Tư Mã Thiên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tư Mã Thiên (145 TCN 86 TCN), tên tự Tử Trường, là tác giả bộ Sử ký (史記); với bộ sử đó, ông được tôn là Sử thánh, một trong Mười vị thánh trong lịch sử Trung Quốc.

Ông làm chức Thái sử lệnh (太史令) rồi Trung thư lệnh, đời nhà Hán. Sử ký là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Đặc biệt bộ sử này còn là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại. Bộ sử vĩ đại này miêu tả tổng quát về lịch sử Trung Quốc bao trùm 2.000 năm từ Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế. Công trình này là nền tảng cho các phát triển sau này trong sử học Trung Hoa.

Thân thế[sửa]

Tập tin:Si maqian.jpg
Tranh vẽ Tư Mã Thiên

Tư Mã Thiên sinh năm 145 TCN, ở Long Môn (nay là huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), vì không có những tài liệu gì về ông, người ta chỉ dựa vào bức thư ông trả lời cho Nhâm An năm 93 TCN, năm đó ông 53 tuổi.

Ông sống thời thơ ấu ở Long Môn, trong một gia đình có truyền thống làm sử. Hai chữ Tư Mã có từ đời nhà Chu và dùng để gọi một chức quan võ coi tất cả các việc binh trong nước, tức là chức Binh bộ Thượng thư đời sau. Đời Chu Tuyên Vương (827 TCN-782 TCN) một người giữ chức đó có công, được vua cho phép lấy chức làm họ. Sau đó họ Tư Mã có vài người làm sử quan ở nhà Chu. Thời Chiến Quốc, nước Tần có tướng giỏi là Tư Mã Thác (司馬錯), thời Tần Huệ Vương, đã cùng Trương Nghi đánh bại Thục, giết chết vị vua Khai Minh cuối cùng, truất Thục vương đổi hiệu làm hầu).

Cha của Tư Mã Thiên là Tư Mã Đàm, là cháu tám đời của Tư Mã Thác. Ông làm thái sử lệnh của nhà Hán, là một người học rộng, thích học thuyết Lão Trang.

Sự nghiệp[sửa]

Từ nhỏ, Tư Mã Thiên đã được học nhiều sách văn học sử học thời đó. Lên mười tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước. Ông từng là học trò của một số nhà Nho học như Khổng An Quốc (孔安國) và Đổng Trọng Thư.

Năm 20 tuổi, nhờ sự hỗ trợ của cha, Tư Mã Thiên đã bắt đầu chuyến du hành vòng quanh đất nước, thu thập các tài liệu và bằng chứng lịch sử. Mục đích của chuyến đi là để kiểm chứng các lời đồn đại và truyền thuyết và để thăm viếng các di tích lịch sử, như mộ Đại Vũ. Ông đã đi qua Sơn Đông, Vân Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, Hồ Nam...

Sau chuyến đi trở về, ông được chọn làm Lang trung (郎中) trong chính quyền, với nhiệm vụ đi kiểm tra từng địa phương cùng Hán Vũ Đế (vào khoảng từ 122 TCN đến 116 TCN). Sau ông được phụng sứ đi thanh tra các miền Ba Thục, Cung, Tạc, Côn Minh tức những miền mà nhà Hán mới chinh phục được ở phía tây nam. Phía bắc ông lên tới Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương. Năm 110 TCN, sau cuộc tuần du, cha ông lâm bệnh và gọi Tư Mã Thiên về để nối nghiệp. Tư Mã Đàm có ước nguyện viết tiếp Xuân Thu Tả Thị Truyện (春秋左氏傳). Kế nghiệp cha, ông nhận chức Thái sử lệnh. Chức đó vừa giữ việc chép sử vừa coi về thiên văn, làm lịch, nhưng là một chức nhỏ, bị coi thường. Năm 104 TCN, ông cùng một vài người nữa, sửa lại lịch. Ông thu thập hết tài liệu trong các sách của thư viện triều đình.

Năm 99 TCN, ông bị vướng vào vụ Lý Lăng (李陵). Lý Quảng Lợi (李廣利) và Lý Lăng, hai quan võ, đã không hoàn thành nhiệm vụ trong một cuộc chiến với Hung Nô ở miền Bắc. Hán Vũ Đế và đa số các quan trong triều cho rằng tội trạng thuộc về Lý Lăng. Chỉ mình Tư Mã Thiên bênh vực vị tướng này. Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên, qua việc bảo vệ Lý Lăng, đã ngầm chê Lý Quảng Lợi, anh vợ của Vũ Đế, là nhút nhát. Tư Mã Thiên bị tội tử hình, nếu không chuộc bằng tiền bạc hoặc bị cung hình (thiến). Do không đủ tiền chuộc, ông đành chọn bị thiến và bị cầm tù.

Sau khi ra tù, Tư Mã Thiên được làm Trung thư lệnh, đây là chức quan to, ở gần vua, được ra vào cung cấm, xem các tài liệu mật, chức này chỉ dành cho hoạn quan. Thỉnh thoảng ông được đi theo vua trong các cuộc tuần du. Không được giữ chức Thái sử nữa, lại luôn cảm thấy nhục nhã vì hình phạt, ông dồn tất cả tâm sức cho bộ Sử ký và hoàn thành nó năm 97 TCN (có sách nói là năm 91 TCN, lúc ông trên 55 tuổi).

Không ai để ý tới ông cả và ông mất năm nào cũng không biết rõ. Theo Vương Quốc Duy trong Thái sử công niên khảo có lẽ ông mất vào năm 60 tuổi, năm 86 TCN cùng một năm với Vũ đế.

Cống hiến[sửa]

Trong sử học[sửa]

Xem thêm Sử ký

Sử ký là một công trình sử học do Tư Mã Thiên viết trong hoàn cảnh được ông tâm sự như sau: Biên chép, sắp đặt văn Sử ký được bảy năm, thì Thái sử-công gặp cái họa Lý Lăng, bị cùm trói trong tù. Bèn bùi ngùi mà rằng: (-Đó là tội của ta ! Đó là tội của ta ! Thân tàn không dùng được nữa rồi !). Nhưng rồi lại suy nghĩ kỹ mà rằng: Ôi ! Viết sách làm thơ, đó là điều những người trong lúc cùng dùng để truyền đạt cái ý nghĩ của mình. Xưa Tây bá bị tù ở Dĩu Lý nên diễn giải Chu dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên viết Ly tao; Tả Khâu Minh bị mù làm Quốc Ngữ; Tôn Tẫn cụt chân bàn Binh Pháp; Lã Bất Vi bị đày sang Thục, đời truyền lại sách Lữ Lãm; Hàn Phi bị tù ở Tần làm những thiên Thuyết Nan, Cô Phẫn; ba trăm bài ở Kinh Thi phần lớn đều do thánh hiền làm ra để giãi bày cái nỗi phẫn uất. Những người ấy đều vì những điều uất ức không biểu lộ ra được, cho nên thuật lại việc xưa mà lo truyền lại người sau. Do đó, bèn soạn thuật cho xong từ thời Nghiêu cho đến năm được lân [1] thì dừng bút, bắt đầu từ Hoàng Đế. Nó được lưu giữ, ít người biết, cho đến thời cháu ngoại của ông là Dương Vận (Dương Uẩn?), thì mới được công bố gọi là Thái Sử Công Thư Chí. Tên Sử ký là tên đặt sau này.

Nó đã xây dựng một phong cách viết sử mà sau này trở thành "khuôn mẫu chính thức" cho tài liệu lịch sử Trung Hoa. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên trình bày các sự kiện theo chuỗi kèm theo chú giải, nguồn tham khảo. Công trình này gồm 526.500 chữ, 130 thiên; không theo trình tự thời gian, mà theo 5 chủ đề, bao gồm bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện; viết về nhiều lĩnh vực của xã hội gồm âm nhạc, lễ hội, lịch, tín ngưỡng, kinh tế; kèm theo một nguồn tham khảo lớn. Trước ông, lịch sử được viết dành cho triều đình. Phong cách viết sử mở rộng cho nhiều mặt của xã hội trong Sử ký sau này ảnh hưởng đến Trịnh Tiều (鄭樵 - Zhèngqiáo) khi viết Thông sử (通史 - Tongshi) hay Tư Mã Quang (司馬光 - Sima Guang) khi viết Tư trì thông giám (資治通鑑 - Zizhi Tongjian). Phong cách này còn ảnh hưởng đến cách viết sử của các nước láng giềng, như Triều Tiên.

Trong văn học[sửa]

Sử ký của Tư Mã Thiên cũng đã được coi như hình mẫu cho văn học miêu tả chân dung nhân vật và sự kiện tại Trung Hoa. Nó được các nhà phê bình coi là có "trình độ miêu tả điêu luyện" (như phương pháp đàm thoại khiến các miêu tả thêm sống động), "phong cách sáng tạo" (ngôn ngữ bình dân, dí dỏm và phong phú, như tác phẩm thơ không vần), "súc tích" (cách viết chỉ miêu tả những điểm cốt yếu, ngắn gọn dễ hiểu)...

Phong cách viết trong Sử ký có ảnh hưởng trong phong cách văn học Trung Hoa thời kỳ nhà Đường, nhà Tống và những tác phẩm truyện võ hiệp sau này. Ngoài Sử ký, Tư Mã Thiên còn viết 8 bài thơ trào phúng (賦), trong số đó có bài nói về sự chịu đựng của ông trong vụ Lý Lăng và bài nói về niềm đam mê viết Sử ký.

Trong thiên văn học[sửa]

Tư Mã Đàm và Tư Mã Thiên, đều là các nhà chiêm tinh của triều đình nhà Hán. Đây là chức vụ quan trọng, có nhiệm vụ giải nghĩa và tiên đoán các việc triều chính trong sự hài hòa với chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao, cùng các hiện tượng tự nhiên khác như nhật thực, động đất,...

Năm 104 TCN, trước khi viết Sử ký, Tư Mã Thiên cùng Công Tôn Khanh Hồ Toại và đồng nghiệp khác sửa lại lịch cũ, chế định Hán lịch. Lịch này có độ chính xác cao nhất vào thời đó, xác định một năm có 365,25 ngày và một tháng có 29,53 ngày. Đây được coi là một cuộc cách mạng trong lịch sử làm lịch của Trung Hoa. Âm lịch ngày nay cũng dựa trên công trình này.

Trích dẫn tiêu biểu[sửa]

  • "Cửu ngưu nhất mao" (Chín trâu, một lông) - Tư Mã Thiên viết trong sách "Báo Nhiệm Thiếu Khanh (報任少卿)": "Giả lệnh bộc phục pháp thụ tru, nhược cửu ngưu vong nhất mao, dữ lâu nghĩ hà dĩ dị = Giả thiết ra lệnh tôi nép trước pháp luật và chịu chết, chỉ như lấy một lông trong lông của chín con trâu, có gì khác với giết một con sâu ? (假令僕伏法受誅、若九牛亡一毛、與螻螘何以異)"

Tham khảo[sửa]

Sử ký của Tư Mã Thiên là một tác phẩm đồ sộ, vì thế một số bản dịch ra Việt ngữ chỉ có thể chọn lọc những phần chính yếu mà người dịch cho rằng người đọc Việt quan tâm nhất. Chưa có bản dịch toàn văn bộ Sử ký của Tư Mã Thiên.

Tiếng Việt:

  • Sử ký Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Nhà xuất bản Văn học.
  • Sử ký Tư Mã Thiên, Nhữ Thành (Phan Ngọc) dịch, Nhà xuất bản Văn học năm 1964 tái bản 1999
  • Sử ký Tư Mã Thiên, Nhượng Tống dịch, Nhà xuất bản Tân Việt,Hà Nội 1944.
  • " Sử ký Tư Mã Thiên ", Phan Ngọc dịch, Nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, năm 2005.

Tiếng Anh:

  • Watson, Burton (1958). Ssu-ma Ch'ien: Grand Historian of China. New York: Columbia University Press.
  • Qian, Sima and trans. Watson, Burton (1993),Records of the Grand Historian: Han Dynasty. Research Center for Translation, The Chinese University of Hong Kong and Columbia University Press.
  • Durrant, Stephen W.(1995), The cloudy mirror: tension and conflict in the writings of Sima Qian. Albany: State University of New York Press.
  • Hardy, Grant Ricardo (1988), Objectivity and Interpretation in the "Shi Chi". Yale University.
  • Watson, Burton (1958). Ssu-ma Ch'ien: Grand Historian of China. New York: Columbia University Press.

Xem thêm[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. Hán Vũ Đế năm nguyên thú (năm đầu 123 TCN). được một con thú có một sừng, chân có năm móng, cho là con lân. Khi xưa Khổng Tử viết Xuân thu, đến năm vua Lỗ Ai Công săn được con lân thì dừng bút. Ở đây Tư Mã Thiên có ngụ ý sách Sử Ký của ông nối theo sách Xuân thu của Khổng Tử

Liên kết ngoài[sửa]

Tiếng Việt: Tiếng Anh:

Liên kết đến đây