Hoa Kỳ
Hoa
Kỳ,
còn
gọi
là
Mỹ,
tên
gọi
đầy
đủ
là
Hợp
chúng
quốc
Hoa
Kỳ
hoặc
Hợp
chúng
quốc
Mỹ
(tiếng
Anh:
United
States
of
America
viết
tắt
là
U.S
hoặc
USA),
là
một
cộng
hòa
lập
hiến
liên
bang
gồm
có
50
tiểu
bang
và
một
đặc
khu
liên
bang.
Quốc
gia
này
nằm
gần
hoàn
toàn
trong
tây
bán
cầu:
48
tiểu
bang
lục
địa
và
thủ
đô
Washington,
D.C.,
nằm
giữa
Bắc
Mỹ,
giáp
Thái
Bình
Dương
ở
phía
tây,
Đại
Tây
Dương
ở
phía
đông,
Canada
ở
phía
bắc,
và
México
ở
phía
nam.
Tiểu
bang
Alaska
nằm
trong
vùng
tây
bắc
của
lục
địa
Bắc
Mỹ,
giáp
với
Canada
ở
phía
đông.
Tiểu
bang
Hawaii
nằm
giữa
Thái
Bình
Dương.
Hoa
Kỳ
cũng
có
14
lãnh
thổ
hay
còn
được
gọi
là
vùng
quốc
hải
rải
rác
trong
vùng
biển
Caribbe
và
Thái
Bình
Dương.
Với 3,79 triệu dặm vuông (9,83 triệu km²) và 322,3 triệu dân (2015), Hoa Kỳ là quốc gia lớn thứ 3 về tổng diện tích (xem phần địa lý để biết thêm chi tiết) và thứ 3 về dân số trên thế giới. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới, do kết quả của những cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.[1] Nền kinh tế quốc dân của Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới (tính trên giá trị danh nghĩa) và đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) tính theo sức mua tương đương. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ được ước tính cho năm 2015 là trên 18,1 ngàn tỉ đô la (khoảng 23% tổng sản lượng thế giới dựa trên GDP danh nghĩa, và khoảng 16% theo sức mua tương đương).[2] GDP bình quân đầu người của Hoa Kỳ là 56.421 đô la, đứng hạng 5 thế giới theo giá trị thực và hạng 10 theo sức mua tương đương.[2]
Quốc gia được thành lập ban đầu với mười ba thuộc địa của Vương quốc Anh nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Sau khi tự tuyên bố trở thành các "tiểu quốc", cả 13 cựu thuộc địa này đã đưa ra tuyên ngôn độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Các tiểu bang nổi loạn đã đánh bại Đế quốc Anh trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ, đây là cuộc chiến tranh thuộc địa giành độc lập đầu tiên thành công trong lịch sử.[3] Hội nghị Liên bang quyết định sử dụng bản Hiến pháp Hoa Kỳ hiện tại vào ngày 17 tháng 9 năm 1787. Việc thông qua bản hiến pháp một năm sau đó đã biến các cựu thuộc địa thành một phần của một nước cộng hòa duy nhất. Đạo luật nhân quyền Hoa Kỳ gồm có mười tu chính án hiến pháp được thông qua năm 1791.
Theo tư tưởng Vận mệnh hiển nhiên, Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc mở rộng lãnh thổ mạnh mẽ trên khắp Bắc Mỹ trong thế kỷ 19.[4] Sự kiện này bao gồm việc tiêu diệt các dân tộc bản địa (Diệt chủng người da đỏ), đánh chiếm những lãnh thổ mới, và từng bước thành lập các tiểu bang mới.[4] Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ và ngăn ngừa sự chia xé quốc gia. Đến cuối thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã mở rộng đến Thái Bình Dương,[5] và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.[6] Chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ và Chiến tranh thế giới thứ nhất đã xác định vị thế cường quốc quân sự toàn cầu của Hoa Kỳ. Chiến tranh thế giới thứ hai đã xác định vị thế siêu cường toàn cầu của Hoa Kỳ, là quốc gia đầu tiên có vũ khí hạt nhân, và là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Là siêu cường duy nhất còn lại sau Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ được nhiều quốc gia nhìn nhận như là một thế lực quân sự, văn hóa, và kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.[7] Tuy nhiên, xã hội Mỹ cũng đang tồn tại những vấn đề nan giải khó giải quyết (chênh lệch giàu nghèo cao, nạn xả súng bừa bãi, tệ phân biệt chủng tộc, tỷ lệ tội phạm cao, chi phí y tế đắt đỏ...)
Mục lục
Tên gọi[sửa]
- Xem chi tiết: Tên gọi Hoa Kỳ
Tên tiếng Anh[sửa]
Tên tiếng Anh đầy đủ của nước Mỹ "The United States of America" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1776, lúc này chỉ mới có 13 bang đầu tiên. Ngày nay Hoa Kỳ gồm 50 bang, quận Columbia trực thuộc liên bang và một số lãnh thổ ở hải ngoại. Cách viết tắt thông thường của United States of America gồm có United States, U.S., và U.S.A. Các tên thông tục cho quốc gia này bao gồm thuật từ thường sử dụng là America (Mỹ) hay là the States. Thuật từ Americas để chỉ các vùng đất tây bán cầu được đặt vào đầu thế kỷ 16 theo tên của nhà thám hiểm kiêm chuyên gia vẽ bản đồ người Ý là Amerigo Vespucci (9/3/1454-22/2/1512). Tên đầy đủ của quốc gia này lần đầu tiên được dùng chính thức trong Tuyên ngôn Độc lập như sau "Tuyên ngôn nhất trí đồng thuận của 13 tiểu bang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" được "Các đại biểu của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" chấp thuận ngày 4 tháng 7 năm 1776.[8] Tên hiện tại được khẳng định một lần nữa vào ngày 15 tháng 11 năm 1777 khi Đệ nhị Quốc hội Lục địa chấp thuận Những Điều khoản Liên hiệp. Điều khoản đầu phát biểu như sau "Tên gọi của Liên bang này sẽ là The United States of America." [cần dẫn nguồn]
Tên Columbia cũng có một thời là tên thông dụng để chỉ châu Mỹ và Hoa Kỳ. Nó được lấy ra từ tên của Christopher Columbus, người khám phá ra châu Mỹ và tên này xuất hiện trong tên District of Columbia (chính là thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ). Hình tượng Columbia với đặc điểm của một người phụ nữ xuất hiện trên một số tài liệu chính thức, bao gồm một số loại tiền của Hoa Kỳ. Cách thông thường để nói đến một công dân Hoa Kỳ là dùng từ người Mỹ (American).
Tên tiếng Việt[sửa]
Cả hai tên gọi "Mỹ" và "Hoa Kỳ" đều bắt nguồn từ tên gọi của nước Mỹ trong tiếng Trung Quốc. Hiện nay tên tiếng Anh đầy đủ của nước Mỹ được dịch sang tiếng Trung Quốc là Mỹ Lợi Kiên hợp chúng quốc (美利堅合眾國), gọi tắt là Mỹ quốc (美國), trong đó "Mỹ Lợi Kiên" (美利堅) là phiên âm tiếng Trung của từ tiếng Anh "America".[9] Trong bản tiếng Trung của "Điều ước Vọng Hạ", một hiệp ước bất bình đẳng được Mỹ và Trung Quốc ký kết năm 1844, nước Mỹ được gọi là "Á Mỹ Lý Giá châu đại hợp chúng quốc" (亞美理駕洲大合眾國).[10] "Hợp chúng quốc" (合眾國) mang ý là quốc gia do nhiều tiểu bang liên hợp lại mà thành (The United States), "chúng" (眾) ở đây có nghĩa là "nhiều", nhưng hay bị gọi thành "hợp chủng quốc" vì nhiều người cho nó mang nghĩa là quốc gia do nhiều chủng tộc hợp thành. Tuy nhiên cách gọi này không chính xác, bản thân trong tên tiếng Anh đầy đủ của Hoa Kỳ là "The United States of America" cũng không có từ nào đề cập đến chủng tộc.[11]
"Hoa Kỳ" (花旗) có nghĩa là "cờ hoa", vì vậy mà một số người còn gọi nước Mỹ là "xứ cờ hoa".[12][13]. Trước đây người Trung Quốc từng gọi quốc kỳ của nước Mỹ là "hoa kỳ" (cờ hoa) và gọi nước Mỹ là hoa kỳ quốc (花旗國), nghĩa là nước cờ hoa.[14][15][16]
Sử nhà Nguyễn Đại Nam thực lục chính biên vào thế kỷ 19 còn phiên âm tên nước này là "Mỹ Lợi Kiên", "Ma Ly Căn" và "Nhã Di Lý" (thông qua tiếng Pháp: États-Unis).[17] Hiện nay, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dùng tên chính thức là "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ".[18]
Địa lý[sửa]
- Xem chi tiết: Địa lý Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia có tổng diện tích lớn thứ ba hoặc thứ tư trên thế giới, trước hoặc sau Trung Quốc, tùy theo hai lãnh thổ mà Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh chấp có được tính vào lãnh thổ Trung Quốc hay không. Nếu chỉ tính về phần mặt đất thì Hoa Kỳ lớn hạng ba sau Nga và Trung Quốc nhưng đứng ngay trước Canada (Canada lớn hơn Hoa Kỳ về tổng diện tích nhưng phần lớn lãnh thổ phía bắc của Canada là những khối băng, không phải là mặt đất).[19] Hoa Kỳ Lục địa trải dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và từ Canada đến México và Vịnh Mexico. Alaska là tiểu bang lớn nhất về diện tích, giáp Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương và bị Canada chia cách khỏi Hoa Kỳ Lục địa. Hawaii gồm một chuỗi các đảo nằm trong Thái Bình Dương, phía tây nam Bắc Mỹ. Puerto Rico, lãnh thổ quốc hải đông dân nhất và lớn nhất của Hoa Kỳ, nằm trong đông bắc Caribbe. Trừ một số lãnh thổ như Guam và phần cận tây nhất của Alaska, hầu như tất cả Hoa Kỳ nằm trong tây bán cầu.
Đồng bằng sát duyên hải Đại Tây Dương nhường phần xa hơn về phía bên trong đất liền cho các khu rừng dễ rụng lá theo mùa và các ngọn đồi trập chùng của vùng Piedmont. Dãy núi Appalachian chia vùng sát duyên hải phía đông ra khỏi vùng Ngũ Đại Hồ và thảo nguyên Trung Tây. Sông Mississippi-Missouri là hệ thống sông dài thứ tư trên thế giới chảy qua giữa nước Mỹ theo hướng chính là bắc-nam. Vùng đồng cỏ phì nhiêu và bằng phẳng của Đại Bình nguyên trải dài về phía tây. Dãy núi Rocky ở rìa phía tây của Đại Bình nguyên kéo dài từ bắc xuống nam băng ngang lục địa và có lúc đạt tới độ cao hơn 14.000 ft (4.300 m) tại Colorado.[20] Vùng phía tây của dãy núi Rocky đa số là hoang mạc như Hoang mạc Mojave và Đại Bồn địa có nhiều đá. Dãy núi Sierra Nevada chạy song song với dãy núi Rocky và tương đối gần duyên hải Thái Bình Dương. Ở độ cao 20.320 ft (6.194 mét), núi Denali của Alaska là đỉnh cao nhất của Hoa Kỳ. Các núi lửa còn hoạt động là thường thấy khắp Quần đảo Alexander và Quần đảo Aleutian. Toàn bộ tiểu bang Hawaii được hình thành từ các đảo núi lửa nhiệt đới. Siêu núi lửa nằm dưới Công viên Quốc gia Yellowstone trong dãy núi Rocky là một di thể núi lửa lớn nhất của lục địa.[21]
Vì Hoa Kỳ có diện tích lớn và có nhiều địa hình rộng lớn nên Hoa Kỳ gần như có tất cả các loại khí hậu. Khí hậu ôn hòa có ở đa số các vùng, khí hậu nhiệt đới ở Hawaii và miền nam Florida, khí hậu địa cực ở Alaska, nửa khô hạn trong Đại Bình nguyên phía tây kinh tuyến 100 độ, khí hậu hoang mạc ở tây nam, khí hậu Địa Trung Hải ở duyên hải California, và khô hạn ở Đại Bồn địa. Thời tiết khắt nghiệt thì hiếm khi thấy—các tiểu bang giáp ranh Vịnh Mexico thường bị đe dọa bởi bảo và phần lớn lốc xoáy của thế giới xảy ra trong Hoa Kỳ Lục địa, chủ yếu là miền Trung Tây.[22]
Môi trường[sửa]
Với nhiều vùng sinh trưởng từ khí hậu nhiệt đới đến địa cực, cây cỏ của Hoa Kỳ rất đa dạng. Hoa Kỳ có hơn 17.000 loài thực vật bản địa được xác định, bao gồm 5.000 loài tại California (là nơi có những cây cao nhất, to nhất, và già nhất trên thế giới).[23] Hơn 400 loài động vật có vú, 700 loài chim, 500 loài bò sát và loài sống trên cạn dưới nước, và 90.000 loài côn trùng đã được ghi chép thành tài liệu.[24] Vùng đất ngập nước như Everglades của Florida là nơi sinh sôi của phần nhiều các loài đa dạng vừa nói. Hệ sinh thái của Hoa Kỳ gồm có hàng ngàn loài động thực vật lạ, không phải xuất xứ bản địa và thường gây tác hại đến các cộng đồng động thực vật bản địa. Đạo luật các loài có nguy cơ tuyệt chủng năm 1973 đã giúp bảo vệ các loài vật hiếm quý, có nguy cơ tuyệt chủng. Nơi cư ngụ của các loài được bảo vệ thường xuyên được Cục hoang dã và cá Hoa Kỳ theo dõi.
Năm 1872, công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới được thiết lập tại Yellowstone. Năm mươi bảy công viên quốc gia khác và hàng trăm công viên và rừng do liên bang đảm trách khác đã được hình thành từ đó.[25] Các khu hoang dã đã được thiết lập quanh khắp quốc gia để bảo đảm sự bảo vệ nơi cư ngụ ban sơ của các loài động thực vật một cách dài hạn. Tổng cộng, chính phủ Hoa Kỳ điều hợp 1.020.779 dặm vuông (2.643.807 km²), hay 28,8 phần trăm tổng diện tích đất của quốc gia.[26] Các công viên và đất rừng được bảo vệ chiếm đa số phần đất này. Cho đến tháng 3 năm 2004, khoảng 16 phần trăm đất công cộng dưới quyền của Cục Quản lý Đất đã được thuê mướn cho việc khoan tìm khí đốt thiên nhiên và dầu hỏa thương mại;[27] đất công cũng được cho thuê để khai thác mỏ và chăn nuôi bò. Hoa Kỳ là nước thải khí carbon dioxide đứng thứ hai sau Trung Quốc trong việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch.[28] Chính sách năng lượng của Hoa Kỳ bị bàn cãi khắp nơi; nhiều lời kêu gọi đưa ra yêu cầu đất nước nên đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống hiện tượng nóng lên của Trái Đất.[29]
Lịch sử[sửa]
- Xem chi tiết: Lịch sử Hoa Kỳ
Người định cư châu Âu và thổ dân châu Mỹ[sửa]
- Xem chi tiết: Châu Âu thuộc địa hóa châu Mỹ
Những thổ dân của Hoa Kỳ Lục địa, kể cả thổ dân Alaska, đã di cư từ châu Á sang bằng việc lợi dụng sự đóng băng trên vùng biển thuộc giao điểm của Nga và bang Alaska. Họ bắt đầu đến đây ít nhất là 12.000 năm và có thể xa nhất là 40.000 năm trước đây.[30] Một số cộng đồng bản thổ trong thời tiền Columbia đã phát triển nông nghiệp tiên tiến, đại kiến trúc, và những xã hội cấp tiểu quốc. Nhà thám hiểm Christopher Columbus đến Puerto Rico ngày 19 tháng 11 năm 1493 và đã tiếp xúc lần đầu tiên với thổ dân châu Mỹ. Những năm sau đó, đa số thổ dân châu Mỹ bị bệnh dịch Âu Á giết chết.[31]
Người Tây Ban Nha thiết lập các thuộc địa châu Âu sớm nhất trên đất liền tại vùng mà bây giờ là Florida. Trong số các thuộc địa này, chỉ St. Augustine được thành lập năm 1565 là còn tồn tại. Sau đó, các khu định cư Tây Ban Nha trong miền tây nam Hoa Kỳ ngày nay đã thu hút hàng ngàn người khắp México. Những thương buôn da thú người Pháp thiết lập các tiền trạm của Tân Pháp quanh Ngũ Đại Hồ. Pháp dần dần tuyên bố chủ quyền phần lớn phía bên trong của Bắc Mỹ xa về miền nam đến Vịnh Mexico. Các khu định cư thành công ban đầu của người Anh là Thuộc địa Virginia ở Jamestown năm 1607 và Thuộc địa Plymouth năm 1620. Việc thiết lập Thuộc địa Vịnh Massachusetts năm 1628 tạo ra một làn sóng di dân; đến năm 1634, New England đã có khoảng 10.000 người theo Thanh giáo định cư. Giữa cuối thập niên 1610 và cuộc cách mạng, người Anh đã đưa khoảng 50.000 tội phạm đến các thuộc địa Mỹ của họ.[32] Bắt đầu năm 1614, người Hà Lan đã thiết lập các khu định cư dọc theo hạ lưu Sông Hudson, gồm có Tân Amsterdam trên Đảo Manhattan. Khu định cư nhỏ Tân Thụy Điển được thiết lập dọc theo Sông Delaware năm 1638 sau đó bị người Hà Lan chiếm vào năm 1655.
Trong cuộc Chiến tranh Pháp và thổ dân châu Mỹ, Vương quốc Anh đã thừa cơ giành lấy Canada từ tay người Pháp, nhưng dân chúng nói tiếng Pháp vẫn được tự do về chính trị và tách biệt khỏi các thuộc địa ở phía nam. Năm 1674, người Anh đã chiếm được các cựu thuộc địa của Hà Lan trong các cuộc Chiến tranh Anh-Hà Lan; tỉnh Tân Hà Lan bị đổi tên thành New York. Với việc phân chia Carolinas năm 1729 và thuộc địa hóa Georgia năm 1732, mười ba thuộc địa của Anh mà sau này trở thành Hoa Kỳ được thành lập. Tất cả đều có chính quyền thuộc địa và địa phương cùng với bầu cử mở rộng cho đa số đàn ông tự do. Tất cả thuộc địa đều hợp pháp hóa việc buôn bán nô lệ châu Phi. Với tỉ lệ sinh sản cao và tử vong thấp, cộng thêm việc di dân mới đến điều đặn, các thuộc địa đã tăng gấp đôi dân số cứ mỗi 25 năm. Phong trào khơi lại đức tin của Tín hữu Cơ Đốc trong thập niên 1730 và thập niên 1740 được biết đến như Đại Tỉnh thức đã khiến cho dân chúng quan tâm cả tôn giáo và sự tự do tín ngưỡng. Vào năm 1770, các thuộc địa có số người Anh giáo ngày gia tăng lên đến khoảng 3 triệu người, bằng khoảng nửa dân số của Vương quốc Anh vào lúc đó. Mặc dù các thuộc địa chịu thuế Anh nhưng họ không có một đại diện nào trong Quốc hội Vương quốc Anh
Giành độc lập[sửa]
- Xem chi tiết: Cách mạng Mỹ
Căng thẳng giữa mười ba thuộc địa Mỹ và người Anh trong giai đoạn cách mạng trong thập niên 1760 và đầu thập niên 1770 đưa đến cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ nổ ra ngày 14 tháng 6 năm 1775, Đệ nhị Quốc hội Lục địa nhóm họp tại Philadelphia đã thành lập một Quân đội Lục địa dưới quyền tư lệnh của George Washington và đã tuyên bố rằng "tất cả con người được sinh ra đều có quyền bình đẳng" và được ban cho "một số quyền bất khả nhượng." Quốc hội chấp thuận bản Tuyên ngôn Độc lập mà phần nhiều là do Thomas Jefferson thảo, vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Năm 1777, Những Điều khoản Liên hiệp được chấp thuận, thống nhất các tiểu bang dưới một chính phủ liên bang lỏng lẻo mà hoạt động cho đến năm 1788. Khoảng 70.000–80.000 người trung thành với Vương miện Anh đào thoát khỏi các tiểu bang nổi loạn, nhiều người đến Nova Scotia và những vùng Vương quốc Anh mới chiếm được tại Canada.[33] Người bản thổ Mỹ bị chia rẽ vì liên minh với hai phía đối nghịch đã sát cánh bên phía của mình trên mặt trận phía tây của cuộc chiến.
Sau khi các lực lượng Mỹ với sự giúp đỡ của người Pháp đánh bại quân đội Anh, Vương quốc Anh công nhận chủ quyền của mười ba tiểu bang vào năm 1783. Một hội nghị hiến pháp được tổ chức năm 1787 bởi những người muốn thành lập một chính phủ quốc gia mạnh hơn với quyền lực trên các tiểu bang. Vào tháng 6 năm 1788, chín tiểu bang đã thông qua bản Hiến pháp Hoa Kỳ, đủ để thành lập một chính phủ mới; Thượng và Hạ viện đầu tiên của cộng hòa, và Tổng thống George Washington nhậm chức năm 1789. Thành phố New York là thủ đô liên bang khoảng 1 năm trước khi chính phủ di chuyển đến Philadelphia. Năm 1791, các tiểu bang thông qua Đạo luật Nhân quyền, đó là mười tu chính án Hiến pháp nghiêm cấm việc hạn chế của liên bang đối với sự tự do cá nhân và bảo đảm một số bảo vệ về pháp lý. Thái độ đối với chế độ nô lệ dần dần có thay đổi; một điều khoản trong Hiến pháp nói đến sự bảo đảm buôn bán nô lệ châu Phi chỉ đến năm 1808. Các tiểu bang miền bắc bãi bỏ chế độ nô lệ giữa năm 1780 và năm 1804, để lại các tiểu bang với chế độ nô lệ ở miền nam. Năm 1800, chính phủ liên bang di chuyển đến Washington, D.C. mới thành lập.
Mở rộng lãnh thổ[sửa]
Việc mua vùng đất Louisiana, lãnh thổ mà Pháp tuyên bố chủ quyền, được thực hiện dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson năm 1803 đã thực sự làm tăng gấp đôi diện tích Hoa Kỳ. Chiến tranh năm 1812, được tuyên chiến với Anh vì nhiều bất đồng, không phân thắng bại, đã làm gia tăng chủ nghĩa quốc gia của người Mỹ. Một loạt các cuộc tiến công quân sự của Hoa Kỳ vào Florida đưa đến việc Tây Ban Nha nhượng lại vùng đất Florida và nhiều lãnh thổ duyên hải Vịnh Mexico khác cho Hoa Kỳ năm 1819. Hoa Kỳ sát nhập Cộng hòa Texas năm 1845. Khái niệm về Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny) rất phổ biến đối với công chúng trong suốt thời kỳ này.[34]
Hiệp ước Oregon với Anh năm 1846 đưa đến việc Hoa Kỳ kiểm soát vùng mà ngày nay là tây bắc Hoa Kỳ. Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Mexico-Mỹ năm 1848 đưa đến việc Mexico buộc phải ký hòa ước bất bình đẳng Guadalupe Hidalgo, nhượng lại California và phần nhiều những vùng đất mà ngày nay là bang Texas. Mỹ còn gây áp lực ép Mexico phải bán vùng đất Mexican Cession (ngày nay là vùng tây nam Hoa Kỳ) trù phú cho Mỹ với giá 15 triệu USD. Năm 1853, để làm một dự án đường ray xe lửa, Mỹ lại ép Mexico bán rẻ lãnh thổ ở một vùng đất tiềm năng giáp ranh biên giới Hoa Kỳ - Mexico, với giá 10 triệu USD. Vùng này ngày nay là phía nam Arizona và tây nam New Mexico.
Năm 1876, Mỹ chiếm giữ thị trấn Matamoros của Mexico. Năm 1905, sau thỏa ước Banco, Mỹ có thêm 2 vùng đất từ Mexico ở sông Colorado giáp ranh Arizona, tổng cộng 3.409 km2. Về sau, Mexico nhượng tiếp 3 hòn đảo và 68 khu đất cho Mỹ, tổng cộng 1.275,9 mẫu Anh (5.163 km2). Năm 1963, Mỹ và Mexico ký hòa ước Chamizal, kết thúc gần 100 năm tranh chấp đất đai giữa hai nước ở vùng nay là El Paso, Texas. Hiệp định này khiến Mexico phải cắt thêm 1.070 km2 cho nước Mỹ.
Tiêu diệt người da đỏ bản xứ[sửa]
- Xem chi tiết: Diệt chủng người da đỏ
Cơn sốt vàng California năm 1848–1849 càng hấp dẫn di dân về miền tây. Các đường sắt mới xây dựng tạo cho người định cư dễ dàng di chuyển khắp nơi hơn nhưng làm gia tăng các cuộc xung đột với người thổ dân châu Mỹ. Trên nữa thế kỷ, có đến 40 triệu bò rừng bison, thường được gọi là trâu, bị giết để lấy da và thịt, và giúp cho việc mở rộng các tuyến đường sắt. Việc mất mát quá nhiều bò rừng bison, vốn là một nguồn kinh tế, thực phẩm chính của những người thổ dân Mỹ tại vùng đồng bằng, là một cú đánh sống còn vào nhiều nền văn hóa thổ dân bản xứ và không gian sinh tồn của họ.
Sự hăng hái mở rộng lãnh thổ của người Mỹ về phía tây đã khởi sự một loạt Các cuộc chiến tranh với người bản địa Mỹ kéo dài cho đến cuối thế kỷ 19, khi những người thổ dân da đỏ châu Mỹ bị đuổi khỏi đất đai của họ. Tại nhiều nơi, người da đỏ tổ chức chiến đấu chống lại quân Mỹ nhưng cuối cùng họ vẫn bị đánh bại. Theo báo cáo của Gregory Michno dựa theo hồ sơ lưu trữ quân đội thì chỉ trong 40 năm từ 1850 đến 1890 khoảng 21.586 người (lính lẫn thường dân) bị giết, bị thương hay bị bắt.[35] Theo Russell Thornton thì khoảng 45.000 người da đỏ và 19.000 người da trắng bị giết - trong đó có đàn bà và trẻ em của cả hai bên.[36] Một số cuộc kháng chiến nổi bật của người da đỏ chống lại Mỹ gồm:
- Năm 1776, chiến tranh Cherokee lần 2 xảy ra, dân tộc bản xứ Cherokee chiến đấu chống sự xâm lấn của Mỹ vào khu vực Đông Tennessee và Đông Kentucky của họ. Sau đó cuộc xung đột dai dẳng tiếp diễn với cuộc chiến tranh Chickamaga, khi các bộ tộc, bộ lạc bản xứ liên minh lại với nhau chống quân đội Mỹ. Năm 1794, họ thất bại hoàn toàn và khu vực này bị sát nhập vào các bang Tennessee và Kentucky của Mỹ.
- Năm 1785, chiến tranh Da đỏ Tây Bắc nổ ra, một chuỗi trận đánh đẫm máu giữa nhiều bộ tộc, bộ lạc bản xứ với quân đội Mỹ nhằm bảo vệ lãnh thổ của họ ở Ohio. Chiến tranh kết thúc năm 1795 với phần thắng thuộc về Mỹ.
- Năm 1810, người da đỏ ở Tây Florida tuyên bố độc lập. Tổng thống Mỹ James Madison ra lệnh cho lục quân Hoa Kỳ đến tiêu diệt nhà nước non trẻ và sát nhập Tây Florida vào liên bang Mỹ.
- Năm 1812, Mỹ đánh chiếm vùng Ohio.
- Năm 1816, Mỹ viện cớ người da đỏ Seminole chứa chấp những nô lệ da đen đang ẩn náu, và cho quân đánh chiếm, sát nhập lãnh thổ của người Seminole vào Bắc Florida. Năm 1819, tất cả những vùng ở Florida sát nhập vào nước Mỹ.
- Năm 1835 - 1842, người Seminole lần nữa nổi dậy giành lại Florida nhưng đều bị quân Mỹ đàn áp triệt để. Chính phủ Mỹ cưỡng ép lưu đày người Seminole qua phía Tây Mississippi, kết thúc 7 năm kháng chiến của người Seminole.
- Năm 1893, quân đội Mỹ xâm lược và đảo chính, lật đổ vương quốc Hawaii, sáp nhập nước này vào liên bang Hoa Kỳ. Mỹ đồng thời chiếm luôn đảo Palmyra gần đó. Hawaii là bang thứ 50 của Mỹ và là bang cuối cùng mà Mỹ chiếm được vào lãnh thổ nước này.
Ngoài ra còn có khoảng 100 cuộc chiến và hàng chục ngàn trận chiến nhỏ khác đã diễn ra từ năm 1783 đến 1924. Năm 1924, Chiến tranh Apache tại mặt trận Tây Nam giữa bộ tộc Apache chống đỡ cuộc xâm lăng của quân đội Mỹ kết thúc với thất bại của bộ tộc Apache, đã đánh dấu thất bại cuối cùng của cuộc kháng chiến dài 302 năm của người da đỏ chống thực dân châu Âu (kể từ trận Jamestown năm 1622 giữa thực dân Anh và liên minh Powhatan ở thuộc địa Virginia) và 141 năm chống quân Mỹ của thổ dân da đỏ bản xứ.
Hàng chục triệu người da đỏ cũng đã chết trong quá trình mở rộng lãnh thổ của người Mỹ. Theo ước tính, người da đỏ ở Mỹ có khoảng 15 triệu khi người Tây phương bắt đầu xâm lược, đến năm 1890 thì chỉ còn lại chưa đầy 250 ngàn người. 98% dân số da đỏ đã bị tiêu diệt sau 1 thế kỷ xâm lược của người Mỹ[37] Phần lớn những người sống sót bị dồn vào những khu đất cằn cỗi, hẻo lánh mà chính quyền Mỹ gọi là những “khu bảo tồn” (Reservations).
Trong sách tựa đề American Holocaust, nhà sử học người Mỹ là David Stannard cho rằng cuộc càn quét sát hại người bản địa tại châu Mỹ qua nhiều chiến dịch của người châu Âu và các thế hệ sau (Anglo Americans - người da trắng Hoa Kỳ) là một hành động diệt chủng khổng lồ nhất trong lịch sử nhân loại.[38].
Nội chiến và kỹ nghệ hóa[sửa]
- Xem chi tiết: Nội chiến Hoa Kỳ
Căng thẳng giữa các tiểu bang tự do và các tiểu bang có chế độ nô lệ chất chồng với những bất đồng ngày một gia tăng trong quan hệ giữa chính phủ liên bang và các chính quyền tiểu bang cùng với những cuộc xung đột bạo lực về việc mở rộng chế độ nô lệ vào các tiểu bang mới thành lập. Abraham Lincoln, ứng viên của Đảng Cộng hòa là đảng mà phần đông chống chủ nghĩa nô lệ, được bầu làm tổng thống năm 1860. Trước khi ông nhậm chức, bảy tiểu bang có chế độ nô lệ tuyên bố ly khai khỏi Hoa Kỳ và thành lập Liên minh các tiểu bang miền nam Hoa Kỳ. Chính phủ liên bang luôn cho rằng việc ly khai là bất hợp pháp, và khi quân Liên minh tấn công Đồn Sumter, Nội chiến Hoa Kỳ bắt đầu và thêm bốn tiểu bang có chế độ nô lệ gia nhập Liên minh. Liên bang trả tự do cho các nô lệ thuộc Liên minh khi Quân đội Liên bang tiến qua miền nam. Sau chiến thắng của Liên bang năm 1865, ba tu chính án được thêm vào Hiến pháp Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do cho gần 4 triệu người Mỹ gốc châu Phi từng là nô lệ,[39] cho họ quyền công dân, và cho họ quyền bầu cử. Cuộc chiến và giải pháp của nó mang đến sự gia tăng quyền lực đáng kể của chính phủ liên bang.[40]
Sau chiến tranh, sự kiện Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát đã cấp tiến hóa chính sách tái thiết của Đảng Cộng hòa nhằm tái thống nhất và tái kiến thiết các tiểu bang miền nam trong lúc đó bảo đảm quyền lợi của những người nô lệ mới được tự do. Cuộc tranh cãi kết quả bầu cử tổng thống năm 1876 được giải quyết bằng thỏa hiệp năm 1877 đã kết thúc công cuộc tái thiết. Luật Jim Crow, những luật địa phương và tiểu bang ở các bang miền nam được thông qua chẳng bao lâu sau đó, đã tước quyền công dân của nhiều người Mỹ gốc châu Phi bằng lập luận cho rằng luật bảo đảm công bằng nhưng tách ly giữa các chủng tộc. Tại miền bắc, đô thị hóa và một loạt di dân ào ạt chưa từng có đã đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa Hoa Kỳ. Làn sóng di dân tồn tại cho đến năm 1929 đã cung ứng lực lượng lao động cho các ngành nghề của Hoa Kỳ và chuyển đổi nền văn hóa Mỹ. Bảo vệ chống thuế cao, xây dựng hạ tầng cơ sở quốc gia, và luật lệ quy định mới về ngân hàng đã khuyến khích sự phát triển công nghiệp. Việc mua Alaska năm 1867 từ Nga đã hoàn thành việc mở rộng Hoa Kỳ trên lục địa. Thảm sát Wounded Knee năm 1890 là xung đột vũ trang chính trong Chiến tranh với người bản thổ Mỹ. Năm 1893, Vương quyền của Vương quốc Hawaii Thái Bình Dương bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do cư dân người Mỹ lãnh đạo; quần đảo bị sát nhập vào Hoa Kỳ năm 1898. Chiến thắng trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ cũng trong năm đó chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là một siêu cường chính của thế giới và kết quả là việc sát nhập Puerto Rico, Guam và Philippines.[41] Philippines giành được độc lập nửa thế kỷ sau đó; Puerto Rico và Guam vẫn là lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Từ Chiến tranh thế giới thứ nhất đến Chiến tranh thế giới thứ hai[sửa]
- Xem chi tiết: Đại khủng hoảng
Lúc khởi sự Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914, Hoa Kỳ vẫn giữ thế trung lập. Người Mỹ có thiện cảm với người Anh và người Pháp mặc dù nhiều công dân, đa số là người Ireland và người Đức, chống đối can thiệp.[42] Năm 1917, Hoa Kỳ tham chiến cùng với phe Hiệp Ước đã làm thay đổi cục diện theo chiều hướng bất lợi cho phe Liên minh Trung tâm. Do dự can thiệp vào nội bộ của châu Âu, Thượng viện Hoa Kỳ đã không thông qua Hòa ước Versailles để thành lập Hội Quốc Liên. Hoa Kỳ theo đuổi một chính sách của chủ nghĩa đơn phương có chiều hướng chủ nghĩa cô lập.[43] Năm 1920, phong trào nữ quyền đã giành được chiến thắng để một tu chính án hiến pháp ra đời cho phép phụ nữ quyền bầu cử. Một phần vì có nhiều người phục vụ trong chiến tranh nên người bản thổ Mỹ giành được quyền công dân Hoa Kỳ theo Đạo luật Công dân dành cho người bản thổ Mỹ năm 1924.
Trong suốt thập niên 1920, Hoa Kỳ hưởng được một thời kỳ thịnh vượng không cân bằng khi lợi nhuận của các nông trại giảm thì lợi nhuận của công nghiệp gia tăng. Nợ gia tăng và thị trường chứng khoán lạm phát đã tạo ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 và khởi sự cho Đại khủng hoảng. Sau khi đắc cử tổng thống năm 1932, Franklin Delano Roosevelt đã đối phó với tình trạng trên bằng kế hoạch gọi là New Deal. Đó là một loạt các chính sách gia tăng quyền hạn can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Bão cát giữa thập niên 1930 đã làm cho các cộng đồng nông trại trắng tay và khích lệ một làn sóng mới di dân về miền tây. Hoa Kỳ không hồi phục được hoàn toàn vì khủng hoảng kinh tế cho đến khi có cuộc huy động công nghiệp nhằm hỗ trợ Hoa Kỳ tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hoa Kỳ, hầu như trung lập suốt thời gian đầu của cuộc chiến sau khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan vào tháng 9 năm 1939, đã bắt đầu cung cấp các trang thiết bị quân sự cho Đồng minh trong tháng 3 năm 1941 qua chương trình có tên là Lend-Lease (cho thuê).
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hoa Kỳ tham chiến chống Phe Trục sau một vụ tấn công Trân Châu Cảng bất ngờ của Nhật Bản.Chiến tranh thế giới thứ hai tiêu hao nhiều tiền của hơn bất cứ cuộc chiến nào trong Lịch sử Hoa Kỳ,[44] nhưng nó đã đẩy mạnh nền kinh tế bằng cách cung cấp sự đầu tư vốn và công việc làm trong khi đưa nhiều phụ nữ vào thị trường lao động. Các hội nghị của phe Đồng Minh tại Bretton Woods và Yalta đã phác thảo ra một hệ thống mới các tổ chức liên chính phủ mà đặt Hoa Kỳ và Liên Xô ở tâm điểm của những vấn đề liên quan đến thế giới. Khi chiến thắng đạt được tại châu Âu, một hội nghị quốc tế năm 1945 được tổ chức tại San Francisco đã cho ra đời bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc mà bắt đầu hoạt động sau chiến tranh.[45] Hoa Kỳ là nước đầu tiên phát triển vũ khí nguyên tử và đã sử dụng chúng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng tám. Nhật Bản đầu hàng vào ngày 2 tháng 9, kết thúcChiến tranh thế giới thứ hai.[46]
Chiến tranh lạnh và chính trị phản đối[sửa]
- Xem chi tiết: Chiến tranh lạnh
Hoa Kỳ và Liên Xô tranh giành vị thế sauChiến tranh thế giới thứ hai trong Chiến tranh lạnh, chi phối các vấn đề quân sự của châu Âu bằng Tổ chức Liên phòng Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hiệp ước Warsaw. Hoa Kỳ quảng bá dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản trong khi Liên Xô cổ vũ chủ nghĩa cộng sản và một nền kinh tế kế hoạch tập quyền. Hoa Kỳ ủng hộ các chế độ độc tài có tư tưởng chống Liên Xô và Liên Xô cũng ủng hộ những chính phủ có lập trường chống phương Tây, và cả hai lâm vào trong các cuộc chiến tranh thay thế (Proxy War). Quân đội Hoa Kỳ đã đánh nhau với lực lượng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950–53. Ủy ban Hạ viện điều tra về các hoạt động chống Hoa Kỳ đã theo đuổi một loạt các cuộc điều tra về sự phá hoại của thành phần thiên tả tình nghi khi Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy trở thành người đứng đầu nhóm có thái độ bài cộng sản ở Quốc hội Hoa Kỳ.
Liên Xô phóng phi thuyền có người lái đầu tiên năm 1961 khiến Hoa Kỳ phải nỗ lực nâng cao trình độ về toán và khoa học và sự việc Tổng thống John F. Kennedy lên tiếng rằng Hoa Kỳ phải là nước đầu tiên đưa "một người lên Mặt Trăng," đã hoàn thành vào năm 1969.[47] Kennedy cũng đối phó với một đối đầu hạt nhân căng thẳng với lực lượng Xô Viết tại Cuba. Trong lúc đó, Hoa Kỳ trải qua sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Một phong trào nhân quyền lớn mạnh do những người Mỹ gốc châu Phi nổi tiếng lãnh đạo, như Mục sư Martin Luther King Jr., đã chống đối việc tách biệt và kỳ thị đưa đến việc bãi bỏ luật Jim Crow. Sau khi John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, Đạo luật Nhân quyền năm 1964 được thông qua dưới thời Tổng thống Lyndon B. Johnson. Johnson và người kế nhiệm là Richard Nixon đã mở rộng một cuộc chiến thay thế (Proxy War) tại Đông Nam Á trong Chiến tranh Việt Nam.
Với kết cục của Vụ tai tiếng Watergate năm 1974, Tổng thống Richard Nixon đã trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ từ chức hơn là bị truất phế với cáo buộc bao gồm gây trở ngại công lý và lạm dụng quyền lực; ông được Gerald Ford thay thế chức tổng thống. Trong thời chính phủ của Tổng thống Jimmy Carter cuối thập niên 1970, kinh tế của Hoa Kỳ trải qua thời kỳ đình lạm. Ronald Reagan đắc cử tổng thống năm 1980 đánh dấu một sự chuyển dịch về phía hữu (bảo thủ) trong nền chính trị Mỹ, được phản ánh trong những mục tiêu ưu tiên về sử dụng ngân sách và chính sách thuế.[48] Cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990, quyền lực của Liên Xô bị thu nhỏ lại dẫn đến việc sụp đổ của nó.
Cận đại[sửa]
- Xem chi tiết: Sự kiện 11 tháng 9
Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và đồng minh của mình trong Chiến tranh Vùng Vịnh được Liên Hiệp Quốc ủng hộ dưới quyền của Tổng thống George H. W. Bush, và sau đó là Chiến tranh Nam Tư giúp duy trì vị thế của Hoa Kỳ như một siêu cường duy nhất còn lại. Sự phát triển kinh tế dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ tháng ba năm 1991 đến tháng ba năm 2001 đã bao trùm hết hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton.[49] Năm 1998, Clinton bị Hạ viện Hoa Kỳ truất phế với các cáo buộc liên quan đến một vụ cáo trạng của Paula Jones và một vụ tai tiếng tình dục nhưng sau đó ông được Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng và vẫn tại chức.
Cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2000 gây nhiều tranh cãi được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ can thiệp và giải quyết với kết quả là chức tổng thống về tay Thống đốc bang Texas là George W. Bush, con trai của George H. W. Bush. Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, bọn khủng bố dùng máy bay dân sự cướp được đánh vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại Thành phố New York và Ngũ Giác Đài gần Washington, D.C., giết chết gần ba ngàn người. Sau vụ đó, Tổng thống Bush mở cuộc Chiến tranh chống khủng bố dưới một triết lý quân sự nhấn mạnh đến chiến tranh phủ đầu mà bây giờ được biết như Học thuyết Bush. Cuối năm 2001, các lực lượng Hoa Kỳ đã lãnh đạo một cuộc tiến công của NATO vào Afghanistan lật đổ chính phủ Taliban và phá hủy các trại huấn luyện khủng bố của al-Qaeda. Du kích quân Taliban tiếp tục một cuộc chiến tranh du kích chống lực lượng do NATO lãnh đạo.
Năm 2002, chính phủ Bush bắt đầu gây áp lực cho sự thay đổi chế độ tại Iraq với các lý do gây nhiều tranh cãi. Thiếu sự phụ trợ của NATO, Bush thành lập một Liên minh tự nguyện và Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq năm 2003, lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein khỏi quyền lực. Mặc dù đối phó với áp lực từ cả bên ngoài[50] và bên trong nước[51] đòi rút quân, Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Iraq.
Năm 2005, Bão Katrina gây sự tàn phá nặng dọc theo phần lớn Vùng Duyên hải Vịnh của Hoa Kỳ, tàn phá New Orleans. Ngày 4 tháng 11 năm 2008, trong cuộc khủng hoảng kinh kế lớn, quốc gia Hoa Kỳ đã bầu Barack Obama làm tổng thống. Ông được tuyên thệ nhậm chức và ngày 20 tháng 1 năm 2009, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ.
Kể từ sau Thế chiến thứ hai, các đời Thổng thống Mỹ luôn duy trì chính sách can thiệp vào nội bộ các quốc gia khác, thâm chí sắn sàng dùng sức mạnh quân sự để tấn công nước khác. Kể từ năm 1946 đến 2015, quân đội Hoa Kỳ đã trực tiếp tấn công 9 quốc gia (Triều Tiên, Việt Nam, Campuchia, Grenada, Afghanistan, Iraq, Nam Tư, Panama, Cuba), các cuộc chiến này gây ra cái chết của 10 tới 15 triệu người. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng gây ra đảo chính hoặc ngầm can dự vào xung đột tại 28 quốc gia khác, gây ra cái chết của khoảng 9 tới 14 triệu người. Tổng cộng Hoa Kỳ đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết của khoảng 20 đến 30 triệu người trong các cuộc chiến tranh và xung đột rải rác trên khắp thế giới kể từ năm 1946 đến 2015[52].
Chính phủ và chính trị[sửa]
- Xem chi tiết: Chính trị Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là liên bang tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Quốc gia này là một cộng hòa lập hiến mà "trong đó khối đa số cầm quyền bị kiềm chế bởi quyền của khối thiểu số được luật pháp bảo vệ."[53] Trên cơ bản Hoa Kỳ có cơ cấu giống như một nền Dân chủ đại nghị mặc dù các công dân Hoa Kỳ sinh sống tại các lãnh thổ không được tham gia bầu trực tiếp các viên chức liên bang.[54] Chính phủ luôn bị chỉnh lý bởi một hệ thống kiểm tra và cân bằng do Hiến pháp Hoa Kỳ định nghĩa. Hiến pháp Hoa Kỳ là tài liệu pháp lý tối cao của quốc gia và đóng vai trò như một bản khế ước xã hội đối với nhân dân Hoa Kỳ. Trong hệ thống liên bang của Hoa Kỳ, công dân Hoa Kỳ có ba cấp bậc chính quyền, đó là liên bang, tiểu bang, và địa phương. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương thông thường được phân chia giữa chính quyền quận và chính quyền khu tự quản (thành phố). Trong đa số trường hợp, các viên chức hành pháp và lập pháp được bầu lên theo thể thức công dân bầu ra duy nhất một ứng viên trong từng khu vực bầu cử. Không có đại biểu theo tỷ lệ ở cấp bậc liên bang, và rất hiếm khi có ở cấp bậc thấp hơn. Các viên chức nội các và toà án của liên bang và tiểu bang thường được ngành hành pháp đề cử và phải được ngành lập pháp chấp thuận. Tuy nhiên có một số thẩm pháp tiểu bang được bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu. Tuổi bầu cử là 18 và việc đăng ký cử tri là trách nhiệm cá nhân; không có luật bắt buộc phải tham gia bầu cử.
Chính quyền của Liên bang gồm có ba nhánh quyền lực:
- Lập pháp: Quốc hội lưỡng viện gồm có Thượng viện và Hạ viện đặc trách làm luật liên bang, tuyên chiến, phê chuẩn các hiệp ước, có quyền quyết định về ngân sách, và có quyền ít khi được dùng đến là truất phế mà có thể bãi bỏ chức vụ của các viên chức đương nhiệm của chính phủ.
- Hành pháp: tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, có quyền phủ quyết các đạo luật của ngành lập pháp trước khi các đạo luật trở thành luật, bổ nhiệm Nội các và các viên chức khác giúp quản trị và thi hành chính sách cũng như luật liên bang.
- Tư pháp: Tối cao Pháp viện và những tòa án liên bang thấp hơn trong đó các thẩm phán được tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng viện. Nhiệm vụ của ngành là diễn giải về luật và có thể đảo ngược các luật mà họ cho rằng vi hiến.
Hạ viện có 435 thành viên, mỗi thành viên đại diện cho một khu bầu cử quốc hội với nhiệm kỳ hai năm. Các ghế ở Hạ viện được chia theo tỉ lệ dân số tại 50 tiểu bang (trung bình mỗi dân biểu đại diện khoảng 646.946 cư dân). Theo Điều tra Dân số Hoa Kỳ năm 2000 (lần điều tra dân số kế tiếp sẽ là năm 2010), bảy tiểu bang chỉ có một đại diện tại Hạ viện trong khi California, tiểu bang đông dân nhất có đến 53 đại diện tại Hạ viện. Mỗi tiểu bang cho dù có đông dân hay ít dân cũng chỉ có hai Thượng nghị sĩ, được bầu với nhiệm kỳ sáu năm; một phần ba số Thượng nghị sĩ sẽ hết nhiệm kỳ cứ mỗi hai năm và các chiếc ghế trống đó ở Thượng viện sẵn sàng đưa ra bầu cử. Tổng thống phục vụ một nhiệm kỳ bốn năm và có thể được tái đắc cử nhưng không được phục vụ hơn hai nhiệm kỳ. Tổng thống không được bầu trực tiếp, nhưng qua một hệ thống đại cử tri đoàn trong đó số phiếu định đoạt được chia theo tỉ lệ từng tiểu bang (theo dân số). Tối cao Pháp viện, do Thẩm phán trưởng Hoa Kỳ lãnh đạo, có chín thành viên phục vụ cả đời trừ khi tự từ chức hay qua đời.
Tất cả các luật lệ và thủ tục pháp lý của chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang đều phải chịu sự duyệt xét, và bất cứ luật nào bị xét thấy là vi hiến bởi ngành tư pháp đều bị đảo ngược. Văn bản gốc của Hiến pháp thiết lập cơ cấu và những trách nhiệm của chính phủ liên bang, quan hệ giữa liên bang và từng tiểu bang, và những vấn đề trọng yếu về thẩm quyền kinh tế và quân sự. Điều một của Hiến pháp bảo vệ quyền đòi bồi thường nếu bị giam cầm bất hợp pháp, và Điều ba bảo đảm quyền được xét xử bởi một đoàn bồi thẩm trong tất cả các vụ án hình sự. Các Tu chính án Hiến pháp cần phải có sự chấp thuận của ba phần tư tổng số các tiểu bang. Hiến pháp được tu chính 27 lần; mười tu chính án đầu tiên tạo nên Đạo luật Nhân quyền, và Tu chính án 14 hình thành cơ bản trọng tâm các quyền cá nhân tại Hoa Kỳ.
Chính trị tại Hoa Kỳ hoạt động dưới một hệ thống lưỡng đảng gần như suốt chiều dài lịch sử Hoa Kỳ. Đối với các chức vụ được đưa ra bầu cử ở các cấp, bầu cử sơ bộ do tiểu bang đảm trách sẽ được tổ chức để chọn ra các ứng cử viên của từng đảng chính yếu để chuẩn bị cho tổng tuyển cử sau đó. Từ lần tổng tuyển cử năm 1856, hai đảng có ảnh hưởng chi phối là Đảng Dân chủ được thành lập năm 1824 (mặc dù nguồn gốc của đảng có thể lần tìm ngược về năm 1792), và Đảng Cộng hòa thành lập năm 1854. Tổng thống đương nhiệm, Barack Obama, là một người thuộc Đảng Dân chủ. Theo sau các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006 và cuộc tổng tuyển cử năm 2008, Đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện Hoa Kỳ có hai thượng nghị sĩ độc lập (không thuộc đảng nào) — một là cựu đảng viên của Đảng Dân chủ, người kia là người tự cho mình là theo chủ nghĩa xã hội. Mỗi thành viên của Hạ viện hiện tại hoặc là thuộc Đảng Dân chủ hoặc là thuộc Đảng Cộng hòa. Đa số gần như tuyệt đối các viên chức địa phương và tiểu bang cũng hoặc là thuộc Đảng Dân chủ hoặc là thuộc Đảng Cộng hòa. Trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ luôn luôn có các ứng cử viên độc lập ra tranh cử tổng thống nhưng hầu hết đều không nổi bật và hầu như không giành được phiếu đại cử tri nào (và cũng chỉ chiếm một lượng rất nhỏ phiếu phổ thông). Tuy nhiên, trong một vài dịp hiếm hoi cũng xuất hiện nhiều nhân vật thứ ba có ảnh hưởng lớn và có khả năng thách thức tới vị thế của hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa. Năm 1892, lãnh đạo phe xã hội cánh tả James Weaver giành được 8,5% phiếu phổ thông và 22 phiếu đại cử tri. Điển hình nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1912, cựu tổng thống Theodore Roosevelt thuộc đảng Cấp Tiến giành được 27,4% phiếu phổ thông (88 phiếu đại cử tri),[55] lãnh đạo cánh tả xã hội chủ nghĩa Eugene V. Debs giành được 6,1% phiếu phổ thông. Năm 1924, Robert M. La Follette, Sr. thuộc đảng Cấp tiến giành được 16,1% phiếu phổ thông (13 phiếu đại cử tri). Năm 1948, Strom Thurmond của đảng Dixiecrat giành 39 phiếu đại cử tri. Năm 1968, George Wallace của đảng Độc Lập giành 46 phiếu đại cử tri. Năm 1992, Ross Perot, ứng cử viên độc lập, giành 20 triệu phiếu phổ thông, chiếm 18,9%.
Trong văn hóa chính trị Mỹ, Đảng Cộng hòa được xem là "center-right" hay là bảo thủ và Đảng Dân chủ được xem là "center-left" hay cấp tiến, nhưng thành viên của cả hai đảng có một tầm mức quan điểm rộng lớn. Trong một cuộc thăm dò tháng 8 năm 2007, 36 phần trăm người Mỹ tự nhận mình là "bảo thủ," 34 phần trăm là "ôn hòa," và 25 phần trăm là "cấp tiến."[56] Theo một cách khác, tính theo số đông người lớn thì có 35,9 phần trăm tự nhận là người thuộc Đảng Dân chủ, 32,9 phần trăm độc lập, và 31,3 phần trăm nhận là người thuộc Đảng Cộng hòa.[57] Các tiểu bang đông bắc, Ngũ Đại Hồ, và Duyên hải miền Tây tương đối thiên lệch về cấp tiến — họ được biết theo cách nói chính trị là "các tiểu bang xanh." "Các tiểu bang đỏ" của miền Nam và khu vực dãy núi Rocky có chiều hướng bảo thủ.
Quan hệ đối ngoại và quân sự[sửa]
- Xem chi tiết: Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ có ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự trên cán cân quốc tế mà khiến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ là một đề tài quan tâm lớn nhất trên khắp thế giới. Hầu như tất cả các quốc gia có tòa đại sứ tại Washington, D.C., và nhiều lãnh sự quán khắp đất nước. Tương tự, gần như tất cả các quốc gia đều có các sứ bộ ngoại giao tại Mỹ. Tuy nhiên, Cuba, Iran, CHDCND Triều Tiên, Bhutan, và Sudan không có quan hệ ngoại giao chính thức với Hoa Kỳ.[58]
Người theo chủ nghĩa cô lập Mỹ thường hay bất hòa với những người theo chủ nghĩa quốc tế cũng giống như những người theo chủ nghĩa chống đế quốc bất hòa với những người đề xướng cổ võ cho thuyết Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny) và Đế quốc Mỹ. Chủ nghĩa đế quốc của Mỹ tại Philippines đã bị Mark Twain, triết học gia William James, và nhiều người khác chỉ trích nặng nề. Sau này, Tổng thống Woodrow Wilson đã đóng vai trò chính trong việc thành lập Hội Quốc Liên nhưng Thượng viện Hoa Kỳ cấm không cho Hoa Kỳ trở thành thành viên của tổ chức này. Chủ nghĩa cô lập đã trở thành một chuyện trong quá khứ khi Hoa Kỳ nắm vai trò lãnh đạo trong việc thành lập Liên Hiệp Quốc, trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là nơi đóng tổng hành dinh Liên Hiệp Quốc. Hoa Kỳ có mối quan hệ đặc biệt với Anh Quốc và liên hệ chặt chẽ với Australia, New Zealand, Nhật Bản, Israel, và các thành viên đồng sự NATO. Hoa Kỳ cũng làm việc bên cạnh các quốc gia láng giềng qua Tổ chức các quốc gia châu Mỹ và những thỏa thuận tự do mậu dịch như Thỏa thuận Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ ba bên với Canada và México. Năm 2005, Hoa Kỳ đã chi tiêu 27,3 tỷ đô la trong chương trình trợ giứp phát triển chính thức, đứng nhất trên thế giới. Tuy nhiên nếu tính theo tỉ lệ tổng lợi tức quốc gia (GNI), sự đóng góp của Hoa Kỳ chỉ là 0,22 phần trăm, đứng thứ hai mươi trong 22 quốc gia viện trợ tài chánh. Mặt khác, các tổ chức phi chính phủ như các quỹ, công ty, và các tổ chức tôn giáo và giáo dục tư nhân đã cho tặng 95,5 tỷ đô la. Tổng số 122,8 tỷ đô la lần nữa đứng hạng nhất trên thế giới và hạng bảy tính theo phần trăm tổng lợi tức quốc gia.[59]
Ngày nay, Hoa Kỳ chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với rất nhiều nước trên thế giới. Cùng với xu thế toàn cầu hóa, những chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng tương đối lớn tới an ninh chính trị, kinh tế của từng khu vực. Gần đây, một số nhà nghiên cứu lý giải về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với lý thuyết về toàn cầu hóa. Khi mà Hoa Kỳ càng có quan hệ tốt với nhiều nước, lượng hàng hóa lưu thông sẽ càng nhiều. Nói cách khác, chính sách của Hoa Kỳ trong thời đại mới là làm giàu và thúc đẩy nâng cao dân trí cho các nước khác trên thế giới, với mục đích thúc đẩy thương mại trong một thế giới không còn tồn tại "cực".
Tổng thống giữ chức vụ tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang quốc gia và bổ nhiệm các lãnh đạo của quân đội, bộ trưởng quốc phòng và Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ (Joint Chiefs of Staff). Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ giám sát các lực lượng vũ trang, bao gồm Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, và Không quân. Tuần duyên Hoa Kỳ nằm dưới quyền quản trị của Bộ Nội An trong thời bình và thuộc Bộ Hải quân trong thời chiến. Năm 2005, quân đội có 1,38 triệu quân hiện dịch,[60] cùng với hàng trăm ngàn trong mỗi ngành như Lực lượng Trừ bị và Vệ binh Quốc gia. Tổng cộng tất cả 2,3 triệu người. Bộ Quốc phòng cũng mướn khoảng 700.000 nhân viên dân sự, không kể những nhân công hợp đồng. Phục vụ quân sự là tình nguyện mặc dù tổng động viên có thể xảy ra trong thời chiến qua hệ thống tuyển chọn nhập ngũ. Việc khai triển nhanh các lực lượng Mỹ được cung ứng bởi một đội ngũ lớn phi cơ vận tải của Không quân và các phi cơ tiếp liệu trên không, hạm đội của Hải quân với 11 hàng không mẫu hạm hiện dịch, và các đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh trên biển thuộc các Hạm đội Đại Tây Dương và Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân. Bên ngoài biên giới Hoa Kỳ, Quân đội Hoa Kỳ khai triển 770 căn cứ và cơ sở tiện ích trên tất cả các lục địa, trừ Nam Cực.[61] Vì mở rộng sự hiện diện quân sự trên toàn cầu, các học giả cho rằng Hoa Kỳ đang duy trì một "đế quốc của các căn cứ."[62]
Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ năm 2016 là 598 tỉ Mỹ kim, chiếm 46 phần trăm chi tiêu quân sự trên toàn thế giới và lớn hơn chi tiêu quân sự của 14 nước xếp kế tiếp cộng lại. Chi tiêu quân sự tính theo đầu người là 1.756 đô la, khoảng 10 lần trung bình của thế giới.[63] Khoảng 4,06 phần trăm tổng sản phẩm nội địa, chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ đứng hạng một trong số 172 quốc gia.[64] Ngân sách chính thức của Bộ Quốc phòng năm 2016 là 577 tỉ USD. Tổn phí tổng cộng được ước tính cho cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Iraq đến năm 2016 là 2.267 tỷ đô la.[65] Đến ngày 4 tháng 9 năm 2008, Hoa Kỳ đã mất 4.152 binh sĩ trong suốt cuộc chiến và 30.324 bị thương.[66]
Kinh tế[sửa]
- Xem chi tiết: Kinh tế Hoa Kỳ
Hoa Kỳ có một nền kinh tế hỗn hợp tư bản chủ nghĩa được kích thích bởi tài nguyên thiên nhiên phong phú, một cơ sở hạ tầng phát triển tốt, và hiệu suất cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ hơn 13 ngàn tỷ đô la chiếm 20 phần trăm tổng sản phẩm thế giới.[2] Đây là tổng sản phẩm nội địa lớn nhất thế giới, lớn hơn một chút so với tổng sản phẩm nội địa kết hợp của Liên hiệp châu Âu ở sức mua tương đương năm 2006.[67] Hoa Kỳ đứng hạng 8 thế giới về tổng sản lượng nội địa trên đầu người và hạng tư về tổng sản phẩm nội địa trên đầu người theo sức mua tương đương.[2] Hoa Kỳ là nước nhập cảng hàng hóa lớn nhất và là nước xuất cảng đứng hạng nhì. Canada, Trung Quốc, México, Nhật Bản, và Đức là các bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ.[68] Hàng xuất cảng hàng đầu là máy móc điện, trong khi xe hơi chiếm vị trí hàng đầu về nhập cảng.[69] Nợ quốc gia của Hoa Kỳ lớn nhất thế giới, đầu năm 2015 là 18 471 090 985 000 USD.Theo Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thì con số nợ này không tính khoản nợ của tiểu bang và nợ địa phương và chưa bao gồm các khoản chi cho các chương trình an sinh và Medicare. Tính theo phần trăm tổng sản phẩm nội địa, nợ của Hoa Kỳ xếp thứ 30 trong số 120 quốc gia mà số liệu sẵn có.[70] Phía cạnh tư nhân chiếm phần lớn nền kinh tế. Hoạt động kinh tế của chính phủ chiếm 12,4% tổng sản phẩm nội địa.[71] Nền kinh tế là hậu công nghiệp, với khía cạnh dịch vụ đóng góp khoảng trên 75% tổng sản phẩm nội địa. Ngành thương nghiệp dẫn đầu, tính theo tổng doanh thu là buôn bán sỉ và lẻ; theo lợi tức khấu trừ là tài chánh và bảo hiểm.[72] Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường công nghiệp với các sản phẩm hóa học dẫn đầu ngành sản xuất.[73] Hoa Kỳ là nước sản xuất dầu lớn hạng ba trên thế giới và nước tiêu thụ dầu đứng hạng nhất.[74] Đây là nước sản xuất năng lượng điện và hạt nhân số một của thế giới cũng như khí đốt thiên nhiên hóa lỏng, nhôm, sulfur, phosphat, và muối. Nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP nhưng chiếm 60% sản xuất nông nghiệp của thế giới.[75] Vụ mùa hái ra tiền dẫn đầu của Hoa Kỳ là cần sa mặc dù luật liên bang nghiêm cấm trồng và bán cần sa.[76]
Ba phần tư các cơ sở làm ăn tại Hoa Kỳ không có lập sổ lương bổng, nhưng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ giao dịch. Các hãng có sổ lương từ 500 hoặc nhiều hơn chiếm 49,1 phần trăm tất cả các công nhân được trả lương; năm 2002, chiếm 59,1 phần trăm giao dịch.[77] Hoa Kỳ xếp hạng ba trong danh sách chỉ số thuận lợi làm ăn của Ngân hàng Thế giới.[78] So với châu Âu, tài sản của Hoa Kỳ và thuế lợi tức thu được từ các tập đoàn thông thường cao hơn trong khi thuế tiêu thụ và nhân lực thấp hơn.[79] Sở Giao dịch Chứng khoán New York lớn nhất thế giới theo giá trị đô la.
Năm 2005, 155 triệu người đã làm việc có lãnh lương, trong đó có 80 phần trăm làm việc toàn thời gian.[80] Phần đông khoảng 79 phần trăm làm việc trong ngành cung cấp dịch vụ.[81] Với khoảng 15,5 triệu người, chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội là hai lĩnh vực mướn người hàng đầu.[82] Khoảng 12 phần trăm công nhân Mỹ thuộc thành viên công đoàn, so với 30 phần trăm tại Tây Âu.[83] Hoa Kỳ đứng hạng nhất về dễ mướn và sa thải công nhân theo Ngân hàng Thế giới.[78] Người Mỹ có chiều hướng làm việc nhiều giờ hơn mỗi năm so với công nhân tại các quốc gia phát triển khác, dùng ngày nghỉ phép ít hơn và ngắn hơn. Giữa năm 1973 và 2003, công việc một năm cho một người Mỹ trung bình tăng 199 giờ.[84] Kết quả một phần, Hoa Kỳ vẫn là nước có hiệu xuất lao động cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không còn dẫn đầu hiệu xuất sản xuất tính trên mỗi giờ như đã từng như vậy giữa thập niên 1950 và thập niên 1990; công nhân tại Na Uy, Pháp, Bỉ, và Luxembourg hiện nay là các nước có hiệu xuất sản xuất trên giờ lao động cao hơn.[85]
Lợi tức, phát triển con người, và giai cấp xã hội[sửa]
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, lợi tức trung bình của mỗi hộ gia đình trước khi lấy thuế trong năm 2005 là 46.326 đô la.[86] Tính trung bình hai năm có mức từ 60.246 đô la ở New Jersey đến 34.396 đô la ở Mississippi.[87] Dùng tỉ lệ hoán đổi sức mua tương đương, các mức lợi tức này tương đương với mức lợi tức tìm thấy tại các quốc gia hậu công nghiệp khác. Khoảng 13 phần trăm người Mỹ sống dưới mức nghèo do liên bang ấn định.[86][88] Con số người Mỹ nghèo, gần 37 triệu người, thực sự hơn con số của năm 2001 đến 4 triệu người, là năm tận cùng của cuộc đình trệ kinh tế Hoa Kỳ vừa qua.[89] Hoa Kỳ đứng hạng 8 trên thế giới trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2006 của UNDP.[90] Một cuộc nghiên cứu năm 2007 của UNICEF về sự phúc lợi của trẻ em trong 21 quốc gia công nghiệp hoá, bao gồm một tầm mức rộng lớn các yếu tố, đã xếp Hoa Kỳ gần chót.[91]
Giữa năm 1967 và 2005, lợi tức trung bình của hộ gia đình tăng 30,6 phần trăm tính theo giá trị đồng đô la không thay đổi theo thời gian, phần lớn là vì con số gia tăng các hộ gia đình có người làm hai công việc. Năm 2005, lợi tức trung bình của các hộ gia đình không phải người già giảm xuống năm thứ 5 liên tiếp.[89] Mặc dù tiêu chuẩn sống có cải thiện đối với hầu như tất cả các giai cấp từ cuối thập niên 1970,[92] Sự khác biệt lợi tức đã gia tăng đã kể.[93][94] Phần lợi tức mà một phần trăm dân số trên đầu danh sách nhận được đã tăng đáng kể trong khi phần lợi tức của 90 phần trăm dân số ở cuối danh sách lại giảm. Sự sai khác lợi tức giữa hai nhóm trong năm 2005 cũng lớn bằng như trong năm 1928.[95] Theo chỉ số chuẩn Gini, sự sai khác về lợi tức tại Hoa Kỳ cao hơn bất cứ một quốc gia nào ở châu Âu.[96] Một số kinh tế gia như Alan Greenspan cho rằng sự sai khác lợi tức tăng cao sẽ là điều đáng quan ngại.[97]
Trong lúc các giai cấp xã hội Mỹ thiếu ranh giới định nghĩa rõ ràng,[94] các nhà xã hội học nói rằng giai cấp xã hội là một biến số xã hội quan trọng. Nghề nghiệp, hấp thụ giáo dục, và lợi tức được dùng như những chỉ số chính nói đến tình trạng kinh tế xã hội.[98] Dennis Gilbert của Cao đẳng Hamilton đã đề nghị một hệ thống, được những nhà xã hội học khác áp dụng,[99] gồm có sáu giai cấp xã hội: một giai cấp thượng lưu hay tư bản gồm những người giàu có và quyền lực (1%), một giai cấp thượng trung lưu gồm các nhà nghiệp vụ có giáo dục cao (15%), một giai cấp trung lưu gồm những người bán nghiệp vụ và các thợ lành nghề (33%), một giai cấp lao động gồm những người lao động chân tay và thơ ký (33%), và hai giai cấp thấp hơn - lao động nghèo (13%) và hạ cấp phần lớn là thất nghiệp (12%).[94] Giàu có tập trung cao độ: 10 phần trăm dân số người lớn giữ 69,8 phần trăm sự giàu có của toàn quốc gia, đứng hạng nhì so với bất cứ quốc gia dân chủ phát triển nào.[100] Một phần trăm trên đầu danh sách giữ 33,4 phần trăm sự giàu có, bao gồm phân nửa tổng giá trị cổ phiếu giao dịch công khai.[101] Nhưng bù lại, thuế thu nhập ở Hoa Kỳ đánh vào người giàu rất nặng, thông thường là vào khoảng 40%. Từ số tiền thuế đánh vào người giàu, chính phủ sẽ sử dụng chúng để hoàn trả lại thuế cho người nghèo, hỗ trợ cho người có thu nhập trung bình nhưng có con nhỏ, trợ cấp tài chính và y tế miễn phí cho người già, trẻ em dưới tuổi trưởng thành, người bệnh không còn khả năng lao động... vv.
Khoa học và kỹ thuật[sửa]
Hoa Kỳ đã và đang dẫn đầu trong nhiều ngành kỹ thuật và nghiên cứu khoa học từ cuối thế kỷ 19, là miền đất hấp dẫn các nhà khoa học nước ngoài như Albert Einstein. Phần lớn quỹ nghiên cứu và phát triển với khoảng 64 phần trăm đến từ phía tư nhân.[102] Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới trong các tài liệu nghiên cứu khoa học và yếu tố tác động.[103] Năm 1876, Alexander Graham Bell được cấp bản quyền chế tạo điện thoại lần đầu tiên. Phòng thí nghiệm của Thomas Edison phát triển được máy hát (phonograph), bóng đèn điện dây tóc chịu nhiệt đầu tiên, và máy thu hình bền đầu tiên. Trong đầu thế kỷ 20, các công ty chế tạo xe hơi như Ransom Olds và Henry Ford đã đi đầu trong việc sản xuất theo phương pháp dây chuyền. Năm 1903, Anh em nhà Wright được xem như người phát minh ra máy bay đầu tiên.[104] Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ phát triển vũ khí nguyên tử, báo hiệu thời đại nguyên tử. Cuộc đua vũ trụ đã tạo ra những bước tiến nhanh trong lãnh vực phát triển hỏa tiễn, khoa học vật chất, máy vi tính, và nhiều lĩnh vực khác. Hoa Kỳ là nước chính yếu phát triển Arpanet là tiền thân của Internet. Người Mỹ hưởng được cấp bực cao cận kề với các hàng hóa tiêu dùng kỹ thuật.[105] Gần như phân nửa hộ gia đình Hoa Kỳ có dịch vụ Internet băng thông rộng (Broadband Internet).[106] Hoa Kỳ là quốc gia phát triển và trồng trọt chính yếu thực phẩm biến đổi gen; trên phân nửa những vùng đất thế giới được dùng trồng các vụ mùa kỹ thuật sinh học là ở tại Hoa Kỳ.[107]
Dù có ngành khoa học không gian vũ trụ phát triển nhưng Hoa Kỳ lại khá lệ thuộc vào Nga trong vấn đề động cơ tên lửa. Nga đang là nhà cung cấp động cơ tên lửa vũ trụ cho Hoa Kỳ. Dù đang cố phát triển động cơ riêng nhưng tập đoàn tên lửa vũ trụ Energomash hồi cuối tháng cũng đã tuyên bố, từ khâu thử nghiệm cho đến khi sản xuất thành công là khoảng thời gian rất dài, Hoa Kỳ sẽ cần trên 3 tỷ USD và khoảng thời gian 10 năm để sản xuất thay thế các động cơ Nga. Vì thế vẫn sẽ nhập động cơ tên lửa từ Nga cho dù có bị cấm vì bất cứ lý do gì[108] và mẫu nâng cấp của tên lửa Antares sẽ được trang bị các động cơ mới mua[109].
Giao thông[sửa]
Đến năm 2003, có khoảng 759 xe hơi cho 1.000 người Mỹ so với 472 mỗi 1.000 cư dân Liên Hiệp châu Âu một năm sau đó, tức là năm 2004.[110] Khoảng 39 phần trăm xe cá nhân là xe Van, xe SUV, hay xe có sàn chở hàng loại nhỏ.[111] Người Mỹ trưởng thành trung bình dành khoảng 55 phút mỗi ngày lái trên đoạn đường dài trung bình 29 dặm Anh (47 km).[112] Hệ thống đường sắt nhẹ chở khách liên thành phố của Hoa Kỳ tương đối yếu kém.[113] Chỉ có 9 phần trăm tổng số lượt đi làm việc ở Hoa Kỳ là dùng giao thông công cộng so với 38,8 phần trăm tại châu Âu.[114] Việc sử dụng xe đạp rất ít, thua xa mức độ sử dụng của châu Âu.[115] Công nghệ hàng không dân sự hoàn toàn tư hữu hóa trong lúc đa số các phi trường chính là của công. Năm hãng hàng không lớn nhất trên thế giới tính theo số khách hàng được vận chuyển đều là của Hoa Kỳ; American Airlines là công ty hàng không lớn nhất thế giới.[116] Trong số 30 phi trường hành khách bận rộn nhất trên thế giới thì có 16 là ở Hoa Kỳ, bao gồm Phi trường Quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta (ATL) bận rộn nhất thế giới.[117]
Nhân khẩu[sửa]
- Xem chi tiết: Nhân khẩu tại Hoa Kỳ
Ngày 17 tháng 10 năm 2006, dân số Hoa Kỳ được ước tính là khoảng 300.000.000 theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ.[118] Dân số Hoa Kỳ bao gồm một con số ước tính 12 triệu di dân bất hợp pháp,[119] trong đó một triệu người, theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, không kiểm toán được.[120] Tỉ lệ chung tăng dân số là 0,89 phần trăm,[121] so với 0,16 phần trăm trong Liên hiệp châu Âu.[122] Tỉ lệ sinh 14,16 mỗi 1.000 người thì thấp hơn trung bình của thế giới 30 phần trăm trong khi cao hơn bất cứ quốc gia châu Âu nào, trừ Albania và Ireland.[123] Năm 2006, 1,27 triệu di dân được cấp phép cư ngụ hợp pháp. Mexico đã và đang là nguồn dẫn đầu các di dân mới của Hoa Kỳ trên hai thập niên qua; kể từ năm 1998, Trung Quốc, Ấn Độ, và Philippines là các quốc gia hàng đầu có di dân đến Mỹ mỗi năm.[124] Hoa Kỳ là quốc gia công nghiệp hóa duy nhất mà sự gia tăng dân số lớn lao được tiên đoán.[125]
Hoa Kỳ có một dân số đa chủng tộc-31 nhóm sắc tộc có dân số trên 1 triệu người.[126] Người da trắng là nhóm chủng tộc lớn nhất trong đó người gốc Đức, gốc Ireland, và gốc Anh chiếm ba trong số bốn nhóm sắc tộc lớn nhất. Người Mỹ gốc châu Phi, đa số là con cháu của các cựu nô lệ, là nhóm chủng tộc thiểu số đông nhất Hoa Kỳ và là nhóm sắc tộc lớn hạng ba.[88] Người Mỹ gốc châu Á là nhóm chủng tộc thiểu số lớn hạng nhì của Hoa Kỳ; hai nhóm sắc tộc người Mỹ gốc châu Á lớn nhất là người Hoa và người Filipino. Năm 2005, dân số Hoa Kỳ bao gồm một con số ước tính là 4,5 triệu người thuộc sắc tộc bản thổ châu Mỹ hoặc bản thổ Alaska và gần 1 triệu người gốc bản thổ Hawaii hay người đảo Thái Bình Dương.[88][127]
Chủng tộc (2005)[88] | |
---|---|
Người Mỹ da trắng | 73,9% |
Người Mỹ gốc châu Phi | 12,4% |
Người Mỹ gốc châu Á | 4,4% |
Người bản thổ Mỹ và Alaska | 0,8% |
Bản thổ Hawaii và đảo Thái Bình Dương | 0,1% |
Chủng tộc khác/đa chủng tộc | 8,3% |
Hispanic hoặc Latino (mọi chủng tộc) | 14,8% |
Sự gia tăng dân số của người nói tiếng Tây Ban Nha là một chiều hướng nhân khẩu chính. Khoảng 44 triệu người Mỹ gốc nói tiếng Tây Ban Nha tạo thành chủng tộc thiểu số lớn nhất tại Hoa Kỳ. Khoảng 64 phần trăm người nói tiếng Tây Ban Nha có gốc từ México.[128] Giữa năm 2000 và 2004, dân số nói tiếng Tây Ban Nha của Hoa Kỳ tăng 14 phần trăm trong khi dân số không phải người nói tiếng Tây Ban Nha tăng chỉ 2 phần trăm.[129] Phần nhiều sự gia tăng dân số là vì di dân: Đến năm 2004, 12 phần trăm dân số Hoa Kỳ sinh ra ở ngoại quốc, trên phân nửa con số đó là từ châu Mỹ Latinh.[130] Sinh sản cũng là một yếu tố: Phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha trung bình sinh ba người con trong đời của mình. Tỉ lệ tương tự là 2,2 đối với phụ nữ da đen không nói tiếng Tây Ban Nha và 1,8 cho phụ nữ da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha (dưới con số quân bình thay thế là 2,1).[125] Người nói tiếng Tây Ban Nha chiếm gần như phân nửa con số gia tăng dân số quốc gia 2,9 triệu từ tháng 7 năm 2005 đến tháng 7 năm 2006.[131] Ước tính theo chiều hướng hiện tại thì vào năm 2050, người da trắng gốc không nói tiếng Tây Ban Nha sẽ là 50,1 phần trăm dân số, so với 69,4 phần trăm năm 2000.[132] Người da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha đã ít hơn phân nửa dân số tại bốn tiểu bang—California,[133] New Mexico,[134] Hawaii,[135] và Texas[136]—cũng như tại Đặc khu Columbia.[137]
Khoảng 83 phần trăm dân số sống trong 361 vùng đô thị.[138] Năm 2005, 254 khu hợp nhất tại Hoa Kỳ có dân số trên 100.000 người, 9 thành phố có hơn 1 triệu dân, và 4 thành phố cấp thế giới có trên 2 triệu dân (Thành phố New York, Los Angeles, Chicago, và Houston).[139] Hoa Kỳ có 50 vùng đô thị có dân số trên 1 triệu dân.[140] Trong số 50 vùng đô thị phát triển nhanh nhất, 23 vùng đô thị nằm ở miền Tây và 25 vùng đô thị ở miền Nam. Trong số 20 vùng đô thị đông dân nhất của Hoa Kỳ, các vùng đô thị như Dallas (hạng tư lớn nhất), Houston (hạng sáu), và Atlanta (hạng chín) cho thấy có con số gia tăng lớn nhất giữa năm 2000 và 2006 trong khi vùng đô thị Phoenix (hạng 13) phát triển con số lớn nhất về phần trăm dân số.
Năm thành phố có dân số đông nhất tại Hoa Kỳ (2006)[139][140] | |||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
Hạng | Thành phố |
Dân
số trong phạm vi thành phố |
Vùng đô thị | Miền[141] | |||
Dân số | hạng | ||||||
1 | Thành phố New York | 8.214.426 | 18.818.536 | 1 | đông bắc Hoa Kỳ | ||
2 | Los Angeles | 3.849.378 | 12.950.129 | 2 | Miền Tây Hoa Kỳ | ||
3 | Chicago | 2.833.321 | 9.505.748 | 3 | Trung Tây Hoa Kỳ | ||
4 | Houston | 2.144.491 | 5.539.949 | 6 | Miền Nam Hoa Kỳ | ||
5 | Phoenix | 1.512.986 | 4.039.182 | 13 | Miền Tây Hoa Kỳ |
Ngôn ngữ[sửa]
- Xem chi tiết: Ngôn ngữ tại Hoa Kỳ
Ngôn ngữ (2003)[142] | |
---|---|
Tiếng Anh (chỉ một) | 214,8 triệu |
Tiếng Tây Ban Nha | 29,7 triệu |
Tiếng Hoa | 2,2 triệu |
Tiếng Pháp (tính cả tiếng Creole) | 1,9 triệu |
Tiếng Tagalog | 1,3 triệu |
Tiếng Việt | 1,1 triệu |
Tiếng Đức | 1,1 triệu |
Mặc dù Hoa Kỳ không có ngôn ngữ chính thức ở cấp liên bang, nhưng tiếng Anh Mỹ (American English) là ngôn ngữ quốc gia.
Năm 2003, khoảng 215 triệu người hay 82 phần trăm dân số tuổi từ 5 trở lên nói chỉ tiếng Anh ở nhà. Tiếng Tây Ban Nha, có trên 10 phần trăm dân số nói ở nhà, là ngôn ngữ thông dụng thứ hai và được dạy rộng rãi như ngôn ngữ ngoại quốc.[142][143] Các di dân muốn nhập tịch phải biết tiếng Anh. Một số người Mỹ cổ vũ việc biến tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức của Hoa Kỳ vì nó là ngôn ngữ chính thức tại ít nhất 28 tiểu bang.[144] Cả tiếng Hawaii và tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại Hawaii theo luật tiểu bang.[145] Một số lãnh thổ vùng quốc hải cũng công nhận ngôn ngữ bản thổ của họ là ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Anh: Tiếng Samoa và tiếng Chamorro được Samoa thuộc Mỹ và Guam công nhận theo thứ tự trình bày; tiếng Caroline và tiếng Chamorro được Quần đảo Bắc Mariana công nhận; tiếng Tây Ban Nha là tiếng chính thức của Puerto Rico. Trong lúc cả hai tiểu bang này không có một tiếng chính thức nào, New Mexico có luật tạo phương tiện cho việc sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha như Louisiana làm vậy đối với tiếng Anh và tiếng Pháp.[146]
Tôn giáo[sửa]
- Xem chi tiết: Tôn giáo tại Hoa Kỳ
Chính phủ Hoa Kỳ không kiểm soát tín ngưỡng của người Mỹ.[147] Trong một cuộc thăm dò tư nhân thực hiện năm 2001, có khoảng 76,7% người Mỹ trưởng thành tự nhận mình là người theo Kitô giáo, giảm từ 86,4 phần trăm trong năm 1990. Các giáo phái Tin Lành chiếm 52 phần trăm trong khi Giáo hội Công giáo Rôma hiện là nhánh Kitô giáo độc lập lớn nhất, chiếm 24,5 phần trăm.[148] Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy người da trắng Tin Lành phái Phúc Âm (evangelical) chiếm 26,3% dân số; đây là nhóm đông nhất trong các giáo phái Tin Lành;[149] tổng số người theo Tin Lành phái Phúc Âm của tất cả các chủng tộc chiếm từ 30 tới 35%.[150] Tổng số người ngoài Kitô giáo theo số liệu năm 2007 là 4,7%, tăng từ 3,3% hồi năm 1990. Các tôn giáo không phải Kitô giáo là Do Thái giáo (1,4%), Hồi giáo (0,5%), Phật giáo (0,5%), Ấn Độ giáo (0,4%), và Phổ độ Nhất vị (Unitarian Universalism; 0,3%). Giữa năm 1990 và 2001, số người theo Hồi giáo và Phật giáo gia tăng gấp đôi. Năm 1990 có 8,2% và năm 2007 có 16,1% dân số tự nhận mình là người theo thuyết bất khả tri, thuyết vô thần, hoặc đơn giản không có tôn giáo,[148] vẫn tương đối ít hơn nhiều so với các quốc gia hậu công nghiệp như Vương quốc Anh (44%) và Thụy Điển (69%).[151]
Giáo dục[sửa]
- Xem chi tiết: Giáo dục Hoa Kỳ
Giáo dục công lập Hoa Kỳ do chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương đảm trách và do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ điều phối bằng những quy định hạn chế liên quan đến những khoản trợ giúp của liên bang. Ở hầu hết các tiểu bang, trẻ em từ sáu hoặc bảy tuổi bắt buộc phải đi học cho đến khi được 18 tuổi; một vài tiểu bang cho phép học sinh thôi học ở tuổi 16 hay 17.[152] Khoảng 12 phần trăm trẻ em ghi danh học tại các trường tư thục thế tục hay mang tính chất tôn giáo. Chỉ có khoảng hơn 2 phần trăm trẻ em học ở nhà.[153] Hoa Kỳ có nhiều trường đại học và viện đại học tư thục và công lập nổi tiếng và có chính sách tuyển chọn sinh viên khắt khe, nhưng cũng có các trường đại học cộng đồng ở địa phương cho phép sinh viên tự do ghi danh vào học. Trong số những người Mỹ tuổi từ 25 trở lên, 84,6 phần trăm tốt nghiệp trung học, 52,6 phần trăm có theo học đại học, 27,2 phần trăm có bằng đại học, và 9,6 phần trăm có bằng sau đại học.[154] Tỉ lệ biết đọc biết viết ở mức cơ bản là khoảng 99 phần trăm.[121][155] Liên Hiệp Quốc đánh giá Hoa Kỳ có chỉ số giáo dục là 0.97, đứng thứ 12 trên thế giới.[156]
Y tế[sửa]
Tuổi thọ trung bình của người Mỹ là 77,8 tuổi,[157] ngắn hơn con số tính chung của Tây Âu 1 năm, ngắn hơn Na Uy 3 năm và ngắn hơn Thụy Sĩ bốn năm.[158] Hơn hai thập niên qua, thứ hạng về tuổi thọ trung bình của quốc gia đã giảm từ hạng 11 xuống hạng 42 của thế giới.[159] Tỉ lệ chết của trẻ sơ sinh là 6,37 trên một ngàn trẻ, đặt Hoa Kỳ hạng thứ 42 trong 221 quốc gia, đứng sau tất cả các nước Tây Âu.[160] Khoảng 1/3 dân số trưởng thành béo phì và thêm 1/3 có trọng lượng cân quá khổ;[161] tỉ lệ béo phì là cao nhất trong thế giới kỹ nghệ hóa đã tăng gấp đôi trong 1/4 thế kỷ qua.[162] Bệnh tiểu đường loại 2 có liên quan đến béo phì là căn bệnh thế kỷ đáng quan ngại đối với các nhà chăm sóc sức khỏe nghiệp vụ.[163]
Tỉ lệ có thai ở tuổi vị thành niên là 79,8 mỗi 1.000 phụ nữ thì cao gấp bốn lần so với Pháp và năm lần so với Đức.[164] Việc phá thai tại Hoa Kỳ là một nguồn tạo ra tranh cãi chính trị sôi động. Nhiều tiểu bang cấm dùng công quỹ vào việc phá thai và có luật hạn chế việc phá thai vào thời kỳ sắp sinh nở, bắt buộc thông báo cho cha mẹ của trẻ vị thành niên muốn phá thai, và cưỡng bách một thời kỳ chờ đợi trước khi tiến hành phá thai. Trong khi việc phá thai có giảm sút, tỉ lệ phá thai tại Hoa Kỳ 241 vụ trên 1.000 trẻ sinh ra đời và tỉ lệ 15 vụ trên 1.000 phụ nữ tuổi từ 15–44 thì vẫn còn cao hơn so với đa số các quốc gia Tây Âu.[165]
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ vượt mức chi tiêu bất cứ quốc gia nào khác, tính theo cả số chi tiêu cho mỗi đầu người và phần trăm GDP.[166] Không như đa số các quốc gia phát triển khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ không hoàn toàn là công ích, thay vào đó nó dựa vào tiền chi trả của cả công cộng và tư nhân. Năm 2004, bảo hiểm tư nhân đã trả khoảng 36% chi tiêu về sức khỏe cho cá nhân, tiền túi của bệnh nhân chiếm 15%, và các Chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương trả khoảng 44%.[167]
Chi phí y tế ở Mỹ nhìn chung là rất cao, một đợt khám bệnh nhẹ cũng có thể phải trả hàng trăm USD, bệnh nặng điều trị dài ngày có thể tốn kém hàng trăm ngàn USD. Chi phí y tế quá cao là lý do thông thường nhất khiến cá nhân, hộ gia đình lâm vào cảnh phá sản tại Hoa Kỳ.[168]
Mỹ là một quốc gia phát triển nhưng không có một nền bảo hiểm y tế phổ cập toàn dân. Người dân Mỹ phải đóng bảo hiểm y tế cao hơn dân Canada tới 14 lần (tức là tới gần 11.000 USD/năm). Cũng có loại bảo hiểm rẻ hơn, khoảng 3.000 USD/năm cho một người còn trẻ, khỏe mạnh và không tiền sử bệnh nghiêm trọng, nhưng loại bảo hiểm đó chỉ chi trả phần nào cho những lúc ốm nặng, còn bệnh nhẹ thì người bệnh phải tự trả tiền. Những gia đình có thu nhập trung bình thấp ở Mỹ sẽ không thể có đủ tiền mua bảo hiểm y tế. Năm 2005, 46,6 triệu người Mỹ hay 15,9% dân số không có bảo hiểm y tế, 5,4 triệu người hơn so với năm 2001. Nguyên nhân chính con số người không có bảo hiểm y tế gia tăng là vì số người Mỹ có bảo hiểm do công ty nơi họ làm việc bảo trợ giảm từ 62,6% năm 2001 xuống còn 59,5% năm 2005.[89] Khoảng 1/3 số người không bảo hiểm y tế sống trong các hộ gia đình có lợi tức hàng năm trên 50.000 đôla, phân nửa số hộ gia đình đó có lợi tức trên 75.000 đô la.[86] Một phần ba số người khác có tiêu chuẩn nhưng không đăng ký xin bảo hiểm y tế công cộng.[169]
Năm 2006, Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên yêu cầu phải có bảo hiểm y tế;[170] California đang xem xét một luật tương tự.[171]
Tội phạm và hình phạt[sửa]
Thi hành luật pháp tại Hoa Kỳ là trách nhiệm chính yếu của cảnh sát địa phương và sở cảnh sát quận, với sự trợ giúp rộng lớn hơn của cảnh sát tiểu bang. Các cơ quan Liên bang như Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cục Bảo vệ Tòa án Hoa Kỳ (United States Marshals Service) có những nhiệm vụ đặc biệt. Ở cấp liên bang, và gần như ở mọi tiểu bang, pháp chế đều dựa vào một hệ thống luật phổ thông. Các tòa án tiểu bang thi hành đa số các vụ xử án hình sự; các tòa án liên bang nhận thụ lý một số tội ác đã được quy định nào đó cũng như các vụ chống án từ các hệ thống tòa tiểu bang.
So với các quốc gia trong Liên hiệp châu Âu và Khối thịnh vượng chung, Hoa Kỳ có một tỉ lệ tội phạm tính chung là trung bình.[172] Trong số các quốc gia phát triển, Hoa Kỳ có mức độ tội phạm bạo lực trên trung bình và đặc biệt có mức độ cao về bạo lực do súng gây ra và hành động giết người.[173] Năm 2005, có 56 vụ giết người trên con số 1 triệu cư dân, so với 10 tại Đức[174] và 19 tại Canada.[175] Tỉ lệ các vụ giết người tại Hoa Kỳ giảm 36 phần trăm từ năm 1986 đến 2000 và gần như không đổi kể từ đó.[176] Một số học giả quy kết tỉ lệ cao các vụ giết người có liên quan đến tỉ lệ cao số người sở hữu súng ở Hoa Kỳ, và sau đó là có liên quan đến luật sở hữu súng của Hoa Kỳ, rất dễ dàng được phép sở hữu súng nếu so với các nước phát triển khác.[177]
Hoa Kỳ có tỉ lệ người bị tống giam có lập hồ sơ[178] và tổng dân số tù nhân cao nhất[179] trên thế giới và hơn xa các con số cao nhất trong các quốc gia phát triển dân chủ: năm 2006, 750 trong mỗi 100.000 người Mỹ bị tù trong năm đó, hơn ba lần con số tại Ba Lan, quốc gia thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) có tỉ lệ cao nhất kế tiếp.[180] Tỉ lệ hiện tại của Hoa Kỳ gần như cao gấp 5 lần rưỡi con số năm 1980 là 139 mỗi 100.000 người.[181] Đàn ông người Mỹ gốc châu Phi bị tù có tỉ lệ gấp 6 lần tỉ lệ của đàn ông da trắng và ba lần so với tỉ lệ của đàn ông nói tiếng Tây Ban Nha. Tỉ lệ bị cầm tù vượt mức của Hoa Kỳ phần lớn là do những thay đổi trong việc xử phạt và những chính sách chống chất ma túy.[182] Mặc dù hình phạt xử tử đã bị xóa bỏ tại phần lớn các quốc gia Tây phương, nó vẫn còn tồn tại ở Hoa Kỳ đối với một số tội liên bang và quân sự nào đó, và ở tại 38 tiểu bang. Từ khi hình phạt tử hình được phục hồi vào năm 1976, đã có trên 1.000 vụ xử tử tại Hoa Kỳ.[183] Năm 2006, Hoa Kỳ đứng thứ 6 về số vụ xử tử cao nhất trên thế giới sau Trung Quốc, Iran, Pakistan, Iraq, và Sudan.[184]
Nước Mỹ hiện cũng có 32/51 bang có áp dụng hình phạt Tử hình.[185] Bên cạnh đó, nước Mỹ còn có những án tù ngang bằng với vô số án chung thân kỷ lục trong lịch sử tư pháp hiện đại.[186]
Văn hóa[sửa]
- Xem chi tiết: Văn hóa Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một quốc gia đa văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều nhóm đa dạng chủng tộc, truyền thống, và giá trị.[98] Nói đến văn hóa chung của đa số người Mỹ là có ý nói đến "văn hóa đại chúng Mỹ." Đó là một nền văn hóa Tây phương phần lớn là sự đúc kết từ những truyền thống của các di dân từ Tây Âu, bắt đầu là các dân định cư người Hà Lan và người Anh trước tiên. Văn hóa Đức, Ireland, và Scotland cũng có nhiều ảnh hưởng. Một số truyền thống của người bản thổ Mỹ và nhiều đặc điểm văn hóa của người nô lệ Tây Phi châu được hấp thụ vào đại chúng người Mỹ.[187] Sự mở rộng biên cương về phía tây đã đưa người Mỹ tiếp xúc gần đến nền văn hóa Mexico, và sự di dân mức độ lớn trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 từ Nam Âu và Đông Âu đã mang đến thêm nhiều yếu tố văn hóa mới. Sự di dân gần đây hơn từ châu Á và đặc biệt là từ châu Mỹ Latinh có nhiều ảnh hưởng rộng lớn. Kết quả sự trộn lẫn các nền văn hóa lại với nhau có thể có đặc tính như là một cái nồi súp nấu chảy mọi thứ văn hóa thành một thứ văn hóa chung mà người Mỹ thường gọi từ xưa đến nay là melting pot, hay là một khái niệm mới salad bowl là một tô xà-lách trộn có đủ thứ rau, gia vị mà trong đó những người di dân và con cháu của họ vẫn giữ các đặc tính văn hóa riêng biệt của mình.
Trong khi văn hóa Mỹ xác định rằng Hoa Kỳ là một xã hội không giai cấp,[188] các nhà kinh tế và xã hội đã nhận dạng ra sự khác biệt văn hóa giữa các giai cấp xã hội của Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng đến xã hội hóa, ngôn ngữ, và các giá trị.[189] Giai cấp nghiệp vụ và trung lưu Mỹ đã và đang là nguồn của nhiều chiều hướng thay đổi xã hội cận đại như chủ nghĩa bình đẳng nam nữ, chủ nghĩa bảo vệ môi trường, và chủ nghĩa đa văn hóa.[190] Sự tự nhận thức về bản thân, quan điểm xã hội, và những trông mong về văn hóa của người Mỹ có liên hệ với nghề nghiệp của họ tới một cấp độ cận kề khác thường.[191] Trong khi người Mỹ có chiều hướng quá coi trọng sự thành đạt về kinh tế xã hội nhưng nếu là một người bình thường hoặc trung bình thông thường cũng được xem là một thuộc tính tích cực.[192] Phụ nữ, trước đây chỉ hạn chế với vai trò nội trợ, bây giờ hầu hết làm việc bên ngoài và là nhóm đa số lấy được bằng cử nhân.[193] Vai trò thay đổi của phụ nữ cũng đã làm thay đổi gia đình Mỹ. Năm 2005, số hộ gia đình chỉ có một người chiếm 30 phần trăm tổng số hộ gia đình; nhiều cặp vợ chồng không có con là chuyện bình thường với tỉ lệ 28 phần trăm. Việc nới rộng quyền kết hôn cho những người đồng tính luyến ái là một vấn đề gây tranh luận, các tiểu bang cấp tiến cho phép sống chung giữa những người đồng tính (civil union) và những tiểu bang phía bắc như Massachusetts,Vermont,Iowa,Connecticut,Maine và New Hampshire vừa qua đã hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.Tiểu bang California cũng đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào tháng 4 năm 2008,nhưng sau đó những người đồng tính lại bị tước quyền kết hôn sau khi Dự Luật 8 được ban hành vào tháng 11 năm 2008.[194]
Truyền thông đại chúng[sửa]
- Xem chi tiết: Điện ảnh Hoa Kỳ
Năm 1878, Eadweard Muybridge đã chứng minh khả năng của thuật nhiếp ảnh có thể chụp được ảnh di động. Năm 1894, triển lãm hình ảnh di động thương mại đầu tiên của thế giới được trình diễn tại thành phố New York, sử dụng máy ảnh của Thomas Edison chế tạo. Năm sau đó người ta thấy phim thương mại đầu tiên được chiếu trên màn bạc, cũng tại New York, và Hoa Kỳ luôn đi đầu trong việc phát triển phim có tiếng nói trong những thập niên sau đó. Từ đầu thế kỷ 20, công nghệ phim ảnh của Hoa Kỳ phần lớn có trung tâm trong và xung quanh khu Hollywood thuộc thành phố Los Angeles, California. Đạo diễn D. W. Griffith là trung tâm của việc phát triển các qui cách làm phim dựng phim và bộ phim Citizen Kane (1941) của Đạo diễn Orson Welles luôn được bình chọn như là một bộ phim vĩ đại nhất của mọi thời đại.[195] Các diễn viên điện ảnh như John Wayne và Marilyn Monroe đã trở thành những khuôn mặt biểu tượng trong khi đó nhà sản xuất phim kiêm kinh doanh Walt Disney là một người đi đầu trong cả lĩnh vực phim hoạt họa và dùng phim ảnh để quảng cáo các sản phẩm. Các phim trường chính của Hollywood là nơi chính yếu sản xuất ra các bộ phim thương mại thành công nhất trên thế giới như Star Wars (1977) và Titanic (1997), và các sản phẩm của Hollywood ngày nay chiếm lĩnh công nghệ điện ảnh thế giới.[196]
Người Mỹ là những người nghiện xem truyền hình nhất trên thế giới,[197] và thời gian trung bình dành cho xem truyền hình tiếp tục tăng cao, lên đến 5 giờ mỗi ngày vào năm 2006.[198] Tất cả bốn hệ thống truyền hình lớn là thuộc truyền hình thương mại. Người Mỹ lắng nghe chương trình radio, phần lớn cũng là thương mại hoá, trung bình là trên 2 tiếng rưỡi một ngày.[199] Ngoài các cổng trang mạng (web portal) và trang tìm kiếm trên mạng (search engine), các trang mạng phổ thông nhất là eBay, MySpace, Amazon.com, The New York Times, và Apple.[200] Mười hai triệu người Mỹ viết blog.[201]
Loại nhạc có nhịp điệu và trữ tình của người Mỹ gốc châu Phi nói chung đã ảnh hưởng sâu đậm âm nhạc Mỹ, làm cho nó khác biệt với âm nhạc truyền thống châu Âu. Những làn điệu từ nhạc cổ truyền như nhạc blues và loại nhạc mà bây giờ được biết như là old-time music đã được thu thập và đưa vào trong âm nhạc bình dân mà được thưởng thức khắp nơi trên thế giới. Nhạc Jazz được phát triển bởi những nhà sáng tạo âm nhạc như Louis Armstrong và Duke Ellington đầu thế kỷ 20. Nhạc đồng quê, rhythm and blues, và rock and roll xuất hiện giữa thập niên 1920 và thập niên 1950. Những sáng tạo mới gần đây của người Mỹ gồm có funk và hip hop. Những ngôi sao nhạc pop của Mỹ như Michael Jackson được mệnh danh là "Ông hoàng nhạc pop", Madonna được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc pop", và còn nhiều ca sĩ khác nữa đã trở thành những huyền thoại âm nhạc.
Văn chương, triết học, và nghệ thuật[sửa]
- Xem chi tiết: Văn chương Hoa Kỳ
Trong thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, văn chương và nghệ thuật Mỹ bị ảnh hưởng đậm nét của châu Âu. Những nhà văn như Nathaniel Hawthorne, Edgar Allan Poe, và Henry David Thoreau đã lập nên một nền văn chương Mỹ rõ rệt vào khoảng giữa thế kỷ 19. Mark Twain và nhà thơ Walt Whitman là những khuôn mặt lớn trong nửa cuối thế kỷ; Emily Dickinson, gần như không được biết đến trong suốt đời bà, đã được công nhận là nhà thơ quan trọng khác của Mỹ. Mười một công dân Hoa Kỳ đã đoạt được Giải Nobel Văn chương, gần đây nhất là Toni Morrison năm 1993. Ernest Hemingway, người đoạt giải Nobel năm 1954, thường được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.[202] Một tác phẩm được xem như cô đọng mọi khía cạnh cơ bản kinh nghiệm và đặc tính của quốc gia—như Moby-Dick (1851) của Herman Melville, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (1885) của đại văn hào Mark Twain, và Đại gia Gatsby (1925) của F. Scott Fitzgerald—có thể được tặng cho danh hiệu là "đại tiểu thuyết Mỹ." Các thể loại văn chương bình dân như văn chương miền Tây và tiểu thuyết tội phạm đã phát triển tại Hoa Kỳ.
Người theo thuyết tiên nghiệm do Ralph Waldo Emerson và Thoreau lãnh đạo đã thiết lập phong trào triết lý Mỹ chính yếu đầu tiên. Sau Nội chiến Hoa Kỳ, Charles Sanders Pierce và rồi William James và John Dewey là những người lãnh đạo trong việc phát triển chủ nghĩa thực dụng. Trong thế kỷ 20, công trình của Willard Van Orman Quine và Richard Rorty đã giúp đưa triết học phân tích đến tiền sảnh của các học viện Hoa Kỳ.
Về nghệ thuật thị giác, Trường phái Sông Hudson là một phong trào quan trọng giữa thế kỷ 19 theo truyền thống chủ nghĩa tự nhiên châu Âu. Chương trình Armory năm 1913 tại thành phố New York là một triển lãm nghệ thuật đương đại châu Âu đã gây cơn sốt đến công chúng và chuyển hóa cảnh tượng nghệ thuật Hoa Kỳ.[203] Georgia O'Keefe, Marsden Hartley, và những người khác đã thực nghiệm với những thể loại mới, mô tả một cảm xúc cá nhân cao độ. Những phong trào mỹ thuật chính như chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng của Jackson Pollack và Willem de Kooning và nghệ thuật văn hóa dân gian của Andy Warhol và Roy Lichtenstein đã phát triển rộng khắp Hoa Kỳ. Làn sóng chủ nghĩa hiện đại và sau đó là chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đã đưa các kiến trúc sư Mỹ như Frank Lloyd Wright, Philip Johnson, và Frank Gehry lên đỉnh cao trong lĩnh vực của họ.
Một trong những người lừng danh đầu tiên đề xướng thể loại kịch mới phôi phai của Mỹ là ông bầu P. T. Barnum. Ông khởi đầu điều hành một nhà hát ở hạ Manhattan năm 1841. Kịch đoàn Harrigan and Hart đã dàn dựng một loạt những vở nhạc hài kịch thu hút đông công chúng tại New York bắt đầu vào cuối thập niên 1870. Trong thế kỷ 20, hình thức nhạc hiện đại đã xuất hiện trên Sân khấu Broadway nơi mà các bản nhạc của các nhà soạn nhạc như Irving Berlin, Cole Porter, và Stephen Sondheim đã trở thành những tiêu chuẩn cho thể loại nhạc văn hóa dân gian. Nhà soạn kịch Eugene O'Neill đã đoạt được giải Nobel văn chương năm 1936; những nhà soạn kịch nổi danh khác của Hoa Kỳ còn có nhiều người đoạt Giải Pulitzer như Tennessee Williams, Edward Albee, và August Wilson.
Mặc dù bị coi nhẹ vào lúc đương thời, công trình của Charles Ives trong thập niên 1910 đã đưa ông lên thành một nhà soạn nhạc lớn đầu tiên của Hoa Kỳ về thể loại nhạc truyền thống cổ điển; những người tiếp bước theo sau như Henry Cowell và John Cage đã tạo được một bước tiến gần hơn trong việc sáng tác nhạc cổ điển có định dạng riêng của Mỹ. Aaron Copland và George Gershwin đã phát triển một thể loại nhạc cổ điển và bình dân tổng hợp riêng biệt của Mỹ. Các nhà biên đạo múa Isadora Duncan và Martha Graham là những khuôn mặt trung tâm trong việc sáng tạo ra khiêu vũ hiện đại; George Balanchine và Jerome Robbins là những người đi đầu về múa balê của thế kỷ 20. Hoa Kỳ từ lâu luôn đi đầu trong lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại với những nhà nhiếp ảnh như Alfred Steiglitz, Edward Steichen, Ansel Adams, và nhiều người khác. Truyện tranh nhiều kỳ trên báo gọi là comic strip và sách truyện tranh là hai thứ sáng tạo của người Mỹ. Superman hay "siêu nhân" trong tiếng Việt, đại anh hùng trong sách truyện tranh tinh hoa, đã trở thành hình tượng Mỹ.
Thực phẩm và quần áo[sửa]
Nghệ thuật nấu ăn đại chúng của Mỹ thì tương tự như của các quốc gia Tây phương. Lúa mì là loại ngũ cốc chính yếu. Ẩm thực truyền thống Mỹ sử dụng các loại vật liệu nấu ăn như gà tây, thịt nai đuôi trắng, khoai tây, khoai lang, bắp, bí rợ loại trái dài (squash), và xi-rô cây phong, là các loại thực phẩm được người bản thổ Mỹ và dân định cư xưa từ châu Âu đến chế biến. Thịt heo nấu theo phương pháp nấu chậm (Slow-cooked pork), thịt bò nướng, bánh thịt cua (crab cake), khoai tây thái mỏng từng miếng và chiên (potato chips), và bánh tròn nhỏ có những hạt sô cô la trộn lẫn gọi là chocolate chip cookie là những loại thực phẩm chính cống Mỹ. Thực phẩm chua của người nô lệ phi Châu, phổ biến khắp miền Nam và tại những nơi có người Mỹ gốc châu Phi. Gà chiên kết hợp với nghệ thuật ẩm thực truyền thống của người Mỹ gốc châu Phi và người Scotland là một món khoái khẩu quốc gia. Các món ăn mang tính biểu tượng của Mỹ như bánh nhân táo, pizza, hamburger, và hot dog là những món ăn đúc kết từ những phương thức chế thức ăn của đa dạng các di dân đến từ châu Âu. Loại thức ăn gọi là khoai tây chiên kiểu Pháp, các món Mexico như burritos và taco, pasta là có nguồn gốc từ Ý được mọi người khắp nơi thưởng thức.[204] Trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, lượng calorie mà người Mỹ trung bình ăn vào cơ thể tăng 24 phần trăm,[204] khi tỉ lệ số người Mỹ ăn thức ăn bên ngoài tăng từ 18 đến 32 phần trăm.[205] Ăn uống thường xuyên tại những nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald gần như có liên quan đến hiện tượng mà các nhà nghiên cứu của chính phủ gọi đó là "dịch bệnh béo phì."[206]
Người Mỹ thích uống cà phê hơn trà với khoảng hơn phân nửa dân số người lớn uống ít nhất một tách cà phê một ngày.[207] Các loại rượu Mỹ có Bourbon whiskey, Tennessee whiskey, applejack, và Rượu Rum Puerto Rico. Rượu martini là loại rượu trái cây đặc tính Mỹ.[208] Một người Mỹ trung bình tiêu thụ 81,6 lít bia mỗi năm.[209] Các loại bia nhẹ kiểu Mỹ mà điển hình là thương hiệu hàng đầu Budweiser nhẹ cả trong người và trong hương vị; Chủ nhân của Budweiser là Anheuser-Busch đang chiếm lĩnh 50 phần trăm thị trường bia quốc gia.[210] Trong những thập niên vừa qua, việc sản xuất và tiêu thụ rượu đã gia tăng đáng kể. Việc làm rượu hiện tại là một ngành công nghiệp hàng đầu tại California. Ngược với các truyền thống châu Âu, người Mỹ uống rượu trước bữa ăn, thay thế rượu trái cây khai vị.[211] Công nghiệp Hoa Kỳ phần lớn sản xuất ra đồ uống cho ăn sáng gồm có sữa và nước cam.[212] Các loại nước uống rất ngọt được ưa chuộng khắp nơi; các loại nước uống có đường chiếm 9 phần trăm lượng calorie tiêu thụ hàng ngày của một người Mỹ trung bình, gấp đôi tỉ lệ của 3 thập niên về trước.[206] Nhà sản xuất nước ngọt hàng đầu Coca-Cola là thương hiệu được công nhận nhất trên thế giới, đứng trước McDonald.[213]
Không kể đến kiểu quần áo nghiệp vụ chỉnh tề, thời trang Hoa Kỳ có tính trung hòa và thường là không nghi thức. Trong khi nguồn gốc văn hóa đa dạng của người Mỹ phản ánh trong cách ăn mặc, đặc biệt là các di dân vừa mới đến gần đây, Mũ cao bồi, giày cao bồi và áo khoác ngoài kiểu đi xe mô tô là hình tượng kiểu Mỹ đặc biệt. Quần áo Jeans rất phổ biến như quần áo lao động trong thập niên 1850 của thương nhân Levi Strauss, một di dân Đức tại San Francisco, đã được giới trẻ Mỹ tiếp nhận một thế kỷ sau đó. Hiện nay quần áo Jeans được mặc khắp nơi trên mọi lục địa bởi mọi giới và mọi giai cấp xã hội. Song song với việc sử dụng làm quần áo thông dụng được bày bán đầy ở các chợ, quần áo jeans có thể nói rằng là đóng góp chính yếu của văn hóa Mỹ vào thời trang thế giới.[214] Hoa Kỳ cũng là nơi đóng tổng hành dinh của nhiều nhãn hiệu thiết kế hàng đầu như Ralph Lauren và Calvin Klein.
Thể thao[sửa]
Từ cuối thế kỷ 19, bóng chày được xem là môn thể thao quốc gia; bóng bầu dục Mỹ, bóng rổ, và khúc côn cầu là ba môn thể thao đồng đội chuyên nghiệp khác của quốc gia. Bóng bầu dục Đại học và Bóng rổ Đại học cũng hấp dẫn nhiều khán giả. Hiện nay bóng bầu dục, tính theo một số khía cạnh, là môn thể thao có nhiều người xem nhất tại Hoa Kỳ.[215] Quyền Anh và đua ngựa trước đây là các môn thể thao cá nhân được nhiều người xem nhất nhưng nay đã phải chịu thua cho môn golf và đua xe hơi, đặc biệt là Hội đua xe NASCAR. Mặc dù bóng đá không phải là một môn thể thao chuyên nghiệp hàng đầu tại Hoa Kỳ, nó được giới trẻ và giới tài tử mọi lứa tuổi chơi khắp nơi. Tennis và các môn thể thao ngoài trời cũng được ưa chuộng.
Đa số các môn thể thao chính của Hoa Kỳ tiến hóa từ các môn tương tự của châu Âu. Tuy nhiên bóng rổ đã được Tiến sĩ James Naismith sáng tạo tại Springfield, Massachusetts năm 1891 và môn thể thao quen thuộc lacrosse là một môn thể thao của người bản thổ Mỹ, đã có từ trước thời thuộc địa. Về mặt thể thao cá nhân, môn lướt ván và môn lướt tuyết là những môn sáng tạo của Mỹ trong thế kỷ 20. Chúng có liên hệ với môn lướt sóng là một môn thể thao của người Hawaii có trước khi tiếp xúc với Tây phương. Tám lần Thế vận hội đã xảy ra ở Hoa Kỳ, bốn thế vận hội mùa hè và bốn thế vận hội mùa đông. Hoa Kỳ đã đoạt được 2.191 huy chương tổng cộng trong các kỳ Thế vận hội mùa hè, hơn bất cứ quốc gia nào,[216] và 216 trong các kỳ Thế vận hội mùa đông, đứng hạng hai nhiều nhất.[217] Một số vận động viên Mỹ đã trở thành lừng danh thế giới, đặc biệt là cầu thủ bóng chày Babe Ruth, võ sĩ Muhammad Ali, cầu thủ bóng rổ Michael Jordan, vận động viên bơi lội Michael Phelps và tay golf Tiger Woods.
Tiểu bang[sửa]
- Xem chi tiết: Tiểu bang Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một liên bang gồm 50 tiểu bang. Mười ba tiểu bang ban đầu là hậu thân của mười ba thuộc địa nổi loạn chống sự cai trị của Vương quốc Anh. Đa số các tiểu bang còn lại đã được thành lập từ những lãnh thổ chiếm được qua chiến tranh hay được chính phủ Hoa Kỳ mua lại. Ngoại trừ Vermont, Texas, và Hawaii; mỗi tiểu bang vừa kể xưa kia là một cộng hòa độc lập trước khi gia nhập vào liên bang. Trừ một khoảng thời gian tạm thời các tiểu bang miền nam ly khai trong Nội chiến Hoa Kỳ, con số tiểu bang của Hoa Kỳ chưa bao giờ bị thu nhỏ lại. Trong lịch sử Hoa Kỳ từ thời mới lập quốc, có ba tiểu bang được thành lập từ lãnh thổ của các tiểu bang đã tồn tại: Kentucky từ Virginia; Tennessee từ Bắc Carolina; và Maine từ Massachusetts. Tây Virginia tự tách ra khỏi Virginia trong Nội chiến Hoa Kỳ. Ngoài ra, các ranh giới tiểu bang phần lớn là không thay đổi; trừ vài lần chính duy nhất là Maryland và Virginia nhường một phần đất để thành lập Đặc khu Columbia (phần đất của Virginia sau đó được trả lại); một lần nhường đất của Georgia; và việc mở rộng tiểu bang Missouri và Nevada. Hawaii trở thành tiểu bang gần đây nhất là ngày 21 tháng 8 năm 1959.
Các tiểu bang bao phủ phần lớn lãnh thổ rộng lớn của Hoa Kỳ; các vùng khác được xem là lãnh thổ không thể bị chia cắt của quốc gia là Đặc khu Columbia, thủ đô của Hoa Kỳ; và Đảo Palmyra, một lãnh thổ chưa hợp nhất của Hoa Kỳ nhưng không có người ở trong Thái Bình Dương. 13 trong 14 lãnh thổ hiện tại của Hoa Kỳ chưa được hợp nhất chính thức vào Hoa Kỳ nên tình trạng chính trị có thể thay đổi trong tương lai (được phép độc lập, trở thành tiểu bang hay vẫn giữ nguyên tình trạng hiện tại). Thí dụ Puerto Rico đã từng được phép tiến hành trưng cầu dân ý để thay đổi tình trạng chính trị của lãnh thổ nhưng cuối cùng chọn giữ nguyên tình trạng hiện tại.
Bản mẫu:Bản đồ Hoa Kỳ với tên bang
Những ngày lễ liên bang[sửa]
Dưới đây là những ngày lễ liên bang tại Hoa Kỳ. Đa số các ngày lễ tại Hoa Kỳ được ấn định theo kiểu ngày trong tuần, khác kiểu ngày trong tháng mà người Việt quen dùng đến. Lấy ngày Lễ Tạ ơn để làm thí dụ thì ngày lễ rơi vào ngày thứ năm lần thứ tư trong tháng 11 (không phải thứ năm cuối cùng của tháng 11, thí dụ năm 2012 có đến 5 ngày thứ năm trong tháng 11). Có nghĩa là vào đầu tháng 11, ta đếm ngày thứ năm lần thứ nhất, ngày thứ năm lần thứ hai, ngày thứ năm lần thứ ba và ngày thứ năm lần thứ tư thì chính là ngày Lễ Tạ ơn.
Ngày | Lần | Tháng | Tên | Tên tiếng Việt | Chú giải |
---|---|---|---|---|---|
1 tháng 1 | - | - | New Year | Tết Dương lịch | Năm mới theo lịch Gregory |
Thứ Hai | đầu tiên | tháng 1 | Martin Luther King, Jr.'s Birthday | Sinh nhật Martin Luther King, Jr. | Một lãnh tụ phong trào dân quyền Mỹ |
Thứ Hai | thứ ba | tháng 2 | Presidents' Day | Lễ Tổng thống |
Tưởng
niệm
George
Washington và Abraham Lincoln. |
Thứ Hai | cuối cùng | tháng 5 | Memorial Day | Lễ Chiến sĩ Trận vong |
Tưởng
niệm
những
quân
nhân
đã
khuất khi đang phục vụ đất nước. |
4 tháng 7 | - | - | Independence Day | Lễ Độc lập Hoa Kỳ | Hoa Kỳ tuyên bố độc lập khỏi Đế quốc Anh |
Thứ hai | đầu tiên | tháng 9 | Labor Day | Lễ Lao động Mỹ | Thay thế Lễ Quốc tế Lao động 1 tháng 5. |
11 tháng 11 | - | - | Veterans' Day | Lễ Cựu chiến binh | Ghi ơn những người cựu chiến binh. |
Thứ năm | thứ tư | tháng 11 | Thanksgiving | Lễ Tạ ơn | Tạ ơn sau một vụ mùa thu hoạch. |
25 tháng 12 | - | - | Christmas | Lễ Giáng Sinh |
Mừng
sinh
nhật
chúa
Giêsu
và
cũng
là lễ thế tục mùa đông đối với mọi người. |
Chú thích[sửa]
- ↑ Adams, J.Q., and Pearlie Strother-Adams (2001). Dealing with Diversity. Chicago: Kendall/Hunt. ISBN 078728145X.
-
↑
Lỗi
chú
thích:
Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênIMF_GDP
- ↑ Dull, Jonathan R. (2003). "Diplomacy of the Revolution, to 1783," tr. 352, A Companion to the American Revolution, ấn bản của Jack P. Greene và J. R. Pole. Maiden, Mass.: Blackwell, các trang 352–361. ISBN 1405116749.
- ↑ 4,0 4,1 Carlisle, Rodney P.; Golson, J. Geoffrey (2007). Manifest Destiny and the Expansion of America. Turning Points in History Series. ABC-CLIO. tr. 238. ISBN 9781851098330. http://books.google.com/?id=ka6LxulZaEwC&vq=annexation&dq=territorial+expansion+United+States+%22manifest+destiny%22. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2013.
- ↑ Donald D. White, “The Frontiers”, The New York TImes. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2013.
- ↑ Maddison, Angus (2006). “Historical Statistics for the World Economy”. The Groningen Growth and Development Centre, Economics Department of the University of Groningen. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Cohen, Eliot A. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “History and the Hyperpower”. Foreign Affairs. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “The Charters of Freedom”. National Archives. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 美国概况, 新华网, truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2015.
- ↑ 望廈條約, 維基文庫, truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2015.
- ↑ NS. (Theo Công văn 2243/BNG-CM) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Thống nhất sử dụng tên gọi "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ"”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ Thành phố Hồ Chí Minh. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Hoàng Vũ, Nỗi ám ảnh đeo bám xứ cờ hoa, Quân đội nhân dân, truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2015.
- ↑ Một tài năng Việt ở xứ Cờ hoa, Dân Việt, truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2015.
- ↑ Preble, George Henry (1880) (en). History of the Flag of the United States of America (ấn bản 2 sửa đổi). Boston: A. Williams and Co.. tr. 298. //books.google.com/books?id=EAgoAAAAYAAJ&pg=PA298.
- ↑ Kwoh, Choong. “Curiosa Sinica”, Boston Courier, ngày 15 tháng 6 năm 1843. (Viết bằng en.)
- ↑ “Chinese Etymologies”, Kendall's Expositor, William Greer, số 14, ngày 27 tháng 6 năm 1843, trang 222. (Viết bằng en.)
- ↑ Thái Văn Kiểm. "The Twain Did Meet, First Contacts between Vietnam and the United States of America". Vietnam Culture Series No 5. Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục, 1961. tr 21
- ↑ Webste chính thức Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hoa Kỳ
- ↑ “World Factbook: Area Country Comparison Table”. Yahoo Education. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Benner, Susan (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Tackling Colorado's 14,000-Footers”. New York Times. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ O'Hanlon, Larry. “Supervolcano: What's Under Yellowstone?”. Discovery Channel. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Perkins, Sid (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Tornado Alley, USA”. Science News. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Morse, Larry E., et al.. “Native Vascular Plants”. Our Living Resources. U.S. Dept. of the Interior, National Biological Service. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Our Living Resources”. U.S. Dept. of the Interior, National Biological Service. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “National Park Service Announces Addition of Two New Units”. National Park Service (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Federal Land and Buildings Ownership”. Republican Study Committee (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Abuse of Trust: A Brief History of the Bush Administration’s Disastrous Oil and Gas Development Policies in the Rocky Mountain West”. Wilderness Society (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Vidal, John, and David Adam (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “China Overtakes US as World's Biggest CO2 Emitter”. Guardian. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “U.S. Faces International Pressure on Climate Change Policy”. Online NewsHour. PBS (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Peopling of Americas”. Smithsonian Institution, National Museum of Natural History (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Mann, Charles C. (2005). 1491: New Revelations of the Americas Before Columbus. New York: Knopf. ISBN 140004006X.
- ↑ “British Convicts Shipped to American Colonies”. American Historical Review 2. Smithsonian Institution, National Museum of Natural History (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “The United Empire Loyalists—An Overview”. Learn Quebec. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Morrison, Michael A. (1999). Slavery and the American West: The Eclipse of Manifest Destiny and the Coming of the Civil War. Chapel Hill: University of North Carolina Press, các trang 13–21. ISBN 0807847968.
- ↑ Michno, "Encyclopedia of Indian Wars" Index.
- ↑ Thornton, American Indian Holocaust, 48–49.
- ↑ In The Indian View: A Day Of "No Thanks" - Professor of Ethic Studies, University of Colorado, Sacramento Bee, 11-23-2000
- ↑ David Stannard (1992). American Holocaust: The Conquest of the New World, Oxford University Press, ISBN 0-19-508557-4. "During the course of four centuries - from the 1490s to the 1890s - Europeans and white Americans engaged in an unbroken string of genocide campaigns against the native peoples of the Americas." (p.147). "[It] was, far and away, the most massive act of genocide in the history of the world."(Prologue)
- ↑ “1860 Census”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Page 7 lists a total slave population of 3.953.760.
- ↑ De Rosa, Marshall L. (1997). The Politics of Dissolution: The Quest for a National Identity and the American Civil War. Edison, NJ: Transaction, p. 266. ISBN 1560003499.
- ↑ Spielvogel, Jackson J. (2005). Western Civilization: Volume II: Since 1500. Belmont, CA: Wadsworth, p. 708. ISBN 0534646042.
- ↑ Foner, Eric, and John A. Garraty (1991). The Reader's Companion to American History. New York: Houghton Mifflin, p. 576. ISBN 0395513723.
- ↑ McDuffie, Jerome, Gary Wayne Piggrem, and Steven E. Woodworth (2005). U.S. History Super Review. Piscataway, NJ: Research & Education Association, p. 418. ISBN 0738600709.
- ↑ “World War II By The Numbers”. National WWII Museum.Bản mẫu:Dead link Francis, David R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “More Costly than "The War to End All Wars"”. Christian Science Monitor. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “The United States and the Founding of the United Nations, tháng 8 năm 1941–tháng 10 năm 1945”. U.S. Dept. of State, Bureau of Public Affairs, Office of the Historian (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Pacific War Research Society (2006). Japan's Longest Day. New York: Oxford University Press. ISBN 4770028873.
- ↑ Rudolph, John L. (2002). Scientists in the Classroom: The Cold War Reconstruction of American Science Education. New York: Palgrave Macmillan, p. 1. ISBN 0312295715.
- ↑ Niskanen, William A.. “Reaganomics”. The Concise Encyclopedia of Economics. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Voyce, Bill (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Why the Expansion of the 1990's Lasted So Long”. Iowa Workforce Information Network. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Semple, Kirk (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Majority of Iraq Lawmakers Seek Timetable for U.S. Exit”. New York Times. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Rogers, David (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Democrats Push for Vote On Revised Iraq War Bill”. Wall Street Journal. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ http://www.globalresearch.ca/us-has-killed-more-than-20-million-people-in-37-victim-nations-since-world-war-ii/5492051
- ↑ Scheb, John M., and John M. Scheb II (2002). An Introduction to the American Legal System. Florence, KY: Delmar, p. 6. ISBN 0766827593.
- ↑ Raskin, James B. (2003). Overruling Democracy: The Supreme Court Vs. the American People. London and New York: Routledge, các trang 36–38. ISBN 0415934397.
- ↑ “US Electoral College: Historical Election Results”. Cục Lưu trữ và Văn thư Quốc gia. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “The Associated Press Poll Conducted by Ipsos Public Affairs/Project #81-5681-13”. Ipsos Public Affairs (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Number of Democrats Falls to New Low, Republicans Decline Too”. Rasmussen Reports (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Table 2: Aliens From Countries That Sponsor Terrorism Who Were Ordered Removed—1 tháng 10 năm 2000 through 31 tháng 12 năm 2001”. U.S. Dept. of Justice (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Bản mẫu:Citeweb
- ↑ “Department of Defense Active Duty Military Personnel Strengths by Regional Area and by Country (309A)”. Global Policy Forum (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Department of Defense Base Structure Report, Fiscal Year 2005 Baseline”. Global Policy Forum. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Ikenberry, G. John (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Illusions of Empire: Defining the New American Order”. Foreign Affairs. Kreisler, Harry, and Chalmers Johnson (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Conversations with History”. University of California at Berkeley. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “The Fifteen Major Spender Countries in 2006”. Stockholm International Peace Research Institute (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Rank Order—Military Expenditures—Percent of GDP”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Global Military Spending Hits $1.2 Trillion: Study”. Reuters (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Iraq Coalition Casualties”. Iraq Coalition Casualty Count (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Rank Order—GDP (Purchasing Power Parity)”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “U.S. Top Trading Partners, 2006”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Table 1289. U.S. Exports and General Imports by Selected SITC Commodity Groups: 2002 to 2005”. Statistical Abstract of the United States 2007. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Rank Order—Public Debt”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Bản mẫu:Citeweb
- ↑ “Table 726. Number of Returns, Receipts, and Net Income by Type of Business and Industry: 2003”. Statistical Abstract of the United States 2007. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Table 971. Gross Domestic Product in Manufacturing in Current and Real (2000) Dollars by Industry: 2000 to 2005 (2004)”. Statistical Abstract of the United States 2007. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Rank Order—Oil (Production)”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. “Rank Order—Oil (Consumption)”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Bản mẫu:Citeweb
- ↑ Bản mẫu:Citeweb Bản mẫu:Citeweb
- ↑ Bản mẫu:Citeweb
- ↑ 78,0 78,1 Bản mẫu:Citeweb
- ↑ Gumbel, Peter (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Escape from Tax Hell”. Time. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Labor Force and Earnings, 2005”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/us.html
- ↑ “Table 739. Establishments, Employees, and Payroll by Employment-Size Class and Industry: 2000 to 2003”. Statistical Abstract of the United States 2007. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Fuller, Thomas (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “In the East, Many EU Work Rules Don't Apply”. International Herald Tribune. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Dobbs, Lou (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Perils of Productivity”. U.S. News & World Report. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Highlights of Current Labour Market trends”. Key Indicators of the Labour Market Programme. International Labour Organization (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 86,0 86,1 86,2 “Income, Poverty, and Health Insurance Coverage in the United States: 2005”. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ (“Income 2005”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link)
- ↑ 88,0 88,1 88,2 88,3 “2005 American Community Survey: Data Profile Highlights”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 89,0 89,1 89,2 “Poverty Remains Higher, and Median Income for Non-Elderly Is Lower, Than When Recession Hit Bottom: Poor Performance Unprecedented for Four-Year Recovery Period”. Center for Budget and Policy Priorities (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “United States (Country Fact Sheet)”. Human Development Report 2006. United Nations Development Program. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Child Poverty in Perspective: An Overview of Child Well-Being in Rich Countries”. UNICEF (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Henderson, David R. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Rich—and Poor—Are Getting Richer”. Hoover Digest. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Shapiro, Isaac (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “New IRS Data Show Income Inequality Is Again on the Rise”. Center on Budget and Policy Priorities. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 94,0 94,1 94,2 Gilbert, Dennis (1998). The American Class Structure. Belmont, CA: Wadsworth. ISBN 0534505201.
- ↑ Johnston, David Cay (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Income Gap Is Widening, Data Shows”. New York Times. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Field Listing—Distribution of Family Income—Gini Index”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Greier, Peter (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Rich-Poor Gap Gaining Attention”. Christian Science Monitor. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. For an argument that there has been no sustained, significant increase in inequality since 1988, see Reynolds, Alan (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Income Distribution Heresies”. Cato Unbound. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 98,0 98,1 Thompson, William, and Joseph Hickey (2005). Society in Focus. Boston: Pearson. ISBN 020541365X.
- ↑ Williams, Brian, Stacey C. Sawyer, and Carl M. Wahlstrom (2005). Marriages, Families and Intimate Relationships. Boston: Pearson. ISBN 0205366740.
- ↑ Domhoff, G. William (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Table 4: Percentage of Wealth Held by the Top 10% of the Adult Population in Various Western Countries”. Power in America. University of California at Santa Cruz, Sociology Dept.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Kennickell, Arthur B. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Table11a: Amounts (Billions of 2004 Dollars) and Shares of Net Worth and Components Distributed by Net Worth Groups, 2004”. Currents and Undercurrents: Changes in the Distribution of Wealth, 1989–2004. Federal Reserve Board. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Research and Development (R&D) Expenditures by Source and Objective: 1970 to 2004”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ MacLeod, Donald (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Britain Second in World Research Rankings”. Guardian. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Benedetti, François (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “100 Years Ago, the Dream of Icarus Became Reality”. Fédération Aéronautique Internationale (FAI). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Media Statistics > Televisions (per capita) by Country”. NationMaster (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Media Statistics > Personal Computers (per capita) by Country”. NationMaster (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Media Statistics > Radios (per capita) by Country”. NationMaster (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Download 2007 Digital Fact Pack”. Advertising Age (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “ISAAA Brief 35-2006: Executive Summary—Global Status of Commercialized Biotech/GM Crops: 2006”. International Service for the Acquisition of Agri-Biotech Applications. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Lầu Năm Góc "nài nỉ" Thượng viện cho phép mua động cơ tên lửa Nga”. Báo An ninh Thủ đô. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Antares Upgrade Will Use RD-181s In Direct Buy From Energomash”. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Car Free Day 2006: Nearly One Car per Two Inhabitants in the EU25 in 2004”. Europa, Eurostat Press Office (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Household, Individual, and Vehicle Characteristics”. 2001 National Household Travel Survey. U.S. Dept. of Transportation, Bureau of Transportation Statistics. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Daily Passenger Travel”. 2001 National Household Travel Survey. U.S. Dept. of Transportation, Bureau of Transportation Statistics. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Intercity Passenger Rail: National Policy and Strategies Needed to Maximize Public Benefits from Federal Expenditures”. U.S. Government Accountability Office (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Renne, John L., and Jan S. Wells (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Emerging European-Style Planning in the United States: Transit-Oriented Development (p. 2)”. Rutgers, The State University of New Jersey. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Pucher, John, and Lewis Dijkstra (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Making Walking and Cycling Safer: Lessons from Europe”. Transportation Quarterly. Transportation Alternatives. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Scheduled Passengers Carried”. International Air Transport Association (IATA) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Passenger Traffic 2006 Final”. Airports Council International (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “U.S. Population Now 300 Million and Growing”. CNN (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Flinn, Ryan (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “U.S. Population Tops 300 Million on Immigrant Surge”. Bloomberg.com. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Passel, Jeffrey S. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “The Size and Characteristics of the Unauthorized Migrant Population in the U.S.”. Pew Hispanic Center. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “U.S. Population Hits 300 Million Mark”. MSNBC.com (Associated Press) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
-
↑
Lỗi
chú
thích:
Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênCIA_World_Factbook
- ↑ “European Union”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Rank Order—Birth Rate”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “United States: Top Ten Sending Countries, By Country of Birth, 1986 to 2006 (table available by menu selection)”. Migration Policy Institute (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 125,0 125,1 “Executive Summary: A Population Perspective of the United States”. Population Resource Center (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Ancestry 2000”. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Friedman, Michael Jay (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Minority Groups Now One-Third of U.S. Population”. U.S. Dept. of State, Bureau of International Information Programs. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Hispanic or Latino Origin by Specific Origin”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Statistics—Population & Economic Strength”. U.S. Hispanic Chamber of Commerce (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Foreign-Born Population Tops 34 Million, Census Bureau Estimates”. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Minority Population Tops 100 Million”. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Census Bureau Projects Tripling of Hispanic and Asian Populations in 50 Years; Non-Hispanic Whites May Drop To Half of Total Population”. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ 6 tháng 3 năm 2005.xls “California 2005 Population”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “New Mexico 2005 Population”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Hawaii 2005 Population”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Texas 2005 Population”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “District of Columbia 2005 Population”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “50 Fastest-Growing Metro Areas Concentrated in West and South”. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ 139,0 139,1 “Table 1: Population Estimates for the 25 Largest U.S. Cities Based on 1 tháng 7 năm 2006, Population Estimates: ngày 1 tháng 4 năm 2000 to 1 tháng 7 năm 2006”. 2005 Population Estimates. U.S. Census Bureau, Population Division (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ 140,0 140,1 “Table 2. Population Estimates for the 100 Most Populous Metropolitan Statistical Areas Based on 1 tháng 7 năm 2006, Population Estimates”. 2005 Population Estimates. U.S. Census Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Figure A–3. Census Regions, Census Divisions, and Their Constituent States”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 142,0 142,1 “Table 47—Languages Spoken at Home by Language: 2003”. Statistical Abstract of the United States 2006. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Foreign Language Enrollments in United States Institutions of Higher Learning”. MLA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Feder, Jody (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “English as the Official Language of the United States—Legal Background and Analysis of Legislation in the 110th Congress”. ILW.COM (Congressional Research Service). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “The Constitution of the State of Hawaii, Article XV, Section 4”. Hawaii Legislative Reference Bureau (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Dicker, Susan J. (2003). Languages in America: A Pluralist View. Clevedon, UK: Multilingual Matters. các trang 216, 220–25. ISBN 1853596515.
- ↑ “Religion”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 148,0 148,1 “American Religious Identification Survey”. CUNY Graduate Center (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. The study is referenced in the U.S. Census Bureau's Statistical Abstract of the United States. See Self-Described Religious Identification of Adult Population: 1990 and 2001Bản mẫu:Dead link.
- ↑ Green, John C.. “The American Religious Landscape and Political Attitudes: A Baseline for 2004”. University of Akron. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Eskridge, Larry (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “How Many Evangelicals Are There?”. Defining Evangelicalism. Wheaton College, Institute for the Study of American Evangelicals. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Studies on Agnostics and Atheists in Selected Countries”. Adherents.com. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Ages for Compulsory School Attendance...”. U.S. Dept. of Education, National Center for Education Statistics. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Statistics About Non-Public Education in the United States”. U.S. Dept. of Education, Office of Non-Public Education. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Educational Attainment in the United States: 2003”. U.S. Census Bureau. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ For more detail on U.S. literacy, see A First Look at the Literacy of America’s Adults in the 21st century, U.S. Department of Education (2003).
- ↑ “Human Development Indicators”. United Nations Development Programme, Human Development Reports (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Health, United States, 2006”. Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Health Statistics (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Eberstadt, Nicholas, and Hans Groth (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Healthy Old Europe”. International Herald Tribune. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ MacAskill, Ewen (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “US Tumbles Down the World Ratings List for Life Expectancy”. Guardian. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Rank Order—Infant Mortality Rate”. The World Factbook. CIA (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Prevalence of Overweight and Obesity Among Adults: United States, 2003–2004”. Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Health Statistics. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Schlosser, Eric (2002). Fast Food Nation. New York: Perennial. p. 240. ISBN 0060938455.
- ↑ “Fast Food, Central Nervous System Insulin Resistance, and Obesity”. Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology. American Heart Association (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Adolescent Sexual Health in Europe and the U.S.—Why the Difference?”. Advocates for Youth (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Strauss, Lilo T., et al. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Abortion Surveillance—United States, 2003”. MMWR. Centers for Disease Control, National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Division of Reproductive Health. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ OECD Health Data 2000: A Comparative Analysis of 29 Countries (Paris: OECD, 2000). See also “The U.S. Healthcare System: The Best in the World or Just the Most Expensive?”. University of Maine (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Health, United States, 2006”. Centers for Disease Control, National Center for Health Statistics. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Himmelstein, David U., et al. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Illness and Injury as Contributors to Bankruptcy”. Health Affairs. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Gardiner, Jill (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Momentum Grows on Health Care”. New York Sun. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Fahrenthold, David A. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Mass. Bill Requires Health Coverage”. Washington Post. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Gledhill, Lynda (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Assembly Approves Universal Health Care”. San Francisco Chronicle. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Barclay, Gordon, and Cynthia Tavares with Sally Kenny, Arsalaan Siddique, and Emma Wilby (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “International Comparisons of Criminal Justice Statistics 2001”. CrimeReduction.gov.uk. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Krug, E.G, K.E. Powell, and L.L. Dahlberg (1998). "Firearm-Related Deaths in the United States and 35 Other High- and Upper-Middle Income Countries". International Journal of Epidemiology 7: các trang 214–21. http://ije.oxfordjournals.org/cgi/content/abstract/27/2/214. “Seventh United Nations Survey on Crime Trends and the Operations of Criminal Justice Systems (1998–2000)”. United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “German Crime Data”. Bundeskriminalamt (BKA) (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Crime Statistics”. The Daily. Statistics Canada (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Crime in the United States 2005”. FBI (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Miller, Matthew, Deborah Azrael, and David Hemenway (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Rates of Household Firearm Ownership and Homicide Across US Regions and States, 1988–1997”. American Journal of Public Health. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Hepburn, Lisa M., and David Hemenway (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Firearm Availability and Homicide: A Review of the Literature”. Aggression and Violent Behavior. ScienceDirect. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “New Incarceration Figures: Thirty-Three Consecutive Years of Growth”. Sentencing Project (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Walmsley, Roy (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “World Prison Population List”. King's College London, International Centre for Prison Studies. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link For the latest detailed country data, see “Prison Brief for United States of America”. King's College London, International Centre for Prison Studies (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link There are reports that China's actual prison population and incarceration rate and North Korea's incarceration rate may exceed those of the United States. See Adams, Cecil (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Does the United States Lead the World in Prison Population?”. The Straight Dope. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Entire World—Prison Population Rates per 100,000 of the National Population”. King's College London, International Centre for Prison Studies (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “Incarceration Rate, 1980–2005”. U.S. Dept. of Justice, Bureau of Justice Statistics (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ “The Impact of the War on Drugs on U.S. Incarceration”. Human Rights Watch (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Executions in the United States in 2007”. Death Penalty Information Center. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Executions Around the World”. Death Penalty Information Center (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Án tử hình và các phương thức tử hình trên thế giới”.
- ↑ “Những án tù kỷ lục trong lịch sử tư pháp hiện đại”.
- ↑ Queralt, Magaly (2000). The Social Environment and Human Behavior: A Diversity Perspective. Boston: Allyn & Bacon, p. 83. ISBN 0023971916.
- ↑ Gutfield, Amon (2002). American Exceptionalism: The Effects of Plenty on the American Experience. Brighton and Portland: Sussex Academic Press. tr. 65. ISBN 1903900085.
- ↑ Vanneman, Reeve; Lynn Weber Cannon (1988). The American Perception of Class. Philadelphia, PA: Temple University Press. ISBN 0877225931. Zweig, Michael (2004). What's Class Got To Do With It, American Society in the Twenty-First Century. Ithaca, NY: Cornell University Press. ISBN 0801488990. “Effects of Social Class and Interactive Setting on Maternal Speech”. Education Resource Information Center. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Ehrenreich, Barbara (1989). Fear of Falling, The Inner Life of the Middle Class. New York: HarperCollins. ISBN 0060973331.
- ↑ Eichar, Douglas (1989). Occupation and Class Consciousness in America. Westport, CT: Greenwood Press. ISBN 0313261113.
- ↑ O'Keefe, Kevin (2005). The Average American. New York: PublicAffairs. ISBN 158648270X.
- ↑ “Women's Advances in Education”. Columbia University, Institute for Social and Economic Research and Policy (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Burge, Kathleen (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “SJC: Gay Marriage Legal in Mass.”. Boston Globe. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Pym, John, ed. (2000). Time Out phim Guide, 8th ed. London and New York: Penguin, các trang x–xi (top 100 poll conducted in 1995). ISBN 014028365X; Village Voice: 100 Best Films of the 20th century (2001). Filmsite.org; Sight and Sound Top Ten Poll 2002. BFI. Truy cập 19 tháng 6, 2007.
- ↑ “World Culture Report 2000 Calls for Preservation of Intangible Cultural Heritage”. UNESCO (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. “Summary: Does Globalization Thwart Cultural Diversity?”. World Bank Group. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Media Statistics > Television Viewing by Country”. NationMaster. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Broadband and Media Consumption”. eMarketer (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “TV Fans Spill into Web Sites”. eMarketer (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Digital Fact Pack 2007 (các trang 18–20)”. Advertising Age (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Digital Fact Pack 2007 (các trang 21)”. Advertising Age (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Meyers, Jeffrey (1999). Hemingway: A Biography. New York: Da Capo, p. 139. ISBN 0306808900.
- ↑ Brown, Milton W. (1988 [1963]). The Story of the Armory Show. New York: Abbeville. ISBN 0896597954.
- ↑ 204,0 204,1 Klapthor, James N. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “What, When, and Where Americans Eat in 2003”. Institute of Food Technologists. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Let's Eat Out: Americans Weigh Taste, Convenience, and Nutrition”. U.S. Dept. of Agriculture. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 206,0 206,1 “Fast Food, Central Nervous System Insulin Resistance, and Obesity”. Arteriosclerosis, Thrombosis, and Vascular Biology. American Heart Association (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “Coffee Today”. Coffee Country. PBS (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Conrad, Barnaby (1995). The Martini: An Illustrated History of an American Classic. New York: Chronicle, p. 10. ISBN 1903900085.
- ↑ “Per Capita Beer Consumption by Country (2004)”. Kirin. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..Bản mẫu:Dead link
- ↑ Credeur, Mary Jane, and Amy Wilson (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Anheuser-Busch Hopes Imports Can Take It Back to Top”. International Herald Tribune. Bản chính lưu trữ Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ May, Danny (2004). The Only Wine Book You'll Ever Need. New York: Adams, p. 217. ISBN 1593371012.
- ↑ Smith, Andrew F. (2004). The Oxford Encyclopedia of Food and Drink in America. New York: Oxford University Press, các trang 131–32. ISBN 0195154371. Levenstein, Harvey (2003). Revolution at the Table: The Transformation of the American Diet. Berkeley, Los Angeles, and London: University of California Press, các trang 154–55. ISBN 0520234391.
- ↑ “Sony, LG, Wal-Mart among Most Extendible Brands”. Cheskin (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ Davis, Fred (1992). Fashion, Culture, and Identity. Chicago: University of Chicago Press, p. 69. ISBN 0226138097.
- ↑ Krane, David K. (Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.). “Professional Football Widens Its Lead Over Baseball as Nation's Favorite Sport”. Harris Interactive. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định.. Maccambridge, Michael (2004). America's Game: The Epic Story of How Pro Football Captured a Nation. New York: Random House. ISBN 0375504540.
- ↑ “All-Time Medal Standings, 1896–2004”. Information Please. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ “All-Time Medal Standings, 1924–2006”. Information Please. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
Liên kết ngoài[sửa]
- Bản mẫu:Britannica
- FirstGov – Website chính thức của chính phủ Hoa Kỳ
- White House (Nhà Trắng) – Website chính thức của Tổng thống Mỹ
- Senate.gov – Website chính thức của Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ
- House.gov – Website chính thức của Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ
- SCOTUS – Website chính thức của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ
- Miêu tả sinh động cho Hoa Kỳ – Xuất bản bởi Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, tháng 9 năm 1997.
- US Census Housing and Economic Statistics – Thống kê về nhà ở và kinh tế của Thống Kê Dân số Hoa Kỳ, cập nhật hoàn toàn bởi Cục Thống Kê Dân số Hoa Kỳ.
- Bản đồ Quốc gia Hoa Kỳ
- Mục từ cho Hoa Kỳ trong CIA World Factbook
- Bản đồ địa lý Hoa Kỳ
- US National Debt Clock
Bản mẫu:Các chủ đề Bản mẫu:Bắc Mỹ Bản mẫu:Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Liên kết đến đây
- Câu chuyện về mốc tương
- Giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông trung học
- Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung
- Tìm lại dấu tay bị mất bằng công nghệ nano
- 2100 - nhiều vùng khí hậu trái đất sẽ biến mất
- Nhà ngôn ngữ học
- Danh sách ngôn ngữ theo tổng số người sử dụng
- Tiếng Việt
- Ngữ văn học
- Xương người tạo ra chất kiểm soát tiểu đường và béo phì
- Xem thêm liên kết đến trang này.