Ăn thịt và thiên nhiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ăn thịt và thiên nhiên: Quan điểm và triển vọng Phật giáo. Đỗ Quốc Bảo dịch từ bài "Meat-eating and nature: Buddhist perspectives" của Lambert Schmithausen, Hamburg (Supplement to the Bulletin of the Research Institute of Bukkyo University, March 2005. 佛教大学総合研究所紀要別冊 2005 年3 月25 日 抜刷). Tựa của các thành phần bài được dịch giả bổ sung để độc giả dễ định hướng.

Dẫn nhập[sửa]

Có hai lí cho việc chọn lựa chủ đề này: Lí do thứ nhất là sự thật hiển nhiên là việc nghiên cứu một cách chi tiết hơn các khía cạnh lịch sử của thái độ Phật giáo quy về việc ăn thịt[1] đã bận tâm tôi trong một thời gian dài hơn tôi dự tính[2]. Lí do thứ hai, sâu sắc hơn, là sở thích của riêng tôi dành cho những khía cạnh thực tiễn của luân lí học tự nhiên, và niềm tín phục là cái mà chúng ta cần nhất để giải đáp các vấn đề của thời nay là những cẩm nang phẩm hạnh thích hợp khả thi dành cho người bình dân. Đây chính là cái mà Ngũ giới thời xưa, hoặc nói đúng hơn, trách nhiệm đạo đức—cụ thể là không sát sinh v.v…—vốn được dự tính dành cho người cư sĩ. Trong một bài kinh nguỵ tạo tiếng Hán, Ngũ giới này được biến đổi bằng một cách để bao gồm luôn việc từ khước việc ăn thịt[3]. Nhưng điểm này không phải là điển hình của Phật giáo như một tổng thể. Sự phát triển lịch sử thật ra khá phức tạp, và thêm vào đó, sự việc có thể đòi hỏi một sự xem xét vì tình huống đặc thù của thời đại chúng ta.

Một số điểm nổi bật trong mối quan hệ với việc ăn thịt theo tài liệu nguồn[sửa]

Với sự dẫn nhập này, tôi xin phép được trình bày, dưới dạng những điểm nổi bật, một số quan hệ với kinh điển tài liệu nguồn Phật giáo về việc ăn thịt trong môi trường không thuộc loài người, có nghĩa là chủ yếu trong thế giới động vật. Vấn đề ở đây là, dĩ nhiên, việc sát sinh (nghĩa là ngoại trừ trường hợp động vật ăn xác chết) được bao hàm.

1a. Trong một tiểu sử ban đầu của Phật,[4] thái tử Cồ-đàm, tức là vị Bồ Tát, được gửi ra một cánh đồng, nơi ngài cảm nhận được cái mà ta có thể xem là cái nhìn tóm gọn của một vòng thực vật (food chain): Trùng bị bới tung lên bởi bò đang kéo cày, bị nuốt sống bởi quạ và ếch; ếch trở thành nạn nhân của rắn; và bọn này lại bị bầy công nuốt trửng, để rồi sau đó bị diều hâu vồ bắt lấy và ăn thịt. Bồ Tát bị áp đảo bởi lòng bi. Trong đoạn này, vòng thực vật trong thế giới động vật hiển nhiên được xem như là cơ cấu căn bản của thế giới tự nhiên, nhưng đồng thời, được đánh giá một cách ám chỉ là khủng khiếp, kinh hoàng.

1b. Bản chất tai hoạ của vòng thực vật lại hiển nhiên hơn trong Trung bộ kinh III 169, nói rằng, thú vật chỉ có ít cơ hội để đạt được một cách tồn tại tốt hơn sau khi chết bởi vì chúng ăn thịt lẫn nhau (pi. aññamaññakhādikā), con mạnh nuốt con yếu (pi. dubbalakhādikā).[5] Nơi đây, phần đẫm máu của vòng thực vật, để xác định lại, được thừa nhận là một sự thật nhưng đồng thời, không những bị hối tiếc, mà thậm chí còn được miêu hoạ một cách ám chỉ là vô đạo đức. Trong một ý nghĩa, các thú vật bắt sống ăn thịt không hơn gì nhiều bọn yêu tinh cũng ăn thịt sống và máu (thỉnh thoảng bao gồm, và trong trường hợp yêu tinh là cái được chuộng, thịt và máu người). Ví dụ như xem thêm cái cảnh sặc sỡ của căn nhà sụp đổ trong chương thứ ba, Aupamyaparivarta, trong kinh Diệu pháp liên hoa (III.39ff.)

2. Trong những phạm vi, thế giới "lí tưởng", cũng như trong thời kì sơ khai của một kiếp (sa. kalpa), một là hoàn toàn không có thú vật hoặc nếu có đi nữa thì không có thú săn ăn thịt. Ví dụ như trên châu lục mang tính chất thiên đường Uttarakuru, người ta chỉ tìm thấy chim hót tiếng êm tai và một số động vật có vú như ngựa và voi.[6]

3. Trong một bài kinh thuộc loại Bản sinh kinh (sa., pi. Jātaka), người ta ghi lại rằng Phật trong một kiếp trước đã là một con sếu, chỉ ăn cá đã chết.[7] Theo tác phẩm Maitrisimit (một kinh văn Phật giáo tiếng Thổ có gốc ở Trung Á), ngay cả sư tử và cọp cũng hối hận cách sống săn bắt thú ăn thịt của chúng trước sự hiện diện của Bồ Tát Từ Thị (sa. Maitreya), và thệ nguyện là tương lai chỉ sống bằng cỏ và nước, như những loài thú khác.[8] Trong tác phẩm Nhân thi thiết luận (Lokaprajñapti, bản của Chính lượng bộ [sa. sāṃmitīya]), chúng ta có được những thông tin là ngay trước khi thế giới bị huỷ hoại theo chu kì (được đi trước bởi một sự tiến hoá chung của chúng sinh cũng như việc thăng tiến lên những tầng trời cao hơn), ngay cả loài thú cũng phát triển một ý tưởng của lòng từ (sa. maitrī) và ngừng việc ăn thịt lẫn nhau. Sau đó, chúng sinh sống bằng cỏ và nước, hoặc cao nhất là bằng thịt của các con thú đã chết tự nhiên, và chúng thà chịu chết đói thay vì sát sinh.[9] Tương tự vậy, trước sự hiện diện của các bậc thánh nhân đã phát triển lòng từ (sa. maitrī), ngay cả những con thú hung tợn cũng trở nên hiền lành và ngưng việc sát hại và ăn thịt những con thú khác.[10] Sự việc này miêu tả một cách nhìn lí tưởng hoá mà trong đó, phần đẫm máu của vòng thực vật được huỷ bỏ hoặc đình chỉ.

4. Như đã được biết rõ, kinh văn của những trường phái mệnh danh là Phật giáo bắc truyền hàm dung một số mẩu truyện mà trong đó, một người, một Bồ Tát, hiến dâng thịt của mình cho một con thú săn sắp chết đói hoặc đói (một con cọp cái đói, hoặc con chim ưng trong truyện của Śibi).[11] Ở đây, vòng thực vật hoàn toàn không được đánh giá mà chỉ đơn thuần được thừa nhận là một sự thật tự nhiên không thể biến đổi, nhưng ý vị của các mẩu truyện dĩ nhiên không phải là thừa nhận hoặc thậm chí tán dương vòng thực vật, mà là cho thấy việc xả thân anh hùng của Bồ Tát. Sự việc cũng đúng như thế trong trường hợp một con thú anh hùng (Bồ Tát, hoặc một Bồ Tát nào đó, trong một kiếp trước) hiến thân mình để làm thức ăn cho một người, hoặc nhiều người, ví dụ như dưới dạng một con thỏ,[12] hoặc một con "cá đỏ" (sa. rohitamatsya) hoặc một con cá Kình (sa. mahāmatsya).[13]

5. Trong kinh Phạm võng (zh. 梵網經), một Bồ Tát bị cấm nuôi mèo, chó và loài gấu trúc.[14] Nguyên nhân, như một số luận giải xác nhận, là những thú vật này thuộc loại săn bắt ăn thịt sống.[15] Như vậy thì ý nghĩa của giới luật này có vẻ như là một vị Bồ Tát không nên gia tăng cái khổ đang hiện hành trong vòng thực vật bằng cách gia tăng số lượng của loài thú săn ăn thịt sống. Tuy nhiên, nếu một loại thú săn ăn thịt như thế đang chịu khổ hoặc sắp bị giết, đương nhiên là Bồ Tát nên cứu nó vì nó hiện đã có mặt trong vòng tồn tại.[16]

Một số nhận định và luận bàn về phương pháp[sửa]

Điều mà chúng ta vừa thấy là kinh điển Phật giáo một mặt thừa nhận như một sự thật rằng một số thú vật nhất định phải sống bằng các thú vật khác, nhưng mặt khác, sự việc này được xem là thông thường không thể tránh khỏi, nhưng lại là một trạng thái ảm đạm của một sự kiện đáng được vượt qua hoặc ít nhất là không nên được làm trầm trọng hơn một cách tuỳ tiện. Như vậy thì sự việc như thế nào đối với con người? Nó có phải là tự nhiên đối với ông ta hay không khi ăn thịt của các chúng sinh khác mà trong hầu hết các trường hợp ám chỉ ngay đến việc giết hại chúng? Để xác định rõ, "tự nhiên" trong văn cảnh này khó có thể mang nghĩa rằng loài người cũng là loài ăn thịt trong cùng ý nghĩa như loài sư tử, có nghĩa là bằng một cách mà qua đó, hệ tiêu hoá được chuyên hoá với thịt để việc ăn chay không thể được thực hiện. Cuối cùng, con người rõ ràng là ăn tạp, và thậm chí những người ăn chay thuần tuý, ít nhất là người lớn, có vẻ như sống khá tốt, đặc biệt là ở những nước có đầy đủ thực phẩm được làm từ đậu nành. Như thế thì, "tự nhiên" có thể mang ý nghĩa là, về mặt phát sinh học, con người đã luôn luôn ăn thịt và cá như một trong những thức ăn khác.

Vì không phải là một nhà nhân sinh học (biological anthropologist) nên tôi không thể xác hoặc phủ nhận sự việc này,[17] nhưng ngay cả trường hợp nếu nó như vậy thì vấn đề ăn thịt, trong trường hợp nó là một vấn đề luân lí (ethical) vì liên hệ đến sát sinh, không tuỳ thuộc vào điểm này. Quyết định các tiêu chuẩn luân lí độc duy trên cơ sở những sự thật tự nhiên (natural facts) có nghĩa là rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa tự nhiên. Đương nhiên, người ta không thể bỏ qua những sự thật tự nhiên, nhưng chúng ta phải tìm ra cho được rằng chúng có phải là những gì không thể tránh được hay chúng lại khai phát những khả năng khác, như có vẻ trong trường hợp ăn thịt, ít nhất là trong một số điều kiện nhất định.

Như thế thì lời giải đáp theo nhà Phật ra sao? Quả thật là có thể có nhiều (và có nhiều) hơn là một, vì Phật giáo có một lịch sử lâu dài trong những khung cảnh văn hoá khác nhau, và câu giải đáp vấn đề ăn thịt hoặc ăn chay lại tuỳ thuộc một cách đáng kể vào hoàn cảnh địa lí và lịch sử mà người ta sống trong đó. Cũng vì lí do như thế mà câu trả lời truyền thống, hoặc nói đúng hơn, những câu trả lời, có thể phải được xem xét lại trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta như kết quả của những hoàn cảnh khác nhau tột bậc, ví dụ như sự gia tăng dân số cự đại, nhiều cách nuôi thú, cách săn bắt và đánh cá khác nhau cơ bản, hoặc vì những vấn đề sinh thái chưa từng có xưa nay. Sự việc này có vẻ như ngụ ý rằng các câu trả lời theo truyền thống, và thậm chí ngay cả những đặc tính văn hoá, có thể phải được làm thích hợp với những nhu cầu khác nhau cơ bản của hoàn cảnh hiện nay.

Với tư cách của một học giả, tôi đề cao việc phân biệt giữa sự thật lịch sử (cần được rút ra từ những nguồn tài liệu được truyền lại) và những cách làm thích ứng—sáng tạo đến một mức độ nhất định mà không thể tránh được. Sử gia phải cố gắng hết mức để đến gần như có thể sự hiểu biết được cái mà những nguồn tài liệu chính chúng muốn biểu thị (và chắc chắn là chúng thường có một số thông tin để truyền đạt), ngay cả trường hợp kết quả không trùng hợp với sở thích riêng hoặc lòng tín phục của ông ta. Mặt khác, tư tưởng gia hoặc triết gia nhà Phật dĩ nhiên là tự do để triển khai những giải đáp mới nhằm đối phó hoàn cảnh hiện nay, mặc dù với tư cách của một tư tưởng gia Phật giáo, ông ta nên (và chắc chắn sẽ) thực hiện việc này trong sự hài hoà với ít nhất là một số yếu tố của truyền thống Phật giáo. Nhưng điều này không loại trừ việc cải cách, ngay cả việc tái định hướng căn bản. Quả thật là trong trường hợp ăn thịt, không phải là lần đầu tiên mà việc tái định hướng căn bản xảy ra. Tuy nhiên, một việc nan giải thêm nữa của thời đại chúng ta là năng lực thuyết phục của những cải cách như thế này có thể không được gia lực, mà điều có thể xảy ra hơn là chúng bị làm nhụt đi nếu những người kiên nghị nguỵ trang bản chất cải cách sáng tạo của họ bằng cách bác bỏ hoặc bóp méo những sự thật lịch sử (hoặc ít nhất là những gì có thể đã xảy ra). Trong phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, những trường hợp, có vẻ như là có kết quả hơn khi nỗ lực tìm hiểu những điểm phiền nhiễu trong khung cảnh lịch sử của chúng, và, trong trường hợp chúng chứng tỏ là không thể hoà giải với những nhu cầu hiện nay, thẳng thắn thừa nhận điều này.

Trong phần kế đến, tôi trước hết sẽ đưa ra một lược đồ rất ngắn gọn của cái mà tôi xem là những điểm trọng yếu của truyền thống, hoặc những truyền thống, Phật giáo có liên quan đến việc ăn thịt và sau đó, diễn giảng vấn đề của cái mà tôi, một mặt với tư cách là một nhà Phật học và mặt khác là một người quan tâm đến vấn đề luân lí, có thể suy tưởng ra là một giải đáp Phật giáo thích hợp trong thời đại chúng ta hiện nay.

Phát triển lịch sử của việc ăn thịt trong truyền thống Phật giáo[sửa]

1.1 Trong các bộ luật (sa., pi. vinaya) thịt và cá được liệt kê vào năm loại thức ăn căn bản (sa. bhojanīya)[18] và chúng cũng được xếp vào những loại thức ăn ngon (sa. paṇītabhojana).[19] Như thế thì thịt và cá, như một lẽ đương nhiên, được giả định trước là một phần của thức ăn loài người. Hơn nữa, không có dấu hiệu nào cho thấy rằng tăng sĩ (và nữ tu sĩ) bị cấm nhận thịt và cá. Đúng hơn là chúng ta có những lời trần thuật minh xác về sự cho phép.[20] Sự hạn chế duy nhất được tìm thấy trong Biệt giải thoát kinh (sa. prātimoksasūtra) là ngoại trừ trường hợp bị bệnh, họ không được phép một cách đặc biệt yêu cầu thịt hoặc cá, cũng như những món ăn ngon khác như sữa và mật ong,[21] bởi vì điều này có thể làm giảm tính nghiêm túc và lễ nghi tu hành của họ. Ấn tượng của tôi là các tăng sĩ nguyên phải nhận những gì họ được đưa khi đi khất thực. Vì ý tưởng ban đầu của sống bằng khất thực có vẻ như là tu sĩ chỉ nhận thức ăn dư thừa của thường dân cho nên, mối liên hệ của việc ăn thịt với sát sinh không tương quan gì đến các tu sĩ. Thú vật dù gì đi nữa cũng đã bị giết. Điều này đã phải là một điểm quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn bởi vì thời đó, cây cỏ vẫn còn được xem là thực vật sống, là chúng sinh (sentient beings), cho nên, trong trường hợp thức ăn chay thực vật, điểm quan trọng cũng là việc không vướng mắc gì đến việc sát sinh. Tuy nhiên, đối với Phật tử, ý niệm về việc thực vật có hàm linh có vẻ như đã rút lui về phía sau khá sớm.[22]

1.2. Hoàn cảnh tương quan đến thịt có vẻ như đã trở nên phức tạp hơn đối với các tu sĩ Phật giáo bởi vì về phần họ, việc sinh sống bằng thức ăn dư (khất thực tuỳ cơ ở nhà của thí chủ) đã trở thành một cơ hội tuỳ chọn và việc nhận lời mời ăn đã được cho phép.[23] Điều được quy định bây giờ là tu sĩ được phép nhận thịt chỉ khi nào thịt "thanh tịnh ở ba góc độ" (sa. trikoṭipariśuddha), có nghĩa là, tu sĩ đã không thấy, cũng không nghe là con thú đã bị giết đặc biệt vì ông, và cũng không có nguyên nhân nào để nghi ngờ việc này.[24] Theo kinh Jīvakasutta trong Trung bộ kinh (pi. Majjhimanikāya)[25] thì trên tầng cấp tu tập tâm linh, điều kiện hình thức này đã phải được bổ sung bằng cách phát triển thái độ tâm từ (pi. mettā).

1.3. Về phía cư sĩ Phật giáo (sa., pi. upāsaka) thì các cá nhân thành tín có lẽ đã luôn tìm cách tránh xa việc sát sinh bằng cách mua thịt ở chợ,[26] nhưng những cư sĩ ít thành tín hơn rõ ràng đã ít câu nệ hơn, vì chúng ta cũng đã nghe việc cư sĩ đã giết thú vật để lấy thịt dùng cho chính họ hoặc thậm chí dùng cho tu sĩ.[27]

1.4. Bất cứ điều này, hầu hết các cư sĩ có lẽ đã cử hoàn toàn một số thịt kị huý (ví như thịt người) hoặc thịt chỉ được ăn bởi những giai cấp thấp nhất (ví dụ như thịt chó tại Ấn Độ), và tu sĩ cũng bị cấm nhận loại thịt như thế.[28]

1.5. Cũng đã có những khuynh hướng cấm các tu sĩ ăn cá và thịt vì lí do tu hành (ascetic), nhưng trong thời kì đầu, chúng không thành công.[29] Trong thời Phật giáo bảo thủ, có vẻ như là chỉ trong những hoàn cảnh thật đặc thù mà thịt đã được kiêng cử hoàn toàn, ví dụ như trong trường hợp tu sĩ tu hành nơi mộ địa (sa. śmāśānika), kiêng ăn thịt vì nguyên do tự bảo vệ mình trước bọn yêu quái thường vãng lai những nơi này, được xem là bị kích thích làm hung tợn nếu tu sĩ ăn thịt.[30]

2.1. Lập trường được miêu tả bên trên vẫn có giá trị cho Phật giáo Đại thừa sơ kì, và thậm chí trong một nhánh mạnh của Đại thừa hậu kì,[31] bao gồm cả Phật giáo Tây Tạng. Tuy nhiên, trễ nhất là vào khoảng năm 400 CN, một nhánh khác, dứt khoát là ăn chay (hoặc ít nhất là ăn chay có chất sữa) xuất hiện trong một số kinh Đại thừa, đặc biệt là trong kinh (Đại thừa) Đại Bát-niết-bàn (sa. Mahāpariṇirvāṇasūtra), Ương-quật-ma-la (sa. Aṅgulimālīyasūtra), Lăng-già (sa. Laṅkāvatārasūtra). Các bộ kinh này có vẻ như theo một khuynh hướng Ấn Độ chung của thời kì, xem như được gia cường bằng sự tham dự của giới Bà-la-môn, hoặc thậm chí có lẽ đã được khởi động bởi họ. Nhưng kinh Lăng-già ghi lại: Bởi vì ngay cả người ngoại đạo không ăn thịt thì làm sao mà một Phật tử có thể ăn được nếu căn cứ vào sự thật là nguyên tắc căn bản của tôn giáo của họ là lòng bi và đồng cảm (sa. kṛpā).[32]

2.2. Luận cứ trung tâm của kinh Đại Bát-niết-bàn (có vẻ như là nguồn tài liệu cổ nhất trong những nguồn được nêu bên trên) là tính bất tương thích của việc ăn thịt với lòng từ (sa. maitrī),[33] và như vậy, với sở hạnh của một Bồ Tát. Như kinh Đại Bát-niết-bàn ghi lại, người ăn thịt toát ra một khí vị của sự hung tợn làm chúng sinh xung quanh kinh hãi[34] và qua đó, đánh mất một cơ hội có được niềm tin của chúng (điều mà ông ta nên làm với tư cách của một Bồ Tát). Ăn thịt, theo kinh Lăng-già, là cách sống của loài thú săn ăn thịt sống và yêu tinh,[35] hoặc như Ngưng Nhiên (ja. Gyōnen 凝然, 1240–1321) nói: Người nào không dứt ăn thịt không khác gì loài thú.[36]

2.3. Vì lòng từ (sa. maitrī) bao gồm cả khía cạnh cảm tình như giữa những người thân thuộc và ngay cả giữa cha mẹ và con cái—đối với một Bồ Tát, tất cả chúng sinh là như, hoặc nên trở thành như, người con trai duy nhất[37]—việc kiêng cử ăn thịt không chỉ là một vấn đề tâm linh: Nếu tất cả chúng sinh, bao gồm cả súc sinh, được cảm nhận như những người thân thuộc thì ăn thịt chúng tương tự như ăn thịt đồng loại, thậm chí như việc ăn thịt của cha mẹ hoặc con cái của chính mình. Trong kinh Ương-quật-ma-la, khía cạnh này được tăng cường bằng luận cứ rằng, trong chuỗi xích của vòng sinh tử vô thuỷ, mỗi chúng sinh đã thật sự là cha của mình, hoặc mẹ mình, hoặc là người thân thuộc.[38] Kinh Ương-quật-ma-la còn đi một bước xa hơn nữa: Vì sự thật là tất cả chúng sinh, bao gồm cả súc sinh, mang Như Lai tạng (sa. tathāgatagarbha), hoặc Phật tính (sa., pi. buddhatā), và vì thế, có chân tính (sa., pi. dhātu) như chính mình, thịt của chúng và thịt của mình cơ bản là như nhau.[39] Như vậy thì ăn thịt thực tế là tự mình nhai nuốt mình (autophagy) và vì lí do này nên hoàn toàn phi tự nhiên. Một cách trình bày cũng nguyên tắc này nhưng hơi khác một chút được thấy nơi Trân Hải (Chinkai 珍海, 1093–1152):

"Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, sẽ thành Phật. Làm sao mà Phật có thể ăn Phật được!?"[40]

Một luận cứ tương quan được kinh Phạm võng trình bày: Vì trong một kiếp sống này hoặc kiếp sống khác, những nhân tố hiện đang hình thành thân thể thú vật đã hình thành thân thể của chính mình nên giết hại hoặc ăn thịt chúng có nghĩa là giết hại hoặc ăn chính thân thể trước đây của mình.[41]

2.4. Trong nhiều luận cứ được trình bày trong kinh Lăng-già, tôi chỉ nhắc đến hai:

a) Thịt không thanh tịnh.[42] Điều này có vẻ như là sự quan tâm của người Bà-la-môn về tính thanh tịnh,[43] nhưng cũng được tìm thấy trong những nguồn tài liệu Phật giáo không ăn chay, trong văn cảnh trình bày tính ghê tởm của thức ăn nói chung, và, dĩ nhiên, của thức ăn ngon, đặc biệt là thịt.[44] Từ góc độ này, người ta có thể hiểu được là ngay cả thịt của những con thú chết một cách tự nhiên cũng bị cấm kị.[45] Nó có thể, cũng là một điều dĩ nhiên, là một điều ghê tởm nhìn từ khía cạnh tất cả các thú vật như, hoặc đã là, người thân thuộc. Tuy nhiên, trong một bài văn được xem là của Lương Vũ đế—trị vì từ năm 502–509 và đặc biệt tuyên bố là kiêng cử thịt và cá, và ngay cả những sản phẩm từ sữa và mật ong[46]—chúng ta thấy được một luận cứ luân lí, được lập trên cơ sở bất sát sinh (sa. ahiṃsā)—một luận cứ mặt khác được xem là điển hình của các tài liệu nguồn Kì-na giáo[47]—cho biết vì sao ngay cả thịt của thú vật chết một cái chết tự nhiên cũng phải được kiêng kị: một xác thú được cư ngụ bởi vô số động vật nhỏ, thấy được và không thấy được, bị sát hại nếu thịt được nấu hoặc rán.[48]

b) Tuy nhiên, như nhìn chung về việc ăn thịt, một luận cứ khác của kinh Lăng-già quan trọng hơn nhiều nhìn từ quan điểm luân lí—một luận cứ ngẫu nhiên cũng có những khúc tuyến Bà-la-môn song song:[49] cụ thể là luận cứ cho rằng, người tiêu thụ thịt cùng đảm nhận trách nhiệm cho sự sát hại sinh linh vì việc tiêu thụ thịt bắt buộc phải khơi gợi việc cung cấp thịt, và qua đó, góp phần sát sinh vì phần lớn thú vật bị giết để đáp ứng yêu cầu.[50] Đối với kinh Lăng-già, việc cùng gánh trách nhiệm của người tiêu thụ cho việc sát sinh ám chỉ rằng, ông ta sẽ chịu đựng nghiệp quả giống như người giết thú[51]—một chủ đề sau này được khuếch trương mạnh trong những nguồn tài liệu Trung Hoa.[52] Nhưng kinh Lăng-già cũng có vẻ đặt việc kiêng cử ăn thịt trên nền tảng của Quy tắc vàng, bằng cách miêu hoạ một Bồ Tát như một người mà đối với ông ta, tất cả những chúng sinh đều là chính mình (sa. sarvabhūtātmabhūta).[53] Một cách công thức hoá gọn nhưng rõ ràng đã được một vị Đại sư Trung Hoa là Quán Đỉnh (灌頂, 561–632) đưa ra:

"Như trong trường hợp đối với chính mình, ta không muốn ăn sinh linh khác."[54]

Có nghĩa là: Như ta không muốn bị ăn bởi chúng sinh khác, ta không nên ăn chúng sinh khác.

c) Điểm quan trọng của sự cùng mang trách nhiệm của người tiêu thụ, được đề cao bởi kinh Lăng-già, đã bị không chiếu cố hoặc thậm chí bị gạt bỏ rõ ràng bởi nhánh bảo thủ. Tuy vậy, tới một mức độ nào đó, nó đã được Đại đế A-dục (sa. Aśoka) nhận thức, có lẽ vì mối tương quan hiển nhiên giữa việc cung cấp thịt và giết hại có quy mô lớn ở cung điện.[55] Cũng có một câu truyện thú vị trong một bài chú giải cổ (được dịch sang Hán văn vào khoảng 300 CN) của một phiên bản kinh Pháp cú (sa. Dharmapada). Trong câu truyện này, Phật đã khiến một bộ tộc chuyên săn bắt thú dừng việc săn bắt và theo một cách sinh sống ăn chay.[56] Trong trường hợp này, mối quan hệ trực tiếp của việc ăn thịt với sát sinh đã chứng tỏ là không thể tiếp nhận được từ quan điểm Phật giáo.

2.5. Kinh văn Đại thừa chủ trương việc ăn chay vừa được luận bàn cũng dư biết được sự thật là lập trường của chúng bất đồng với lập trường của nhánh bảo thủ. Để làm hợp quy luật lập trường của mình, chúng diễn giảng việc cho phép ăn thịt theo phần trong Luật tạng là bước tạm thời hướng đến sự cấm chỉ hoàn toàn.[57] Và kinh Lăng-già nói rõ ràng là đức Phật chính ngài chưa từng ăn bất cứ loại thịt nào.[58]

3. Trong các bài kinh văn tiền và nguyên mẫu mật tông, việc cấm kị ăn thịt thỉnh thoảng cần thiết trong mối tương quan với việc áp dụng những công thức uy lực huyền diệu, như một thành tố của sự thanh tịnh tu hành hoặc đúng hơn là của nghi lễ và cũng có thể vì sự tự bảo vệ.[59] Tuy nhiên, những công thức như thế cũng có thể được dùng chỉ để bảo vệ trước những hậu quả ác hại của việc ăn thịt,[60] thay thế hoặc bổ sung cho việc phát triển một tấm lòng từ, vốn đã có một chức năng tương tự trong Jīvakasutta của Phật giáo nguyên thuỷ. Trong một nhánh của Kim cương thừa, Mật tông Phật giáo sau này, việc ăn thịt và thịt bị cấm kị ở đó,[61] được thực hiện trong một khung cảnh nghi lễ như một việc phá cấm giới một cách có cân nhắc kĩ, và trong khung cảnh của việc ăn chung với yêu tinh để cùng góp phần vào năng lực siêu nhiên của chúng.[62]

4. Tại Đông Á (tương phản với Phật giáo Tây Tạng), nhánh theo ăn chay đã khá thành công trong giới tu sĩ nam và nữ cũng như trong giới cư sĩ đặc biệt thuần thành, nhưng như sự việc đã rõ ràng, việc cấm kị ăn thịt đã bị bác bỏ bởi Thân Loan (ja. Shinran 親鸞) và Tịnh độ chân tông (ja. Jōdo Shinshū 淨土真宗) như một cách bám vào giới luật vô dụng và dựa vào sức lực của chính mình. Sau này, sau thời Minh Trị phục hưng, việc ăn thịt được chấp nhận bởi hầu hết các tăng sĩ Phật giáo Nhật Bản, việc gắn bó với một cách ăn chay nghiêm nghị thời nay, nếu tôi được truyền tin đúng, chỉ hạn chế ít nhiều ở những chỗ đặc biệt như các trung tâm tu tập Thiền.

5. Mặt khác, nhiều Phật tử Tây phương (mặc dù chắc chắn là không phải tất cả) có khuynh hướng trở thành người ăn chay, với một đại biểu xuất sắc là Thiền sư Philip Kapleau với bài tiểu luận "Trân ái toàn sự sống" (To Cherish All Life),[63] mặc dù có vấn đề ở phía nhìn của ông ta về các sự thật lịch sử, là một bài biện giải uy nghi chống lại việc ăn thịt.

Triển vọng trên cơ sở những thiết lập truyền thống[sửa]

Sau phần tóm tắt ngắn gọn của sự phát triển lịch sử của việc ăn thịt và ăn chay trong truyền thống Phật giáo, quý vị giờ đây hãy để tôi tìm cách bàn luận, trên cơ sở của những thiết lập truyền thống này, cái mà đối với tôi có thể là lập trường Phật giáo hợp lí thoả mãn trong hoàn cảnh hiện nay. Dĩ nhiên là tôi không muốn đối xử như kẻ cả với các Phật tử, nhưng nó có thể là một sự việc thú vị và kích hoạt đối với họ khi họ thấy điều mà một nhà Phật học—người đồng thời tự thú một cách thẳng thắn là luân lí tự nhiên là một đối tượng âu lo một phần nào đó đối với ông ta—có thể mong chờ được từ nơi họ trên cơ sở của (các) truyền thống của họ.

Luận cứ ủng hộ việc ăn chay[sửa]

1. Quý vị hãy để tôi phác thảo cái mà tôi xem là những điểm chính, những gì kêu gọi một sự xem xét lại, trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, vấn đề ăn thịt và cá và một thái độ hạn chế hơn. Để tránh những hiểu lầm, quý vị hãy để tôi nói lại luận điểm của tôi, đã được phác thảo trong một luận văn trước đây,[64] là trong luân lí tự nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa luân lí liên quan đến cá thể và luân lí sinh thái. Luân lí có liên quan đến cá thể, trong khung cảnh của chúng ta, thực tế gần như là luân lí thú vật, liên quan đến thú vật như những chúng sinh cá thể. Luân lí sinh thái liên quan đến chủng loại (species), tính đa dạng của sinh vật (bio-diversity) và hệ thống sinh thái (ecosystem) (hoặc hệ thống sinh thái của trái đất như một tổng thể). Một thú vật như một cá thể là một chúng sinh, đang sống, cảm nhận được đau đớn và sợ chết, như vậy là một đối tượng khả dĩ của sự hành hạ, sát hại, hoặc bi cảm. Một chủng loại (species) không cảm nhận đau đớn hoặc sợ hãi, và như vậy, không thể bị hành hạ. Nó có thể bị làm tiệt chủng, hoặc biến mất. Điều này không phải là vấn đề của bi cảm, nhưng lại là sự hối tiếc dành cho một sự mất mát mà chúng ta cảm nhận được (hoặc không có khả năng cảm nhận), và nó có thể đưa đến những hậu quả không muốn, bao gồm những loại như có thể gián tiếp ảnh hưởng đến những chúng sinh cá thể.

2. Nhìn về luân lí tự nhiên Phật giáo truyền thống thì trước hết nó là luân lí thú vật. Giới luật cổ kính thứ nhất của Phật tử là: Không sát hại chúng sinh, bao gồm cả thú vật. Như đã chỉ đến trước đây, giới này theo truyền thống không bao gồm việc kiêng kị ăn thịt bởi vì truyền thống trước đây không để ý đến mối quan hệ giữa ăn thịt và sản xuất thịt, ít nhất là trong những trường hợp mà mối quan hệ không là một mối trực tiếp, có thể nắm bắt được. Về phần tu sĩ nam và nữ thì điều này có thể đã là thích hợp khi nào mà số lượng của họ còn nhỏ và khi nào mà những gì họ nhận được khi đi khất thực ít nhiều chỉ là thức ăn dư thừa. Nhưng nếu số lượng tu sĩ được mời (một kinh văn[65] nói đến hơn 1250 phần ăn với đĩa thịt!), người ta đã phải mua thêm thịt và ảnh hưởng kích động của sự tiêu thụ đến việc cung cấp khó có thể bị bỏ qua. Trong trường hợp của cư sĩ, người trực tiếp thực hiện hoặc ít nhất là sai người mua hoặc thậm chí sai người giết, mối quan hệ lại còn không thể chối cãi hơn[66]; và từ quan điểm số lượng thì, chung quy, sự tiêu thụ thịt của thường dân chính là cái quan trọng, không phải là sự tiêu thụ thịt của một số tu sĩ tương đối nhỏ. Có vẻ như là việc không lưu tâm đến sự ảnh hưởng gián tiếp của việc tiêu thụ thịt đến việc sát hại thú vật của phía bảo thủ có chút ít nào đó tương quan đến khuynh hướng Phật giáo là gán sự quan trọng hàng đầu vào thái độ tâm linh (spiritual); vì, khi nhận hoặc mua thịt đã sẵn có, một cá nhân không chỉ được tách li ra khỏi việc sát sinh về mặt thể chất, mà còn có thể được tách li về mặt tâm lí, ví dụ như bằng cách phát triển một thái độ từ tâm, như kinh Jīvakasutta đề nghị. Nhưng nếu được nhìn từ góc độ của nạn nhân, thú vật, thì sự việc không dính líu gì đến việc người giết lấy thịt bị người tiêu thụ đích thân bắt làm, hoặc chỉ gián tiếp bị sai khiến bởi yêu cầu của ông ta. Điều này được nhận thức đúng trong kinh Lăng-già. Trên thế giới hiện nay, ít nhất là trong những nước kĩ nghệ, hầu hết thịt và cá được cung cấp cho người tiêu thụ vô danh (anonymous). Như thế thì, ông ta, với yêu cầu của mình, đảm nhận hầu hết phần trách nhiệm cho việc sát sinh.

3.1. Các tài liệu nguồn truyền thống phần lớn lưu tâm đến việc giết hại thú vật; chỉ ngoại hạng như trong kinh Jīvakasutta,[67] tài liệu nhắc đến sự hành hạ mà thú vật phải chịu đựng ở cả hai, trên đường đi đến chỗ giết lấy thịt và qua chính hành vi giết lấy thịt. Tuy nhiên, thời nay, sự hành hạ mà thú vật phải chịu đựng có vẻ như kinh khủng hơn nhiều so với việc bị giết hại, và theo đó, sự quan tâm của Phật tử thời nay đã thường chuyển từ việc sát hại đến hành hạ. Philip Kapleau đã đưa ra một miêu tả chấn động của những tàn ác mà thú vật phải chịu đựng không những trong quá trình bị giết, mà thậm chí hơn như thế nữa trên đường đi đến chỗ giết lấy thịt hoặc thậm chí trong suốt cả cuộc đời vì những trại chăn nuôi hiện đại ("sản xuất thú vật"! ["animal production"]).[68] Đặc biệt là việc chăn nuôi gà và lợn hàng loạt (battery-farming) là cái mà ta có thể nghĩ đến ngay trong mối quan hệ này. Như vậy thì, thú vật được chăn nuôi để lấy thịt hiện nay không được phép sống, ít nhất là một cuộc sống tử tế, hạnh phúc cho đến khi chấm dứt khi bị giết lấy thịt. Phần lớn trong suốt thời gian sống, chúng bị giam giữ trong những điều kiện hoàn toàn không tự nhiên, chỉ để cung cấp thịt và trứng với giá thấp và còn với lợi nhuận tối cao cho nhà sản xuất. Trong trường hợp cá biển thì một trong những vấn đề chính là việc đánh cá bằng lưới trôi (drift net fishing) (bị cấm trên vùng biển quốc tế từ năm 1993 nhưng vẫn còn được thực hiện bởi một số nước châu Âu trên vùng biển của họ),[69] gây nên cái chết đau đớn cho vô vàn sinh linh không cần thiết cho việc tiêu thụ.

3.2. Như tôi được biết thì truyền thống Phật giáo chưa từng thừa nhận lập trường phản trực giác (counter-intuitive) theo Descartes là thú vật chỉ là những cái máy tự động không có cảm nhận, và ít nhất là trong trường hợp những con thú được mệnh danh là động vật cao cấp, các nhà sinh vật học, như tôi thấy, không còn phủ nhận khả năng cảm nhận đau đớn của chúng. Trong một ý nghĩa nhất định, hoàn cảnh của chúng thậm chí còn thê thảm hơn hoàn cảnh con người bởi vì chúng có thể không có khả năng siêu việt cái khổ đau hiện hành, nếu có thì chỉ đến một mức độ nào đó, bằng sự nhận thức rằng ít nhất nó sẽ không tiếp tục mãi. Thế nên, những dạng sản xuất thịt hiện đại đang nắm ưu thế và, ít nhất là trong một phần nào đó, đánh cá có vẻ như tất cả không phù hợp với luân lí thú vật Phật giáo, được đặt trên cơ sở của Quy luật vàng (Golden Rule) mà theo đó, tất cả chúng sinh đều sợ cái chết như ta, sợ bị hành hạ, sợ đau khổ. Con người có thể, trong truyền thống Phật giáo, được có những đặc quyền với ý nghĩa là những chúng sinh duy nhất có khả năng đạt nhận thức giải thoát, nhưng điều này hầu như không cho phép họ chuyển đổi một cuộc sống súc sinh thành địa ngục, thường chẳng vì điều gì hơn là vì một cách sống xa hoa hơn. Nhân dịp này ta cũng nên nhớ rằng, việc tuyên xưng tính ưu việt của loài người mắc phải lỗi được phát biểu bởi chính nhóm được có đặc quyền, cứ tương tự như tính ưu việt của người Bà-la-môn được xác nhận bởi người Bà-la-môn. Sự việc chắc chắn có thể thuyết phục hơn nếu tính ưu việt của con người được thú vật tuyên bố. Và chúng ta cứ tưởng tượng xem rằng chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu một số chủng loại nào đó ngoài hành tinh, ưu việt về mặt kĩ thuật và tư duy, suy dẫn từ điều đó quyền lợi giam giữ hoặc truy tầm con người để ăn thịt—hoặc làm vật thí nghiệm, như liên hệ đến sự việc—bằng cách tương tự như chúng ta thực hiện với thú vật.

4. Bây giờ tôi tiến đến những hàm ý sinh thái (ecological) của việc tiêu thụ thịt và cá hiện nay. "Sinh thái" là, để xác nhận lại, là một từ không rõ ràng. Tôi dùng nó với nghĩa của một cái có liên hệ với những khu vực hoặc phong cảnh đặc thù hơn hoặc bao quát hơn mà trong đó, một bộ thực vật và động vật, tuy không phải là bất biến, đứng trong một sự cân xứng, với một xu hướng tiến đến một sự đa dạng sinh vật cho khu vực ấy. Tôi thừa nhận rằng cách dùng như thế này hơi tuỳ tiện, vì ngay cả nhưng quá trình tự nhiên cũng có thể (và đã thường) dẫn khởi những biến đổi khốc liệt trong các hệ thống sinh thái. Và tôi cũng thừa nhận là ngay cả sự can thiệp không thương xót của con người không huỷ hoại hoàn toàn các hệ sinh thái mà biến đổi chúng hơn. Tuy nhiên, những biến đổi như thế có thể, và đặc biệt là thời nay thường, dẫn đến một sự biến mất và thậm chí đến sự tuyệt chủng của một số chủng loại động và thực vật đáng kể, cũng như dẫn đến sự thiệt hại của cái đẹp thiên nhiên. Điểm cuối, để xác định lại, là một phạm trù của mĩ học loài người, và có lẽ cũng không phải là một phạm trù không bị tranh cãi. Và tôi cũng không chắc chắn là tính đa dạng của sinh vật và hệ sinh thái tự nhiên vô nhiễu (tuy không bất biến) có thể được bảo vệ như những giá trị đến mức nào từ quan điểm Phật giáo truyền thống. Dù điều này có thể như thế nào, hiện nay có một phong trào sinh thái Phật giáo đầy khí lực trong cả hai nền Phật giáo châu Á và châu Âu. Và ngay từ quan điểm truyền thống, người ta ít nhất cũng luận cứ được rằng, việc phá huỷ các hệ sinh thái đã thường mang hậu quả bất lợi đến những động vật cá thể sống trong chúng, và thỉnh thoảng đến loài người, và rằng lúc nào cũng luôn đã có một nhánh đánh giá nơi hoang dã là một nơi thích hợp cho tu tập thiền định. Điều chắc chắn là mức độ tiêu thụ thịt và cá hiện nay chịu trách nhiệm cho một số tai hại sinh thái. Để liệt kê chỉ một vài ví dụ:

  • Đánh bắt cá quá mức;
  • Số lượng phân quá lớn từ những trại chăn nuôi hàng loạt thú gia cầm làm ô nhiễm sông hồ;
  • Phá rừng nguyên sinh tại Brazil để nuôi thú phục vụ việc tiêu thụ thịt vượt mức ở bắc bán cầu, hoặc để trồng đậu nành làm thức ăn khô cho thú nuôi hàng loạt (mặc dù đậu nành có thể cung cấp cho loài người nhiều chất dinh dưỡng hơn nhiều lần nếu được tiêu thụ trực tiếp).

– và tất cả điều này góp phần vào việc nguy cập hoặc thậm chí tiệt chủng của một số chủng loại ngày càng gia tăng. Đương nhiên là luận cứ sinh thái không tất nhiên ám chỉ việc ăn chay. Săn bắt, đánh cá và chăn nuôi thú có tiết chế thông thường có thể không gây hại cho hệ sinh thái. Vấn đề ở đây là dung tích quá độ mà những hành vi này đã đạt đến. Như đã trần thuật trước đây, người tiêu thụ, bao gồm cả người tiêu thụ nhà Phật, giờ đây không thể nào bác bỏ trách nhiệm chung của mình nữa.

Kháng biện khả dĩ[sửa]

Trong phần đi trước, tôi đã cố gắng chỉ đến những gì mà tôi xem là những điểm mạnh cho việc xem xét lại, trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta, việc tiêu thụ thịt và cá không phân biệt, cũng từ một quan điểm Phật giáo. Hãy để tôi tiếp tục luận bàn, không quả quyết là tường tận, một vài phản đối có thể được đề cử từ quan điểm Phật giáo.

1. Xuất phát từ giả định của một vài nhánh Phật giáo Đông Á (đặc biệt là Phật giáo Nhật Bản) là cây cỏ cũng có Phật tính, và có lẽ có ngay cả một vài dạng của lí trí, ta có thể luận cứ là ăn chay không tốt hơn là ăn thịt và cá. Tôi đồng ý là có một vấn đề và ăn chay hoàn toàn không có nghĩa là đã luôn luôn ở phía an toàn. Còn ít hơn như thế nữa vì sữa và đặc biệt là trứng cũng thường được sản xuất bằng việc chăn nuôi hàng loạt, và vì sự thật là những dạng sản xuất cây cỏ hiện đại vượt trội gây tổn hại môi trường, đặc biệt do chúng thiên về độc canh và dùng quá nhiều thuốt diệt côn trùng. Mặt khác, luận cứ cho rằng cây cỏ cũng là chúng sinh và vì vậy, ăn chay không phải là một giải đáp toàn hảo có thể dễ dàng trở thành một cớ để thuận tiện duy trì những thói quen tiêu thụ ưu ái lâu nay của mình. Trên mọi bình diện, sự việc trở nên phản trực giác nếu ta phủ nhận sự khác biệt từng cấp bậc giữa sát hại và ăn thịt thú vật (ít nhất là những thú vật mệnh danh phát triển cao) một mặt và cây cỏ mặt khác, chỉ như là có một sự khác biệt trực giác giữa việc ăn thịt và ăn thịt đồng loại. Đúng là Phật giáo chủ lưu tại Nam, Đông Nam và Trung Á có thể đã nhấn mạnh thái quá sự khác biệt bằng cách đặt cây cỏ, nhưng là những gì hoàn toàn vô tri vô giác, lên cùng tầng cấp như khoáng chất. Nhưng mặc dù vậy, ngay cả những tài liệu nguồn Phật giáo cổ, vốn không minh xác về khía cạnh này, cũng đã rõ ràng giả định trước một sự khác biệt nhất định, trong mọi trường hợp trong khung cảnh của những cẩm nang thực tiễn dành cho giới cư sĩ.[70]

2. Từ quan điểm Tantra (và thậm chí Trung Quán), người ta có thể phản đối là việc phân biệt giữa thịt và thực phẩm chay không gì khác hơn là nhị nguyên, thực thể hoá những phân biệt khái niệm vô căn cứ.[71] Tương tự như vậy, nhìn từ góc độ của Tịnh độ chân tông kiêng kị thịt và cá có thể được xem là một biểu thị của niềm tin vô bổ vào năng lực của chính mình và những thành tựu đạo đức, hoặc thậm chí như một dụ dỗ khiến ta thấy mình siêu việt người khác và khinh miệt họ,[72] và vì vậy, không dẫn đến giải thoát mà ngược lại, là một chướng ngại cho việc này. Thỉnh thoảng tôi thậm chí có ấn tượng là một vài đại biểu của Tịnh độ chân tông gần như xem việc ăn thịt là một việc phải làm, xem nó như là một loại chứng cứ hoặc biểu tượng của việc không đặt niềm tin vào những tuân thủ giới luật bên ngoài, cứ như nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo, ít nhất cho đến vài thập niên trước đây, cau mày nhìn những người ăn chay vì động cơ luân lí như người ngoại đạo vì theo quan điểm của họ, thượng đế đã tạo thú vật chỉ cho việc tiêu thụ của con người. Đúng là việc đề cao thái độ tâm linh của cá nhân (thay vì tư thái bên ngoài) đã là một đặc điểm trung tâm của Phật giáo ngay từ đầu, và tôi thừa nhận là việc chọn ăn chay có những cạm bẫy tâm linh.[73] Nhưng những cạm bẫy như thế này chỉ có thể được tránh khỏi bằng cách tham gia tiêu thụ thịt? Có thật sự cần thiết tự mình trở thành một đồ tể để không khinh miệt đồ tể? Và điều này không phải, nếu nhìn theo cách này, là sự tập trung quá đáng vào việc giải thoát hoặc khía cạnh tâm linh của chính mình hay sao? Không phải là nỗi âu lo hàng đầu của chúng ta, nhìn về khía cạnh ăn thịt, được dành cho những nạn nhân, thú vật hay sao? Chúng có thể chẳng quan tâm đến những động cơ thúc đẩy mà mà qua đó, chúng được miễn bị hành hạ và giết mổ. Chắc chắn là không tất yếu trở nên vướng mắc vào những hành động tàn nhẫn của việc sản xuất thịt và cá hiện đại để tránh tính tự mãn hoặc những cảm nhận của sự ưu việt hoặc đặt niềm tin vào chính mình. Người ta rất có thể đối xử với các sinh linh này với một lòng thương hại hoặc thân mến tự phát, bất cứ vào những quan điểm tâm linh hoặc giải thoát đạo nào. Và nếu Phật A-di-đà cứu độ ngay cả một người ăn thịt chính trực về mặt tâm linh thì vì lí do nào mà ngài không nên cứu một người ăn chay lầm lạc, đáng thương? Lòng bi của ngài chắc chắn cũng lan rộng đến các súc sinh.

Đề nghị[sửa]

Theo ý tôi, hoàn cảnh đặc thù của tình hình chúng ta hiện nay đòi hỏi một biến đổi quyết liệt của thái độ chung đối với việc tiêu thụ thịt và cá, cũng từ quan điểm Phật giáo. Những dạng chăn nuôi, bắt hoặc mổ thịt thú vật tàn nhẫn, như tôi nghĩ, không tương hợp với luân lí Phật giáo; và một số chủng loại—trong số đó tôi kể thêm loài cá voi vào—hoàn toàn không nên bị giết và tiêu thụ, dù vì nguyên do cảm nhận đặc biệt của chúng hoặc vì nguyên do sinh thái, hoặc cả hai, và có lẽ cũng để tránh việc mang tiếng xấu cho văn hoá Phật giáo từ quan điểm toàn cầu. Dụng cụ giản đơn nhất của người tiêu thụ để phản đối những hành vi tàn nhẫn đối với thú vật là từ chối mua những sản phẩm hệ thuộc. Đương nhiên, lời ứng đáp cực đoan nhất có thể là theo nhánh ăn chay của Phật giáo Đại thừa và thực hành việc kiêng cử thịt và cá hoàn toàn. Nhưng, để chống lại những vấn đề đặc thù thì có lẽ không cần thiết nếu tiến xa như thế và cấm kị thịt và cá hoàn toàn.

  • Thứ nhất, có thể có những trường hợp mà việc tiêu thụ không ảnh hưởng gì đến việc cung cấp, ví dụ như thực phẩm đã được chuẩn bị có thể bị vất bỏ nếu không được dùng, cứ tương tự trường hợp của những người tu hành Ấn Độ thời xưa.[74]
  • Thứ hai, có thể có những cá nhân—như trẻ em và người đang dưỡng bệnh—mà đối với họ, một số lượng thịt và cá không thể thiếu, nhìn từ quan điểm dinh dưỡng.
  • Thứ ba, ở một vài vùng, điều kiện khí hậu hoặc sinh thái có thể ép buộc người ta thêm chất đạm thú vật trong thức ăn của họ và sống bằng thú chăn nuôi hoặc cá, ít nhất là đến một mức độ nhất định.

Mặc dù hoàn cảnh ở những vùng này hiện nay có thể được làm giảm nhẹ bằng việc nhập lương thực, việc chuyên chở hệ thuộc lại tạo những vấn đề sinh thái của nó. Thế nên, việc cấm kị thịt hoặc cá một cách bao quát có thể là bất khả thi trong những vùng này, ít nhất là không cho tất cả mọi người. Thậm chí có thể là một việc có ý nghĩa khi hỗ trợ những nhà sản xuất bằng cách mua những sản phẩm của họ như nuôi giữ những con thú trong những điều kiện tử tế hoặc thực hiện việc đánh cá phù hợp hệ sinh thái chống lại những người không làm điều này.

Trong một khung cảnh như thế, thái độ Phật giáo thời xưa cho phép tiêu thụ cá và thịt dưới những điều kiện nhất định có ý nghĩa hơn. Mặc dù vậy, nó có sự thiếu sót là không phê phán công bằng trách nhiệm gián tiếp của người tiêu thụ vì mối tương quan của cung cầu. Vì trong khi người tiêu thụ được giải tội khi chỉ mua thịt, nhà sản xuất thực hiện việc sát sinh (đánh cá, đồ tể v.v.) bị khinh miệt và kì thị trong xã hội. Về mặt này, ý thức của kinh Lăng-già rằng người tiêu thụ chia tội ác với người sản xuất chân thật hơn. Vì vậy, tất cả chúng ta với tư cách những người tiêu thụ đều đảm nhận trách nhiệm.

Như tôi hiểu giới luật bất sát sinh của Phật giáo thời xưa thì nó nguyên là một lí tưởng: trong trường hợp của giới cư sĩ thì ít nhất, sự việc tuỳ thuộc vào sự quyết định của mỗi cá nhân, rằng ông ta hoặc cô ta đang đứng ở vị trí nào và sẵn sàng tuân thủ nó. Điều này có vẻ cũng thích hợp trong trường hợp ăn thịt. Ngay một sự hạ giảm việc tiêu thụ của của chính mình cũng đã góp phần giảm sự cung cấp.[75] Nhưng cái quan trọng hơn ngày nay là kiểm soát sự tiêu thụ của thịt và cá (nhưng cũng của trứng và sản phẩm từ sữa)[76] [77] của chính mình bằng một cách mà ta ít nhất không hỗ trợ những dạng chăn nuôi hoặc săn bắt thú hàng loạt tàn nhẫn và có hại về mặt sinh thái. Không phải vì việc này có thể mang hậu quả gì đến sự giải thoát của mình mà chỉ vì thú vật chính chúng nó như những sinh linh đồng bạn, hoặc vì tính đa dạng tự nhiên của sinh vật quyển nếu điều này thật sự là một giá trị đối với Phật tử. Chức năng quan trọng nhất của tôn giáo chung quy có lẽ ảnh hưởng đến con người bằng một cách mà qua đó, họ trở thành những người có thể chịu đựng được hơn không chỉ cho họ với nhau mà còn cho những sinh linh khác và cho thế giới này như một tổng thể.

Ghi chú[sửa]

  1. Ngoại trừ trường hợp "cá" được nhắc riêng, danh từ "thịt" (meat, skt. māṃsa) được hiểu là bao gồm cá, như trong tác phẩm Mahābhāṣya II:144,17; Xem Albrecht Wezler, Bestimmung und Angabe der Funktion von Sekundär-Suffixen durch Pāṇini, Wieshaden: Steiner 1975: 112 với ghi chú 209; cũng xem thêm Căn bản tát-bà-đa bộ luật nhiếp (根本薩婆多部律攝, Mūlasarvāstivādavinayasaṃgraha, T vol. 24 no. 1458) 585b6-7: "Cá không được nhắc riêng [trong Mūlasarvāstivāda Vinaya] vì nó đã được bao gồm trong từ 'thịt'" (Ngư thị nhục nhiếp, cố bất biệt ngôn 魚是肉攝故不別言).
  2. Vì hi vọng sẽ công bố kết quả của việc nghiên cứu này dưới dạng chi tiết hơn trong tương lai gần nên tôi đã hạn chế việc ghi chú trong bài viết này cho đến mức tối thiểu. Một bài viết Đức ngữ rất sơ bộ đã được công bố dưới tên "Essen ohne zu töten. Zur Frage von Fleischverzehr und Vegetarismus im Buddhismus" trong Perry Schmidt-Leukel (ed.), Die Religionen und das Essen, Kreuzlingen, München: Hugendubel 2000 (Diederichs Gelbe Reihe vol. 163): 145-202; 286-288. Một dị bản tóm gọn của bài thuyết trình hiện nay đã được công bố trong: Ấn Độ triết học 印度哲學 (Journal of Indian Philosophy (Korea)) 12.1/2002: 309-329 (với một lời dẫn nhập khác và một số sơ xuất đáng tiếc vì không có cơ hội đọc dò lỗi).
  3. Đại phương quảng hoa nghiêm thập ác phẩm kinh 大方廣華嚴十惡品經, trong Tạng ngoại Phật giáo văn hiến 藏外佛教文獻 ("Kinh điển Phật giáo không có trong Đại tạng kinh") vol. 1, ed. Fang Guangchang (Phương Quảng Xướng 方廣錩), Bắc Kinh: Tông giáo văn hoá xuất bản xã 宗教文化出版社 1995: 361,6-8.
  4. Tu hành bản khởi kinh (修行本起經, T vol. 3 no. 184): 467b18-23. Bản dịch tiếng Hà Lan trong: E. Zürcher, Het leven van de Boeddha, Amsterdam Meulenhoff 1978: 78-79.
  5. Nhân đây nên được nhắc thêm: chính trong bản văn này, thú vật không săn bắt cũng được miêu tả với một giọng tiêu cực mặc dù không phải vì chúng độc ác mà vì là những sinh linh đáng thương, một phần vì bị chủ định sinh tồn bằng những thức ăn kinh tởm: Loài ăn thực vật như bò sinh sống bằng cỏ (pa. tiṇabhakkha), động vật khác thậm chí ăn phẩn, ăn thịt rữa hoặc những thứ dơ bẩn khác (MN III 167-169).
  6. A-tì-đạt-ma đại tì-bà-sa luận (阿毘達磨大毘婆沙論 Vibhāṣā, T vol. 27 no. 1545) 867a3-5; Hôbôgirin 法寳義林. 4me fasc.: 311.
  7. Jātaka I (Bản sinh kinh) 206-208, trích dẫn theo Peter Harvey, An Introduction to Buddhist Ethics, Cambridge University Press 2000: 162.
  8. Geng Shimin & Hans-Joachim Klimkeit, Das Zusammentreffen mit Maitreya, Teil I, Wiesbaden: Harrassowitz 1988: 141 (Tôi cảm ơn Prof. Dr. Klaus Röhrborn đã chỉ dẫn tôi).
  9. Phật thuyết lập thế A-tì-đàm luận (佛說立世阿毘曇論, T vol. 32 no. 1644: 222b27-29); tương tự như thú vật sống dưới nước: ibid. b19-22. Không tìm thấy trong Lokapaññatti (d. Eugène Denis, La Lokapaññatti et les idées cosmologiques du Bouddhisme ancien, Paris 1977, II: 225-226).
  10. Xem tác giả, "The Early Buddhist Tradition and Ecological Ethics", trong: Journal of Buddhist Ethics 4/1997: 32.
  11. Được phổ cập hoá trong Phạm võng kinh (梵網經, T vol. 24 no. 1484:1006a20-21): 乃至餓虎狼 (v.l. adds: 口) 師子 (v.l. adds: 口中) ... 悉應捨身肉手足而供養之。.
  12. Śaśajātaka (/-avadāna): Jātaka no. 316, Jātakamālā (Bản sinh thắng man) no. 6, etc.; về những tài liệu nguồn và tham chiếu rộng hơn xem Dieter Schlingloff, Studies in the Ajanta Paintings, Delhi: Ajanta Publications 1987: 123-129.
  13. Avadānaśātaka no. 31, etc.; Bodhisattvabhūmi (ed. Nalinaksha Dutt, Patna 1966): 247,6-9; xem Étienne Lamotte, Le Traité de la Grande Vertu de Sagesse de Nāgārjuna (Mahāprajñāpāramitāśāstra) V (Louvain-la-Neuve 1980): 2298-2300; Mamiko Okada 岡田真美子, 藥施捨身說話(2): (赤) 魚本生と魚本生, trong: Journal of Kobe Women’s University 6 (1992): 67-81.
  14. Phạm võng kinh (梵網經, T vol. 24 no. 1484: 1007b13): (不得)…長養猫狸猪狗。.
  15. Phạm võng kinh Bồ Tát giới bản sớ (梵網經菩薩戒本疏, T vol. 40 no. 1813: 649a24-25): 猪是所殺,餘三是能殺。.
  16. Trùng khắc Bồ Tát giới bản (重刻菩薩戒本疏, T vol. 40 no. 1814: 681b1-2): 見彼臨危拯贖者,不犯。.
  17. Thông tin của tôi về Australopithecines và những dạng sơ kì nhất của loài người có chút ít mờ ám (ít nhất là một số đã bao gồm thịt của động vật đã chết trong thức ăn—ban đầu là thực vật—của họ); việc săn bắt chủ động có vẻ như đã bắt đầu với loại Homo erectus. Xem làm ví dụ: Friedemann Schenk, Die Frühzeit des Menschen. München: C.H. Beck 1997: 53; 79; 100-101.
  18. Ví dụ như: Vin IV 83,3-4; 92,15; 176,21-22; 233,20. Những danh sách tương tự, cũng bao gồm thịt và cá, hoặc ít nhất là thịt (với ý nghĩa của cả hai cá và thịt: xem cước chú 1), đã được tìm thấy trong những bộ luật khác.
  19. Vin IV 88,23-26 (pācittiya 39) và những dị bản khác.
  20. Tham chiếu ví dụ như Tứ phần luật四分律 T vol. 22 no. 1428: 660b4-7; 866c8-23; Di-sa-tắc bộ hoà hề ngũ phần luật 彌沙塞部和醯五分律 no. 1421: 147c29-148a11; Thập tụng luật 十誦律 T vol. 23 no. 1435: 91b20-22.
  21. Xem cước chú 19.
  22. Tham chiếu tác giả, The Problem of the Sentience of Plants in Earliest Buddhism, Tokyo 1991. Trong thời gian qua, việc nghiên cứu này đã hồi phục lại bởi Mamiko Okada 岡田美真子,仏教にけろ環境観の变容 ("Die Veränderung der Umweltanschauung im Buddhismus"), trong: 姫路工業大學環境人間學部研究報告 (Himeji Kōgyō-Daigaku Kankyō-ningen-gakubu Kenkyū-hōkoku) 1/1999: l05-109, và Ellison Banks Findly, "Borderline Beings: Plant Possibilities in Early Buddhism", trong: Journal of the American Oriental Society 122.2/2002: 252-263. Tôi có một chút ít dè dặt về mặt kết quả và phương pháp, đặc biệt đối với bài luận thứ hai, nhưng đây không phải là nơi thích hợp để bước vào những chi tiết.
  23. Tham chiếu, ví dụ như Vin I 58 và 96.
  24. Vin I 238; II 197. Xem để có thêm những tài liệu song song: Masahiro Shimoda 下田正弘,『三種の淨肉』再考, trong: Bukkyo Bunka 22 (1989): 7-10; id., 涅般經の研究 (A Study of the Mahāparinirvāṇasūtra), Tokyo: Shunjū-sha 1997: 401-404. Khác với Shimoda, tôi hiểu "thanh tịnh" trong văn cảnh này không đươc chủ đạo chống lại tư tưởng thịt không thanh tịnh của Bà-la-môn một cách phổ quát mà là trong nghĩa của tư tưởng Kì-na giáo được nhắc đến trong tác phẩm Dasaveyāliya (ed. E. Leumann, trong: Walter Schubring, Kleine Schriften, ed. Klaus Bruhn, Wiesbaden: Franz Steiner 1977: 109ff) 5.1.55-56, nơi từ "thanh tịnh" (suddha) đối nghịch với uddesiya ("được chuẩn bị đặc biệt dành cho người tu"), v.v.., và rõ ràng mang nghĩa "thoát khỏi tất cả sự ô nhiễm bởi himsā, tức là sát sinh hoặc gây tổn thương". Thật sự là trong bộ Vin I 233-238, quy luật bắt thịt phải "thanh tịnh ở ba góc độ" được thuật lại là được đề ra để ứng đáp sự phê phán của Kì-na giáo.
  25. MN no. 55 (I 368-371); không có bản dịch tương ưng Hán văn nào mà tôi được biết. M. Maithrimurthi và L. Cousins đã hảo tâm cho tôi biết là một thủ bản Phạn văn của kinh này đã xuất hiện, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa có cơ hội xem qua nó.
  26. Tham chiếu Vin I 237, khi 'tướng quân' Sīha tuyên bố rằng ông không bao giờ sát hại một động vật nào, ngay cả khi sinh mệnh ông lâm nguy. Để thết đãi Phật, ông cho người hầu đi mua pavatta-maṃsa, nghĩa là "thịt đã có sẵn"; tham chiếu thêm I 217, khi nữ cư sĩ Suppiyā cũng làm y như vậy nhưng vẫn không có kết quả.
  27. Tham chiếu Ma-ha-tăng-kì luật (摩訶僧祇律, T vol. 22 no. 1425: 486a5-6): 檀越即牽羊猪雞,羅列在比丘前殺。供食 (v.l. 養) 已去。 Cũng tham chiếu thêm Vin I 192-193, khi con thú bị giết vì bộ da của nó.
  28. Vin I 216-220. Để có những đoạn dịch tương ưng xem Shimoda 1989 (xem cước chú 24): 2-7; 1997 (xem ib.): 395-400.
  29. Vin II 196-197 và III 171-172. Để có những đoạn dịch tương ưng xem Shimoda 1989 (xem cước chú 24): 10-13; 1997 (xem ib.); 404-407. Cách hiểu của tôi về việc sự cố gắng cấm ăn thịt của Đề-bà-đạt-đa như được thúc đẩy qua việc tu hành khác với cách hiểu của Shimoda, người cho rằng ý đồ của ông ta là ép buộc trong Tăng-già một sự phù hợp với khuynh hướng xã hội Ấn giáo, là cấm kị thịt một cách tổng quát.
  30. Tham chiếu ví dụ như Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga, ed. Warren & Kosambi) II.65. Để có được sự hạn chế và biện minh đúng như vậy trong một kinh văn Đại thừa xem Bảo vân kinh (寶雲經, T vol 16 no. 658, Ratnameghasūtra): 232b28-c3 (≈ no. 659: 269a3-7; no. 660: 318a17-22; Phật thuyết trừ cái chướng Bồ Tát sở vấn kinh 佛說除蓋障菩薩所問經 T vol. 14 no. 489: 740a17-21; Peking-Kanjur Bd. Dsu: 95a3-4).
  31. Trong Trung quán tâm luận (Madhyamakahṛdaya, IX.132-138) của Thanh Biện (Bhavya), việc ăn thịt được bảo vệ rõ ràng trước trào lưu ăn chay trong tôn giáo Bà-la-môn.
  32. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra, ed. B. Nanjio) 244.12-245,1 ≈ T vol. 16 no. 670 (Guṇabhadra): 513c7-9. Ct. also T vol. 2 no. 120; Ương-quật-ma-la kinh (央掘魔羅經, Aṅgulimālīyasūtra): 541al8-19 ≈ Peking-Kanjur vol. Tsu: 205a5-6.
  33. T vol. 12 no. 374: 386a15-16 ≈ no. 376: 868c25-26 ≈ Peking-Kanjur vol. Tu: 54b7-8. Tham chiếu Shimoda 1997 (xem cước chú 24): 409.
  34. T vol. 12 no. 374: 386b3-11 ≈ no. 376: 869a12-15 ≈ Peking-Kanjur vol. Tu: 55a7-b2. Tham chiếu 'Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 246,12-247,3.
  35. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 247,12; 253,7-9; cf. also 244,5 etc.
  36. T vol 62:177b20-21: 若人不斷完 (đọc 肉) 者,還與禽獸無相異也. Về Ngưng Nhiên (Gyōnen) xem: Mark L. Blum, The Origins and Development of Pure Land Buddhism, Oxford: Univ. Press 2002: 51 ff.
  37. Tham chiếu Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 244,8: 246,3; 250,10-11; 254,11-12 và 15-16.
  38. T vol. 2 no. 120: 540c23-26 ≈ Peking Kanjur vol. Tsu: 204b1-3. Tham chiếu Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 245,10-17.
  39. T vol. 2 no. 120: 540c26-27 ≈ Peking Kanjur vol. Tsu: 204b3-4. Tham chiếu David Ruegg, "Ahiṃsā and Vegetarianism in the History of Buddhism", in: Buddhist Studies in honour of Walpola Rahula, London 1980: 236.
  40. T vol 70, no. 2306: 741a16-17: ... 一切眾生悉有佛性,皆當成佛。豈容佛佛自相食.
  41. T vol. 24 no, 1484: l006b12-3: 亦殺我故身。一切地水是我先身。一切火風是我本體. Sự tương quan đến việc sát hại đơn thuần chỉ là một sự tóm gọn; vì trong câu đi trước, văn bản đã nhắc đến sát hại và ăn thịt (殺而食).
  42. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 246,10-11: śukra-śoṇitasaṃbhavād api ... śucikāmatām upādāya ... māṃsam abhakṣyam; cũng tham chiếu 248,3-7.
  43. Luận cứ được nhắc trong cước chú 42 thật ra cũng được tìm thấy trong trường sử thi Mahābhārata, crit. ed. 13.117.12.
  44. Tham chiếu T vol. 25 no. 1509: 231b15-17 (Tham chiếu Lamotte, op.cit [xem cước chú 13] III [Louvain 1970]: 1453).
  45. T vol. 12 no. 374: 386b2 ≈ no. 376: 869a11 ≈ Peking-Kanjur vol. Tu: 55a7: shi ba'i sha'ang spangs so; Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 255,3-4.
  46. T vol. 52 no. 2103: 298a13-14.
  47. Tham chiếu, ví dụ như W. Bollée, "Le Végétarisme défendu par Haribhadrasūri contre un bouddhiste et un brahmane", trong: Narendra K. Wagle & F. Watanabe (Hrsg.): Studies on Buddhism in Honour of Professor A.K Warder. Toronto: University of Toronto 1993: 27-28 (n. 10); R. Williams, Jaina Yoga. Oxford 1963: 54.
  48. T vol. 52 no. 2103: 303a28-b3.
  49. Tham chiếu Mahābhārata (crit.ed.) 13.116.29; 37-38; 44.
  50. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 252,15-253,9; T vol. 16 no. 670 (Guṇabhadra): 514a3-6.
  51. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 257,6f (kệ 9; Guṇabhadra 514a24-25); cũng tham chiếu kệ 10-11 (không có trong các bản dịch Hán văn) và 13-15, và p. 252,5-10 (không có trong bản của Guṇabhadra).
  52. Ví dụ như T vol. 52 no. 2103: 296b7-297a12.
  53. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 248,15; d. 245,15 (đọc °bhūtatām upagantu°) và 250,10. Thuật ngữ này—thường được thấy trong tác phẩm Mahābhārata nhưng cũng xuất hiện trong Dasaveyāliya (p. 133,15 = kệ 4.9a: savvabhūy'-appa-bhūyassa) và trong tác phẩm Bản sinh thắng man (Jātakamālā, ed. Vaidya p. 1,19) của Thánh Dũng (Āryaśūra)—được diễn giảng rõ ràng trong ý nghĩa quy luật vàng bởi Bồ-đề Lưu-chi (Bodhiruci, T vol. 16 no. 671: 562c2-8).
  54. T vol 38 no. 1767: 88a21-22: 恕己不能而欲啖他.
  55. Tham chiếu Aśoka, Major Rock Edict I F-G, trần thuật là việc mổ thú vật lấy thịt ở cung đình đã được hạ giảm từ "bao nhiêu trăm ngàn" đến chỉ còn ba con.
  56. T vol 4 no. 211: 581b.
  57. T vol. 12 no. 374: 386a16-20 và a29-b3 ≈ no. 376: 868c26-869a1 and 869a9-11 ≈ Peking Kanjur vol. Tu: 54b8-55a2 and 55a5-7; Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 255,1-5 (Tôi cho rằng trong 255,2 cách đọc nguyên là nava uddiṣyakṛtāni—bỏ qua luật hợp biến (sandhi) ở đây –, tương ứng với don ched kyi mu dgu trong bộ Đại Bát-niết-bàn kinh (Mahāparinirvāṇasūtra, Peking-Kanjur vol. Tu: 55a1; ct. T vol. 12: 868c29).
  58. Lăng-già kinh (Laṅkāvatārasūtra) 255,11-14; 256,2-6. Cũng tham chiếu thêm phiên bản Đại Bát-niết-bàn kinh (Mahāparinirvāṇasūtra, T vol. 12 no. 376) 898b28-29 của Pháp Hiển: 然佛世尊未曾食肉.
  59. Hãy so sánh, ví dụ với Hastikakasya-sūtra (Peking-Kanjur vol. Tsu 115a1-4 ≈ T vol. 17 no. 813: 781b11-19 và no. 814: 787a7-13) hoặc phiên bản Tây Tạng của Bảo vân kinh (Meghasūtra, Peking-Kanjur vol. Ba: 194b5-7; vol. Dzu 292b8-293a2).
  60. Tham chiếu T vol. 14 no. 468 (Văn-thù Sư-lợi vấn kinh 文殊師利問經, *Mañjuśrīparipṛcchā-sūtra): 492c26-493a17.
  61. Tham chiếu làm ví dụ Hevajratantra (ed. D. Snellgrove, London 1959) I.vi.20-21; vii.21; xi.8; II.vii.10; x.5; Guhyasamāja-tantra (ed. Y. Matsunaga, Osaka 1978) VI.22-23; XII.41-44. Cũng so sánh với David L. Snellgrove, Indo-Tibetan Buddhism. London 1987:160-163.
  62. Tham chiếu Adelheit Hermann-Pfandt, Ḍākinīs. Zur Stellung und Symbolik des Weiblichen im tantrischen Buddhismus, Bonn 1992: 389-394.
  63. Ph. Kapleau, To Cherish All Life: A Buddhist View of Animal Slaughter and Meat Eating, Rochester. New York: Zen Center 1981 (tái bản: Harper and Row 1982).
  64. "Buddhism and the Ethics of Nature: Some Remarks", trong: The Eastern Buddhist 32.2 (2000): 26-78, đặc biệt là 27-28.
  65. Vin I 222.
  66. Như Harvey (2000 [xem cước chú 7]: 161) đã nói: Một người cư sĩ có nhiều sự kiểm soát hơn về mặt thức ăn của mình; những thành phần nấu ăn phải được nhận hoặc mua trực tiếp. Người cư sĩ, trong phạm vi phương tiện của họ, thực hiện nhiều chọn lựa những gì họ ăn trên cơ sở xu hướng ý thích. ("A lay person has more control over his or her food supply; ingredients must be directly obtained or bought. Lay people, within the limits of their means, make many preference-directed choices over what they eat").
  67. MN I 371.
  68. Ph. Kapleau, To Cherish All Life (xem cước chú 63); 9-14 và 46-51 (whaling).
  69. Tôi cảm ân Ms. Elisabeth Lemke, Greenpeace e.v. Hamburg, nhiều về những thông tin có giá trị về điểm này.
  70. Xem cước chú 22.
  71. Tham chiếu Dunkan Ryūken Williams & Chistopher S. Queen, American Buddhism, Richmond Surrey: Curzon 1999: 175 (trích dẫn Richard Hayes, trong văn cảnh của vấn đề ăn thịt): Phật tử Mĩ hiện đại đã học được rằng việc ghê tởm bất cứ một điều gì là không hay vì điều ấy có thể là nhị nguyên ("Buddhists in modern America have learned that it is not cool to abhor anything, since that would be dualistic"). Cũng tham chiếu Harvey 2000 (xem cước chú 7): 160: Người ăn chay cuối cùng có thể kinh tởm thịt, một điều có thể được xem là chấp trước nghịch ("Vegetarians can in time become disgusted with meat, which can be seen as a form of negative attachment"). Vậy thì người ta nên trở thành một người ăn thịt đồng loại để tránh tâm tư chấp trước đảo nghịch? Nghi thức hành lễ Kim cương thừa b ao gồm cả việc tiêu thụ thịt người!.
  72. Tham chiếu Harvey 2000 (xem cước chú 7): 160-161. Cũng tham chiếu Tập Bồ Tát học luận (Sikṣāsamuccaya, ed. C. Bendall) 135,2-4 (Tôi đọc vinaye`pi yad anujñātaṃ, tan"na trikotipariśuddhabhakṣaṇena prahāṇāntarāya"iti tatparityāgena śuddhidṛṣṭīnām abhimānanirāsārtham ... ).
  73. Chắc chắn là một cách dinh dưỡng chay chính nó không kiến lập một sự toàn hảo tâm linh—và không chỉ từ quan điểm Phật giáo, đừng nói gì đến quan điểm Phật giáo sơ kì. Như chúng ta đã biết, Adolf Hitler đã là một người ăn chay.
  74. Tham chiếu Harvey 2000 (xem cước chú 7): 161, khuyên rằng, việc chấp trước nghịch (negative attachment) thịt được "hoá giải tốt nhất bằng cách không từ chối thịt nếu mình là khách của ai đó". Việc này có thể có ý nghĩa từ quan điểm tiêu thụ thịt trong trường hợp ta không có sự lựa chọn.
  75. Hiệp hội dinh dưỡng Đức khuyên là không nên ăn quá 150g thịt và 50g xúc xích mỗi tuần.
  76. Người ta có thể luận cứ rằng sự tiêu thụ cao độ sữa và những sản phẩm sữa mà không tiêu thụ thịt có thể dẫn đến sự kiện là bò phải được bán nơi khác và như vậy, sẽ chịu sự hành xác qua việc chuyên chở và thậm chí có thể trải qua những dạng mổ thịt tàn nhẫn hơn (Eckard Wendt trong: Manuela Linnemann & Claudia Schorcht [eds.], Vegetarismus. Zur Geschichte und Zukunft einer Lebensweise. Erlangen: Fischer 2001: 144).
  77. Và ít nhất là từ quan điểm sinh thái học, chính ngay hoa quả thực vật—cũng như những tiêu phí phẩm khác.
Bảng các chữ viết tắt
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Hàn Quốc |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán

Liên kết đến đây