Các ích lợi của việc học ngoại ngữ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

“Biết thêm một ngôn ngữ như là có thêm được một linh hồn” – Charlemagne

Về mặt trực giác, hầu như ai cũng nhận thấy rằng biết ngoại ngữ thì có lợi. Tuy nhiên, cũng có những người hoài nghi, cho rằng học ngoại ngữ có thể gây ra các bất lợi, thà biết tốt một thứ tiếng còn hơn biết tồi hai thứ tiếng. Họ chỉ ra rằng những người biết hai thứ tiếng thì có vốn từ trong từng thứ tiếng nhỏ hơn là những người chỉ nói một thứ tiếng. Thậm chí, có những người còn cho rằng việc học ngoại ngữ có thể dẫn đến tình trạng hỗn độn về tâm lý và bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngay về mặt trí tuệ và tâm lý, thì những bất lợi của việc học ngoại ngữ rất nhỏ so với những cái lợi mà nó mang lại.

Ảnh minh họa

Cụ thể hơn, việc học ngoại ngữ đem lại những lợi ích nào, đến mức nào, cho chúng ta? Liệt kê được đầy đủ các cái lợi của ngoại ngữ không phải dễ, và thậm chí có những điểm lợi sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên vì không ngờ đến. Bởi vậy, chúng tôi đã tìm hiểu và làm một danh sách các lợi ích từ việc học ngoại ngữ cho bạn đọc tham khảo. Mong bạn đọc góp ý để có thể sửa chữa và bổ sung bài viết và danh sách này cho tốt lên.

Các ích lợi cho thần kinh và sức khoẻ[sửa]

Giúp não phát triển, khoẻ mạnh và thông minh lên[sửa]

Người học ngoại ngữ thì các vùng liên quan đến ngôn ngữ ở não phát triển to lên (xem Mårtensson et al., 2012). Não của những người có nhiều ngôn ngữ được vận động luyện tập nhiều hơn, do họ chuyển đi chuyển lại liên tục giữa các thứ tiếng và tìm thứ tiếng thích hợp cho mỗi thời điểm, khiến cho não khoẻ hơn và thông minh lên, tương tự như là các cơ bắp khi được luyện tập thường xuyên (xem Francis, 1999). Sự thông mình này thể hiện ra các lĩnh vực khác như làm toán, khả năng giải quyết các vấn đề, v.v.

Tăng cường trí nhớ[sửa]

Người thường xuyên dùng hai hay nhiều ngôn ngữ cũng có trí nhớ hoạt động (working memory, loại trí nhớ trong thời gian ngắn) lớn hơn so với người chỉ biết một ngôn ngữ, dẫn đến các khả năng đọc tốt hơn, tính nhẩm tốt hơn, nhớ các danh sách tốt hơn, v.v. (Xem Morales et al., 2013).

Tăng khả năng tập trung, quan sát và multi-tasking[sửa]

Não của những người biết ngoại ngữ có khả năng tập trung và hạn chế phân tán tốt hơn là nếu chỉ biết một thứ tiếng (xem Bialystok \& Craik, 2010). Do phải chuyển đổi giữa các ngôn ngữ nên họ quen hơn với sự chuyển đổi, và do đó khả năng multi-tasking (đòi hỏi chuyển đổi liên tục giữa các việc) cũng tốt hơn (xem Gold et al., 2013, và “Nghiên cứu từ Pennsylvania State University”) Do có thể tập trung và loại bỏ thông tin nhiễu loạn tốt hơn, nên những người biết nhiều thứ tiếng cũng có khả năng quan sát thế giới xung quanh tốt hơn, theo một nghiên cứu của trường Đại học Pompeu Fabra ở Tây Ban Nha.

Tăng khả năng nghe[sửa]

Những người học ngoại ngữ thì khả năng nghe và nhận biết các âm thanh và giọng nói khác nhau cũng tăng lên, bởi não phải làm việc nhiều hơn để phân biệt các loại âm thanh. (Xem Krizman et al., 2012). Họ cũng dễ phân biệt các thứ tiếng nước ngoài với nhau hơn dù không hiểu các tiếng đó. Ví dụ một người nói được hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Catalan thì dễ phân biệt sự tiếng Anh với tiếng Pháp hơn là một người chỉ biết tiếng Tây Ban Nha. (Xem Werker & Sebastian-Galles, 2011).

Giảm khả năng bị các bệnh thần kinh như mất trí và Alzheimer’s[sửa]

Theo một số nghiên cứu y học (xem Craik et al., 2010),tuổi trung bình của những biểu hiện mất trí (dementia) đầu tiên ở những người chỉ biết nói một thứ tiếng là 71.4 tuổi, còn ở những người nói được hai thứ tiếng trở lên là 75.5 tuổi. Như vậy việc biết ngoại ngữ giúp kéo dài độ tuổi minh mẫn. Kể cả đối với người đã lớn tuổi, thì việc học thêm ngoại ngữ cũng không thừa mà giúp tăng sự minh mẫn. Có người ở Việt Nam đi học tiếng Đức khi tuổi đã ngoài 80, những người không hiểu thì dèm pha là “hâm thế, học để xuống âm phủ nói chuyện với Marx à”, nhưng người này rất minh mẫn cho đến tận ngày cuối đời ở tuổi ngoài 90.

Các lợi ích trong cuộc sống và công việc[sửa]

Tự tin hơn và quyết định tốt hơn[sửa]

Một nghiên cứu của trường ĐH Chicago cho thấy những người nói hai thứ tiếng có khả năng đưa ra các quyết định đúng đắn (rational) hơn là những người chỉ biết một thứ tiếng. Một nghiên cứu của trường Pennsylvania State University (đã giới thiệu phía trên) cho thấy, trong một công việc thường ngày như là lái xe ô tô, người biết ngoại ngữ cũng phạm ít lỗi hơn là người không biết ngoại ngữ.

Kết bạn quốc tế, đi du lịch nước ngoài, v.v[sửa]

Biết ngoại ngữ thì sẽ dễ dàng có bạn bè người nước ngoài, thú vị hơn là nếu chỉ có bạn bè cùng nước. Và khi đi du lịch, nếu biết tiếng hay có bạn ở nơi đến thì chuyến đi sẽ thuận lợi và hấp dẫn hơn.

Một cách tốt nhất để có được bạn thân người nước ngoài là biết tiếng mẹ đẻ của họ. Như Nelson Mandela đã từng nói: “Khi anh nói bằng thứ tiếng người ta hiểu được, thì điều anh nói đi đến được cái đầu của người ta. Khi anh nói bằng tiếng mẹ đẻ của người ta, thì điều anh nói đi đến được trái tim người ta”.

Tăng khả năng giao tiếp[sửa]

Không những là giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, mà khả năng diễn đạt trình bày trong chính tiếng mẹ đẻ cũng có thể tăng lên, sáng sủa và dễ hiểu hơn.

Tăng cơ hội thương mại[sửa]

Tuy rằng, theo dự đoán, trong mấy chục năm nữa có đến 1/2 dân số thế giới sẽ nói thạo tiếng Anh, và như vậy đi đâu cũng chỉ cần biết tiếng Anh (dù đó là tiếng mẹ đẻ hay tiếng nước ngoài) là “tồn tại” được, nhưng khi muốn một người nước nào đó mua đồ của mình thì việc biết tiếng của nước đó vẫn là một lợi thế lớn. Bởi người ta có thể dùng tiếng Anh trong công việc và giao tiếp, nhưng khi “hưởng thụ” thì người ta vẫn quen sự dụng thứ tiếng thân thuộc nhất đối với người ta hơn, thứ tiếng đem lại cảm giác gần gũi hơn. Đối với người Việt Nam, việc cần biết tiếng Anh là “không thể tránh khỏi” nếu muốn vươn ra thế giới, nhưng biết thêm một thứ tiếng khác nữa vẫn sẽ đem lại lợi thế rất lớn.

Đảm bảo cho công việc và tăng thu nhập[sửa]

Ngày càng có nhiều công việc đòi hỏi phải biết ngoại ngữ, nên việc biết ngoại ngữ sẽ là một trong các yếu tố nhằm đảm bảo công việc và tăng thu nhập. Ví dụ như trong khoa học và công nghệ hiện nay, nếu không biết tiếng Anh thì rất khó làm nghiên cứu, vì phần lớn các tài liệu quan trọng và các hội thảo quốc tế là bằng tiếng Anh. Người biết tiếng nước ngoài có thu nhập trung bình cao hơn là người không biết. Ví dụ, theo một thống kê của nhà kinh tế học Albert Saiz ở MIT, đối với người Mỹ thì việc biết thêm tiếng Đức làm tăng thu nhập trung bình lên 3,8%. Sự chênh lệch đó, nếu tính cả một đời làm việc, lên đến hàng trăm nghìn đô la một người.

Khả năng sinh sống ở nước ngoài[sửa]

Khả năng ra nước ngoài sinh sống của một người trung bình tất nhiên là thấp thôi. Nhưng việc biết tiếng nước ngoài làm tăng khả năng lựa chọn, vì sẽ dễ dàng ra nước ngoài sống và thích nghi với cuộc sống ở đó hơn nếu muốn.

Các lợi ích về văn hoá và xã hội[sửa]

Hiểu tốt hơn tiếng mẹ đẻ[sửa]

Thi hào Goethe có câu phát ngôn nổi tiếng: “Ai không biết gì về tiếng nước ngoài thì cũng không biết tiếng của chính mình“. (Wer fremde Sprachen nicht kennt, weiss nichts von seiner eigenen). Học ngoại ngữ giúp người ta có cái để mà so sánh về từ vựng và ngữ pháp, từ đó hiểu thêm ngôn ngữ đầu tiên của mình. Ví dụ, ngay trong tiếng Việt, có rất nhiều từ gốc Hán hay gốc Pháp hay gần đây hơn là nhập khẩu từ tiếng Anh, mà những người không biết ngoại ngữ sẽ ít nhận ra và do đó có thể sẽ không hiểu thấu nghĩa của chúng.

Cửa số mở ra những nền văn hoá mới[sửa]

Người ta có câu “Biết một ngoại ngữ thì trình độ cao lên một cái đầu” (hay là “như có thêm một cái đầu”). Nếu không biết ngoại ngữ thì cũng khó tiếp cận các sự tinh tuý của văn hoá của nhân loại ở các nước khác. Bất đồng ngôn ngữ là một trong các rào cản cho việc giao lưu văn hoá và truyền bá các tiến bộ (văn hoá, tư tưởng, khoa học, công nghệ, v.v.) từ nước này sang nước khác.

Đọc/nghe được bản gốc tiếng nước ngoài[sửa]

Người Pháp có câu “traduire, c’est trahir” (“dịch tức là phản bội”). Một bản dịch dù tốt đến mấy cũng ít nhiều có những chỗ “phản bội” lại nội dung của bản gốc, vì có nhiều thứ rất khó có thể dịch mà truyền tải đúng được mọi ý tứ sang một thứ tiếng khác. Hơn nữa, ở Việt Nam, rất nhiều sách tiếng nước ngoài khi dịch sang tiếng Việt thì sai trầm trọng nhiều chỗ, chất lượng dịch rất kém, nên nếu chỉ đọc các bản dịch đó thì sẽ bị hiểu sai nhiều điều.

Có thêm cách nhìn khác về mọi thứ[sửa]

Bởi vì văn hoá và thế giới quan gắn liền với ngôn ngữ, nên việc viết thêm một thứ tiếng mới cũng làm tăng cường thế giới quan. Ví dụ như trong tiếng Nhật có hai từ cơ sở khác nhau cho màu xanh thẫm (dark blue) và màu xanh nhạt (light blue), và do đó người học tiếng Nhật sẽ có được thêm cách nhình khác về các màu sắc. (Xem thanasopoulos et al., 2010)

Giảm thiểu sai lầm, ngộ nhận dẫn đến từ việc không hiểu tiếng[sửa]

Trong quan hệ quốc tế, việc có thể hiểu một cách chính xác các ý của nhau là rất quan trọng. Người ta nói rằng quả bom nguyên tử thứ hai ném xuống Nhật Bản là do một lỗi dịch sai khiến Mỹ hiểu nhầm ý nói của Nhật. Không biết điều đó có thật hay không, nhưng chắc chắn rằng nếu xoá bỏ được các sự hiểu nhầm do dịch sai đem lại thì thế giới sẽ tránh được rất nhiều phiền phức. Người Ả Rập có câu ngạn ngữ: “Hãy học thêm một thứ tiếng, để tránh được một cuộc chiến tranh”. Biết ngoại ngữ cũng là liều thuốc chống lại các tư tưởng kỳ thị (như kỳ thị người nước ngoài, kỳ thị chủng tộc, v.v.)

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này