và Bolivia, rìa tây Canada, bắc Australia và Siberia là những khu vực có các ngôn ngữ nằm trong nhóm bị đe dọa nghiêm trọng.
"Với mỗi ngôn ngữ chết đi, chúng ta đánh mất một di sản văn hóa khổng lồ, cách con người liên hệ với thế giới, kiến thức khoa học, y học, thực vật học, quan trọng nhất là cách các cộng đồng biểu đạt sự hài hước, tình yêu và cuộc sống", tổ chức Dự án Các ngôn ngữ Bị đe dọa tuyên bố. "Nói ngắn gọn, chúng ta mất đi chứng tích của hàng thế kỷ cuộc sống".
Thế giới có khoảng 6.000 ngôn ngữ nói. Phần lớn các ngôn ngữ đang bị đe dọa có chưa đầy 10.000 người sử dụng. Viện nghiên cứu Smithsonian, Mỹ đã lưu trữ bài hát và âm thanh của các ngôn ngữ có nguy cơ biến mất. Mỗi bản ghi âm thể hiện cách con người mô tả và giao tiếp với môi trường xung quanh.
Nguồn[sửa]
- Vũ Phong, VnExpress