Martin Luther King
Martin Luther King, Jr. (viết tắt MLK; 15 tháng 1 năm 1929 – 4 tháng 4 năm 1968) là Mục sư Baptist, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.
King dẫn dắt cuộc tẩy chay xe buýt diễn ra ở Montgomery (1955-1956), và giúp thành lập Hội nghị Lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (1957), trở thành chủ tịch đầu tiên của tổ chức này. Năm 1963, King tổ chức cuộc tuần hành tại Washington, và đọc bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một giấc mơ" trước hàng ngàn người tụ tập về đây. Ông nâng cao nhận thức của công chúng về phong trào dân quyền, và được nhìn nhận là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1964, King là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để nhận Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc qua biện pháp bất tuân dân sự, và các phương tiện bất bạo động khác.
Ngày 4 tháng 4 năm 1968, King bị ám sát tại Memphis, Tennessee. Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng King Huân chương Tự do của Tổng thống. Đến năm 1986, ngày Martin Luther King, Jr. được công nhận là quốc lễ. Năm 2004, ông được truy tặng Huân chương vàng Quốc hội.
Mục lục
Xuất thân[sửa]
King chào đời tại Alanta, Georgia, là con trai của Mục sư Martin Luther King, Sr. và vợ, Alberta Williams King.[1] Lúc đầu tên của King và cha là "Michael King", sau khi gia đình đến thăm nước Đức trong chuyến du lịch châu Âu năm 1934, ông bố quyết định đổi tên cả hai người thành Martin nhằm vinh danh nhà cải cách người Đức thế kỷ 16 Martin Luther.[2] King có một chị gái, Willie Christine (sinh năm 1927), và em trai Alfred Daniel (1930 – 1969).[3]
Từ khi còn bé, King đã sớm bộc lộ năng khiếu trong thuật hùng biện. King từng đoạt giải Elks với một bài diễn thuyết về chủ đề Người da đen và Hiến pháp. Khi đang học năm thứ hai tại Morehouse, King về hạng nhì trong Cuộc thi Hùng biện Webb. Những bài diễn từ của King chịu ảnh hưởng từ những bài thuyết giáo mỗi chủ nhật của cha đã thấm sâu vào ký ức ông.[4]
Mười lăm tuổi, King vào Đại học Morehouse (dành riêng cho người da đen) sau khi học nhảy lớp ở bậc trung học (từ lớp 9 lên lớp 12).[5] Năm 1948, King tốt nghiệp với văn bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học,[6] rồi đến Chester, Pennsylvania để theo học tại Chủng viện Thần học Crozer và tốt nghiệp với học vị Cử nhân Thần học (Bachelor of Divinity) năm 1951.[7] Tháng 9 năm 1951, King bắt đầu nghiên cứu môn thần học hệ thống tại Đại học Boston, và nhận học vị Tiến sĩ ngày 5 tháng 6 năm 1955. Năm 1954, ở tuổi 25, King được mời làm quản nhiệm Nhà thờ Baptist Đại lộ Dexter ở Montgomery, Alabama.[8]
Đời tranh đấu[sửa]
Năm 1954, King nhận chức quản nhiệm (pastor) Nhà thờ Baptist đại lộ Dexter, tại Montgomery, Alabama. Giáo đoàn qui tụ giới giàu có, trí thức và những người có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nên khi bùng nổ cao trào tẩy chay xe buýt - đột ngột khởi phát sau khi một phụ nữ da đen, Rosa Parks, bị bắt giữ vì từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo quy định của "Luật Jim Crow"[9] – King được xem là một trong số những người thủ lĩnh giữ vai trò lãnh đạo cuộc tẩy chay. Ngày 30 tháng 1 năm 1956, nhà riêng của King bị đánh bom,[10] một đám đông giận dữ tụ tập trên con đường trước ngôi nhà, tự vũ trang với dao, súng, gậy gộc, đá và chai lọ. Song King nói với họ,
“ |
Đừng hốt hoảng, đừng làm bất kỳ điều gì trong sự giận hoảng! Ai có vũ khí, xin hãy đem về, ai không có vũ khí, xin đừng thủ đắc chúng. Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn này bằng những vụ bạo động trả đũa... Chúng ta phải yêu thương những người anh em da trắng bất kể họ đã làm gì đối với chúng ta. Chúng ta phải hành động để họ biết rằng chúng ta yêu họ. Giáo huấn của Chúa Giê-xu vẫn còn vang vọng đến hôm nay: "Hãy yêu kẻ thù mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình."[11] Đó là điều chúng ta phải làm. Chúng ta phải lấy tình yêu mà đáp trả lòng thù hận.[12] |
” |
Cuộc tẩy chay kéo dài 385 ngày.[13] Trong khi cuộc tẩy chay đang tiến triển, King bị bắt giam[14] cho đến khi phán quyết của Tòa án Liên bang cấp Quận ra lệnh chấm dứt các hành vi phân biệt chủng tộc trên mạng lưới xe buýt ở Montgomery.[15]
Sau cuộc tẩy chay, King tích cực hoạt động cho kế hoạch thành lập Hội nghị Lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (SCLC) năm 1957, với mục đích thiết lập một bộ khung cho tiến trình kiến tạo một thẩm quyền tinh thần, cũng như tổ chức mạng lưới các nhà thờ của người da đen vào Phong trào Phản kháng Bất bạo động nhằm tranh đấu cho sự bình đẳng trong quyền dân sự.[16] King tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trong tổ chức này cho đến khi ông mất. Nguyên tắc bất bạo động của Hiệp hội bị chỉ trích bởi những người trẻ tuổi cực đoan và bị thách thức bởi Ủy ban Hợp tác Bất bạo động Sinh viên (SNCC), lúc ấy dưới quyền lãnh đạo của James Foreman.
Thành viên của SCLC phần lớn đến từ những cộng đồng da đen có liên hệ với các nhà thờ Baptist. King theo đuổi triết lý bất phục tùng dân sự theo phương pháp bất bạo động được sử dụng thành công tại Ấn Độ bởi Mohandas Gandhi,[17] ông ứng dụng triết lý này vào các cuộc phảng kháng được tổ chức bởi SCLC.
King nhận ra rằng các cuộc phản kháng bất bạo động có tổ chức nhằm chống lại hệ thống kỳ thị tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, được biết với tên Jim Crow, sẽ thu hút sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Họ sẽ tìm đến để tường thuật cuộc đấu tranh giành sự bình đẳng và quyền bầu cử cho người da đen. Thật vậy, những bài viết trên các mặt báo cùng những thước phim được chiếu trên truyền hình về cuộc sống thường nhật của người da đen miền Nam, đầy ắp sỉ nhục và luôn bị tước đoạt, cũng như tình trạng bạo động cùng những hành vi quấy nhiễu và ngược đãi do người kỳ thị gây ra cho người biểu tình, dấy lên một làn sóng đồng cảm lan tỏa rộng khắp, là nhân tố quyết định đem Phong trào Dân quyền Mỹ vào điểm tập chú của công luận để trở thành một trong những điểm nóng của nền chính trị Hoa Kỳ trong những năm đầu của thập niên 1960.[18][19]
King tổ chức và dẫn đầu các cuộc biểu tình tranh đấu cho người da đen quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác.[20] Những quyền này đã được ghi trong luật pháp Hoa Kỳ khi Luật về Quyền Dân sự được thông qua năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử được thông qua năm 1965.[21][22]
Do có những quyết định chính xác khi chọn phương pháp và địa điểm để tổ chức các cuộc phản kháng cùng chiến lược phối hợp tốt, King và SCLC đã ứng dụng thành công các nguyên tắc bất bạo động. Tuy nhiên, đôi khi các cuộc đối đầu lại biến thành những vụ bạo động[23] như những diễn biến xảy ra cho phong trào phản kháng tại Albany từ năm 1961 đến 1962, khi sự chia rẽ bên trong cộng đồng người da đen cùng đối sách cứng rắn và khôn khéo của chính quyền địa phương đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực từ phong trào.[24] Điều tương tự cũng xảy ra cho phong trào tại Birmingham vào mùa hè năm 1963,[25] và tại St. Augustine, Florida năm 1964.[26]
Tuần hành đến Washington[sửa]
King, đại diện cho SCLC, có mặt trong số các nhà lãnh đạo đến từ các tổ chức khác nhau giúp tổ chức cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do năm 1963.
Tại đây, họ đưa ra những thỉnh cầu như chấm dứt tình trạng kỳ thị chủng tộc tại trường công, ban hành các đạo luật bảo vệ dân quyền, bao gồm luật cấm phân biệt màu da trong tuyển dụng, bảo vệ người đấu tranh cho dân quyền khỏi sự bạo hành của cảnh sát cũng như ấn định mức lương tối thiểu, và quyền tự trị cho Đặc khu Columbia, khi ấy đang ở dưới quyền cai trị của một uỷ ban của Quốc hội.[27][28][29][30]
Cuộc tuần hành là một thành công vang dội. Hơn 250 ngàn người thuộc các chủng tộc khác nhau đến tham dự, đám đông trải dài từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln đến National Mall và bao kín bờ hồ sóng sánh nước. Cho đến khi ấy, đây là cuộc tụ tập lớn nhất trong suốt lịch sử của thành phố Washington, D.C.[30] Tại đây, King đã dẫn dắt đám đông lên đến các cung bậc cao của cảm xúc khi ông đọc bài diễn văn Tôi có một giấc mơ (I Have a Dream). Cùng với bài Diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln, Tôi có một giấc mơ được xem là một trong những diễn từ được yêu thích nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.[31] Ông nói,
“ |
Tôi
có
một
giấc
mơ,
rồi
có
một
ngày
khi
đất
nước
này
trỗi
dậy
để
sống
theo
ý
nghĩa
thật
của
niềm
xác
tín
của
chính
mình: |
” |
Bài diễn văn đã đi vào lịch sử và làm tên tuổi của King được biết đến trên toàn thế giới.
Suốt những năm tháng đấu tranh, King thường xuyên viết và đi khắp nơi để diễn thuyết, dựa trên kinh nghiệm lâu dài của một nhà thuyết giáo. Thư viết từ Nhà tù Birmingham năm 1963 là bản tuyên ngôn cảm động về sứ mạng của ông đấu tranh cho sự công chính.[32] Ngày 14 tháng 10 năm 1964, King trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được trao Giải Nobel Hoà bình. Ông được chọn vì những thành quả trong nỗ lực lãnh đạo phong trào phản kháng với mục tiêu đấu tranh nhằm chấm dứt các định kiến về chủng tộc tại Hoa Kỳ.[33]
King và SCLC, với sự hợp tác của SNCC, tổ chức một cuộc diễu hành từ Selma đến thủ phủ Montgomery vào ngày 25 tháng 3 năm 1965. Một nỗ lực trước đó vào ngày 7 tháng 3 đã thất bại khi bùng nổ bạo động giữa đám đông và cảnh sát với những người biểu tình. Ngày ấy được gọi là ngày Chủ nhật đẫm máu. Chủ nhật đẫm máu là ngả rẽ quan trọng trong nỗ lực giành sự ủng hộ của công chúng cho Phong trào Dân quyền. Sau lần hội kiến với Tổng thống Lyndon B. Johnson, King muốn dời cuộc diễu hành đến ngày 8 tháng 3, nhưng nó vẫn được tiến hành mà không có ông. Những đoạn phim ghi lại hình ảnh tàn bạo của cảnh sát được phát sóng toàn quốc đã giúp dấy lên sự phẫn nộ của công chúng.[34]
Cuối cùng, cuộc diễu hành được ấn định vào ngày 25 tháng 3 với sự đồng ý và ủng hộ của Tổng thống Johnson, từ cuộc diễu hành này mà Willie Ricks đã ghi dấu thuật ngữ "Sức mạnh Da đen" (Black Power) trong lòng công chúng.[35][36]
Những thách thức khác[sửa]
Từ năm 1965, King bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ của mình về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 4 tháng 4 năm 1967 – một năm trước khi mất – King phê phán mạnh mẽ vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến. Ông cho rằng cuộc chiến đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho dân quyền và phá hoại các chương trình xã hội trong nước.[37][38][39]
King cũng nói về sự cần thiết phải có thay đổi tận gốc rễ đời sống kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ. Càng đến gần những ngày cuối của đời mình, ông càng bày tỏ nhiều hơn quan điểm chống chiến tranh và mong ước được nhìn thấy các nguồn tài nguyên được tái phân phối sao cho giảm thiểu sự bất công trong các lĩnh vực kinh tế và chủng tộc.
Năm 1968, King và SCLC tổ chức "Chiến dịch cho Dân nghèo" với mục tiêu trình bày các vấn đề về công bằng trong kinh tế. Chiến dịch được đẩy lên cao điểm trong một cuộc diễu hành tại Washington, D.C., đòi hỏi trợ giúp về kinh tế cho các cộng đồng nghèo nhất tại Hoa Kỳ.[40]
Ngày 3 tháng 4 năm 1968 khi nói chuyện với một đám đông đang phấn chấn, lời của King như một lời tiên tri:
“ |
Tôi không quan tâm điều gì đang xảy ra... người ta đang bàn tán về những lời đe dọa - những người anh em da trắng sẽ làm gì tôi... Giống mọi người, tôi muốn được sống lâu. Trường thọ là điều quý báu, nhưng hiện nay tôi không quan tâm đến nó. Tôi chỉ muốn tuân phục ý Chúa. Ngài cho phép tôi leo lên đỉnh núi, nhìn về phía xa, và tôi đã thấy Đất Hứa. Có thể tôi sẽ không đến đó cùng với anh em. Nhưng đêm nay tôi muốn anh em biết rằng, chúng ta, như là một dân tộc, sẽ tiến vào Đất Hứa. Đêm nay tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi không lo lắng gì nữa. Tôi không sợ hãi ai nữa. Mắt tôi đã ngắm xem sự vinh hiển của Chúa.[41] |
” |
Nhiều người tin rằng, đêm hôm đó, King đã đọc điếu văn cho chính mình.
Ám sát[sửa]
King bị ám sát vào chiều tối hôm sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968, vào lúc 6 giờ 01 phút, khi ông đang đứng trên ban công của khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee, sắp sửa rời khách sạn để dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis. Vài người bạn đang ở bên trong, nghe tiếng súng vội chạy ra ban công để thấy King đã bị bắn vào hàm.[42][43] Jesse Jackson, có mặt vào lúc ấy, thuật lại rằng, King nói lời sau cùng với Ben Branch, một nhạc sĩ được sắp xếp trình diễn trong đêm ấy: "Này Ben, hãy hứa với tôi là đêm nay anh sẽ chơi bài Take My Hand, Precious Lord, và phải chơi thật hay." [44]
Sau cuộc giải phẫu, Bệnh viện St. Joseph tuyên bố King từ trần lúc 7giờ 5 phút tối cùng ngày. Ngay sau khi King bị ám sát đã bùng nổ những cuộc bạo động lan rộng trên hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ.[45]
Ngày 7 tháng 4, Tổng thống Johnson công bố một ngày quốc tang để bày tỏ sự tiếc thương cho cái chết của nhà lãnh đạo phong trào dân quyền.[46] Ba trăm ngàn người đã tìm đến để tham dự tang lễ của ông[47].
Theo yêu cầu của bà King, bài thuyết giáo cuối cùng của King tại Nhà thờ Baptist Ebenezer vào ngày 4 tháng 1 năm 1968 được phát lại trong lễ tang.[48] Trong đó, King yêu cầu đừng nhắc đến các giải thưởng mà ông được trao, nhưng hãy nói với mọi người rằng ông đã nỗ lực "cho người đói ăn", "mặc áo cho người trần truồng",[49] "hành xử đúng đắn trong vấn đề chiến tranh Việt Nam", cũng như "yêu thương và phục vụ nhân loại".[50] Bạn thân của King, Mahalia Jackson thể hiện ca khúc ông yêu thích "Take My Hand, Precious Lord".[51]
Theo người viết tiểu sử King, Taylor Branch, cuộc giải phẫu tử thi cho thấy dù chỉ mới ba mươi chín tuổi, quả tim của King đã già cỗi như của người sáu mươi, một chứng cứ về mười ba năm căng thẳng trong cuộc đời của người đã cung hiến mình cho cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho các sắc dân thiểu số ở nước Mỹ.[52]
Hai tháng sau, James Earl Ray bị bắt tại Phi trường Heathrow Luân Đôn khi đang tìm cách ra khỏi nước Anh với hộ chiếu giả.[53] Ray bị giải giao về Tennessee, và bị kết án ám sát King. Ngày 10 tháng 3 năm 1969, Ray nhận tội, nhưng ba ngày sau lại phản cung.[54] Theo lời khuyên của luật sư, Ray nhận tội nhằm tránh án tử hình, và lãnh án 99 năm tù.[54][55] Ngày 10 tháng 6 năm 1977, một thời gian ngắn sau khi làm chứng trước Ủy ban Hạ viện về các vụ ám sát, Ray cho biết mình không bắn King, Ray và 6 tù nhân khác trốn khỏi Nhà tù Tiểu bang Núi Brushy, Tennessee. Song, ngày 13 tháng 6, họ bị bắt và bị đem trở lại nhà tù.[56]
Di sản[sửa]
Sau khi chết, danh tiếng của King càng tăng cao, trở nên một trong những tên tuổi được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, và nhiều người bắt đầu ví sánh ông với Abraham Lincoln; theo nhận xét của họ, cả hai đều là những nhà lãnh đạo có công thúc đẩy sự tiến bộ về nhân quyền nhằm chống lại tình trạng nghèo khổ tại một quốc gia đang bị phân hoá vì chính vấn nạn này – và vì vậy, cả hai đều bị ám sát.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Gerald Priestland của đài BBC vào tháng 11 năm 1968, King nói, "Tất cả những gì tôi làm cho phong trào dân quyền tôi xem đó là một phần của mục vụ, bởi vì tôi nghĩ rằng Phúc âm luôn quan tâm đến con người cách toàn diện, không chỉ linh hồn, nhưng cả thể xác và điều kiện sinh sống..." Elizabeth Hardwick nhận xét, "Hiếm có trường hợp nào khi lòng mộ đạo và chính trị kết hợp với nhau cách tự nhiên và đầy cảm động như trường hợp của King. Hoạt động chính trị của ông thật ra là một sứ mệnh truyền giáo."[57]
Sau cái chết của King, Coretta Scott King tiếp bước chồng để trở thành nhà hoạt động đấu tranh cho dân quyền và công bằng xã hội. Trong năm Martin Luther King bị ám sát, Bà King thiết lập Trung tâm King nhằm mục đích bảo tồn các di sản của ông và cổ xuý tinh thần bất bạo động trong đấu tranh cũng như lòng khoan dung trên toàn thế giới.
Năm 1980, ngôi nhà thời thơ ấu của King ở Atlanta cùng các tòa nhà lân cận được công bố là Di tích Lịch sử Quốc gia Martin Luther King, Jr. Ngày 2 tháng 11 năm 1983, tại Vườn Hồng Nhà Trắng, tổng thống Ronald Reagan ký sắc lệnh thiết lập ngày lễ liên bang tôn vinh King. Ngày lễ Martin Luther King được cử hành lần đầu tiên ngày 20 tháng 1 năm 1986, vào ngày thứ Hai thứ ba của tháng 1 mỗi năm; như vậy ngày lễ sẽ là những ngày kế cận với ngày sinh của King (15 tháng 2). Ngày 17 tháng 1 năm 2000, lần đầu tiên Ngày lễ Martin Luther King được tổ chức trên toàn thể 50 tiểu bang của nước Mỹ.
Năm 1998, Hội Ái hữu Alpha Phi Alpha được sự ủy thác của Quốc hội Hoa Kỳ thành lập tổ chức gây quỹ thiết kế Đài Tưởng niệm Quốc gia Martin Luther King. King là thành viên danh tiếng của Hội Ái hữu Alpha Phi Alpha (ΑΦΑ), đây là hội ái hữu liên đại học đầu tiên của người Mỹ gốc Phi được đặt tên theo bảng chữ cái Hi văn. King sẽ là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được lập đài tưởng niệm trong khu vực thuộc công viên quốc gia National Mall, và là nhân vật thứ hai không phải là tổng thống Hoa Kỳ được vinh danh theo cách này.
King là một trong mười thánh tử đạo thế kỷ 20 được tạc tượng trên Great West Door của Tu viện Westminster tại Luân Đôn.
Ngoài Giải Nobel Hòa bình năm 1964 và Giải Pacem in Terris năm 1965, King được Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Tự do Mỹ vì những đóng góp đặc biệt "cho sự thăng tiến các nguyên tắc tự do của con người".[58]
Đến năm 2006, có hơn 730 thành phố trên khắp nước Mỹ đặt tên ông cho những đường phố của họ.[59] Năm 1986, Quận King, tiểu bang Washington được đặt tên để vinh danh ông.[60] Trung tâm hành chính thủ phủ Harrisburg của tiểu bang Pennsylvania là tòa thị chính duy nhất của Hoa Kỳ mang tên ông.[61]
Để tưởng nhớ King, một con đường ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo tên ông[62].
Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng King Huân chương Tự do của Tổng thống.[63]
Năm 1978, ông được trao Giải Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Theo một cuộc thăm dò của Gallup, King đứng thứ hai trong danh sách những nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ 20[64].
Một cuộc thăm dò thực hiện bởi tạp chí TIME cho thấy King được xếp ở vị trí thứ sáu trong danh sách Nhân vật Thế kỷ.[65]
King được chọn vào số Những người Mỹ vĩ đại nhất của mọi thời đại (đứng thứ ba), thực hiện bởi Kênh truyền hình Discovery và AOL.[66]
Hôn nhân và Gia đình[sửa]
King gặp Coretta Scott tại Boston, mối quan hệ của hai người bắt đầu khi King nói với Coretta trên điện thoại, "Trước vẻ đẹp quyến rũ của cô, tôi chẳng khác gì Napoleon trong trận Waterloo."[67] Ngày 18 tháng 6 năm 1952, King kết hôn với Coretta Scott. Hôn lễ được cha ông cử hành tại nhà của cha mẹ cô dâu.
Hai người có bốn con:
- Yolanda Denise King (1955 – 2007): Diễn viên, và là nhà hoạt động dân quyền, cô qua đời năm 2007 có lẽ do bệnh tim.
- Martin Luther King III (1957 -): Người ủng hộ nhân quyền và là nhà hoạt động cộng đồng.
- Dexter Scott (1961 -): Diễn viên và là nhà sản xuất phim tài liệu.
- Bernice Albertine: (1963 -): Mục sư Baptist, cùng Martin King III cô hoạt động tích cực nhằm cải tổ Hội nghị Lãnh đạo miền Nam.
Xem thêm[sửa]
Tác phẩm[sửa]
- Stride toward freedom; the Montgomery story (1958)
- The Measure of a Man (1959)
- Strength to Love (1963)
- Why We Can't Wait (1964)
- Where do we go from here: Chaos or community? (1967)
- The Trumpet of Conscience (1968)
- A Testament of Hope: The Essential Writings and Speeches of Martin Luther King, Jr. (1986)
- The Autobiography of Martin Luther King, Jr. by Martin Luther King Jr. and Clayborne Carson (1998)
Chú thích[sửa]
- ↑ Ogletree, Charles J. (2004). All Deliberate Speed: Reflections on the First Half Century of Brown v. Board of Education. W.W. Norton & Company. 138. ISBN 0393058972.
- ↑ Ling, Peter J. (2002). Martin Luther King, Jr.. Routledge. 11. ISBN 0415216648.
- ↑ King, Jr., Martin Luther; Clayborne Carson; Peter Holloran; Ralph Luker; Penny A. Russell (1992). The papers of Martin Luther King, Jr.. University of California Press. 76. ISBN 0520079507.
- ↑ Miller, William Robert.Martin Luther King, Jr. His Life, Martyrdom and Meaning for the World. Avon Books, New York, New York 1968, p.22.
- ↑ Ching, Jacqueline (2002). The Assassination of Martin Luther King, Jr.. Rosen Publishing Group. 18. ISBN 0823935434.
- ↑ Downing, Frederick L. (1986). To See the Promised Land: The Faith Pilgrimage of Martin Luther King, Jr. Mercer University Press. 150. ISBN 0865542074.
- ↑ Nojeim, Michael J. (2004). Gandhi and King: The Power of Nonviolent Resistance. Greenwood Publishing Group. 179. ISBN 0275965740.
- ↑ Fuller, Linda K. (2004). National Days/National Ways: Historical, Political, And Religious Celebrations around the World. Greenwood Publishing Group. 314. ISBN 0275972704.
- ↑ “ngày 1 tháng 12 năm 1955: Rosa Parks arrested”. CNN (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Fisk, Larry J.; John Schellenberg (1999). Patterns of Conflict, Paths to Peace. Broadview Press. 115. ISBN 1551111543.
- ↑ Phúc âm Lu-ca 6:27,28
- ↑ Miller, William Robert. Martin Luther King, Jr. His Life, Martyrdom and Meaning for the World, Avon Books, New York, New York 1968, p.56,57.
- ↑ McMahon, Thomas F. (2004). Ethical Leadership Through Transforming Justice. University Press of America. 25. ISBN 0761829083.
- ↑ King, Jr., Martin Luther; Clayborne Carson; Peter Holloran; Ralph Luker; Penny A. Russell (1992). The papers of Martin Luther King, Jr.. University of California Press. 9. ISBN 0520079507.
- ↑ Jackson, Thomas F. (2007). From Civil Rights to Human Rights: Martin Luther King, Jr., and the Struggle for Economic Justice. University of Pennsylvania Press. 53. ISBN 0812239695.
- ↑ Marable, Manning; Leith Mullings (2000). Let Nobody Turn Us Around: Voices of Resistance, Reform, and Renewal: an African American Anthology. Rowman & Littlefield. 391-392. ISBN 084768346X.
- ↑ Gordon, Haim; Leonard Grob (1987). Education for Peace: Testimonies from World Religions. Orbis Books. 143. ISBN 0883443597.
- ↑ Wilson, Joseph; Manning Marable; Immanuel Ness (2006). Race and Labor Matters in the New U.S. Economy. Rowman & Littlefield. 47. ISBN 0742546918.
- ↑ Schofield, Norman (2006). Architects of Political Change: Constitutional Quandaries and Social Choice Theory. Cambridge University Press. 189. ISBN 0521832020.
- ↑ Jackson, Thomas F. (2007). From Civil Rights to Human Rights: Martin Luther King, Jr., and the Struggle for Economic Justice. University of Pennsylvania Press. 85. ISBN 0812239695.
- ↑ Shafritz, Jay M. (1998). International Encyclopedia of Public Policy and Administration. Westview Press. 1242. ISBN 0813399742.
- ↑ Loevy, Robert D.; Hubert H. Humphrey; John G. Stewart (1997). The Civil Rights Act of 1964: The Passage of the Law that Ended Racial Segregation. SUNY Press. 337. ISBN 0791433617.
- ↑ Glisson, Susan M. (2006). The Human Tradition in the Civil Rights Movement. Rowman & Littlefield. 190. ISBN 0742544095.
- ↑ Glisson, Susan M. (2006). The Human Tradition in the Civil Rights Movement. Rowman & Littlefield. 190-193. ISBN 0742544095.
- ↑ Harrell, David Edwin; Edwin S. Gaustad; Randall M. Miller, John B. Boles; Randall Bennett Woods; Sally Foreman Griffith. Unto a Good Land: A History of the American People, Volume 2. Wm. B. Eerdmans Publishing. 1055. ISBN 0802829457.
- ↑ Jones, Maxine D.; Kevin M. McCarthy (1993). African Americans in Florida: An Illustrated History. Pineapple Press Inc.. 113-115. ISBN 156164031X.
- ↑ Singleton, Carl; Rowena Wildin (1999). The Sixties in America. Salem Press. 454. ISBN 0893569828.
- ↑ Bennett, Scott H. (2003). Radical Pacifism: The War Resisters League and Gandhian Nonviolence in America, 1915-1963. Syracuse University Press. 225. ISBN 0815630034.
- ↑ Davis, Rep. Danny (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Celebrating the Birthday and Public Holiday for Martin Luther King, Jr.”. Library of Congress. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 30,0 30,1 Powers, Roger S.; William B. Vogele; Christopher Kruegler; Ronald M. McCarthy (1997). Protest, power, and change: an encyclopedia of nonviolent action from ACT-UP to Women's Suffrage. Taylor & Francis. 313. ISBN 0815309139.
- ↑ Moore, Lucinda (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Dream Assignment”. Smithsonian Magazine. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Galchutt, Kathryn M. (2005). The Career of Andrew Schulze, 1924-1968: Lutherans And Race in the Civil Rights Era. Mercer University Press. 194. ISBN 086554946X.
- ↑ Wintle, Justin (2001). Makers of Modern Culture: Makers of Culture. Routledge. 272. ISBN 0415265835.
- ↑ Jackson, Thomas F. (2007). From Civil Rights to Human Rights: Martin Luther King, Jr., and the Struggle for Economic Justice. University of Pennsylvania Press. 222-223. ISBN 0812239695.
- ↑ Isserman, Maurice; Michael Kazin (2000). America Divided: The Civil War of the 1960s. Oxford University Press US. 175. ISBN 0195091906.
- ↑ Azbell, Joe (1968). The Riotmakers. Oak Tree Books. 176.
- ↑ Krenn, Michael L. (1998). The African American Voice in U.S. Foreign Policy Since World War II. Taylor & Francis. 29. ISBN 0815334184.
- ↑ Robbins, Mary Susannah (2007). Against the Vietnam War: Writings by Activists. Rowman & Littlefield. 107. ISBN 0742559149.
- ↑ Robbins, Mary Susannah (2007). Against the Vietnam War: Writings by Activists. Rowman & Littlefield. 102. ISBN 0742559149.
- ↑ Vigil, Ernesto B. (1999). The Crusade for Justice: Chicano Militancy and the Government's War on Dissent. University of Wisconsin Press. 54. ISBN 0299162249.
- ↑ Montefiore, Simon Sebag (2006). Speeches that Changed the World: The Stories and Transcripts of the Moments that Made History. Quercus. 155. ISBN 1905204167.
- ↑ Garner, Joe; Walter Cronkite; Bill Kurtis (2002). We Interrupt this Broadcast: The Events that Stopped Our Lives...from the Hindenburg Explosion to the Attacks of September 11. Sourcebooks, Inc.. 62. ISBN 1570719748.
- ↑ Pepper, William (2003). An Act of State: The Execution of Martin Luther King. Verso. 159. ISBN 1859846955.
- ↑ Pilkington, Ed (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “40 years after King's death, Jackson hails first steps into promised land”. The Guardian. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “1968: Martin Luther King shot dead”, On this Day, BBC, 2006. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2006.
- ↑ Manheimer, Ann S. (2004). Martin Luther King Jr: Dreaming of Equality. Twenty-First Century Books. 97. ISBN 1575056275.
- ↑ Pap Ndiaye, La voix noire de l'Amérique, L'Histoire, N°329, p 36
- ↑ Hatch, Jane M.; George William Douglas (1978). The American Book of Days. Wilson. 321.
- ↑ "Vì ta đói, các ngươi cho ta ăn; ta khát, các ngươi cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta." – Phúc âm Matthew 25: 35,36
- ↑ King, Jr., Martin Luther (2007). Dream: The Words and Inspiration of Martin Luther King, Jr.. Blue Mountain Arts, Inc.. 26. ISBN 1598422405.
- ↑ Werner, Craig (2006). A Change is Gonna Come: Music, Race & the Soul of America. University of Michigan Press. 9. ISBN 0472031473.
- ↑ “Citizen King Transcript”. PBS. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Ling, Peter J. (2002). Martin Luther King, Jr.. Routledge. 296. ISBN 0415216648.
- ↑ 54,0 54,1 Flowers, R. Barri; H. Loraine Flowers (2004). Murders in the United States: Crimes, Killers And Victims Of The Twentieth Century. McFarland. 38. ISBN 0786420758.
- ↑ “James Earl Ray Dead At 70”. CBS (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “History of the Knoxville Office”. FBI. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Miller, William Robert (1968). Martin Luther King, Jr.. Avon Books, New York. tr. 309.
- ↑ Engel, Irving M.. “Commemorating Martin Luther King, Jr.: Presentation of American Liberties Medallion”. American Jewish Committee. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Alderman, Derek H.. “Naming Streets for Martin Luther King, Jr.: No Easy Road”. Landscape and Race in the United States. Routledge Press.
- ↑ “King County Was Rededicated For Mlk”. The Seattle Times (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Rev. Dr. Martin Luther King Jr. Essay Competition Winners Announced”. City of Harrisburg (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Người bạn lớn của Việt Nam Báo Tuổi trẻ, ngày 4 tháng 4 năm 2006
- ↑ “Presidential Medal of Freedom Recipient Rev. Martin Luther King Jr.”. The Official Site of the Presidential Medal of Freedom. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Gallup, George; Alec Gallup, Jr. (2000). The Gallup Poll: Public Opinion 1999. Rowman & Littlefield. 249. ISBN 0842026991.
- ↑ “The Person of the Century Poll Results”, Time, ngày 19 tháng 1 năm 2000. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2006.
- ↑ “Reagan voted 'greatest American'”. BBC (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Miller, William Robert. Martin Luther King, Jr. His Life, Martyrdom and Meaning for the World, Avon Books, New York, New York 1968, p.37.
Tham khảo[sửa]
- Abernathy, Ralph. And the Walls Came Tumbling Down: An Autobiography. New York: Harper & Row, 1989. ISBN 0-06-016192-2
- Beito, David and Beito, Linda Royster. T.R.M. Howard: Pragmatism over Strict Integrationist Ideology in the Mississippi Delta, 1942–1954 in Glenn Feldman, ed., Before Brown: Civil Rights and White Backlash in the Modern South. Tuscaloosa: University of Alabama Press, 2004, 68–95. ISBN 0-8173-5134-5.
- Branch, Taylor. At Canaan's Edge: America In the King Years, 1965–1968. New York: Simon & Schuster, 2006. ISBN 0-684-85712-X
- Carl Edwin Lindgren (Spring, 1992). Tour Resurrects Shantytown Art. Southern Exposure, Vol. XX, No. 1, 7. Information relating to Resurrection City and Dr. King.
- Parting the Waters: America in the King Years, 1954–1963. New York: Simon & Schuster, 1988. ISBN 0-671-46097-8
- Pillar of Fire: America in the King Years, 1963–1965.: Simon & Schuster, 1998. ISBN 0-684-80819-6
- Chernus, Ira. American Nonviolence: The History of an Idea, chapter 11. ISBN 1-57075-547-7
- Garrow, David J. The FBI and Martin Luther King, Jr. New York: Penguin Books, 1981. ISBN 0-14-006486-9
- Jackson, Thomas F., From Civil Rights to Human Rights: Martin Luther King, Jr., and the Struggle for Economic Justice. Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 2006. ISBN 978-0-8122-3969-0.
- Kirk, John A., Martin Luther King, Jr. London: Pearson Longman, 2005. ISBN 0-582-41431-8
- Ayton, Mel, A Racial Crime: James Earl Ray And The Murder Of Martin Luther King Jr. Archebooks Publishing, 2005. ISBN 1-59507-075-3
Liên kết ngoài[sửa]
Tiếng Việt[sửa]
- Tôi có một giấc mơ, Mai Lung Sơn dịch
Tiếng Anh[sửa]
- I Have a Dream, text and audio, pdf format
- This black history resource offers a biography of MLK and links to other related articles.
- The Martin Luther King, Jr. Papers Project
- The King Center
- National Civil Rights Museum
- MLK Online Martin Luther King Jr. Speeches, Pictures, Quotes, Biography, Videos, Information on MLK Day and more!
- Martin Luther King Jr.'s, A New Sense of Direction (1968) article published in WorldView magazine.
- Martin Luther King Jr.'s FBI file
- Department of Justice investigation on King assassination
- Martin Luther King in New York
- Martin Luther King Jr. Photographs Photos by Benedict J. Fernandez
- The Seattle Times: Martin Luther King Jr.
- Winner of the 1964 Nobel Prize in Peace
- About.com's Lesser Known Wise and Prophetic Words of Rev. Martin Luther King, Jr.
- Speeches of Martin Luther King
- Pamphlet on King and Socialism from the Socialist Party USA (PDF)
- "The MLK you don't see on TV" from FAIR
- The Martin Luther King Center (German)
- Bản mẫu:Gutenberg author
- Bản mẫu:Nndb name
- 1956 Comic Book: "Martin Luther King and the Montgomery Story"
- Kirk, John A. New Georgia Encyclopedia Short Biography
- Declassified document, FBI's letter urging him to commit suicide.
- Dyson, Michael Eric. No Small Dreams: The Radical Evolution of MLK's Last Years. LiP Magazine, January 2003
- Wise, Tim. Misreading the Dream: The Truth About Martin Luther King Jr. and Affirmative Action. LiP Magazine, January 2003
- Summary of plagiarism controversy
- Shelby County Register of Deeds documents on the Assassination Investigation
- Martin Luther King Philosophy on Nonviolent Resistance
Video và audio[sửa]
- Martin Luther King Videos full streaming video speeches on www.MLKOnline.net of "I Have a Dream" and "I've been to the mountaintop"
- Martin Luther King Audio audio recordings of Martin Luther King speeches on www.MLKOnline.net including full "I Have a Dream" speech
- "I Have a Dream" by Common popular new hiphop song sampling Dr. King
- Internet Archive: The New Negro, King interviewed by J. Waites Waring.
- RealAudio recording of the "I Have a Dream" speech at the History Channel's siteBản mẫu:Người đoạt giải Nobel Hòa bình 1951-1975
Bản mẫu:Time Nhân vật của năm 1951–1975 Bản mẫu:Nhân vật của Năm của tạp chí Time Bản mẫu:Nhân vật thời Chiến tranh Lạnh
Liên kết đến đây
- Bài cần trang định hướng
- Wikipedia
- Sinh 1929
- Mất 1968
- Martin Luther King, Jr.
- Người đoạt giải Nobel Hòa bình
- Nhà lãnh đạo Cơ Đốc giáo Hoa Kỳ
- Tín hữu Baptist
- Người Mỹ gốc Phi
- Lịch sử Hoa Kỳ
- Nhà hoạt động nhân quyền Hoa Kỳ
- Chính trị gia Hoa Kỳ bị ám sát
- Bất bạo động
- Người Hoa Kỳ đoạt giải Nobel
- Người đoạt giải Grammy
- Người đoạt Huy chương Tự do Tổng thống
- Nhà văn Mỹ thế kỷ 20
- Nhà nhân đạo Mỹ
- Người Mỹ gốc Ireland