Mặt Trăng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mặt Trăng (tiếng Latin: Luna, ký hiệu: ☾) là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời.

Khoảng cách trung bình tính từ tâm Trái Đất đến Mặt Trăng là 384.403 km, lớn khoảng 30 lần đường kính Trái Đất. Đường kính Mặt Trăng là 3.474 km[1], tức hơn một phần tư đường kính Trái Đất. Khối lượng Mặt Trăng khoảng bằng 2% khối lượng Trái Đất và lực hấp dẫn tại bề mặt Mặt Trăng bằng 17% lực hấp dẫn trên bề mặt Trái Đất. Mặt Trăng quay một vòng quanh Trái Đất với chu kỳ quỹ đạo 27,32 ngày, và các biến đổi định kỳ trong hình học của hệ Trái Đất-Mặt Trăng–Mặt Trời là nguyên nhân gây ra các pha Mặt Trăng, lặp lại sau mỗi chu kỳ giao hội 29,53 ngày.

Mặt Trăng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân tới. Năm 1959 là năm mang tính lịch sử đối với công cuộc khám phá Mặt Trăng, mở đầu bằng chuyến bay của vệ tinh nhân tạo Luna 1 của Liên bang Xô viết đến phạm vi của Mặt Trăng, tiếp đó Luna 2 rơi xuống bề mặt của Mặt Trăng và Luna 3 lần đầu tiên cung cấp ảnh mặt sau của Mặt Trăng. Năm 1966[1], Luna 9 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công và Luna 10 là tàu vũ trụ không người lái đầu tiên bay quanh Mặt Trăng. Hiện nay, các miệng hố đen ở vùng cực Nam của Mặt Trăng là nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời.[2]

Cho đến nay, Chương trình Apollo của Hoa Kỳ đã thực hiện được những cuộc đổ bộ duy nhất của con người xuống Mặt Trăng, tổng cộng gồm sáu lần hạ cánh trong giai đoạn từ 1969 tới 1972. Năm 1969, Neil Armstrong Buzz Aldrin là những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng trong chuyến bay Apollo 11. Việc thám hiểm Mặt Trăng của loài người đã ngừng lại với sự chấm dứt của chương trình Apollo[cần dẫn nguồn], dù nhiều quốc gia đã thông báo các kế hoạch đưa người hay tàu vũ trụ robot tới Mặt Trăng.

Tên gọi và từ nguyên[sửa]

Trong tiếng Việt, Mặt Trăng còn được gọi bằng những tên khác như ông trăng, ông giăng, giăng, nguyệt, Hằng Nga, Thường Nga, Thái Âm v.v... Không giống như vệ tinh của những hành tinh khác, Mặt Trăng - vệ tinh của Trái Đất - không có tên riêng nào khác. Trong một số ngôn ngữ, Mặt Trăng của Trái Đất được viết hoa để phân biệt với danh từ chung "Mặt Trăng", nói đến các vệ tinh tự nhiên của các hành tinh khác như "the Moon" trong tiếng Anh[3] và "the moon".

Từ moon ("Mặt Trăng" trong tiếng Anh) là một từ thuộc nhóm ngôn ngữ German, liên quan tới từ mensis trong tiếng Latin; từ này lại xuất phát từ gốc me- trong ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy (Proto-Indo-European), cũng xuất hiện trong measure (đo lường)[4] (thời gian), với sự gợi nhớ tới tầm quan trọng của nó trong việc đo đạc thời gian trong những từ có nguồn gốc từ nó như Monday ("thứ Hai" trong tiếng Anh), month ("tháng" trong tiếng Anh) và menstrual (hàng tháng/kinh nguyệt). Trong tiếng Anh, từ moon chỉ có nghĩa "Mặt Trăng" cho tới tận năm 1665, khi nó được mở rộng nghĩa để chỉ những vệ tinh tự nhiên mới được khám phá của các hành tinh khác[4]. Mặt Trăng thỉnh thoảng cũng được gọi theo tên tiếng Latin của nó, Luna, để phân biệt với các vệ tinh tự nhiên khác; tính từ có liên quan là lunar và một tiền tố tính từ seleno - hay hậu tố - selene (theo vị thần Hy Lạp Selene.

Bề mặt trên Mặt Trăng[sửa]

Xem chi tiết: Địa lý học Mặt Trăng

Hai phía Mặt Trăng[sửa]

Mặt Trăng nằm trên quỹ đạo quay đồng bộ, có nghĩa là nó hầu như giữ nguyên một mặt hướng về Trái Đất ở tất cả mọi thời điểm. Buổi đầu mới hình thành, Mặt Trăng quay chậm dần và bị khoá ở vị trí hiện tại vì những hiệu ứng ma sát xuất hiện cùng hiện tượng biến dạng thuỷ triều do Trái Đất gây ra[5].

Từ đã rất lâu khi Mặt Trăng còn quay nhanh hơn hiện tại rất nhiều, bướu thuỷ triều (tidal bulge) của nó chạy trước đường nối Trái Đất-Mặt Trăng bởi nó không thể làm xẹp bướu đủ nhanh để giữ bướu này luôn ở trên đường thẳng đó[6]. Lực quay khiến bướu luôn vượt quá đường nối này. Hiện tượng này gây ra mô men xoắn, làm giảm tốc độ quay của Mặt Trăng, như một lực vặn siết chặt đai ốc. Khi tốc độ quay của Mặt Trăng giảm xuống đủ để cân bằng với tốc độ quỹ đạo của nó, khi ấy bướu luôn hướng về phía Trái Đất, bướu nằm trên đường thẳng nối Trái Đất-Mặt Trăng, và lực xoắn biến mất. Điều này giải thích tại sao Mặt Trăng quay với tốc độ bằng tốc độ quỹ đạo và chúng ta luôn chỉ nhìn thấy một phía của Mặt Trăng.

Các biến đổi nhỏ (đu đưa - libration) trong góc quan sát cho phép chúng ta có thể nhìn thấy được khoảng 59% bề mặt Mặt Trăng (nhưng luôn luôn chỉ là một nửa ở mọi thời điểm)[1].

Phần nhìn thấy được từ Trái Đất Phần không nhìn thấy được từ Trái Đất

Mặt quay về phía Trái Đất được gọi là phần nhìn thấy, và phía đối diện được gọi là phần không nhìn thấy. Phần không nhìn thấy thỉnh thoảng còn được gọi là "phần tối," nhưng trên thực tế nó cũng được chiếu sáng thường xuyên như phần nhìn thấy: một lần trong mỗi ngày Mặt Trăng, trong tuần trăng mới mà chúng ta quan sát thấy từ Trái Đất khi phần nhìn thấy đang bị che tối. Phần không nhìn thấy của Mặt Trăng lần đầu tiên được tàu thăm dò Xô Viết Luna 3 chụp ảnh năm 1959. Một đặc điểm phân biệt của phần không nhìn thấy được là nó hầu như không có "các vùng tối Mặt Trăng" (các "biển").

Các vùng tối trên Mặt Trăng/Biển Mặt Trăng[sửa]

Xem chi tiết: Vùng tối trên Mặt Trăng

Các đồng bằng tối và hầu như không có đặc điểm riêng trên Mặt Trăng có thể được nhìn thấy rõ bằng mắt thường được gọi là "các vùng tối" hay các biển Mặt Trăng, từ tiếng Latin (mare) có nghĩa là "biển", bởi chúng được các nhà thiên văn học cổ đại cho là những nơi chứa đầy nước. Hiện chúng đã được biết chỉ là những bề mặt lớn chứa dung nham bazan cổ đã đông đặc. Đa số các dung nham này đã được phun ra hay chảy vào những chỗ lõm hình thành nên sau các vụ va chạm thiên thạch hay sao chổi vào bề mặt Mặt Trăng. (Oceanus Procellarum là trường hợp khác bởi nó không được hình thành do va chạm). Các biển xuất hiện dày đặc phía bề mặt nhìn thấy được của Mặt Trăng, phía không nhìn thấy có rất ít biển và chúng chỉ chiếm khoảng 2% bề mặt[7], so với khoảng 31% ở phía đối diện[1]. Cách giải thích có vẻ đúng đắn nhất cho sự khác biệt này liên quan tới sự tập trung cao của các yếu tố sinh nhiệt phía bề mặt nhìn thấy được, như đã được thể hiện bởi các bản đồ địa hóa học có được từ những máy quang phổ tia gama[8][9]. Nhiều vùng có chứa những núi lửa hình khiên và các vòm núi lửa được tìm thấy trong các biển ở phía có thể nhìn thấy[10].

Terrae/Đất liền[sửa]

Các vùng có màu sáng trên Mặt Trăng được gọi là terrae, hay theo cách thông thường hơn là các "cao nguyên", bởi chúng cao hơn hầu hết các biển. Nhiều rặng núi cao ở phía bề mặt nhìn thấy được chạy dọc theo bờ ngoài các vùng trũng do va chạm lớn, nhiều vùng trũng này đã được bazan lấp kín. Chúng được cho là các tàn tích còn lại của các gờ bên ngoài của vùng trũng va chạm[11]. Không giống Trái Đất, không một ngọn núi lớn nào trên Mặt Trăng được cho là được hình thành từ các sự kiện kiến tạo[12].

Các bức ảnh được chụp bởi phi vụ Clementine năm 1994 cho thấy bốn vùng núi trên vùng gờ hố va chạm Peary rộng 73 km tại cực bắc Mặt Trăng luôn được chiếu sáng trong cả ngày Mặt Trăng. Những đỉnh sáng vĩnh cửu này là có thể do độ nghiêng trục tự quay rất nhỏ trên mặt phẳng hoàng đạo của Mặt Trăng. Không vùng sáng vĩnh cửu nào được phát hiện ở phía cực nam, dù vùng gờ của hố va chạm Shackleton được chiếu sáng trong khoảng 80% ngày Mặt Trăng. Một hậu quả khác từ việc Mặt Trăng có độ nghiêng trục nhỏ là một số vùng đáy của các hố va chạm vùng cực luôn ở trong bóng tối[13].

Hố va chạm[sửa]

Tập tin:Moon-craters.jpg
Hố va chạm Daedalus ở mặt không nhìn thấy được

Bề mặt Mặt Trăng cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng nó đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các sự kiện va chạm thiên thạch[14]. Các hố va chạm hình thành khi các thiên thạch và sao chổi va chạm vào bề mặt Mặt Trăng, và nói chung có khoảng nửa triệu hố va chạm với đường kính hơn 1 km. Do các hố va chạm hình thành với tỷ lệ gần như cố định, nên số lượng hố va chạm trên một đơn vị diện tích chồng lên trên một đơn vị địa chất có thể được sử dụng để ước tính tuổi của bề mặt (xem Đếm hố va chạm). Vì không có khí quyển, thời tiết và các hoạt động địa chất gần đây nên nhiều hố va chạm được bảo tồn trong trạng thái khá tốt so với những hố va chạm trên bề mặt Trái Đất.

Hố va chạm lớn nhất trên Mặt Trăng, cũng là một trong các hố va chạm lớn nhất đã được biết đến trong Hệ Mặt Trời, là Vùng trũng Nam cực-Aitken. Vùng này nằm ở phía mặt không nhìn thấy, giữa Nam cực và xích đạo, và có đường kính khoảng 2.240 km và sâu khoảng 13 km[15]. Các vùng trũng va chạm lớn ở phía bề mặt nhìn thấy được gồm Imbrium, Serenitatis, Crisium Nectaris.

Hầu hết các hố va chạm trên Mặt Trăng được đặt theo tên người, bao gồm tên các học giả, nhà khoa học, nhà thám hiểm, nhà nghệ thuật nổi tiếng (xem thêm danh sách nhân vật được đặt tên cho hố va chạm trên Mặt Trăng - tiếng Anh). Thói quen này bắt đầu từ năm 1645.

Regolith[sửa]

Bao trùm phía ngoài bề mặt Mặt Trăng là một lớp bụi rất mịn (vật chất vỡ thành các phần tử rất nhỏ) và lớp bề mặt vỡ vụn do va chạm này được gọi là regolith. Bởi được hình thành từ các quá trình va chạm, regolith của các bề mặt già thường dày hơn tại các nơi bề mặt trẻ khác. Đặc biệt, người ta đã ước tính rằng regolith có độ dày thay đổi từ khoảng 3–5 m tại các biển, và khoảng 10–20 m trên các cao nguyên[16]. Bên dưới lớp regolith mịn là cái thường được gọi là megaregolith. Lớp này dày hơn rất nhiều (khoảng hàng chục km) và bao gồm lớp nền đá đứt gãy[17].

Nước trên Mặt Trăng[sửa]

Xem chi tiết: Băng Mặt Trăng

Những vụ bắn phá liên tiếp của các sao chổi và các thiên thạch có lẽ đã mang tới một lượng nước nhỏ vào bề mặt Mặt Trăng. Nếu như vậy, ánh sáng Mặt Trời sẽ phân chia đa phần lượng nước này thành các nguyên tố cấu tạo là hiđrô ôxy, cả hai chất này theo thời gian nói chung lại bay vào vũ trụ, vì lực hấp dẫn của Mặt Trăng yếu. Tuy nhiên, vì độ nghiêng của trục tự quay của Mặt Trăng so với mặt phẳng hoàng đạo nhỏ, chỉ chênh 1,5°, nên có một số hố va chạm sâu gần các cực không bao giờ bị ánh sáng Mặt Trời trực tiếp chiếu tới (xem Hố va chạm Shackleton). Các phân tử nước ở trong các hố va chạm này có thể ổn định trong một thời gian dài.

Clementine đã vẽ bản đồ các hố va chạm tại cực nam Mặt Trăng[18] nơi luôn ở trong bóng tối, và các cuộc thử nghiệm mô phỏng máy tính cho thấy có thể có tới 14.000 km² luôn ở trong bóng tối[13]. Các kết quả thám sát radar từ phi vụ Clementine cho rằng có một số túi nước nhỏ, đóng băng nằm gần bề mặt, và dữ liệu từ máy quang phổ nơtron của Lunar Prospector cho thấy sự tập trung lớn dị thường của hiđrô ở vài mét phía trên của regolith gần các vùng cực[19]. Các ước tính tổng số lượng băng gần một kilômét khối.

Băng có thể được khai thác và phân chia thành nguyên tử cấu tạo ra nó là hiđrô và ôxy bằng các lò phản ứng hạt nhân hay các trạm điện mặt trời. Sự hiện diện của lượng nước sử dụng được trên Mặt Trăng là yếu tố quan trọng để việc thực hiện tham vọng đưa con người lên sinh sống trên Mặt Trăng có thể trở thành hiện thực, bởi việc chuyên chở nước từ Trái Đất lên quá tốn kém. Tuy nhiên, những quan sát gần đây bằng radar hành tinh Arecibo cho thấy một số dữ liệu thám sát radar của chương trình Clementine gần vùng cực trước kia được cho là dấu hiệu của sự hiện diện của băng thì trên thực tế có thể chỉ là hậu quả từ những tảng đá bị bắn ra từ các hố va chạm gần đây[20]. Năm 2008, những phân tích mới đã tìm thấy một lượng nước nhỏ ở bên trong dung nham núi lửa mang về Trái Đất từ tàu Apollo 15.[21] Tháng 9 năm 2009, phổ kế trên tàu Chandrayaan-1' đã xác định được các vạch phổ hấp thụ của nước và hiđrôxyl nhờ sự phản xạ của tia sáng Mặt Trời, mang lại chứng cứ về sự có mặt của một lượng lớn nước trên bề mặt của Mặt Trăng, có thể cao tới 1.000;ppm.[22] Vài tuần sau, tàu LCROSS phóng một thiết bị va chạm nặng 2.300 kg vào một hố va chạm ở vùng cực tối vĩnh cửu, và xác định được ít nhất 100 kg nước trong đám vật chất bắn tung lên từ vụ va chạm.[23][24]

Các đặc điểm vật lý[sửa]

Cấu trúc bên trong[sửa]

Xem chi tiết: Cấu trúc bên trong Mặt Trăng
Tập tin:Moon Schematic Cross Section1.png
Hình giản đồ cấu trúc bên trong Mặt Trăng

Mặt Trăng là một vật thể phân dị, về mặt địa hoá học gồm một lớp vỏ, một lớp phủ, và lõi. Cấu trúc này được cho là kết quả của sự kết tinh phân đoạn của một biển macma chỉ một thời gian ngắn sau khi nó hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước. Năng lượng cần thiết để làm tan chảy phần phía ngoài của Mặt Trăng thường được cho là xuất phát từ một sự kiện va chạm lớn được cho là đã hình thành nên hệ thống Trái Đất-Mặt Trăng, và sự bồi đắp sau đó của vật chất trong quỹ đạo Trái Đất. Sự kết tinh của biển macma khiến xuất hiện lớp phủ mafic và một lớp vỏ giàu plagiocla (xem Nguồn gốc và tiến hoá địa chất bên dưới).

Việc vẽ bản đồ địa hoá học từ quỹ đạo cho thấy lớp vỏ Mặt Trăng gồm phần lớn thành phần là anorthosit,[25] phù hợp với giả thuyết biển macma. Về các nguyên tố, lớp vỏ gồm chủ yếu là ôxy, silic, magiê, sắt, canxi nhôm. Dựa trên các kỹ thuật địa vật lý, chiều dày của nó được ước tính trung bình khoảng 50 km[26].

Sự tan chảy một phần bên trong lớp phủ Mặt Trăng khiến phún xạ của biển bazan nổi lên trên bề mặt Mặt Trăng. Các phân tích bazan này cho thấy lớp phủ bao gồm chủ yếu là các khoáng chất olivin, orthopyroxen clinopyroxen, và rằng lớp phủ Mặt Trăng có nhiều sắt hơn Trái Đất. Một số bazan Mặt Trăng chứa rất nhiều titan (hiện diện trong khoáng chất ilmenit), cho thấy lớp phủ có sự không đồng nhất lớn trong thành phần. Các trận động đất trên Mặt Trăng được phát hiện xảy ra sâu bên trong lớp phủ, khoảng 1.000 km dưới bề mặt. Chúng diễn ra theo chu kỳ hàng tháng và liên quan tới các ứng suất thuỷ triều gây ra bởi quỹ đạo lệch tâm của Mặt Trăng quanh Trái Đất[26].

Mặt Trăng có mật độ trung bình 3.346,4 kg/m³, khiến nó trở thành vệ tinh có mật độ lớn thứ hai trong Hệ Mặt Trời sau Io. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy có thể lõi Mặt Trăng nhỏ, với bán kính khoảng 350 km hay nhỏ hơn[26]. Nó chỉ bằng khoảng 20% kích thước Mặt Trăng, trái ngược so với 50% của đa số các thiên thể khác. Thành phần lõi Mặt Trăng không đặc chắc, nhưng phần lớn tin rằng nó gồm một lõi sắt kim loại với một lượng nhỏ lưu huỳnh niken. Các phân tích về sự khác biệt trong thời gian tự quay của Mặt Trăng cho thấy ít nhất lõi Mặt Trăng cũng nóng chảy một phần[27].

Địa hình[sửa]

Xem chi tiết: Địa hình Mặt Trăng
Tập tin:MoonTopoGeoidUSGS.jpg
Địa hình Mặt Trăng, theo thể địa cầu Mặt Trăng

Địa hình Mặt Trăng đã được đo đạc bằng các biện pháp đo độ cao laser và phân tích hình lập thể, đa số được thực hiện gần đây từ các dữ liệu thu thập được trong phi vụ Clementine. Đặc điểm địa hình dễ nhận thấy nhất là Vùng trũng Nam cực-Aitken phía bề mặt không nhìn thấy, nơi có những điểm thấp nhất của Mặt Trăng. Các điểm cao nhất ở ngay phía đông bắc vùng trũng này, và nó cho thấy vùng này có thể có những trầm tích vật phóng núi lửa dày đã xuất hiện trong sự kiện va chạm xiên vào vùng trũng Nam cực-Aitken. Các vùng trũng do va chạm lớn khác, như Imbrium, Serenitatis, Crisium, Smythii Orientale, cũng có địa hình vùng khá thấp và các gờ tròn nổi. Một đặc điểm phân biệt khác của hình dáng Mặt Trăng là cao độ trung bình ở phía không nhìn thấy khoảng 1,9 km cao hơn so với phía nhìn thấy[26].

Trường hấp dẫn[sửa]

Xem chi tiết: Lực hấp dẫn Mặt Trăng

Trường hấp dẫn của Mặt Trăng đã được xác định qua việc thám sát các tín hiệu radio do các tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo phát ra. Nguyên tắc sử dụng dựa trên Hiệu ứng Doppler, theo đó việc tàu vũ trụ tăng tốc theo hướng đường quan sát có thể được xác định bằng những thay đổi tăng nhỏ trong tần số tín hiệu radio, và khoảng cách từ tàu vũ trụ tới một trạm trên Trái Đất. Tuy nhiên, vì sự quay đồng bộ của Mặt Trăng vẫn không thể thám sát tàu vũ trụ vượt quá các rìa của Mặt Trăng, và trường hấp dẫn phía bề mặt không nhìn thấy được vì thế vẫn còn chưa được biết rõ[28].

Tập tin:PIA16587 - GRAIL's Gravity Field of the Moon.jpg
Sự dị thường hấp dẫn xuyên tâm trên bề mặt Mặt Trăng

Đặc điểm chính của trường hấp dẫn Mặt Trăng là sự hiện diện của các mascon (tập trung khối lượng), là những dị thường hấp dẫn dương gắn liền với một số vùng trũng va chạm lớn[29]. Những dị thường này ảnh hưởng lớn tới quỹ đạo của các tàu vũ trụ quay xung quanh Mặt Trăng, và một mô hình hấp dẫn chính xác là cần thiết để lập kế hoạch cho các phi vụ tàu vũ trụ có và không có người lái. Các mascon một phần xuất hiện bởi sự hiện diện của các dòng chảy dung nham bazan vào một số vùng trũng va chạm. Tuy nhiên, các dòng chảy dung nham chính chúng lại không thể giải thích toàn bộ trường hấp dẫn, và phay nghịch của mặt phân giới lớp vỏ-lớp phủ cũng là điều cần thiết. Dựa trên các mô hình hấp dẫn Lunar Prospector, người ta thấy rằng một số mascon tồn tại nhưng không cho thấy bằng chứng cho thuyết núi lửa biển bazan[30]. Sự mở rộng to lớn của núi lửa biển bazan gắn liền với Oceanus Procellarum không chỉ ra sự bất thường hấp dẫn dương.

Từ trường[sửa]

Xem chi tiết: Từ trường của Mặt Trăng
Tập tin:Moon ER magnetic field.jpg
Tổng cường độ từ trường tại bề mặt Mặt Trăng, kết quả từ cuộc thí nghiệm đo phản xạ electron của Lunar Prospector

Mặt Trăng có một từ trường bên ngoài trong khoảng một tới một trăm nanotesla— chưa bằng 1% từ trường Trái Đất (khoảng 30-60 microtesla). Các khác biệt chính khác là Mặt Trăng hiện tại không có một từ trường lưỡng cực (lẽ ra phải được tạo ra bởi địa động lực trong lõi của nó), và sự từ hóa hiện diện hầu như đều có nguồn gốc từ lớp vỏ[31]. Một giả thuyết cho rằng sự từ hóa ở lớp vỏ đã xuất hiện ngay từ buổi đầu lịch sử Mặt Trăng khi địa động lực đang hoạt động. Tuy nhiên, kích thước nhỏ của lõi Mặt Trăng là một yếu tố cản trở tiềm tàng cho giả thuyết này. Một giả thuyết khác, có thể trên một vật thể không có không khí như Mặt Trăng, các từ trường tạm thời có thể xuất hiện trong những sự kiện va chạm lớn. Ủng hộ giả thuyết này, cần lưu ý rằng sự từ hóa lớp vỏ lớn nhất là ở gần các vùng đối chân của những vùng trũng do va chạm lớn. Người ta đề xuất rằng một hiện tượng như vậy có thể xảy ra từ sự mở rộng tự do của một đám mây plasma sinh ra từ va chạm bao quanh Mặt Trăng với sự hiện diện của một từ trường bao quanh[32].

Khí quyển[sửa]

Xem chi tiết: Khí quyển Mặt Trăng

Mặt Trăng có khí quyển mỏng đến nỗi hầu như không đáng kể, với tổng khối lượng khí quyển chưa tới 104 kg[33]. Một nguồn gốc hình thành khí quyển Mặt Trăng chính là hiện tượng tự phun khí—sự phun các loại khí như radon hình thành bởi quá trình phân rã phóng xạ bên trong lớp vỏ và lớp phủ[34]. Một nguồn quan trọng khác hình thành trong quá trình tiên xạ, liên quan tới sự bắn phá của vi thiên thạch, các ion, electron của gió Mặt Trời và ánh sáng Mặt Trời[25]. Các loại khí phát sinh từ quá trình tiên xạ hoặc chui vào trong regolith vì lực hấp dẫn của Mặt Trăng, hoặc có thể lại rơi vào vũ trụ vì áp suất bức xạ của Mặt Trời hay bị quét sạch bởi từ trường gió Mặt Trời nếu chúng đã bị ion hoá. Các nguyên tố natri kali đã được phát hiện bằng cách phương pháp quang phổ trên Trái Đất, trong khi nguyên tố radon–222 (222Rn) và poloni-210 (210Po) đã được suy ra từ máy quang phổ hạt alpha của Lunar Prospector[35]. Agon–40 (40Ar), heli-4 (4He), ôxy (O2) và/hay metan (CH4), nitơ (N2) và/hay mônôxít cacbon (CO), và điôxít cacbon (CO2) đã được phát hiện tại chỗ bởi các máy do các nhà du hành vũ trụ chương trình Apollo để lại[36].

Nhiệt độ bề mặt[sửa]

Ban ngày trên Mặt Trăng, nhiệt độ trung bình là 107 °C, còn ban đêm nhiệt độ là -153 °C[37].

Nguồn gốc và sự tiến hoá địa chất[sửa]

Hình thành[sửa]

Tập tin:The Moon Luc Viatour.jpg
Ảnh Mặt Trăng quan sát từ Bỉ

Nhiều cơ cấu đã được đưa ra nhằm giải thích sự hình thành của Mặt Trăng. Mọi người tin rằng Mặt Trăng đã được hình thành từ 4,527 ± 0,010 tỷ năm trước, khoảng 30-50 triệu năm sau sự hình thành của Hệ Mặt Trời[38].

Giả thuyết phân đôi
Nghiên cứu ban đầu cho rằng Mặt Trăng đã vỡ ra từ vỏ Trái Đất bởi các lực ly tâm, để lại một vùng trũng được cho là Thái Bình Dương[39]. Tuy nhiên, ý tưởng này đòi hỏi Trái Đất phải có một tốc độ quay ban đầu rất lớn, thậm chí nếu điều này có thể xảy ra, quá trình đó sẽ khiến Mặt Trăng phải quay theo mặt phẳng xích đạo của Trái Đất, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Giả thuyết bắt giữ
Nghiên cứu khác lại cho rằng Mặt Trăng đã được hình thành ở đâu đó và cuối cùng bị lực hấp dẫn của Trái Đất bắt giữ[40]. Tuy nhiên, các điều kiện được cho là cần thiết để một cơ cấu như vậy hoạt động, như một khí quyển mở rộng của Trái Đất nhằm tiêu diệt năng lượng của Mặt Trăng đi ngang qua, là không thể xảy ra.
Giả thuyết cùng hình thành
Giả thuyết cùng hình thành cho rằng Trái Đất và Mặt Trăng cùng hình thành ở một thời điểm và vị trí từ đĩa bồi đắp nguyên thuỷ. Mặt Trăng đã được hình thành từ vật chất bao quanh Tiền Trái Đất, tương tự sự hình thành của các hành tinh xung quanh Mặt Trời. Một số người cho rằng giả thuyết này không giải thích thỏa đáng sự suy kiệt của sắt kim loại trên Mặt Trăng.

Một sự thiếu hụt lớn trong mọi giả thuyết trên là chúng không thể giải thích được động lượng góc cao của hệ Trái Đất-Mặt Trăng[41].

Giả thuyết vụ va chạm lớn
Giả thuyết ưu thế nhất hiện tại là hệ Trái Đất-Mặt Trăng đã được hình thành như kết quả của một vụ va chạm lớn. Một vật thể cỡ Sao Hỏa (được gọi là "Theia") được cho là đã đâm vào Tiền Trái Đất, đẩy bắn ra lượng vật chất đủ vào trong quỹ đạo Tiền Trái Đất để hình thành nên Mặt Trăng qua quá trình bồi tụ[1]. Bởi bồi tụ là quá trình mà mọi hành tinh được cho là đều phải trải qua để hình thành, các vụ va chạm lớn được cho là đã ảnh hưởng tới hầu hết, nếu không phải toàn bộ quá trình hình thành hành tinh. Các mô hình giả lập máy tính về một vụ va chạm lớn phù hợp với các đo đạc về động lượng góc của hệ Trái Đất-Mặt Trăng, cũng như kích thước nhỏ của lõi Mặt Trăng[42]. Các câu hỏi vẫn chưa được giải đáp của giả thuyết này liên quan tới việc xác định tương quan kích thước của Tiền Trái Đất và Theia và bao nhiêu vật liệu từ hai thiên thể trên đã góp phần hình thành nên Mặt Trăng.

Biển macma Mặt Trăng[sửa]

Vì kết quả của một lượng lớn năng lượng được giải phóng trong vụ va chạm lớn và sự bồi tụ vật liệu sau đó trên quỹ đạo Trái Đất, mọi người thường cho rằng một phần lớn Mặt Trăng trước kia từng tan chảy. Phần tan chảy bên ngoài của Mặt Trăng ở thời điểm đó được gọi là biển macma, và ước tính độ sâu của nó trong khoảng 500 km cho tới toàn bộ bán kính Mặt Trăng[8].

Khi biển macma nguội đi, sự kết tinh phân đoạn và phân dị của nó khiến tạo thành lớp phủ và lớp vỏ riêng biệt. Lớp phủ được cho là được hình thành chủ yếu bởi sự kết tủa và lắng đọng của các khoáng chất olivin, clinopyroxen orthopyroxen. Sau khi khoảng 3/4 biển macma kết tinh, khoáng chất anorthit được cho là đã kết tủa và trôi nổi lên bề mặt bởi nó có mật độ thấp, hình thành nên lớp vỏ[8].

Các chất lỏng cuối cùng kết tinh từ biển macma có thể ban đầu đã len giữa lớp vỏ và áo, và có thể chứa nhiều nguyên tố không tương thích và tạo nhiệt. Thành phần địa hóa học này được gọi bằng tên viết tắt theo các chữ cái đầu KREEP, của kali (K), các nguyên tố đất hiếm (REE) và phốt pho (P), và có lẽ đã tập trung trong Procellarum KREEP Terrane, là một vùng địa chất nhỏ bao gồm hầu hết Oceanus Procellarum Biển Imbrium ở phần bề mặt nhìn thấy được của Mặt Trăng[26].

Tiến hóa địa chất[sửa]

Một phần lớn tiến hóa địa chất của Mặt Trăng hậu biển macma là do quá trình hình thành hố va chạm. Niên đại địa chất Mặt Trăng chủ yếu được phân chia dựa trên sự hình thành các vùng trũng lớn do va chạm, như Nectaris, Imbrium Orientale. Các cấu trúc va chạm này có đặc điểm là những gờ tròn vật chất do va chạm hất lên, và thường có đường kính lên tới hàng trăm đến hàng ngàn kilômét. Mỗi vùng trũng nhiều gờ này đều gắn liền với một bề mặt trầm tích vật phóng lớn để hình thành các tầng của địa tầng khu vực. Tuy chỉ một số vùng trũng đa gờ được xác định niên đại chính xác, chúng rất hữu ích để xác định niên đại gần đúng dựa trên các vùng đất theo địa tầng. Các ảnh hưởng tiếp diễn của va chạm là nguyên nhân hình thành nên regolith.

Quá trình địa chất lớn khác ảnh hưởng tới bề mặt Mặt Trăng là biển núi lửa. Sự tăng các nguyên tố tạo nhiệt bên trong Procellarum KREEP Terrane được cho là đã khiến lớp phủ bên dưới nóng lên, và cuối cùng nóng chảy một phần. Một phần những macma đó tràn lên bề mặt và phun trào, gây ra sự tập trung cao của bazan biển ở phía bề mặt nhìn thấy được của Mặt Trăng[8]. Đa phần biển bazan trên Mặt Trăng đã phun trào trong kỷ Imbrium ở vùng địa chất này từ 3,0–3,5 tỷ năm trước. Tuy nhiên, một số mẫu có niên đại từ tới 4,2 tỷ năm trước[43] và những vụ phun trào gần đây nhất, dựa trên phương pháp đếm hố va chạm, được cho là đã xảy ra chỉ từ 1,2 tỷ năm trước[44].

Đã có tranh cãi về việc các đặc điểm trên bề mặt Mặt Trăng có thay đổi theo thời gian hay không. Một số nhà quan sát đã tuyên bố rằng các hố va chạm có xuất hiện hoặc mất đi, hay rằng các hình thức khác của các hiện tượng tạm thời có thể xảy ra. Ngày nay, nhiều tuyên bố như vậy được cho là không thực tế, vì việc quan sát được tiến hành dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau, quan sát thiên văn học kém, hay sự thiếu chính xác của các tấm bản đồ trước đó, Tuy nhiên, người ta biết rằng hiện tượng phun trào khí đôi khi có thể xảy ra và chúng có thể là yếu tố chịu trách nhiệm cho một tỷ lệ phần trăm nhỏ các hiện tượng nhất thời trên Mặt Trăng đã được thông báo. Gần đây, đã có ý kiến cho rằng một vùng có đường kính khoảng 3 km trên bề mặt Mặt Trăng bị biến đổi bởi một sự kiện phun trào khí ga khoảng 1 triệu năm trước[45][46].

Đá Mặt Trăng[sửa]

Xem chi tiết: Đá Mặt Trăng

Đá Mặt Trăng được xếp thành hai loại, dựa trên địa điểm tồn tại của chúng tại các cao nguyên Mặt Trăng (terrae) hay tại các biển. Đá trên các cao nguyên gồm ba bộ: anorthosit sắt, magiê và kiềm (một số người coi bộ kiềm là một tập hợp con của bộ magiê). Đá thuộc bộ anorthosit sắt gồm hầu như chỉ là khoáng chất anorthit (một calic plagiocla fenspa) và được cho là đại diện cho sự tích tụ plagiocla trôi nổi của biển macma Mặt Trăng. Theo các biện pháp tính niên đại phóng xạ thì anorthosit sắt đã được hình thành từ 4,4 tỷ năm trước[43][44].

Đá bộ magiê và kiềm chủ yếu là đá sâu mafic. Các loại đá đặc trưng gồm dunit, troctolit, gabbro, anorthosit kiềm và hiếm hơn là granit. Trái với bộ anorthosit sắt, các loại đá này đều có tỷ lệ Mg/Fe cao trong các khoáng vật mafic của chúng. Nói chung, các loại đá này là sự xâm nhập vào lớp vỏ cao nguyên đã hình thành từ trước (dù một số ví dụ hiếm hơn có lẽ là sự phun trào dung nham), và chúng đã hình thành từ khoảng 4,4–3,9 tỷ năm trước. Nhiều loại đá trên có sự phổ biến cao của, hay về mặt phát sinh có liên quan tới, thành phần địa hóa học KREEP.

Các biển Mặt Trăng gồm toàn bộ các biển bazan. Tuy tương tự như bazan Trái Đất, chúng chứa nhiều sắt hơn, và hoàn toàn không có chứa các sản phẩm bị biến đổi bởi nước, và chứa nhiều titan[47][48].

Các nhà du hành vũ trụ đã thông báo rằng bụi từ bề mặt kết xuống giống như tuyết và có mùi thuốc súng cháy[49]. Bụi hầu hết được hình thành từ thủy tinh điôxít silic (SiO2), có lẽ được tạo ra từ các thiên thạch đã đâm xuống bề mặt Mặt Trăng. Chúng cũng có chứa canxi magiê.

Chuyển động[sửa]

Xem chi tiết: Quỹ đạo Mặt Trăng

Các tham số quỹ đạo[sửa]

Tập tin:Orbit.svg
Quỹ đạo chuyển động của Mặt Trăng

Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất trên quỹ đạo hình elíp gần tròn ở khoảng cách trung bình 384.403 km với cận điểm 363.104 km, viễn điểm 405.696 km và độ lệch tâm trung bình 0,0554. Giá trị độ lệch tâm này thay đổi từ 0,043 đến 0,072 trong chu kì 8,85 năm. Mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất nằm nghiêng so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời trong khoảng 4°59′ đến 5°18′, với giá trị trung bình 5°9′. Chu kỳ quỹ đạo khoảng 27,321 ngày, kinh độ của điểm nút lên 125,08°, acgumen của cận điểm 318,15°.

Chuyển động biểu kiến[sửa]

Chuyển động biểu kiến của Mặt Trăng là kết quả tổng hợp chuyển động tương đối của nhiều thiên thể và của người quan sát, trong đó các chuyển động thành phần còn chịu ảnh hưởng nhiễu từ các thiên thể khác trong hệ Mặt Trời và từ tính chất cấu trúc các thiên thể. Mặt Trăng chuyển động biểu kiến theo hướng Đông Nam do chuyển động xoay của Trái Đất. Trên nền trời sao, nó dịch chuyển theo hướng Tây trung bình mỗi ngày 13° do chuyển động quanh Trái Đất và hàng ngày Mặt Trăng tụt lùi sau Mặt Trời 12° do Mặt Trời tiến về hướng Đông khoảng 1° mỗi ngày. Hàng ngày, Mặt Trăng mọc muộn hơn ngày trước đó trung bình 50 phút. Tháng giao hội của nó khoảng 29,53 ngày, dài hơn một chút so với chu kỳ quỹ đạo của Mặt Trăng (27,32 ngày), vì Trái Đất thực hiện chuyển động riêng của mình trên quỹ đạo xung quanh Mặt Trời, nên Mặt Trăng phải mất thêm một khoảng thời gian để trở về vị trí cũ của nó so với Mặt Trời[1].

Các nguyên nhân gây bất ổn định trong quỹ đạo[sửa]

Nhiễu loạn kỳ sai

Nhiễu loạn kỳ sai là tác động nhiễu loạn nhỏ có chu kì của Mặt Trời đến chuyển động của Mặt Trăng trên quỹ đạo do các vị trí khác nhau của Mặt Trời so với đường củng điểm. Vận tốc góc không đều của Mặt Trăng trên quỹ đạo đã được biết đến từ thời cổ đại. Tác động này đã được nhà thiên văn Hy Lạp Ptolemaeus nhắc đến trong quyển Almagest. Ông cho rằng tác động này với chu kì 31,8 ngày có thể gây nhiễu tối đa 1°16,4' đến nhiễu loạn lớn trong chuyển động của Mặt Trăng.

Nhiễu loạn dao động

Nhiễu loạn dao động là hiện tượng gây nhiễu trong chuyển động của Mặt Trăng do tác động của lực hấp dẫn nhiễu loạn từ Mặt Trời. Hiện tượng này là những biến đổi nhỏ với biên độ 39′ 30″ [50] trong chuyển động của Mặt Trăng, lúc nhanh hơn, lúc chậm hơn so với chuyển động trung bình trên quỹ đạo của mình với chu kì bằng một phần hai chu kì giao hội. Nhiễu quỹ đạo của Mặt Trăng được Tycho Brahe phát hiện và sau đó Isaac Newton giải thích trên cơ sở lí thuyết nhiễu trong trường hấp dẫn.

Đa số các hiệu ứng thủy triều quan sát được trên Trái Đất đều do lực kéo hấp dẫn của Mặt Trăng, Mặt Trời chỉ gây một hiệu ứng nhỏ. Các hiệu ứng thủy triều dẫn khiến khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Mặt Trăng tăng khoảng 3,8 m mỗi thế kỷ, hay 3,8 cm mỗi năm.[51] Vì hiệu ứng bảo toàn động lượng góc, sự tăng bán trục lớn của Mặt Trăng gắn liền với sự chậm dần tốc độ tự quay của Trái Đất khoảng 0,002 giây mỗi ngày sau mỗi thế kỷ.[52]

Hệ Trái Đất-Mặt Trăng thỉnh thoảng được coi là một hành tinh đôi chứ không phải một hệ hành tinh-vệ tinh. Điều này bởi kích thước đặc biệt lớn của Mặt Trăng so với hành tinh của nó; Mặt Trăng có đường kính bằng một phần tư đường kính Trái Đất và có khối lượng bằng 1/81 khối lượng Trái Đất. Tuy nhiên, định nghĩa này đã bị một số người chỉ trích, bởi khối tâm chung của hệ nằm khoảng 1.700 km bên dưới bề mặt Trái Đất, hay khoảng một phần tư bán kính Trái Đất. Bề mặt Mặt Trăng chưa bằng 1/10 bề mặt Trái Đất, và chỉ bằng khoảng một phần tư diện tích phần đất liền của Trái Đất (hay cỡ diện tích Nga, Canada và Hoa Kỳ cộng lại).

Năm 1997, tiểu hành tinh 3753 Cruithne được khám phá có quỹ đạo hình móng ngựa liên kết với Trái Đất một cách bất thường. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học không coi nó là một Mặt Trăng thứ hai của Trái Đất, và quỹ đạo của nó không ổn định trong thời gian dài.[53] Ba tiểu hành tinh gần Trái Đất khác, (54509) 2000 PH5, (85770) 1998 UP1 và 2002 AA29, nằm trên quỹ đạo tương tự quỹ đạo Cruithne, cũng đã được phát hiện ra.[54]

Tập tin:Speed of light from Earth to Moon.gif
Hình minh họa khoảng thời gian thực của ánh sáng đi từ Trái Đất đến Mặt Trăng hết 1,225 giây, với tỉ lệ tương đối về kích thước. Khoảng cách giữa hệ Trái Đất - Mặt Trăng đến Mặt Trời là 8,28 phút ánh sáng.

Nó là Mặt Trăng lớn nhất trong Hệ Mặt Trời về kích thước tương đối so với hành tinh. (Charon lớn hơn về kích thước so sánh so với hành tinh lùn Diêm vương.) Các vệ tinh tự nhiên bay quanh các hành tinh khác được gọi là "các Mặt Trăng", theo tên Mặt Trăng của Trái Đất.

Thủy triều[sửa]

Thủy triều trên Trái Đất do lực thủy triều của trường hấp dẫn của Mặt Trăng gây ra và được khuếch đại bởi nhiều hiệu ứng trong các đại dương của Trái Đất. Lực hấp dẫn thủy triều xuất hiện bởi phía Trái Đất hướng về Mặt Trăng (gần nó hơn) bị hút mạnh hơn bởi lực hấp dẫn của Mặt Trăng so với tâm Trái Đất và phía bên kia thì càng thấp hơn nữa. Thủy triều hấp dẫn kéo các đại dương của Trái Đất thành một hình elip với Trái Đất ở trung tâm. Hiệu ứng này tạo nên hai "bướu" nước cao trên Trái Đất; một ở phía gần Mặt Trăng và một ở phía xa. Bởi hai bướu này quay quanh Trái Đất mỗi lần một ngày khi Trái Đất tự quay quanh trục của nó, nước trong đại dương liên tục chạy về hướng hai bướu đang chuyển động. Các hiệu ứng của hai bướu và các dòng hải lưu lớn trên biển đuổi theo chúng được khuếch đại bởi sự tham gia của các hiệu ứng khác; cụ thể là sự kết hợp ma sát của nước tới sự quay của Trái Đất qua các đáy biển, quán tính của chuyển động của nước, các lòng chảo đại dương nông dần lên về phía đất liền, và sự dao động giữa các lòng chảo đại dương khác nhau. Sự khuếch đại hiệu ứng hơi giống kiểu nước đập lên sườn nghiêng của một bồn tắm sau khi có sự nhiễu loạn do thân người gây ra ở phần đáy sâu của bồn.

Sự kết hợp hấp dẫn giữa Mặt Trăng và bướu đại dương gần với Mặt Trăng ảnh hưởng tới quỹ đạo của nó. Trái Đất tự quay trên trục trên cùng hướng, và ở tốc độ nhanh hơn khoảng 27 lần, so với Mặt Trăng quay quanh Trái Đất. Vì thế, sự kết hợp ma sát giữa đáy biển và nước đại dương, cũng như quán tính của nước, kéo đỉnh của bướu thủy triều gần Mặt Trăng hơi tiến hơn về phía trước của đường thẳng tưởng tượng nối trung tâm Trái Đất với Mặt Trăng. Từ góc nhìn Mặt Trăng, trung tâm khối lượng của bướu thủy triều gần Mặt Trăng liên tục chạy trước điểm mà nó đang quay. Tương tự như vậy hiệu ứng ngược lại cũng xảy ra với bướu phía xa; nó lùi lại phía sau đường nối tưởng tượng. Tuy nhiên, nó cách xa 12.756 km và có kết hợp hấp dẫn với Mặt Trăng thấp hơn. Vì thế, Mặt Trăng liên tục bị hút hấp dẫn tiến về phía trước trên quỹ đạo của nó với Trái Đất. Sự kết hợp hấp dẫn này làm giảm động năng động lượng góc của sự tự quay của Trái Đất (xem thêm, Ngày Giây nhuận). Trái lại, động lượng góc được tăng thêm cho quỹ đạo của Mặt Trăng, khiến Mặt Trăng bị đưa vào một quỹ đạo xa hơn và dài hơn. Hiệu ứng với bán kính quỹ đạo của Mặt Trăng khá nhỏ, chỉ 0,10 ppb/năm, nhưng dẫn tới sự tăng khoảng cách đo được hàng năm là 3,82 cm trong khoảng cách Trái Đất-Mặt Trăng.[51] Dần dần, hiệu ứng này trở nên dễ nhận thấy hơn, từ khi các nhà du hành vũ trụ lần đầu tiên đặt chân xuống Mặt Trăng 39 năm về trước, hiện Mặt Trăng đã cách xa chúng ta thêm 1,48 m.

Nhật thực và Nguyệt thực[sửa]

Xem chi tiết: Nhật thực

Nhật/Nguyệt thực chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Nhật thực xảy ra gần tuần trăng mới, khi Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất. Trái lại, nguyệt thực xảy ra gần lúc trăng tròn, khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng.

Vì Mặt Trăng quay quanh Trái Đất với góc nghiêng khoảng 5° so với quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, các cuộc nhật/nguyệt thực không xảy ra tại mọi tuần trăng mới và trăng tròn. Để có thể xảy ra nhật/nguyệt thực, Mặt Trăng phải ở gần nơi giao cắt của hai mặt phẳng quỹ đạo.[55]

Tính định kỳ và sự tái diễn các lần thực của Mặt Trời bởi Mặt Trăng, và của Mặt Trăng bởi Trái Đất, được miêu tả bởi chu kỳ thiên thực, tái diễn sau xấp xỉ 6.585,3 ngày (18 năm 11 ngày 8 giờ).[56]

Các đường kính góc của Mặt Trăng và Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất chồng lên nhau trong sự biến đổi của chúng, vì thế cả Nhật thực toàn phần Nhật thực một phần đều có thể xảy ra.[57] Khi xảy ra nhật thực toàn phần, Mặt Trăng hoàn toàn che lấp đĩa Mặt Trời và hào quang Mặt Trời có thể được nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất. Bởi khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất hơi tăng thêm theo thời gian, đường kính góc của Mặt Trăng giảm xuống. Điều này có nghĩa từ hàng trăm triệu năm trước Mặt Trăng có thể luôn che khuất Mặt Trời ở mọi lần nhật thực, vì thế có thể trong quá khứ nhật thực một phần không thể xảy ra. Tương tự, khoảng 600 triệu năm nữa (giả thiết rằng đường kính góc của Mặt Trời không thay đổi), Mặt Trăng không thể che khuất hoàn toàn Mặt Trời nữa và khi ấy chỉ xảy ra nhật thực một phần.[55]

Một hiện tượng liên quan tới nhật/nguyệt thực là sự che khuất. Mặt Trăng liên tục ngăn tầm nhìn bầu trời của chúng ta với một diện tích hình tròn rộng khoảng 0,5 độ. Khi một ngôi sao sáng hay một hành tinh qua phía sau Mặt Trăng thì nó bị che khuất hay không thể quan sát được. Một cuộc nhật thực là một sự che khuất của Mặt Trời. Bởi Mặt Trăng gần với Trái Đất, các cuộc che khuất các ngôi sao riêng biệt không nhìn thấy được ở mọi nơi, cũng không ở cùng thời điểm. Bởi sự tiến động của quỹ đạo Mặt Trăng, mỗi năm các ngôi sao khác nhau sẽ bị che khuất.[58]

Lần nguyệt thực diễn ra ngày 20 tháng 2 năm 2008 là lần nguyệt thực toàn phần. Toàn bộ diễn biến có thể được quan sát từ Nam Mỹ và hầu hết Bắc Mỹ (ngày 20 tháng 2), cũng như từ Đông Âu, châu Phi, và Tây Á (ngày 21 tháng 2). Lần nhật thực diễn ra ngày 11 tháng 9 năm 2007, quan sát được từ Nam Mỹ và nhiều vùng thuộc Nam Cực. Lần nhật thực toàn phần diễn ra ngày 1 tháng 8 năm 2008 có đường che khuất hoàn toàn bắt đầu từ bắc Canada chạy qua Nga và Trung Quốc. Lần nguyệt thực sắp tới sẽ là ngày 21 tháng 12 năm 2010, là đợt nguyệt thực toàn phần. Dự kiến ở Việt Nam, nguyệt thực sẽ bắt đầu lúc 13 giờ 30 phút, che khuất hoàn toàn vào 15 giờ 20 phút và kết thúc lúc 17 giờ 10 phút.[59]

Thám hiểm[sửa]

Xem chi tiết: Thám hiểm Mặt Trăng

Bước tiến đầu tiên trong việc quan sát Mặt Trăng được thực hiện nhờ sự phát minh kính viễn vọng. Galileo Galilei đã sử dụng tốt công cụ này để quan sát các ngọn núi và hố va chạm trên Mặt Trăng.

Cuộc chạy đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô Hoa Kỳ đã dẫn tới sự tập trung chú ý vào Mặt Trăng. Các phi vụ tàu vũ trụ không người lái, kể cả bay ngang qua và va chạm/hạ cánh, đã được thực hiện ngay khi các khả năng phóng tàu của con người cho phép. Chương trình Luna của Liên bang Xô viết đã lần đầu tiên đưa được tàu vũ trụ không người lái tới Mặt Trăng. Vật thể đầu tiên do con người chế tạo thoát được lực hấp dẫn Trái Đất đi tới gần Mặt Trăng là Luna 1, vật thể nhân tạo đầu tiên va chạm xuống bề mặt Mặt Trăng là Luna 2, và những bức ảnh đầu tiên về bề mặt không nhìn thấy được của Mặt Trăng đã được Luna 3 chụp, ba phi vụ này diễn ra năm 1959. Tàu vũ trụ đầu tiên thực hiện thành công hạ cánh nhẹ nhàng xuống Mặt Trăng là Luna 9 và phương tiện không người điều khiển đầu tiên bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng là Luna 10, hai phi vụ này diễn ra năm 1966.[1] Các mẫu vật từ Mặt Trăng đã được các phi vụ Luna (Luna 16, 20, và 24) và các phi vụ Apollo 11 tới 17 đưa về Trái Đất (ngoại trừ Apollo 13, đã phải hủy bỏ kế hoạch hạ cánh).

Những bước chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng năm 1969 được coi là đỉnh cao của cuộc chạy đua vũ trụ.[60] Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đi bộ trên bề mặt Mặt Trăng với tư cách chỉ huy phi vụ Apollo 11 của Hoa Kỳ lúc 02:56 UTC ngày 21 tháng 7 năm 1969. Các cuộc hạ cánh xuống Mặt Trăng và quay trở về Trái Đất đã được thực hiện nhờ các tiến bộ kỹ thuật to lớn, trong các lĩnh vực như tiêu mòn hóa học và kỹ thuật tái thâm nhập khí quyển hồi đầu thập niên 1960.

Các gói phương tiện kỹ thuật đã được đặt trên bề mặt Mặt Trăng trong mọi phi vụ Apollo. Các trạm ALSEP (Gói thí nghiệm bề mặt Mặt Trăng Apollo) có tuổi thọ sử dụng dài đã được đặt tại các địa điểm hạ cánh của Apollo 12, 14, 15, 16, và 17, trong khi đó các trạm tạm thời được gọi là EASEP (Gói kỹ thuật khoa học Apollo ban đầu) đã được đặt khi thực hiện phi vụ Apollo 11. Các trạm ALSEP có các thiết bị như máy thăm dò dòng, máy đo địa chấn, từ kế và các thiết bị phản hồi. Việc truyền dữ liệu về Trái Đất đã kết thúc ngày 30 tháng 9 năm 1977 vì các lí do tài chính.[61][62] Bởi các thiết bị phản hồi laser Mặt Trăng (LLR) là các thiết bị động nên chúng vẫn còn được sử dụng. Việc chiếu tia laser lên các trạm LLR vẫn được thực hiện hàng ngày từ các trạm ở Trái Đất với độ chính xác vài centimét, và dữ liệu thu được dùng để tính toán kích thước lõi Mặt Trăng.[63]

Cho tới nay, Eugene Cernan, thành viên của phi vụ Apollo 17, là người cuối cùng rời bề mặt Mặt Trăng, vào ngày 14 tháng 12 năm 1972 và từ đó chưa từng có ai đặt chân lên đây.

Từ giữa thập niên 1960 tới giữa thập niên 1970, 65 vật thể nhân tạo đã bay tới Mặt Trăng (cả có và không có người điều khiển, chỉ riêng trong năm 1971 đã có 10 vụ), lần cuối là của Luna 24 năm 1976. Chỉ 18 phi vụ trong số đó là những cuộc hạ cánh xuống Mặt Trăng có điều khiển, 9 phi vụ hoàn thành cuộc du hành vòng quanh từ Trái Đất và quay trở về với các mẫu đá Mặt Trăng. Liên Xô sau đó đã đặt trọng tâm chú ý vào Sao Kim và các trạm vũ trụ, còn Hoa Kỳ tập trung vào Sao Hỏa và các hành tinh phía ngoài. Năm 1990, tàu vũ trụ Hiten của Nhật Bản đã bay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng, khiến nước này trở thành quốc gia thứ ba đưa được tàu vũ trụ vào quỹ đạo Mặt Trăng. Tàu vũ trụ này thả một tàu thăm dò nhỏ, Hagormo, vào quỹ đạo Mặt Trăng, nhưng thiết bị truyền dữ liệu bị hỏng nên các sứ mệnh khoa học sau đó đã không thể thực hiện.

Năm 1994, cuối cùng Hoa Kỳ cũng quay lại với Mặt Trăng, tuy chỉ bằng robot, tàu vũ trụ Clementine. Phi vụ này đã thực hiện được việc lập bản đồ địa hình gần toàn bộ của Mặt Trăng lần đầu tiên, và các hình ảnh đa phổ đầu tiên về bề mặt Mặt Trăng. Tiếp sau đó là phi vụ Lunar Prospector năm 1998. Quang phổ kế nơtron trên Lunar Prospector cho thấy sự hiện diện với số lượng lớn của hiđrô tại các vùng cực của Mặt Trăng, dường như được gây ra do sự hiện diện của băng ở vài mét bên trên tầng regolith bên trong những hố va chạm không bao giờ được chiếu sáng. Tàu vũ trụ Smart 1 của châu Âu được phóng đi ngày 27 tháng 9 năm 2003 và ở trên quỹ đạo Mặt Trăng từ ngày 15 tháng 11 năm 2004 đến ngày 3 tháng 9 năm 2006.

Ngày 14 tháng 1 năm 2004, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã kêu gọi một kế hoạch thực hiện các phi vụ có người điều khiển tới Mặt Trăng vào năm 2020 (xem Viễn cảnh Thám hiểm Mặt Trăng).[64] NASA hiện có kế hoạch xây dựng một tiền trạm thường trực tại một trong các cực Mặt Trăng.[65] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thám hiểm Mặt Trăng và đã bắt đầu Chương trình Thường Nga để thực hiện mục tiêu này, họ đã phóng thành công tàu vũ trụ đầu tiên, Thường Nga-1, ngày 24 tháng 10 năm 2007.[66]

Phi vụ thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ, Chandrayaan I, đã quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng vào ngày 8 tháng 11 năm 2008 cho đến khi mất liên lạc với con tàu vào ngày 27 tháng 8 năm 2009. Con tàu này đã gửi về bản đồ bề mặt Mặt Trăng độ phân giải cao về thành phần hóa học, ảnh chụp địa chất và khoáng vật, từ đó xác nhận sự có mặt của phân tử nước trong đất Mặt Trăng.[67] Cơ quan nghiên cứu không gian Ấn Độ có kế hoạch phóng tàu Chandrayaan II vào năm 2013, nó sẽ mang theo một rô bốt tự hành của Nga đổ bộ lên Mặt Trăng.[68][69] Hai tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) và LCROSS chứa khối va chạm được phóng lên đồng thời và chúng đã đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng ngày 18 tháng 6 năm 2009; LCROSS đã hoàn thành phi vụ của nó khi con tàu thả khối va chạm và thực hiện quan sát sự kiện va chạm xảy ra ở hố Cabeus vào ngày 9 tháng 10 năm 2009,[70] trong khi LRO hiện tại vẫn đang hoạt động, và gửi về trung tâm điều khiển các bức ảnh có độ phân giải cao.

Giải Lunar X của Google, được thông báo ngày 13 tháng 9 năm 2007, hy vọng khuyến khích việc thám hiểm Mặt Trăng do tư nhân tài trợ. Quỹ X Prize sẽ trao cho bất kỳ ai 20 triệu dollar Mỹ nếu họ cho hạ cánh thành công một thiết bị robot xuống Mặt Trăng và đạt được một số tiêu chí do họ quy định.

Ngày 14 tháng 9 năm 2007 Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản đã phóng SELENE một tàu vũ trụ quỹ đạo Mặt Trăng được trang bị một camera có độ phân giải cao và hai vệ tinh nhỏ. Phi vụ này được chờ đợi kéo dài trong một năm.[71]

Tàu Kaguya của Nhật Bản phóng lên năm 2007 đã tìm thấy Uranium trên Mặt Trăng bằng máy phân tích quang phổ tia gamma. Mặt Trăng hứa hẹn sẽ là nguồn cung cấp Uranium dồi dào cho Trái Đất.

Sự hiểu biết của con người[sửa]

Mặt Trăng đã là chủ đề của nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật và là nguồn cảm hứng của rất nhiều công trình khác. Nó là một trong những môn nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, thơ, văn và nhiều môn nghệ thuật khác. Một bức tranh khắc đá có niên đại từ 5.000 năm trước tại Knowth, Ireland có thể thể hiện Mặt Trăng, đây cũng có thể là bức vẽ Mặt Trăng sớm nhất từng được phát hiện.[72] Trong nhiều nền văn hóa tiền sử và cổ đại, Mặt Trăng từng được cho là một nữ thần hay các hiện tượng siêu nhiên khác, và những quan điểm chiêm tinh học về Mặt Trăng vẫn còn được truyền đạt đến ngày nay.

Một trong số những giải thích khoa học đầu tiên của thế giới phương Tây về Mặt Trăng là của nhà triết học Hy Lạp Anaxagoras (năm 428 trước Công Nguyên), ông suy luận rằng cả Mặt Trời và Mặt Trăng đều là các thiên thể hình cầu lớn bằng đá, và rằng Mặt Trăng phản chiếu ánh sáng của Mặt Trời. Quan điểm vô thần của ông về các bầu trời là một trong những nguyên nhân khiến ông bị bắt giam và cuối cùng bị trục xuất.[73]

Theo miêu tả vũ trụ của Aristotle (384–322 trước Công Nguyên), Mặt Trăng là biên giới giữa các bầu trời của các nguyên tố có thể biến đổi (đất, nước, không khí và lửa), và các ngôi sao bất diệt của ête. Sự phân chia này đã là một phần của vật lý học trong nhiều thế kỷ sau đó.[74]

Ở thời Chiến quốc tại Trung Quốc, nhà thiên văn học Thạch Thân (thế kỷ 4 trước Công Nguyên) đã đưa ra những lý luận để phán đoán nhật thực và nguyệt thực dựa trên các vị trí tương quan của Mặt Trời và Mặt Trăng.[75] Dù người Trung Quốc ở thời Hán (202 TCN–202) tin rằng Mặt Trăng là nguồn năng lượng tương đương khí, lý thuyết 'ảnh hưởng bức xạ' của họ công nhận rằng ánh sáng của Mặt Trăng chỉ đơn giản là sự phản chiếu của Mặt Trời (đã được Anaxagoras đề cập ở trên).[76] Điều này được các nhà tư tưởng chủ đạo như Kinh Phòng (78–37 trước Công Nguyên) và Trương Hành (78–139) ủng hộ, những cũng bị nhà triết học có tầm ảnh hưởng là Vương Sung (27–97) phản đối.[76] Kinh Phòng đã lưu ý tới hình cầu của Mặt Trăng trong khi Trương Hành đã miêu tả chính xác về nhật thực và nguyệt thực.[76][77] Những điều quả quyết đó được Thẩm Quát (1031–1095) thời nhà Tống (960–1279) ủng hộ, ông đã tạo ra một biểu tượng giải thích thời kỳ trăng khuyết và trăng tròn tương tự như một quả bóng tròn bạc tròn phản chiếu, mà khi được phủ bột trắng và nhìn từ phía bên, sẽ có hình lưỡi liềm.[78] Ông cũng lưu ý rằng lý do Mặt Trời và Mặt Trăng không che khuất nhau mỗi lần trùng vị trí bởi có một lượng xiên nhỏ trong đường quỹ đạo của chúng.[78]

Tới thời Trung cổ, trước khi kính viễn vọng được phát minh, ngày càng có nhiều người công nhận Mặt Trăng là hình cầu, dù rằng họ vẫn tin nó "hoàn toàn nhẵn".[79] Năm 1609, Galileo Galilei vẽ một trong những hình vẽ qua kính thiên văn đầu tiên về Mặt Trăng trong cuốn sách Sidereus Nuncius của ông và ghi chú rằng nó không nhẵn mà có các ngọn núi và các hố va chạm. Sau này ở thế kỷ 17, Giovanni Battista Riccioli Francesco Maria Grimaldi đã vẽ một bản đồ Mặt Trăng và đặt tên cho nhiều hố va chạm, những tên này vẫn được giữ đến ngày nay.

Tập tin:Le Voyage dans la lune.jpg
Hình từ bộ phim câm Le Voyage dans la Lune (1902) (Cuộc du hành đến Mặt Trăng) của Georges Méliès

Trên các tấm bản đồ, những phần tối trên bề mặt Mặt Trăng được gọi là maria (các biển), và những phần sáng được gọi là terrae (lục địa). Khả năng Mặt Trăng có một số loại thực vật và có người Mặt Trăng sinh sống đã được xem xét một cách nghiêm túc bởi một số nhà thiên văn học nổi tiếng, thậm chí ở ngay những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 19. Sự tương phản giữa phần cao nguyên sáng và biển tối tạo nên những mô hình được các nền văn hóa khác nhau coi là những người trên Mặt Trăng, thỏ và trâu, cùng nhiều hình tượng khác.

Năm 1835, Trò lừa vĩ đại về Mặt Trăng khiến một số người nghĩ rằng có một số loại động vật kỳ lạ đang sống trên Mặt Trăng.[80] Tuy nhiên, hầu như cùng lúc đó (trong giai đoạn 1834–1836), Wilhelm Beer Johann Heinrich Mädler đã xuất bản cuốn bản đồ bốn tập Mappa Selenographica và cuốn sách Der Mond năm 1837, đưa ra kết luận rõ ràng rằng Mặt Trăng không có nước cũng như không có khí quyển một cách đáng kể.

Phía không nhìn thấy được của Mặt Trăng hoàn toàn không được biết tới cho tới khi tàu vũ trụ Luna 3 được phóng đi năm 1959, và đã được Chương trình Lunar Orbiter vẽ bản đồ bao quát trong thập niên 1960.

Tình trạng pháp luật[sửa]

Xem chi tiết: Luật vũ trụ

Dù nhiều lá cờ của Liên Xô đã được Luna 2 thả xuống Mặt Trăng năm 1959 cũng như trong các phi vụ hạ cánh sau đó, và những lá cờ Hoa Kỳ cũng đã được cắm mang tính biểu tượng xuống Mặt Trăng, không quốc gia nào hiện tuyên bố quyền sở hữu với bất kỳ phần bề mặt nào của Mặt Trăng. Nga và Hoa Kỳ là các bên trong Hiệp ước Vũ trụ, đặt Mặt Trăng dưới cùng quyền tài phán như vùng biển quốc tế (tiếng Latin: res communis). Hiệp ước này cũng giới hạn việc sử dụng Mặt Trăng vào các mục đích hòa bình, cấm đặt các căn cứ quân sự và vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm cả vũ khí hạt nhân).[81]

Một hiệp ước thứ hai, Hiệp ước Mặt Trăng, đã được đề xuất nhằm hạn chế việc khai thác các nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng bởi bất kỳ một quốc gia riêng biệt nào, nhưng nó vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào có khả năng lên Mặt Trăng ký kết. Nhiều cá nhân đã đưa ra những tuyên bố sở hữu một phần hay toàn bộ Mặt Trăng, dù không một tuyên bố nào trong số đó được coi là đáng tin cậy.[82]

Mặt Trăng trong văn hóa[sửa]

Tập tin:Máni and Sól by Lorenz Frølich.jpg
Các thần Máni (trái) và Sól (phải), hình tượng con người của Mặt Trăng và Mặt Trời trong thần thoại Bắc Âu, bức tranh do họa sĩ Lorenz Frølich vẽ năm 1895.

Nhờ các pha đều đặn của Mặt Trăng khiến nó trở thành một đồng hồ tự nhiên rất thuận tiện, và chu kỳ nó tròn dần và khuyết dần đã trở thành cơ sở cho nhiều lịch cổ. Một mảnh xương đại bàng trên đó có khắc các ký tự tìm thấy gần làng Le Placard ở Pháp có niên đại khoảng 13.000 năm trước, được cho rằng là các dấu hiệu tượng trưng cho các pha Mặt Trăng.[83] Chu kỳ Mặt Trăng xấp xỉ 30 ngày (gần một tháng). Từ month trong tiếng Anh và các từ cùng gốc khác trong các ngôn ngữ Giéc-manh có chung gốc từ ngôn ngữ tiền-Giéc manh *mǣnṓth-, nó được liên hệ với từ *mǣnōn trong ngôn ngữ tiền-Giéc manh, ám chỉ cho lịch Mặt Trăng được sử dụng trong các dân tộc Giec-manh (lịch Giec-manh) hơn là cho lịch Mặt Trời.[84] Cùng nguồn gốc trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu moon đã dẫn đến sự phát triển của các từ Latin measure and menstrual, những từ phản ánh tầm quan trọng của Mặt Trăng trong nhiều nền văn hóa cổ trong việc xác định thời gian (xem từ Latin mensis và ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại μήνας (mēnas), có nghĩa là "month").[85][86]

Tập tin:Moonstar.jpg
Trăng lưỡi liềm và ngôi sao xuất hiện trong một số lá cờ, như Thổ Nhĩ Kỳ Pakistan.

Mặt Trăng đã trở thành chủ đề chính trong nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật và cảm hứng cho vô số những thứ khác. Nó là mộtip trong nghệ thuật thị giác, nghệ thuật trình diễn, thơ, văn xuôi âm nhạc. Một phiến đá khắc 5.000 năm tuổi ở Knowth, Ai Len, có thể tượng trưng cho Mặt Trăng và có lẽ là tác phẩm cổ xưa nhất từng được khám phá.[87] Trong nhiều nền văn hóa tiền sử và cổ đại, Mặt Trăng được nhân cách hóa thành thần Mặt Trăng hay những hiện tượng siêu nhiên khác, và quan điểm chiêm tinh học vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Sự tương phản giữa các cao nguyên sáng và biển tối trên bề mặt của Mặt Trăng tạo ra những hình tượng khác nhau trong các nền văn hóa như chú Cuội, thỏ Mặt Trăng và trâu, cùng với những hình tượng khác. Mặt Trăng từ lâu đã được một số người gắn với bệnh điên và sự phi lý; các từ lunacy (điên rồ) và loony (người điên) có nguồn gốc từ tiếng Latin cho tên gọi của Mặt Trăng, Luna. Những nhà triết học như Aristotle Pliny the Elder lập luận là khi trăng tròn sẽ tác động đến thần kinh của những cá nhân nhạy cảm, dễ bị tổn thương, họ tin là não người, phần lớn chứa nước, phải bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng và sức mạnh của nó lên thủy triều, nhưng nó lại quá yếu để ảnh hưởng đến một cá nhân.[88] Thậm chí ngày nay, nhiều người cho rằng có nhiều người phải nhập viện tâm thần, tai nạn giao thông, giết người hoặc tự tử tăng lên trong thời gian trăng tròn, mặc dù không có bằng chứng nào ủng hộ cho điều này.[88]

Xem thêm[sửa]

Tham khảo[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 Spudis, P.D. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Moon”. World Book Online Reference Center, NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  2. “Spelling of Names of Astronomical Objects”. Hiệp hội Thiên văn Quốc tế. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  3. 4,0 4,1 Harper, D. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Moon”. Online Etymology Dictionary. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  4. Alexander, M. E. (1973). "The Weak Friction Approximation and Tidal Evolution in Close Binary Systems". Astrophysics and Space Science 23: 459–508. http://adsabs.harvard.edu/abs/1973Ap&SS..23..459A. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  5. Does the Moon rotate?
  6. Gillis, J.J.; Spudis, P.D. (1996). "The Composition and Geologic Setting of Lunar Far Side Maria". Lunar and Planetary Science 27: 413–404. http://adsabs.harvard.edu/abs/1996LPI....27..413G. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  7. 8,0 8,1 8,2 8,3 Shearer, C.; et al. (2006). "Thermal and magmatic evolution of the Moon". Reviews in Mineralogy and Geochemistry 60: 365–518.
  8. Taylor, G.J. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “A New Moon for the Twenty-First Century”. Viện địa vật lý và khoa học hành tinh Hawaii. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  9. Head, L.W.J.W. (2003). "Lunar Gruithuisen and Mairan domes: Rheology and mode of emplacement". Journal of Geophysical Research 108. http://web.archive.org/web/20120716193752/http://www.agu.org/pubs/crossref/2003/2002JE001909.shtml. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  10. Kiefer, W. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Lunar Orbiter: Impact Basin Geology”. Lunar and Planetary Institute. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  11. Munsell, K. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Majestic Mountains”. Solar System Exploration. NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  12. 13,0 13,1 Martel, L. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “The Moon's Dark, Icy Poles”. Viện địa vật lý và khoa học hành tinh Hawaii. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  13. Melosh, H. J. (1989). Impact cratering: A geologic process. Nhà in Đại học Oxford.
  14. Taylor, G.J. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “The biggest hole in the Solar System”. Viện địa vật lý và khoa học hành tinh Hawaii. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  15. Heiken, G.; Vaniman, D.; French, B. (eds.) (1991). Lunar Sourcebook, a user's guide to the Moon. New York: Nhà in Đại học Cambridge. 736.
  16. Rasmussen, K.L.; Warren, P.H. (1985). "Megaregolith thickness, heat flow, and the bulk composition of the moon". Nature 313: 121–124. http://adsabs.harvard.edu/abs/1985Natur.313..121R. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  17. “Lunar Polar Composites”. Lunar and Planetary Institute. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  18. “Eureka! Ice found at lunar poles”. Lunar Prospector (NASA) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  19. Spudis, P. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Ice on the Moon”. The Space Review. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  20. Saal, Alberto E.; Hauri, Erik H.; Cascio, Mauro L.; van Orman, James A.; Rutherford, Malcolm C.; Cooper, Reid F. (2008). "Volatile content of lunar volcanic glasses and the presence of water in the Moon's interior". Nature 454 (7201): 192–195. doi:10.1038/nature07047. PMID 18615079.
  21. Pieters, C. M.; Goswami, J. N.; Clark, R. N.; Annadurai, M.; Boardman, J.; Buratti, B.; Combe, J.-P.; Dyar, M. D.; Green, R.; Head, J. W.; Hibbitts, C.; Hicks, M.; Isaacson, P.; Klima, R.; Kramer, G.; Kumar, S.; Livo, E.; Lundeen, S.; Malaret, E.; McCord, T.; Mustard, J.; Nettles, J.; Petro, N.; Runyon, C.; Staid, M.; Sunshine, J.; Taylor, L. A.; Tompkins, S.; Varanasi, P. (2009). "Character and Spatial Distribution of OH/H2O on the Surface of the Moon Seen by M3 on Chandrayaan-1". Science 326 (5952): 568. doi:10.1126/science.1178658. PMID 19779151.
  22. Lakdawalla, Emily (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “LCROSS Lunar Impactor Mission: "Yes, We Found Water!"”. The Planetary Society. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  23. Colaprete, A.; Ennico, K.; Wooden, D.; Shirley, M.; Heldmann, J.; Marshall, W.; Sollitt, L.; Asphaug, E.; Korycansky, D.; Schultz, P.; Hermalyn, B.; Galal, K.; Bart, G. D.; Goldstein, D.; Summy, D. (March 1–5, 2010). "Water and More: An Overview of LCROSS Impact Results". 41st Lunar and Planetary Science Conference (1533): 2335. http://adsabs.harvard.edu/abs/2010LPI....41.2335C.
  24. 25,0 25,1 Lucey, P.; et al. (2006). "Understanding the lunar surface and space-Moon interactions". Reviews in Mineralogy and Geochemistry 60: 83–219.
  25. 26,0 26,1 26,2 26,3 26,4 Wieczorek, M.; et al. (2006). "The constitution and structure of the lunar interior". Reviews in Mineralogy and Geochemistry 60: 221–364. doi:10.2138/rmg.2006.60.3.
  26. Williams, J.G.; Turyshev, S.G.; Boggs, D.H.; Ratcliff, J.T. (2006). "Lunar laser ranging science: Gravitational physics and lunar interior and geodesy". Advances in Space Research 37 (1): 6771. http://adsabs.harvard.edu/abs/1987AREPS..15..271S. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  27. “Doppler Gravity Experiment Results”. Lunar Prospector (NASA) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  28. Muller, P.; Sjogren, W. (1968). "Masons: lunar mass concentrations". Science 161: 680–684.
  29. Konopliv, A.; Asmar S.; Carranza E.; Sjogren W.; Yuan D. (2001). "Recent gravity models as a result of the Lunar Prospector mission". Icarus 50: 1–18.
  30. “Magnetometer / Electron Reflectometer Results”. Lunar Prospector (NASA) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  31. Hood, L.L.; Huang, Z. (1991). "Formation of magnetic anomalies antipodal to lunar impact basins: Two-dimensional model calculations". J. Geophys. Res. 96: 9837–9846.
  32. Globus, Ruth (2002). “Impact Upon Lunar Atmosphere”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  33. P. Lucey et al. (2006). "Understanding the lunar surface and space-Moon interactions". Reviews in Mineralogy and Geochemistry 60 (1): 83–219. doi:10.2138/rmg.2006.60.2. http://rimg.geoscienceworld.org/content/60/1/83.extract.
  34. Lawson, S.; Feldman, W.; Lawrence, D.; Moore, K.; Elphic, R.; Belian, R. (2005). "Recent outgassing from the lunar surface: the Lunar Prospector alpha particle spectrometer". J. Geophys. Res. 110: 1029.
  35. Stern, S.A. (1999). "The Lunar atmosphere: History, status, current problems, and context". Rev. Geophys. 37: 453–491.
  36. Artemis Project: Lunar Surface Temperatures
  37. Kleine, T.; Palme H.; Mezger K.; Halliday A.N. (2005). "Hf–W Chronometry of Lunar Metals and the Age and Early Differentiation of the Moon". Science 310 (5754): 1671–1674. doi:10.1126/science.1118842.
  38. Binder, A.B. (1974). "On the origin of the moon by rotational fission". The Moon 11 (2): 53–76. http://adsabs.harvard.edu/abs/1974Moon...11...53B. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  39. Mitler, H.E. (1975). "Formation of an iron-poor moon by partial capture, or: Yet another exotic theory of lunar origin". Icarus 24: 256–268. http://adsabs.harvard.edu/abs/1975Icar...24..256M. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  40. Stevenson, D.J. (1987). "Origin of the moon – The collision hypothesis". Annual Review of Earth and Planetary Sciences 15: 271–315. http://adsabs.harvard.edu/abs/1987AREPS..15..271S. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  41. Canup, R.; Asphaug, E. (2001). "Origin of the Moon in a giant impact near the end of the Earth's formation". Nature 412: 708–712.
  42. 43,0 43,1 Papike, J.; Ryder, G.; Shearer, C. (1998). "Lunar Samples". Reviews in Mineralogy and Geochemistry 36: 5.1–5.234.
  43. 44,0 44,1 Hiesinger, H.; Head, J.W.; Wolf, U.; Jaumanm, R.; Neukum, G. (2003). "Ages and stratigraphy of mare basalts in Oceanus Procellarum, Mare Numbium, Mare Cognitum, and Mare Insularum". J. Geophys. Res. 108: 1029.
  44. Taylor, G.J. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Recent Gas Escape from the Moon”. Viện địa vật lý và khoa học hành tinh Hawaii. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  45. Schultz, P.H.; Staid, M.I.; Pieters, C.M. (2006). "Lunar activity from recent gas release". Nature 444: 184–186.
  46. Norman, M. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “The Oldest Moon Rocks”. Viện địa vật lý và khoa học hành tinh Hawaii. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  47. Varricchio, L. (2006). Inconstant Moon. Xlibris Books. ISBN 1-59926-393-9.
  48. Mùi của bụi Mặt Trăng từ NASA
  49. Encyklopédia astronómie (nghĩa tiếng Việt: Từ điển thiên văn học), nhiều tác giả, xuất bản năm 1987, trang 634.
  50. 51,0 51,1 “Apollo Laser Ranging Experiments Yield Results”. NASA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  51. Ray, R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Ocean Tides and the Earth's Rotation”. IERS Special Bureau for Tides. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  52. Vampew, A. “No, it's not our "second" moon!!!”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  53. Morais, M.H.M.; Morbidelli, A. (2002). "The Population of Near-Earth Asteroids in Coorbital Motion with the Earth". Icarus 160: 1–9. http://adsabs.harvard.edu/abs/2002Icar..160....1M. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  54. 55,0 55,1 Thieman, J.; Keating, S. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Eclipse 99, Frequently Asked Questions”. NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  55. Espenak, F. “Saros Cycle”. NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  56. Espenak, F (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Solar Eclipses for Beginners”. MrEclipse. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  57. “Total Lunar Occultations”. Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia New Zealand. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  58. Espenak, F. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “NASA Eclipse Home Page”. NASA. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  59. Coren, M. “'Giant leap' opens world of possibility”, CNN.com, ngày 26 tháng 7 năm 2004. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  60. Appleton, James; Charles Radley, John Deans, Simon Harvey, Paul Burt, Michael Haxell, Roy Adams, N Spooner và Wayne Brieske. “OASI Newsletters Archive”, 1977. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2007. Bản chính được lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2009.
  61. Dickey, J.; và ctv. (1994). "Lunar laser ranging: a continuing legacy of the Apollo program". Science 265: 482–490. doi:10.1126/science.265.5171.482.
  62. “"嫦娥一号"发射时间确定 但未到公布时机”. Tân Hoa Online (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  63. “Mission Sequence”. Indian Space Research Organisation (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  64. “Indian Space Research Organisation: Future Program”. Indian Space Research Organisation. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  65. “India and Russia Sign an Agreement on Chandrayaan-2”. Indian Space Research Organisation (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  66. “Lunar CRater Observation and Sensing Satellite (LCROSS): Strategy & Astronomer Observation Campaign”. NASA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  67. Rita O'Connor, “Japan Embarks on the Largest Moon Mission Since Apollo”, The Epoch Times, 1 tháng 10 năm 2007. Truy cập 26 tháng 1 năm 2016. (Viết bằng Tiếng Anh.) “The mission, which launched from the Tanegashima space centre on the 14th of September, utilised a lunar orbiter explorer named Selene, short for selenological and engineering explorer.”
  68. “Carved and Drawn Prehistoric Maps of the Cosmos”. Space Today Online (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  69. O'Connor, J.J.; Robertson, E.F. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “Anaxagoras of Clazomenae”. Đại học St Andrews. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  70. Lewis, C.S. (1964). The Discarded Image. Cambridge: Nhà in Đại học Cambridge. 108. ISBN 978-0-521-47735-2.
  71. Needham Joseph. (1986). Science and Civilization in China: Volume 3, Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth. Taipei: Caves Books, Ltd. Page 411.
  72. 76,0 76,1 76,2 Needham, Joseph. (1986). Science and Civilization in China: Volume 3, Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth. Đài Bắc: Caves Books Ltd. Trang 413–414.
  73. Needham Joseph. (1986). Science and Civilization in China: Volume 3, Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth. Đài Bắc: Caves Books Ltd. Trang 227.
  74. 78,0 78,1 Needham Joseph. (1986). Science and Civilization in China: Volume 3, Mathematics and the Sciences of the Heavens and Earth. Đài Bắc: Caves Books Ltd. Trang 415–416.
  75. Van Helden, A. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “The Moon”. Galileo Project. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  76. Boese, A. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). “The Great Moon Hoax of 1835”. Museum of Hoaxes. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  77. “International Space Law”. United Nations Office for Outer Space Affairs (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  78. theregister.co.uk "NASA crushes lunar real estate industry"
  79. Duncan, David Ewing (1998). The Calendar. Fourth Estate Ltd.. 10–11. ISBN 9781857027211.
  80. For etymology, see Barnhart, Robert K. (1995). The Barnhart Concise Dictionary of Etymology. Harper Collins. tr. 487. ISBN 0-06-270084-7. For the lunar calendar of the Germanic peoples, see Birley, A. R. (Trans.) (1999). Agricola and Germany. Oxford World's Classics. USA: Oxford. tr. 108. ISBN 978-0-19-283300-6.
  81. Smith, William George (1849). Dictionary of Greek and Roman Biography and Mythology: Oarses-Zygia. 3. J. Walton. tr. 768. http://books.google.com/?id=PJ0YAAAAIAAJ&dq=Dictionary%20of%20Greek%20and%20Roman%20Biography%20and%20Mythology&pg=PA768#v=onepage&q=. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2010.
  82. Estienne, Henri (1846). Thesaurus graecae linguae. 5. Didot. tr. 1001. http://books.google.com/?id=0qQ_AAAAcAAJ&dq=%CE%BC%CE%AE%CE%BD%CE%B1%CF%82%20%CE%BC%CE%AE%CE%BD%CE%B7&pg=RA1-PA581#v=onepage&q=. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2010.
  83. “Carved and Drawn Prehistoric Maps of the Cosmos”. Space Today Online (2006). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..
  84. 88,0 88,1 “Lunacy and the Full Moon”. Scientific American (2009). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url title phải được chỉ định..

Thư mục[sửa]

  • Bussey, B.; Spudis P.D. (2004). The Clementine Atlas of the Moon. Nhà in Đại học Cambridge. ISBN 0-521-81528-2.
  • Jolliff, B.; Wieczorek M.; Shearer C.; Neal C. (chủ biên) (2006). "New views of the Moon". Rev. Mineral. Geochem. (Chantilly, Virginia: Min. Soc. Amer.) 60: 721. http://www.minsocam.org/msa/RIM/Rim60.html. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  • Mackenzie, Dana (2003). The Big Splat, or How Our Moon Came to Be. Hoboken, New Jersey: John Wiley & Sons, Inc.
  • Moore P. (2001). On the Moon. Tucson, Arizona: Sterling Publishing Co.. ISBN 0-304-35469-4.
  • Spudis, P.D. (1996). The Once and Future Moon. Nhà in Viện Smithsonian. ISBN 1-56098-634-4.
  • Taylor, S.R. (1992). Solar system evolution. Nhà in Đại học Cambridge. 307.
  • Wilhelms, D.E. (1987). "Geologic History of the Moon". U.S. Geological Survey Professional paper 1348. http://ser.sese.asu.edu/GHM/. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2007.
  • Wilhelms, D.E. (1993). To a Rocky Moon: A Geologist's History of Lunar Exploration. Tucson, Arizona: Nhà in Đại học Arizona.

Liên kết ngoài[sửa]

Hình ảnh và bản đồ
Thám hiểm
Các tuần trăng
Khác
Các nguồn bản đồ


Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.