Đô la Mỹ
Đồng đô la Mỹ hay Mỹ kim, USD (tiếng Anh: United States dollar), còn được gọi ngắn là "đô la" hay "đô", là đơn vị tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ. Nó cũng được dùng để dự trữ ngoài Hoa Kỳ. Hiện nay, việc phát hành tiền được quản lý bởi các hệ thống ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve). Ký hiệu phổ biến nhất cho đơn vị này là dấu $. Mã ISO 4217 cho đô la Mỹ là USD; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dùng US$. Trong năm 1995, trên 380 tỷ đô la đã được lưu hành, trong đó hai phần ba ở ngoài nước. Đến tháng 4 năm 2004, gần 700 tỷ đô la tiền giấy đã được lưu hành [1], trong đó hai phần ba vẫn còn ở nước ngoài [2].
Nước Mỹ là một trong một số quốc gia dùng đơn vị tiền tệ gọi là đô la. Một vài quốc gia dùng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ chính thức, và nhiều quốc gia khác cho phép dùng nó trong thực tế (nhưng không chính thức). Xin xem đô la.
Mục lục
Sơ lược[sửa]
Đồng đô la Mỹ thông thường được chia ra thành 100 cent, (ký hiệu ¢). Trong một cách chia khác, có 1.000 min (mill) trong mỗi đô la; thêm vào đó, 10 đô la còn được gọi là Eagle (đại bàng). Tuy nhiên, chỉ có đơn vị xu mới được dùng rộng rãi; dân chúng Mỹ ít nghe đến "eagle" hay "mill", tuy mill có khi được dùng trong việc thu thuế. Trong tiền được lưu hành, các đơn vị ít hơn hoặc bằng 1 đô la được phát hành với dạng tiền kim loại trong khi các đơn vị nhiều hơn hoặc bằng 1 đô la được phát hành với dạng tiền giấy (đơn vị 1 đô la có thể theo dạng tiền giấy hay tiền kim loại, nhưng tiền giấy được lưu hành hơn nhiều). Trước đây, tiền giấy đôi khi được phát hành cho các đơn vị ít hơn 1 đô la, và tiền đúc bằng vàng đã được phát hành cho các đơn vị tới 20 đô la.
Tiền kim loại được đúc bởi Sở đúc tiền Hoa Kỳ (United States Mint). Tiền giấy được in bởi Cục Khắc và In (Bureau of Engraving and Printing) cho Cục Dự trữ Liên bang từ năm 1914. Chúng được bắt đầu in giấy bạc cỡ lớn, nhưng từ năm 1928 đã đổi thành cỡ nhỏ, không biết vì lý do gì.
Tiền giấy trên 100 đô la không còn được in nữa sau 1946 và đã chính thức ngưng lưu hành trong năm 1969. Những tờ tiền giấy này thường được dùng bởi các ngân hàng để trao đổi với nhau hay bởi các thành phần tội phạm có tổ chức (vì lẽ này mà tổng thống Richard Nixon đã đưa ra lệnh ngừng lưu hành). Sau khi việc trao đổi tiền điện tử được ra đời, chúng trở thành dư thừa. Các đơn vị tiền lớn đã được phát hành gồm có $500, $1.000, $5.000, $10.000 và $100.000.
-
500 USD note; series of 1934; obverse.jpg
500 USD
-
1000dollarbill.jpg
1.000 USD
-
US $5000 1934 Federal Reserve Note.jpg
5.000 USD
-
10000 USD note; series of 1934; reverse.jpg
10.000 USD
-
US100000dollarsbillobverse.jpg
100.000 USD
Các loại tiền giấy đôla Mỹ có chung dạng trang trí, chung màu sắc (đen bóng mặt trước và xanh lá cây mặt sau) có cùng kích thước (156 x 66 mm) cho dù chúng có giá trị khác nhau, từ 1 USD trở lên. Mỗi loại tiền giấy, ứng với một mệnh giá, mang hình một tổng thống Mỹ theo đúng quy định.
Tiền kim loại[sửa]
Đang được lưu hành có tiền kim loại 1¢ (penny), 5¢ (nickel), 10¢ (dime), 25¢ (quarter), 50¢ (nửa đô la, không thịnh hành) và $1 (không thịnh hành).
Tiền kim loại 1 đô la chưa bao giờ là phổ biến tại Hoa Kỳ. Đồng bạc được đúc giữa 1794 đến 1935 với một vài thời gian bị gián đoạn; tiền đúc bằng đồng và niken cùng cỡ được đúc từ 1971 đến 1978. Đồng Susan B. Anthony được ra mắt trong năm 1979; chúng không được ưa chuộng vì dễ bị nhầm lẫn với đồng quarter (25¢) có cỡ gần bằng, có viền răng cưa và màu sắc tương tự. Những đồng này bị ngừng đúc ngay sau đó, nhưng vẫn là có thể dùng làm tiền hợp pháp. Trong năm 2000, một đồng $1 mới có hình Sacagawea được ra mắt, chúng có viền phẳng và có màu vàng kim loại. Dù vậy, chúng không được ưa chuộng bằng đồng tiền giấy $1 và ít được dùng trong công việc hằng ngày. Sự thất bại của tiền kim loại đã bị đổ lỗi vào sự thất bại trong việc đồng thời thu hồi tiền giấy và cố gắng yếu kém trong việc phổ biến tiền kim loại. Hầu hết các máy bán hàng tự động không thối tiền bằng giấy được, cho nên chúng thường được thiết kế để thối bằng đồng đô la hay nửa đô la kim loại.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã đúc tiền kim loại với giá trị: nửa xu, hai xu, ba xu, hai mươi xu, $2,50, $3,00, $4,00, $5,00, $10,00 và $20,00. Chúng vẫn là tiền tệ chính thức theo giá trị trên mặt, nhưng cao giá hơn đối với những nhà sưu tầm tiền cổ.
Sở Đúc tiền Hoa Kỳ cũng sản xuất tiền thoi vàng và bạch kim, được gọi là "American Eagles" (Đại bàng Mỹ), đều là tiền tệ chính thức tuy chúng rất hiếm khi được dùng. Lý do là chúng không được sản xuất để trao đổi, do đó giá trị mặt của chúng thấp hơn giá kim loại quý được dùng để tạo chúng. Đồng thoi American Silver Eagle (Đại bàng bạc Mỹ) được lưu hành với giá trị $1 (1 ounce troy). Đồng thoi American Gold Eagle (Đại bàng vàng Mỹ) có giá trị $5 (1/10 ounce troy), $10 (1/4 ounce troy), $25 (1/2 ounce troy) và $50 (1 ounce troy). Đồng thoi American Platinum Eagle (Đại bàng bạch kim Mỹ) có giá trị $10 (1/10 ounce troy), $25 (1/4 ounce troy), $50 (1/2 ounce troy) và $100 (1 ounce troy). Đồng bạc có 99,9% bạc, đồng vàng có 91,67% vàng (22 karat) và đồng bạch kim có 99,95% bạch kim. Các đồng tiền này không có bán lẻ cho cá nhân, mà phải mua từ các cơ quan có phép.
Sở Đúc tiền còn sản xuất tiền kim loại dành cho các nhà sưu tầm, có cùng giá mặt và thể tích vàng thoi, để bán lẻ. Hiện giờ đơn vị lớn nhất được lưu hành là tờ $100 và đồng $100 ounce troy Platinum Eagle.
Chỉ trích[sửa]
Tiền kim loại[sửa]
Hiếm có cho một đơn vị tiền tệ quan trọng, giá trị của tiền kim loại Mỹ không được viết bằng số. Thay vào đó, giá trị của chúng được viết bằng chữ tiếng Anh, có thể tạo ra sự khó khăn cho những du khách không biết tiếng này. Hơn nữa, các chữ được viết không theo khuôn mẫu: "One Cent" (1 cent), "Five Cents" (5 cent), "One Dime" (cho dime, giá trị 10 cent), "Quarter Dollar" (cho quarter, có giá trị 25 cent) và "Half Dollar" (nửa đô la, giá trị 50 cent). Để hiểu các thuật ngữ này, người đọc phải hiểu các từ "penny", "nickel", "dime", "quarter" và "half dollar".
Vì lý do lịch sử, cỡ tiền không lớn lên theo giá trị mặt. Tiền 1 cent (penny) và 5 cent (nickel) đều lớn hơn đồng 10 cent (dime), và đồng 50 cent lại lớn hơn đồng $1 có hình Sacagawea hay Susan B. Anthony. Cỡ của đồng dime, quarter và nửa đô la đã có từ trước 1964, khi chúng được đúc từ 90% bạc; cỡ của chúng tuỳ thuộc vào giá trị của chúng bằng bạc, và điều đó giải thích tại sao đồng dime có cỡ nhỏ nhất. Đường kính hiện nay của đồng đô la được ra mắt năm 1979 với đồng Susan B. Anthony, vì thế cỡ của chúng không tuỳ thuộc vào số lượng bạc, và được chọn tuỳ ý, không có liên quan đến đồng đô la Eisenhower cùng cỡ với đồng Peace và Morgan bằng bạc được dùng trong đầu thế kỷ 20.
Tiền giấy[sửa]
Đơn vị ($) | Hình trong mặt trước | Hình trong mặt sau |
---|---|---|
Tiền kim loại | ||
0,01 | Abraham Lincoln | Tượng đài Lincoln |
0,05 | Thomas Jefferson | Monticello |
0,10 | Franklin D. Roosevelt | đuốc, nhánh cây sồi, cành ôliu |
0,25 | George Washington | Biểu tượng các tiểu bang |
0,50 | John F. Kennedy | Dấu ấn của Tổng thống Hoa Kỳ |
0,50 | Benjamin Franklin | Chuông Độc lập |
1 | Sacagawea | Đại bàng trắng đang bay |
1 | Dwight Eisenhower | Đại bàng trắng đáp trên Mặt Trăng |
1 | Susan B. Anthony | Đại bàng trắng đáp trên Mặt Trăng |
Tiền giấy | ||
1 | George Washington | Dấu ấn Hoa Kỳ |
2 | Thomas Jefferson | Tuyên ngôn độc lập |
5 | Abraham Lincoln | Tượng đài Lincoln |
10 | Alexander Hamilton | Toà ngân khố |
20 | Andrew Jackson | Nhà Trắng |
50 | Ulysses S. Grant | Toà Quốc hội |
100 | Benjamin Franklin | Toà Độc lập |
Đơn vị lớn hơn (không dùng nữa) |
Tuy các biện pháp nhằm chống tiền giả như thêm màu và hình mờ đã được đưa vào tiền giấy, các người chỉ trích cho rằng việc làm tiền giả còn quá dễ dàng. Họ cho rằng việc in hình màu là việc dễ dàng đối với các máy in hiện đại rẻ tiền. Họ đề nghị Cục dự trữ Liên bang nên đưa vào các chức năng ảnh toàn ký (holography) như đã có trong các đơn vị tiền lớn khác như Đô la Canada, franc Thụy Sĩ và đồng euro, khó giả mạo hơn. Một kỹ thuật khác được phát triển tại Úc, được một vài nước sử dụng (kể cả Việt Nam), chế tạo ra tiền giấy bằng polymer.
Tuy nhiên, có lẽ tiền Mỹ cũng không dễ giả mạo như các nhà chỉ trích đã nói. Hai chức năng chống tiền giả quan trọng nhất trong tiền Mỹ là giấy và mực. Các thành phần của giấy và các chế biến mực còn được giữ bí mật. Sự kết hợp của giấy và mực tạo ra một lớp da đặc biệt, càng được nổi rệt ra khi tiền được qua nhiều tay. Các đặc điểm này khó tái tạo được nếu không có đủ thiết bị và vật dụng. Tuy nhiên, tiền giấy Mỹ vẫn còn dễ giả mạo hơn hầu hết các tiền khác, và trong khi một ngân hàng có thể phát hiện tiền giả, chúng ít được xem xét kỹ lưỡng khi được sử dụng.
Các nhà chỉ trích đồng thời còn cho rằng tiền giấy Mỹ rất khó phân biệt: chúng có hoa văn rất giống nhau, và được in bằng cùng màu, và có cỡ bằng nhau. Các tổ chức hỗ trợ người mù muốn chúng được in bằng cỡ khác nhau tuỳ theo mệnh giá và có chữ Braille cho những người khiếm thị có thể sử dụng chúng mà không cần phải đọc chữ. Tuy một số người khiếm thị đã có thể dùng cảm giác để phân biệt tiền giấy, nhiều người khác phải dùng máy đọc tiền; trong khi một số người khác gấp tiền khác nhau theo mệnh giá để dễ phân biệt chúng. Giải pháp này vẫn cần sự giúp đỡ của một người thấy rõ, cho nên không phải là một giải pháp hoàn thiện.
Trong khi đó, các đơn vị tiền quan trọng khác như đồng euro có tiền với cỡ khác nnhau: mệnh giá càng cao thì cỡ tiền càng lớn, và chúng còn được in bằng nhiều màu khác nhau. Chẳng những chúng giúp người khiếm thị, chúng còn giúp người thường không lẫn lộn một tờ giấy có giá trị cao trong một xấp tiền có giá trị thấp, một vấn đề thường gặp ở Mỹ. Các du khách cũng thường không phân biệt được tiền Mỹ vì họ không rành lắm với những hoa văn trên mặt giấy.
Đã có dự án để đổi tiền giấy thành nhiều cỡ, nhưng những nhà sản xuất máy bán hàng tự động và máy đổi tiền cho rằng làm vậy sẽ làm các máy đó phức tạp hơn và tốn tiền hơn. Tại châu Âu họ cũng dùng lý luận này trước khi có nhiều cỡ tiền, nhưng đã bị thất bại.
Ngoài việc in tiền nhiều màu và nhiều cỡ khác nhau, nhiều nước khác cũng có các chức năng cảm giác trong tiền không tìm thấy được trong tiền Mỹ để hỗ trợ người khiếm thị. Tiền Canada có một số nút có thể cảm nhận được trong góc trên phải để cho biết mệnh giá tiền.
Ngoài chức năng giúp người dùng phân biệt tiền, việc in tiền nhiều cỡ có một chức năng chống một cách làm tiền giả mà tiền Mỹ đã bị nhiều lần: các người làm tiền giả tẩy trắng mực từ một tờ tiền với mệnh giá thấp (như là 1 đô la) và in lại với mệnh giá cao hơn (như là 100 đô la). Hiện đang có đề nghị được đưa ra để làm tờ 1 đô la và 5 đô la một inch ngắn hơn và nửa inch thấp hơn; tuy nhiên, giải pháp này không hoàn thiện vì có 7 đơn vị tiền mà chỉ có 2 cỡ tiền giấy.
Sử dụng quốc tế[sửa]
Year | Cao nhất ↑ | Thấp nhất ↓ | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Ngày | Tỷ giá | Ngày | Tỷ giá | ||||||||
1999 | 03/12 | €0.9985 | 05/01 | €0.8482 | |||||||
2000 | 26/10 | €1.2118 | 06/01 | €0.9626 | |||||||
2001 | 06/07 | €1.1927 | 05/01 | €1.0477 | |||||||
2002 | 28/01 | €1.1658 | 31/12 | €0.9536 | |||||||
2003 | 08/01 | €0.9637 | 31/12 | €0.7918 | |||||||
2004 | 14/05 | €0.8473 | 28/12 | €0.7335 | |||||||
2005 | 15/11 | €0.8571 | 03/01 | €0.7404 | |||||||
2006 | 02/01 | €0.8456 | 05/12 | €0.7501 | |||||||
2007 | 12/01 | €0.7756 | 27/11 | €0.6723 | |||||||
2008 | 27/10 | €0.8026 | 15/07 | €0.6254 | |||||||
2009 | 04/03 | €0.7965 | 03/12 | €0.6614 | |||||||
2010 | 08/06 | €0.8374 | 13/01 | €0.6867 | |||||||
2011 | 29/12 | €0.7759 | 04/05 | €0.6720 | |||||||
2012 | 24/07 | €0.8272 | 28/02 | €0.7433 | |||||||
2013 | 27/04 | €0.7832 | 01/02 | €0.7329 | Nguồn: Euro exchange rates in USD, ECB |
Một số quốc gia ngoài Hoa Kỳ sử dụng đồng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ chính thức. Ecuador, El Salvador và Đông Timor dùng đô la Mỹ. Các cựu thành viên trong nhóm Lãnh thổ Tín nhiệm Các đảo Thái Bình Dương (Trust Territory of the Pacifi Islands) dưới sự quản lý của Hoa Kỳ, kể cả Palau, Micronesia và Quần đảo Marshall, đã không phát hành tiền riêng sau khi họ độc lập.
Thêm vào đó, đơn vị tiền địa phương của Bermuda, Bahamas, Panama và một số quốc gia khác có thể hoán đổi với đồng USD với tỷ giá 1:1. Đơn vị tiền tệ của Barbados được hoán đổi với tỷ giá 2:1. Argentina đã dùng tỷ giá hoán đổi 1:1 giữa đồng peso Argentina và đô la Mỹ từ 1991 đến 2002. Tại Liban, 1 đô la được đổi thành 1500 lira Liban, và cũng có thể được sử dụng để mua bán như đồng lira. Tại Hồng Kông, đồng đô la Mỹ và đô la Hồng Kông đã được ràng buộc với giá HK$7,8/USD từ năm 1983. Đồng Pataca của Macao, được ràng buộc với đô la Hồng Kông với giá MOP1,03/HKD, được gián tiếp hoán đổi với đô la Mỹ với tỷ giá khoảng MOP8/USD. Đồng Nhân dân tệ của CHND Trung Hoa đã được ổn định giá với đô la Mỹ từ giữa thập niên 1990 với giá Y8,28/USD cho đến ngày 21 tháng 7, 2005. Malaysia cũng đã ổn định giá của đồng ringgitt với giá MR3,8/USD từ 1997. Ngày 21 tháng 7, 2005, cả hai quốc gia đã thả giá tiền họ để theo giá thị trường.
Đồng đô la còn được dùng làm đơn vị tiêu chuẩn trong các thị trường quốc tế cho các mặt hàng như vàng và dầu hỏa. Ngay cả các công ty ngoại quốc ít buôn bán tại Hoa Kỳ, như Airbus, liệt kê và bán sản phẩm của họ bằng đô la (tuy trong trường hợp này một số người cho rằng lý do là vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang thống trị ngành hàng không).
Vào thời điểm này, đồng đô la Mỹ vẫn là đơn vị tiền dự trữ hàng đầu, hầu hết trong đơn vị $100. Phần đông tiền giấy Hoa Kỳ đang ở ngoài Hoa Kỳ. Theo kinh tế gia Paul Samuelson, nhu cầu cho tiền đô la cho phép Hoa Kỳ giữ sự thiếu hụt trong xuất-nhập khẩu mà không dẫn đến sự suy sụp của đồng tiền.
Không lâu sau khi đồng euro (€; mã ISO 4217 EUR) được ra mắt như tiền mặt trong năm 2002, đồng đô la đã bị từ từ giảm giá trên thị trường quốc tế. Sau khi đồng euro lên giá trong tháng 3 năm 2002, việc thiếu hụt trong chi tiêu và thương mại của Hoa Kỳ ngày càng gia tăng. Đến Giáng Sinh năm 2004 đồng đô la đã tụt giá thấp nhất đối với các đơn vị tiền quan trọng khác, đặc biệt là đồng euro. Đồng euro lên giá cao hơn $1,36/€ (dưới 0,74€/$) lần đầu tiên cuối năm 2004, khác hẳn với đầu năm 2003 ($0,87/€). Bắt đầu từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 năm 2005 đồng đô la lại lên giá nhanh chóng so với đồng euro sau khi nền kinh tế các nước châu Âu đang ứ đọng và Hiến pháp Liên minh châu Âu không được phê chuẩn trong cuộc trưng cầu dân ý ở hai nước Pháp và Hà Lan. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại các nước sử dụng euro và sự phát triển kinh tế bị chậm lại tại các nước thuộc Liên Minh, đồng euro có thể bị xuống giá so với đồng đô la, tuy đồng euro vẫn giữ sức mạnh.
Nguồn gốc của tên "dollar"[sửa]
Đồng đô la Mỹ lấy tên từ đồng 8 real của Tây Ban Nha, có khối lượng bạc ít hơn 1 ounce. Trong thời kỳ thuộc địa, tiền này khá phổ biến đối với người Mỹ - họ gọi nó là đồng đô la Tây Ban Nha, từ tên của đồng tiền của Đức có cỡ và cấu tạo tương đương được gọi là thaler). Các đồng đô la đầu tiên được chính phủ Hoa Kỳ đúc có cùng cỡ và cấu tạo với đồng đô la Tây Ban Nha và ngay sau chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ đồng đô la Tây Ban Nha và Hoa Kỳ vẫn được lưu hành tương đương nhau.
Xin xem thêm bài đô la để tìm hiểu về lịch sử tên này.
Tiền mệnh giá lớn[sửa]
- Xem chi tiết: Tiền mệnh giá lớn của Hoa Kỳ
Ngày nay tiền của Hoa Kỳ là đồng đô la và được in thành các mệnh giá $1, $2, $5, $10, $20, $50, và $100. Tuy nhiên cũng có thời gian tiền Hoa Kỳ gồm có năm loại có mệnh giá lớn hơn. Tiền mệnh giá cao thịnh hành vào thời điểm chúng được Chính phủ Hoa Kỳ phát hành lần đầu tiên vào năm 1861. Các tờ $500, $1.000, và $5.000 có giá trị sinh lời được phát hành vào năm 1861, và tờ chứng nhận $10.000 vàng ra đời năm 1865. Có nhiều kiểu mẫu các tờ mệnh giá cao.
Dấu hiệu đô la[sửa]
- Xem chi tiết: Dấu đô la
Có nhiều huyền thoại về nguồn gốc của dấu "$" để chỉ đồng đô la. Vì đô la thoạt tiên là đồng 8 real của Tây Ban Nha, có người cho rằng hình chữ 'S' có nguồn từ số '8' được viết trên đồng tiền này. Giải thích được nhiều người chấp nhận nhất là dấu "$" được bắt nguồn từ chữ "PS" (cho 'peso' hay 'piastre') được viết trên nhau trong tiếng Tây Ban Nha. Về sau, chữ 'P' biến thành một dấu gạch thẳng đứng - | - vì vòng cong đã biến vào trong vòng cong của chữ 'S'. Giải thích này được ủng hộ khi khám xét vào tài liệu cũ. Dấu "$" đã được sử dụng trước khi tiền đô la Tây Ban Nha đã được dùng làm tiền tệ chính thức trong năm 1785.
Ký hiệu đô la đôi khi còn được viết với hai dấu gạch thẳng đứng. Có lẽ đây chỉ là thói quen viết ba nét để viết dấu hiệu cũ: một nét cho chữ 'S', một nét cho đường gạch đứng, và nét cuối cho đường cong trong chữ 'P'. Những người viết nhanh không chú ý đến việc viết một chữ 'P' cho đúng cho nên tiện tay viết một dấu gạch nữa.
Có một số giải thích khác cho dấu gạch thứ hai - có người cho rằng dấu "$" xuất thân từ hai chữ 'U' và 'S' viết chồng trên nhau (vòng cong của chữ 'U' cùng nét với vòng cong ở dưới chữ 'S'), cũng có người cho rằng hai đường gạch tượng trưng cho hai cây cột trụ trong Đền thờ Solomon tại Jerusalem. Hai giải thích này không có chứng cớ vì cách viết này đã có trước khi nước Hoa Kỳ (US) được thành lập, hay vì không có bằng chứng trong lịch sử đồng Tây Ban Nha.
-
United States one dollar bill, obverse.jpg
Mặt phải của 1 đô la Mỹ (1999)
-
United States one dollar bill, reverse.jpg
Mặt trái của 1 đô la Mỹ (1995)
-
US $100 series 2006 reverse.jpg
Mặt trái của tờ 100 đô la (1996), có hình Hội trường Tự do
-
US $1 1862 Legal Tender.jpg
Đồng 1 đô la Mỹ (1862)
-
One US dollar 1917.jpg
Đồng 1 đô la Mỹ (1917)
-
To-100-USD-moi-T,jpg
$100 Benjamin Franklin
-
50 USD Series 2004 Note Front.jpg
$50 Ulysses S. Grant
-
US20-front.jpg
$20 Andrew Jackson
-
US10dollarbill-Series 2004A.jpg
-
US $5 series 2003A obverse.jpg
-
US $2 obverse.jpg
-
US $1 obverse.jpg
-
One US dollar 1917.jpg
A 1917 era U.S. dollar bill
Tỷ giá hoán đổi[sửa]
Lịch sử tỷ giá[sửa]
1970* | 1980* | 1985* | 1990* | 1993 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 2011 | 2012 | ||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Euro | — | — | — | 0.8343 | 0.8551 | 0.9387 | 1.0832 | 1.1171 | 1.0578 | 0.8833 | 0.8040 | 0.8033 | 0.7960 | 0.7293 | 0.6791 | 0.7176 | 0.6739 | 0.7178 | ||
Yên Nhật | 357.6 | 240.45 | 250.35 | 146.25 | 111.08 | 113.73 | 107.80 | 121.57 | 125.22 | 115.94 | 108.15 | 110.11 | 116.31 | 117.76 | 103.39 | 93.68 | 87.78 | 79.70 | ||
Bảng Anh |
8s 4d =0.4167 |
0.4484[2] | 0.8613[3] | 0.6207 | 0.6660 | 0.6184 | 0.6598 | 0.6946 | 0.6656 | 0.6117 | 0.5456 | 0.5493 | 0.5425 | 0.4995 | 0.5392 | 0.6385 | 0.4548 | 0.6233 | ||
Đô la Canada | 1.081 | 1.168 | 1.321 | 1.1605 | 1.2902 | 1.4858 | 1.4855 | 1.5487 | 1.5704 | 1.4008 | 1.3017 | 1.2115 | 1.1340 | 1.0734 | 1.0660 | 1.1412 | 1.0298 | 0.9887 | ||
Peso Mexico | — | 2.801 | 2.671 | 2.501 | 3.1237 | 9.553 | 9.459 | 9.337 | 9.663 | 10.793 | 11.290 | 10.894 | 10.906 | 10.928 | 11.143 | 13.498 | 12.623 | 12.427 | ||
Nhân dân tệ | 2.46 | 1.7050 | 2.9366 | 4.7832 | 5.7620 | 8.2783 | 8.2784 | 8.2770 | 8.2771 | 8.2772 | 8.2768 | 8.1936 | 7.9723 | 7.6058 | 6.9477 | 6.8307 | 6.7696 | 6.4630 | ||
Rupee Ấn Độ | – | 8.000 | 12.38 | 16.96 | 31.291 | 43.13 | 45.00 | 47.22 | 48.63 | 46.59 | 45.26 | 44.00 | 45.19 | 41.18 | 43.39 | 48.33 | 45.65 | 46.58 | 54.08 | |
Đô la Singapore | — | — | 2.179 | 1.903 | 1.6158 | 1.6951 | 1.7361 | 1.7930 | 1.7908 | 1.7429 | 1.6902 | 1.6639 | 1.5882 | 1.5065 | 1.4140 | 1.4543 | 1.24586 | 1.2565 | ||
Rand Nam Phi | 0.7182 | 0.7780 | 2.2343[4] | 2.5600 | 3.2729 | 6.1191 | 6.9468 | 8.6093 | 10.5176 | 7.5550 | 6.4402 | 6.3606 | 6.7668 | 7.0477 | 8.2480 | 8.4117 | 7.3159 | 7.2510 | ||
Source:
Last
4
years
2005-2002
2003–2000
1996–1999
1993–1996
1990
1970–1992
1970–1985
Canada,
China,
Mexico 1. Trị giá đồng peso Mexico trước cuộc đổi giá năm 1993. |
Thay đổi[sửa]
Ngày 20 tháng 4 năm 2016, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ - Jack Lew thông báo kế hoạch thiết kế mới tờ 5 USD, 10 USD và 20 USD. Trong đó:[5]
Mặt sau tờ 5 USD mới sẽ có hình ảnh cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt và nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King, mặt trước vẫn giữ hình ảnh Tổng thống Abraham Lincoln.
Tờ 10 USD mới sẽ thêm hình ảnh 5 phụ nữ lãnh đạo phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ gồm Sojourner Truth và Elizabeth Cady Stanton vào mặt sau, trong khi vẫn giữ ở mặt trước hình ảnh Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ.
Tờ 20 USD mới, chân dung Andrew Jackson sẽ chuyển từ mặt trước ra mặt sau, nhường chỗ cho Harriet Tubman. Bà cũng là phụ nữ Người Mỹ gốc Phi đầu tiên được in chân dung trên mặt trước tờ đôla Mỹ.[6]
Ghi chú[sửa]
- ↑ “FRB: G.5A Release- Foreign Exchange Rates, Release Dates”. Federalreserve.gov. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 1970–1992. 1980 derived from AUD-USD=1.1055 and AUD-GBP=0.4957 at end of Dec 1979: 0.4957/1.1055=0.448394392; 1985 derived from AUD-USD=0.8278 and AUD-GBP=0.7130 at end of Dec 1984: 0.7130/0.8278=0.861319159
- ↑ 1970–1992. 1980 derived from AUD–USD=1.1055 and AUD–GBP=0.4957 at end of Dec 1979: 0.4957/1.1055=0.448394392; 1985 derived from AUD–USD=0.8278 and AUD–GBP=0.7130 at end of Dec 1984: 0.7130/0.8278=0.861319159
- ↑ “Exchange Rates Between the United States Dollar and the South African Rand”. Measuring Worth. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Người phụ nữ da màu trên tờ 20 USD là ai?”.
- ↑ “Mỹ đưa ảnh bà Harriet Tubman lên tờ 20 USD”.
Liên kết ngoài[sửa]
- US Bureau of Engraving and Printing
- The U.S. Treasury's Coins & Currency portal
- American Currency Exhibit at the San Francisco Federal Reserve Bank
- U.S. Treasury page with images of all current banknotes
- U.S. paper money
- Presidential currency
- The Where's George? Currency Tracking Project
- Cool Numbers analyzes patterns of dollar-bill serial numbers and other types of numbers.
- Cách phân biệt USD
Bản mẫu:Tiền châu Mỹ Bản mẫu:Đô la
Liên kết đến đây
- Afghanistan
- Ai Cập
- Argentina
- Biển Caribe
- Bồ Đào Nha
- Bóng đá
- Cà phê
- Châu Á
- Chủ nghĩa tự do
- Cộng hòa Dân chủ Congo
- Xem thêm liên kết đến trang này.